L
à một đại biểu Quốc hội từ Houston, nơi đặt trụ sở Trung tâm Vũ trụ Johnson, George Bush dành mối quan tâm đặc biệt tới các chương trình nghiên cứu không gian. Khi Apollo 8 trở thành con tàu vũ trụ đầu tiên bay quanh mặt trăng vào tháng 12 năm 1968, cha tôi muốn tôn vinh người chỉ huy nhiệm vụ này, đó là một người bạn của ông, Frank Borman. Một số nghị sĩ có thể ban hành thông cáo báo chí, gửi công văn hoặc thư khen. Nhưng đó không phải là phong cách của George Bush. Để chúc mừng thành tựu của Frank Borman, ông đã tổ chức một bữa tối để vinh danh ông ấy tại câu lạc bộ Alibi Club ở Washington, DC. Danh sách khách mời theo phong cách cổ điển của George Bush: một số thành viên của Quốc hội, một số bạn hữu ở Washington, và một số người bạn thân tới từ Houston, như C. Fred và Marion Chambers. Cha đã hào phóng cộng thêm tên tôi vào danh sách đó.
“Con thấy việc bay tới Washington dự bữa tối với một phi hành gia thế nào?”, ông đã gọi điện hỏi tôi.
Lúc đó tôi đang luyện tập tại Căn cứ Lực lượng Hàng không Moody ở Valdosta, bang Georgia, nơi huấn luyện phi công cho Lực lượng Phòng hộ bầu trời Texas. “Ý tưởng thú vị, thưa cha”, tôi nói.
Sau đó ông tiết lộ động cơ sâu xa khiến ông mời tôi. “Cha cũng mời Tricia Nixon. Cha nghĩ con sẽ vui khi đi cùng cô ấy đến buổi tiệc.”
Tôi không nói nên lời. “Con sẽ trả lời cha về chuyện đó sau”, tôi nói.
Tôi đã không chắc chắn lắm về cảm giác của mình khi nghĩ tới chuyến bay đến Washington và hẹn hò với con gái lớn của tổng thống. Tôi kể cho một vài người bạn học nghe về dự định này nhưng họ không tin tôi. Tôi phải đánh cược 50 đô la thì họ mới thôi không trêu chọc tôi nữa. Tôi gọi cho cha.
“Con sẽ tới buổi tiệc, thưa cha”, tôi nói.
Vào buổi tối diễn ra bữa tiệc, tôi đi tới cổng Nhà Trắng bằng chiếc ô tô Gremlin màu tím của cha mẹ tôi, đó là nơi được trang trí hợp với vải bò của hãng Levi’s dùng để bọc ghế ngồi. Người dẫn lối trong Nhà Trắng gặp tôi tại cửa tiếp tân ngoại giao và đưa tôi lên lầu. Tôi hỏi người chỉ lối xem tổng thống có nhà không. Người chỉ lối nói Tổng thống và Phu nhân Nixon đang đi du lịch.
Tôi lúng túng ngồi trên ghế nhìn ra vườn hồng và chờ đến cuộc hẹn. Cuối cùng Tricia xuất hiện, tôi giới thiệu về bản thân mình. Chúng tôi bước xuống cầu thang và lên một chiếc Lincoln Town màu trắng. Khi chúng tôi ngồi vào xe, một nhân viên mật vụ ngồi ở phía trước xoay đầu lại và nói, “Chúc một buổi tối tốt lành, thưa cô Nixon”.
Chúng tôi tới câu lạc bộ Alibi, nơi chúng tôi được xếp chỗ ngồi quanh một chiếc bàn gỗ sồi. Là một phi công nhưng đang đóng vai hoàng tử bạch mã, tôi phải bắt đầu uống rượu. Trong bữa tối, tôi với tay lấy một ít bơ, làm đổ một ly rượu, và hoảng sợ nhìn vết rượu vang đỏ chảy ròng trên bàn. Sau đó tôi châm một điếu thuốc lá, và Tricia lịch sự đề nghị tôi không hút. Buổi hò hẹn kết thúc khi cô ấy yêu cầu tôi đưa về Nhà Trắng ngay sau khi vừa dùng bữa xong. Khi tôi quay trở lại buổi tiệc, cha tôi đang trò chuyện với một vài người bạn.
“Thế nào con trai?”, ông hỏi.
Trước khi tôi kịp trả lời, một trong những người bạn của cha đến sát và thì thầm, “Có làm ăn được gì không?”.
Tôi mỉm cười. “Thậm chí còn không đến gần nhau.”
Hơn bốn mươi năm sau, khi tôi ngồi trên xe đi qua cổng Nhà Trắng với tư cách tổng thống, tôi nhớ lại chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên và cười thầm sảng khoái.
Tôi gặp Richard Nixon lần đầu tiên khi cha đưa tôi tới dự một buổi lễ cầu nguyện theo nghi thức nhà thờ do tổng thống tổ chức tại phòng Đông Nhà Trắng. Tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp của căn phòng - trần nhà cao, đèn chùm tao nhã, và chân dung George Washington được Gilbert Stuart vẽ bằng kích thước thật được Dolley Madison cứu ra trước khi quân đội Anh đốt Nhà Trắng vào năm 1814. Ý tưởng tổ chức một lễ cầu nguyện trong Nhà Trắng theo tôi là không bình thường. Tôi cũng nghĩ về tổng thống như vậy. Khi bắt tay, tôi thấy ông ấy có vẻ cứng nhắc và lạnh lùng. Tôi đã bỏ phiếu bầu cho Richard Nixon, nhưng tôi không cảm thấy sự ấm áp từ ông ấy.
Một phần của vấn đề là phong cách lãnh đạo của Nixon dường như không phù hợp với thời đại. Trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, người Mỹ phải vật lộn với nhiều cuộc bạo loạn sắc tộc ở những thành phố lớn, các vụ ám sát Martin Luther King, Jr., và Bobby Kennedy, cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và mọi nền văn hóa thay đổi, trong đó sử dụng ma túy trở nên phổ biến và phụ nữ đòi hỏi vị trí xứng đáng trong xã hội. Một đất nước mong đợi các nhà lãnh đạo thể hiện cảm xúc của đất nước, và các quốc gia bất ổn cần có một tổng thống đảm bảo cho sự lạc quan, đoàn kết và bình tĩnh. Nhưng ngược lại, Richard Nixon chỉ mang tới bóng tối lẫn chia rẽ. Nhà Trắng dưới thời của ông ấy, được quản lý bởi các trợ lý cấp cao H.R. Haldeman và John Ehrlichman, có vẻ lạnh lùng và kỳ dị. Và đó là trước khi vụ đặt băng ghi âm nghe lén đối thủ bị vỡ lở.
