Đọc xong, John thốt lên:
- Những kết quả này thật đáng kinh ngạc!
- Tôi cũng nghĩ vậy. - Larry gật đầu tán thành - Các nhân viên đều nỗ lực hết mình và thay đổi hành vi rất đáng kể. Chúng tôi cũng đang xem xét những ảnh hưởng nào ở môi trường làm việc sẽ tác động đến sức khỏe của nhân viên, như là những thói quen làm việc, an toàn trong lao động, nơi làm việc có oi bức quá hay lạnh quá không, cơ cấu tổ chức công ty và những quy trình làm việc có làm họ hài lòng không…Những phân tích như vậy sẽ giúp chúng tôi thấu hiểu nhân viên của mình hơn, đồng thời giúp chúng tôi phát triển những chương trình đào tạo quản lý tốt hơn. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng những cố gắng của chúng tôi đã minh chứng lời cam kết lâu dài đối với nhân viên và đối với sự thành bại của công ty. Và đây là một cố gắng thay đổi thật sự.
- À, - Giáo sư lên tiếng - nói đến việc thay đổi, có phải lớp học về “thay đổi hành vi” sắp bắt đầu rồi phải không?
- Vâng. Hai vị theo tôi. - Larry vừa nói vừa đứng lên đi ra cửa. Giáo sư và John cũng vội vã đi theo.
Khi cả ba đi lên tầng trên, Larry giới thiệu tóm tắt về thành phần những người tham dự khóa học cho Giáo sư và John nghe. Họ là những trưởng phòng mới được bổ nhiệm trong công ty. Họ cũng đã qua những bước trao đổi với Giáo sư và cô Rose về những nét đặc trưng của lối sống lành mạnh, đánh giá và kiểm tra sức khỏe. Sau lớp học này, mỗi người sẽ bắt đầu chế độ luyện tập riêng phù hợp với mình.
- Người đứng lớp hôm nay là một giám đốc giàu kinh nghiệm của chúng tôi, tên là Leonard Hawkin. - Larry nói.
- Anh ấy không phải là người huấn luyện chuyên nghiệp sao? - John hỏi lại.
- Bây giờ thì phải. Leonard nguyên là một kỹ sư cơ khí. Giáo sư đây đã đào tạo Leonard và một số người của chúng tôi nữa. Các trưởng phòng mới của chúng tôi phải tham dự đủ mười khóa học với những đề tài khác nhau, nhằm đáp ứng cho chương trình "Vận động vì sức khỏe".
John thật sự quan tâm. Anh hỏi tiếp:
- Những đề tài gì vậy ạ?
- À, đó là về cách sống lành mạnh, về bệnh tim và đột quỵ, về việc tập luyện thân thể, việc lạm dụng bia rượu, v.v. - Larry đáp.
- Vậy là những đề tài này đều liên quan đến việc chọn lựa lối sống và hành vi của chúng ta khi ta biết mình đang ở đâu trong "thang sức khỏe"?
- Đúng vậy. - Larry nói tiếp - Nếu thiếu một cuộc sống tốt đẹp thì chúng tôi khó lòng mà đào tạo những kỹ năng làm việc hiệu quả hơn cho nhân viên. Cho nên, những đề tài trên cũng là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo nhân viên cũng như trong các hội thảo dành cho cấp quản lý. Và có thể nói, những đề tài này đều có chung một mục đích, đó là làm cho nhân viên phát huy hết khả năng của họ và do đó, doanh nghiệp nhất định sẽ thành công nhiều hơn.
Trong lúc John đang ngẫm nghĩ về những lời Larry nói thì họ đã vào tới phòng học. Ở đó đã có khoảng hai mươi nhà quản lý trẻ khác. Leonard đang bắt đầu hướng dẫn họ làm bài tập. Larry lên tiếng:
- Chúng ta đến thật đúng lúc.
Vừa lúc đó, Leonard hỏi cả lớp:
- Có ai còn thắc mắc gì về lối sống lành mạnh nữa không?
