Album "Nhớ Huế" của Đinh Anh Dũng những năm 98 là một cú shock với bọn sinh viên học nghệ thuật chúng tôi thời đó. Vì ở Việt Nam gần như chưa thấy ai làm được một album ca nhạc có hồn đến vậy. Thỉnh thoảng ngang qua Sài Gòn, theo chân đồng nghiệp gặp anh. Một người đàn ông nhìn hiền, hay cười và trễ nải cuối mỗi bữa nhậu, ngoài cái tên đã thành thương hiệu: Đinh Anh Dũng, anh còn lại gì trong mắt mọi người?
***
Tôi đã thất vọng về đạo diễn Việt Nam lắm!
"Kính nhi viễn chi" mãi rồi cũng có một cái hẹn như ‘hai người lớn’ nói chuyện với nhau, nhân sự kiện anh là Tổng đạo diễn phần thi Hoa hậu trái đất ở Việt Nam. Tôi đòi phải thỏa thuận thẳng thắn với nhau nhé, vì tôi đã đọc các bài viết về anh trên báo, chẳng thích. Anh đương nhiên đồng ý để cho tôi vặn vẹo được xem thực ra ông Việt cộng trở thành Việt kiều rồi lại là Việt cộng này thế nào? Thế nên tôi bắt đầu bằng sự thắc mắc rằng sao anh cũng như vô số Việt kiều khác đi chán lại quay về Việt Nam làm phim, có phải là không đâu các anh có cơ hội như ở ‘quê mình’ không? Đinh Anh Dũng chưa bao giờ nghĩ mình là một Việt kiều, cũng như thành tâm tin khi làm một bộ phim nó phải từ trong máu thịt người ta, bộ phim ấy mới có thể hay được.
- Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, năm 94, tại sao anh lại đi Mỹ? Có nhiều người nói, dường như anh đã ảo tưởng vào một nền điện ảnh khác sẽ trọng dụng anh hơn là ở trong nước, thời điểm đó?
"Okie, có nhiều người đã hỏi tôi về chuyện này. Đúng là có nhiều lý do trong đó có rất nhiều lý do tương đối riêng tư. Nhưng thực sự đó là giai đoạn điện ảnh Việt Nam rất bế tắc. Những năm 90 ra một đợt phim mì ăn liền và tôi đã không tham gia vào dòng phim đó, tôi đứng bên lề. Năm 92 tôi là người đẻ ra dòng phim ca nhạc với Văn Cao, với Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Nhớ Hà Nội… Tôi là người chọn đạo diễn chứ không phải đạo diễn chọn tôi. Tôi đã thất vọng về đạo diễn Việt Nam lắm. Tôi có nói nếu có đạo diễn giỏi tôi sẽ chỉ đi làm quay phim thôi chứ không bao giờ cần phải trở thành một đạo diễn. Tôi thất vọng dù tôi đã làm gần như hết với các đạo diễn giỏi và nổi tiếng ở Việt Nam, cũng cộng thêm nhiều lý do và tôi đi".
- Tại sao ở nước mình quay phim - đạo diễn hay mâu thuẫn vậy?
"Các quay phim khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, tôi cố gắng hơn cả một quay phim. Từ ‘Gánh xiếc rong’, ‘Lương tâm bé bỏng’, ‘Xương rồng đen’… nếu bây giờ ngồi trước các đạo diễn tôi cũng có thể nói tôi đã làm cái gì cho họ thấy. Quay phim chạm vào tất cả các bộ phận, mà các bộ phận ở nước mình đều không chuyên nghiệp nhưng khi phim thành công rồi, các đạo diễn đều xưng ‘tôi’ chứ không phải là ‘chúng tôi’. Và em hãy ghi chính xác chữ này: Tôi khinh vì điều đó! Tôi khinh họ và tôi không muốn quay nữa. Một thằng quay phim làm vắt người ra nước, tiền không đủ mua một cái quần jeans! Thế mà lại còn bị hành xử như thế? Tại sao tôi phải tiếp tục làm? Dù tôi biết tôi cũng có nhiều tính xấu, chứ không phải là không đâu! Nhưng tôi vẫn cho chuyện xích mích với đạo diễn là chuyện bình thường. Chỉ có điều nên tôn trọng nhau. Tôi nghĩ một số đạo diễn Việt Nam chắc phải đi học lại tính tôn trọng đồng nghiệp, đi học để khi phát biểu đừng có vơ hết về mình".