Mặt khác, tôi luôn đánh giá cao Tổng thống Nixon vì những cơ hội ông ấy đã mang đến cho cha tôi. Tháng 12 năm 1970, cha tôi làm việc trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ ở Hạ viện. Ông đã từ chức ở Hạ viện để chạy đua vào chiếc ghế trong Thượng viện nhưng thất bại, và đã chẳng biết phải làm gì. Với hai lần thua trong cuộc đua tranh vào Thượng viện sáu năm qua, tương lai chính trị của ông không mấy sáng sủa. Nhưng Tổng thống Nixon - sự nghiệp chính trị của ông bị coi là đã chấm dứt sau khi không giành được chức Thống đốc bang California năm 1962 và khi tuyên bố, “Nixon sẽ không còn ở đây cho các người ném đá nữa” - tìm thấy một nơi cho George Bush.
Khoảng một tháng sau cuộc bầu cử năm 1970, cha tôi gặp tổng thống tại Nhà Trắng. Mẹ gọi cho tôi và cho biết cha tôi đã được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi nhớ cha từng nói trong nhiều bài diễn văn hùng hồn rằng Liên Hợp Quốc là một cơ quan hoạt động kém hiệu quả và không có ảnh hưởng gì tới chính sách ngoại giao của Mỹ. Lúc đó, đám đông người Texas đã hò reo tán thưởng bài diễn văn đó của cha. Tôi tự hỏi không biết họ sẽ nói gì khi họ nghe nói Đại sứ Liên Hợp Quốc là Bush.
Nhìn lại, tôi nhận ra lý do tại sao vị trí của Liên Hợp Quốc lại hấp dẫn cha tôi. Các chuyến công cán của ông ở nước ngoài cũng như kinh nghiệm đàm phán các hợp đồng giàn khoan ngoài khơi với các công ty và chính phủ nước ngoài đã khơi gợi trong ông mối quan tâm tới các vấn đề quốc tế. Vị trí mới cho ông cơ hội thoát khỏi chính quyền Washington và một đường lui sau thất bại. Hơn nữa, công việc đi kèm với một vị trí trong nội các, cho phép cha tham gia trực tiếp vào các hoạt động sắp tới của Nhà Trắng.
Nhiệm vụ đầu tiên của cha tôi là phải được đảm bảo sẽ nhận vị trí đó. Những đại sứ tiền nhiệm tại Liên Hợp Quốc bao gồm nhiều cái tên nặng ký như Adlai Stevenson, cựu Thống đốc bang Illinois đã hai lần được Đảng Dân chủ đề cử làm tổng thống, và Arthur Goldberg, người từ bỏ vị trí tại Tòa án Tối cao, một vị trí ông được làm trọn đời, để đảm nhận công việc đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Bài xã luận của tờ New York Times viết “không có gì trong hồ sơ [của George Bush] cho thấy ông ấy phù hợp với vị trí quan trọng này”. Rất may, hầu hết các thượng nghị sĩ đều không đồng ý với quan điểm này và sẵn sàng bỏ qua quan điểm mà cha tôi hoài nghi về Liên Hợp Quốc trong chiến dịch tranh cử 1964. Thượng viện nhanh chóng khẳng định sẽ giao vị trí này cho cha và ông đã tuyên thệ nhậm chức đại sứ vào tháng 2 năm 1971. Một lần nữa, cha mẹ tôi phải chuyển nhà. Lần này họ không phải tự tìm một nơi ở. Một trong những lợi ích của công việc ở Liên Hợp Quốc là được cấp nhà: một căn hộ trên tầng thượng, tầng 42 của khách sạn Waldorf Astoria.
Những năm qua, George Bush đã trở thành một chuyên gia trong việc đảm nhận các công việc mới. Ngay sau khi được bổ nhiệm vào vị trí tại Liên Hợp Quốc, ông đã tìm tới nhiều người để học hỏi kinh nghiệm, bao gồm cả cựu Tổng thống Lyndon John. Khi thực hiện chuyến công cán đầu tiên trong vai trò đại diện cho nước Mỹ tới trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, ông ăn trưa với những nhà quản lý hành chính hàng đầu. Ông đi công du tới các cơ quan Liên Hợp Quốc tại châu Âu và nghe báo cáo chi tiết về hoạt động của từng cơ quan. Dù ngưỡng mộ các công việc của nhiều nhà ngoại giao Mỹ, ông phải thừa nhận rằng Liên Hợp Quốc hoạt động không hiệu quả và mô hình cơ cấu quản lý của tổ chức này không làm được nhiều việc. Ba mươi năm sau, khi tôi trở thành tổng thống, tình hình cũng chưa có nhiều thay đổi. Tôi ngày càng thất vọng với sự bất lực của Liên Hợp Quốc vì họ hiếm khi đạt được kết quả rõ rệt, đồng thời thường đưa ra những tín hiệu không dứt khoát, ví dụ như cho Cuba và Libya ghế trong Hội đồng Nhân quyền hoặc thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc diệt chủng ở Rwanda và Darfur. Tuy nhiên, tôi thấy rằng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, cần có sự phê chuẩn của Liên Hợp Quốc để thuyết phục Nghị viện của họ tài trợ các hoạt động ở Afghanistan lẫn Iraq.
Là đại sứ của Liên Hợp Quốc, cha dành sức lực của mình để xây dựng niềm tin với đại sứ khác. Ông liên tục nói chuyện khi được mời tới các bữa tiệc tối hay tiệc cocktail. Ông cũng tạo ra các cơ hội khác để làm quen với người đồng nhiệm của mình. Cha và mẹ đã mời các đại sứ cùng gia đình họ đi xem kịch ở sân khấu Broadway, nghe hòa nhạc John Denven tại Đại sảnh Carnegie, và những trận đấu bóng chày tại sân vận động Shea. Ông đã mời đại sứ Ý và Pháp cùng gia đình họ đến nghỉ tại Walker’s Point, nhờ bà nội tôi tổ chức một bữa tiệc trưa dành cho đoàn Trung Quốc tại Greenwich, hộ tống nhóm các đại sứ tới cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ của NASA ở Houston, và tổ chức một buổi chiếu phim riêng cho bộ phim Bố Già. Ông nhận ra rằng chìa khóa dẫn đến thành công trong ngoại giao là phát triển các mối quan hệ cá nhân - phương pháp này được gọi là “ngoại giao cá nhân”. Thương hiệu ngoại giao cha tôi xây dựng được trong thời gian ông làm việc tại Liên Hợp Quốc đã trở thành một dấu ấn trong chính sách đối ngoại của ông những năm tới, đặc biệt trong nhiệm kỳ tổng thống.
Một trong những địa điểm giải trí ưa thích của cha mẹ tôi là căn hộ tráng lệ tại khách sạn Waldorf. Căn hộ chín phòng này từng thuộc về Douglas MacArthur, và nó được thiết kế theo gu thẩm mỹ xa hoa của ông ấy. Lần đầu tiên tới thăm cha mẹ tại Waldorf, tôi thấy cha trong căn phòng khách dài mười lăm mét với sàn gỗ thanh lịch.