Một bầu im lặng bao trùm cả lớp học, một vài người lắc đầu tỏ ý không còn thắc mắc gì.
- Thôi được, vậy thì tôi sẽ hỏi các bạn. - Leonard hỏi tiếp - Bao nhiêu người ở đây cảm thấy thích những gì mình vừa học, và dự định sẽ làm một điều gì đó để thay đổi lối sống hiện tại của mình?
Mọi người đều giơ tay lên cao.
- Vậy là tất cả các bạn đều biết làm gì để có một lối sống lành mạnh rồi. - Leonard nói tiếp - Và ai cũng thấy sẵn lòng để thay đổi những thói quen chưa lành mạnh. Bây giờ, tôi sẽ cho các bạn một bài tập để giúp các bạn thấu hiểu hơn những gì mình vừa học, và sau đó các bạn có thể áp dụng chúng vào thực tế. Mỗi người hãy đứng lên và bắt cặp với một người khác.
Cuối cùng còn lại một người lẻ cặp, Leonard ra hiệu cho John cùng tham dự bài tập với mọi người.
- Được rồi, bây giờ tất cả mọi người đều có đôi. Các bạn hãy đối mặt với nhau và im lặng trong vòng một phút để quan sát vẻ bên ngoài của người đối diện, từ quần áo, đến gương mặt, thân hình. Nhớ là không được nói chuyện, chỉ quan sát thôi!
Khắp phòng, những tiếng cười nho nhỏ vang lên, xen lẫn một vài tiếng thầm thì.
- Không được nói chuyện! - Leonard nhắc nhở - Chỉ quan sát người bạn của mình thôi!
Một cảm giác ngượng ngùng, mất tự nhiên xâm chiếm John. Anh nghĩ thầm "Sao bỗng dưng mình lại đứng đây, trước mặt một người lạ hoắc, rồi phải nhìn chằm chặp vào mặt anh ta nữa! Không biết anh chàng Leonard này muốn gì đây?”. Anh chẳng biết phải để mắt mình ở đâu cho bớt ngượng, người cùng cặp với anh cũng vậy. Chưa lúc nào anh thấy kém thoải mái bằng lúc này. Một phút sao mà dài đăng đẵng.
- Được rồi! Đã hết một phút! - Leonard nói lớn - Bây giờ, các bạn hãy quay lưng lại với người cùng cặp để khỏi nhìn thấy mặt người kia!
- Sau đó, mỗi bạn hãy thực hiện năm điều thay đổi ở bề ngoài của mình sao cho khác với lúc ban đầu!
John hơi lúng túng một chút, rồi anh cũng bắt đầu thay đổi được một vài thứ. Trước tiên, anh đổi vị trí của chiếc đồng hồ từ cổ tay trái qua cổ tay phải. Rồi anh tháo cà-vạt ra. Vừa thay đổi, anh vừa liếc nhìn gương mặt của những học viên khác. Ai cũng lộ vẻ hoang mang trên mặt.
Leonard nói tiếp:
- Khi nào mỗi bạn thay đổi xong năm thứ, thì hãy kiểm tra với người cùng cặp xem người đó xong chưa. Nếu xong rồi thì cả hai hãy quay lại nhìn nhau và mỗi người quan sát xem năm điều thay đổi ở người kia là gì.
John quay lại và anh nhận thấy ngay rằng người cùng cặp với anh không đeo mắt kính nữa và cũng đã cởi áo khoác. Anh nghĩ "Kể ra cũng không đến nỗi khó khăn như mình tưởng, ở anh ta chỉ có hai điều thay đổi."
Khi mỗi người nhận xét những thay đổi ở người cùng cặp xong, Leonard lại yêu cầu họ tiếp tục quay lưng lại với nhau:
- Lúc nãy, mỗi bạn đã thay đổi năm thứ trên người mình. Lần này thì mỗi người phải thay đổi mười thứ.
