Buổi chiều hai cha con đại tá tìm đến một phòng khám tư có tấm biển đề trước cửa: “Phòng chẩn trị đa khoa - bác sĩ Hồ Thúy Nga”. Phòng khám trong ngôi nhà mặt tiền 5 mét. Ô tô vừa đỗ lại trước cửa thì ngay lập tức một thanh niên mặc áo blu trắng, đội mũ trắng có dấu chữ thập đỏ trên trán, áp ngay cửa xe.
- Bác vào phòng khám ạ?
Anh thanh niên vừa nói vừa chỉ vào ngõ nhỏ trước mặt. Chan Da bảo ba:
- Mình ba vào đi, con đánh xe vào bãi chờ.
Chan Hua gật đầu xuống xe. Chan Da đánh xe vào ngõ. Đại tá bước vào nhà. Vẫn anh thanh niên vừa rồi mở cửa kính cúi chào:
- Mời bác vào lấy số rồi ngồi chờ.
Đại tá vào căn phòng tiếp đón bệnh nhân có một quầy ghi số và khoảng gần chục người ngồi trên ghế băng kê sát tường. Trong quầy tiếp đón bệnh nhân là một cô gái trẻ mặc blu trắng ngồi trước màn hình vi tính. Đằng sau cô là tủ kính bày các loại thuốc. Cô vừa là nhân viên hành chính vừa bán thuốc theo đơn. Bên quầy một phụ nữ đã khám xong cầm trong tay quyển y bạ đợi mua thuốc. Chan Hua bước tới quầy. Cô gái đang xem y bạ ngước nhìn rồi lấy một tờ giấy ghi số đưa cho đại tá, nói giọng đặc Huế:
- Mời bác ra ghế ngồi đợi.
- Nhưng tôi không khám bịnh. Tôi có hẹn với bác sĩ Hồ Thúy Nga.
- Không thấy cô nói chi. Vậy bác đợi chút con phôn cho cô. Mà con nói ai hẹn cô hỉ?
- Cô nói một quân nhân Lào, hẳn bác sĩ sẽ nhớ ngay.
Cô gái ngạc nhiên:
- Dạ. Bác là người Lào ạ? Bác nói tiếng Việt giỏi quá, con không nhận ra.
Cô gái nhoẻn cười bấm số điện thoại:
Chan Hua gật đầu chào rồi leo cầu thang lên tầng. Bác sĩ Hồ Thúy Nga đứng đợi trên đầu cầu thang, bắt tay. Đó là người phụ nữ tầm tuổi 55, gương mặt đầy đặn không đẹp nhưng toát lên một sức mạnh tinh thần, tạo ra một sự hấp dẫn tự nhiên. Trông bà như đang cười thầm sự nhầm lẫn của đại tá nhưng sẵn sàng chia sẻ. Chan Hua nhận ngay ra sự nhầm lẫn của mình:
- Xin lỗi, tôi làm mất thời gian của bác sĩ rồi.
- Nhìn ánh mắt thất vọng của anh, tôi biết tôi không phải là người anh cần tìm. Nhưng phải nói thật là anh làm tôi hồi hộp quá. Cả đêm qua mất ngủ, sáng tới giờ thấp thỏm.
Chan Hua ngạc nhiên:
- Sao lại vậy hở chị?
- Thì mời anh vào phòng uống nước, ta nói chuyện.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga mở cửa phòng khách, mời đại tá ngồi vào xa lông. Nhìn bình hoa hồng tươi rói, đĩa bánh kẹo, hoa quả và cả chai rượu vang bày trên bàn, ánh mắt Chan Hua băn khoăn, dò xét.
- Bác sĩ đang chuẩn bị đón khách?
- Thì anh không phải khách của tôi sao?
- Tôi không hiểu.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga chưa vội trả lời, bật nút chai vang rót ra hai ly. Đại tá ngơ ngác, không hiểu bà định làm gì. Bác sĩ Nga mỉm cười:
- Anh ngạc nhiên lắm hả? Thật tình tôi mong chờ cuộc tìm kiếm này từ nhiều năm rồi. Nhưng cũng như anh...
- Nghĩa là chị cũng đang đợi người tới tìm kiếm?
- Nào, hãy chạm ly mừng cuộc gặp gỡ tình cờ này đã.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga đưa ly rượu cho Chan Hua rồi nâng ly của mình lên. Hai người chạm ly uống.