“Thế này đã đủ rộng chưa, thưa cha?”, tôi hỏi.
“Đủ rồi”, ông trả lời khi vẫn ngây ngất giữa căn phòng rộng.
Cha mẹ có cuộc sống hạnh phúc tại Waldorf, và tôi có thêm một em gái Doro. Tôi đã nói với John Negroponte khi bổ nhiệm anh ta làm đại sứ Liên Hợp Quốc nhiều năm sau, “Tôi không nghĩ rằng anh sẽ gặp khó khăn khi thích nghi với nơi ở mới”.
Vấn đề về chính sách gây ra tranh cãi nhất đối với Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ của cha là câu hỏi về việc phái đoàn nào đại diện cho Trung Quốc. Quốc gia này nắm vị trí mà nhiều người thèm muốn trong Hội đồng Bảo an nhưng có hai phe tranh giành - Phe Quốc Dân Đảng, trụ sở tại Đài Loan và phe Chủ nghĩa Cộng sản Mao Trạch Đông từ Trung Hoa lục địa. Mỹ luôn ủng hộ Quốc Dân Đảng làm đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản đang có nhiều quyền lực, họ tuyên bố rằng mình chính là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và muốn đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hợp Quốc.
Mùa thu năm 1971, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu quyết định phe nào sẽ đại diện cho Trung Quốc. Chính quyền Nixon ủng hộ quy chế “đại diện kép”, có nghĩa là cả Trung Quốc và Đài Loan đều có ghế. Cha tôi khai thác các mối quan hệ cá nhân mà ông đã dày công phát triển, đã tiếp xúc với gần một trăm đại biểu của Liên Hợp Quốc, giải thích mối quan ngại của ông về sự ngạo mạn của phe Cộng sản và thúc giục họ không quay lưng lại với Đài Loan. Tuy nhiên quan điểm của cha bị lung lay khi Tổng thống Nixon cử Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tới Bắc Kinh để thiết lập một chuyến thăm lịch sử tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến đi của Kissinger làm suy yếu những nỗ lực của cha tôi bằng cách chấp thuận những yêu sách của Mao Trạch Đông khi ông ta tuyên bố là lãnh đạo chính thức của Trung Quốc.
Cha tôi đã làm hết sức mình, nhưng chiến lược đại diện kép đã thất bại và Đài Loan mất ghế tại Liên Hợp Quốc vì thiếu một vài phiếu, 59 phiếu phản đối - 55 phiếu ủng hộ. Một số đoàn đại biểu cam kết hỗ trợ Đài Loan hoặc đã thay đổi quan điểm hoặc bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu. Trong một động thái thể hiện sự cảm thông, đại sứ Bush đã rời chỗ ngồi của mình trong phòng họp của Đại hội đồng và tháp tùng vị đại sứ Đài Loan bị thất sủng, Lưu Khải, ra khỏi Liên Hợp Quốc. Họ đã bị la ó và chế giễu trên các lối đi giữa các hàng ghế trong phòng họp. Mẹ đến cùng cha để xem cuộc bỏ phiếu lịch sử và đã bị một số đại biểu nhổ nước bọt vào người. Liên Hợp Quốc, đáng lẽ phải tạo ra một điễn đàn lý tưởng để theo đuổi hòa bình, lại trở thành nơi nuôi dưỡng lòng thù hận nước Mỹ.
Vào tháng 9 năm 1972, một nhóm khủng bố Palestine được biết đến với tên gọi Tháng 9 Đen đã bắt cóc và giết hại mười một vận động viên Israel tại Thế vận hội mùa hè ở Munich. Israel đáp trả bằng cách tung ra các cuộc tấn công chống lại Syria và Liban. Số đông thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ nghị quyết lên án các phản ứng quân sự của Israel nhưng im lặng trước cuộc tấn công khủng bố các vận động viên. Vì Mỹ giữ một trong năm chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, Mỹ có quyền phủ quyết bất cứ quyết định nào của Hội đồng. Chính quyền Mỹ đã chọn sử dụng quyền phủ quyết, đây mới chỉ là lần thứ hai Mỹ phủ quyết ở Liên Hợp Quốc, để ngăn quyết định chống Israel. Trong vài thập kỷ tiếp theo, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc liên tục sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ đồng minh Israel khỏi những kết án bất công.
Ở bất cứ vị trí nào trong chính phủ, George Bush cũng coi trọng công việc. Nhưng ông không bao giờ quá coi trọng bản thân mình. Trong thời gian ông làm đại sứ, tạp chí New York cho đăng một bài viết của cây bút chuyên mục thể thao Dick Schaap với tiêu đề: “Mười người ở New York được xếp hạng cao hơn giá trị thật”. Cha có tên trong danh sách cùng những ngôi sao sáng khác của đất nước và những ngôi sao mới của thành phố, như Thượng nghị sĩ New York, Jacob Javits, Đức Hồng y, Terence Cooke, và chủ sở hữu tờ New York Times, Arthur Sulzberger. Một số người trong danh sách cảm thấy lòng tự trọng bị xúc phạm. Nhưng cha không cảm thấy như vậy. Ông quyết định tổ chức một bữa tiệc dành cho tất cả mọi người có tên trong bản danh sách. Ông viết trong thư mời, “Tôi muốn có cơ hội đánh giá các quý ngài để xem tại sao các ngài lại được đánh giá cao hơn giá trị thực”. Tất cả trong số họ (cộng với Dick Schaap) đều đến dự buổi tiệc tối vui vẻ tại Waldorf.
Công việc ở New York đã cho cha một cơ hội về thăm ông bà nội tôi thường xuyên hơn. Tháng 9 năm 1972, ông tôi, Prescott, đi khám bệnh sau một trận ho dai dẳng. Sau vài xét nghiệm, ông phải vào điều trị tại Memorial Sloan Kettering, bệnh viện nơi Robin đã qua đời năm 1953. Thật không may, kết quả chẩn đoán không mấy khả quan. Ông bị ung thư phổi tiến triển nặng. Ông đã qua đời một tháng sau đó ở tuổi bảy mươi bảy.
Bà tôi muốn đám tang giống như một lễ tưởng nhớ tới cuộc sống của Prescott Bush. Bà đã viết tất cả những lời điếu văn và mời ca đoàn nhà thờ tới hát khúc thánh ca ưa thích của Gampy (tên thân mật bà tôi gọi ông tôi). Bà cắt cử em trai tôi, các anh em họ của tôi, và tôi làm những người hộ tang túc trực bên quan tài. Sau buổi lễ, cha, các em trai và em gái của cha tôi đứng trên bậc thềm nhà thờ, bắt tay và cảm ơn tất cả các vị khách đã tới bày tỏ sự kính trọng của họ. Thật khó khăn cho cha để nói lời tạm biệt với người đàn ông đã từng là người cố vấn và tấm gương cho cha noi theo. Ông sẽ mang theo những bài học của Prescott Bush trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời mình.
