Bal cực kỳ sẵn lòng đi cùng Hannah. Dĩ nhiên, nói một cách chính xác, anh phải đi nếu cô bảo anh đi, nhưng cô đã nhận ra vẻ nhiệt tình thật sự khi cô nhìn anh. Anh không đi cùng cô vì nhiệm vụ công việc mà bởi anh thích bầu bạn cùng cô và - cô rất đẹp, đây là điều chắc chắn - nhìn cô rất gợi cảm. Chà, cô thật sự xinh đẹp, không khó khăn gì để nói với bản thân mình, khi cô bước vào nhà vệ sinh dành cho nhân viên nữ, chải mái tóc dài, xịt một chút Chanel Chance và tô son bóng. Như những gì phần lớn đàn ông đã nói với cô, cô thực sự vô cùng ưa nhìn. Hơn nữa, cô thuộc tuýp người mà Bal có lẽ kỳ vọng đến mức ngưỡng mộ. Với làn da ô liu, đôi mắt nâu tối sẫm và mái tóc màu hạt dẻ đậm, người ta có thể nhầm cô với một phụ nữ gốc Ấn - ừm, miền Bắc Ấn xa xôi. Và giờ, Hannah thì thầm với chính mình rằng đó gần như là phân biệt chủng tộc.
Cô nhón chân đi qua phòng hội nghị khi Wexford đang bận ứng phó với giới truyền thông. Không còn đường khác để ra ngoài. Lời kêu gọi của anh đang được truyền hình trực tiếp trên bản tin địa phương lúc sáu giờ ba mươi. Cô nghe anh nói, “Megan Bartlow đã mất tích hơn bốn mươi tám tiếng. Chúng tôi đang rất lo cho sự an nguy của cô ta. Nếu có ai biết…”.
Nhẹ nhàng đóng cánh cửa lại phía sau, Hannah đi ra ngoài, để lọt vào ánh sáng lung linh, rực rỡ của một buổi tối nóng nực khác và thấy Baljinder Bhattacharya đang ngồi đợi mình sau vô lăng. Ngay khi nhìn thấy cô, anh bước ra khỏi ghế lái, vòng qua và mở cửa bên ghế hành khách cho cô. Nếu chúng ta không phải làm vụ này, cô nghĩ, chúng ta có thể đi đâu đó ăn uống, không phải ở Brimhurst Prideaux đẫm máu, mà có thể ngồi dưới ánh trăng - không phải vì em cần ánh trăng - và em cá là chúng ta có thể ân ái với nhau ở căn hộ của em lúc mười giờ. Ồ, cô cực thích một người đàn ông gầy với vùng bụng hơi lõm và nét mặt nhìn nghiêng giống như con chim ưng đang sải cánh dọc theo những đồng bằng ở Punjab… Tiến lên nào, Hannah, để chúng ta được ở cùng nhau. Cô ngồi vào trong xe.
Chiếc VW màu đỏ của John Brooks không thấy đâu nhưng như vậy cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Mới có bảy giờ kém mười. Hannah bấm chuông cửa và Gwenda Brooks ra mở. Trên mặt cô ta hiện lên vẻ chuyện-gì-nữa-đây.
“Chúng tôi muốn nói chuyện với chồng cô.”
“Nửa giờ nữa, anh ấy sẽ về đến.”
“Chúng tôi sẽ vào ngồi đợi”, Hannah cương quyết.
“Anh ta đang chờ chúng tôi. Tôi đã đặt lịch hẹn với anh ta.” Cô nhìn đồng hồ. “Mười hai tiếng trước.”
Dường như Gwenda Brooks không biết điều này nhưng vẫn lùi lại để Hannah và Bal tiến vào trong và chỉ họ phòng khách mà họ đã từng được mời vào trước đó. Gwenda Brooks là một trong những phụ nữ không thích đồ trang trí và tranh ảnh bởi vì chúng cần phủi bụi, cô ta thích dùng màu be trang trí nội thất. Ở trên tấm thảm có ba tấm gỗ và giấy dán tường, tông màu của nó phảng phất chút gì đó giữa màu bánh quy và cà phê latte.