- Anh ăn chút gì nhé?
- Cám ơn chị, tôi không muốn ăn gì đâu. Tôi sẽ uống với chị thôi.
- Tùy anh, tôi không ép, không xã giao mời mọc đâu.
Bác sĩ Nga bứt một quả nho bóc ăn rồi nâng tiếp ly rượu mời đại tá. Chan Hua gật đầu nâng ly:
- Những thứ này làm tôi tò mò đấy.
- Trưa qua sở thông báo có một quân nhân Lào tìm cô y tá cứu sống mình tên Nga, tôi cứ hồi hộp chờ đợi mãi. Chả là trong chiến tranh tôi cũng là y tá phục vụ chiến trường Lào nhiều năm, cứu chữa nhiều thương binh...
Bác sĩ Hồ Thúy Nga trầm ngâm rót tiếp hai ly rượu, cầm ly nâng lên trước mặt đợi. Chan Hua nâng ly của mình lên chạm khẽ. Bác sĩ Hồ Thúy Nga uống cạn một hơi, đặt ly xuống bàn kính:
- Năm 1970, nghĩa là hơn ba mươi năm rồi, hồi ấy tôi 22 tuổi làm y tá điều dưỡng trong Quân y viện 31 trên mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng...
- Xiêng Khoảng à? - Chan Hua không giấu được vui mừng - Đó là quê hương tôi đấy. Tôi là dân bản Na Kon lấy vợ Bản Ang kề bên đường 4. Tôi có biết bệnh viện trong hang đá, mặt trận gọi luôn là hang đá 31.
- Anh là dân bản Na Kon à? Anh ấy cũng là dân bản Na Kon - Bác sĩ Nga cũng vui mừng reo lên.
- Ai kia? Chị nói ai là dân bản Na Kon kia?
- Anh thương binh tôi cứu thoát chết, sau là người yêu của tôi.
- Người yêu của chị?
- Không chỉ là người yêu mà còn là ba của con tôi.
Chan Hua tròn mắt nhìn định nói gì. Bác sĩ Nga xua tay:
- Anh lặng yên tôi kể cho mà nghe. Bản Na Kon quê anh tôi thuộc từng đường mòn, đồi lũng đầy cây mắc coọc, ăn không hết quả rụng đầy gốc để bò lợn ăn.
Bác sĩ Nga dừng lại một chút, ánh mắt tư lự:
- Bò lợn nơi đó cũng thật ranh, chúng biết cọ mình rung cây cho quả rụng rồi nhai rau ráu. Con suối nơi đó rau cải xoong mọc thành bè, dân không biết ăn. Chính tôi là người đầu tiên nấu canh cải xoong cho mẹ anh ấy ăn. Bà cười bảo tôi giống bò ăn cỏ, rồi tới khi ăn lại khen ngon hết lời.
- Chị biết rõ quê tôi thật đó.
- Thì tôi có thâm niên sáu năm ở đó mà lại.
- Gượm đã, chị chưa nói tên anh ấy.
- Pin Ta Tha Na! Anh có biết anh ấy không?
- Trời ơi, nhà anh ấy gần đồi, nhà tôi dưới ruộng, cách nhau một quãng. Anh ấy là tiểu đoàn phó của tôi đó.
Chan Hua reo lên rồi ánh mắt chợt buồn lặng, ông định nói gì lại thôi, hỏi:
- Anh chị quen nhau như thế nào?
Chan Hua ngơ ngẩn lắng nghe nhìn chăm chăm vào gương mặt đầy xúc cảm của người đàn bà. Câu chuyện được tái hiện qua lời kể, giọng bác sĩ lúc trầm lúc bổng. Phải mất một hồi lâu. Bác sĩ Hồ Thúy Nga tư lự rót hai ly rượu mới.
- Tôi thật không ngờ lại sa vô tình cảnh trớ trêu đến thế. Chúng tôi sát cánh chiến đấu cùng nhau, cảm phục rồi yêu nhau. Luật pháp nước tôi khi đó chưa cho phép nên người có trách nhiệm phải ngăn cản không cho quân của mình phạm luật. Tôi buộc phải viết kiểm điểm, hứa không sai phạm mới được tiếp tục ở lại đơn vị chiến đấu. Rời trại điều dưỡng tôi lại về Viện 31, khi đó anh cũng đã về đơn vị...