Không lâu sau, tình hình cho thấy sự ra đi của Prescott Bush lại là điều may mắn cho bản thân ông. Ông vốn là người luôn luôn xem trọng tính liêm trực trong chính phủ, đã không phải chứng kiến những gì xảy ra tại quốc gia này trong hai năm tiếp theo.
Là đại sứ tại Liên Hợp Quốc, cha tôi không có vai trò gì trong chiến dịch tranh cử năm 1972, khi Tổng thống Nixon tái trúng cử trước ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ George McGovern. Chiến dịch thậm chí kết thúc trước cả khi nó bắt đầu vì người được McGovern chọn là ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống, Thượng nghị sĩ Tom Eagleton, đã phải dùng tới các liệu pháp sốc điện để chữa chứng bệnh tâm thần. Nixon đã có một chiến thắng vang dội, nhưng lần này không có nhiều người cùng đảng với ông ta trúng cử. Trong khi tổng thống thắng cử ở mọi tiểu bang trừ Massachusetts (ông cũng thua ở D.C), Đảng Cộng hòa mất hai ghế trong Thượng viện và chỉ còn mười hai ghế trong Hạ viện.
Một vài tuần sau cuộc bầu cử, tổng thống yêu cầu cha tôi đến gặp ông ấy tại Trại David, nơi nghỉ ngơi của ông ấy ở dãy núi Catoctin Maryland, được đặt theo tên cháu trai của Tổng thống Eisenhower, cũng là con rể Tổng thống Nixon (anh ta kết hôn với cô con gái thứ của Tổng thống Nixon, Julie). Tổng thống đã nói với cha tôi rằng ông ấy muốn cha rời khỏi Liên Hợp Quốc và thay thế Thượng nghị sĩ Bob Dole của Kansas trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa. Từ góc nhìn của Nixon, sự lựa chọn đó mang rất nhiều ý nghĩa. Cha đã có kinh nghiệm quản lý một tổ chức đảng ở Texas, và ông là một gương mặt mới đầy năng lượng lẫn uy tín để thúc đẩy chương trình nghị sự của Nixon và củng cố sức mạnh Đảng Cộng hòa. Từ góc nhìn của cha, sự nghiệp cần tiến thêm một bước tiến mới. Ông lo ngại rằng một số người có thể nghĩ ông không thành công trong vai trò một nhà ngoại giao. Ông cũng đã ở bộ máy cầm quyền của Nixon tại Nhà Trắng đủ để biết rằng ông không thích những thủ đoạn của họ. Ông không quan tâm tới mưu kế bôi xấu người thuộc phe cánh khác.
Tuy nhiên, nếu việc lãnh đạo Đảng Cộng hòa là cách ông có thể phục vụ tốt nhất cho đất nước, ông cảm thấy có nghĩa vụ phải nhận lời. Một vài ngày sau, Bob Dole đến gặp cha tôi ở New York. Ông ấy hỏi cha có muốn làm người kế nhiệm ông ấy ở Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa hay không. Cha cảm thấy Dole thật đáng thương; không có ai nói với Dole rằng ông ấy đã bị thay thế. Cha tôi nhẹ nhàng thông báo những tin tức cho Thượng nghị sĩ. Tình thế này cho thấy Nhà Trắng hoặc luôn quanh co giấu giếm hoặc không làm đúng chức năng của nó.
Đầu năm 1973, cha mẹ tôi rời khỏi căn hộ 42A tại tòa tháp Waldorf để quay lại thủ đô. Cha nhận ra rằng công việc theo thời gian biểu ổn định. Ông nghĩ rằng mình sẽ dành phần lớn thời gian để kêu gọi gây quỹ, tuyển dụng ứng cử viên, và gặp gỡ với các quan chức đảng, trong số đó có nhiều người ông quen biết. Ông đã không mong đợi rằng mười chín tháng sau đó, ông sẽ ngồi trong phòng Đông Nhà Trắng, nghe Richard Nixon trở thành tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức.
Vào mùa hè năm 1972, năm người đàn ông đã bị bắt vì đột nhập vào trụ sở của Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ tại khu căn hộ phức hợp Watergate tại Washington, DC. Những tên trộm có mối liên hệ với Ủy ban Tái đắc cử của tổng thống, được gọi là Ủy ban CREEP. Nhà Trắng từ chối bất cứ sự liên quan nào đến những tên trộm, và những lời cáo buộc đã ít tác động tới cuộc bầu cử năm 1972. Đến đầu năm 1973, không lâu sau khi cha tôi giành ghế Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa, đã có dấu hiệu cho thấy một số người thân cận với Tổng thống Nixon đã tham gia vào sự việc đó.
Tổng thống Nixon cam đoan với đất nước rằng ông không biết gì về vụ Watergate. Trong hơn một năm, cha đã bảo vệ tổng thống. George Bush, người luôn luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp của con người, tin tưởng tổng thống khi ông ấy đưa ra lời hứa. Khi ngày càng có nhiều thông tin chi tiết về vụ Watergate bị rò rỉ, cha ngày càng quan tâm tới vụ này. Thượng viện đã mở một cuộc điều tra. Phụ tá cao cấp Nhà Trắng đã từ chức. Một công tố viên đặc biệt được chỉ định cho vụ việc này. Sau đó, bí mật bị phanh phui là tổng thống đã bí mật ghi âm các cuộc nói chuyện trong Phòng Bầu dục. Ông đã từ chối nộp lại các băng ghi âm khi công tố viên yêu cầu. Tổng chưởng lý và phó chưởng lý đều từ chối thi hành lệnh của Nixon khi ông đòi sa thải công tố viên đặc biệt, Tổng thống đã đích thân làm điều này và chấp nhận đơn từ chức của tổng chưởng lý và phó chưởng lý - một động thái được gọi là cuộc thảm sát đêm thứ bảy. Cuối cùng, Nhà Trắng đưa ra một số lượng hạn chế các ghi chép từ băng ghi âm của các cuộc đàm thoại tại Phòng Bầu dục. Nhưng có lỗ hổng lớn, trong đó có mười tám phút rưỡi đã “vô tình bị xóa”.
Tôi đang ở Cambridge, bang Massachusetts khi vụ bê bối này bại lộ, đây là nơi tôi học trường Kinh doanh Harvard. Không khí trong trường là chống Đảng Cộng hòa, đặc biệt là Richard Nixon. Tôi thu mình lại, chúi đầu vào học tập, và nói chung không thảo luận về chính trị. Một ngoại lệ đến khi tôi tới thăm em gái duy nhất của cha, dì Nancy tràn đầy năng lượng và tinh thần phóng khoáng, ở Lincoln, Massachusetts. Chúng tôi chơi trên sân golf chín lỗ mà bà yêu thích và cùng ái ngại về đầm lầy thối rữa mà George Bush đã lội vào.