Ngay lập tức, cả căn phòng òa lên như ong vỡ tổ.
- Thay đổi mười thứ nữa! Ai mà làm cho được! - Một giọng nam la lớn.
- Vậy chúng tôi đổi lại năm thứ vừa thay đổi ban nãy được không? – Một giọng khác hỏi.
- Không được! - Leonard đáp - Đổi lại như trước là không tính! Mỗi người cần thêm mười thay đổi nữa! Tổng cộng là muời lăm thay đổi tất cả!
Mọi người vẫn cứ nhao nhao hỏi hết câu này đến câu khác hòng bớt được một vài thay đổi, nhưng Leonard vẫn cứ thản nhiên lặp đi lặp lại:
- Mười thay đổi nữa!
John tự nhủ: "Quả là điên rồ! Làm sao mình có đủ cái để mà cởi bớt ra hoặc thay đổi! Cứ đà này chắc ai cũng trần như nhộng!". Anh nhìn quanh phòng. Nhiều người cũng thôi không cố nữa. Họ chỉ đứng yên đó, chờ hết giờ.
Tuy vậy, cũng có một anh chàng tỏ ra rất sáng tạo. Anh ta lấy giấy treo lên hai tai, rồi lấy dây nịt đeo vào cổ hệt như đeo cà-vạt. John phải bật cười trước cảnh đó, và rồi anh bắt đầu nghĩ xem anh sẽ làm gì. Cho đến lúc này, anh cũng chưa hiểu được mục đích của bài tập này là gì. Nhưng anh cũng cố gắng để không phải chịu thua. Trong phòng lại vang lên tiếng của Leonard:
- Chừng nào các bạn thay đổi xong thì hãy kiểm tra xem bạn mình xong chưa, rồi hãy quay lại để xem mình có nhận ra những thay đổi đó hay không nhé!
Trong khi John chỉ mới thay đổi được bảy thứ, anh bạn cùng cặp đã lên tiếng thông báo thay đổi xong. Vậy là anh quyết định thôi không cố gắng nữa. Anh quay lại và thấy anh chàng kia đã thay đổi một số điều rất rõ rệt. Tóc anh ta rẽ theo kiểu khác, giày thì lột ra, quần xăn ống thấp ống cao…trông rất hề. John thấy trong lòng thoải mái một chút.
Vừa lúc đó, Leonard đã lên tiếng:
- Các bạn nghe đây! Hẳn không ít các bạn đang cho là tôi bị mất trí, nên mới yêu cầu như thế!
Nhiều học viên thích chí mỉm cười, gật đầu tán đồng ý kiến đó.
- Nhưng, tôi chẳng mất trí đâu! - Leonard nói tiếp - Việc nhận biết được những đặc tính của một lối sống lành mạnh và cảm thấy sẵn lòng thay đổi những thói quen hiện tại để sống lành mạnh hơn, là một bước vô cùng quan trọng. Nhưng đó cũng chỉ mới là bước bắt đầu. Bước khó nhất, đó là chúng ta phải thay đổi tư duy cùng với thái độ, để ứng xử khác đi. Như vậy mới thật sự là THAY ĐỔI! Đó là tất cả những gì mà tôi muốn gửi đến các bạn qua bài tập vừa rồi.
- Tôi biết ngay là bài tập này ngụ ý một điều gì đó! - Một học viên cười lớn - Có điều là tôi không đoán ra thôi!
- Nào, chúng ta cùng nhìn lại xem. Khi tôi yêu cầu các bạn giữ im lặng và quan sát người đối diện trong vòng một phút, thì các bạn cảm thấy thế nào? Hãy nói ra những cảm xúc đó giúp tôi!
Các học viên thi nhau đọc to lên những gì họ cảm thấy, và Leonard ghi tất cả lên bảng.
Không thoải mái
Lúng túng
Chẳng biết để mắt ở đâu!
Ngớ ngẩn
Mất tự nhiên
Thắc mắc
Xấu hổ
Một phút sao mà lâu thế!