Các cửa sổ được mở rộng nhìn ra khu vườn nhỏ trước kia từng là một bãi cỏ. Khu vườn gần đây được che phủ bởi một sàn gỗ hợp với những ngôi nhà ven biển Malibu hơn là ngôi nhà gỗ ở Sussex. Trong khuôn viên chật hẹp xung quanh, khu vườn lộ ra vẻ tẻ nhạt, không có hoa mà chỉ toàn màu xanh. Hannah thường ít để ý đến cảnh đẹp, mà chỉ để ý tới những người đàn ông điển trai, cô thấy bản thân đang tự nhủ rằng, cho dù họ có làm gì đối với căn nhà và khu vườn đi chăng nữa, nhà Brooks cũng không thể tô màu be lạnh lẽo vào cảnh quan lộng lẫy của những ngọn đồi bạt ngàn cây cối rậm rạp bên ngoài hàng rào phía sau nhà họ.
Gwenda Brooks không mời họ uống gì cả. Đâu đó có tiếng radio vẳng nhẹ êm ái, không phải một bản nhạc mà là giọng đàn ông đang giảng bài một cách rõ ràng. Có lẽ Gwenda không thể chịu nổi sự im lặng. Bất kỳ tiếng ồn xung quanh nào đều tốt hơn là không có. Cô ta vẫn đang đọc hoặc nhìn vào một cuốn tạp chí màu mè trước khi họ đến và giờ quay trở lại chăm chú vào một hình ảnh trải rộng suốt hai trang báo về một ngôi nhà, phòng ốc và vườn tược.
Có lẽ cô ta ý thức được rằng như thế này là bất lịch sự, cô ta đột nhiên đẩy tờ báo về phía Hannah và nói, “Đây là trang viên của ông Arlen ở Pomfret. Nó có đẹp không?”.
Không biết ông Arlen là ông nào, Hannah cầm lấy tờ tạp chí và liếc qua một chút khi Bal, nhận định chắc chắn rằng cư xử tử tế với Gwenda có lẽ chẳng phải là việc xấu, rướn người về phía tờ tạp chí và thể hiện ánh mắt cảm kích vào những bức ảnh mà hẳn cô ta đã thèm thuồng.
“Một ngôi nhà đẹp”, anh nói. “Chính xác nó nằm ở đâu?” “Ngay bên ngoài Pomfret. Tôi đã từng tới đó.” Gwenda nói vô cùng tự hào. “Thật ngạc nhiên khi mở cuốn tạp chí và thấy những bức ảnh đáng yêu của ngôi nhà cùng khu vườn tuyệt đẹp ấy.”
Một tiếng thét chực nhảy ra khỏi cổ họng Hannah nhưng may mắn cô đã kiềm chế được, chiếc điện thoại reo vang. Gwenda Brooks ra ngoài để nghe điện. Bal nhướng cặp mắt nâu và mỉm cười nhìn về phía Hannah. Hannah cười đáp lại. Cô nhìn đồng hồ lúc đó đang chỉ bảy giờ hai mươi. Rồi Gwenda Brooks quay lại và nói, “Là chồng tôi gọi. Anh ấy phải làm việc muộn. Như vậy, anh ấy sẽ không thể về nhà trước mười một giờ”.
Ngay lúc này Hannah đã nghĩ đến việc hỏi cô ta về những chuyến đi đêm và cô định làm vậy nhưng vẫn liếc mắt một chút về phía Bal. Đó không phải ý khiển trách như kiểu khiển trách “ác độc”, hay cảnh báo, mà chỉ là một cái nhìn dò hỏi ý tứ. Rất nhanh, cô thu ánh mắt đó lại. “Tôi phải nói chuyện với chồng chị, thưa chị Brooks. Anh ta làm việc ở Kingsmarkham đúng không?”
“Các vị không thể đến nhà máy được!”