Càng biết nhiều về Watergate, tôi càng trở nên phẫn nộ. Tôi đã bị sốc về việc tổng thống có mối quan hệ với những kẻ có hành động coi thường pháp luật. Và tôi đã tức giận về tình huống tiến thoái lưỡng nan họ đã gây ra cho cha tôi. Một mặt, cha đã cố gắng để bảo vệ vị tổng thống trước người ông cảm thấy có bổn phận phải trung thành. Mặt khác, ông phải bảo vệ đảng của mình khỏi cơn sóng chỉ trích từ phía Đảng Dân chủ để tìm chỗ neo đậu cho mỗi đảng viên Đảng Cộng hòa để họ không chết chìm theo con tàu đắm là chính quyền Nhà Trắng Nixon.
Vào cuối tháng 7 năm 1974, vụ bê bối Watergate lên đến cao trào, cha đã viết một lá thư dài cho các em trai tôi và tôi. Vào thời điểm đó, ông không chia sẻ suy nghĩ của mình về những khó khăn mà ông đang phải trải qua. Luôn luôn là một người lạc quan, ông mở đầu bức thư với suy nghĩ về tất cả những điều ông biết ơn, bao gồm gia đình thân yêu của chúng tôi và những thời cơ để phục vụ đất nước ông yêu mến. Ông ca ngợi những điểm tích cực của Tổng thống Nixon. Sau đó ông viết về sai sót của Nixon: sự thiếu tự tin, kém cỏi trong suy xét, sự thiếu tôn trọng của ông ấy đối với Quốc hội, trên tất cả là sự khắc nghiệt và phi luân trong những điều ông nói về bạn bè thân thuộc của mình trong băng ghi âm ở Nhà Trắng.
Một trong những người bạn đó là George Bush. Nixon đã gọi cha là người chỉ biết lo nghĩ những điều tủn mủn và phàn nàn rằng cha đã không điều khiển Ủy ban quốc gia của Đảng Cộng hòa đủ mạnh để bảo vệ ông ta. Cha cảm thấy bị tổn thương vì tổng thống nhận xét cha kém cỏi. Sau nhiều tháng nhức nhối, ông đã nói với Richard Nixon. “Nỗi đau vẫn còn nhưng nó không rỉ máu nữa”, ông viết điều đó trong bức thư của mình cho chúng tôi. Ông kết thúc bức thư bằng những bài học ông hy vọng chúng tôi sẽ học được từ những thất bại vụ Watergate:
Lắng nghe lương tâm của con. Đừng sợ hãi phải tranh luận với đám đông - nếu trong thâm tâm con cảm thấy nó là sai. Đừng nhầm lẫn giữa “mềm dẻo” với việc nhìn nhận quan điểm của người khác... Đừng tự cho rằng mình luôn đúng, nhưng tình bạn đúng đắn nghĩa là con phải chia sẻ quan điểm, những đánh giá của con với bạn bè. Đừng lợi dụng người khác nói xấu bạn bè để mình có thêm quyền lực.
Vào lúc đó, cha không nhận ra những lời dặn dò của mình đã đề ra một tiêu chuẩn mà cả Jeb và tôi sẽ cố gắng làm theo khi chúng tôi điều hành các văn phòng nhiệm vụ công.
Giọt nước tràn ly đến vào ngày 5 tháng 8 năm 1974, Tòa án tối cao ra phán quyết Nhà Trắng sẽ phải chuyển tất cả các băng ghi âm tới cho Leon Jaworski, công tố viên đặc biệt đảm trách điều tra vụ Watergate mới và cũng là một người bạn của cha từ Houston. Băng ghi âm tiết lộ rằng Nixon đã nói chuyện với một phụ tá của ông ta về việc cản trở cuộc điều tra của FBI vào Watergate. Đó là bằng chứng cho thấy ông ta có lý do để phải che đậy và ông ta đã nói dối đất nước. Phát hiện này phá hủy hoàn toàn sự tin tưởng của cha tôi với Nixon.
Một ngày sau khi băng ghi âm có mùi thuốc súng bị phanh phui, Nixon đã tổ chức một cuộc họp với các thành viên nội các và cố vấn chính trị chủ chốt. Cha tôi cũng tham dự cuộc họp và chứng kiến một cảnh kỳ quái, tổng thống đã dành cả cuộc họp để nói về nền kinh tế và các vấn đề chính sách chứ không đương đầu với câu hỏi duy nhất của vấn đề cần bàn luận. Cuối ngày hôm đó, cha đã đưa cho Tham mưu trưởng của Nixon, Alexander Haig, một đánh giá thẳng thắn. Sau khi nói chuyện với một số bạn cũ của mình tại Quốc hội, ông đã học được rằng tổng thống sẽ không có phiếu ủng hộ để qua được quy trình điều tra của Quốc hội.
Mặc dù thất vọng sâu sắc, cha tôi đã từ chối lên án công khai Nixon. Trong khi có thể hưởng lợi trong ngắn hạn, cha tôi thấy không có lý do để “té nước theo mưa”, như ông nói vậy. Ông nói lên ý kiến của riêng mình trong một bức thư gửi cho tổng thống ngày 7 tháng 8. Như tôi được biết, cha là Chủ tịch đảng duy nhất trong lịch sử Mỹ phải viết một lá thư với nội dung “Tại thời điểm này, tôi chắc chắn rằng từ chức là điều tốt nhất cho đất nước và tốt nhất cho tổng thống”, ông viết. ”Tôi tin rằng quan điểm này thể hiện ý nguyện chung của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong cả nước.” Bằng sự thông cảm đặc trưng, cha viết tiếp, “Rất khó khăn cho tôi khi phải viết ra bức thư này nhưng tôi luôn biết ơn ngài. Nếu ngài từ chức lúc này, lịch sử sẽ lưu danh ngài và những thành tựu của ngài với một sự tôn trọng lâu dài”. Ngày hôm sau, Tổng thống Nixon thông báo từ chức.
Mẹ và cha an tâm bởi quyết định của tổng thống. Họ đến Nhà Trắng để tham dự lễ chia tay tổng thống. Cha tôi đã mô tả buổi lễ đó, Nhà Trắng bao trùm “không khí tang tóc như có ai đó vừa qua đời”. Trong phòng Đông, nơi tôi lần đầu tiên gặp Nixon tại lễ cầu nguyện vài năm trước đó, ông kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói, “Hãy luôn nhớ, những người khác có thể ghét anh, nhưng những người ghét anh không giành chiến thắng cho đến khi anh ghét họ, và vì thế anh tiêu diệt chính mình”.