- Thôi được rồi! - Leonard nói - Bấy nhiêu đã đủ để chúng ta phân tích! Đây là những cảm xúc xuất hiện khi các bạn phải làm một việc mà bản thân mình chưa quen! Nó tựa như việc các bạn phải nhìn chằm chằm vào người khác và bị người khác nhìn lại vậy! Bạn sẽ thấy không thoải mái, lúng túng, ngớ ngẩn, mất tự nhiên, v.v.
John nhủ thầm "Quả là như vậy thật!".
- Những cảm xúc vừa qua cũng y hệt như những gì bạn cảm thấy khi bạn mới đi bộ hoặc chạy bộ lần đầu. - Leonard gút lại.
Ngay lập tức, một vài học viên đã thi nhau đưa ra ý kiến của mình. Một học viên nữ nói:
- Đúng rồi, hồi tôi mới tập chạy bộ ở gần nhà, tôi cảm thấy như vậy đó, tôi cứ sợ hàng xóm thấy tôi tập thể dục!
- Tôi cũng tự hỏi, nếu đến một buổi tiệc mà tôi không hút thuốc thì tôi chẳng biết phải làm gì, tay chân cứ thừa thãi mất tự nhiên, kém thoải mái. Chẳng lẽ mình cứ đứng như một kẻ ngớ ngẩn và chẳng biết để mắt ở đâu! - Một chàng trai trẻ góp lời.
- Mặc dù ai cũng rõ những thói quen cho một lối sống lành mạnh - Leonard nói tiếp - Nhưng thực hiện được những điều đó và biến chúng thành thói quen hằng ngày, lại là một việc khác!
- Nhưng rồi những cảm xúc đó có thay đổi không anh? - Một học viên khác hỏi.
- Tất nhiên là có! - Leonard trả lời - Nhưng phải cần có thời gian và được những người khác hỗ trợ. Điều quan trọng là đừng tự chê trách mình vì những cảm xúc như vậy. Hãy nhớ, đó là điều tự nhiên, ai cũng vậy mà thôi.
- Tôi chẳng gặp khó khăn gì ở phần nhìn chằm chằm vào người khác, - một nữ học viên lên tiếng - nhưng quả là chẳng dễ chịu chút nào khi bị bắt phải thay đổi.
- Vậy chúng ta hãy nhìn vào sự việc này xem. - Leonard nói - Khi tôi yêu cầu các bạn thay đổi một số điểm ở bề ngoài của các bạn, mỗi bạn đều thể hiện rất nhiều điều thú vị, nhưng tất cả đều toát lên một ý nghĩa: đó là thay đổi thật khó khăn!
- Chắc chắn rồi! - Một học viên lên tiếng.
- Đầu tiên, dường như ai cũng cố cởi bỏ bớt những thứ trên người mình, mà chẳng ai nghĩ đến việc mang thêm cái gì vào. - Leonard vừa nói vừa mỉm cười - Còn những ai chịu thua, không làm hết được bài tập thì lại càu nhàu rằng mình không mặc đủ quần áo để mà cởi bỏ.
Một nữ học viên lên tiếng:
- À, vậy là khi được yêu cầu làm khác so với những gì chúng ta đang làm, thì điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến là :"Tôi có gì để mà bỏ đi đâu!".
- Đúng vậy! - Leonard xác nhận - Các bạn có bao giờ nghe ai nói rằng ngay lúc đầu tiên thay đổi một điều gì đó, thì nhất định sẽ đạt kết quả tốt đẹp không?
- Ít khi lắm! - Một học viên khác lên tiếng.
- Vì vậy, chúng ta cần hiểu những cảm xúc mất mát của mình. - Leonard nói tiếp - Nếu không, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đánh giá cao những gì mình đạt được qua những thay đổi đó. Các bạn thử nêu ra một vài điều mà chắc chắn là các bạn phải mất khi bắt đầu một lối sống lành mạnh xem.
