Hai cha con đại tá ngồi trên bàn trà trong phòng khách sạn. Chan Da thăm dò cha:
- Ba địa chỉ trong thành phố trượt rồi, ba nghĩ có nên tiếp tục không?
- Chưa tìm được bà Nga ân nhân nhưng ba không hối tiếc. Mỗi người đều là tấm gương vì nước vì dân. Chuyện của bà Hồ Thúy Nga, vợ bác Pin Ta Tha Na. Ba có ý định kỳ này không thành công, kỳ tìm kiếm sau sẽ kéo mẹ con cùng đi.
- Con luôn ủng hộ ba, nhưng kéo được mẹ ra khỏi Viên Chăn khó lắm.
- Thì cũng như một chuyến du lịch tìm về cội nguồn chớ có vất vả gì?
Chan Da im lặng một lát rồi thủng thẳng:
- Chủ yếu là mẹ con không thể tách khỏi xã hội của mình dù chỉ vài ngày. Ba không để ý sao? Cái xã hội của vợ tướng tá, vợ quan chức chính phủ có sức hấp dẫn mê hoặc đến nỗi các quý bà nghiện cả rồi.
Chan Hua ngạc nhiên:
- Con nói sao? Mẹ con là một trí thức kia mà?
Hai cha con đứng dậy khóa phòng đi ra hành lang xuống cầu thang.
- Ngày mai mình sẽ tới Trung tâm y tế huyện A Lưới, khá xa thành phố đấy.
- Điều con ngại không vì đường sá mà e một lần nữa ba lại thất vọng. Cái bà Nga như ba nói lý lịch cách mạng ngời ngời, đầy chiến công vậy sao phải lên tận biên giới xa xôi thế?
- Thì cũng phải tới mới rõ thật hư. Ba hy vọng nhất ở bà Lê Hằng Nga này đó. Trưởng thành từ y tá hiện là giám đốc trung tâm y tế huyện, từng là chiến sĩ biệt động thành Huế, nhiều năm phục vụ chiến trường, thời gian phục vụ Trạm T34 cũng khớp với tư liệu mình có.
Chan Da liếc nhìn vẻ mặt tràn trề hy vọng của cha, không nỡ làm ông buồn.
- Mong rằng ngày mai sẽ là ngày may mắn của ba con mình.
Chiếc Ford Range của đại tá đi trên đường phố khi còn khá sớm. Chan Hua ngắm nhìn đường phố qua kính xe vẻ trầm ngâm. Chiếc xe ra khỏi thành phố khi mặt trời lên cao chiếu thẳng vào cửa kính sau xe. Quốc lộ 49 đi về phía tây khoảng 70 kilômét gặp ngã ba Đồn Bốt Đỏ, nơi đường 72 gặp đường 14B, một căn cứ quân sự quan trọng thời chiến tranh. Đi tiếp gần chục cây số nữa là đến trung tâm thị trấn A Lưới. Quốc lộ 49 mới được nâng cấp trải nhựa, mặt đường phẳng bóng chưa bị ổ gà ổ trâu bởi các xe quá tải.
Trung tâm y tế huyện A Lưới trong khu nhà hai tầng gần ủy ban, cũng có đầy đủ các phòng ban chức năng thiết yếu cho một cơ sở khám chữa bệnh.
Phòng mổ khá rộng đặt máy trợ tim, máy thở và những thiết bị kỹ thuật mới tinh. Bác sĩ Lê Hằng Nga đã thay áo. Căn phòng hẹp kê bàn làm việc, tủ tài liệu và bộ xa lông tiếp khách là vừa chật. Cha con đại tá ngồi trên xa lông nhìn bà giám đốc vóc dáng nhỏ nhắn khá giống y tá Nga ngày nào lấy nước mời khách. Đại tá im lặng ngắm nhìn bác sĩ chưa biết nói gì. Nga đặt hai ly nước lọc trước mặt khách, ánh mắt ngỡ ngàng:
- Xin lỗi đồng chí, tôi không thể nhớ ra đã gặp đồng chí ở đâu.
- Thật tình xin lỗi chị. Thoáng thấy chị tôi đã vui mừng đến run lên vì tưởng gặp được ân nhân. Chị có vóc dáng giống hệt chị ấy và cũng có tên Nga. Dù đã ba mươi năm tôi vẫn nhớ vóc dáng thanh mảnh của chị Nga, nhưng chị ấy có đôi mắt to tròn, mái tóc dài tới khoeo kia.
