Trong những buổi trao đổi của tôi với nhóm các bậc cha mẹ, đề tài của chúng tôi luôn xoay quanh tình trạng căng thẳng mà họ đang phải đối mặt. Hầu hết họ đều tỏ ra quan tâm đến con cái một cách thái quá, luôn muốn chúng đạt điểm số cao ở trường học và tham gia thật nhiều hoạt động xã hội. Hầu như họ đều than phiền rằng họ không đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm lo cho chính mình. Khi tôi hỏi tại sao họ lại phải cố gắng quá sức như vậy, câu trả lời luôn là: "Vì tương lai bọn trẻ".
Trong khi đó, nhiều đứa trẻ tâm sự với tôi rằng chúng cảm thấy có lỗi khi cha mẹ phải làm việc quá vất vả như vậy. Chúng còn bảo với tôi rằng chúng đã cố gắng hết sức mình để không gây thêm căng thẳng cho cha mẹ. Vậy là như ta thấy, cả hai thế hệ đều cố gắng hy sinh bản thân mình để chăm sóc cho thế hệ kia.
Vài năm trước, một người đàn ông tên Bernard đã gọi cho tôi và hỏi liệu tôi có thể đến gặp cậu con trai 24 tuổi của ông, Dwight, để trò chuyện không. Bernard rất lo lắng cho Dwight bởi cậu đã từng bỏ học đại học giữa chừng và bây giờ lại vừa mới bỏ việc. Bernard bảo với tôi là con trai ông có vẻ như đang mất phương hướng. Tôi đáp lại rằng nếu Dwight muốn giúp đỡ, cậu bé có thể gọi cho tôi và tôi sẽ rất vui lòng sắp xếp một cuộc hẹn. Vài giờ sau, tôi nhận được điện thoại của Dwight.
Đến lúc gặp Dwight, tôi mới hiểu được nỗi lo lắng của cha cậu. Tuy Dwight trông không có vẻ tuyệt vọng nhưng cậu đang rất buồn. Dwight bảo với tôi rằng cậu không cảm thấy hạnh phúc với con đường mà cậu đang đi nhưng lại không biết phải làm gì để thay đổi.
Tôi hỏi chuyện về thời thơ ấu của Dwight và được biết rằng cuộc sống của cậu tương đối êm đềm. Không có quá nhiều sự kiện lớn xảy đến với Dwight ngoại trừ việc cha mẹ ly hôn năm cậu 10 tuổi. Tuy nhiên, sự kiện này cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ giữa cậu và cha mẹ.
Tôi bảo với Dwight rằng tôi khá bất ngờ khi cha cậu là người gọi cho tôi đầu tiên. Thông thường, mẹ là người quan tâm con cái hơn cả và sẽ là người đầu tiên gọi điện cho bác sĩ tâm lý khi con cái gặp vấn đề. Tôi hỏi Dwight về mối quan hệ giữa hai cha con cậu. Dwight trả lời rằng cậu và cha luôn rất gần gũi nhau.
- Ngày xưa, cha là người đọc truyện cho cháu nghe trước khi đi ngủ. - Dwight nói.
Dwight còn cho biết thêm rằng từ năm bảy tuổi, hai cha con cậu thường cùng nhau đi cắm trại vào mỗi dịp hè.
- Năm nào cháu cũng trông đến mùa hè. - Dwight nói. - Nhưng kể từ năm cháu lên 10 hay 11 tuổi gì đó, cháu nhận thấy cha có nhiều thay đổi. Cha luôn tỏ ra lo lắng thái quá về các sự kiện không vui trong gia đình. Đầu tiên, cha lo lắng về phản ứng của cháu trước việc cha mẹ ly hôn. Một vài năm sau đó, cha lại lo lắng về tình trạng trái tính trái nết của chị cháu khi chị ấy bước vào tuổi dậy thì. Và suốt những năm vừa qua, cha cũng luôn lo lắng về công việc kinh doanh của ông.
Cháu vẫn luôn mong chờ những chuyến cắm trại và cũng hiểu tình yêu cha dành cho cháu. Nhưng cháu chẳng hiểu tại sao dường như chẳng thấy cha hạnh phúc bao giờ.
