Hội nghị kéo dài không lâu. Có rất ít thông tin để Wexford và Sĩ quan Vine kể cho cánh báo chí và Darren Lovelace, thành viên mới ở tờ Người đưa tin, người đã một lần thất bại khi cố gây rắc rối. Wexford phát biểu trong hai phút trên kênh thời sự địa phương BBC 1 và ba phút trên kênh radio Mid-Sussex, sau đó kết thúc.
“Anh có định yêu cầu Marshalson làm đơn kháng cáo không?”, Burden hỏi.
“Anh biết đấy, tôi không nghĩ là mình sẽ làm thế với ai đó lần nữa. Vì một điều, chuyện này giờ đây đã trở nên quá phổ biến, quá thường lệ, công chúng đã chán nó rồi. Có lẽ họ chẳng hề bận tâm khi bố mẹ, người yêu hoặc vợ ra tòa, cầu xin kẻ đã giết người thân yêu của họ - mà chúng ta giả định là người thân - đứng ra trình diện. Sau đó, có một thực tế khó xử là một người trong tang quyến hóa ra lại chính là kẻ giết người.”
“Ý anh là anh nghi ngờ Marshalson?”
“Tại thời điểm này, Mike ạ, tôi không có nghi phạm nào cả.”
Từ chối việc Burden mời mình đi uống chút gì đó ở Olive và Dove, Wexford về nhà, nghĩ tới việc trước đó mình đã nói rằng vai trò của họ đã hoán đổi cho nhau như thế nào vào ngày hôm đó, vì thường thường anh chính là người thuyết phục tay điều tra viên đi ăn nhậu sau giờ làm, chứ hiếm khi có trường hợp ngược lại. Anh rất muốn nghe vợ mình nói về Sylvia.
Rằng con bé đang mang bầu mà không có chồng hay một anh chàng người yêu Wexford biết mặt, và rằng có vấn đề gì đó không ổn ở đây. Dora đã nói với anh những gì mấy đứa con trai của Sylvia biết nhưng không nhiều lắm. Chẳng biết là không ổn với con bé hay con của nó nữa, nhưng Sylvia đã hứa gặp mẹ mình vào ngày hôm nay và kể “toàn bộ sự việc”.
“Điều đó có nghĩa là gì?”, anh đã hỏi vậy.
“Em không biết, Reg ạ. Em ước gì con nó không nói với em nhiều đến thế. Em cứ nghĩ nó phát hiện ra em bé có quá nhiều hoặc không đủ một nhiễm sắc thể. Em chỉ ước chúng ta đã không bị giấu giếm mọi chuyện.”
“Anh cũng thế.”
Giống như bao người hàng xóm của mình, và hầu hết tư gia ở Kingsmarkam ngoại trừ những ngôi nhà ở Ploughman’s Lane, căn hộ của Wexford không có điều hòa nhưng các cửa sổ luôn mở, bao gồm cửa kính ở ban công phòng khách. Từ lúc khu vườn bên ngoài chìm trong bóng râm được vài giờ, căn phòng trở nên ít nóng bức hơn nhiều so với trước. Một làn gió thổi qua và đung đưa những chiếc lá trĩu nặng của hoa tử đinh hương.
“Anh sẽ đi kiếm chút gì đó để uống”, Wexford nói.
Câu trả lời là điều anh chưa bao giờ nghe thấy vợ mình thốt ra trên môi. “Vâng, em nghĩ là anh nên đi. Và lấy cho em một ly nhé, được không? Có Sauvignon trong tủ lạnh nhưng nó hẳn đã đóng băng rồi.”
Một sự tưởng tượng đầy sáng tạo rắc rối hơn người ta tưởng. Anh lắc đầu như để gạt nó ra khỏi đầu rồi đổ một nắm hạt điều đầy calo béo ngậy vào trong một cái bát. Anh thích hạt điều, thứ mà đôi khi anh nghĩ rằng nó không hề tốt cho sức khỏe. Giờ không có thời gian để nghĩ đến việc ăn kiêng mỡ, đường và tinh bột như người cha già của anh vẫn dạy.
