Trong một sự kiện được tổ chức nhằm cổ động cho sự hòa hợp ở Trung Đông, người điều khiển ca đoàn của một giáo đường Do Thái đã đưa ra những lời nhận xét mang nặng tính phân biệt chủng tộc đối với người Ả Rập. Trong lúc tức giận, tôi đã viết một bài xã luận về việc này cho tờ báo địa phương. Tôi bắt đầu bài xã luận của mình bằng một câu chuyện ngụ ngôn của người Do Thái. Chuyện kể về một người đàn ông đã lan truyền những tin đồn sai về một giáo sĩ. Sau khi nhận ra lỗi lầm của mình, người đàn ông đã đến gặp vị giáo sĩ và xin chịu trừng phạt.
- Ngươi hãy mang cái gối lông ngỗng này đến đỉnh ngọn đồi và giũ tung nó ra, sau đó quay trở lại đây. - Vị giáo sĩ Do Thái yêu cầu người đàn ông kia.
Khi người đàn ông trở lại, vị giáo sĩ Do Thái tiếp tục:
- Bây giờ ngươi hãy quay trở lại đỉnh đồi và gom đám lông ngỗng lại.
- Làm sao tôi có thể làm được việc này cơ chứ?
- Người đàn ông phản đối.
- Dĩ nhiên là ngươi không làm được. - Vị giáo sĩ Do Thái nói. - Đó cũng là điều xảy ra với những lời nói của ngươi đấy.
Đây cũng chính là điều mà người điều khiển ca đoàn đã làm. Hàng trăm người đã nghe được những lời nói phân biệt chủng tộc của ông và rất nhiều trong số đó là trẻ em. Những cái lông đã giũ ra sẽ không bao giờ lấy lại được.
Trước khi bài báo được phát hành, tôi đã gửi một bức email cho người đàn ông này. Sau đó, tôi và anh ta đã trao đổi với nhau thêm vài lần nữa - trên tinh thần xây dựng chứ hoàn toàn không mang tính thù địch. Thế nhưng, cuối cùng thì chúng tôi vẫn không tìm được tiếng nói chung cho vấn đề cả hai cùng quan tâm.
Trong bức email cuối cùng tôi gửi cho người đàn ông đó vào thứ Sáu, tôi viết "Shabbat Shalom" ở cuối thư, nghĩa là một lời chúc hòa bình trong ngày Sabbath[11]. Trong thư hồi âm, ông ấy viết: "Vâng, chúng ta đều nên chúc nhau hòa bình". Không hiểu sao tôi đã xúc động thật sự khi đọc được dòng chữ này và chỉ trong tích tắc, tôi đã viết lại cho ông với lời đề nghị: "Chúng ta có thể ăn trưa cùng nhau không?".
Sau khi bài báo được phát hành, tôi nhận được rất nhiều thư phản hồi với những lời lẽ không hay cho lắm. Trong số đó có một bức thư của một giáo sĩ Do Thái. Trong thư, ông viết: "Những điều ông nghĩ là hoàn toàn đúng, nhưng ông đã sai khi viết chúng ra. Việc ông làm chẳng khác gì việc làm của người điều khiển ca đoàn kia. Vì như vậy ông cũng đã làm mất thanh danh người này".
Người giáo sĩ nói có đúng không? Tôi nghĩ cả người điều khiển ca đoàn và tôi đều thật tầm thường.
Một vài ngày sau khi bài báo phát hành, người điều khiển ca đoàn và tôi đã đi ăn trưa cùng nhau. Cả hai kể cho nhau chuyện cuộc đời mình. Ông ấy kể về tuổi thơ của mình ở đất nước Ả Rập và giấc mơ trở thành một nhà khoa học. Đến lúc này tôi mới hiểu được một phần con người ông cũng như lý do tại sao ông lại yêu thích công việc điều khiển ca đoàn đến vậy. Mặc dù biết giữa chúng tôi khó có thể hình thành một tình bạn thật sự nhưng nếu trước đó tôi được gặp và trò chuyện với người đàn ông này thì có lẽ tôi đã không viết bài xã luận đó.
Qua câu chuyện này, tôi hiểu rằng nếu muốn hòa bình, chúng ta phải cư xử hòa bình chứ không đơn giản chỉ là nói về nó. Nếu ta muốn con cái sống cởi mở và nhân ái, bản thân ta phải làm mẫu cho chúng trước. Khi tôi thể hiện sự phản đối của mình thông qua bài xã luận, tôi đã ủng hộ hòa bình bằng một nắm đấm. Và điều này sẽ chỉ khiến trái tim của mọi người khép chặt lại mà thôi.
Mọi việc đã thay đổi kể từ khi người điều khiển ca đoàn dùng từ "chúng ta" và mở lòng trò chuyện cùng tôi. Nhiều tháng sau, khi nhìn lại, tôi thấy thế giới quanh tôi vẫn không có gì thay đổi; cả cuộc sống của hai chúng tôi cũng vậy. Nhưng tôi đã học được một bài học đáng giá qua sự kiện này và cảm mến hơn người đàn ông mà mình đã từng phê phán gay gắt này.