Sáng thứ Tư, cơn mưa rào lướt qua tưới mát từng dãy phố. Khi Giáo sư bước vào văn phòng của John, ông thấy anh đang ngồi trầm ngâm ở bàn làm việc. Anh ngước nhìn, mỉm cười và đứng dậy bắt tay chào.
- Chào thầy. Em thật mừng khi gặp lại thầy.
- Tôi cũng rất vui khi anh tự nguyện gọi cho tôi. - Giáo sư cười vui vẻ đáp.
- Em xin lỗi vì lần trước đã không đủ thời gian để tiếp chuyện điện thoại thầy lâu hơn. Lúc đó em mới tiếp nhận chức vụ này, nên bận rộn nhiều lắm. Thầy từng nói rằng thầy có vài thông tin muốn chia sẻ với em, vậy đó là gì vậy, thưa thầy?
- Để tôi bắt đầu bằng cách hỏi anh một câu hỏi nhé.
- Thầy cứ hỏi.
- Anh có thích là người thành công tột đỉnh mà lại có một cuộc sống thảnh thơi, không chút căng thẳng không?
- Bất cứ ai cũng muốn vậy! - John trả lời, rồi anh liên tưởng đến hoàn cảnh của mình và nói tiếp - Nhưng có lẽ đó là việc nằm mơ giữa ban ngày thầy ạ.
- Phải, điều đó không những là không thực tế, mà dẫu có chăng nữa, thì chắc anh thà chết chứ không chịu sống một cuộc sống chẳng có gì để lo.
- Vậy, theo thầy, vấn đề là ở chỗ ta phải biết điều khiển stress chứ không phải trốn chạy chúng phải không?
- Đúng vậy. - Giáo sư trả lời - Bản thân stress không tốt cũng không xấu. Mà nó phụ thuộc vào việc anh xử lý nó thế nào. Vậy anh kiểm soát được stress ở mức độ như thế nào?
- Nói chung cũng khá tốt ạ. Thật ra thì em khó mà hoàn thành tốt công việc nếu không có những thúc bách sau lưng khi hạn chót đến gần.
Giáo sư hỏi tiếp:
- Vậy ngay bây giờ thì sao? Anh vẫn kiểm soát các áp lực trong cuộc sống của mình tốt chứ?
- Không ổn lắm, thầy ạ. Bây giờ em mới thấy là thành công cũng có thể mang đến nhiều stress như vậy! Thậm chí, tâm trạng em còn xấu hơn là lúc gặp thất bại…
- Vậy anh có bao giờ nghĩ rằng những cơ hội tốt có thể bào mòn hết sức lực của anh không? - Giáo sư tiếp tục hỏi.
- Thưa đúng như vậy đó. Lúc em cho rằng bộ máy quản lý của công ty bắt đầu khỏe mạnh và chuyển mình thì cũng là lúc em chẳng còn muốn gì nữa cả. Dường như em chẳng còn chút thời gian nào để cho bản thân và gia đình nữa. Vợ em cứ than phiền hoài về việc này.
- Tôi có nghe bạn bè anh kể lại. Bởi thế tôi mới gọi điện thoại cho anh. - Giáo sư nói - Vì tôi tin rằng tôi có thể giúp anh được.
Anh bắt đầu cảm thấy sốt ruột, hỏi Giáo sư:
- Thầy có thể cho em biết được không ạ?
- Tôi đang nghĩ đến hai chữ "Thành Công". Đã từ lâu, người ta vẫn cho rằng khối lượng stress và thành công trong đời chúng ta có tương quan tỉ lệ thuận với nhau.
- Và em đoán rằng mấy năm nay thầy đang chứng minh cho điều đó?
- Đúng vậy, - vị Giáo sư thừa nhận - và một trong những điều có ý nghĩa mà tôi phát hiện ra, đó là có mối hỗ tương rất tích cực giữa khối lượng stress với việc tăng cường năng suất làm việc của chúng ta. Nhưng đến một ngưỡng nhất định thì năng suất làm việc sẽ chựng lại, trong khi stress thì vẫn tăng lên. Và khi stress trở nên dồn dập thì thành tích của ta lại giảm sút.
