Đức Khổng Tử có một người học trò tên là Tăng Sâm nổi tiếng là người có khí phách và rất được mọi người tôn kính. Bởi vì ông là người rất hiếu thuận với cha mẹ.
Có một lần, Tăng Sâm đang làm việc dưới ruộng, trong lúc vô ý đã làm đứt rễ của cây dưa, đúng lúc đó thì cha của ông nhìn thấy. Cha của Tăng Sâm là một người rất nóng tính, một khi nổi giận thì thường cầm gậy đánh ông, vừa đánh vừa mắng:
- Rễ của cây dưa này đã bị con làm đứt, sau này không thể tiếp tục lớn lên. Đánh chết con, để xem con sau này có cẩn thận hay không?
Từng nhát roi rơi xuống đau đớn đến mức Tăng Sâm không thể chịu đựng được tưởng như sắp ngất đi, thế nhưng Tăng Sâm lại giả vờ tỏ ra không đau đớn chút nào, trong lòng thầm nghĩ:
- Mình làm sai, vốn phải chịu phạt. Nếu như mình không cố chịu đựng thêm một chút, cha thấy mình ngất thì sẽ rất đau đớn và nghĩ rằng mình bị cha đánh quá nặng. Mình phải cố gắng chịu đựng thêm một chút nữa để cha khỏi buồn lòng.
Khi cha của Tăng Sâm nhìn thấy con mình vẫn tươi tỉnh thì cũng bớt bực tức, nghĩ thầm trong lòng:
- Cũng may lúc nãy mình không quá mạnh tay, nếu không thì đã đánh trọng thương con trai rồi, nếu thế mình sẽ rất buồn, rất đau lòng.
Khổng Tử nghe kể xong thì không hề ca ngợi sự nhẫn nại và lòng hiếu thảo của Tăng Sâm mà ông nói:
- Làm con thì phải có trí tuệ, khi cha cầm gậy nhỏ đánh mình, đánh nhẹ là vì cha muốn nhắc nhở, dạy dỗ những lỗi lầm của mình, người con cần phải chấp nhận hình phạt này. Nhưng nếu như khi cha cầm gậy nặng 100 cân để đánh thì không nên chịu đựng nữa.
Các học trò sau khi nghe xong câu nói này của Khổng Tử đều thấy lạ mà hỏi rằng:
- Vì sao lại như vậy ạ?
Khổng Tử đáp:
- Có hai lý do: Các trò thử nghĩ mà xem, trong thiên hạ làm gì có người cha nào không thương yêu con cái của mình?
Nếu như cha nóng giận phạt con thì đó chỉ là nóng giận nhất thời và cha cũng không cố ý muốn đánh con mình bị thương. Nếu con cái bị thương thì họ sẽ rất đau buồn. Lý do thứ hai là con cái cũng nên nghĩ đến thanh danh của cha mẹ. Nếu người con bị cha đánh cho thương nặng hoặc đánh chết trong cơn nóng giận thì người cha sẽ bị những người xung quanh trách móc.
Vì thế Khổng Tử cho rằng việc làm này của Tăng Sâm chưa phải là lòng hiếu thảo đúng đắn.
Về sau, lời dạy của Khổng Tử truyền đến tai của Tăng Sâm, Tăng Sâm biết rằng cách làm của mình như vậy là chưa đúng, liền đến trước mặt Khổng Tử mà thưa rằng:
- Thưa thầy, từ nay về sau con xin lấy những lời dạy của thầy để làm nguyên tắc sống, như vậy con mới không tiếp tục phạm sai lầm nữa.
Tăng Sâm không những cảm thông với hình phạt của cha mà đối với những lời dạy của thầy, ông cũng ghi lòng tạc dạ. Về sau ông quả nhiên hiểu được mình nên làm gì, nên như thế nào mới là sự hiếu thảo đúng đắn. Vì thế lúc bấy giờ ông được rất nhiều người ca ngợi.
Trên thực tế, khi các bạn nhỏ bất cẩn làm sai gì đó, khi bị cha mẹ trách phạt thì chúng ta nên vui vẻ chấp nhận. Nhưng làm thế nào mới phù hợp với lời dạy của Khổng Tử? Đó là ta phải có trí tuệ khi nhận trách phạt từ cha mẹ. Đây là lý do các bạn nhỏ phải vâng theo lời dạy mà thầy cô giáo dạy cho chúng ta ở trường học. Mỗi một bạn nhỏ đều cần phải hiểu: “Đánh con đau lòng mẹ”, ý nghĩa câu trên cũng giống như lý do thứ nhất trong lời dạy của Khổng Tử.
Cho nên, để cha mẹ không đau lòng, buồn rầu thì chúng ta hãy làm một đứa con biết nghe lời, ít phạm sai lầm, không để cho cha mẹ phải nhọc lòng trách phạt chúng ta.