Giữa tâm trí tôi và vi khuẩn trong cơ thể tôi đang có một cuộc truy đuổi gay cấn.
Bác sĩ khoa tiết niệu - người theo dõi sự phát triển của vi khuẩn trong cơ thể tôi - đã thông báo rằng bởi vì tôi đã dùng quá nhiều kháng sinh suốt những năm qua để đối phó với bệnh đường tiết niệu nên các vi khuẩn trong cơ thể tôi đã trở nên "thông minh" hơn. Đây là một "sự tiến hóa vượt bậc" của vi khuẩn. Thật thú vị khi phát hiện được rằng các vi khuẩn trong cơ thể lại thông minh hơn bàng quang của tôi và các loại thuốc. Nhưng điều đó sẽ nhanh chóng hết thú vị nếu bạn là người đang mang trong mình đống vi khuẩn đó.
Những vi khuẩn "thông minh" này đã nhắc tôi nhớ đến một phát hiện của mình khi tìm hiểu về đạo Phật ngày trước. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về thiền định cũng là lúc tôi khám phá được cách thức quan sát tâm trí mình từ một vị trí ở bên ngoài thay vì sống cùng với nó và cho rằng mọi suy nghĩ và cảm nhận của mình đều chính xác. Khi áp dụng khám phá này vào việc điều trị tâm lý, tôi nhận ra rằng các bệnh nhân của tôi đã lắng nghe tiếng nói chỉ trích bên trong họ như thể chúng là tiếng nói của lý lẽ hơn là những suy nghĩ thông thường.
Đa số chúng ta đều đã từng biết đến những cảm giác chẳng lấy gì là vui vẻ như lo lắng, bất an, cô đơn… Vì vậy, chúng ta cố gắng loại bỏ những cảm giác này trong cuộc sống của mình. Chúng ta cố gắng tìm kiếm nguyên nhân và đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh đã gây ra khó khăn cho mình.
Khi quan sát mọi người và quan sát chính bản thân mình, tôi nhận ra rằng tâm trí của con người thông minh hơn bản thân họ rất nhiều. Khi "nhà phê bình" bên trong ta bảo rằng ta không đủ xuất sắc, chúng ta cố gắng nhiều hơn để thay đổi mình. Nhưng thường thì những cố gắng này không bao giờ có tác dụng. Khi lắng nghe những phê bình bên trong mình cũng là lúc ta phải chịu đựng sự khốn đốn. Dù ta cố gắng để nổi trội hơn hoặc làm tê liệt tiếng nói phê bình bên trong mình thì tiếng nói ấy vẫn trở lại với ta. Và dù có làm gì chăng nữa thì ta cũng không bao giờ tránh khỏi cảm giác bất an này.
Cứ cho rằng bạn phải sống với những bất ổn bên trong (hầu hết chúng ta đều vậy), và phản ứng của tâm trí bạn khi đó là tìm kiếm cảm giác an toàn để tống khứ suy nghĩ tiêu cực đi, thì bạn sẽ được gì? Dù bạn cố gắng nhiều đến thế nào thì cảm giác bất an vẫn lấn át và không để bạn được nghỉ ngơi.
Và tôi cũng thế. Với một tâm trí thông minh hơn bản thân mình nhưng chứa nhiều thói hư tật xấu, tôi thường bị những cảm giác bất an đánh thức vào lúc nửa đêm để nhắc tôi về những rắc rối tiềm ẩn trong cuộc sống. Điều này cũng giống như việc tôi đang mang trong mình những con vi khuẩn còn thông minh hơn cả bác sĩ của tôi. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy hết sức lo lắng trước những gì đang xảy ra với tôi và cho rằng cuộc sống của mình thật tồi tệ. Và khi những cảm giác bất an đó xâm chiếm, bản năng tôi thường phản ứng bằng cách trả lời một vài e-mail; gọi điện cho người thân, bạn bè; xem phim hoặc làm bất kỳ điều gì khiến tâm trí mình bận rộn nhằm lảng tránh nỗi lo lắng đó.
Nhưng khi tôi có thể chung sống với nỗi sợ hãi mà không cố tình lảng tránh nó, tôi cảm thấy một nỗi buồn to lớn đang bủa vây tâm hồn mình. Đó là lúc tôi nhớ ra rằng cuộc sống của mình, cũng giống như mọi thứ quý giá khác, đều chỉ là tạm thời. Đôi lúc, nỗi buồn này trở nên rõ ràng và chân thật hơn cả nỗi lo lắng. Đó là vì, với tất cả sự khốn khổ mang lại cho tôi, nỗi lo lắng giúp tôi tránh được việc phải nhìn nhận cảm xúc thật sự của mình. Nhưng với nỗi buồn, tôi cảm thấy mình đang sống, đang yêu và đang thấu cảm. Đó là những lúc tôi đang thật sự sống cuộc sống của mình, không phân loại nó là tốt hay xấu, dễ dàng hay khó khăn. Khi tôi trải nghiệm cuộc sống mới với tất cả sự mong manh của nó thì mọi thứ trở nên thật sống động. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc đi dạo trong vườn nhà, tôi cảm nhận được sự tươi mới và tràn đầy sức sống trong từng ngọn cỏ, chiếc lá… Tôi cảm nhận được tình yêu rộng mở dành cho cuộc sống, cho mọi người và cho từng hơi thở của mình. Tôi thậm chí còn cảm thấy biết ơn và thông cảm cho bàng quang của tôi vì nó đã phải làm việc vất vả suốt nhiều năm qua. Khi đó, tôi thực sự cảm nhận được cuộc sống của mình với tất cả sự nguyên vẹn trong từng khoảnh khắc.
Một lần, khi tự hỏi mình còn lại bao nhiêu thời gian, tôi đã nghĩ đến người phụ nữ yếu ớt mà mình đã gặp trong một khóa học thiền định. Thông thường, mỗi khóa học thiền định là một quá trình dài mà để hoàn thành nó, có thể ta phải mất rất nhiều thời gian. Một ngày, tôi hỏi người phụ nữ ấy về lý do khiến cô quyết định học thiền. Cô trả lời:
- Cả cuộc đời, tôi đã ở một nơi không thuộc về chính mình. Vì vậy, trong khoảng thời gian còn lại, tôi muốn được ở nơi mà tôi sẽ được là chính mình.
Và tôi cũng vậy.