- Chúng ta nhất định mất thời gian! - Một học viên nói lớn - Việc tập thể dục cũng chiếm hết một số thời gian rồi!
Leonard tiếp lời ngay:
- Và đó là mối quan tâm hàng đầu của những người bận rộn như chúng ta.
- Chúng ta cũng phải hi sinh món tráng miệng ngọt ngào! - Một học viên khác chêm vào.
- Lại còn không được hút một điếu thuốc ngay sau bữa ăn nữa chứ! - Một học viên nam nói - Thật là thiếu thốn làm sao!
Một học viên nữ cũng góp ý:
- Và chúng ta còn mất tự do vì không được làm mọi việc theo ý thích. Đã vậy, còn phải tỏ ra tự kiềm chế nữa!
- Tất cả những điều đó cũng đâu dễ dàng, phải không các bạn? - Leonard hỏi - Vậy các bạn cảm thấy thế nào khi đang đề cập đến những mất mát đó?
- Tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi nói ra được những bức xúc đó. - Một học viên đáp - Nếu không nói ra, thì tôi cũng chỉ nghĩ đến chúng hoài thôi.
Leonard tỏ vẻ rất hứng thú, nói tiếp:
- Đúng vậy. Bây giờ thì chúng ta có thể dễ dàng nói về những gì mà ta sẽ đạt được. Các bạn nhìn thấy những khía cạnh tích cực nào?
Mọi người thi nhau góp ý:
- Cảm thấy hài lòng với chính mình, vì mình tự nguyện thay đổi chứ đâu ai ép buộc.
- Tôi sẽ rất vui khi đạt được điều mình mong muốn.
- Không phải thở hổn hển vì hụt hơi suốt ngày!
- Và có thể tôi sẽ sống lâu hơn. Đời còn đẹp quá, dại gì mà chết sớm!
- Nói tóm lại, - Leonard lên tiếng - cảm thấy hài lòng về bản thân, vui vì đạt được điều mình mong đợi, không phải bị hụt hơi, sống lâu hơn... đều là những điều tôi rất muốn nghe từ các bạn.
- Vậy còn năng suất làm việc sẽ tăng lên thì sao? - Một giọng nữ lên tiếng hỏi - Khi sức khỏe dồi dào thì ta sẽ làm việc chăm chỉ hơn và cảm thấy vui thích công việc hơn. Như vậy cũng đâu tệ!
- Đúng vậy! - Leonard đáp - Những gì chúng ta sẽ đạt được xem ra cũng tốt quá phải không? Tôi đề nghị các bạn kể lại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả sếp của các bạn, về những điều chúng ta đối thoại ở đây. Bởi vì họ sẽ là những người hỗ trợ các bạn rất nhiều trên chặng đường cố gắng để thay đổi của các bạn.
- Nhưng tôi thấy ban nãy, có ai giúp đỡ ai đâu! - Một học viên thắc mắc.
- Cũng hay! - Leonard đáp - Một điểm thú vị là bất cứ khi nào mà có một thay đổi đang xảy ra, cho dù là ở nhà bạn hay trong công ty của bạn, thì ai cũng cảm thấy chỉ có một mình mình. Trong tình huống ban nãy, khi các bạn quay lưng lại với người cùng cặp để thực hiện những thay đổi, thì có phải là các bạn đang quay mặt lại những người khác hay không? Tôi có cấm các bạn giúp đỡ nhau không?
- Quả là không. - John nhủ thầm. Những người khác cũng lắc đầu.
- Chưa hết. - Leonard nói tiếp - Mặc dù các bạn đã quay mặt về phía những người có cùng mục đích thay đổi như các bạn, nhưng chẳng ai giúp đỡ ai. Tất cả các bạn đều cố thay đổi một mình!
- Chuyện như vậy có thường xảy ra không anh? - Một học viên hỏi.