- Vậy khi điều đó xảy ra thì ta sẽ bị cạn kiệt sức lực như ngọn đèn hết dầu?
Vị Giáo sư gật đầu tán đồng:
- Đúng vậy. Khi gặp quá nhiều stress, ta sẽ lâm vào tình trạng kiệt sức.
- Sao vậy, thưa thầy?
Mối tương quan giữa stress và căng thẳng
Nhấp một ngụm cà phê, vị Giáo sư từ tốn trả lời:
- Bởi vì, khi chịu đựng stress đến một mức độ nhất định thì cơ thể và tinh thần của chúng ta phản ứng lại bằng một trạng thái căng thẳng. Ta sẽ trở nên cáu kỉnh thường xuyên và sau cùng là không chỉ công việc mà sức khỏe cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.
- Vậy, thưa thầy, nếu cuộc sống hoàn toàn không có stress thì có tốt không? - John hỏi tiếp.
- Không. Vì nó dễ làm ta cảm thấy chán nản chẳng thiết tha làm bất cứ điều gì. Trạng thái đó gọi là "rỉ sét", trì trệ.
- Như vậy có nghĩa là ta phải có một khối lượng stress vừa đủ - đủ căng thẳng để đạt được hiệu suất công việc cao nhất - Anh hào hứng nói - Có một lần em được mời trả lời cho bản câu hỏi của một tạp chí hàng không, trong đó, mỗi một sự kiện khác nhau thì có số điểm khác nhau. Chẳng hạn như, mất người thân, mất việc, mắc bệnh nan y… đều có điểm khác nhau.
- Và chắc chắn không phải tất cả các sự kiện gây stress đều là đáng buồn.
- Đúng vậy thầy ạ! Thí dụ như kết hôn, được thăng chức, đó là những sự kiện rất vui nhưng vẫn tạo stress.
- Vậy mức kiểm soát stress của anh hiện giờ thế nào? - Vị Giáo sư hỏi.
John mỉm cười thú nhận:
- Vào lúc này thì quả là rất thấp thầy ạ. Thành công cũng chưa thấy mặt mũi đâu. Khi em được nhận chức ở một chỗ làm mới thì cũng đồng nghĩa với việc có thêm một loạt trách nhiệm mới, phải dọn nhà đến một nơi hoàn toàn mới. Vợ em than phiền hoài về việc cứ vài năm lại phải gói ghém dọn nhà. Rồi em lại phải phát biểu trước hàng trăm nhân viên - điều mà em chưa hề làm trước đó. Thêm vào đó là suốt ngày hết người này đến người khác gọi để hỏi ý kiến em về đủ mọi việc. Thầy nghĩ xem, như vậy em phải làm sao để tránh cho khỏi ngã bệnh?
- Tại sao bây giờ anh lại hỏi như vậy?
- Bởi vì thầy đã khiến em phải nghĩ tới mối liên quan giữa stress và sức khỏe. Em nhớ thầy đã nói rằng nếu như stress quá nhiều sẽ khiến chúng ta bị căng thẳng triền miên. Mà em cũng bắt đầu cảm nhận có điều gì đó không ổn đang xảy ra với em.
Vị Giáo sư nhìn John với cái nhìn thông cảm rồi nói:
- Điều này cũng là kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Stress nhiều quá sẽ dẫn đến những loại bệnh như là loét bao tử, đau tim, và thậm chí là ung thư nếu như ta không tìm cách ngăn chặn. Anh có thấy những người làm kế toán trưởng thường bị loét bao tử không?
- Đúng rồi thầy ạ. Mẹ em từng bị loét bao tử khi bà làm kế toán trưởng. Thầy nhớ Charlie ở lớp em không? Charlie chết vì bị đột quỵ. Trước đó Charlie hay bị căng thẳng quá mức. Bây giờ thầy có thể nói rõ hơn cho em biết làm sao để có thể tự bảo vệ mình.
- Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe của chúng tôi đã tìm ra bốn yếu tố giúp con người cân bằng trong cuộc sống. Anh hãy đọc ở đây - Vừa nói, Giáo sư vừa đưa cho John một tờ bướm nhỏ.