Bà Nga nâng ly rượu mời Chan Hua. Hai người chạm ly uống.
- Nhưng thử hỏi luật pháp nào có thể ngăn cản hai trái tim thật sự yêu nhau hướng về nhau? Đơn vị anh hoạt động quanh vùng nên chúng tôi vẫn lén lút hò hẹn. Một vài lần ở trong rừng rồi sau đó là ở nhà ba mẹ anh. Mẹ anh rất thương tôi, bảo: “Nhà nước Việt Nam không cho thì con ở lại làm người Lào với má. Từ thời đánh Pháp cũng có người làm thế rồi đó. Để mẹ vấn tóc cho con như con gái Lào lấy chồng”.
Theo lời kể của bác sĩ Hồ Thúy Nga trước mắt Chan Hua hiện ra hình ảnh bà mẹ Pin Ta Tha Na và cô gái Việt, y tá Hồ Thúy Nga ngồi trên sàn bên cạnh cửa sổ nhìn ra khoảng rừng thông. Bà mẹ Lào cẩn thận chuốt từng lọn tóc, rất cầu kỳ chia từng múi vấn lên trên đỉnh đầu cho cô gái rồi rút cái trâm ngà voi trên đầu mình cài lên búi tóc cô. Vấn xong bà đưa ra trước mặt cô chiếc gương nhỏ. Y tá Nga ngắm nhìn mình trong gương với búi tóc tròn sau đỉnh đầu, vẻ mặt vui sướng, mắt ngời hạnh phúc. Bà mẹ:
- Vấn như vậy để đàn ông biết đừng mơ tưởng làm phiền mình, còn đàn bà thì luôn nhớ mình đã làm vợ.
- Mẹ vấn khéo quá, đẹp quá!
- Mọi người nhìn búi tóc để đánh giá phẩm hạnh người vợ đó.
- Đánh giá thế nào hở má?
- Vấn tóc đẹp gọn gàng chứng tỏ người vợ luôn nghĩ tới chồng. Tóc rối, vấn xộc xệch là người đàn bà chán chồng.
Nga ngắm búi tóc một lúc, vẻ mặt chợt trở nên buồn bã. Cô rút chiếc trâm cài cho mái tóc xổ ra, đưa trả trâm cho bà mẹ:
- Con không vấn tóc được đâu mẹ ạ. Tổ chức biết đuổi con về nước đấy.
- Tổ chức là cái gì hở con?
- Là cấp trên của con. Con đã phải hứa...
Y tá Nga im lặng. Bà mẹ Lào nhìn cô đăm đăm rồi thở dài.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga mắt rớm lệ. Bà lấy tờ giấy ăn thấm mắt.
- Cũng chẳng thế giấu, cái thai trong bụng tôi đã sang tháng thứ năm... Chính trị viên Viện 31 gọi tôi lên nói gọn: “Đồng chí thu xếp tư trang tối nay theo xe thương binh về nước!”. Tôi rụng rời khụy xuống. Ông đỡ tôi. Tôi nắm lấy tay ông cầu xin cho lùi lại chuyến sau để tôi có thời gian chia tay anh, chia tay mẹ anh. Ông bảo đã thông báo cho đơn vị anh, còn Pin Ta Tha Na thì đang dẫn trinh sát đặc công 41 tiếp cận chỉ huy sở Vàng Pao ở Loong Chen chưa biết bao giờ về...
- Vậy là anh chị không có dịp chia tay?
- Có chớ! Ông trời như cũng thấu hiểu lòng người... Chiều tối khi xe chở thương binh chuẩn bị chạy, tôi ngồi trên thùng xe thì có lệnh chuyển thương binh trở lại hang. Đỉnh đèo Phu Nốc Cốc bị B-52 trải thảm đường hỏng nặng và nghiêm trọng hơn là một tiểu đoàn lính đặc biệt Vàng Pao đã lập chốt chiếm đỉnh đèo. Tôi ôm ba lô trở lại sạp cũ, thầm nghĩ: “Vậy là phải nhổ chốt địch rồi sửa đường, nhanh nhất cũng ba ngày, có thể cả tuần...”. Thú thật khi đó tôi vui mừng vì đường tắc. Đôi khi con người ta cũng thật ích kỷ. Ai bảo có người nào đó hoàn toàn không ích kỷ, tôi không có tin đâu.
