Trước lễ Giáng sinh gần đây, tôi được giao nhiệm vụ viết một bài báo về thời điểm của hòa bình và thiện ý này. Đây chẳng phải là một nhiệm vụ dễ chịu cho lắm. Bạn thử nghĩ xem, tôi sẽ viết được gì về hòa bình khi mỗi ngày, chúng ta không ngừng phải đối mặt với nỗi lo sợ khủng bố, bất ổn chính trị, xung đột tôn giáo… Cuối cùng, tôi hướng bài viết của mình tới câu nói của Mahatma Gandhi, người đã trở thành biểu tượng của hòa bình: "Chúng ta phải trở thành điều thay đổi mà ta mong muốn được nhìn thấy trên thế giới này".
Tôi tự hỏi tại sao nhiều người làm việc quần quật cả tuần để sau đó lại đi cầu nguyện vào ngày cuối tuần để tìm kiếm sự yên bình như vậy. Điều gì sẽ xảy đến với chúng ta và con cái của mình nếu mọi thứ đều ngược lại?
Và câu hỏi này đã trở thành chủ đề bài báo của tôi.
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, con người đều cố gắng lao động chăm chỉ để tìm kiếm cảm giác yên ổn và an toàn. Chúng ta muốn tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân cũng như cho con cái mình. Nhiều người đã làm việc 80 giờ một tuần và thậm chí nhiều hơn để đạt được và duy trì thành quả mà mình đang có. Chúng ta buộc con cái mình phải vượt trội trong mọi lĩnh vực và quay lưng với những căng thẳng của chúng (và cả của chính mình) cũng chỉ nhằm mục đích duy trì cuộc sống của mình ổn định. Và tất cả chúng ta đều khổ sở với những cố gắng không ngừng nghỉ đó.
Thế nhưng, khi tôi khuyên mọi người hãy suy nghĩ về điều họ thật sự mong muốn trong cuộc sống thì hầu hết họ đều có câu trả lời như nhau. Họ muốn được yên ổn, cả trong cuộc sống, công việc, gia đình và tâm hồn.
Đây là điều mâu thuẫn. Chúng ta làm việc quần quật để đạt được những điều mà ta nghĩ sẽ mang lại sự yên ổn cho mình. Thế nhưng đồng thời, ta lại tiến tới điều đó một cách thụ động bằng cách mong ước và cầu nguyện. Và khi có thể chủ động theo đuổi sự yên bình thì ta lại chọn làm điều ngược lại.
Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng bất hòa chỉ vì cố gắng theo đuổi sự bình đẳng trong hôn nhân. Họ tin rằng sự bình đẳng sẽ giúp họ sống yên bình. Một người vợ cố gắng thuyết phục chồng mình ở nhà và giúp đỡ việc nhà nhiều hơn bởi cô tin rằng điều đó sẽ mang đến sự công bằng cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Và điều đó sẽ giúp cô được yên bình. Vâng, cô đã tin là vậy.
Tất nhiên, người chồng cũng có những đòi hỏi ngược lại. Anh ta cho rằng nếu vợ ngừng càu nhàu và chấp nhận anh như vốn có thì cuộc hôn nhân của họ sẽ yên bình hơn. Như vậy là sự xung đột vẫn cứ tiếp diễn và mỗi người lại tiếp tục đuổi theo sự yên bình một cách sai lầm.
Như vậy, qua trường hợp của cặp vợ chồng kia, tôi cho rằng nhiều người trong chúng ta tin tưởng sự bình yên sẽ đến nếu người khác thay đổi. Vậy chúng ta muốn họ thay đổi bằng cách nào? Đó là hãy lắng nghe những lời phàn nàn của ta; thấu hiểu và ngừng kháng cự. Nhưng làm sao những điều này lại giúp ta đạt được sự yên bình? Cố gắng thay đổi người khác chính là do ta không thể chấp nhận con người thật của họ. Đó cũng chính là cốt lõi của sự thù hằn. Chúng ta không thể tìm thấy bình yên trừ khi ta cố gắng giúp đỡ người khác đạt được điều đó. Sự yên bình không bao giờ đến khi ta cố giành phần thắng trong một cuộc chiến; nó chỉ đến khi ta ngừng trận chiến.
Vậy tại sao chúng ta không đuổi theo những điều mình thật sự mong muốn, chẳng hạn như ở cạnh người mà ta yêu thương và có nhiều thời gian vui vẻ bên họ? Nếu đây thật sự là điều bạn mong muốn thì hãy bắt đầu sự thay đổi của mình từ đó. Một trong những điều tôi yêu cầu mọi người thực hiện trong các buổi diễn thuyết của mình là hãy cố trải qua một ngày không có bất kỳ suy nghĩ hay hành động nào tiêu cực. Đừng nói điều không tốt về bất kỳ người nào và đừng gây tổn thương cho bất kỳ ai. Hãy làm điều này trong 24 giờ và xem thử cảm giác của bạn ra sao vào cuối ngày. Và tôi nói với các khán giả của mình: "Vào cuối ngày, bạn sẽ trở thành người hàn gắn hòa bình".
Và đây cũng có thể là cách thức tuyệt vời để "trở thành sự thay đổi mà chúng ta mong ước được nhìn thấy trên thế giới này".