Năm 24 tuổi - tuổi đẹp nhất của một đời người - vợ tôi được phát hiện có một khối u ác tính trong người. Lúc này, các con của chúng tôi chỉ mới được 1 và 2 tuổi. Tôi biết rằng mình cần phải tỏ ra "mạnh mẽ" để làm chỗ dựa cho cả gia đình, đặc biệt là phải luôn ở bên người vợ đang trong cơn tuyệt vọng của mình.
Sau một thời gian nghỉ phép, tôi phải quay lại với công việc vì tôi đang là lao động chính trong gia đình. Nhưng đến bây giờ, khi hồi tưởng lại, tôi nhận ra lúc đó, tôi muốn đi làm không hẳn vì vấn đề thu nhập. Đúng hơn, công việc đã trở thành một sợi dây neo, một điểm tựa giúp tôi đứng vững. Công việc luôn mang lại cho tôi cảm giác an tâm.
Trong suốt thời kỳ Sandy - vợ tôi - bị bệnh, tôi còn kiêm thêm vai trò của một "nhân viên tổng đài". Vì không muốn làm phiền Sandy nên mọi người đều gọi cho tôi với một câu hỏi duy nhất: "Cô ấy thế nào rồi?".
Điều đáng nói là Sandy không chỉ phải đối phó với một căn bệnh đe dọa mạng sống mà còn phải đương đầu với những hệ quả từ việc chữa trị và phẫu thuật khối u. Điều này thật sự quá sức chịu đựng của một phụ nữ 24 tuổi. Mỗi tháng năm ngày và trong suốt một năm, chúng tôi đều đặn đến Trung tâm điều trị ung thư Fox Chase ở Philadelphia. Nhưng sau mỗi đợt hóa trị, sức khỏe của Sandy lại giảm sút thêm. Cô ấy luôn buồn nôn và mệt mỏi. Ngày qua ngày, chúng tôi sống trong sự căng thẳng dai dẳng và gần như kiệt sức. Sự hoài nghi dần xuất hiện trong tôi: "Liệu tế bào ung thư có di căn không?"; "Khối u có trở lại không?"; "Sandy có qua khỏi không?"…
Và bên cạnh việc chăm sóc Sandy, tôi còn phải chăm lo cho hai cô con gái nhỏ. Suốt thời gian bận rộn ấy, tôi dần hiểu được khái niệm trở thành điểm tựa cho mọi người nghĩa là như thế nào.
Cùng trong thời gian này, tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp khóa đào tạo sau đại học về ngành tâm lý của Học viện Gia đình ở Philadelphia. Giảng viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu của tôi lúc đó là cô Geraldine Grossman (còn gọi là cô Gerri) - một phụ nữ sâu sắc và rất tuyệt vời. Căn bệnh ung thư của Sandy được phát hiện vào giữa thời điểm làm đề tài của tôi. Khi cô Gerri hỏi về cảm xúc của tôi, tôi đáp lại như một cái máy. Tôi kể cho cô nghe về những gì đang xảy đến với Sandy và các con của tôi. Và đấy là tất cả "cảm xúc của tôi".
Nhưng Gerri đã ngắt lời tôi:
- Không! Cô đang muốn biết cảm xúc của em chứ không phải của người khác.
Câu hỏi của cô thật sự khiến tôi bối rối. Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều tháng, tôi ngừng suy nghĩ về gia đình mình. Và sau đó tôi òa khóc.
