Tôi đã quen với việc phải ở nhà một mình trong một thời gian dài. Tôi có thể dễ dàng di chuyển đến mỗi ngóc ngách trong nhà và tự xoay xở với những nhu cầu cần thiết của bản thân. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi có chuyện không may xảy ra, chẳng có ai ở bên để giúp đỡ tôi.
Rồi cái ngày không may đó cũng xảy ra. Hôm đó, tôi đói bụng nên đã di chuyển xe lăn về phía bếp để lấy túi bánh quy. Ngăn tủ đựng bánh quy nằm dưới xe lăn của tôi khoảng gần nửa mét. Tôi phải cúi người xuống thì mới mở được ngăn kéo. Tôi nghiêng người sang một bên, cúi xuống và cầm được túi bánh quy trong tay. Nhưng ngay lúc ấy, tôi bị trượt và bánh quy vương vãi khắp sàn nhà.
Tôi nhìn đồng hồ, còn khoảng vài tiếng nữa thì y tá riêng của tôi mới tới. Trong lúc chờ đợi, tôi chỉ còn biết nhìn những chiếc bánh quy rơi vãi khắp sàn nhà. Nhưng càng nhìn, bụng dạ tôi lại càng cồn cào.
Đầu tiên, tôi cảm thấy đói đến mức có cảm giác mình không thể sống sót qua hai giờ đồng hồ mà không ăn gì. Sau đó, tôi cảm thấy sắp nổi điên vì sự bất công và bất lực về tình trạng của mình. Cảm giác oán thán trào dâng trong lòng. Mãi về sau, tôi mới nghiệm ra rằng trong mớ cảm xúc hỗn tạp của lòng mình khi đó, có một cảm xúc còn mạnh mẽ hơn cả cơn đói thật sự. Đó chính là sự khao khát. Khi tôi ngồi trong nhà bếp nhìn bánh quy vương vãi khắp sàn, tôi đồng thời cũng "nhìn" được cảm xúc đang nhảy múa trong cả dạ dày lẫn tâm trí mình.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi đọc lại cuốn Siddhartha của Herman Hesse. Đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc khi bước vào tuổi trưởng thành.
Hesse dẫn truyền thuyết kể về Đức Phật như sau: Đức Phật xuất thân là một hoàng tử. Một ngày, hoàng tử ra khỏi cung và đi chu du thiên hạ. Trong chuyến đi này, Ngài đã có cơ hội được chứng kiến tận mắt nỗi thống khổ của muôn dân.
Điều đó đã tác động mạnh mẽ khiến Ngài quyết định dành cả cuộc đời mình để tìm cách giải thoát dân chúng khỏi mọi nỗi thống khổ.
Một đêm nọ, hoàng tử trốn khỏi hoàng cung và đi tìm chân lý của sự giải thoát. Ngài đã sống cùng với nhiều nhóm người khác nhau, những người nổi tiếng về sự thông thái. Một số người trong số đó là những nhà tu khổ hạnh, tin rằng sự khai sáng sẽ đến từ sự túng thiếu. Để truy cầu chân lý, họ đã tự tước đi của mình thức ăn, giấc ngủ và những thứ tối cần cho cuộc sống của con người.
Lần đầu tiên đọc cuốn Siddhartha, tôi tự hỏi chân lý nào sẽ xuất hiện từ sự khổ hạnh của các vị tu sĩ kia. Ngay cả khi đọc lại nó lần nữa sau rất nhiều năm, tôi vẫn không thể tìm ra câu trả lời cho mình. Nhưng rồi cái ngày tôi một mình ở trong nhà bếp, mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng. Tôi đã hiểu được rằng mục đích của sự khổ hạnh đó là nhằm học cách chịu đựng khát vọng của mình.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là gì?
Mỗi ngày ở văn phòng tư vấn, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân của mình mong muốn những điều mà họ không có được. (Nhưng nếu không có những khao khát đó, họ chẳng cần phải nhờ đến một bác sĩ tâm lý như tôi làm gì).
Họ kể về những ước mơ có thể giúp họ trở thành một con người khác. Và rất nhiều người, sau khi phải nếm trải tổn thương, mất mát đã ao ước thời gian quay trở lại.
Sau tai nạn, mong ước lớn nhất của tôi chỉ là được đi lại như trước đây. Nhưng điều này đã không xảy ra. Thế là tôi mong ước xúc giác của mình hoạt động bình thường. Nhưng điều đó cũng không thể. Sau đó, tôi chỉ mong mình có thể cử động được các ngón tay. Nhưng một lần nữa, tôi lại hoài công. Và cuối cùng, tôi giảm thiểu mong ước của mình đến độ chỉ còn hy vọng có thể tự đi tiểu được thôi. Nhưng điều này cũng nằm ngoài khả năng của tôi.
Lúc đó, tôi cho rằng việc giảm dần những khao khát sẽ khiến tôi có cơ hội hiện thực hóa một trong số chúng. Nhưng không, tôi đã không đạt được bất kỳ điều gì trong tất cả những khao khát đó.
Chính vì vậy, tôi đã rất đồng cảm với một người vợ có chồng nghiện rượu khi cô bảo với tôi:
- Tôi thậm chí còn không yêu cầu chồng tôi bỏ rượu. Tất cả những gì tôi mong muốn là anh ấy đừng có đâm vào xe khác. May ra chỉ có điều này là còn có thể trông chờ được.
Tất nhiên, cô hoàn toàn có thể trông chờ được bởi ước vọng này thật quá nhỏ bé. Thế nhưng, một khi chồng cô vẫn còn uống rượu và lái xe thì ước vọng kia vẫn có thể không được thực hiện.
Tôi thường hỏi các bệnh nhân của mình về mong muốn của họ. Ban đầu, họ trả lời tôi rất dài dòng. Sau đó, tôi bảo họ hãy thử hình dung về một cuộc sống không có những ước muốn này. Và nhiều người đã nổi giận khi nghe tôi nói vậy.
Nhưng rồi sau đó, họ cũng đồng ý làm theo yêu cầu của tôi. Khi họ chịu từ bỏ những ước muốn tức thời, tôi mới hỏi họ đâu là mong muốn thực sự của họ.
Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu những ước muốn tức thời không còn nữa. Hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc sống của bạn vẫn diễn ra bình thường nhưng những ước vọng của bạn sẽ trở nên đơn giản hơn?
Với cá nhân tôi, điều tôi mong muốn chính là mình đừng ham muốn gì nữa. Trong quãng đời còn lại, tôi muốn được ở nơi thuộc về mình, bất kể nó như thế nào chăng nữa. Dù biết điều này khó thành hiện thực nhưng thật sự đó là điều tôi ao ước nhất.
Câu chuyện với túi bánh quy đã dạy tôi một vài bài học bổ ích. Khi ta tìm cách nới lỏng những ước vọng của mình, chúng sẽ trở thành sự khao khát và là nỗi nhức nhối khôn nguôi. Dù tôi không còn ước mình sẽ đi lại được nữa nhưng cho tới bây giờ và mãi về sau, nó vẫn là nỗi đau âm ỉ trong lòng tôi. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng chúng ta sẽ sống thanh thản hơn nếu biết học cách sống thoải mái cùng những khát vọng của mình.
Và tôi bỗng nhận ra rằng có thể đó cũng chính là điều mà năm xưa Đức Phật đã lĩnh hội được.