Có thể tưởng tượng thời gian đó khó khăn như thế nào, nhưng được giữ chức Chủ tịch đảng trong thời gian nổ ra vụ tai tiếng Watergate đã được chứng minh là một kinh nghiệm có giá trị. Cha đã gặp hàng trăm nhà lãnh đạo các cấp và những nhà hoạt động xã hội ở cấp cơ sở của Đảng Cộng hòa - những người này đã trở thành mạng lưới rất quan trọng cho chiến dịch tranh cử sau này của ông. Mặc dù đã chứng kiến những người lãnh đạo ở vị trí danh dự có thể làm những điều đáng hổ thẹn, ông không cho phép trải nghiệm tồi tệ này phá hỏng quan điểm của mình về quá trình làm nhiệm vụ công.
Kinh nghiệm trong vụ Watergate xác nhận một bài học quan trọng: Một nhà lãnh đạo phải tập hợp xung quanh những người tốt và biết đề ra các tiêu chuẩn cao. Watergate cũng củng cố tầm quan trọng của mối quan hệ cá nhân. Nixon dường như có rất ít những người bạn thực sự. Ông ấy có vẻ hướng nội, bí ẩn và luôn hoài nghi. Cái giá của sự cô lập đó là không có ai để ngăn cản ông ấy làm những điều tồi tệ hoặc khuyên ông ấy thoát khỏi bản năng xấu xa nhất của mình. Ngược lại, cha tôi là người hướng ngoại, lạc quan, và luôn nhìn ra những điểm tốt nhất của người khác. Kết quả là, ông đã thành công trong việc duy trì tình bạn ở Washington trong suốt vụ Watergate - và ông tạo ra những mối quan hệ bằng hữu mới.
Một người có vẻ đối lập với cha tôi là Bob Strauss, người đồng cấp với cha tại Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ. Họ chia sẻ kinh nghiệm và những nụ cười. Họ tôn trọng lẫn nhau đến nỗi sau này cha đã bổ nhiệm Strauss làm đại sứ của Mỹ tại Liên Xô. Sự tương phản càng rõ ràng hơn. Richard Nixon có cả danh sách các kẻ thù chính trị, còn George Bush biết cách biến đối thủ chính trị thành bạn bè.
Thật không may, tàn tích của Watergate có ảnh hưởng đến mỗi tổng thống sau Richard Nixon. Một thế hệ các phóng viên cho rằng tờ báo Bưu điện Washington giành giải báo chí Pulitzer vì đã phơi bày vụ bê bối này, và nhiều phóng viên mơ ước nối gót Woodward hoặc Bernstein trở thành nhà báo điều tra. Những tập đoàn báo chí mạnh mẽ và biết phản biện là dấu hiệu tốt cho nền dân chủ. Thông thường, báo chí có bản năng đầu tiên là biến mỗi tin tức thành một câu chuyện giật gân. Tuy nhiên, từ sau vụ việc này, báo chí mang tới hình ảnh một chính phủ méo mó khiến người dân mất lòng tin. Đối với George Bush, cá tính và cách hành xử thông minh đã cho phép ông bước qua vụ Watergate và vẫn bảo toàn uy tín lẫn tính liêm trực - những điều quý giá này ngày càng trở nên ấn tượng theo thời gian.
Sau khi tiễn Richard Nixon lên máy bay trực thăng từ bãi cỏ phía Nam để rời khỏi Nhà Trắng ngày 9 tháng 8 năm 1974, mẹ và cha quay trở lại phòng Đông để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống mới, Gerald Ford. Cho tới nay, Ford vẫn là tổng thống duy nhất chưa bao giờ do dân bầu, Richard Nixon bổ nhiệm ông ấy sau khi Phó Tổng thống đầu tiên, Spiro Agnew, từ chức để tránh bị truy tố tội trốn thuế.
Ford ngay lập tức hành xử tương phản với Nixon. Ông ấy là mẫu hình tiêu biểu của một người dân vùng Trung Tây khỏe mạnh, lạc quan, biết chính xác những gì quốc gia cần. Khi Tổng thống Ford trình bày bài diễn văn nổi tiếng của ông: “Đồng bào người Mỹ của tôi, cơn ác mộng lâu dài của đất nước chúng ta đã qua”, tôi hiểu rằng dường như ông không chỉ nói đến Watergate. Hy vọng của tôi là một thời kỳ dài căng thẳng và đau khổ - các cuộc bạo động vì phân biệt chủng tộc, cuộc chiến ở Việt Nam, danh sách kẻ thù của Nixon - sắp kết thúc. Ford ngay lập tức đã phải đưa ra một quyết định lớn. Cựu Tổng thống Nixon có thể phải đối mặt với phán quyết về sự dính líu của ông ta trong vụ Watergate. Tổng thống Ford hiểu rằng quá trình xét xử cựu tổng thống khiến cho người dân Mỹ phải luôn dằn vặt vì những tổn thương do Watergate gây ra trong nhiều năm. Ông loại bỏ khả năng này bằng cách quyết định ân xá cho Nixon vô điều kiện. Quyết định của ông không được nhiều người đồng tình, và nhiều người nghĩ rằng ông sẽ phải trả giá trong cuộc bầu cử năm 1976. George Bush tôn trọng quyết định của tổng thống. Điều đó không chỉ cần thiết mà còn thể hiện can đảm chính trị.
Tôi đã ở Fairbanks, Alaska suốt mùa hè năm 1974, làm việc cho hãng hàng không quốc tế Alaska. Tôi đã đến đó vào giữa năm học thứ nhất và năm thứ hai của trường kinh doanh Harvard để thử cảm giác phiêu lưu cũng như thử sức với các cơ hội kinh doanh. Tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp của Alaska và rất thích thú với việc đi bộ đường dài, câu cá, cùng những ngày hè dài. Tuy nhiên, tôi cũng rất ngạc nhiên vì sự phụ thuộc của bang này và các doanh nghiệp vào chính quyền liên bang. Điều đó không cuốn hút tôi, và vào cuối mùa hè, tôi kết luận rằng cơ hội kinh doanh ở Texas tốt hơn ở đây nhiều.
Một buổi sáng, tôi thấy tờ báo địa phương ở Fairbanks đăng tin George Bush có trong danh sách ngắn những người được Gerald Ford đề cử vào chiếc ghế phó tổng thống còn đang bỏ trống. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cha sẽ là một ứng cử viên cho công việc này. Tôi gọi cho cha, ông xác nhận rằng tin tức đó là đúng.
“Đúng là có một số người nghĩ rằng cha có thể làm tốt việc đó”, ông nói, “nhưng cha không quá bận tâm tới nó”.
Cha tôi có tên trong danh sách một phần là do cuộc trưng cầu ý kiến của lãnh đạo các cấp trong Đảng Cộng hòa, điều đó cho thấy cha đã có nhiều sự ủng hộ hơn so với bất cứ ai khác. Một số bạn bè của cha ở đồi Capitol đã thay mặt ông vận động hành lang tổng thống mới. Nếu cha muốn làm phó tổng thống, tôi sẽ cổ vũ cho ông. Trong thâm tâm, tôi nghĩ Ford sẽ không chọn cha tôi vì cha có mối quan hệ thân cận với Nixon.
