Vô tình gặp cô cũng làm khán giả như tôi ở đêm diễn "Bí mật vườn Lệ Chi" - sân khấu Idecaf, cô giản dị, nhẹ nhõm và thanh thoát làm sao. Tối hôm sau gọi điện, cô lại đi xem kịch, lần này là "Nhà búp bê" - Nhà hát Tuổi trẻ từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh diễn. Có thể rất tình cờ, nhưng cũng có thể là luôn thế, để trong lòng tôi gợn lên những câu hỏi ngờ vực, phải chăng cô còn nặng lòng lắm, với nghiệp diễn đã tạm xa gần 20 năm qua?
***
Suốt thời thiếu nữ, chưa có ai khen cô đẹp cả!
Trà Giang, cái tên sinh ra bởi nỗi lòng hoài hương của cha cô - người đàn ông gốc Quảng Ngãi, nơi có con sông Trà nổi tiếng, có núi Thiên Ấn (nên tên anh trai cô là Ấn Sơn), có Thạch Bích, Bút Sơn đều là những địa danh mang nỗi nhớ của người cha khi xa xứ… Mới lên 5 tuổi Trà Giang đã bắt đầu biết đến mùi vị của chiến tranh, đó là những lần chạy giặc liên miên theo gia đình, một cuộc sống luôn luôn di chuyển, lang thang theo người cha hoạt động cách mạng. Cha cô là NSƯT Nguyễn Văn Khánh, cũng có một thời gian làm điện ảnh phục vụ chiến trường, sau này ông đoàn dân ca quân khu 5 ở khu văn công Cầu Giấy, rồi Mai Dịch. NSND Trà Giang theo gia đình ra Bắc, bắt đầu từ đây cô được sống những năm tháng êm đềm tại trường học sinh miền Nam, dành cho các con em cán bộ miền Nam tập kết.
Hướng đến nghệ thuật ngay từ nhỏ nhưng Trà Giang thú nhận, suốt thời gian từ cô bé người miền Nam trở thành thiếu nữ, chưa có ai khen cô đẹp cả! Nhưng cô sống cuộc sống rất hồn nhiên, đi xem kịch, xem cải lương, xem múa mỗi khi nghỉ hè về khu văn công sống với cha. Năm 1959, nhà nước bắt đầu mở các trường Nghệ thuật, đầu tiên là trường múa. Trà Giang thi đỗ thì ba cô viết thư xuống nói có trường điện ảnh mới mở ra với các chuyên gia nước ngoài trực tiếp tuyển sinh, cô đã đăng ký thi, có nhiều người đẹp nhưng cô có lợi thế là cô rất ăn ảnh, có cuộc sống hồn nhiên và cảm xúc rất chân thực. Trà Giang đỗ vào khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khi đó. Đã đi qua chiến tranh, qua khói lửa và bom đạn của một thời chưa là quá vãng, những kinh nghiệm trả bằng sự sống ấy giúp cho Trà Giang rất nhiều mỗi khi cô hóa thân vào nhân vật trong các phim được làm thời ấy. Một phần nữa, thời đó, khóa diễn viên được đào tạo của Trà Giang là đào tạo để trở thành diễn viên điện ảnh.
- Có một anh đạo diễn Việt kiều nói với con, anh ấy rất sợ diễn viên Việt Nam diễn xuất trong phim mà rất kịch, cô nghĩ sao?
"Bây giờ con hình dung thế này nhé, sân khấu và điện ảnh thì khi con nhận kịch bản con cũng phân tích vai cũng phân tích nhân vật như nhau nhưng điện ảnh thì không khoa trương còn diễn viên sân khấu phải khoa trương. Con thử nghĩ xem, ống kính sát mắt mình rồi, mọi cử động trên gương mặt mình ống kính thu lại được hết, còn sân khấu thì khán giả ở xa. Nếu mà ống kính thu gần như vậy diễn viên diễn khoa trương kiểu sân khấu thì sợ lắm. Hiện tại cô xem phim Việt Nam cô cũng sợ nhìn thấy diễn viên diễn kịch quá. Nhưng cô nghĩ lỗi tại đạo diễn chứ không ai khác. Vì cô cũng đã từng diễn với các anh sân khấu nhưng khi làm điện ảnh, đạo diễn phân tích vai và diễn viên thường rất nhạy cảm, họ sửa được theo yêu cầu của phim, các đạo diễn phải thấy được cái sai trong cách diễn của diễn viên để họ không bị sân khấu trong điện ảnh".
Những mảnh ký ức thời làm phim trong chiến tranh...