- Đôi khi tình cảm lấn át lý trí cũng là chuyện thường tình.
- Sớm hôm sau tôi gặp chính trị viên xin phép tới chia tay mẹ anh. Ông lắc đầu bảo không nên. Lúc này tôi không giấu, chỉ cái bụng rưng rưng: “Tôi chỉ muốn cho bà biết bà sắp có cháu để bà vui”. Chính trị viên trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Thật sự tôi khuyên đồng chí không có nên, nhưng nếu đồng chí quyết thì tôi cho phép”. Tôi ôm chầm lấy ông cảm ơn. Ông nhìn tôi rưng rưng gọi tôi là con gái. Ông thật tốt bụng. Tiếc rằng từ khi về nước tôi không được gặp lại ông.
Bác sĩ Nga lặng đi một lát gương mặt đượm buồn. Chan Hua cũng lặng im không muốn làm đứt mạch hồi tưởng của bà và ông cũng đang chìm trong cảm xúc buồn bã. Đó là vùng đất và con người quê ông mà cũng khá lâu ông chưa trở lại. Bác sĩ Nga nói tiếp:
- Tôi đi thăm mẹ anh vào một ngày cuối năm trời rét như cắt da cắt thịt. Một nữ y tá khác được chính trị viên cử đi theo giúp đỡ tôi đề phòng tình huống bất trắc. Ngày đó chiến sự đang ác liệt lắm...
Hồ Thúy Nga và đồng đội khoác dù ngụy trang băng ngang đồng cỏ Cánh Đồng Chum đang kỳ khô xác xơ, mặt đất sương đọng trắng như rải muối. Nga đi trước đeo túi cứu thương, thắt lưng giắt ba quả lựu và một túi vải có bốn bánh lương khô. Người đồng đội theo sau cách mươi bước đeo AK và mấy băng đạn, lựu đạn vòng quanh lưng như một lính xung kích. Chợt có tiếng vo ve của máy bay trinh sát L-19 từ phía chân trời. Tiếng máy bay lớn dần rất nhanh. Hai cô dừng lại lắng nghe, nhìn rồi ra hiệu cho nhau ngồi thụp xuống. Máy bay sạt ngang trên đầu. Hai cô bất động như ụ cỏ. Máy bay xa rồi bỗng vòng lại.
- Cẩn thận, nó nghi ngờ quay lại đó.
Cô y tá đi cùng lên đạn khẩu AK. Nga nói to:
- Đừng nổ súng, trừ khi nó thực sự phát hiện ra mình.
Tiếng máy bay rít trên đầu, lần này nó bay thấp, không bay xa, vòng ngoắt trở lại. Một loạt tiểu liên nổ rẹt, đạn cắm một hàng sát sạt nơi hai cô gái ngồi. Hai cô gái vẫn không động đậy. Máy bay bỏ đi. Hai cô đứng dậy. Cô bạn băn khoăn:
- Làm sao nó nghi ngờ mình?
- Chắc tại mảnh dù của cậu còn mới, xanh quá khác với cỏ khô xung quanh.
Lán sơ tán của mẹ Pin Ta Tha Na bên một khóm tre chỉ rộng gấp hai chiếc giường. Những tấm ván cháy dở của căn nhà cũ ghép lại trên cọc chôn làm sàn nằm. Khoảng đất trước sàn làm bếp nấu kê ba viên đá có mấy đầu củi nguội lạnh. Ken xung quanh và mái lợp bằng phên nứa, ngụy trang ngọn tre vít cong hoặc gãy gục. Hầm tránh phi pháo đào hườm vào gốc tre. Khi Hồ Thúy Nga và cô bạn bước vào lán thì bà mẹ đang ngồi trên sạp tước mấy ngọn rau bí. Bà già tiều tụy nhiều so với khi ngồi vấn tóc cho Nga ở ngôi nhà cũ. Nhìn thấy Nga bà kêu lên:
- Cha mẹ ông bà ơi, con dâu đã về.
