Trong thời gian học đại học, tôi đã được dạy cách chẩn đoán triệu chứng tâm lý của bệnh nhân, hay còn gọi là "tâm bệnh" của họ. Vào thời điểm đó, tôi nằm trong số những sinh viên chẩn đoán tâm lý bệnh nhân giỏi nhất khóa. Đến bây giờ tôi vẫn có thể chẩn đoán tốt như vậy. Nhưng điều đáng nói là những kiến thức học được từ nhà trường không giúp tôi trở thành một bác sĩ tâm lý giỏi. Tất cả kinh nghiệm và kỹ năng điều trị tâm lý của tôi đều được tích lũy về sau, khi tôi đã học được cách chữa lành vết thương trên cơ thể, trong tâm hồn cũng như tác động của các mối quan hệ quanh mình đối với quá trình chữa lành đó.
Khi chúng ta bị tổn thương, cả về thể chất lẫn tâm lý, thì vết thương chính là nơi ta cần phải bảo vệ và chữa lành. Nếu đó là một tổn thương thể chất, các tế bào trong cơ thể sẽ tạo nên một lớp vảy bao bọc và bảo vệ làn da. Tương tự, tâm hồn ta cũng tạo nên một cái vảy như vậy - và đó là cái vảy vô hình. Nó sẽ bảo vệ cho vết thương tâm lý mà ta đang phải gánh chịu, chẳng hạn như giận dữ, oán trách, tuyệt vọng… Theo y học Trung Hoa, trong cơ thể con người có một bộ phận che chở cho trái tim khỏi tổn thương. Nhưng trên thực tế, vết thương vẫn sẽ luôn hiện hữu.
Nếu việc điều trị tâm lý có tác dụng thì những vết thương sẽ có cơ hội được chữa lành. Nhưng bằng cách nào? Câu trả lời là bằng cách riêng và vào thời điểm riêng của nó.
Hippocrates nói rằng trong mỗi bệnh nhân đều có một bác sĩ có thể chữa lành cho chính mình. Đúng vậy, và tôi muốn thêm rằng: "Trong mỗi bác sĩ cũng có một bệnh nhân cần được chăm sóc". Và nếu nói rằng chúng ta không cần sự hiện diện của cả bốn "con người" ấy thì đó chỉ là một lời nói dối.
Một thời gian trước, tôi tham dự một buổi họp của Ban cố vấn Trung tâm dịch vụ sức khỏe Tâm thần - một đơn vị của Ban Sức khỏe và Con người ở Washington, D.C. Ngồi quanh bàn là khoảng 30 chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về lĩnh vực tâm thần học và tâm lý học, có cả chủ tịch của các trung tâm y tế và bệnh viện.
Tương tự những buổi họp khác, thái độ của các chuyên gia trong buổi họp này đều khá tự phụ và quan liêu. Họ gọi bác sĩ và các nhà điều trị tâm lý là "người cung cấp" còn bệnh nhân là "người tiêu dùng". Buổi thảo luận tập trung vào những điều mà "người tiêu dùng" muốn hoặc cần.
Suốt thời gian qua, tôi đã nghe nhiều về cụm từ này và luôn cảm thấy khó chịu vì điều đó. Vậy nên tại buổi họp đặc biệt đó, tôi đã hỏi những người có mặt trong phòng:
- Các anh có ý gì khi dùng từ "người tiêu dùng"? Tại sao lại nói về họ như vậy?
Tôi yêu cầu mọi người giơ tay để xem có bao nhiêu người trong phòng chưa từng phải gặp một nhà trị liệu tâm lý và chưa từng trải qua cảm giác của một "người tiêu dùng". Tôi chắc hẳn sẽ có nhiều ánh mắt ác cảm đổ dồn về phía mình ngay khi câu hỏi này chấm dứt. Nhưng khi tôi nhìn xung quanh và thấy mọi người đang nhìn nhau, tôi biết mình đã hành động đúng. Chỉ có một vài cánh tay giơ lên.
- Rõ ràng, - tôi nói, - không có sự phân biệt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chúng ta chữa trị cho các bệnh nhân nhưng chính chúng ta cũng là bệnh nhân. Chúng ta không thể giả vờ rằng đó là một kiểu quan hệ có khoảng cách giữa người cung cấp (là bác sĩ) và người tiêu dùng (bệnh nhân).
Là nhà điều trị, chúng ta phải có lòng tin không chỉ ở sự hồi phục của bệnh nhân mà còn ở quá trình chữa lành bệnh. Chữa lành là một phần trong quá trình hồi phục. Kỹ thuật mới cùng những khóa trị liệu tâm lý ngắn hạn có tác dụng rất tốt đối với quá trình điều trị của các bệnh nhân. Tuy nhiên, việc chữa lành vết thương tâm hồn còn phụ thuộc vào bản thân con người và hành động của họ. Con người mới là động lực chính giúp chữa lành các vết thương trong tâm hồn họ, chứ không phải những kỹ thuật y học.
