Một chuỗi phim gắn với dấu ấn một người đàn bà làm công việc của đàn ông: đạo diễn! Một giọng phụ nữ Sài Gòn hơi khàn, nhẹ bẫng và hiền hậu nghe qua điện thoại dễ hình dung như giọng của một người dành cả đời mình cho gia đình với bếp núc, con cái và những thú vui êm nhẹ của đàn bà. Tôi chưa từng chứng kiến chị ở hiện trường làm phim, nơi mà theo tôi, ở đó với vị trí đạo diễn bao giờ người ta cũng bộc lộ chính xác nhất con người thật mà giữa cuộc sống đời thường, người ta thường biết cách giấu đi... Tôi chỉ thấy chị sau những ngày ngã bệnh, chị đang phục hồi sức khỏe bằng những dự án điện ảnh là kịch bản phim, là sách, nhưng phong thái vẫn điềm tĩnh, bình thản lạ... chắc là luôn thế giữa Sài Gòn hay Paris.
***
Khái niệm nữ đạo diễn ít nhiều xa lạ với tôi dù ước mơ ban đầu khi thi vào trường điện ảnh khi tôi 17 tuổi là được trở thành đạo diễn phim. Khi người ta trẻ và ít hiểu biết, người ta thường chẳng sợ điều gì. Mâu thuẫn thay, càng trải nghiệm nhiều, càng có thêm tri thức và sự tự tin thì cái sự "không biết sợ" lại nhỏ hơn. Bởi vì thêm "biết" mà thêm "sợ"! Đoàn làm phim truyện nhựa với khổng lồ là nhân sự, máy móc, kinh phí cộng với những hoạt động chuyên biệt luôn là nỗi khao khát và "khiếp sợ" thực sự của chúng tôi khi học trong trường dạy làm phim. Sau bao năm làm nghề này, khát vọng của tôi đã nhỏ lại như biết lượng sức của mình, biết rằng trở thành nữ đạo diễn phim truyện còn cần nhiều thứ lắm, xa hơn cao hơn là một tấm lòng, một ước mơ và một sự trải nghiệm ít nhiều còn bao bọc.
Thế nên tôi không khỏi đầy ngập ngừng, đầy ngờ vực dù đã xem phim chị, đã nghe và đọc quá nhiều về chị, nữ đạo diễn Việt Linh. Nói thẳng ra rằng tôi đã sẵn lòng dọn tâm thức của mình để nghĩ có thể mình sắp phải tiếp cận với một người phụ nữ không còn là phụ nữ như những hình dung truyền thống của mình về phụ nữ Việt Nam. Để tôi sung sướng và hài lòng biết rằng mình đã nhầm. Còn hơn là một người phụ nữ, Việt Linh - dù đã sẵn lòng chọn cái nghề cần năng lực, sức mạnh như đàn ông thì vẫn đích thực lắm là một người đàn bà hiền hậu, đáng nể vì.
Đôi khi tôi cảm thấy muốn ngã quỵ
- Cuộc sống hiện tại của chị là ở hai nơi Pháp và Việt Nam, chị có thể kể về duyên cớ đã đưa chị đến sống ở Pháp, cuộc sống ấy có những điều gì ảnh hưởng sẽ làm chị thay đổi không? Về nghề nghiệp, về suy nghĩ và về những thói quen nữa?
"Năm 1991, nhân một lần đi dự Liên hoan phim ở Pháp, mình đã gặp và được người đồng cảm, và quyết định thành hôn. Từ năm 1992 đến nay mình bắt đầu cuộc sống phân thân giữa hai chốn đi-về: Làm việc ở Việt Nam mà gia đình ở Pháp. Ngoài một vài căng thẳng do phải bay đường dài thường xuyên, và sự lý thú được cọ xát với hai nền văn hóa thì cuộc sống đó không ảnh hưởng hoặc làm thay đổi mình nhiều, vì ông xã cũng là người Việt Nam, xuất thân trong một gia đình rất trọng văn hóa Việt Nam, do vậy dù sinh ra ở Pháp nhưng anh ấy rất thạo tiếng Việt, và đến bây giờ vẫn giữ quốc tịch Việt Nam".
- Khi ở trên hiện trường làm phim, chị là người như thế nào? Những kỷ niệm của chị mà chị rất nhớ ở một số phim đã làm?