Ban đầu, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ vì phản ứng yếu đuối này của mình. Nhưng sau đó, tôi phần nào cảm thấy được an ủi khi có cô Gerri bên cạnh. Và tôi lại tiếp tục khóc. Lúc ấy, tôi dần nhận ra mình đã mệt mỏi và sợ hãi đến thế nào. Quả thật, tôi đã cố gắng quá sức để tỏ ra mình vẫn ổn trong khi sự thực thì tôi không ổn tí nào. Tôi gần như tảng lờ những thương tổn trong lòng mình. Tôi sợ rằng nếu không làm được điều đó, tôi sẽ sụp đổ và không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ngay lúc ấy, tôi bỗng vỡ lẽ ra nhiều điều về những người phải làm điểm tựa cho người khác như mình. Hầu hết đều cố gắng tỏ ra mạnh mẽ hơn con người thật của họ. Họ luôn cảm thấy cô đơn và luôn cho rằng mình không quan trọng bằng những người mình đang phải che chở. Tôi luôn tự nhủ: "Làm sao mình có thể than phiền được? Hãy nhìn nỗi khổ tâm mà người vợ yêu thương của mình đang phải gánh chịu!". Và như vậy, trở thành điểm tựa cho người khác có nghĩa là luôn cảm thấy tội lỗi, bất lực và thất bại. Hầu như lúc nào ta cũng cảm thấy mình không đủ mạnh mẽ để giúp đỡ và xoa dịu những nỗi đau của người mình yêu thương.
Và việc trở thành điểm tựa thường đến với ta một cách tình cờ. Có thể ngày hôm nay ta vẫn đang sống một cuộc sống bình thường nhưng bỗng nhiên ngày mai, cuộc sống quanh ta bỗng trở nên hỗn độn và ta là người có trách nhiệm nối kết mọi thứ trở lại như xưa. Và bất kể người đang gánh chịu bất hạnh là người mà ta yêu thương hay đang có xung đột thì ta vẫn phải trở thành điểm tựa cho họ.
Và thông thường, những người phải làm điểm tựa cho người khác đều cảm thấy buồn lòng vì dường như không ai quan tâm đến họ. Cảm giác mệt mỏi, bất lực khiến họ trở nên nóng nảy với cả những người họ phải bảo bọc. Và nhiều người cảm thấy tức giận bởi họ cho rằng cuộc sống ngày hôm qua của mình đã bị đánh cắp.
Ngay cả những người nhận được sự quan tâm, bất kể với tư cách là một bệnh nhân hay một thành viên trong gia đình, cũng thường trở nên giận dữ. Tôi nhớ lúc vừa bị nạn, tôi rất ghét cảm giác bị người khác quan tâm dù tôi biết là mình cần họ. Nhưng thú thật là tôi muốn được quan tâm nhiều hơn nữa! Tôi muốn mọi người biết rằng tôi đang rất sợ hãi và muốn được nghe những lời an ủi như: "Thôi nào, đừng lo lắng nữa. Chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh anh".
Tôi ghét bị mọi người quan tâm bởi điều đó dường như đã cướp đi của tôi cảm giác độc lập và có giá trị. Đôi khi, việc phải đón nhận sự chăm sóc của mọi người khiến tôi cảm thấy đau lòng hơn cả việc chăm sóc họ. Bởi vì hơn bao giờ hết, tôi hiểu rằng khi người ta phải trở thành điểm tựa cho mình, nghĩa là họ phải đánh mất một vài điều gì đó. Chính vì thế, tôi cảm thấy tội lỗi vì sự phụ thuộc của mình. Càng sống phụ thuộc, tôi lại càng thấy mình kém cỏi.
Lúc bị tai nạn, tôi nói với vợ mình rằng:
- Anh ổn thôi. Em hãy đi chơi với bạn bè hoặc đi đâu xa nghỉ ngơi vào cuối tuần đi. Anh sẽ ổn mà.
Nhưng tôi đã nói dối và vợ tôi biết điều đó. Vậy là cô ấy cũng đáp lại tôi bằng một lời nói dối:
- Không, không sao đâu! Em rất khỏe mạnh và em không cần phải đi đâu cả.
Vậy là ở đây, cả hai người đều phải trải qua nghịch cảnh và lời nói dối của cả hai đều xuất phát từ tình yêu. Và cả hai đều giận dữ với cái tai họa đã đẩy mình vào tình cảnh tồi tệ này.