Thời của Trà Giang, theo cô là làm phim rất ít, mỗi năm làm 4 phim đến khi thống nhất Xưởng phim truyện mới làm 10 năm một phim. Thời gian làm phim cho phép kéo dài. Khi đạo diễn nhận kịch bản, thành lập đoàn làm phim, đi thực tế, chọn cảnh, về viết phân cảnh, sau đó cho diễn viên đi thực tế (bây giờ chuyện này không còn nữa) có khi mất đến nửa năm. Thời đó đi thực tế làm cho Trà Giang ngỡ ngàng và vỡ vạc ra nhiều lắm. Đọc kịch bản chưa hình dung được cuộc sống của nhân vật thật như thế nào thì ở ngoài đời gặp những người tương tự Trà Giang hiểu rất nhiều, khi đó nhân vật trong suy nghĩ đã cho diễn viên nhiều cảm xúc, hình dung ra nhiều lắm cho da thịt cho nội tâm nhân vật…
Hoạt động nghệ thuật thời kỳ đó rất khó khăn. Yêu cầu tối thiểu của người nghệ sĩ là được xem phim thì gần như không có, Trà Giang chỉ may mắn là được đọc sách của Pháp và Nga rất nhiều. Cô biết có những trường phái lớn như Tân hiện thực Ý, Làn sóng mới của Pháp đang làm thay đổi cả bộ mặt của điện ảnh thế giới, cô chỉ được xem khi đi dự các Liên hoan phim quốc tế trên thế giới. Còn phim Trung Quốc tặng chỉ có đạo diễn được xem, diễn viên như cô đến xem, đến tận cửa rồi mà còn bị đẩy ra, không cho vào. Cuộc sống thiếu thốn vật chất kinh khủng, mỗi năm được 5m vải đủ may một bộ quần áo, có ai tưởng tượng ở nhà diễn viên Trà Giang khi đó đã rất nổi tiếng cũng mặc quần vá và các em lớn thì cô cũng phải nhường quần áo cho các em mình. Nhưng đó là sự khó khăn chung của thời chiến tranh. Khổ mà không phàn nàn nhưng thấy khổ tâm là thiếu cơ hội tiếp xúc với văn hóa bên ngoài nhiều quá…
- Trong phim "Chị Tư Hậu", con ấn tượng với cô lúc cô chạy băng ra biển khóc… là cảnh chị Tư Hậu sau khi bị bọn giặc làm nhục… rồi tiếng trẻ con khóc…
"Tiếng con khóc là tiếng gọi của tình mẫu tử, tiếng gọi từ cuộc sống… đó là khi cô nhớ về hình ảnh tuổi thơ khi cha đi vắng mà mẹ bị bắt… và khi cô diễn cảnh đó thì cảm xúc nó sống lại. Thực ra cảnh đó nó khó với người quay phim nhất là vì con tưởng tượng được không, lúc quay cái đó, bờ biển dài như vậy phải đặt đường ray rất dài trên biển, trên ray có cần trục, quay phim ngồi trên cao, lúc đầu máy chạy sát mặt diễn viên khi cô lao ra biển thì máy vụt lên cao để cho thấy sự mênh mông. Khi nghe tiếng khóc thì máy phải hạ xuống sát mặt để quay lại cảm giác đó của cô. Trong một cú máy dài như thế cô cảm thấy rất cảm phục công sức người quay phim với những động tác máy chuyên nghiệp đó là nghệ sĩ quay phim Khánh Dư…"
Không ngờ dừng sự nghiệp, dừng đam mê sớm đến vậy
Trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", cô đi thực tế năm 1971 tại sông Bến Hải, khi đó Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc nhưng máy bay trinh sát vẫn bay và bắn rốc két, mọi người sống dưới địa đạo… Trà Giang nhớ cảnh bế con sang sông đưa cho chồng rồi quay về miền Nam. Để có được cảnh đó, là cảnh đêm yêu cầu lại phải vừa thấy mặt diễn viên vừa thấy biển mênh mông nên cứ sáng sớm, 2h mọi người đã dậy hết, đi bộ mấy km để mang đồ đạc ra địa điểm quay. Người diễn viên bao giờ cũng là người dậy trước và về sau cùng vì còn phải hóa trang và chuẩn bị hóa thân vào tâm lý nhân vật. Cảnh regim là cảnh trôi rất nhanh, chỉ chừng mấy phút thôi là hết khoảnh khắc đó. Trà Giang bị nhiễm lạnh vì lội nước và bị quạt nữa. Một cảnh nhưng vì mỗi ngày chỉ có một chút thời gian đạt hiệu quả nên phải quay rất nhiều ngày… cô đã ốm sốt suốt thời gian quay… Thời điểm đó cũng là lúc Trà Giang có bầu Bích Trà được 4 tháng, làm phim trong chiến tranh cực lắm, khi mang phim sang Moscow, các bạn Nga nói trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, họ cũng chỉ làm được phim tài liệu nên không thể tưởng tượng Việt Nam có phim mà còn là phim truyện nữa…
- Có bao giờ cô cảm thấy nghề diễn viên cực nhọc quá đến mức nản chí không, thưa cô?