"Tôi thường nói đùa với chồng tôi là nếu anh gặp tôi lần đầu tiên ở trường quay thì có lẽ anh đã... hoảng. Thật vậy, qua những hình ảnh được ghi lại và chính tôi cũng cảm nhận, thì khi làm phim tôi hoàn toàn là một... gã đàn ông, xấu xí! Còn nhớ khi làm phim Nơi bình yên chim hót, trông thấy tôi tóc ngắn, quần sọt, đứng hò hét trên mui xe tải, những người dân đứng xem đã hỏi nhau: đạo diễn là ông hay bà?!"
- Sống ở nước ngoài, quan hệ của chị với cộng đồng người Việt Nam bên đó như thế nào, nhất là cộng đồng làm phim? Chị có xem phim của các đạo diễn Việt kiều làm ở hải ngoại không? Nhận xét của chị về họ? Bởi thực tế cho thấy vẫn còn nhiều quy kết cho những đạo diễn Việt kiều làm phim về Việt Nam?
"Với những gì được xem, tôi thấy chúng ta có quyền lạc quan về lực lượng đạo diễn Việt kiều. Không phải tất cả nhưng phần lớn họ đều làm phim có nghề, chuyên nghiệp và tâm huyết. Chỉ cần thu thập thêm vốn sống, có kịch bản sâu sắc, thì lực lượng này sẽ cho ra những tác phẩm hay. Nếu để điện ảnh Việt Nam cạnh tranh cùng thế giới, đây là lực lượng đáng chờ đợi cùng với lớp trẻ trong nước".
- Một người phụ nữ làm đạo diễn, có những vui buồn cực khổ nào mà chị nhiều khi thấy ngã lòng, không muốn tiếp tục làm và có những hạnh phúc nào cảm thấy không gì thay đổi được những lựa chọn mà mình đã đi theo?
"Không chỉ ngã lòng mà đôi khi tôi cảm thấy sắp ngã quỵ nữa kia. Nhưng mà chỉ đôi khi thôi. Còn lại sung mãn, là hạnh phúc: hạnh phúc được làm nghề mình yêu thích, được nói tiếng nói công dân bằng nghệ thuật".
Tôi là con cá, Việt Nam là nước và Paris là không khí!
Tôi không xa lạ với khu tập thể bên hông Hãng phim Giải phóng này từ khi mới vào Sài Gòn, Việt Linh có một căn hộ nhỏ xinh khiêm nhường ở đó, căn phòng như tính cách của chủ nhân. Chị đang lo cho những tập sách tiếp theo của tủ sách điện ảnh ra mắt, tập sách đã góp vào số lượng sách điện ảnh vốn không nhiều ở Việt Nam 6 đầu sách mới, trong đó có những cuốn thực sự giá trị cao như 20 bài học điện ảnh (Hải Linh và Việt Linh dịch từ quyển "Những bài học điện ảnh" của nhà xuất bản Nouveau Monde) - cuốn sách mà dân làm phim Việt Nam chỉ mới nghe đến chứ chưa được đọc bằng tiếng mẹ đẻ.
- Chị làm phim chậm, vài năm mới làm một phim và thường là trong phim của chị cứ thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ với thân phận chua xót, cay đắng… Chị có đồng ý với nhận xét này không ạ?
"Làm chậm thì đúng, nhưng không phải phim nào cũng nói đến thân phận người phụ nữ. Thí dụ như Gánh xiếc rong là câu chuyện của một cậu bé, còn Chung cư vai chính là một ông lão. Tuy nhiên khi đã chủ ý nói đến thì đúng là các nhân vật nữ của tôi đều có số phận cay đắng, như trong Phiên tòa cần chánh án, trong Dấu ấn của quỷ, trong Mê Thảo - Thời vang bóng. Với tôi đó không phải là cái nhìn bi quan mà là cái nhìn, đúng hơn, thái độ chia sẻ..."
- Cuộc sống ở Pháp với chị là những gì mà chị - một người phụ nữ rất Việt Nam lại chấp nhận sống xa quê như thế? Có phải bởi những gì chị cần và gắn bó với tâm thế của một phụ nữ là người chồng, là con gái, là một mái ấm thực sự của mình - chị đã tìm được ở Paris?
"Có thể nói tôi đang có một gia đình hạnh phúc. Ở đó mọi người thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả con gái cũng biết yêu nghề của mẹ, hãnh diện về mẹ. Ngay từ nhỏ xíu cô bé đã cho phép mẹ vắng mặt triền miên... Để bù lại, tôi luôn cố gắng làm tốt thiên chức trong những khi đoàn tụ. Tôi nghĩ, khi mình có một cội rễ bền vững trong tiềm thức, trong ý thức, thì khoảng cách địa lý, văn hóa không phải là trở ngại lớn. Khi đã biết mình là ai thì mọi khác biệt chỉ làm cho cuộc sống thêm phong phú.Tôi hay ví mình là con cá, Việt Nam là nước, Paris là không khí. Cá không thể sống thiếu hai thứ đó".