- Tôi hiểu chuyện rồi. Cái tên Nga và lý lịch y tá nhiều năm phục vụ chiến trường Lào của tôi đã làm đồng chí nhầm. Những năm đó đội ngũ bác sĩ y tá như tôi phục vụ chiến trường Lào có tới hàng trăm, kể suốt thời gian chiến tranh thì lên tới hàng ngàn.
- Tôi muốn nói tới thời gian đầu năm 1971, chiến dịch Lam Sơn 719 và ở T34.
- Thời gian ấy tôi ở Sê Sáp, lúc vào gần Xa La Van. T34 thì năm 1972, khi chiến trận Thành cổ Quảng Trị ác liệt mới được điều tới. Tôi từng cứu chữa nhiều bộ đội giải phóng Lào, kể cả quân ngụy Lào thuộc GM30, GM33 bị bắt làm tù binh. Tôi nhớ mãi có một sĩ quan cao, to béo như đồng chí, rất lịch sự, mỗi lần được thay băng cấp thuốc đều chắp tay lạy tôi thế này này.
Bác sĩ Lê Hằng Nga làm động tác chắp tay trước ngực, cúi đầu, hồn nhiên cười. Chan Hua nhíu mày hỏi:
- Chị có biết viên sĩ quan ấy tên và cấp gì không?
- Lâu rồi tôi không nhớ, hình như cấp tá.
- Trung tá Chan Hay đúng không?
Bác sĩ Nga cười, lắc nhẹ đầu:
- Tôi không rành, chỉ những người chỉ huy mới rõ. Nghe các anh ấy nói sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn phản chiến, bị máy bay đuổi theo ném bom...
Chan Hua thốt lên:
- Trời đất! Vậy thì đúng ông rồi.
Bác sĩ Nga ngạc nhiên:
- Đồng chí biết ông ấy à?
- Đó là chú ruột tôi, Trung tá Chan Hay - Tư lệnh GM33 quân Hoàng gia. Tháng 3 năm 1971 dẫn một tiểu đoàn phản chiến về hàng Quân giải phóng.
- Chắc vậy. Tiểu đoàn bị bom, thương vong mấy chục người. Chúng tôi băng bó cứu chữa suốt ngày đêm... Ông ấy giờ thế nào hở đồng chí?
- Chú tôi nghỉ hưu mười lăm năm rồi. Ông bị Pakinson, chân tay run rẩy, phải ngồi xe lăn.
Ánh mắt bác sĩ Lê Hằng Nga tư lự, lúc sau bà chép miệng:
- Tội nghiệp! Ông rất lịch sự. Tôi nhớ không lầm thì giờ ông tầm 70, phải không đồng chí?
- Chú tôi 76 tuổi, bệnh vậy nhưng trí tuệ minh mẫn. Cụ đang ngồi viết hồi ký chiến tranh. Biết tôi gặp chị thế này chắc ông mừng lắm.
- Đồng chí về cho tôi gửi lời thăm cụ. Mà giờ cụ ở tỉnh nào?
- Quê chúng tôi ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Giờ chú tôi ở với con trai và các cháu trong thị xã Phôn Xa Vẳn.
- Vậy là trên Bắc Lào, cũng khá xa nhỉ?
- Tiếc rằng chú tôi ngồi xe lăn nên đi lại khó khăn, nếu không tôi sẽ đón ông sang thăm chị.
Bà Nga mỉm cười, ánh mắt ấm áp chân tình:
- Biết ông còn sống, còn làm được việc, vậy là mừng rồi. Còn chuyện của đồng chí, tôi hỏi thật nhé: Sao chiến tranh kết thúc lâu rồi, hơn ba mươi năm đồng chí mới đi tìm?
Chan Hua, đôi mắt đầy ưu tư, lặng một lát rồi mới trả lời:
- Cũng do hoàn cảnh. Năm 1972 sau khi điều trị ở Việt Nam về, tôi được cấp trên cho đi học Liên Xô bốn năm. Trở về thì công tác cuốn đi, không bố trí được thời gian. Thật ra mỗi lần sang Việt Nam công tác tôi đều đi tìm nhưng không dứt hẳn được công việc như lần này.
Đuôi mắt bác sĩ Lê Hằng Nga nheo lại, miệng tủm tỉm cười:
- Hẳn cô y tá Nga của đồng chí đẹp lắm phải không?
Đại tá chân thành:
- Bà vẻ ngoài không đẹp, chỉ là người phụ nữ bình thường, nhưng tấm lòng thì rất đẹp.
- Rất tiếc cơ sở vật chất chúng tôi còn khó khăn, chưa có nhà khách riêng, tôi lại vừa xong ca cấp cứu... Hay là mời đồng chí sang nghỉ bên nhà khách huyện...