“Tôi phải làm vậy. Nhà máy đó... ừm, sản xuất cái gì?” “Họ sản xuất các thiết bị điện. Pallant Smith Hussein, họ gọi thế. Và nó không ở Kingsmarkham, mà ở Stowerton.”
Hai thị trấn chỉ cách nhau một dặm và thậm chí còn gần hơn. “Chị sẽ nói với anh ta rằng tôi sẽ đến đây gặp anh ta vào lúc tám rưỡi sáng mai hoặc tại Pallant Smith Hussein vào lúc mười giờ chứ? Bảo anh ta gọi cho tôi theo số này.” Gwenda Brooks e ngại nhìn số điện thoại di động trên tấm danh thiếp Hannah đưa cho. “Bất kỳ lúc nào trong khoảng từ bây giờ đến tám giờ sáng mai. Anh ta có thể gửi tin nhắn cho tôi.”
Ở ngoài, bên một ngôi nhà, Lydia Burton đang mặc một chiếc váy mùa hè màu xanh trắng, cầm can nước tưới khu vườn khô cằn phía trước. Cô ta cười và vẫy vẫy tay, một cử chỉ vô tội cho thấy cô ta không có gì phải giấu giếm cảnh sát. Không thể gặp được John Brooks cho đến sáng mai, Hannah chợt nảy ra ý nghĩ rằng mình và Bal sẽ có một buổi tối rảnh rỗi. Chẳng có gì bằng một buổi tối mùa hè trong lành và chuẩn bị tâm trạng cho một cuộc làm tình lãng mạn. Không khí ấm áp và dễ chịu, xua đi sức nóng nhạt dần. Bầu trời vẫn trong xanh nhưng ánh sáng sẽ dần lịm tắt khi mặt trời bắt đầu lặn khuất xuống dưới đường chân trời tăm tối. (Chà, dù không phải, Hannah nghĩ, nhưng đó là những gì dường như sẽ xảy đến.) Ngày đã qua và sự mệt mỏi lan tỏa khó mà cưỡng lại được. Giờ là lúc để uống rượu, để nhìn vào mắt nhau, để những bông hoa dần khép nhụy, để đôi bàn tay lần tìm thấy nhau trên mặt bàn, để quyết định cùng nhau đi đến nơi nào đó chỉ có hai người.
Bal mở cửa xe cho cô. Cô có buộc phải hỏi anh không nhỉ? Và chính xác thì định hỏi anh cái gì? Anh khởi động xe, nhìn vào chiếc đồng hồ trên bảng điện tử và nói, “Tốt, cuối cùng thì tôi cũng sẽ không bỏ lỡ lớp tiếng Ấn Độ”.
“Tiếng Ấn Độ?”, cô nói yếu ớt.
“Đó là tiếng mẹ đẻ của tôi cho đến khi tôi lên ba. Hiện chúng tôi sống ở đây - ý tôi là, ở Lancashire - nhưng cha mẹ tôi học tiếng Anh và họ quyết định nói tiếng Anh ở nhà chính là cách tốt nhất vì quyền lợi của chị em tôi. Họ không muốn chúng tôi lớn lên với ngôn ngữ đó.”
Giá như cô nói rằng đó là điều bất hợp lý nhất về mặt chính trị.
“Vì thế kết quả là tôi đã quên mất phần lớn tiếng Ấn Độ nhưng tôi thực sự cảm thấy mình có thể thông thạo nó một lần nữa. Với một cộng đồng người Ấn lớn đến thế ở Anh, cô hiểu mà.”
“Ồ vâng, tôi hiểu. Dĩ nhiên tôi hiểu.”
Không ai nói gì nữa. Anh đưa cô về nhà, căn hộ ở khu chung cư tên là Drayton Court ở đường Orchard.
“Ừm, buổi tối vui vẻ”, cô nói. “Trung sĩ. Ý tôi là, Hannah?” “Gì cơ?”
“Tôi không biết một sĩ quan có được hỏi một trung sĩ điều này không nhưng cô sẽ đi ăn tối với tôi chứ? Vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy? Được không? Tôi không chắc cô gọi đó là gì? Phép xã giao à.”