- Chị tự giễu mình chỉ là kẻ tạm cư trên đất Pháp, ở Paris, kẻ tạm cư ấy thường trú tâm hồn của mình ở đâu ạ?
"Không chỉ tạm cư mà còn tạm cư hờ hững nữa kia. Đất Pháp, ngoài giá trị môi trường văn hóa mà tôi thích thú, ngoài hai con người mà tôi yêu thương thì chỉ là một nơi ở như mọi nơi con người có thể ở. Tất cả những gì gọi là quyến luyến, đau đáu với tôi là ở Việt Nam".
Khi ám ảnh dai dẳng, tôi muốn viết ra...
Không giống nhiều người làm nghệ thuật lớn tuổi khác, những phát ngôn của họ to tát và nhiều khi mang tính xoa đầu mà lớp hậu sinh như chúng tôi thường nói vụng sau lưng là đến gặp toàn phải nghe dạy dỗ…, đạo diễn Việt Linh đơn giản, và thoải mái khi thổ lộ "Chúng tôi bây giờ chỉ còn làm được những thứ chỉn chu chứ khó mà có gì đột phá được vì chúng tôi đã già, sức khỏe không như xưa. Đột phá bây giờ chắc phải trông vào giới trẻ thôi. Làm nhiều quá nhiều khi đuối, lại luôn không vì lợi ích kinh tế nên mời mọi người công tác cũng khó!". Nhưng cá tính chỉ thích lao đầu vào những khó khăn, xương xẩu của chị thì vẫn giữ nguyên. Như tủ sách điện ảnh mà chị theo đuổi, người cùng giúp chị, Phanxine đã nói đây là cuộc chơi đòi hỏi sự kiên nhẫn, thuộc về cá tính, rất hữu ích cho xã hội. May mắn, sách bán rất được dù đắt tiền. Nói là may mắn bởi biết rằng còn nhiều người Việt Nam mê điện ảnh và sẵn lòng "mở" cái đầu mình ra lắm, như các độc giả của tủ sách mà chị Việt Linh đang theo đuổi sẽ còn ra thêm nhiều đầu sách nữa vì sự tự tin rằng đã biết: có độc giả cho những cuốn sách này.
- Viết và làm phim, hai công việc ấy đem lại cho chị những cảm xúc khác nhau như thế nào? Nghề nào với chị nhọc nhằn hơn? Chị đọc sách nhiều hơn hay xem phim nhiều hơn ạ? Tác giả nào chị thích? Bộ phim nào ám ảnh chị nhiều nhất và bộ phim nào gần đây nhất gây được ấn tượng với chị?
"Viết báo, làm phim hay làm bất kỳ công việc nào khác với tôi đều giống nhau về ý nghĩa đóng góp cho xã hội. Mỗi bài viết với tôi, dù lĩnh vực nào, đều thể hiện cái nhìn. Ở chỗ này phim và báo giống nhau. Và đó là sự giống nhau căn bản để tôi thấy yêu thích cả hai công việc như nhau. Tôi thường bị ám ảnh bởi những bộ phim, những quyển sách... được ít người biết đến. Khi nào ám ảnh đó dai dẳng, tôi viết ra, kể lại với mọi người.... Thi thoảng bạn đọc được những bài viết về điện ảnh của tôi là vậy".
- Chị thuộc thế hệ làm phim trước, với rất nhiều những quan niệm, thói quen nghề nghiệp và cái nhìn dù hàn lâm nhưng vẫn là thế hệ trước. Ở tâm thế ấy, chị nhìn lớp trẻ Việt Nam làm phim hôm nay như thế nào ạ? Có những gương mặt đạo diễn nào chị tin tưởng và có ấn tượng về tài năng của họ?
"Ở câu hỏi trên tôi có nói là lạc quan về lớp trẻ. Phải lạc quan về họ, và chỉ có thể tin cậy vào họ, bởi vì họ có tất cả những ưu thế mà thế hệ chúng tôi, trước chúng tôi khiếm khuyết: kiến thức, sức khỏe, môi trường văn hóa rộng... Vấn đề là sách lược đào tạo, sách lược khai thác. Tôi không muốn nêu tên cụ thể, bởi sẽ thiếu sót. Chỉ biết họ khá đông, nhiều hơn hai bàn tay".
Khi ta biết mình đang đặt những bước chân đầu tiên sang bên kia bờ dốc cuộc đời!