Sự giận dữ có thể trở thành động lực để con người làm nên những điều phi thường. Đối với tôi, sự giận dữ đã giúp tôi theo đuổi cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khó vì sự công bằng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng giận dữ cũng có thể là thuốc độc giết chết con người. Bất kể việc ta có bào chữa cho sự giận dữ như thế nào chăng nữa thì qua thời gian, nó cũng sẽ trở thành nỗi cay đắng và phẫn nộ. Lúc đó, tâm hồn ta sẽ bị những cảm xúc giận dữ đầu độc. "Thuốc độc" của những cơn giận dữ không giải tỏa được sẽ để lại những hậu quả không tốt cho cơ thể ta, thậm chí là hơn cả sự mệt mỏi mà ta phải chịu đựng trong quá trình chăm sóc người khác.
Vấn đề là mỗi khi đối diện với bệnh tật hay gặp phải một tai nạn nào đó, con người thường có cảm giác cô đơn và bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Và cảm giác này cũng xảy đến với người gánh vác trách nhiệm chăm sóc người khác. Vậy là tuy yêu thương nhau nhưng cả hai đều cảm thấy cô đơn vì không ai trong số họ chịu mở lòng và thành thực với người kia. Chính điều này đã đẩy họ ngày càng xa cách nhau hơn. Hẳn không ít lần bạn âm thầm lau nước mắt sau lưng người mình yêu thương, phải vậy không?
Vậy thì ta cần phải làm gì?
Khi được hỏi về vấn đề này, đầu tiên, tôi khuyên những người đã quá mệt mỏi với vai trò "điểm tựa" hãy tìm đến các tổ chức xã hội. Nhưng sau đó, tôi chia sẻ với họ một cách thức khác có thể giúp mỗi người duy trì sự cân bằng trong cuộc sống, đó là hãy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình cho nhau. Nếu bạn chăm sóc và yêu thương một người nào đó, hãy hỏi han về cảm xúc của họ khi họ phải đối mặt với bệnh tật mỗi ngày cũng như việc phải cần đến sự chăm sóc của người khác. Sau đó, hãy lắng nghe. Một điều quan trọng khác là hãy chia sẻ suy nghĩ và cảm giác của bạn với họ. Điều đó sẽ giúp cả hai hiểu rõ nhau hơn.
Nếu bạn mang găng tay khi nắm tay mọi người, bạn sẽ không bao giờ có được cảm giác gần gũi và thân thuộc. Khi nhớ lại mọi việc, tôi luôn ao ước giá như mình và Sandy có thể nắm tay nhau, chỉ đơn giản là cùng khóc vì biến cố khủng khiếp trong cuộc sống của cả hai thay vì cứ cố chăm sóc nhau như trước thì hay biết mấy.
Trong cuốn Wounded Hearts, Rachel Naomi Remen - bác sĩ y khoa, đồng sáng lập và là giám đốc y tế của chương trình Phúc lợi Hỗ trợ Bệnh nhân Ung thư - đã trích lại lời của một phụ nữ trò chuyện với mẹ. Bài thơ bắt đầu bằng lời khuyên thường được lặp lại của mẹ cô và phần dưới là câu trả lời của cô. Bài thơ có tựa đề: "Mẹ luôn biết điều tốt nhất" (Mother Knows Best).
"Đừng nói về những rắc rối của con.
Vì chẳng ai yêu một bộ mặt ưu phiền."
Ôi! Mẹ ơi… Sự thật là
lắm khi con người lẻ loi trong niềm hạnh phúc
dùng sự hài hước chỉ để che đậy nỗi buồn
và sự đủ đầy đôi khi lại là một mối đe dọa
cũng như sự kiểm soát sẽ gây chia rẽ con người
nhưng còn nỗi buồn…
chính nỗi buồn lại kéo ta đến gần nhau hơn.