Đúng như tôi dự đoán, vài ngày sau, tôi nghe đài phát thanh loan tin Ford đã chọn Nelson Rockefeller, Thống đốc New York, là phó tổng thống mới. Tôi có thể tưởng tượng những suy nghĩ của Prescott Bush về sự lựa chọn đó.
Hai ngày sau, Tổng thống Ford gọi cha tôi đến Phòng Bầu dục để thảo luận về tương lai của ông ấy. Cha nói với ông ấy rằng ông đã có một thời gian làm tại Liên Hợp Quốc và rằng ông muốn mở rộng kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao. Tổng thống nói cha tôi có thể chọn tiếp tục làm đại sứ - có thể đi cả Anh hoặc Pháp, đây là hai chức vụ nhiều người thèm muốn, ngay cả John Adams và Thomas Jefferson đều từng làm vị trí này.
Gợi ý của Ford khiến cha biết mục đích của cuộc gặp mặt này, do đó, ông đã có sự chuẩn bị. Ông nói với tổng thống rằng ông muốn đến Trung Quốc. Cha nhận thức được rằng đại diện của Mỹ tại Trung Quốc không có hàm đại sứ, vì Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc. Nhưng ông không bị mắc kẹt trong vấn đề chức danh. Ông đã dành thời gian suy nghĩ về Trung Quốc, và cảm thấy bị thuyết phục rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ là yếu tố then chốt trong tương lai - một cái nhìn sâu sắc hiếm có vào lúc bấy giờ. Mùa thu năm 1974, Tổng thống Ford bổ nhiệm cha tôi làm Trưởng Văn phòng liên lạc đầu tiên của Mỹ tại Bắc Kinh.
Nhớ lại chuyến đi đó, quyết định nhận vị trí cao nhất trong Văn phòng Ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc có thể là điều ngạc nhiên lớn nhất trong những lần thuyên chuyển công việc từ khi cha mẹ tới Tây Texas năm 1948. Cũng giống như việc ông không muốn theo đuổi con đường công danh thông thường của một nhà đầu tư trên phố Wall, ông không muốn bị mắc kẹt trong việc phải tham dự bữa ăn tối ngoại giao ở London hay Paris. Cũng như Tây Texas, Trung Quốc đại diện cho một tiền tuyến mới - một nơi thú vị để sinh sống, với một nền văn hóa đặc biệt và tương lai đầy hứa hẹn. Đối với những người đã quá chán sự tẻ nhạt ở Washington, đến Trung Quốc là một lối thoát lý tưởng.
Trưởng văn phòng liên lạc Bush đến Trung Quốc vào tháng 10 năm 1974. Trước khi rời khỏi Washington, ông đã tìm hiểu rất nhiều về chức vụ mới của mình. Ông đã gặp các chuyên gia Trung Quốc trong chính phủ Mỹ. Trên đường bay, ông dừng lại ở Nhật Bản và tham vấn đại sứ Mỹ tại Tokyo. Cha mẹ tôi học tiếng Trung Quốc. Họ không thông thạo ngôn ngữ này. Nhưng họ biết cách nói xin chào và cảm ơn - một khởi đầu tốt cho bất kỳ nhà ngoại giao nào.
Khi đến nơi, cha nhận bàn giao công việc từ vị Phó đại diện văn phòng, ông John Holdridge, một cán bộ ngoại giao giàu kinh nghiệm, và ông kết bạn với tất cả mọi người trong văn phòng, từ nhân viên mới tới lái xe và người phiên dịch. Ông hỏi han các đồng nghiệp mới về Trung Quốc, gia đình, con cái, sở thích và kinh nghiệm của họ. Cha và mẹ đã làm việc chăm chỉ để biến văn phòng đại diện lẫn nơi ở của họ trở nên thân thiện và hiếu khách hơn. Họ mời nhân viên tới nhà ăn tối, mua một bàn bóng bàn, và mở rộng thêm mối quan hệ cá nhân. George Bush có tinh thần đồng đội, và ông đang xây dựng đội ngũ nhân viên ở Trung Quốc.
Một mối ưu tiên khác của ông là phát triển các quan hệ cá nhân với những nhà ngoại giao. Ông tham dự hàng chục buổi tiếp đón tại các đại sứ quán và thường xuyên tiếp đãi đối tác của mình tại văn phòng đại diện. Một số người có thể cho rằng tham dự những sự kiện lễ tân ngoại giao là cực hình. George Bush không nghĩ như vậy. Tại mỗi bữa tiệc rượu hay trong mỗi dòng người đứng đón chờ sự kiện ngoại giao, ông đều tìm thấy cơ hội để gặp gỡ những người mới và xây dựng mối quan hệ mới. Quan điểm của ông là không có quốc gia nào quá nhỏ để bị bỏ qua. Không có gì xúc phạm lòng tự ái của ông nhiều hơn việc bị gọi là vị “quan to”. Người đầu tiên tới văn phòng đại diện của ông là người đứng đầu của đoàn Kuwait, một Vương quốc Trung Đông nhỏ nhưng có vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông nhiều thập kỷ sau đó.
Cũng giống như khi ở Liên Hợp Quốc, George Bush biết cách kết hợp cuộc sống cá nhân và công việc ngoại giao. Ông thích chơi quần vợt, do đó ông thường xuyên tổ chức thi đấu với những bạn trong ngành ngoại giao tại Câu lạc bộ Quốc tế. Cha tôi thích thể dục, thể thao. Ông cũng nhận ra rằng đồng nghiệp của mình sẽ đáp lại yêu cầu của ông trong công việc nếu như họ đã từng chơi trong giải thể thao ông tổ chức.
Ông dành rất nhiều sự chú ý đến các quan chức Trung Quốc. Ông đã biết bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Kiều Quán Hoa, là đại sứ đầu tiên từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới Liên Hiệp Quốc. Mặc dù cha đã phản đối Trung Quốc khi bỏ phiếu bầu cho Đài Loan, họ vẫn trở thành bạn bè. Bộ trưởng ngoại giao nhớ đến bữa ăn trưa mà bà tôi đã mời các đại biểu Trung Quốc ở Greenwich, và ông đáp lại với lòng hiếu khách nồng nhiệt.
Mặc dù cha tôi đóng vai trò là nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Trung Quốc nhưng tầm ảnh hưởng của các chính sách của cha rất hạn chế. Các quyết định lớn đối với Trung Quốc đều do Tổng thống Ford và Henry Kissinger đưa ra. Cha thất vọng bởi sự thiếu hợp tác, nhưng ông hiểu tổng thống muốn quản lý mối quan hệ với Trung Quốc từ Nhà Trắng. Trong thời gian làm tổng thống, ông thường trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo nước ngoài như Thủ tướng John Major của Vương quốc Anh hay Brian Mulroney của Canada. Tôi cũng làm như vậy đối với một số đối tác thân thiết, chẳng hạn như Tony Blair của Vương quốc Anh.