“Chuyện này chẳng có gì sai cả”, Dora nói khi anh quay trở lại phòng. “Nếu đó là những gì anh đang nghĩ. Em biết chứ. Sẽ ổn thôi. Cái thai của Sylvia đã được bốn tháng và Neil chính là cha đứa trẻ.”
“Gì cơ?”
“Anh nghe rồi đấy. Ý em là như vậy. Neil là cha đứa trẻ. Tuy nhiên, còn nhiều chuyện khác nữa. Rất nhiều.”
Dora uống một hơi, không hề có cung cách quý bà chút nào, và thở dài. “Em hy vọng con bé và Neil sẽ quay lại với nhau. Em luôn mong thế, anh biết mà. Nhưng sự thật lại không như thế. Cậu ta đang rất hạnh phúc cùng bạn gái của mình. Cô ta tên gì nhỉ?” “Naomi.”
“Cậu ta và Naomi đang rất hòa hợp ngoại trừ một điều: Cô ta không thể có con, dù đã cố gắng thử nhưng mọi lỗ lực đều thất bại. Cô ta sẽ không bao giờ có con được.”
“Anh biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Wexford nói. “Anh thấy toàn bộ chuyện này thật kinh khủng. Con bé sinh con hộ chúng, con bé sẽ trao nó cho chúng.” Bất thình lình căn phòng trở nên nóng bức, bóng râm ngoài kia trở nên vô dụng. Không khí nóng bức, ngột ngạt và khó thở, anh lại tiếp tục đổ mồ hôi, từng giọt mồ hôi tan ra trên khuôn mặt anh. “Con bé nghĩ lý trí mách bảo nó yêu Neil, hoặc cả hai đều nghĩ như vậy, nhưng rốt cuộc con bé lại bỏ Neil chẳng vì lý do gì. Chỉ đơn giản là nó cảm thấy nhàm chán. Vì thế nó đã bù đắp cho cậu ta và bạn gái cậu ta bằng việc mang thai. Anh hiểu con bé. Anh hiểu cái cách mà con bé suy nghĩ. Tại sao con bé không thể thôi coi mình như người làm công tác xã hội đang làm những điều không tưởng cho khách hàng của mình?”
“Anh đang thể hiện cảm xúc thái quá đấy”, Dora nói. “Anh cần bớt nóng đi. Anh tệ hơn em nghĩ rồi đấy.”
Hannah Goldsmith đang viết báo cáo. Hoặc là cái máy tính mười hai nhân hai mươi centimet của cô đang viết nó trong khi cô suy nghĩ, ghi nhớ và chép lại các ghi chú. Đối tượng là dãy nhà Jewel, Brimhurst. Cô và Baljinder Bhattacharya đã dành phần lớn thời gian ngày hôm đó để ở đấy và rồi chỉ quay về lúc chiều muộn. Thật may là trong số bốn người sống ở dãy nhà, có hai nhân viên toàn thời gian và một người khác đã ra ngoài làm việc. Duy nhất có John Brooks ra khỏi nhà vào buổi sáng hôm đó, lúc sáu rưỡi để tới khu công nghiệp Stowerton, nơi anh ta đang làm bảo vệ cho một khu liên hợp sản xuất lớn.
Người sống ở căn số một thật là kinh dị. Hannah biết cô không nên phân biệt tuổi tác nhưng mọi việc đều có giới hạn. Cô nhận ra mình có cảm giác chán ghét tự nhiên đối với những ông già. Không phải toàn bộ người già, chỉ những người đàn ông mà thôi. Định kiến này không được phép tồn tại và có lẽ cô nên nghĩ đến việc tìm kiếm tư vấn cho vấn đề này. Sau một lúc, cô nhấc tay ra khỏi bàn phím, nghĩ đến việc có nên quay lại gặp chuyên gia tư vấn cũ của mình không hay tìm một ai đó chuyên về những mối quan hệ với người lớn tuổi. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là cô phải hoàn thành báo cáo này.