Một tuần sau đó, Bernard gọi điện và hỏi tôi về cuộc nói chuyện. Được sự đồng thuận của Dwight, tôi kể cho cha cậu nghe về tình hình của cậu:
- Tôi cho rằng có thể giải thích tình hình của Dwight theo hai hướng. Thứ nhất, con trai ông quá lo lắng cho hạnh phúc của ông nên nó không thể rời xa ông để bắt đầu cuộc sống riêng của nó. Thứ hai, giống như nhiều trường hợp khác, thằng bé nhìn tương lai của mình thông qua đôi mắt của ông. Có thể Dwight đang cho rằng cuộc sống tương lai của nó cũng sẽ khắc nghiệt như cuộc sống của ông hiện tại.
Sau một vài giây im lặng, Bernard chậm rãi hỏi:
- Vậy tôi phải làm gì bây giờ?
- Câu trả lời cực kỳ đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện. – Tôi nói. – Ông phải sắp xếp lại cuộc sống của mình. Việc ông tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống riêng cũng chính là cách ông thể hiện tình yêu của mình đối với con đấy.
Quả thật, để giúp con cái có được một cuộc sống hạnh phúc, điều các bậc cha mẹ cần làm là hãy quan tâm đến chính bản thân mình.
Vậy bằng cách nào để ta làm được việc này?
Với vai trò một bác sĩ tâm lý, tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều gia đình có con cái lâm vào tình trạng tuyệt vọng, lãnh đạm hoặc giận dỗi. Mặc dù các bậc cha mẹ luôn cho rằng chính bọn trẻ mới là người có vấn đề nhưng tôi lại trò chuyện với họ nhiều hơn. Và kết quả thường thấy là khi các bậc cha mẹ tìm lại niềm vui và tình yêu trong hôn nhân thì những căng thẳng trong gia đình họ giảm đi và các triệu chứng trái tính trái nết của bọn trẻ cũng biến mất.
Đó là điều đã xảy đến với Jeff và Martha khi họ đến gặp tôi cùng với cậu con trai Tony. Thằng bé thường xuyên gây gổ và bắt nạt bạn bè ở trường. Dù mới 8 tuổi nhưng trông Tony lại hết sức ngỗ ngược. Tuy vậy, sau một lúc quan sát, tôi nhận ra nỗi buồn trong mắt cậu bé. Và ngay lúc đó, tôi hiểu rằng Tony sẽ không bao giờ chia sẻ nỗi buồn của mình với người khác một khi cậu cảm thấy người đó không đủ tin tưởng để cậu mở lòng. Tony chọn cách bắt nạt bạn bè để chứng tỏ bản thân nhưng lại ngồi thinh lặng trong suốt buổi gặp gỡ hôm đó.
Khi Jeff và Martha kể chuyện cuộc sống gia đình của họ, tôi nghe họ nói rất nhiều về người chị gái 12 tuổi của Tony. Cô bé này rất được Martha yêu thương và quan tâm chăm sóc. Tôi hình dung bức tranh về cuộc sống gia đình họ. Để đối phó với tình trạng căng thẳng ngày càng tăng trong gia đình, Jeff chọn cách sống khép kín mỗi khi trở về nhà. Anh không còn quan tâm nhiều đến gia đình nữa. Trong khi đó, Martha lại quá chú tâm đến các con, đặc biệt là cô con gái. Khi cảm nhận được sự rạn nứt của gia đình, cả hai đều cố gắng hàn gắn nó. Thế nhưng, vì không nhận biết những tổn thương mà mình đang phải gánh chịu nên cả hai đều không thể tìm ra hướng giải quyết những vấn đề của gia đình mình một cách triệt để.
Chính các bậc phụ huynh mới là người chịu trách nhiệm về những sự xáo trộn trong gia đình, chứ không phải là con cái. Khi Jeff và Martha hiểu ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề, họ bắt đầu quan tâm đến cuộc sống của nhau hơn đồng thời mở lòng chia sẻ với nhau những tổn thương của mình.
Jeff và Martha bắt đầu hẹn hò mỗi tuần một lần và cùng nhau đi học nhảy. Cả hai đều trông có vẻ hạnh phúc hơn.
Điều thay đổi ở đây chính là thay vì cố hàn gắn những vết thương cũ, Jeff và Martha tập trung tìm kiếm hạnh phúc mới cho gia đình mình. Và cuối cùng, họ đã làm được điều đó.