- Đây là việc cá nhân, tôi không muốn phiền các đồng chí lãnh đạo. Rất cảm ơn chị về cuộc chuyện trò thân mật vừa rồi. Về mặt nào đó chị cũng là ân nhân của gia đình tôi. Chị đã cứu chữa cho chú Chan Hay của tôi. Bố con tôi muốn mời chị, kiếm một nhà hàng nào đó ngồi chuyện trò với nhau trưa nay, được không?
- Đồng chí thấy đấy, tôi vừa xong ca mổ cấp cứu, vệ sinh chưa sạch sẽ. Vả lại đầu giờ chiều tôi có cuộc họp. Chả là chúng tôi vừa được trang bị một phòng mổ hiện đại, nhưng bác sĩ phẫu thì chưa có. Sớm nay đích thân tôi phải đứng mổ...
Bác sĩ Nga đứng dậy lại bàn làm việc chuẩn bị tài liệu, lục giấy tờ, nói:
- Tôi phải thúc lãnh đạo huyện cho chỉ tiêu biên chế, xin Sở điều tối thiểu vài ba bác sĩ nữa. Cả trung tâm mới có tôi và một bác sĩ trẻ, hai y sĩ, một dược sĩ và năm y tá phục vụ dân cả huyện, lại còn mười mấy đồn biên phòng dọc biên giới.
- Thời nào cũng có khó khăn của thời đó chị nhỉ?
- Khó khăn chính của chúng tôi bây giờ là vấn đề kinh phí. Huyện nghèo, dân nghèo, địa bàn xa xôi cách trở, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng vì thế khó kiếm người có chuyên môn cao.
Cha con Đại tá Chan Hua đứng dậy. Bác sĩ Nga bỏ tài liệu ở bàn bước ra.
- Cảm ơn chị đã tiếp đón ân cần, chuyện trò cởi mở. Giờ ba con tôi muốn đi quanh ngắm huyện lỵ một chút rồi xin phép chị về thành phố.
- Tôi nói thật lòng... Đồng chí nên sang nhà khách huyện nghỉ. Tiện nghi cũng ổn không đến nỗi nào. Các anh lãnh đạo cũng rất nhiệt tình mến khách. Đồng chí đã cất công lên đến đây, hãy nghỉ lại đây một tối coi mảnh đất nóng bỏng đạn bom ngày trước thay da đổi thịt thế nào. Cũng có nhiều điều đáng coi lắm đó.
- Cám ơn chị. Thật tình tôi không nhiều thời gian, phải tranh thủ đi vài địa chỉ nữa.
Bác sĩ Lê Hằng Nga bắt tay hai cha con đại tá rồi tiễn ông ra xe...
***
Cơm trưa tại quán trên phố xong hai cha con đại tá đánh xe rời thị trấn A Lưới. Quay lại khoảng chục cây tới ngã ba Đồn Bốt Đỏ, Chan Da cho xe đi chầm chậm qua chợ cóc ven đường. Buổi sáng đi qua phiên chợ chưa họp nhưng buổi trưa chợ khá đông người.
Đại tá cũng xuống xe. Bà bán khoai lang bị cảm nắng lăn đùng ra và mọi người đang xúm lại. Chan Hua xăm xăm bước lại. Chan Da vội đóng cửa xe, bấm khóa, bước theo cha. Bà bán khoai tuổi ngoài 50 gầy gò khắc khổ, nằm gục trên đất mặt tái xám, tóc ướt đẫm bết vào má. Bà bán mì bên cạnh ôm lấy bà bán khoai lay gọi:
- Bà Hỉ, bà Hỉ, tỉnh lại đi.
Mấy người xung quanh xúm lại nhưng chẳng biết làm gì. Đại tá nói to:
- Đưa bà ấy vào trong bóng râm kia. Mọi người giãn ra.
Chan Hua cúi xuống định xốc bà bán khoai. Chan Da kéo cha lại rồi bế bà bị cảm vào trong quầy hàng có mái che bầy quần áo. Bà bán quần áo cản Chan Da lại:
- Ra chỗ khác. Nằm trên quần áo của tôi mà bà ấy chết thì bán cho ma hở?
Chan Da lưỡng lự đưa mắt nhìn quanh. Một bà kéo tay Chan Da chỉ vào chiếc lều bạt căng sơ sài trên bốn cột tre trong chợ của ông thợ cắt tóc cách đó vài chục thước.
- Đưa vào kia. Ông ấy đang không có khách. Nằm nhờ dưới đất cũng được.