- Rất thường xuyên. - Leonard trả lời - Vì vậy mà tôi thiết tha yêu cầu các bạn điều này: Hãy chia sẻ với những người quanh mình - cả ở nơi làm việc lẫn ở nhà - về mục tiêu thay đổi lối sống của các bạn. Có như vậy thì các bạn mới thật sự thay đổi một cách lâu dài được. Các bạn không thể thay đổi một mình. Hãy luôn nhớ điều này:
- Điều đó thì hiển nhiên rồi! - Một học viên cười, nói tiếp - Ví dụ như tôi đang cố gắng để giảm cân mà con tôi cứ bày kẹo bánh ra khắp nhà, thì làm sao mà tôi kiềm lòng được!
- Bạn nói đúng lắm! - Leonard tán đồng - Như vậy thì quả là khổ sở! Còn một điểm nữa mà tôi muốn các bạn lưu ý. Các bạn có thể nói cho tôi biết, điều gì xảy ra khi tất cả các bạn nghĩ rằng bài tập đã chấm dứt?
- À, tất cả mọi người đều thay đổi lại, giống như lúc ban đầu. - Một học viên trả lời - Chúng tôi lại mặc áo, mang cà-vạt vào, cho dù những thay đổi trước đó có làm chúng tôi cảm thấy thoải mái đi nữa.
- Bạn quan sát tốt lắm! - Leonard nói - Chúng ta thường thay đổi dưới một áp lực nào đó. Và khi áp lực đó không còn nữa thì chúng ta lại trở về với thói quen cũ, cách hành xử cũ. Ví dụ như khi ăn kiêng, chắc chắn người ta sẽ giảm cân. Nhưng thường chỉ trong một thời gian ngắn, họ lại lên cân trở lại. Bởi nếu họ không kiên nhẫn duy trì một chế độ để giữ gìn thành quả đạt được, thì khi họ không ăn kiêng nữa, thói quen ăn uống trước đó sẽ tái diễn, và trọng lượng cũ sẽ trở về với họ, thậm chí còn nhiều hơn. Chỉ khi nào họ thật sự thay đổi hành vi trong ăn uống thì trọng lượng cơ thể mới được giữ ở một mức độ vừa phải.
Nghe Leonard phân tích vài điểm từ bài tập vừa qua, John như vỡ ra những điều anh còn mơ hồ trước đó."Thật là thú vị!" - Anh thầm nhủ.
Leonard im lặng đi một vòng quanh lớp, rồi nói tiếp:
- Mức độ đầu tiên của thay đổi là sự hiểu biết. Thay đổi này dễ nhất và ít tốn thời gian nhất. Chỉ cần chúng ta đọc một bài báo nói về cách ăn kiêng, hoặc tham dự một khóa học của tôi, hay đăng ký tập thể dục ở một câu lạc bộ, là chúng ta đã có thể thay đổi sự hiểu biết của mình về một lối sống lành mạnh rồi. Ở điểm này thì tôi tin rằng tất cả chúng ta ngồi đây đều đã làm được.
- Vậy hiểu biết và thái độ khác nhau như thế nào? - Một học viên hỏi.
- Thái độ sẽ khó thay đổi hơn nhiều, so với hiểu biết. - Leonard trả lời - Bởi nó thiên về cảm xúc nhiều hơn. Như chúng ta đã thảo luận lúc ban đầu, tôi cảm thấy rằng các bạn hiện đang có những cảm xúc rất tích cực về việc cải thiện lối sống của mình. Nhưng liệu các bạn có thật sự thay đổi quan điểm của mình không? Hay chỉ là "Ồ vâng, tôi hiểu điều ông nói nhưng tôi sẽ không thay đổi quan điểm của tôi đâu!".
- Vậy còn hành vi thì sao? - Một học viên nữ hỏi - Thay đổi hành vi không dễ hơn thay đổi thái độ sao?