“Chắc chắn là được rồi, ngài sĩ quan”, Hannah cười phá lên, “và vâng, tôi rất hân hạnh”.
Sau khi tóm tắt xong nội dung cuộc họp báo và những tin tức được đưa ra, Wexford ngồi ở bàn làm việc và nhìn vào danh sách mà Sĩ quan Vine vừa trình lên về những kẻ sử dụng và buôn bán ma túy ở Kingsmarkham lẫn các quận ngoại thành. Dài kinh khủng. Vài kẻ trong số này đã từng bị khởi tố, vài kẻ khác thì bị truy tố nhưng không có tiền án tiền sự và vài kẻ đơn thuần chỉ là trông khả nghi. Anh không thể ngừng hồi tưởng lại quá khứ, khi anh còn trẻ, và trong toàn bộ British Isles thì phải có đến sáu trăm đối tượng sử dụng ma túy có tên trong hệ thống. Hai năm trước, số lượng tay buôn bán ma túy được ước tính sinh sống trong ba thị trấn này và các ngôi làng lân cận, kể cả sau khi cuộc càn quét liên ngành thành công vang dội được tiến hành bởi anh và các đồng đội của mình, anh chắc chắn rằng vẫn còn hơn một trăm tên lọt lưới và nhiều hơn thế nữa đang hoạt động trở lại. Thật vô dụng khi nghĩ theo kiểu đó, vô dụng khi ngẫm lại rằng trong thời thơ ấu của mình, một người đàn ông hay đàn bà sống ở Pomfret hay Myfleet đều có suy nghĩ heroin là một thiếu nữ bước ra từ cuốn tiểu thuyết lãng mạn và cocaine là liều thuốc gây mê được tiêm bởi nha sĩ.
Barry Vine hiện đang lục soát căn hộ bên trên cửa hàng lưu niệm, nơi ở của Keith Prinsip và Megan Bartlow, cùng với Sĩ quan Overton phụ việc. Trung sĩ Goldsmith và Sĩ quan Bhattacharya đang theo dõi mục tiêu tại Brimhurst. Burden đã đi nói chuyện với gia đình Marshalson để cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về mối quan hệ bạn bè mập mờ giữa Amber và Megan. Karen Malahyde vừa mới trở về sau khi ghé qua cửa hàng lưu niệm. Cô nói với Wexford, “Quản lý cửa hàng tên là Jimmy Gawson - do đó đặt tên cửa hàng là Gew-Gaws. Khủng khiếp, phải không?”.
“Tôi biết anh ta”, Wexford nói. “Tôi biết anh ta vài năm nay rồi. Đã điều trị cai nghiện rượu.”
“Đúng vậy. Có chuyện này. Anh ta nói mình thường đến cửa hàng lúc mười giờ vào ngày mùng Hai và Megan không ở đó, nhưng có một thông báo ở cửa nói rằng ‘Sẽ sớm quay lại’. Anh ta nói hiện tại anh ta có cảm giác rằng tất cả mọi chuyện đều không ổn nhưng tôi nghĩ đó là sự nhận thức muộn màng.”
“Anh ta không nên có quá nhiều cảm xúc như vậy nếu đây là một vụ giết người.”
“Không, thưa sếp. Gawson cho biết sau khi anh ta đến được vài phút thì có một người phụ nữ xuất hiện và nói rằng bà ta đã ghé vào cửa hàng lúc chín giờ mười lăm nhưng nó bị khóa và có thông báo ngoài cửa. Anh ta không gặp Megan kể từ lúc đó.”
Wexford nhét bản danh sách của Vine vào túi và bước ra bầu không khí mát mẻ tương đối của buổi tối. Một chiếc xe vẫn đỗ trên sân trước, lại một kẻ thích xía mũi vào chuyện của người khác giống Daniel Hilland đã đến đây. Nhưng Wexford không nói gì với Darren Lovelace về chuyện kéo hay xích chiếc xe lại. Anh hoàn toàn chẳng nói gì. Lovelace, một cái tên hay, có khuôn mặt hồng hào trẻ con với môi hồng, mắt xanh, tóc xoăn vàng nhưng mỏng và nét mặt lúc nào cũng mang vẻ ngạc nhiên như một con dơi ăn quả.