Henry Nash là một gã khó chịu. Phòng khách của ông ta rất nóng và ngột ngạt với thứ mùi hóa chất kinh tởm hơn cả đồ ăn bốc mùi, mặc dù Wexford biết đây là mùi long não nhưng Hannah còn quá trẻ để có thể nhận ra. Bản thân Henry thì mặc một chiếc quần sọc, rõ ràng là một phần của bộ đồ, dây đeo quần màu xanh rách nát và chiếc áo sơ mi sọc không cổ nhưng lại chật ních đến cổ. Hannah, mặc dù thấy râu trên cằm một người đàn ông khá quyến rũ, đặc biệt là Bal Bhattacharya, nhưng lại thấy ghê tởm bộ râu trắng dài nửa inch của Henry Nash.
Tất cả chuyện này còn ít phiền toái hơn so với thái độ của Henry đối với cô, một sĩ quan cao cấp. Ông ta hướng tất cả các câu trả lời của mình đến Bhattacharya, không đếm xỉa xem ai tiến hành cuộc điều tra. Cô có thể thấy rõ rằng ông ta đang bị giằng xé giữa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa sô-vanh nam giới nhưng cuối cùng lại quyết định nói chuyện với một người đàn ông châu Á thay vì với một phụ nữ da trắng. Khi cô hỏi ông ta về thời điểm ông ta đi ngủ vào đêm hôm trước, câu trả lời của ông ta như thể những lời thì thầm nhục dục, vẻ mặt gay gắt rồi nói với Bal, “Anh muốn biết tôi đi ngủ lúc nào?”.
“Đúng vậy, thưa ông Nash.”
“Tôi không biết điều đó có ích gì với anh nhưng là tầm mười giờ. Tôi luôn đi ngủ lúc mười giờ tối. Đúng giờ.”
Bal nói rằng những người già thường ngủ rất ít (“Anh gọi ai là người già?”) và hỏi ông ta xem có nghe được bất cứ tiếng động nào trong đêm hay không. Mặc dù nhìn như tám chục tuổi, ngài Nash nói rằng ông ta chưa già đến mức bị thức giấc hàng đêm. Hàng xóm của ông ta, John Brooks, thi thoảng lại làm phiền, gõ cửa kính ô tô và khởi động xe lúc sáu rưỡi nhưng không phải sáng nay. Ông ta đã ngủ, không nghe, cùng không hay biết gì cho đến khi nhìn qua cửa sổ tầm tám giờ và thấy “một đám người đang giẫm đạp” lên vệ cỏ bên kia đường. Ông ta không biết Amber Marshalson hay cha mẹ cô ấy và cũng không muốn biết.
“Cô ta chỉ là đứa nhãi ranh có một đứa con ngoài giá thú. Tôi sẽ không dám thò mặt ra ngoài nếu tôi là cô ta. Và đã có ai nói rằng như vậy còn tồi tệ hơn những gì đang xảy ra chưa?”
Hannah biết nhưng cô nghĩ rằng tốt hơn đừng có nói ra. Cô có thể nghe bất kỳ chuyện đồi bại, loạn luân, thú tính, cuồng dâm nào nhưng lại cực kỳ sốc khi nghe thấy từ “ngoài giá thú” thốt ra từ miệng ai đó. Có lẽ thậm chí càng sốc hơn khi lời này được nói ra từ đôi môi nhăn nheo với bộ râu trắng toát này. Ngoài giá thú! Thật không thể tin được.
Bal đang kể với ông già kinh khủng rằng Amber đã bị sát hại nhưng điều đó dường như không khiến ông ta cảm thấy xấu hổ hay bối rối vì những điều mình đã nói. Ông ta chỉ gật đầu, như thể việc sát hại cô gái trẻ là một điều bình thường hoặc chỉ muốn quan tâm điều gì sẽ xảy ra đối với kẻ phạm tội. Hannah lưu lại trong báo cáo rất ít về ông ta và cũng không khá hơn đối với John và Gwenda Brooks ở căn số hai.
