Trong bài nói chuyện với một nhóm thanh niên, tôi đã kể họ nghe về chuyện chỉ có khoảng 20% người Do Thái ở Ai Cập đi theo Moses đến miền đất hứa. Ngay lúc đó, một chàng trai đã lên tiếng:
- Tuyệt thật! Nhưng điều gì đã xảy đến với những người rời bỏ Ai Cập? Họ đều chết trên sa mạc!
Người thanh niên này nói đúng; tất cả họ đều chết, kể cả Moses. Nhưng tôi đã đáp lại rằng:
- Nhưng những ai đã đến được miền đất hứa? Tất nhiên, đó là con cái của họ. Hai mươi phần trăm người Do Thái đã chọn hành động dựa vào niềm tin. Nhưng hơn thế nữa, hành động của họ còn xuất phát từ tầm nhìn xa rộng. Họ đã nghĩ cho con cái họ, cho dân tộc họ. Họ chỉ xem mình là một phần nhỏ của một bức tranh rộng lớn.
Trong khoảng thời gian đầy khó khăn khi chị gái Sharon qua đời, tôi đã mơ một giấc mơ kỳ lạ trong đó tôi thấy có ba người đàn ông đã cùng tạo nên một con bướm màu nâu.
Họ nói với tôi:
- Đây là tâm hồn của anh. Để trở thành người hoàn thiện, anh phải nuốt con bướm này.
Tôi nhìn họ và lắc đầu:
- Tôi không làm vậy được. Nó là một con bướm còn sống.
- Anh phải nuốt nếu muốn trở thành người hoàn thiện. - Họ khăng khăng.
Tôi đặt con bướm vào miệng mình. Nó đập cánh dữ dội và tôi lại lôi nó ra.
- Tôi không làm được! Tôi sẽ bị nghẹn và sẽ chết mất.
- Nhưng nếu không nuốt thì anh sẽ không trở thành người hoàn thiện.
Vậy là tôi nín thở cho con bướm vào miệng. Và khi con bướm đã trôi tuột xuống giữa cổ họng thì tôi bừng tỉnh.
Giấc mơ khiến tôi tự hỏi niềm tin của mình đến từ đâu. Khi ba người đàn ông yêu cầu tôi nuốt con bướm, tôi đã phản kháng và từ chối họ bởi lo sợ mình sẽ chết. Nhưng rồi sau đó, tôi lại nghe lời họ nuốt con bướm vào bụng. Tại sao lại như vậy? Phải chăng đó là vì niềm tin mù quáng?
Tuy nhiên, tôi nghĩ đó không phải là lý do bởi đơn giản lúc đó, tôi đã buông xuôi. Nuốt một con bướm là điều không thể và tôi không có khả năng làm được điều đó. Nhưng trong giấc mơ của mình, sau khi chống đối với ba người đàn ông, tôi đã buông xuôi và chấp nhận nuốt con bướm mà chẳng cần biết hậu quả sẽ thế nào.
Về sau, tôi nhận ra đó chính là điều chúng ta cần phải làm. Để hoàn thiện bản thân, chúng ta cần biết kết hợp tâm hồn và thể xác của mình, và điều này cần đến một niềm tin. Trong niềm tin đó, "cái tôi" của ta có thể sẽ mất đi. Con bướm sẽ trở nên quan trọng hơn mọi lý luận và thậm chí là hơn cả bản ngã của ta.
Vậy ta tìm niềm tin này ở đâu? Theo tôi, câu trả lời là ngay trong chính bản thân ta. Hãy nhìn vào trẻ em! Chúng có một niềm tin vô điều kiện rằng chúng sẽ được chăm sóc và bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy. Tất nhiên, niềm tin này sẽ bị nguội dần theo thời gian và trải nghiệm của mỗi người. Khi ấy, chúng phải tìm kiếm nơi hòa nhập mới – một mục đích, một tín ngưỡng… Sự thông thái nằm ngay bên trong mỗi người nhưng ta luôn băn khoăn tự hỏi liệu mình có thể tin vào nó hay không. Nếu không tin vào niềm tin đến từ bên trong, ta sẽ đặt niềm tin của mình vào nguồn gốc bên ngoài, bắt nguồn từ việc tìm kiếm cảm giác an toàn.
Năm 20 tuổi và đang là sinh viên đại học năm thứ hai, Debbie đã dạy cho tôi bài học về niềm tin đến từ bên trong - niềm tin của con bé cũng như của chính bản thân tôi. Đó là thời gian mà Debbie mang về nhà tất cả những tổn thương con bé chịu đựng bên ngoài.