“Reggie, bé yêu!”
Nghe còn chướng tai hơn so với được gọi là “ngài” nhiều. Nhưng ai cũng hiểu việc này: “Mikey, bé yêu” và “Barry, bé yêu” và nếu ông ta đụng mặt Phó Cảnh sát trưởng thì rất có thể cũng sẽ là “Sammy, bé yêu”. Wexford nói, “Gì?”.
“Chỉ hỏi vài câu thôi.”
“Tôi sẽ nói cho ông tất cả những gì ông cần. Ông chỉ cần ở đó thôi và đó là chỗ của ông.”
“Ô, bạn thân mến”, Lovelace nói, “Tôi hy vọng là anh sẽ không hối hận vì điều đó. Không, đừng nhìn tôi như thế, đừng trưng ra khuôn mặt hư hỏng như vậy. Anh nghĩ tôi đang đe dọa anh đấy à?”.
“Tôi ra ngoài để hít thở không khí trong lành và tôi lại vớ phải ông.”
“Có vài người yêu quý tôi. Chà, mẹ tôi cũng thế. Không phải anh đang đảo qua đảo lại chuyện nhà Marshalson chứ? Theo như tôi biết thì anh vẫn chưa đi được tới đâu cả.” Lovelace tiếp tục buồn bã, “Tôi không muốn làm điều này, nó khiến tôi đau đớn hơn cả anh, theo như những gì tôi từng được kể cho nghe từ những ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường, tất cả những gì thay đổi hiện nay đều nhờ vào Hiến chương Nhân quyền, nhưng tôi sẽ phải thêm vào một đoạn vì sự thiếu tiến bộ của anh. Tôi là thế mà, Reggie, bé yêu”.
Bình thường khá là khéo léo trong đối đáp, Wexford lại luôn cảm thấy mình bị tước mất trí khôn và thành ra ngớ ngẩn trước những lời bóng gió khi đối mặt với sự công kích từ Lovelace. “Tôi không thể ngăn ông được.”
“Anh có thể không đúng ở những khía cạnh khác, nhưng anh nói đúng về điều đó, anh bạn ạ.”
Sylvia không thể nhớ nổi lần cuối mình nổi giận là khi nào. Cô chỉ vừa mới trở về nhà từ văn phòng, đến trường đón bọn trẻ, và tự thưởng cho bản thân một bình trà. Một nét đặc trưng ở Anh, và có thể chỉ người Anh mới có, là để làm dịu đi
một ngày cực nóng, họ sẽ uống một tách trà cũng cực nóng. Sylvia tin rằng điều này sẽ hiệu quả hơn so với uống nước đá hay nước cam, và khi cô đang uống tách đầu tiên thì chuông cửa vang lên. Cô lê thân mình ra cửa trước, nhận thấy mắt cá chân bị sưng, điều chưa từng xảy ra trong hai lần mang thai đầu của cô. Trời ngày càng nóng hơn và cô thì đang già đi, cô nghĩ mà chán nản, rồi mở cửa cho Naomi cùng một người phụ nữ cô nhớ mang máng đã nhìn thấy ở đâu đó.
Lúc đấy là năm rưỡi. Giờ đã là chín giờ và cơn giận của cô đang nhạt dần. Robin và Ben cuối cùng cũng đi ngủ sau khi phàn nàn như thường lệ là quá nóng nên không thể ngủ được, việc chúng có thể nghe thấy tiếng chó sủa, tiếng một con ong đang vo ve ngoài cửa sổ đồng nghĩa với việc chúng không được phép chơi điện tử trong phòng ngủ nữa. Trời đêm toàn là một màu tím và cô có thể thấy rằng “trời đã nhập nhoạng” - theo cách gọi của tất cả mọi người. Một con chim đang hót đâu đó trong đám lá cây khô héo. Một chú chim sơn ca, cô nghĩ, chỉ có chim sơn ca là không hót vào tháng Chín. Naomi đang chơi trò quái quỷ gì thế nhỉ?