Việc điều trị tâm lý cũng giống như việc thiết lập và duy trì một mối quan hệ vậy. Chúng ta cần phải có sự cân bằng, chính trực và thành thật. Tôi nghĩ đến câu thêm vào của tôi trong lời phát biểu của Hippocrates và biết rằng người ngồi đối diện tôi là một bệnh nhân nhưng đồng thời cũng là một người khỏe mạnh. Tôi ngồi với những bệnh nhân của mình và biết rằng họ có thể rất có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Đáp lại, tôi mang đến cho họ cảm giác cảm thông và thấu hiểu trong suốt thời kỳ khó khăn của cuộc đời họ. Tôi cũng cam kết sẽ ở bên họ dù bất cứ điều gì xảy đến với họ hay với tôi.
Chính vì vậy, trách nhiệm mà tôi đặt ra cho mình là phải hỏi những câu hỏi có thể giúp mở cánh cửa tưởng như đã khép chặt trong lòng họ. Tôi cũng muốn họ hiểu rằng người đang trò chuyện cùng họ vừa là một nhà trị liệu nhưng có khi cũng là một người đang bị tổn thương. Trên danh thiếp của mình, tôi không ghi vào đó chức danh "nhà tâm lý học" hay "nhà trị liệu tinh thần". Dưới tên của mình, tôi chỉ ghi đơn giản là "Một con người". Với tôi, công việc của một nhà tâm lý chính là giúp mọi người hiểu nhau hơn và thoải mái bày tỏ con người thật của họ.
Trong quá trình điều trị tâm lý, Ruth - một đồng nghiệp của tôi - đã quan sát thấy rằng "điều trị tâm lý, hay còn gọi là quá trình thấu hiểu tâm hồn, không liên quan đến vấn đề khái niệm và kỹ thuật. Nó chỉ liên quan đến việc chúng ta là ai trong mắt nhau, một nhà trị liệu hay một khách hàng đều như nhau".
Ruth đưa ra nhận xét này không lâu sau khi đến gặp tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ buổi gặp đó. Hôm ấy, Ruth đã nói nhiều về những mong ước – rằng cô muốn bản thân cô và các con được sống bình yên, hạnh phúc hơn đồng thời hy vọng giữa cô và chồng cũ ít xung đột hơn. Trong buổi gặp ấy, tôi đã cảm nhận được những phiền muộn và tổn thương mà Ruth đang phải gánh chịu bên dưới "sự che chở" của ước vọng. Tôi thực sự cảm thấy thương cảm cho Ruth đồng thời tôi cũng nhận ra rằng chính những ước vọng này đã trở thành vật cản cho quá trình tự chữa lành các vết thương trong cô.
Khi chuẩn bị ra về, Ruth dừng lại một lúc ở bậc cửa. Tôi nhìn theo Ruth và nói:
- Cô nên từ bỏ hy vọng đi.
Những lời này được bật ra một cách tự phát thể hiện mong ước của tôi đối với Ruth rằng cô sẽ chấm dứt tình trạng phiền muộn của mình. Nhưng mặt khác, nó xuất phát từ nỗ lực ích kỷ của tôi khi tôi muốn Ruth hiểu rằng tôi rất quan tâm đến cô vào thời điểm đó.
Và Ruth đã đón nhận lời khuyên của tôi như thế nào? Phản ứng đầu tiên của Ruth, mà sau này cô kể lại với tôi, là một ý nghĩ chế nhạo: "Từ bỏ hy vọng à? Được thôi, tôi và Đạt Lai Lạt Ma đều vậy!". Nhưng sau khi nghĩ lại, cô trả lời tôi rằng:
- Những lời này cứ vang mãi trong đầu tôi như một lời tụng kinh. Đến bây giờ, dù vẫn không giải quyết được nhưng chúng vẫn còn lảng vảng trong tôi và đã thấm qua các lớp vỏ bọc trong con người tôi.
Một người bạn của tôi, sau khi đã trải qua một thời gian dài điều trị tâm lý, đã nói với tôi:
- Tôi ngừng việc điều trị rồi. Khi tôi hỏi lý do, cô trả lời:
- Bây giờ tôi đã thấy khá hơn rồi; khá đến 70%. Tôi không muốn mỗi tuần lại phải đến trung tâm điều trị và lặp đi lặp lại những điều phiền muộn của mình. Như vậy thật là mệt mỏi.
Nhiều người cho rằng càng nói nhiều về điều khiến ta tổn thương thì vết thương lòng của ta càng dễ nguôi ngoai. Nhưng không hẳn như vậy. Chúng ta không thể cứ tạo nên lớp vảy bảo vệ để rồi hy vọng vết thương sẽ chóng lành. Những lớp vảy cần phải biến mất, và ta cần có lòng tin vào khả năng hồi phục của vết thương lòng trong môi trường lý tưởng.
Vậy thế nào là một môi trường lý tưởng? Trong việc điều trị tâm lý, chúng ta nói về những mối quan hệ tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau. Bất kỳ mối quan hệ nào, dù thân thiết tới đâu, vẫn luôn tồn tại giới hạn. Các nhà điều trị tâm lý đều có lòng tin vào sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân. Và khi bệnh nhân cũng có lòng tin vào quá trình chữa lành của mình thì họ không cần phải lo sợ về những vết thương trong lòng nữa. Lòng tin sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để các vết thương tự chữa lành.