Gần đây, tôi có cuộc chuyện trò với Charlotte, một cô bé 13 tuổi có đôi mắt xanh và nụ cười ấm áp. Giống như mọi cuộc gặp gỡ khác, đầu tiên, cô bé quan sát văn phòng của tôi và hỏi về những cuốn sách cũng như giấy tờ lộn xộn trên bàn làm việc. Khi được biết tôi đang viết sách, Charlotte tò mò hỏi tôi đang viết sách gì. Tôi trả lời cô bé rằng cuốn sách của tôi nói về ý nghĩa của việc làm người. Tôi tin rằng Charlotte sẽ hiểu rõ điều này bởi dù chỉ mới 13 tuổi nhưng cô bé đã trải qua không ít sóng gió của cuộc đời.
Mẹ của Charlotte qua đời khi cô bé mới được 3 tuổi. Vì không đủ khả năng chăm lo các con nên cha của Charlotte đã gửi hai chị em cô bé cho một người bà con nuôi. Chính từ đây, cuộc sống của Charlotte đã chuyển sang một bước ngoặt mới.
Cái chết của người mẹ và việc phải sống xa vòng tay cha đã để lại những tổn thương sâu sắc trong lòng Charlotte. Đối với một cô bé yếu đuối và dễ bị tổn thương như Charlotte, việc giữ lòng tin rằng cha mẹ không bỏ rơi mình thật sự là một thách thức lớn. Khi đi học, cô bé đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với bài vở cũng như môi trường mới. Và cuối cùng thì Charlotte phải tự tìm cách thích ứng với cuộc sống đầy biến cố của mình.
Tôi gặp Charlotte lần đầu tiên cách đây một vài năm và chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết. Tôi thật lòng quan tâm đến Charlotte và cô bé cũng đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu cách một đứa trẻ ứng phó với những bi kịch của cuộc sống. Vì vậy, khi tôi kể cho Charlotte nghe về cuốn sách của mình, tôi tin rằng cô bé sẽ đưa ra một vài nhận xét tinh tế và khác biệt.
- Charlotte! Cháu cho rằng ý nghĩa của việc làm người là gì?
- Cháu không biết… Ý nghĩa thì rộng lớn lắm ạ.
Vì nghĩ rằng câu hỏi của mình quá trừu tượng nên cô bé không thể hình dung hết được, tôi thử hỏi lại:
- Vậy với riêng cháu thì sao?
- Vâng ạ! Đôi lúc cuộc sống thật khó khăn. Hầu như ở mọi nơi cháu đến, cháu luôn là người duy nhất không có mẹ và không sống cùng cha mẹ.
- Cảm giác của cháu lúc đó như thế nào?
- Khi đó, cháu cảm thấy rất buồn và cách biệt với những bạn khác. Sợ hãi và cô đơn nữa. Cháu thấy dường như chẳng có ai hiểu mình. Thậm chí thỉnh thoảng, cháu còn thấy chán ghét bản thân. Đó là vì khi cháu thật sự sợ hãi, cháu thường cảm thấy rất giận dữ. Dù vậy, khi bình tĩnh lại, cháu hiểu rằng mình không nên làm vậy.
- Đôi khi cháu cảm thấy sợ hãi và bất an. Vậy có bao giờ cháu cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì để kiềm chế bản thân không?
- Có ạ. Nhưng cũng có nhiều khi cháu thậm chí chẳng nghĩ đến những điều không hay này. Đó là lúc cháu thật sự cảm thấy hạnh phúc. Cháu hạnh phúc khi ngồi xem ti-vi với cô của cháu hoặc đi xem thi đấu bóng chày với dượng. Thật ra, cháu chỉ cảm thấy buồn khi nghĩ về mẹ cháu mà thôi.