"Con biết không, cực nhọc với nghề thì không nản chí đâu nhưng nản chí nhất là khi đất nước bắt đầu chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường… Là người nghệ sĩ, cô không có chuẩn bị được tâm trạng đó. Ngay lập tức, cách làm phim truyền thống với những đề tài truyền thống không còn được coi trọng. Cô bị shock. Cô đã quyết định dừng. Quyết định không đóng phim nữa. Khi đó cô mới 48 tuổi. Phim cuối cùng cô tham gia là phim "Dòng sông hoa trắng". Nhưng thực tâm, cô cũng không ngờ là mình lại dừng sự nghiệp, dừng sự đam mê của chính mình lại sớm đến thế… (Trà Giang rưng rưng nước mắt, nghẹn lời)… Bây giờ mỗi lần đi xem kịch, cảm thấy sự hóa thân của người diễn viên trong mỗi vai diễn trên sân khấu thôi mà lòng mình thèm muốn vô cùng được làm diễn viên, được sống với nhân vật, sống trong đam mê của mình".
Tôi thích những người đạo diễn biết bóc lột tôi!
Thực ra Trà Giang chưa hề có ý định sẽ dừng lại, cô chỉ định ngừng một thời gian để chờ vai diễn, để chờ một ê kíp làm phim hay nhưng không còn cơ hội nào nữa. Cô tiếc nuối, ngày xưa quay phim chăm chút cho từng khuôn hình, đạo diễn đắm đuối với từng cảnh quay, khi nào xem phim thấy có tâm huyết thì biết ngay, rồi thầm cầu mong những người đó còn tiếp tục làm được phim hay. Như cô, đã từng làm việc với rất nhiều đạo diễn, có những đạo diễn họ thích cách làm việc của Trà Giang nên có sự đồng cảm. Cô thích nhất là làm với đạo diễn Hải Ninh, Bạch Diệp, Trần Phương. Giữa sáng tạo của người diễn viên cộng hưởng với công việc của người đạo diễn sẽ tạo ra những khuôn hình có tình cảm cũng như cái hồn. Thêm nữa, quan niệm nghề nghiệp rất gần gũi nhau cho nên cảm xúc hỗ trợ cho nhau. Chị bạn đạo diễn đi cùng tôi kể cho cô nghe tin nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy vừa mất tuần trước, một thoáng sững sờ trong đôi mắt sâu, nhòe nước.
- Con muốn nghe cô kể về cách làm việc với các đạo diễn ngày xưa, vì thực sự với con, họ cũng là một thế giới xa lạ như "ngôi nhà với 7 lần niêm phong" vậy?
"Cũng có người khó làm việc được đấy, như đạo diễn Phạm Kỳ Nam, cuộc sống đời thường quý nhau lắm nhưng chỉ làm được một phim là "Chị Tư Hậu", sau này anh có mời cô nhưng cô từ chối… Thực ra, cô thích những người đạo diễn đòi hỏi cao ở diễn viên, bóc lột cô, bắt cô làm việc nhiều để khi đó cô chịu áp lực mà sáng tạo bừng lên. Có hai người làm được việc đó con ạ, đó là đạo diễn Bạch Diệp và đạo diễn Hải Ninh. Bản thân cô cũng có một cách làm việc tự cho mình khôn là cô đọc kịch bản rất kỹ, suy nghĩ rất kỹ về nhân vật để phát hiện những gì chưa logic, cô chủ động gặp đạo diễn trước khi ra hiện trường, thuyết phục họ chấp nhận những thay đổi mà mình đề ra. Không đợi ra hiện trường mới làm việc đó vì khi ra hiện trường đạo diễn quá bận".
Khi yên ổn rồi thì không ai quấy nhiễu nữa...
Trà Giang biết nghệ sĩ Bích Ngọc vì khi đó ông làm việc ở trong đoàn văn công của ba cô, ông là một diễn viên múa, rồi đi học ở Nga về đàn violon. Sau này ông kể chuyện lại mới biết ông xem "Chị Tư Hậu" xong đã rất mê cô rồi, về Việt Nam cố gắng tìm gặp mà không được. Năm 1963, ông từ Nga về thì cô lại sang Nga để dự Liên hoan phim. Năm 1966 thì yêu nhau rồi cưới nhau. Điều mà Trà Giang yêu và cảm phục nhất ở nghệ sĩ violon Bích Ngọc là nghị lực và ý chí. Theo đuổi âm nhạc là phải học từ bé, nhưng năm 14, 15 tuổi Bích Ngọc mới được cầm đàn violon, mỗi khi thấy dàn nhạc giải lao là ra cầm đàn kéo. Rồi tự học cho đến khi sang Nga…
- Nhưng cô đẹp và nổi tiếng như thế, cô có bị cám dỗ không? Vì bây giờ con thấy các cô gái đẹp, hoạt động trong ngành giải trí ai cũng phàn nàn bị cám dỗ bởi quá nhiều thứ nằm ngoài đam mê nghệ thuật?
