Cuộc đời của Max - một thợ may 60 tuổi - cứ bình lặng trôi qua mà không hề có sự thay đổi nào trong suốt 45 năm qua. Mỗi ngày, ông mặc một bộ quần áo cũ kỹ và đi đến cửa hàng. Trên đường, ông ghé vào một giáo đường Do Thái để cầu nguyện. Và sau một ngày làm việc vất vả, ông lại trở về nhà, đưa toàn bộ tiền kiếm được cho vợ.
Max chỉ có một tật là hàng ngày ông đều dành một đô-la để mua một tờ vé số.
Một ngày nọ, Max trúng xổ số và mang về nhà tấm séc trị giá một triệu đô-la. Như thường lệ, ông đưa tấm séc cho vợ. Sáng hôm sau, ông thức dậy sớm, mặc bộ quần áo sờn rách và chuẩn bị đến cửa hàng. Nhưng hôm đó, vợ ông đã ngăn ông lại:
- Max, ông đã làm việc vất vả cả đời nhưng bây giờ ông đã có cơ hội để hưởng thụ cuộc sống rồi. Hãy sắm cho mình một bộ đồ mới và đi mát- xa đi. Và đi cẩn thận nhé!
Max làm đúng theo lời vợ dặn. Ông đi mát-xa và mua một bộ đồ mới cáu. Max hoàn toàn lột xác, đến mức chẳng còn ai trong khu phố nhận ra ông lão thợ may già nua trước đây nữa.
Max xuống phố rồi băng qua đường, ngực ưỡn đầy tự hào. Vừa lúc đó, một chiếc xe hơi trờ tới và cán ngang qua người ông. Max xấu số lìa trần.
Bởi vì Max đã sống một đời lương thiện nên sau khi qua đời, ông được đưa thẳng lên Thiên đàng và được gặp ngay Chúa Trời, ông hỏi:
- Thưa Đức Chúa Trời, tôi chỉ muốn hỏi Người một câu thôi. Suốt cả đời mình, tôi đã sống rất tử tế, như chính con người tôi và không hề thay đổi một ngày. Vậy mà đúng vào lúc vận may đến với tôi thì Người lại lấy đi sinh mạng của tôi. Tại sao Người lại làm như vậy?
Chúa im lặng một lát rồi trả lời:
- Max! Đó là vì ta đã không nhận ra ông!
Rất nhiều người đã sống với niềm tin rằng nếu túi tiền của họ rủng rỉnh hơn, nếu họ có được những đứa con ngoan, người bạn đời hoàn hảo hay nếu ngoại hình của họ xinh đẹp hơn… thì cuộc đời họ sẽ hạnh phúc gấp bội. Bản thân tôi cũng đã từng ở vào trường hợp như vậy. Và sự thật đó cũng là một trong những điều đầu tiên tôi quan sát về mọi người.
Cả cuộc đời, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình giỏi giang quá mức. Như tôi đã tiết lộ trước đây, việc học của tôi không được xuất sắc cho lắm và tôi từng cảm thấy rất xấu hổ về điều đó. Không chỉ vậy, tôi còn là em trai của một người chị cực kỳ thông minh và nổi tiếng. Mặc dù tôi cũng có chút tiếng tăm nhưng so với các bạn đồng trang lứa, tôi luôn thấy mình thua thiệt. Hơn thế nữa, hầu hết những người lớn đều bảo rằng sở dĩ tôi thua kém các bạn là do tôi quá lười nhác. Kết quả là tôi cho rằng mình sẽ không bao giờ đuổi kịp người chị tài năng hay những người bạn giỏi giang của mình. Và tôi thầm mong ước phải chi mình cao lớn hơn, khỏe mạnh hơn và thông minh hơn thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn biết bao nhiêu.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng tự cho rằng nếu tôi được đánh giá cao trong công việc, kiếm được nhiều tiền hoặc kết hôn với một người vợ xinh đẹp thì tôi sẽ đuổi kịp được mọi người.
Thế nhưng, ngay cả khi tôi có được tất cả những điều này, tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Và tôi lại càng làm việc quần quật hơn.
Sau khi bị tai nạn (cũng là lúc tôi nhận ra rằng dù thế nào chăng nữa thì cảm giác không thể hòa nhập với thế giới xung quanh vẫn chẳng bao giờ mất đi trong tôi), tôi bắt đầu quan sát những người tỏ ra hòa nhập với cộng đồng và cả những người không làm được điều đó. Trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng, giống như đứa trẻ bị lạc đang tìm kiếm gia đình, tôi hy vọng rằng tôi không phải là người duy nhất phải nếm trải cuộc sống theo cái cách mà tôi đang từng ngày trải qua.
Điều mà tôi quan sát được đó là: Hóa ra, hầu hết mọi người cũng giống như tôi; đều làm việc quần quật để mong mình sẽ trở thành một người khác, giỏi giang hơn, thành công hơn.
