Một lần, tôi nói với bạn tôi rằng: "Đôi khi, cuộc sống của chúng ta chỉ xoay quanh vấn đề quản lý và xoay xở với nỗi lo lắng của bản thân mình. Mỗi người sẽ có cách xoay xở với nỗi lo lắng của mình khác nhau, nhưng có vẻ người nào cũng đều khổ sở vì nó".
Năm 1999, tôi viết một bài báo đề cập đến việc thế giới của chúng ta đang đứng trước nguy cơ bùng nổ những nỗi lo lắng mang tầm quốc gia. Tất nhiên, điều tôi vừa nói được đúc kết từ trải nghiệm của chính bản thân tôi và của người thân, bạn bè, bệnh nhân, khán giả… chứ không có bất kỳ số liệu cụ thể nào chứng minh cho điều đó.
Vào cuối những năm 90, tiêu chuẩn để được vào học tại các trường công lập ở Mỹ (đặc biệt là những trường học địa phương) trở nên khắt khe hơn. Áp lực phải vào được một trường đại học tốt – là vấn đề luôn được quan tâm trong trường phổ thông – dường như cũng trở nên khác biệt vào thời gian này. Ngay cả việc được vào học ở các trường mẫu giáo công lập – theo lời một vài người bạn của tôi – cũng trở nên căng thẳng.
Tôi cũng quan sát thấy rằng suốt những năm 90, xã hội Mỹ chìm trong những nỗi lo lắng triền miên. Lo lắng về vấn đề tội phạm, hình mẫu gia đình phát triển nhanh nhất lúc bấy giờ là những ngôi nhà khép kín với cánh cổng lớn, bất kể thống kê về tình hình tội phạm có vẻ đang giảm dần. Và tương tự, những mối lo lắng về vấn đề tài chính của con người cũng gia tăng trong khi thị trường chứng khoán vẫn phát triển mạnh mẽ.
Như tôi đã trình bày ở trên, bài báo được viết vào năm 1999 - hai năm trước khi chúng ta bàng hoàng nhận ra tai họa từ các cuộc khủng bố. Vậy liệu những gì tôi nói với người bạn của tôi có đúng không? Có phải cuộc sống của con người ngày nay chỉ là xoay quanh việc họ quản lý và xoay xở với nỗi lo lắng của bản thân mà thôi?
Trước lễ Vượt Qua hằng năm, tôi đều tìm đọc sách về người Do Thái như một cách làm cho kỳ nghỉ của mình thêm thú vị. Năm ngoái, trong lúc đọc sách, tôi phát hiện ra rằng khi Moses[12] dẫn dắt người Do Thái trốn khỏi Ai Cập, không phải ai cũng đi theo ông. Bài viết ước lượng rằng chỉ có khoảng 20% người Do Thái đi theo Moses, số còn lại vẫn ở lại chỗ cũ. Tại sao những người này lại không đi theo Moses dù biết đó là con đường duy nhất giải thoát cho họ? Bởi vì rất nhiều người chỉ muốn giữ nguyên nếp sống thường nhật kể cả việc phải chịu đựng nó. Với những người này, các nguyên tắc thường ngày chính là cách để họ kiểm soát được nỗi lo lắng cũng như cuộc sống của mình. Khi nỗi lo lắng càng tăng cao thì họ càng tìm cách bám lấy những nguyên tắc an toàn này. Với họ, thay đổi cũng đồng nghĩa với lo lắng.
Tôi nhớ đến một câu chuyện cười nói về ba nhân vật Moe, Larry và Curly. Chuyện kể rằng Moe, Larry và Curly bị đắm tàu và trôi giạt vào một hòn đảo nhỏ. Một ngày nọ, cả ba nhìn thấy một chiếc lọ cũ kỹ giạt vào bờ biển. Họ lau chùi cái lọ sạch sẽ và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một nữ thần hiện ra. Bà nói:
- Ta có ba điều ước dành cho ba người. Nào, mỗi người hãy nói điều ước của mình đi.
