John vừa tự chấm điểm cho mình, vừa nói:
- Thật là những câu thú vị.
Chấm điểm xong, anh bắt đầu cộng điểm lại với nhau.
- Nếu kết quả là anh được mười hoặc mười một điểm thì chúng ta có thể ngưng cuộc thảo luận ở đây, - cô nói - vì chứng tỏ là anh đã làm đúng những điều cần thiết cho một lối sống khỏe mạnh rồi.
- Tôi chỉ e là chúng ta sẽ còn nói nhiều nữa. - Anh mỉm cười đáp.
- Vậy những câu nào anh trả lời là “có”?
- Đó là “Tôi yêu công việc của tôi”, “Tôi không hút thuốc”, “Tôi uống cỡ 7 ly bia trong một tuần”, “ Tôi luôn lạc quan” và cho dù điều gì xảy ra thì tôi vẫn ăn sáng mỗi ngày, tuy không theo đúng chế độ dinh dưỡng. Tôi cũng có những người xung quanh sẵn sàng nhắc nhở, giúp đỡ tôi giữ nếp sống khỏe mạnh nhưng tôi chưa thật sự chú ý đến những lời nhắc nhở đó.
- Ồ, thế thì anh chỉ có bốn điểm! - Cô nói.
- Rất tiếc là đúng như vậy!
- Vậy anh thử nghĩ xem, nếu phải chấm điểm thì những nhân viên cưng nhất của công ty anh sẽ được mấy điểm? - Cô lại hỏi.
- Thú thật là tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này. - John vừa trả lời vừa suy nghĩ. Đúng là anh chẳng bao giờ để ý đến sức khỏe của những nhân viên chính trong công ty. Nhưng giả sử họ bị tai nạn hay chết vì bệnh hoạn thì hẳn là tổn thất sẽ không nhỏ.
Mải chìm đắm trong dòng suy nghĩ, khi John nhìn lên thì Rose vẫn đang mỉm cười chờ đợi câu trả lời của anh. Anh nói:
- Câu hỏi của cô thật sự làm tôi lúng túng. Mà chắc họ cũng chẳng thể nào hơn điểm tôi được.
- Vậy có những điểm nào trong bản trắc nghiệm này làm anh thắc mắc không?
- Một vài điểm. - John đáp - Chẳng hạn như câu "Anh có yêu công việc của anh không?". Sao lại hỏi như vậy? Tôi cho rằng điều này có liên quan đến khả năng tự quản, khả năng tạo mối quan hệ thân thiện, và việc sống có mục đích của chính tôi. Lại còn, "thắt dây an toàn khi lái xe" nữa. Mà cũng hiểu được thôi, đã có nhiều người chết giữa đường vì tai nạn giao thông. Hay là cô còn muốn đề nghị thêm một vài giải pháp an toàn nữa?
- Có chứ, đó là lái xe với tốc độ vừa phải. - Cô đáp - Chỉ cần như vậy thì lượng người chết vì tai nạn giao thông đã giảm đáng kể rồi.
- Còn những cảnh báo nào nữa không?
- Ta phải đề phòng an toàn cháy nổ ở cả nơi anh sống và làm việc. - Cô nói - Những thảm họa và tử vong do cháy vẫn luôn là vấn đề muôn thuở của chúng ta. Ngoài ra, khi anh muốn nhấc một vật nặng thì phải đúng tư thế, gập đầu gối xuống, để cho chân của anh - chứ không phải là lưng - chịu trọng tâm của món đồ nặng đó. Một điều đáng chú ý là hơn 50% người trưởng thành đều bị đau lưng. Chúng ta thường bất cẩn cho đến khi có sự cố xảy ra mới chạy đến bác sĩ. Ngoài ra, ở nơi quá ồn thì tốt hơn hết anh nên đeo thiết bị chống ồn, và nếu ra nắng thì đừng quên đeo kính râm và đội nón.
- Nghe mô phạm quá phải không cô?
- Không chỉ rất mô phạm - cô đáp - mà còn ‘xưa như trái đất’ nữa. Anh còn thắc mắc gì về mười hai câu trong bản trắc nghiệm đó không?
- Có. Những động tác tăng cường sức bền và dẻo dai là như thế nào?
- Đó là mỗi tuần anh phải tập ít nhất là ba lần, mỗi lần mười cú đẩy bụng và bật lưng để làm tăng sức chịu đựng của cơ bụng và lưng, nhằm giúp anh không bị đau lưng.
- Vậy theo cô thì tập thể dục là rất quan trọng?
- Chắc chắn rồi. Vì chỉ có tập thể dục, anh mới có một thân thể tráng kiện được. Mà không chỉ tập thể dục thôi đâu, anh còn phải cải thiện lối sống của mình nữa. Nếu có hút thuốc thì anh phải ngưng hút, phải ăn uống và nghỉ ngơi điều độ thì mới mong giảm cân mà vẫn giữ được sức khỏe tốt. Những ai theo đúng chế độ này thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả rất khả quan.
- Phải thú thật là tôi đã rất chểnh mãng trong việc tập thể dục. - John nói - Điều đó thật chẳng hay chút nào. À, mà dường như cô không xem việc uống bia là xấu, đúng không?