- Chỉ dễ hơn khi bị ép buộc mà thôi! - Leonard trả lời - Giả dụ tôi là sếp của bạn và tôi ra lệnh "Nếu cô không làm việc này thì cô sẽ bị sa thải!". Thì chắc chắn rằng tôi sẽ khiến bạn làm được việc đó trước khi bạn có thái độ vui vẻ về nó.
- Xin lỗi, anh có thể nói rõ hơn không? - Một học viên hỏi.
- Được. - Leonard đáp - Để tôi lấy một ví dụ về việc hút thuốc. Ở đây có bao nhiêu người nghiện hút thuốc?
Mười người đưa tay lên.
- Được rồi. - Leonard hỏi tiếp - Vậy trong số mười bạn đây, bao nhiêu người biết rằng hút thuốc không tốt cho sức khỏe của mình?
Mười cánh tay lại đưa lên.
- Cả mười bạn đều hiểu rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe. Vậy bao nhiêu người trong số các bạn có thái độ tích cực đối với việc bỏ hút thuốc nếu các bạn có thể bỏ dễ dàng?
Chỉ có bảy cánh tay đưa lên.
- Đâu hết mấy vị nữa rồi? - Leonard nhướng mày, nhìn quanh lớp - Vậy chứng tỏ một số đã nhất định không chịu thay đổi và chẳng buồn để ý rằng hút thuốc không tốt cho các bạn. Tôi thấy tội nghiệp cho những ai ghiền thuốc bởi vì đâu đâu mọi người cũng chỉ trích họ. Tôi chưa từng nghe ai nói với một người thừa cân rằng:"Thôi, đừng có ăn nữa! Kẻo lại mập quá chiếm hết chỗ của tôi bây giờ!" Nhưng đối với những người nghiện thuốc thì hầu như ai cũng phàn nàn và khuyên họ từ bỏ nó.
Mọi người nhìn nhau cười tủm tỉm. Một người trong số đó lên tiếng:
- Thật ra tôi cũng muốn bỏ hút thuốc lắm. Nhưng tôi hút đã mười lăm năm rồi. Bây giờ mà bắt tôi bỏ hút thì cũng bằng giết tôi. Nhất là sau bữa ăn mà thiếu một điếu thuốc, tôi không chịu được.
- Anh nói cũng đúng. - Leonard tỏ vẻ thông cảm - Những người ăn quá đà cũng vậy đó. Lấy bản thân tôi làm một ví dụ. Tuy tôi không hút thuốc nhưng tôi bị dư tới mười ba cân. Dù hiện giờ tôi biết những ký lô thừa đó chẳng tốt chút nào cho tim mình và tôi rất muốn được giảm cân. Nhưng mà khó lắm, vì tôi lớn lên trong sự chăm sóc quá cẩn thận của mẹ mình. Trong bữa ăn, nếu tôi không ăn thêm một suất nữa thì mẹ tôi cho rằng hẳn là bà nấu dở nên bị tôi chê. Mà chưa hết, mẹ tôi luôn để đủ thứ thức ăn ngon lành trong tủ lạnh. Thử hỏi, làm sao tôi giảm cân được.
Một giọng cười vang lên từ một góc khiến mọi ánh mắt đều quay lại nhìn. Đó là một thanh niên vạm vỡ, bụng khá to. Anh ta nói:
- Tôi hiểu tâm trạng đó lắm. Tôi còn ngửi được mùi của miếng phó mát cách xa cả cây số!
- Đúng vậy! - Leonard nói tiếp - Rất khó để thay đổi hành vi ăn uống khi chung quanh cứ đầy dẫy những cám dỗ. Vì vậy, chúng ta khó thay đổi hành vi hơn là thay đổi thái độ, và thường thì chúng ta chỉ thay đổi khi bị bắt buộc. Một điều đáng ngạc nhiên là cho đến khi phát hiện ra mình bị bệnh tim, người ta mới chịu thay đổi thói quen ăn uống nhằm làm giảm cân càng nhanh càng tốt. Trong khi trước đó, họ lại viện đủ lý do để không phải thay đổi bất cứ thói quen nào.