Moe, người gốc Paris, nói:
- Tôi ước bây giờ mình được ngồi bên người yêu trong một quán cà phê nhỏ ở Left Bank[13], nhâm nhi một ly cà phê nóng và ngắm mọi người qua lại!
Một tiếng "bụp" vang lên, Moe lập tức biến mất.
Larry, một người Đức chính gốc, nói:
- Từ lúc bị giạt lên hoang đảo này, tôi mong chờ từng ngày để đến Lễ hội Bia tháng Mười[14]. Ôi, ước gì tôi đang ở trong lễ hội bia ở Munich!
Vừa dứt lời, Larry cũng biến mất.
Cuối cùng, nữ thần quay về phía Curly.
- Còn một điều ước cuối cùng dành cho ngươi đấy.
- Thần biết đấy, tôi rất nhớ Moe và Larry... – Curly nói. Và hẳn bạn biết anh chàng này ước điều gì rồi phải không?
Như vậy, có thể thấy rằng ước muốn của Curly cũng giống như của 80% người Do Thái đã chọn ở lại Ai cập. Dù có than phiền về cuộc sống hiện tại của mình chăng nữa thì khi có cơ hội thay đổi, họ vẫn chỉ nói rằng: "Tôi chỉ muốn cuộc sống hôm qua của tôi thôi".
Con người thường dễ dàng thích nghi với những điều tốt đẹp. Nhưng còn tai họa thì sao? Rõ ràng, tai họa là điều ta không muốn có nhưng cũng là điều không ai có thể tránh. Vậy thì làm thế nào để ta chế ngự được nỗi lo lắng của mình?
Trong nhiều năm qua, nỗi lo lắng đã trú ngụ trong tâm trí tôi như một người bạn trung thành. Tôi chưa bao giờ trục xuất nó ra khỏi đầu mình hay thậm chí chỉ là lờ nó đi. Nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng mối liên kết giữa nỗi lo lắng và tâm trí của mình đã thay đổi theo thời gian.
Gần đây, tôi tham dự một khóa thiền định kéo dài ba ngày. Khóa học tuyệt vời đã mang đến cho tôi cảm giác thư thái. Tôi trở về vào khoảng 8 giờ tối chủ nhật trong tâm trạng hoàn toàn bình yên. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, tôi lên giường ngủ. Đến khoảng 2 giờ sáng, tôi thức dậy với cơn đau nhói ở ngực vì những nỗi lo lắng đang đè nặng trong lòng. Công việc tồn đọng cùng một số vướng mắc trong các mối quan hệ đã thật sự ám ảnh tôi.
Khi nhận ra nỗi lo lắng của mình, tôi gần như hét lên, xỉ vả nó: "Đồ độc ác! Tao đã bỏ ra 3 ngày chỉ mong có thể thoát khỏi mày, vậy mà chỉ chưa đầy 5 giờ mày đã quay trở lại!". Sau đó, tôi chỉ còn biết cười vào nỗ lực trốn chạy vô vọng của mình. Tất nhiên, nỗi lo lắng của tôi vẫn ở đó và luôn luôn ở đó. Làm sao tôi lại có thể tin rằng 3 ngày ngồi thiền sẽ giúp mình từ bỏ "người bạn lâu năm" như vậy cơ chứ. Tôi cười vào sự ngốc nghếch của mình.
Câu chuyện của tôi cũng chính là cách mà nhiều người sử dụng để đối phó với sự lo lắng. Chúng ta cố gắng thỏa thuận với nó bằng cách dẫn dụ: "Nếu ta đạt được nhiều thành tích hơn thì nhà ngươi sẽ rời khỏi ta chứ?"; "Giả sử ta chuyển đến một khu phố an toàn hơn, hoặc nếu ta kiếm được nhiều tiền hơn thì nhà ngươi sẽ để ta yên chứ?"…
Cách đây không lâu, một người bạn đã tâm sự với tôi về cảm giác của anh. Anh nói rằng anh luôn phải cố gắng làm việc nhiều hơn để có được những điểm tựa an toàn.