Cô ta đã nói, “Chúng tôi có thể vào không, bạn thân mến?” bằng giọng ngọt ngào có chút say mê. Thi thoảng Sylvia hoài nghi làm sao Neil có thể chịu được cái giọng đó nhỉ. “Đây là Mary, Mary Beaumont. Bà ấy sẽ chuyển đến sống ở nhà bên. Cô chưa biết điều này đúng không?”.
Sylvia không có sự lựa chọn nào khác ngoài nói xin chào với Mary, một phụ nữ da đen tròn lẳn với nụ cười thân thiện, và mời cả hai vào nhà. Đối với “nhà bên”, khu Old Rectory không có hàng xóm sát vách nào cả. “Ý cô là những căn nhà gỗ ở cuối đường”, Sylvia nói với giọng lạnh lẽo, hồi tưởng lại nơi mình đã từng gặp Mary, và cùng lúc lại xem thường bản thân vì là một kẻ hợm hĩnh.
Họ bước vào phòng khách trông như hang động và ít được sử dụng của nhà một mục sư, mùa đông thì rét buốt còn mùa hè thì mát mẻ, kể cả trong ngày nóng nhất.
Mary ngồi xuống với một tiếng thở dài hài lòng. “Nơi này thật đáng yêu. Giống như có điều hòa vậy.”
Miễn là bà đừng nghĩ rằng mình có thể ở lại đây qua đêm, Sylvia có một ý nghĩ cục cằn. Naomi, chân nhìn như cây gậy và đầu gối giống phần khuỷu tay của một đứa trẻ, đang nhìn chằm chằm vào chân cô.
“Mắt cá chân của cô bị sưng lên một chút đấy, Sylvia. Tôi hy vọng Mary sẽ biết vài điều về chuyện này. Giờ tôi sẽ đi lấy đồ uống, được chứ? Tôi chắc là cô có soda trong tủ lạnh.”
Mặc dù khá kiêng khem trong việc uống các chất có cồn, Sylvia vẫn đang thèm một ly Sauvignon lớn. Cô quay sang Mary. “Ý cô ta nói là gì thế, bà muốn nói gì à?”
Vốn là người dễ cười, Mary bật lên một tràng cười vui vẻ. Bà ta cười rung cả người, đôi vai và bộ ngực đầy đặn lắc lư. “Tôi là một bà đỡ, cô gái ạ. Hiểu vấn đề chưa? Tôi đến đây là để trông chừng cô.” Căn nhà rất lớn và bếp thì cách đây rất xa nên Naomi vẫn chưa quay lại. “Đừng lo lắng. Cô không có biểu hiện của chứng tiền sản giật1.” “Trông chừng tôi?”
1 Tiền sản giật là tình trạng xảy ra trong khoảng từ giữa đến cuối thai kỳ. Chứng này thường ảnh hưởng đến huyết áp, thận, gan của phụ nữ mang thai, và đôi khi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi.
“Tôi không biết tại sao, cô gái ạ, nhưng cô không cần lo lắng. Tôi sẽ không thường xuyên chạy ra chạy vào, chỉ để xem cô có bị sao không. Tôi rất bận rộn, ngoại trừ một điều. Với Naomi, thì cô phải chiều lòng cô ta, được chứ?” Mary không giải thích về việc sao bà ta lại quen Naomi. “Chúng tôi sẽ uống nước - không phải là tôi không thích uống chút gì đó mạnh hơn - và rồi chúng tôi sẽ đi”, bà ta nói. “Khỏi phải gặp lại chúng tôi, cô gái ạ, và cô có thể nhấc chân lên rồi. Những đứa trẻ của cô ở ngoài đó à? Bọn trẻ thật đáng yêu, tôi phải công nhận đấy.”