Nga ôm lấy bà mẹ bật khóc. Cô bạn ý tứ khoác súng lảng ra xa lán. Hai bên đồi thấp thoáng những lán sơ tán khác của dân bản Na Kon. Bà mẹ ôm đầu Nga gục vào ngực mình:
- Đừng khóc. Nhà mình còn sống cả chớ dân bản nhiều nhà mất người.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga trào nước mắt. Bà không cố giấu những xúc cảm trước mặt người khách lần đầu tiên gặp mặt nữa:
- Tôi đã giữ lời hứa nuôi con lớn khôn và đợi anh suốt ba mươi năm, mong chờ ngày anh sang tìm hai mẹ con. Năm 1986 tôi có đưa con trai theo đoàn du lịch đầu tiên được tổ chức sang Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, trở lại bản Na Kon nhưng không gặp người cũ. Dân mới kể rằng bản Na Kon bị B-52 hủy diệt, ít người sống sót, giờ họ chuyển lên thành phố cả rồi. Anh là người bản Na Kon đầu tiên tôi gặp sau chiến tranh đó.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga lau nước mắt gượng cười. Đại tá ngậm ngùi:
- Mẹ tôi, vợ con tôi, cùng chị gái và hai đứa cháu cũng chết thảm trong vụ B-52 đó...
Hai người im lặng chìm đắm trong nỗi đau buồn quá khứ.
- Điều gì khiến chị đủ nghị lực kiên trì chờ đợi như vậy?
- Trước hết là tôi yêu Pin, sau đó là yêu con...
Bác sĩ Nga nhìn vào mắt đại tá trầm ngâm một lát rồi nói thêm:
- Và tôi luôn tin trời không phụ lòng người.
- Năm 1986 chị đã sang tìm... Năm ấy chị mới ba mươi tuổi.
- Ba tám và con trai tôi mười bốn. Tôi có gặp một người đồng hương, ủy viên Hội Việt kiều tại thị xã Phôn Xa Vẳn. Anh hứa sẽ tìm giúp tôi. Hai năm sau tôi nhận được thư anh báo rằng dường như đã tìm được tung tích của Pin Ta Tha Na. Anh ấy đang đi học ở Liên Xô.
- Có thể người bạn chị đã nhầm. Năm 1973 sau khi lành vết thương tôi về thăm mộ người thân trước khi đi học Liên Xô... Tôi được biết mẹ Pin Ta Tha Na chết trong trận B-52 cùng mẹ và chị gái tôi, còn anh thì dẫn đặc công 41 đánh vào chỉ huy sở Vàng Pao ở Loong Chen đã hy sinh trên núi Vua... Núi đá có trận địa pháo lớn do quân Thái Lan đóng, gần trung tâm Loong Chen, có tên trên bản đồ là Kinh Ridge. Tiểu đoàn 41 bộ đội đặc công đã bất ngờ đột nhập chiếm trận địa pháo và dùng pháo 105 chiếm được tác xạ thẳng xuống, khống chế trung tâm Loong Chen nhiều giờ.
- Ôi trời! Có chính xác không anh... Vài năm trước tôi còn nghe tin Pin Ta Tha Na lên chức gì to lắm mà.
- Có thể ai đó trùng tên họ nên bạn chị đã lầm chứ anh Pin Ta Tha Na người bản Na Kon, tiểu đoàn phó của tôi thì chính xác đã hy sinh. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga lặng đi, trông bà già sọm như thêm chục tuổi. Đại tá vẻ mặt ân hận nhìn bà bác sĩ, ngập ngừng:
- Tôi... tôi thành thật chia buồn với chị... Tôi ân hận lại là người làm mất niềm hy vọng của chị.
Bác sĩ Nga đưa ánh mắt buồn bã nhìn Chan Hua, rồi bà lắc đầu:
- Không sao đâu. Chín chín phần trăm tôi tin anh đã hy sinh, chỉ còn một phần trăm là niềm hy vọng mong manh, biết đâu trời thương... Tôi tin ở tình yêu của anh. Nếu còn sống thì thế nào anh cũng đã đi tìm mẹ con tôi lâu rồi. Vậy là anh đã hy sinh khi con chưa kịp ra đời.
Bà Nga buông tiếng thở dài rồi mỉm cười.
- Thôi, anh chắc không rảnh như tôi, làm mất thời gian của anh nhiều rồi. Cảm ơn anh nhiều.
- Tôi phải cám ơn chị mới đúng. Chị đã cho tôi hiểu thêm về cuộc đời của một người đồng hương, người anh, người thủ trưởng của tôi... Chị ơi, tôi muốn hỏi chị về con anh Pin Ta Tha Na. Tôi muốn gặp cháu.
