Đợi anh đọc xong những dòng chữ và hình vẽ trên đó, Giáo sư nói tiếp:
- Khi stress ở nơi làm việc hoặc ở nhà cứ tăng lên thì thần kinh người ta cũng liên tục căng thẳng, và hậu quả tất yếu là họ mắc một chứng bệnh nào đó. Khi bốn nhân tố sau đây được tốt đẹp, thì chúng ta có thể điều tiết được stress. Đó là: khả năng tự quản, tạo những mối quan hệ thân thiện, sống có mục đích và cơ thể khỏe mạnh.
- Thầy nói cho em nghe rõ hơn về bốn nhân tố đó đi thầy. - John đề nghị.
Giáo sư từ tốn phân tích:
- Nhân tố thứ nhất là sự tự quản. Những người có khả năng tự quản cho rằng họ có nhiều sự chọn lựa và họ tự chủ được trong cuộc sống. Họ hiểu rằng chí ít thì một trong những hoạt động thường ngày sẽ giúp họ hướng đến những mục tiêu của mình.
- Có phải thầy muốn nói rằng họ không bị bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai kiểm soát không? - Anh hỏi.
- Đúng vậy. - Vị Giáo sư tán thành - Tự quản là một cảm giác mà ta thường thấy vào những lúc cuối tuần, khi ta rảnh rang và được làm những gì ta muốn. Đó cũng là cảm giác khi ta có nhiều sự lựa chọn trong công việc - Nếu ta không thích một công việc này, ta sẽ dễ dàng tìm được một việc khác hợp ý hơn.
- À, vậy theo em hiểu, nếu ta có khả năng tự quản cao thì ta sẽ cân bằng được stress. Còn nhân tố kế tiếp thì sao, thưa thầy?
- Khả năng giao kết thân thiện - Giáo sư nói tiếp - là khi người ta cảm thấy mình có được những mối quan hệ tốt đẹp với người thân, với lối xóm, với bạn bè, với đồng nghiệp, cấp trên. Ở đâu, họ cũng hòa mình vào môi trường thân thiện với mọi người.
- Điều này thì em hiểu thầy ạ. Thật quan trọng khi ta cảm thấy thoải mái và được chào đón ở nơi ta mới đến nhận việc. - John nói - Còn nếu không được như vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của ta. Thầy biết không, như Alice - vợ em đó, hiện rất lạc lõng với chung quanh kể từ khi gia đình em phải dọn đến nơi ở mới. Mới hôm qua, cô ấy kể là khi đi bộ trong khu phố, cô thấy bà hàng xóm cầm một dĩa bánh, vui vẻ chạy sang nhà cạnh bên. Có vậy thôi mà cô ấy cũng khóc vì tủi thân, vì thấy người ta có bạn bè lối xóm còn cô ấy thì không.
- Tôi hiểu cảm giác đó mà - vị Giáo sư nói - giống như khi đi công tác mấy ngày mà trong gia đình chẳng ai để ý đến sự vắng mặt của anh cho đến khi anh quay về vậy. Cái cảm giác "có mà như không" đó sẽ làm ta rất buồn.
- Như vậy là cho đến khi ta có được mối quan hệ với xóm giềng, biết rõ đường đi nước bước của khu vực ta ở thì ta sẽ thật sự cảm thấy thoải mái, thân thiện được với mọi người. - John gút vấn đề lại. - Thế còn nhân tố thứ ba là gì ạ?
Giáo sư nhâm nhi tách cà phê rồi nói tiếp:
- Đó là sống có mục đích. Cho dù anh làm gì, anh vẫn luôn nhắm theo phương hướng, mục tiêu mà anh muốn, và anh cảm thấy đam mê, thích thú với việc anh làm.
- Vậy nhân tố này giúp ta không bị thất vọng vì những điều vụn vặt trong cuộc sống, phải không thầy?