Thành thật mà nói, tôi chỉ thực sự quan tâm đến Debbie khi con bé bước vào trung học. Trước đó, con bé đã phải trải qua rất nhiều tổn thương từ căn bệnh ung thư của mẹ, tai nạn của tôi, không khí căng thẳng rồi cả sự xáo trộn trong gia đình. Nhưng bất chấp những điều tồi tệ đó, Debbie vẫn luôn tỏ ra là một đứa con ngoan.
Tốt nghiệp trung học, Debbie rời nhà để vào trường đại học. Ngày nọ, bạn con bé gọi điện cho tôi, tỏ vẻ lo lắng vì cách cư xử của Debbie. Sau đó, Debbie trở về nhà nhân dịp thực hiện một khóa thực tập ở Philadelphia. Trong thời gian này, con bé bắt đầu giao du với một nhóm bạn mà tôi có cảm giác là không an toàn.
Tôi nói chuyện với Debbie, bày tỏ nỗi lo lắng của mình cũng như mong muốn được giúp đỡ nó. Giống như những thanh niên khác, con bé kháng cự và bảo đảm với tôi rằng nó vẫn ổn. Nhưng một ngày, khi mọi chuyện vỡ lở, con bé òa khóc trước mặt tôi và nói:
- Cha! Con cảm thấy mình giống một viên kim cương được giấu bên trong một khối u hiểm ác vậy.
Lúc đó, hầu như không suy nghĩ, tôi hành động giống như hầu hết các bậc cha mẹ khác. Tôi tìm mọi cách để phá vỡ khối u kia. Suốt một năm sau đó, tôi đưa Debbie rong ruổi khắp nơi. Tôi tìm đến những bác sĩ tâm lý giỏi nhất, hỏi ý kiến của họ để tìm ra "cách tiếp cận đúng đắn nhất" giúp Debbie suốt thời gian con bé ở nhà trong kỳ thực tập.
Sau khi trở lại trường học một thời gian, con bé gọi điện cho tôi. Hai cha con tôi hẹn gặp nhau tại một trạm dừng chân trên đường I-95. Khi tôi đến nơi thì thấy con bé đã đợi ở đó. Nó ngồi trên một băng ghế cạnh nhà hàng - mệt mỏi và ốm yếu. Tôi thấy lòng mình trào dâng nỗi lo lắng lẫn xót xa! Nhưng Debbie lại đủ mạnh mẽ để nắm chặt lấy tay tôi. Con bé nhìn vào mắt tôi và nói:
- Cha đã làm mọi điều để giúp con rồi. Con rất biết ơn cha về điều đó. Nhưng bây giờ cha hãy để con tự quyết định cuộc đời mình.
Và tôi khóc; vì buồn bã, lo lắng lẫn bất lực. Nhưng tôi còn khóc vì cảm giác khuây khỏa len lỏi trong lòng mình.
Trên đường lái xe về nhà, tôi bỗng nhớ đến lời Debbie đã nói với tôi một năm trước về viên kim cương ẩn trong khối u. Khi con bé bảo: "Hãy để con tự quyết định cuộc đời mình", tôi biết rằng đó là tiếng nói phát ra từ viên kim cương. Và tôi biết rằng nhiệm vụ của mình bây giờ là phải luôn có niềm tin rằng viên kim cương kia vẫn ở đó, dù mình có nhìn thấy hay không. Tôi cần phải ủng hộ con bé, lắng nghe và hiểu được giọng nói ẩn đằng sau sự bất ổn bên ngoài của nó.
Trong lời khẳng định của con gái tôi - rằng cuộc đời nó là do nó quyết định - tôi cảm thấy nó giống như lần đối mặt của tôi với Chúa: "Sống, hay là chết". Debbie biết rằng con bé sẽ phải đấu tranh, nhưng Debbie cũng hiểu rằng để sống sót, nó phải tự mình chiến đấu. Và Debbie phải quyết định về một sự lựa chọn - giống như tôi đã quyết định - rằng sống hay là chết.
Giống như tôi, giống như hầu hết mọi người, Debbie đã chọn sống. Trong khoảnh khắc đó, con bé không biết điều này có nghĩa là gì hoặc sẽ như thế nào. Sự lựa chọn này đơn giản chỉ là hành động xuất phát từ niềm tin. Chính cam kết dành cho cuộc sống của con bé - một cuộc sống của chính nó - đã nuôi dưỡng viên kim cương trong nó mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì khác.
Và nó cũng giống như con đường mà Moses đã dẫn lối: "Tôi sẽ đi bước đi của niềm tin và sẽ đi đến bất cứ nơi đâu niềm tin dẫn bước".