- Cháu đã trưởng thành, cao lớn, bản lĩnh và nghị lực như ba. Chỉ tiếc là anh chưa thể gặp cháu được.
- Sao vậy chị? Tôi có thể bố trí thời gian...
Chan Hua ngẩng nhìn bác sĩ Nga bằng ánh mắt thật sự mong mỏi, không phải chuyện ngoại giao, đãi bôi.
- Cháu Phan Trung Thành đang du học ở Pháp. Tôi đặt tên con vậy vì ba tôi nói Pin dịch sang tiếng Việt có thể là Phan. Cháu học ngành y. Tôi cho cháu đi du học sáu năm rồi. Năm nay tốt nghiệp thạc sĩ đây, nhưng anh chàng đang xin mẹ cho ở lại học tiến sĩ.
- Vậy thì tốt quá rồi... Chị ơi, tôi với chị tuy lần đầu gặp nhau nhưng tình cảm đã gắn bó từ trong máu thịt lâu rồi. Đó là Cánh Đồng Chum quê hương tôi, nơi chị đã cống hiến tuổi thanh xuân, đó là anh Pin Ta Tha Na, người anh, người thủ trưởng của tôi, chị đã dành cả đời mình để yêu và chờ đợi. Tôi thật sự xúc động mong muốn được giữ liên lạc với chị.
- Có quan hệ với một vị đại tá như anh thì vinh dự cho tôi quá rồi còn gì - Bà Nga cười.
- Chị đừng nói thế. Chị biết không, chính anh Pin Ta Tha Na thay mặt đơn vị đứng chủ hôn trong đám cưới của tôi với người vợ đã hy sinh đó.
Bác sĩ Hồ Thúy Nga cười tươi. Bà đứng dậy tới bàn làm việc của mình lấy tấm danh thiếp và tấm hình cậu con trai lồng trong khung kính mang lại đưa cho Chan Hua xem:
- Đây là địa chỉ số điện thoại của tôi. Còn đây là ảnh con trai tôi với anh Pin Ta Tha Na đó.
- Chị có thể cho tôi một tấm hình của cháu được không? Tôi muốn mang hình cháu tới mộ anh, báo cáo với anh để anh mừng.
- Tôi sẽ kiếm cho anh tấm khác, tấm chụp cả hai mẹ con.
- Vậy thì tốt quá!
Bác sĩ Nga đứng dậy mở tủ lấy quyển album.
- Chị Nga này, tôi muốn dịp nào đó thuận tiện mời chị và cháu trở lại thăm Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Hai cha con đại tá ngồi ô tô trở về khách sạn. Xe chạy trên đường vào giờ tan tầm đông nghẹt. Chan Hua có vẻ còn xúc động trước câu chuyện của bác sĩ Nga, ông im lặng trầm tư nhìn phía trước. Chan Da thấy cha tâm trạng nặng nề, liếc mắt nhìn, khẽ hỏi:
- Đó có phải bà Nga đã cứu ba không mà hai người chuyện trò lâu dữ vậy? Con ngồi uống hết hai ly cà phê, một ấm trà.
- Không phải, nhưng có thể coi là người quen cũ. Sao con không vào? Nếu con vào sẽ được nghe một câu chuyện xúc động, sẽ hiểu thêm về thế hệ cha anh đã sống thế nào?
Chan Hua rút tấm hình trong túi đưa cho con xem. Chan Da vừa lái xe vừa xem hình:
- Ai vậy ba?
- Vợ con bác Pin Ta Tha Na ở bản Na Kon.
- Họ là người Lào hở ba? Sao họ sang đây?
- Bà Nga là người Việt, con trai mang hai dòng máu Việt - Lào.
Chan Da đặt tấm hình hai mẹ con bà Nga trước mặt ngắm nghía:
- Có phải bác Pin Ta Tha Na là liệt sĩ đã được truy tặng danh hiệu anh hùng, có tên trong sử vàng quân đội?
- Đúng đó. Cả nhà bác Pin Ta Tha Na hy sinh hết trong chiến tranh, tưởng đã tuyệt tự. May thay người phụ nữ Việt này đã giữ cho dòng dõi họ Pin còn tồn tại. Ba thực sự xúc động về điều đó.
- Ba có gặp anh ấy không? Tên anh ấy là gì?
- Tên Việt là Phan Trung Thành, du học ngành y ở Pháp sáu năm rồi.