Đúng như những gì bà ta đã nói, Mary uống hai ngụm nước, đứng dậy với tốc độ nhanh đến ngạc nhiên so với kích cỡ khổng lồ của bà ta và nói rằng chồng bà ta đang đợi bà ta về pha trà. Cái ý nghĩ bất kỳ người phụ nữ nào cũng đều phải cung ứng đồ ăn thức uống cho bất kỳ một người đàn ông nào khiến Naomi thấy sốc và chắc chắn Trung sĩ Goldsmith cũng sẽ thấy thế. Cô ta im lặng và đến lúc cô ta bắt đầu phản đối rằng họ vừa mới đến, thì Mary đã ra tới ngoài sảnh. Cô ta vẫn thốt ra lời cuối cùng.
“Mary sống ở căn nhà gỗ của người đi rừng, Sylvia. Tôi đã viết lại số điện thoại của bà ta cho cô nhưng chắc cô sẽ không cần đến nó vì Mary đã hứa với tôi là sẽ tạt qua thường xuyên.” Sau lưng cô ta, Mary nháy nháy mắt. “Dĩ nhiên là tôi sẽ thường xuyên tới đây để hỗ trợ tinh thần cho cô, ngoại trừ việc xem xét mắt cá chân, phải không?”
Đối với Sylvia, người vốn được thừa hưởng phần lớn tính cách từ cha, điều này thúc đẩy cô duỗi đôi chân, sải chúng ra trước mặt và nhìn chằm chằm vào chúng tận nửa giờ đồng hồ, như trong một số bài tập yoga hoặc thiền định. Cô đã để dành cốc rượu vang cho đến khi trời nhập nhoạng với sự yên tĩnh. Những con muỗi để cô được yên. Cô nhìn một con ngài đậu xuống hòn đá phủ đầy rêu và phẳng phiu như tấm thảm Ba Tư. Rượu đã làm vơi đi nỗi bực dọc trong cô. Mary hóm hỉnh đến nỗi cô bắt đầu cảm thấy rằng mình sẽ không thấy ngại nếu bà ta tạt qua thường xuyên. Làm sao Naomi gặp được bà ta nhỉ? Và Sylvia nghĩ Mary có thể làm được cái quái gì chứ nếu cô hút cần sa, uống rượu, ăn phô mai mềm, vứt vitamin đi hay thậm chí là phá thai? Ồ không, điều cuối cùng sẽ không xảy ra. Quá muộn để phá thai rồi.
Sau khi uống nốt chỗ rượu, cô lên lầu để kiểm tra mấy đứa nhóc đang ngủ rồi đi bộ ra ngoài đường trong thời tiết mát mẻ dường như sẽ kéo dài suốt đêm. Một thanh gỗ nhỏ ngăn cách ngôi nhà với hai ngôi nhà gỗ, Nhà gỗ của Người đi rừng và Nhà gỗ của Người chăn cừu, đối diện với nhà thờ. Màn đêm đã buông xuống nhưng trong căn nhà của Người đi rừng, đèn đã được bật và vẫn có thể thấy rõ màn hình vô tuyến sáng trưng qua cửa sổ trước nhưng lại không thấy được người bên trong. Mình không cho rằng mình sẽ nhìn thấy bà ta lần nữa, Sylvia nghĩ vậy khi cô quay trở lại, tại sao bà ta lại lo lắng về mình chứ?
Căn nhà của Prinsip khiến Barry Vine giật mình. Anh cứ nghĩ rằng mình sẽ thấy những túi đựng nhồi nhét quần áo cũ, tạp chí xe hơi và xe đạp trong ngăn xếp, đồ nội thất hỏng hóc mà sẽ không bao giờ được sửa chữa và chén đĩa, ly cốc đang chờ không phải được rửa mà chỉ là tráng qua dưới vòi nước lạnh. Căn hộ bên trên cửa hàng lưu niệm lại không giống như vậy. Biết rằng Prinsip sống nhờ tiền trợ cấp nên Sĩ quan Vine cứ thắc mắc những trang thiết bị điện tử trong nhà từ đâu mà ra, một máy tính để bàn mới tinh, rất hợp mốt, một máy chạy đĩa CD với tai nghe cỡ lớn và một đầu CD di động nằm bên cạnh, một đầu DVD và video bên dưới ti vi cùng một bộ trống còn nguyên tem khiến tâm trí Barry co thắt lại khi nghĩ đến tiếng ồn mà bộ đôi này tạo ra.