Gwenda là một phụ nữ trẻ cùng độ tuổi với Hannah nhưng lại rất khác biệt. Chiếc váy dài đến bắp chân của cô ta có màu nâu và be cùng với chiếc áo khoác cũng màu be kèm theo một chiếc ghim cài ở cổ. Hannah nghĩ rằng bà nội cô là người cuối cùng theo phong cách tóc uốn nhưng Gwenda Brooks cũng vậy và nó đang “phồng ra”. Bằng giọng khá buồn, cô ta nói rằng mình đã nhìn thấy người chồng xuống xe vào lúc sáu rưỡi ra sao. Rõ ràng cô ta thất nghiệp và cũng không có con. Điều đó làm Hannah tò mò muốn biết cả ngày cô ta làm gì. Nhưng như vậy là đi quá xa so với chủ đề cần nói. Gwenda Brooks đã ngủ cả đêm cho đến khi đồng hồ báo thức đổ chuông lúc sáu giờ sáng. Cô ta tự hào thừa nhận rằng mình đã ngủ rất sâu, không có gì đánh thức cô ta cả. Đây là một phần thông tin thu hút Hannah vì nó khá ngẫu nhiên và cần phải xem xét kỹ hơn.
“Chồng tôi lúc đó đang ngủ ở phòng khách”, Gwenda Brooks nói. “Đó là, ừm, do tiếng ngáy của anh ấy. Anh ấy chưa đến ba mươi nhưng lại ngáy như...” Cô ta không biết dùng loài động vật gì có tiếng ngáy tương tự để so sánh với tiếng ngáy của John Brooks. “Ừm, tôi không biết, nhưng tôi không thể ngủ với tiếng ngáy ấy được.”
“Chúng tôi muốn nói chuyện với chồng cô”, Bal đề nghị. “Khi nào anh ta về?”
Chắc phải tầm bảy rưỡi. Một ngày làm việc của John Brooks khá dài. Vợ anh ta quen biết với nhà Marshalson chỉ để “giết thời gian”. Cô ta có một lần nói chuyện với Amber khi cô bé ra ngoài cùng với đứa con bởi vì Brand quá “dễ thương và luôn cười vui vẻ”. Cô ta yêu những đứa trẻ và rất muốn có một đứa con. Chồng cô ta đã từng tới Cliffton dạy Amber một số thứ về máy vi tính một hai lần. Gwenda không chắc về điều đó. Cô ta chẳng bao giờ có thể hiểu rõ về máy tính. “Siêu đoảng”, cô ta nói khi nhìn thấy vẻ chán ghét của Hannah. “Tôi nghĩ là mình mắc chứng khó đọc. Đó luôn là lý do, đúng không?”
Hannah ghi vào trong báo cáo. Nếu nhà Marshalson có máy vi tính thì tại sao Amber lại phải nhờ Brooks dạy cách dùng nó? Mẹ kế không dạy được cô ta ư? Dù sao thì, không thể tưởng tượng được mười tám tuổi rồi mà còn không có kỹ năng sử dụng máy vi tính. Những kỹ năng này đều được dạy ít nhất là từ khi năm tuổi. Có thể John Brooks có mối quan hệ mập mờ với Amber. Điều này cũng đáng để suy ngẫm.
Lydia Burton ở căn số ba lại hợp tác và giúp ích hơn, mặc dù khi Hannah nghĩ vậy, cô nhận ra mình chỉ có thể nghĩ theo cách này vì Lydia Burton là tuýp phụ nữ độc thân, tự chủ và có trách nhiệm cao trong công việc. Amber Marshalson đã theo học ngôi trường mà Lydia đảm nhiệm chức giáo viên chủ nhiệm vài năm sau khi bố và người mẹ lúc ấy đang ốm nặng chuyển đến đường Mill. Mẹ ruột của Amber mất khi cô ta lên bảy và cha cô ta đã tái hôn với giám đốc công ty trang trí nội thất của mình vài năm sau đó.