- Mình có cảm giác như con quỷ lo lắng đang níu gót chân mình vậy. - Bạn tôi than thở.
Bạn tôi có thể làm gì để ngăn chặn con quỷ này?
- Cậu hãy bình tĩnh và ngồi xuống đi nào. - Tôi khuyên anh.
Thật sự là chẳng có con quỷ nào đang đuổi theo anh bạn của tôi cả. Tất cả chỉ là do tâm trí anh ấy tự tạo nên mà thôi. Tôi tin rằng cảm giác bình yên thực sự sẽ đến khi chúng ta không còn sợ hãi về những suy nghĩ tiêu cực của mình nữa. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy cảm nhận nó. Hoặc khi tâm trí bạn đưa bạn đến một nơi tăm tối, hãy dũng cảm ở lại đó.
Tôi bảo với anh bạn tôi rằng điều duy nhất anh ấy nên làm khi cảm thấy mình đang ở địa ngục là hãy tìm một trạm xe buýt và ngồi đợi. Trước ánh mắt ngạc nhiên lẫn bối rối của anh, tôi tiếp tục:
– Khi chúng ta đợi xe buýt, ta biết nó sẽ đến nhưng lại không biết chắc chắn là khi nào. Bất kể hôm đó trời nắng hay mưa, chúng ta đang vội vã hay thong dong thì xe buýt cũng chẳng đến sớm hơn. Đó cũng chính là điều xảy đến với nỗi lo lắng của chúng ta. Nó luôn đến vào đúng thời điểm của nó. Và điều này cũng xảy ra tương tự trong ngày chúng ta thấy mình đang ở thiên đường.
Cuộc trò chuyện với anh ấy đã giúp tôi nhớ lại mối liên kết giữa tâm trí và nỗi lo lắng của mình trong suốt những năm qua. Đến bây giờ, tôi hiểu rằng mình không thể tránh xa, chối bỏ hay quản lý nó được. Nhưng điều đáng nói là dường như những nỗi lo lắng của tôi đã bắt đầu chuyển hướng.
Giống như đa số người, tôi cũng thường cảm thấy lo lắng về những tai họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhưng thời gian trôi qua, những nỗi sợ trong tôi ít dần đi khi tôi nghiệm ra rằng mình đã có thể vượt qua được phần lớn những tai họa đó.
Bên cạnh đó, tôi cũng hình thành trong mình một niềm tin (ít ra là trong thời điểm này) về sự hồi phục của bản thân. Tôi tin rằng khi những điều không may trở lại, dù ghê gớm đến thế nào chăng nữa thì tôi vẫn sẽ vượt qua.
Dĩ nhiên là niềm tin này sẽ không làm cho cảm giác lo lắng trong tôi mất đi. Tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi xe lăn của tôi gây nên những tiếng động lạ; khi tôi nghĩ đến bệnh tình của mình hay khi tôi đến dự một buổi họp mặt vào mùa đông nhưng không biết liệu có ai đó có thể giúp mình mặc áo khoác hay không. Tôi cũng lo lắng liệu lời lẽ trong cuốn sách này đã phản ảnh được hết những suy nghĩ của tôi hay chưa và liệu điều tôi diễn giải ở đây có giúp ích được gì cho bạn hay không.
Vậy là cảm giác lo lắng vẫn bầu bạn với tôi trong suốt những năm tháng qua. Nhưng mối quan hệ của chúng tôi đã phát triển theo hướng dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi không còn cố gắng kiểm soát nó nữa; và khi làm được điều đó, tôi nhận ra rằng nó cũng ít kiểm soát mình hơn.