Khi tiền quay phim không đủ mua một chiếc quần jeans
Đinh Anh Dũng đi nhưng nghĩ có thể về lại chứ không phải đi luôn. Xét cho cùng 10 năm anh Dũng đi, cũng biết thêm nhiều, cũng kiếm thêm được chút tiền vì hồi đó làm phim là không kiếm được tiền. Ít người biết Đinh Anh Dũng rất nổi tiếng thời đó nhưng phải sống bằng tiền chụp ảnh và quay đám ma đám cưới. Đó là những năm của thập niên 90, tiền cho quay phim của một phim hồi đó không đủ mua một cái quần jeans. Tất nhiên thời thế thay đổi, lớp quay phim sau anh đã lại có thể sống bằng nghề nhưng Đinh Anh Dũng thì chưa.
"Nghĩ lại cũng khó biết quyết định đi của mình đúng hay sai. Đơn giản thì mình đã sống, có vậy thôi. Có cái chọn lựa nào mà được cái này lại không mất cái kia, em nói cho tôi xem sao? Bây giờ ví dụ tôi đi một thời gian quay lại thì điện ảnh Việt Nam có thay đổi, có khác gì? Và em cũng đừng quên rằng tôi quyết định quay về từ phim ‘Gái nhảy’ của Lê Hoàng, tôi nhìn thấy một nền điện ảnh đang sống lại, em hiểu không? Có thể nó biến thái thành điện ảnh thị trường, nhưng không phải tôi cơ hội đâu nhé, không phải lúc khó khăn tôi bỏ đi rồi khi tốt đẹp tôi quay lại, không phải. Tôi muốn làm phim, tôi muốn được sống bằng cái khả năng của mình, tôi muốn được làm việc. Trong giai đoạn đó tôi không có cơ hội để làm việc".
Oliver Stone không làm phim ở Việt Nam đâu!
Trước khi Đinh Anh Dũng qua Mỹ thì một loạt các phim ca nhạc của anh đã qua đó rồi. Bởi vậy nên khi anh qua chưa đến 1 tháng họ đã đến mời anh cộng tác. Cũng có nhiều trung tâm muốn độc quyền nhưng anh thích tự do nên không nhận. Ban đầu Đinh Anh Dũng làm chỉ vì tiền rồi mới tìm hiểu việc làm phim ở Mỹ, thấy thực sự là khó khăn. Cứ thử tưởng tượng một người học ở đây, trưởng thành ở đây qua đó làm thì khó thế nào? Trong khi nhiều người Việt Nam lớn lên và học hành cũng như trưởng thành ở Mỹ mà còn chạy về đây làm thì huống chi là Đinh Anh Dũng? Hollywood là mảnh đất hứa và sự ao ước của bất kỳ ai muốn đến với điện ảnh.
"... Và sòng phẳng. Ở Việt Nam nhiều người được lên đạo diễn là nhờ quen biết là nhờ bưng bê, có nhiều đấy. Nhưng ở Mỹ không có chuyện đó. Ở Mỹ là credit. Trước khi em nói chuyện với ai em cũng phải cũng trình cho họ thấy em đã làm cái gì thì họ mới nói chuyện với em. Ai cũng vậy thôi. Bắt đầu bằng điện ảnh, các đạo diễn sẽ chọn cách dễ nhất. Tất nhiên là có người sẽ chẳng làm ở đây khi họ có cơ hội, tôi chỉ muốn nói với em rằng, hãy chọn cách dễ nhất để đi, và cách đó cũng chẳng phải là xấu".
- Oliver Stone đã không chọn Việt Nam để làm phim Pinkville, anh biết không?