Anh không đến một mình. Đi cùng anh là Sĩ quan Overton, người nuôi dạy chó nghiệp vụ, và con chó cuối cùng trong đội chó nghiệp vụ, vốn rất hữu ích trong cuộc càn quét hai năm trước. Tất cả đều đã được đưa về đội của chúng trừ con chó này, đã nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn tham gia điều tra và giờ thì trở thành thú cưng của gia đình Overton. Tên nó là Drusus, không phải bởi vì Sĩ quan Overton đã từng là sinh viên khoa Lịch sử La Mã mà vì đó là cái tên duy nhất người ta có thể đặt bắt đầu bằng chữ “dr” trong “chất gây nghiện” - “drugs”. Chẳng có ai từng gọi nó bằng cái tên đó. Nó là một con chó Tây Ban Nha vàng ngoan ngoãn nhưng nhiệt tình và thường được mọi người gọi là Buster.
Keith Prinsip miễn cưỡng và lúng túng khi cho phép con chó này vào nhà. Anh ta hỏi rằng liệu nó có giúp tìm ra Megan không và khi được trả lời là rất có thể, anh ta liền gật đầu. Buster phi nước đại lên cầu thang đến ba phòng ở trên mái vốn là nơi ở của Prinsip và Megan nhưng nó không tỏ vẻ hứng thú được lâu. Rõ ràng con chó đã mất đi sự tự tin khi thể hiện nghiệp vụ của mình, nó càng ngày càng tỏ vẻ chán nản, đánh hơi một cách chuyên nghiệp ở mọi góc, bên dưới đồ đạc trong nhà và trong ngăn kéo, nó chỉ có thể rút mũi ra với sự không hài lòng.
Khi Prinsip đang lén lút cho nó ăn một thanh chocolate mà Buster nhai với vẻ thích thú thì Sĩ quan Overton phát hiện ra. Dĩ nhiên là, chưa từng có thanh chocolate nào được nhét vào miệng của Buster trước đó và một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa hai người đàn ông, Overton thô bạo nói với Prinsip rằng anh ta nên tỏ ra thông minh hơn khi đưa những chất có hại cho sức khỏe của một con vật đang làm nhiệm vụ và Prinsip nói rằng Overton là một ông chủ độc ác. Cuộc tranh cãi sẽ biến thành ẩu đả nếu Barry Vine không can ngăn bằng cách tuyên bố rằng công cuộc tìm kiếm của anh bị gián đoạn nghiêm trọng vì “rất nhiều chuyện vô lý”. Anh là người cuối cùng tìm ra chất gây nghiện trong túi chiếc quần jean rách rưới của Prinsip. Một gói giấy bọc cần sa, có lẽ tầm mười gram, Prinsip sửng cồ lên bảo rằng anh ta chỉ sử dụng nó cho riêng mình và điều này không phạm pháp. Vine nói khá thô bạo rằng đám người mù chữ, dốt nát, thạo tin đều có thái độ như thế khi bị đả động đến lợi ích của chính họ.
“Ông gọi ai là dốt nát đấy?”, Prinsip nói. “Tôi nói người nào, tự khắc người đấy biết.”
Không còn tranh luận về vấn đề của Buster nữa, Prinsip nói rằng anh ta không nghĩ con chó như một kẻ đánh hơi khi nó thậm chí còn không thể tìm thấy một nhánh cần.
“Nó đã được đào tạo chỉ để tìm các chất loại A”, Sĩ quan Overton nói một cách trịch thượng.