- Vậy là… - tôi lặp lại, - có lúc cháu thấy cô đơn vì không được ai thấu hiểu. Có lúc cháu cảm thấy sợ hãi, bị bỏ rơi và lo sợ cho những cảm xúc của mình. Đôi khi, cháu lại chán ghét bản thân vì nghĩ rằng mình không tốt. Thế nhưng trên hết, cháu vẫn thấy yêu mến cuộc sống và những người xung quanh, phải không nào?
Sam - cháu của tôi, nhỏ hơn Charlotte 6 tuổi và bị mắc bệnh tự kỷ nên tôi không thể trò chuyện với thằng bé theo cách như với Charlotte. Suy nghĩ của thằng bé có đôi chút khác biệt so với những đứa trẻ khác. Và thằng bé có nhận thức riêng về ý nghĩa của việc làm một con người.
Mỗi khi lên cơn kích động, Sam tựa như là một lò phản ứng hạt nhân sắp phát nổ. Lúc mới biết đi, thằng bé đã nhiều lần tự đập đầu mình vào sàn nhà trong cơn giận dữ. Thật may, nhờ vào việc điều trị nên gần đây, phản ứng của thằng bé trở nên ít nguy hiểm hơn và có thể đoán trước được. Một lần, Sam lên cơn kích động và nhất quyết được ở một mình. Thằng bé nằm rạp trên sàn và thổn thức. Vài phút sau, khi đã cho mẹ ôm vào lòng, Sam òa khóc và nói với mẹ:
- Mẹ ơi, hôm nay mọi thứ đều diễn ra nhanh quá mức trong đầu con.
Hầu hết chúng ta đều có thể cảm nhận được điều này. Tuy nhiên, vì không cảm nhận được nỗi đau như Sam nên chúng ta không hình dung được chúng. Đó cũng là điều xảy ra với các bệnh nhân của tôi. Có thể họ không cảm nhận được nỗi lo lắng của mình nhưng nó vẫn ở đó và khiến họ bất an.
Vậy là chúng ta đi qua cuộc sống của mình với một tốc độ chớp nhoáng đến mức không thể cảm nhận được những nỗi đau mà cơ thể và tâm trí ta đang gánh chịu. Nhưng Sam thì có.
Chúng ta đi qua cuộc sống của mình, đối phó với cảm giác bị bỏ rơi và sự bất an nhưng lại chẳng cảm nhận được nhiều về chúng. Nhưng Charlotte thì có.
Chúng ta đi qua cuộc sống của mình và từ trong sâu thẳm, ta biết một ngày nào đó mình sẽ chết. Ta biết ngày đó có thể đến sớm hơn ta mong đợi nhưng trí óc ta lại không tin. Ta biết cuộc sống thật quý giá nhưng trái tim ta lại không cảm nhận được điều đó. Nhưng với những trải nghiệm của mình, tôi đã cảm nhận được.
Vậy ý nghĩa của việc làm người là gì? Câu trả lời thuộc về quyết định của chính bạn. Với riêng tôi, tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn rằng:
Khi bạn nhìn một người, đầu tiên, hãy quan sát vết lõm ở môi trên của người ấy (dấu ấn của Chúa - điều tôi đã trình bày ở phần trước). Sau đó, hãy nhìn vào đôi mắt của người ấy. Bạn sẽ tìm thấy ở đó tất cả những gì thuộc về con người họ. Bạn sẽ tìm thấy một người đang theo đuổi hạnh phúc và tình yêu; một người có khả năng thấu cảm tuyệt vời; một người vị tha nhưng đôi khi cũng là người ích kỷ. Bạn có thể tìm thấy một người đã từng gánh chịu tổn thương đồng thời cũng từng làm tổn thương người khác. Bạn có thể tìm thấy một đứa bé, một chiến binh, một anh hùng và cũng có thể là một kẻ đạo đức giả. Nếu bạn nhìn sâu vào đôi mắt người khác, bạn sẽ thấy được tâm hồn của họ. Và rồi sau đó, bạn sẽ khám phá được tâm hồn của chính mình.