"Tất nhiên, không bao giờ. Nếu tôi là Oliver Stone, em nghĩ sao? Tôi điên mà làm phim đó ở Việt Nam? Với Hollywood tiền không bao giờ là vấn đề. Tôi điên à? Oliver Stone cần gì ở đây? Ông ấy chỉ cần một cảm xúc. Và chấm hết. Một nơi quá chừng nhiêu khê về giấy tờ, quá chừng nhiêu khê về phép tắc, quá chừng nhiêu khê về thực hiện. Bây giờ em cứ tưởng tượng một cái phim như vậy, trực thăng ở đâu ra? Trong khi ở Phillipine, ở Thái Lan sẵn sàng đón ông ấy, bối cảnh có thể không Việt Nam lắm nhưng không đến nỗi. Khi tôi đọc báo, tôi đã nói với bạn bè cá một triệu ăn một ly nước rằng Oliver Stone không làm phim ở Việt Nam đâu, tôi cũng cá. Em sẽ hỏi ngược lại tôi rằng tại sao phim Điện Biên Phủ, phim Người tình và Đông Dương nữa lại phải làm ở đây chứ gì? Vì họ cần nhiều thứ Việt Nam ở trong phim mà không có nơi nào có. Người Pháp và người Mỹ khác nhau. Người Pháp làm phim ít tiền hơn người Mỹ, và những phim họ làm có quá nhiều thứ gắn với Việt Nam nên có khó khăn họ cũng phải làm cho bằng được. Trong khi Pinkville của Oliver Stone chỉ cần có một cái làng Mỹ Lai thôi! Một ngàn người Việt Nam mấy người thấy được Mỹ Lai? Nói về nghề nghiệp, bối cảnh cần là gì? Một đồng lúa một làng quê, quá nhiều nơi ở châu Á sẽ có được điều đó, em biết không? Đối với một người đạo diễn ở Hollywood, phim là trên hết. Khi Oliver Stone qua đây là còn vài tháng nữa bấm máy chứ gì? Trời, một năm chắc gì các thủ tục giấy tờ đã lo xong? Có ai nghĩ được là giúp một đạo diễn bậc thầy của thế giới đến Việt Nam làm phim là có một thế hệ làm phim của Việt Nam có thể học được ít nhiều? Không, chẳng có ai nghĩ đến điều đó hết!"
Những nghịch lý buồn: Trả tôi bao nhiêu tiền đây?
- Đạo diễn điện ảnh thì sẽ khác như thế nào so với đạo diễn phim ca nhạc, và sân khấu?
"Đạo diễn điện ảnh là người viết một cuốn tiểu thuyết, đạo diễn phim ca nhạc là người làm một bài thơ. Còn đạo diễn sân khấu cũng có sự hấp dẫn riêng của nó. Một đạo diễn điện ảnh khó mà nghe thấy tiếng vỗ tay với từng xen ưa thích kỳ công của mình, nhưng đạo diễn sân khấu thì ngày lập tức, và em nên hiểu đó cũng là một thứ doping! Một đạo diễn điện ảnh có thể làm lai rai, phim đi chiếu vẫn có thể quay thêm, edit lại, sân khấu diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ và không có cơ hội làm lại. Nếu một bộ phim là cuộc chạy marathon thì sân khấu như cuộc chạy 100m ấy".
- Anh có rất nhiều dự định với điện ảnh?
"Mà 10 năm rồi tôi chưa làm cái gì?"
- Vâng, tại sao, vì cái gì, 10 năm có đủ mọi thứ đã thay đổi, đã xảy ra, nhiều người đã biết chạy từ cái thuở anh biết họ đang bò. Anh vừa nói sợ 2, 3 năm nữa ngọn lửa đam mê này sẽ tắt…?
"Một thời gian dài tôi đã không có ý định làm phim như một đạo diễn. Tôi vẫn thích làm quay phim lắm. Nhưng có những cái nghịch lý buồn: hình như đạo diễn nào mời tôi họ cũng ngại. Trả tôi bao nhiêu tiền đây? Họ nói tôi có nghe không? Dù tôi hiểu tôi làm quay phim là tôi phải là quay phim. Tôi không bị áp lực bởi danh tiếng và tôi cũng không nghĩ đạo diễn cao hơn quay phim. Nhưng thực lòng phải thừa nhận, quay phim chỉ thể hiện được ý tưởng trong khuôn hình. Bây giờ nếu có một phim nào hay để quay, tôi quay ngay. Nhưng nhiều người họ đưa kịch bản cho tôi, tôi đọc xong tôi gặp họ hỏi: Tại sao anh làm phim này? Tiền thì ít, kịch bản thì không hay, vậy làm làm cái gì? Họ nói vì kịch bản và tiền đã được Nhà nước duyệt rồi. Em có thấy ngớ ngẩn không? Một câu trả lời như vậy, tôi vừa trách người nhận làm có thể họ thèm làm phim quá đi và tôi trách ngay cả người duyệt những bộ phim ngớ ngẩn ấy… Bây giờ em định làm một việc nào đó, em không kỳ vọng vào nó em có nên làm không? Đọc một kịch bản có hấp dẫn hay không giống gặp một cô gái vậy, hình thức thì không nói rồi nhưng mà tù mù mãi thì cưa cẩm làm chi cho nó mệt? Ngoài bắc gọi là mất thì giờ. Đúng không em?"