- Với một lượng vừa phải thì được. Mỗi ngày anh không nên uống quá một ly.
- Ví dụ cả tuần tôi nhịn không uống, mà để dành đến thứ Bảy uống bù có được không?
- Tôi không khuyến khích việc đó chút nào. - Cô mỉm cười đáp - Trừ phi anh muốn bị nhức đầu thì cứ làm. Còn quan niệm của chúng tôi là tránh xa bia rượu vẫn tốt hơn. Nếu anh là người không thích uống thì chúng tôi cũng không động viên anh phải uống. Anh còn câu hỏi nào nữa không?
- Chỉ một câu nữa thôi. - Anh đáp - Thái độ lạc quan trong bản tự bạch này muốn đề cập đến điều gì vậy?
- Đó là chúng ta hãy luôn lạc quan. Hãy nghĩ rằng được sống là rất may mắn, rằng cuộc đời là những chuỗi ngày đặc biệt nên ta cần trân trọng và tận hưởng từng ngày.
John hỏi tiếp:
- Vậy làm sao để ta phát huy thái độ lạc quan?
- Thì tất cả tùy vào bản thân chúng ta thôi. Đó là cách lựa chọn của mỗi người. Chẳng hạn có người thì thích chọn cho mình một kiểu sống khó khăn hơn người. Với dạng người như vậy, khi anh nói xã giao “ Ồ, hôm nay trời đẹp quá.”, là họ sẽ đáp lại rằng: “Ơ, đẹp thật, nhưng tôi nghe dự báo thời tiết là ngày mai u ám lắm.” Hễ anh khen ngợi một điều gì thì ngay lập tức, họ phải nói ngay một câu để làm giảm giá trị điều đó. Dạng người như vậy thường rất khó vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.
- Vậy thái độ sống lạc quan cũng chỉ là một sự lựa chọn, giống như ta chọn việc hút thuốc hoặc tập thể dục, đúng không cô?
- Chắc chắn là như vậy rồi! - Rose đáp - Tất nhiên là chúng ta không thể kiểm soát được mọi thứ xảy đến với đời ta, bởi có cái diễn ra tốt đẹp, có cái lại không được như ý. Nhưng có một thứ mà chúng ta có thể kiểm soát được. Đó là cách chúng ta phản hồi lại những sự kiện đó như thế nào. Có một danh nhân từng nói "Nếu như không có sự cho phép của chính anh thì không ai có thể làm cho anh cảm thấy mình thấp kém hơn người khác."
- Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta pha thêm chút hài hước thì sẽ tốt hơn.
- Vâng. - Cô xác nhận - Đặc biệt là nếu anh có thể cười vui cả với chính mình.
- Vậy chắc tôi phải có trí tưởng tượng phong phú lắm, để mỗi ngày tự nghĩ ra ít nhất một điều gì vui nhộn và cười với điều đó.
Cô nói tiếp:
- Và anh cần phải thân thiện với mọi người nữa. Chúng ta rất cần gia đình, bạn bè, đồng sự và kể cả sếp của chúng ta. Chúng ta cần vui vẻ nói chuyện với họ hoặc bông đùa vài điều gì đó. Khi có chuyện gì ngoài tầm kiểm soát của chúng ta thì việc trao đổi với những người xung quanh sẽ giúp ta giữ được trạng thái lạc quan. Như vậy tốt hơn nhiều việc ta cứ giữ trong lòng và chịu đựng áp lực một mình.
Cô ngừng lại, nhấp một ngụm nước nhỏ và hỏi John:
- Có điều gì anh thấy còn thiếu trong bản trắc nghiệm này hay không?
- Có chứ. - Anh đáp - Trong bản câu hỏi này không đề cập gì đến tác hại của việc uống cà phê và những rủi ro do môi trường và nghề nghiệp mang lại?
- Anh tinh ý thật. - Cô khen ngợi - Việc uống cà phê thì lại tùy vào mỗi cá nhân, không ai giống ai. Có người uống một tách là đã thấy mệt, nhưng có người uống hai, ba tách cũng chưa sao. Và cũng có người phải uống loại cà phê đã loại bỏ chất caffeine thì mới chịu được. Đối với những rủi ro về môi trường và nơi làm việc, thì phải được kiểm tra kỹ càng ở từng nơi cụ thể, không nơi nào giống nơi nào.
- Vậy còn vấn đề chăm sóc răng miệng thì sao? - John hỏi - Đó cũng tùy vào sự lựa chọn của mỗi người chứ?
- Dĩ nhiên rồi. - Cô đáp - Tôi có một anh bạn là nha sĩ đã bảo tôi rằng:"Cô đâu nhất thiết phải chải tất cả răng trong miệng, cô chỉ cần chải những chiếc răng mà cô muốn giữ cho khỏi rụng thôi."
- Nghe khôi hài nhưng đúng là như vậy thật! - Anh mỉm cười - Nếu như không có cuộc nói chuyện với Giáo sư vào tuần rồi thì hẳn bây giờ tôi đã rất ngạc nhiên về những vấn đề như "làm sao để giảm stress" và "tại sao phải biết huyết áp của mình". Làm thế nào mà cô làm ra một danh sách mười hai câu hỏi, và tại sao chỉ là bấy nhiêu câu thôi?