Nhưng trên thực tế, giống như ông lão thợ may tội nghiệp Max, không phải lúc nào sự thay đổi cũng mang lại tác dụng tích cực. Đôi lúc, chúng ta phải hiểu rằng điều duy nhất ta cần thay đổi đó là hãy ngừng việc cố gắng thay đổi bản thân mình. Trong cuốn sách Radical Acceptance, nhà tâm lý học Tara Brach đã kể câu chuyện về một cô gái chăm sóc người mẹ trong bệnh viện.
Trong phút lâm chung, người mẹ nhìn vào mắt cô con gái và nói: "Cả cuộc đời, mẹ lúc nào cũng cảm thấy mình không hoàn hảo, luôn có vấn đề. Và đó quả thật là một việc làm lãng phí!".
Kể lại câu chuyện này, Brach nói: "Có thể nói, những lời nói này cũng là món quà cuối cùng mà người mẹ dành tặng cho cô con gái của mình".
Tôi nhận thấy rằng hầu hết chúng ta đều cố gắng tìm ra khiếm khuyết của mình và thay đổi chúng. Bất kể mục tiêu của việc làm này là để sửa chữa những sai lầm (mà ta cho rằng chúng cần phải được sửa chữa); để che giấu thất bại của mình; tìm kiếm cảm giác bình yên hay một tình yêu chân chính thì hầu hết chúng ta đều lao động cật lực để thay đổi bản thân. Và nếu như nỗ lực đó vẫn đủ để giúp ta thay đổi thì ta lại tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.
Vài năm trước, tôi gặp một người đàn ông đã phải điều trị tâm lý trong suốt 18 năm. Người này đã hơn 60 tuổi và gần như tuyệt vọng khi tìm đến văn phòng tôi.
- Tôi có cảm giác như mình là một người thất bại, kể cả ở cương vị một người bình thường hay một bệnh nhân. - Ông tâm sự. - Tôi tìm đến liệu pháp điều trị tâm lý vì cho rằng mình đã không được xã hội công nhận là một người có tầm ảnh hưởng rộng. Và bây giờ, sau nhiều năm điều trị, tôi vẫn chưa cảm thấy mình được công nhận.
Tôi cố gắng để "cảnh tỉnh" người đàn ông này. Tôi nói:
- Tôi có một tin tốt và một tin xấu cho ông đây. Tin tốt là ông chưa bao giờ là một người bỏ đi trong thế giới này. Và tin xấu là ông thật sự không phải là một người có tầm ảnh hưởng rộng.
Sau khi nghe những lời tôi nói, đầu tiên, người đàn ông cười rất to rồi bật khóc. Nhưng sau đó ông lại mỉm cười. Ông bảo với tôi rằng ông khóc vì tiếc nuối cho quãng thời gian mà mình đã lãng phí và ông cười vì ông đã biết rằng ông không phải là người quan trọng cho thế giới này.
Khi ta cố gắng thay đổi mình, sự tập trung của ta dành cho việc nhìn nhận thế giới sẽ bị hạn chế. Càng tự phê bình bản thân, chúng ta càng bó hẹp với chính mình.
Trong bộ não của con người có một bộ phận làm nhiệm vụ quan sát mọi cử chỉ, hành động của bản thân. Nhưng đây không phải là một sự quan sát khách quan và cũng không có bất kỳ sự thông cảm nào. Nó - như một quan tòa khó tính - luôn nhắc nhở rằng ta không bao giờ đủ giỏi giang. Và thế là ta sẽ có xu hướng tự phê bình, phán xét chính mình và lại cố gắng làm việc nhiều hơn, nghỉ ngơi ít đi để phục vụ cho tham vọng trở thành một người giỏi giang và hoàn hảo.
Đa số những người tôi từng tiếp xúc đều cho rằng những phán xét của họ là đúng đắn! Họ xem chúng như "nhận thức lý tưởng" - một tiếng nói từ bên trong mách bảo cho họ biết cách trở thành một người như mong muốn. Một vài người khác thậm chí còn gọi tiếng nói đó là lương tâm. Thường thì họ xem nó là một tiếng nói sáng suốt và đầy quyền lực.
Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ vậy. Tôi cho rằng tiếng nói phán xét bên trong ta không phải là một nhà quan sát sáng suốt. Đúng hơn, nó là tiếng nói của sự lo lắng và bất an. Nó bảo với chúng ta rằng nếu thay đổi mình, ta sẽ được yên bình. Và tiếng nói đó chẳng khác gì tiếng một đứa trẻ hoảng loạn đang tự an ủi mình: "Được rồi, cứ làm như thế này, hay như thế này, rồi mình sẽ ổn". Vậy thì thay vì tuân thủ tiếng nói đó, ta hãy cố gắng xem nó chỉ là sự lo lắng của mình mà thôi. Rõ ràng, sự lo lắng cần được dập tắt bằng sự vững tâm hơn là sự phục tùng.
Hãy hiểu rằng, nơi bạn tìm thấy sự hài lòng với con người thật của mình thay vì cố gắng theo đuổi con người ảo cũng là nơi bạn sẽ tìm thấy được sự yên bình.