“Amber tội nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn. Con bé chưa bao giờ hòa hợp với mẹ kế, thật kỳ lạ bởi vì Diana là một phụ nữ rất tử tế. Bà ta luôn đối xử tốt với đứa nhỏ.”
Một con chó West Highland nhỏ chạy vào trong phòng và nhảy vào lòng Lydia Burton. Bal hỏi cô ta một lần nữa về việc dắt chó đi dạo lúc nửa đêm và cô ta lặp lại câu chuyện nhìn thấy một người đàn ông mặc áo khoác trùm đầu đứng trong bụi cây. Không, cô ta không nghĩ hắn đang mang một thứ gì đó, mặc dù hắn có đeo ba lô sau lưng. Đúng vậy, cô ta khẳng định hắn có đeo ba lô. Nhắm mắt lại, cô ta vẫn có thể nhìn thấy chỗ phình ra sau lưng hắn.
“Đó có thể là một cái bao hoặc một cái túi đeo trên lưng hắn. Tôi hơi hoảng, cô biết đấy. Tôi ra ngoài một mình và chỉ dắt theo con chó. Nó rõ ràng không phải giống chó bảo vệ, các vị có thể thấy đấy, tội nghiệp con chó nhỏ. Tôi đã băng qua đường và đứng ở đây, chỗ xa nhất mà mình có thể đứng. Lẽ ra tôi nên gọi cảnh sát, đúng không? Mọi người đều nghĩ đến việc này khi đã quá muộn...”
Trong cái nóng khủng khiếp của ngày tiếp theo, họ tiếp tục lùng sục tìm hung khí, chỉ biết nó có thể là một tảng bê tông, một viên gạch làm bằng than xỉ, một cục gạch hay thậm chí là một thanh sắt. Mặc dù biết chẳng mong đợi được gì, nhưng Wexford vẫn sốt sắng chờ giám định từ bên pháp y.
Đặt báo cáo lên bàn, Hannah hỏi rằng tại sao họ không tìm ra được hung khí. Cùng lúc đó, cả hai biết được Carina Laxton đã sửa lại thời điểm tử vong là lúc gần hai giờ sáng chứ không phải một giờ.
“Bởi vì bất kể là thứ gì thì nó cũng đã nằm trong ba lô của gã đó, thưa ngài. Cái gã đeo ba lô mà Lydia Burton đã nhìn thấy. Ngoài viên gạch hoặc tảng bê tông dùng để sát hại Amber ra, hắn còn có thể mang được gì trong ba lô nữa?”
“Có thể. Tôi sẽ không dừng cuộc tìm kiếm cho đến khi gã chuyên gia về gạch kia đem đến thứ gì đó xác đáng hơn.
Anh ta chỉ có một mẫu vật từ vết thương để kiểm tra - thằng nhãi ranh.”
Hannah nghĩ thật không thích hợp với ai đó có cấp bậc như Wexford - hoặc ở cấp bậc tương tự khác - khi có những lời nhận xét mang tính cảm xúc nhất thời như vậy. Đó là công việc của chuyên gia về gạch. Vì Chúa, cô cũng đã quen với việc này. Đó là nghề của cô. Hannah cũng than phiền về việc sử dụng từ “gã” của Wexford. Làm sao anh biết được chuyên gia này không phải là phụ nữ? Sau cùng, nhân viên pháp y sẽ tiến hành khám nghiệm chính thức trên cơ thể Amber vào ngày mai.
“Hắn mang một viên gạch hoặc đại loại thế, thưa ngài”, cô nói, “và khi đã... sử dụng xong, hắn sẽ mang nó theo cùng”.
“Ồ có thể là ‘cô ta’, thưa trung sĩ”, Wexford nói bằng giọng vô cảm.