Chan Da bế bà bán khoai chạy vào lều cắt tóc. Mấy người tò mò chạy theo. Ông thợ cắt tóc đang nằm ngửa trên chiếc ghế bạt vội nhỏm dậy:
- Ai đó? Bà Hỉ hở, đưa bà ấy nằm vào ghế.
Chan Da đặt bà bán khoai vào ghế. Ông thợ cắt tóc vội lấy chiếc quạt nan quạt lấy quạt để vào mặt người bị cảm. Đại tá móc túi lấy ra lọ dầu gió Trường Sơn đưa cho một bà ngồi cạnh:
- Bà bôi vào thái dương cho họ.
Người đàn bà ngửa mặt nhìn đại tá cảm ơn. Người đàn bà dùng ngón tay cái bấm vào nhân trung người gặp nạn. Gương mặt người bị cảm bắt đầu bớt tím tái.
Ông thợ cắt tóc vội lấy chiếc bi đông Mỹ treo cột lán, mở nắp kề vào môi bà bị cảm. Cặp môi héo của người đàn bà hé ra uống nước.
- Tỉnh rồi! Kiệt quệ quá không chịu nổi nắng nóng đây mà.
Thông qua câu chuyện Chan Hua biết vùng này có một y tá quân y chuyên lấy thuốc cứu giúp người cũng trạc tuổi ông cần tìm, nhưng bà ấy có cái tên khác, không phải tên Nga.
Từ rìa làng xuất hiện hai người đàn bà tất tả chạy trên đồng nắng. Người bé nhỏ đeo túi quân y te tái chạy trước, bà kia lạch bạch theo sau. Chan Hua lên xe hạ cửa kính ngoái cổ nhìn lại. Chan Da nổ máy xe, mở máy lạnh:
- Cho cửa kính lên đi ba.
- Ờ, lát nữa.
Hai người đàn bà chạy tới đầu chợ. Người xách túi quân y ngoái lại.
Người xách túi quân y luồn lách khuất sau quầy quần áo chạy tới lều cắt tóc. Chan Hua vẫn ngoái nhìn. Búi tóc người đàn bà vướng vào mái lán xổ tung, bà không kịp búi lại cứ thế chạy tới nơi người bị nạn. Mái tóc dài của bà khiến đại tá thảng thốt. Chan Da bấm còi vào số cho xe lăn bánh. Đại tá ngoái nhìn lần cuối rồi bấm cửa kính lên. Chiếc xe lao đi trên đường. Tạo hóa thường thích chơi khăm con người bằng những tình huống trớ trêu gọi là số phận. Chiếc xe ô tô phóng nhanh trên đường.
Buổi chiều đi nốt địa chỉ thứ năm, bà Nguyễn Ngọc Nga bác sĩ ở nhà nghỉ công đoàn tỉnh. Hai cha con Đại tá Chan Hua thất vọng đánh xe về khách sạn. Mở cửa phòng hai cha con mệt mỏi nằm vật xuống giường, không kịp cởi quần áo. Chan Da bật điều hòa, bật ra đi-ô im lặng nằm nghe ca nhạc đài Viên Chăn. Một bản tình ca với giọng nữ cao ngọt ngào. Chan Hua nằm ngửa hai tay chắp sau gáy nhắm mắt như ngủ. Nghe hết bài ca Chan Da tắt đài, nhìn ba:
- Ba đừng buồn nữa, đâu phải mình không cố gắng. Con nghĩ chắc bà Nga… hy sinh trong chiến tranh rồi.
Đại tá nhắm mắt im lặng. Ông biết con nói đúng nhưng không đành lòng.
- Ngày mai mình lên đường về nước, được chưa ba?
Chan Hua mở mắt nhìn con, thở dài:
- Ừ, về thôi... Nhưng ba chắc sẽ còn trở lại.
Chan Da nhìn vào mắt cha, biết ông đang nung nấu một quyết tâm mới. Chợt có tiếng gõ cửa phòng. Đại tá vùng ngồi dậy. Chan Da ngạc nhiên ngó ra:
- Ai đấy? Cửa không khóa. Mời vào!
Cánh cửa mở và một người đàn ông đứng tuổi hiện ra trong khung cửa:
- Chào đại tá, chào đồng chí. Tôi tên Đức, giám đốc khách sạn này.
Chan Hua đứng dậy mời khách ngồi ghế.
- Có việc gì vậy đồng chí?
- Nếu đồng chí coi là việc riêng tư thì tôi xin lỗi đã làm phiền, đã vô duyên can thiệp.