"Cám dỗ ư? Có chứ, nhưng thời của cô khác con ạ, trước khi có chú Ngọc thì nhiều lắm, ai cũng ngỏ lời, nhưng khi có chú Ngọc rồi thì cô yên ổn thì không bị ai quấy nhiễu nữa. Có chăng chú Ngọc hay bị mọi người hỏi han… Nhưng trên hết tất cả là chú dành cho cô một tình yêu lớn. Không phải chú Ngọc yêu cô vì cô là diễn viên nổi tiếng đâu mà vì hai người có sự đồng điệu vô cùng về tâm hồn, hai gia đình cũng đồng cảm với nhau".
***
Giọng của Trà Giang rung lên khi nhắc đến người chồng đã mất, những kỷ niệm nhỏ xíu tưởng chừng là vụn vặt, những chi tiết móc nối như mạng nhện mỏng mà chắc, ký ức đúng là đang đặt nặng lên trên vai người đàn bà đẹp này.
Nghệ sĩ piano Bích Trà sinh ra bởi tình yêu của bố mẹ, chị đã đồng hành với mẹ từ khi đi làm phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" Trà Giang kêu lên "May quá cho con gái cô, khi em ra đời thì lúc đó là Hiệp định Paris được ký, không còn chiến tranh, cô cũng thích cho em theo nghề của chú, nghề đó độc lập hơn chứ làm phim phụ thuộc vào nhiều người lắm, thế nên Bích Trà 5 tuổi đã theo học nhạc rồi".
Tôi chỉ đơn giản là người vẽ tranh cho mình hạnh phúc
- Và cô sẽ không một lần nào nữa trở lại với điện ảnh ư?
"Quan trọng nhất là có vai diễn làm cho mình mê, mình dành tình yêu cho nhân vật đó. Nhưng dường như lâu rồi cô chưa nhận được lời mời nào như thế. Cô đã 65 tuổi rồi, sức khỏe có hạn. Tình yêu của cô với điện ảnh vẫn đầy ắp, cuộc sống vẫn luôn cho cô cảm xúc. (Trà Giang lại nghẹn ngào…) Lúc đó mình thèm được sáng tạo thèm được sống trong những cảm xúc khi xưa vô cùng. May là tìm được sự vẽ, cô đắm chìm trong màu sắc, thiền trong màu sắc. Cảm thấy mình có ích khi mang đến cho đời những bức tranh, những tổ chức từ thiện họ bán đấu giá cho những người khó khăn còn nhiều lắm xung quanh mình… Tôi không phải là họa sĩ, tôi chỉ đơn giản là người vẽ tranh cho mình, cho mình thấy hạnh phúc".
***
Nhìn những mảnh vụn của mấy chiếc tăm bị Trà Giang bẻ vụn trên góc chiếc đĩa dưới tách trà, tôi chợt hiểu người phụ nữ này còn nhiều điều day dứt, còn nhiều nỗi khổ tâm nào đó mà cô chưa muốn nói ra. Thời gian cuối trước khi về hưu Trà Giang làm việc ở Viện lưu trữ phim, ngừng đóng phim có lẽ là thời gian Trà Giang buồn nhất, thấy mình cũng giống như một vật đang được lưu trữ, có gì đó như cảm giác cay đắng âm thầm. Nhưng bây giờ Trà Giang lặng lẽ hạnh phúc với những giờ vẽ mỗi sáng. Cô vẫn sống với những nỗi đau hiện hữu, chồng đã mất, không còn đóng phim và con gái duy nhất ở xa. Nhưng cô sợ nhất là mình không được làm việc, sợ nhất là mình vô dụng.
Tôi và cô, hai người phụ nữ với những tâm trạng khác nhau về quá khứ. Quá khứ của cô là những cảm giác nuối tiếc về một thời đầy ắp hạnh phúc và đam mê. Còn tôi, những ngày hôm nay tôi đang sống mới là những đam mê, quá khứ là những nỗi buồn lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy nơi quầng thâm mắt của những đêm mất ngủ… những ám ảnh khác nhau, sự chia sẻ là cảm giác của đàn bà… Bên cạnh cô Trà Giang, tôi không thấy mình còn trẻ, tôi cảm giác được những khao khát mà cô từng có như tôi đang có hôm nay. Tôi biết, những ký ức của Trà Giang còn là sự mãn nguyện của một người phụ nữ biết mình thông minh và từng đẹp.