- Chắc chắn rồi, - Giáo sư mỉm cười - bởi vì anh đã hoạch định rõ ràng cho tương lai, và mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của anh, thì những áp lực và căng thẳng thường ngày chẳng đáng để anh bận tâm. Và khi cần, anh vẫn có thể giữ cho mình một trạng thái vui vẻ như khi dẫn các con anh đi chơi vậy.
- Thầy nói vậy nghĩa là sao ạ? Em không được rõ lắm. - John hỏi lại.
- Tôi chiêm nghiệm về ý tưởng này từ khi các con tôi còn nhỏ. Bọn trẻ rất thích đi chơi ở Thảo Cầm Viên, mà khi đến đó, chúng tỏ ra vô cùng nghịch ngợm, cứ chạy tứ tán làm tôi phải chạy theo để gom chúng lại. Nhiều bậc cha mẹ dễ nổi giận và la hét con cái trong trường hợp đó, nhưng tôi thì không. Rõ ràng là tôi muốn làm các con vui nên mới dẫn chúng đi chơi, vậy thì tôi cũng phải vui vẻ chấp nhận sự phấn khích của chúng. Vậy, sự vô kỷ luật của bọn trẻ ngay lúc đó chỉ là một sự cố nho nhỏ, còn mục tiêu của tôi ngày hôm đó là vui cùng các con.
John tỏ vẻ thích thú ra mặt. Anh nói:
- Vậy thì em hiểu rồi. Sống có triển vọng là luôn hiểu một cách rõ ràng rằng mình đang hướng đến mục đích gì, nhìn thấy rõ triển vọng của đời mình, và hãy đón nhận những sự kiện của mỗi ngày một cách vui vẻ.
- Đúng vậy đó - Giáo sư gật gù - Và khi triển vọng tươi đẹp thì anh sẽ thấy mỗi một ngày của mình vô cùng có ích.
- Vậy còn nhân tố thứ tư, thưa thầy? - John hỏi tiếp.
- Đó là việc giữ gìn cơ thể khỏe mạnh. - Giáo sư vừa trả lời vừa ngắm nghía người học trò cũ của mình - Là anh cảm nhận thế nào về cơ thể của anh, về tình trạng sức khỏe và về vẻ bên ngoài của anh. Anh thử để ý mà xem, khi người ta nhớ lại hoặc nói về một quãng đời đẹp đẽ, thì lúc nào họ cũng đề cập đến việc trông họ đã từng có dáng vẻ gọn đẹp ra sao. Anh biết đó, người ta có thể tập luyện cho cơ thể gọn gàng hơn, ăn uống có chọn lọc hơn… nói chung là thay đổi cách sống. Khi người ta thành công nhờ quá trình tập luyện cho cơ thể gọn đẹp hơn, họ sẽ thêm tự tin; và do vậy, họ sẽ tự điều tiết được những áp lực bên ngoài.
- Ôi, thầy không cần phải ngắm em lâu vậy để xem em phát phì như thế nào đâu! - John vừa mỉm cười vừa nói - Em có cảm giác tựa như bị ai đó thổi phồng lên như quả bóng. Và nếu có ai đó bàn bạc đến việc tập luyện để có thân hình vừa phải thì em xin đầu hàng. Hôm nọ thang máy ở công ty em bị hỏng, em phải leo bằng cầu thang bộ có mấy tầng để lên phòng làm việc của mình mà em đã mệt bở hơi tai, phải ngồi một lúc lâu mới lấy lại nhịp thở bình thường được.
- Cũng may là anh tỏ ra thành thật. - Giáo sư nói một cách hóm hỉnh - Nhưng tôi dám chắc rằng anh sẽ có một thái độ hoàn toàn khác khi đối diện với những áp lực trong cuộc sống nếu anh có một thân thể săn chắc hơn.
- Hẳn là vậy rồi, thưa thầy. Dường như bốn nhân tố mà thầy vừa nói có ảnh hưởng dây chuyền đến nhau phải không thầy? - John hỏi.