- Có việc gì đồng chí cứ nói?
- Mấy bữa nay tôi biết đồng chí mất nhiều công sức đi tìm một bà Nga nào đó. Tôi thực lòng ái ngại... Sao đồng chí không nhắn tìm trên đài truyền hình? Sóng truyền hình tới khắp nơi, từ thành phố tới nông thôn, tới tận hang cùng ngõ hẻm... rồi người nghe lại truyền cho nhau.
Giám đốc đưa cho đại tá mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của đài truyền hình. Chan Hua nắm chặt tay giám đốc cảm ơn.
Từ đài truyền hình trở về hai cha con tắm rửa rồi xuống sân khách sạn ăn tối. Chọn bàn sát bên sông, họ ngẩn ngơ ngắm vạt nắng chiều chiếu trên mặt nước lấp lánh như dát vàng. Cầu Tràng Tiền cong vút vắt ngang. Xa xa là thành cổ Huế thấp thoáng những lâu đài ẩn hiện trong vòm cây. Cô phục vụ mang món ăn theo yêu cầu gồm các loại bánh đặc sản của Huế và một chai vang cùng hai chiếc ly cao chân tới bàn. Một con thuyền lướt trên mặt nước êm đềm đi ngang. Cô gái cầm chèo mặc áo dài tím cất lên tiếng hò ngọt ngào:
“Khoan ơi khoan... mời bạn khoan là hò lơ ơ ơ... là khoan ơ... Mở lời chào bạn hiền xa, ham vui tới Huế hay là tìm ai hò ơ... Muốn thân nhau mượn câu hò tiếng hát, tâm sự đổi trao, Chừ xin mời thanh niên nữ với nam, hò ơ ơ ơ... Thanh niên nam nữ ta mạnh dạn bước vào chơi là hò chơi hò ơ ơ ơ...”.
Con thuyền trôi xuôi dòng, tiếng hò nhỏ dần rồi tan vào trong màn sương tím lịm đặc trưng của Huế. Hoàng hôn xuống rất nhanh. Hai cha con nhấp rượu, thưởng thức loại bánh đặc sản mỏng như cánh hoa. Chan Hua đang nghĩ vài điều vẩn vơ thì giám đốc khách sạn tìm đến:
- Ôi trời! Hai cha con ngồi đây mà tôi tìm mãi. Tôi muốn mời hai ba con bữa cơm “ngự thiện” theo phong cách cung đình. Chúng tôi mới phục dựng và mở dịch vụ này, muốn tiếp thị tới hai ba con. Hy vọng hai ba con sẽ quảng bá giùm chúng tôi tới các bạn Lào có dịp tới Huế.
- Cám ơn anh. Bữa nay tôi đi suốt ngày rất mệt, chỉ muốn ăn nhẹ rồi nằm nghỉ.
- Vâng. Công việc của đồng chí thế nào, có gặp được các anh bên đài không?
- Được! Họ rất nhiệt tình anh ạ.
Chan Da vẫy cô phục vụ, chỉ ly rượu và giơ một ngón tay. Cô phục vụ hiểu ý nhoẻn cười tươi, gật đầu, mang thêm chiếc ly tới và rót.
- Thấy đồng chí vất vả và nhiệt thành như vậy chúng tôi ai biết chuyện cũng cảm động. Tôi hỏi với các anh bên đài rồi. Ít khi có hồi âm ngay, thường mất một tuần, đôi khi tới cả tháng.
- Tôi còn công việc không thể chờ đợi lâu như vậy được.
- Bởi vậy đồng chí nên để địa chỉ và số điện thoại chỗ tôi, có tin tôi sẽ báo cho đồng chí.
Đại tá nâng ly rượu đưa tận tay giám đốc.
Giám đốc Đức chủ động nâng ly lên chạm và uống cạn:
- Thôi, cám ơn anh về ly rượu. Giờ tôi xin phép đi lo công chuyện. Chúc hai cha con một buổi tối vui vẻ. Nhớ là chiều mai tôi có lời mời hai cha con bữa cơm “ngự thiện”.
Giám đốc Đức đứng dậy bắt tay hai cha con đại tá.
Chan Da xách chai vang uống dở cùng cha trở về phòng ngủ. Căn phòng sang trọng, nội thất trang trí theo kiểu cung đình, giường tủ bàn ghế đều làm bằng tre, chăn gối, phủ đệm, rèm cửa một màu vàng nhẹ. Chan Da kéo rèm cửa sổ. Khoảng mặt sông với cầu Tràng Tiền cong vút lung linh ánh đèn hiện ra.