Tôi là cây bonsai có nhúm rễ quẩn quanh trong bọc nilon
- Mọi người cứ tiếc nuối anh, nói rằng giá như năm 1994 anh đừng đi thì bây giờ vị trí của anh đã khác?
"Trời, vậy em nghĩ tôi là gì bây giờ nếu không đi? Là nghệ sĩ ưu tú à? (cười phá lên) hay là gì? Để làm gì?"
- Anh có hiểu ý của tôi sau câu hỏi đó không?
"Nghĩa là gì? Nghĩa là tôi đừng bỏ đi thì bây giờ tôi có nhiều danh tiếng hay thành công hơn?"
- Không, nghĩa là trong mắt nhiều đồng nghiệp và bạn bè anh, anh là người thất bại!
"A thế à? Tôi không nghĩ vậy. Tôi sống với những gì tôi chọn lựa. Không phải là vì tôi thất bại ở nước ngoài rồi về đây đâu. Ở Mỹ tôi cũng là top person với mấy người làm ca nhạc ở trong cộng đồng người Việt đó. Tôi về vì tôi muốn sống ở đây, tôi như một cái cây bonsai không uốn nắn thêm được nữa, cái rễ cây cứ quanh quẩn trong bọc nilon, tôi không sao mà hòa nhập được ở Mỹ thôi. Tôi hạnh phúc với chọn lựa của tôi. Có người hạnh phúc khi vui vẻ với vợ, có người hạnh phúc với con, còn tôi, tôi được chọn lựa không phải là hạnh phúc ư? Tiếng Anh có từ no choice! Là em không có đường nào để lựa chọn hết. Làm sao tôi có thể giải thích và tôi cũng không có nhu cầu giải thích với mọi người rằng tôi không thất bại. Mọi người có kỳ vọng vào tôi quá không?"
- Anh không thừa nhận là anh thất bại, nhưng anh là một nhà làm phim, người ta chờ đợi ở anh các tác phẩm điện ảnh chứ không phải là những thứ khác! Anh nói là anh là người tử tế nhưng là một nghệ sĩ điện ảnh được đào tạo để làm phim mà anh nói là anh không làm phim vì anh không muốn thì anh cũng bất tử tế rồi?
"Tôi không biết, có thể mọi người đã quá kỳ vọng. Tôi đã không quyết liệt để dám bỏ nhiều thứ để theo đuổi điện ảnh. Nhưng tôi làm để làm gì trong tình hình điện ảnh hiện tại? Thời gian của tôi đang bị băm nát. Tôi xác định rõ ràng: Làm phim là vì thích, hai là vì tiền. Tức là gì, một kịch bản hay, một ê kip thích thì không cần tiền. Một phim không thích thì họ phải trả cao tôi mới làm. Đó là lý do khi đợt làm phim mì ăn liền thứ nhất tôi phải nhảy qua phim ca nhạc. Lần này thì tôi nhảy qua sân khấu, tôi làm cũng không đến nỗi nào đấy chứ? Mặc dù trong lòng tôi vẫn nghĩ nếu tôi không quay lại với điện ảnh, tôi không còn là tôi nữa. Tôi phải làm, không thì 2, 3 năm nữa chắc là ngọn lửa này sẽ tắt!"
***
Quá nhiều việc đang chờ anh mà tôi thì đã lấy mất gần một ngày. Anh chuẩn bị ra Nha Trang cùng các cô hoa hậu Trái đất, còn nhiều show khác anh đã quen làm như một người thợ lành nghề, góc nào cho điện ảnh? Người đàn ông tóc đã bạc đi vespa bỗng làm tôi chạnh lòng dù còn lại dư âm là lời hứa như một vĩ thanh: "Có thể sau cuộc trò chuyện này, tôi sẽ nghĩ khác, nghiêm túc hơn, với phim!"