Trong bộ phim The History of World (Lịch sử thế giới) của Mel Brooks[21], vị đạo diễn này đã tự nhập thân vào vai Moses. Trong một cảnh quay, Moses – sau khi gặp Chúa – đã mang theo ba phiến đá và đi xuống núi Sinai. Khi giơ cao chúng lên trước nhóm người Do Thái đang tụ tập, Moses tuyên bố: "Chúa đã cho ta 15…". Nhưng rồi Moses nhớ ra lúc đi xuống, ngài trượt chân và đã đánh rơi mất một phiến đá nên chữa thành: "Không, là 10. Chúa đã ban cho ta 10 lời răn dạy".
Lúc xem phim, tôi tự hỏi ở phiến đá bị đánh rơi đó chứa đựng những lời răn nào. Và theo tôi, lời răn dạy thứ 11 (đã bị đánh rơi) sẽ là: "Các ngươi không được quá coi trọng bản thân mình".
Sở dĩ con người cần đến lời răn dạy này vì tôi thấy rằng tất cả chúng ta đều quá coi trọng bản thân. Chúng ta luôn cho rằng các vấn đề của mình quan trọng và cấp bách hơn của người khác.
Đức Phật từng dạy rằng: "Nếu các con có thể tóm tắt mọi lời dạy bảo của ta thành một câu thì câu đó sẽ là: "Hãy chối bỏ tất cả mọi điều bắt đầu bằng ‘tôi’ hay là ‘của tôi’". Tất nhiên, chẳng ai trong chúng ta có thể thực hiện được lời răn dạy này. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng coi trọng mình hơn tất cả.
Hãy nhìn vào chủ từ "Tôi".
Cuốn sách của "tôi". Ý kiến của "tôi"… Tuy nhiên, những điều này lại không đúng! Đây không phải là những ý kiến của "tôi". Chúng là những ý kiến đã đến với "tôi" trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời và chỉ một vài ý kiến đã ở lại với "tôi". Vậy tại sao chúng ở lại? Vì sự bất tài của "tôi"? Vì những kinh nghiệm sống của "tôi"? Vì những tình yêu "tôi" đã nhận được và đánh mất? Tuy nhiên, một điều chắc chắn là cách hoạt động của tâm trí "tôi" không phải là hoạt động chủ động của "tôi" và việc một tâm trí có thể nhìn thấy thế giới theo cách của nó đã là một điều may mắn.
Vậy là những ý kiến đó không đến từ tôi mà chúng đến thông qua tôi. Và nếu bạn cũng chịu sự tác động như tôi thì có nghĩa chúng ta là những người may mắn vì có thể hiểu và thông cảm cho nhau. Tôi không phải là một giáo viên và bạn cũng không phải là một học trò. Ở thời điểm này, nếu những điều đến từ tôi có thể giúp ích được cho bạn thì nó cũng không có nghĩa rằng tôi là một người thông minh. Nó chỉ cho thấy rằng chúng ta thật may mắn khi có được một cầu nối tâm trí giúp cả hai hiểu được nhau. Chiếc cầu đó chính là những kiến thức đã đến với tôi và bạn.
Sự thật là chúng ta nên sống với suy nghĩ rằng mình không phải là cá thể quan trọng. Tôi thật lòng mong bạn hãy nhớ lấy điều này: Những điều ta nói và làm mới là những thứ có giá trị. Chẳng có một "cái tôi" quan trọng nào; điều quan trọng là ta đã, đang và sẽ làm được gì.
Cách đây không lâu, tôi có cơ hội trò chuyện trong một cuộc họp nhóm giáo dân ở nhà thờ Presbyterian. Trong lúc tôi đang nói chuyện thì cái micro bỗng nhiên không hoạt động nữa. Người mục sư lên sân khấu để sửa. Trong lúc chúng tôi đang đùa cợt thì ông nói:
- Ôi, Chúa không giúp ta rồi. Không phải ở đây và không phải bây giờ.
- Vâng, có lẽ Chúa của ông đã không giúp đỡ.
- Tôi đáp lại.
Mọi người tủm tỉm cười khi nghe được câu nói đùa này của tôi. Sau khi micro hoạt động trở lại, tôi tiếp tục nói:
- Một ngày nọ, tôi yêu cầu Chúa của tôi giúp tôi một vài điều và Ngài nói rằng: "Gottlieb, hãy để ta yên. Ta đã cho con mọi công cụ để con tự xử lý những vấn đề của mình. Ta bận lắm. Mùa thu đến rồi. Ta phải khiến những chiếc lá chuyển sang đúng màu, rồi khiến chúng rơi vào đúng thời điểm. Đừng làm phiền ta!".
Đến đây, khán giả cười ồ lên và tôi cũng bật cười. Nhưng khi tôi suy nghĩ nghiêm túc về những điều mình vừa nói, tôi đã nhận ra rằng: Nhìn rộng ra thì các vấn đề của tôi chẳng có gì quan trọng cả. Tôi sẽ còn hạnh phúc hơn nếu biết để tâm quan sát những điều tuyệt diệu xung quanh mình thay vì cứ lo lắng cho những điều vô ích. Và bây giờ, tôi đang nghĩ nếu Mel Brooks phải viết nốt kịch bản cho Năm điều răn dạy còn lại của Chúa (đã bị đánh vỡ) thì cuộc sống sẽ khôi hài biết chừng nào.