- Chị có nghĩ về "bộ phim cuối cùng" của mình? Khi nào chị tin rằng mình sẽ không còn làm phim nữa? Về vật lý - là sức khỏe, là tuổi tác hay về tinh thần, là mệt mỏi tinh thần, là chán…?
Câu hỏi này không có câu trả lời, vì chị Việt Linh thấy nó buồn lắm, thế nên nó không phải là một câu hỏi, giống như cảm giác tôi đã đọc được những câu chữ ám ảnh của người-đàn-bà-làm-phim ấy: "Gió heo may. Một tác giả khả kính đã thi vị tuổi chớm già bằng hình ảnh gợi cảm và nên thơ như thế. Và cho dù tác phẩm đã cố tình đưa dẫn người đọc vào một không khí khôi hài duyên dáng, trầm tĩnh đến thư thới thì đối tượng của nó vẫn khó thể khuây khỏa cái xốn xang thầm kín, khi đã đặt những bước đầu tiên sang bên kia bờ dốc cuộc đời... Ta - buồn hơn gió heo may, không biết do cảm xúc hay do những khoảng lặng thường xuyên trong cuộc sống - vào một đêm thao thức vô cớ cùng với những hồi nhớ vô thức bỗng ngạc nhiên thấy quá khứ chợt trở về êm ả, trong trẻo như bức tranh mà trong đó những dấu vết đen tối hoặc biến mất, hoặc trở nên mờ nhạt. Bỗng ngạc nhiên thấy lòng thanh tĩnh khi nghĩ đến những biến cố, những gương mặt mà trước đó không lâu đã khiến ta dằn vặt, ai oán... Rồi cứ thế, nhiều đêm. Trong ta như xuất hiện một con người khác, một não trạng khác. Đôi khi trong tiềm thức của con người khác đó ta nghe thấy tiếng gọi rất thầm nhưng mãnh liệt: "Ta ơi, người ơi! Đừng hờn dỗi, đừng ghen ghét nữa. Cuộc sống chẳng còn bao..." ... Nếu như chỉ lúc này đây ta mới chợt bình tâm, biết vượt thoát những ám ảnh đen tối trong quan hệ, trong hành xử…, thì âu cái tuổi heo may cũng đáng quý, đáng yêu như bước ngoặt của một trang đời mới. Nghĩ thế chăng mà lòng bỗng nhiên thanh thản, khi phải nhìn lại những làn tóc trắng, khi phải thêm một lần nghe tiếng thời gian..."
Đến giờ nhìn lại những gì mình làm được, những gì đã qua, Việt Linh vẫn thấy khó tưởng tượng được, phụ nữ đúng là khó mà tồn tại trong nghề này. Mất đi những gì và có thêm được những gì ư? Quan niệm này cũng chỉ tương đối thôi. Khi Việt Linh là đạo diễn nhưng lại là đàn bà, theo đuổi các dự án phim đồng nghĩa với việc không được gần gũi chăm sóc con. Bù lại con gái chị vô cùng hạnh phúc khi thấy tác phẩm của mẹ được chiếu ở khắp nơi. Những mất mát có chăng chính là sự tiêu hao sức khỏe, quá nhiều cho một con người, và tiêu hao nhiệt huyết nữa. Thêm nỗi buồn của việc làm phim ra mà phim không được đến với công chúng một cách bình thường! Bây giờ thì Việt Linh đang ở Pháp với một cái hẹn về Việt Nam một ngày không xa, vì Việt Nam chưa bao giờ xa lạ với chị, để với Paris, dù yêu đấy, hiểu đấy nhưng vẫn biết mình chỉ là một kẻ tạm cư, kẻ tạm cư hờ hững mà thôi…
"Cái gì đang xảy ra? Ký ức già cỗi như chiếc túi nặng cần phải gạn bỏ những điều vô ích, và trong cuộc sàng lọc đó nó chỉ muốn giữ lại những điều tốt đẹp? Hay chính ta, dù chưa ‘tri thiên mệnh’ cũng ‘tri nhân luật’, rằng đời người dài, ngắn cuối cùng cũng phải kết thúc - một kết thúc hữu hạn mà càng đi gần tới nó ta càng ngộ ra cái lẽ vô thường của cuộc sống. Rằng mọi thứ sân si, ích kỷ rốt cuộc đều vô nghĩa, rốt cuộc con người chỉ nên nghĩ một điều đáng nghĩ: Ta sẽ để lại gì trên cõi nhân gian: tình yêu hay sự căm ghét?" (Việt Linh)