Sự kiện lớn nhất trong nhiệm kỳ của cha ở Trung Quốc là chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ford năm 1975, chuyến thăm Trung Quốc này được thực hiện sau chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon ba năm trước đó. Cha tháp tùng tổng thống đến cuộc họp với Mao Trạch Đông, lãnh tụ cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cha tôi rất muốn gặp Chủ tịch Mao, đặc biệt là khi sức khỏe của Mao đang có chiều hướng xấu đi. Quan trọng hơn, chuyến đi này giúp cha tôi gặp một vị Phó Chủ tịch nhỏ bé, hay cười, luôn sát cánh bên Chủ tịch Mao. Tên ông ta là Đặng Tiểu Bình. Mười ba năm sau, ông ta và cha tôi gặp lại nhau - khi đó cả hai đều trên cương vị những nhà lãnh đạo đất nước.
Vị trí công tác mới ở Trung Quốc giúp cho cha mẹ tôi có nhiều thời gian rảnh hơn khoảng thời gian họ đã có nhiều năm trước. Họ khám phá Bắc Kinh bằng xe đạp và đi xung quanh thành phố với C. Fred, chú chó săn được đặt theo tên của một người bạn của cha mẹ ở Houston. C. Fred luôn thu hút sự quan tâm của người dân địa phương, vì chính quyền cấm chó đến nơi công cộng. Mẹ và cha tiếp tục học tiếng Trung Quốc, và vào ngày Chủ nhật, họ cầu nguyện trong một nhà thờ địa phương - một trong số ít những nơi được chính quyền Trung Quốc cho phép tổ chức lễ cầu nguyện với nghi thức được thực hiện bằng tiếng Trung.
Mẹ và cha khuyến khích gia đình và bạn bè đến thăm họ ở Trung Quốc. Một trong những người đầu tiên chấp nhận lời mời là bà tôi, bà tới vào dịp Giáng sinh năm 1974. Đúng theo phong cách điển hình của Dorothy Walker Bush, bà đi trên một chuyến bay dài đầy mệt mỏi từ New York và ngay sau đó cùng cha đạp xe đến Tử Cấm Thành. Tôi có thể nói chắc chắn rằng bà tôi là phụ nữ phương Tây bảy mươi ba tuổi duy nhất đạp xe để đi dạo trong cái lạnh thấu xương của tháng 12 năm đó.
Những người bạn Texas cũng đi du lịch điền dã ở Trung Quốc. Jake Hamon, một người bạn kinh doanh dầu với cha tôi, cùng với vợ của ông, Nancy, đã đến thăm chúng tôi vào tháng 3 năm 1975. Nancy diện bộ áo choàng và mũ lông chồn. Có ít nhất một thành viên trong gia đình chúng tôi ngưỡng mộ bộ trang phục đó. Khi cha mẹ tôi nói chuyện với gia đình Hamon, mẹ kinh hãi nhận ra chú chó C. Fred đang nhai bộ trang phục lông thú. Nhiều năm sau, khi Laura và tôi mời Nancy đến một bữa tiệc nhân dịp Lễ tình nhân tại Nhà Trắng, bà ấy vẫn cười khúc khích khi nhớ về chiếc mũ bị gặm nham nhở thuở nào.
Tôi đến Trung Quốc thăm cha mẹ ngay sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard năm 1975. Văn phòng đại diện rất thoải mái, nhưng tôi đã sửng sốt bởi điều kiện sống nguyên thủy ở nơi này. Hầu hết mọi người đi lại bằng xe đạp hoặc xe ngựa. Mùa hè khô nóng, và thành phố bị bụi sa mạc bao phủ. Nó nhắc nhở tôi nhớ về Midland, Texas. Tuy nhiên, ở đây không có dấu hiệu của chủ nghĩa tư bản như ở Midland. Tất cả mọi người mặc áo đại cán màu xám, được chính phủ Trung Quốc phân phối. Cha nhận định Trung Quốc sẽ nổi lên như một quyền lực mới của thế giới trong tương lai, và ông đã nói đúng. Tuy nhiên, năm 1975, đất nước này còn một chặng đường dài mới đi đến viễn cảnh đó.
Trong chuyến đi này, tôi chứng kiến cách làm ngoại giao cá nhân thân thiện của cha. Vào ngày mùng 4 tháng 7, ông tổ chức một lễ kỷ niệm lớn tại văn phòng đại diện, bữa tiệc với bánh mì kẹp thịt, xúc xích, và bia Mỹ. Văn phòng không chính thức của người Mỹ chưa bao giờ tổ chức một sự kiện như vậy, do đó, sự kiện này đã thu hút một lượng lớn các đoàn ngoại giao. Tôi nhớ một đại sứ từ một nước Bắc Âu rời khỏi bữa tiệc, hơi ngả nghiêng vì uống say, với một vết mù tạt lớn dây bẩn trên chiếc áo sơ mi trắng sáng của ông.
Ngày 2 tháng 11 năm 1975, mẹ và cha dậy sớm và có một chuyến đi xe đạp xuyên qua thành phố Bắc Kinh. Họ đã thưởng thức một buổi sáng mùa thu đẹp trời trước khi người đưa tin từ văn phòng đạp xe đi tìm họ. Cha tôi nhận một bức điện từ Nhà Trắng được dán nhãn: “Chỉ George Bush được đọc”. Cha đã bị sốc bởi những gì mình đọc được. Tổng thống Ford muốn ông phải rời khỏi Trung Quốc ngay lập tức và trở về Mỹ để làm giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương CIA.
Từ nguồn truy cập ít ỏi vào tin tức Mỹ, cha mẹ tôi biết CIA đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ công chúng, phương tiện truyền thông, và Quốc hội. Tháng 12 năm 1974, tờ New York Times đã công bố một bài báo tiết lộ rằng CIA, qua nhiều đời tổng thống, đã tham gia vào các hoạt động phi pháp, bao gồm giám sát các hoạt động phản chiến trong nước và các nhóm bất đồng chính kiến. Quốc hội thành lập các Ủy ban do Nghị sĩ Church và Nghị sĩ Pike đứng đầu để tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào CIA. Những nhà lập pháp giận dữ đòi CIA minh bạch hóa và chỉnh đốn toàn diện. Khi cha tôi đọc thư cho mẹ nghe, bà òa khóc. Tổng thống vừa yêu cầu người đàn ông mà bà yêu thương phải quay trở lại đầm lầy.
Mẹ không phải là người duy nhất không hài lòng với lời đề nghị đó. Cha cũng miễn cưỡng nhận lời. Đảng Dân chủ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1974 sau vụ tai tiếng Watergate, và cha tôi biết rằng đối phó với Quốc hội đang có khuynh hướng tự do sẽ rất khó khăn. Ông cũng muốn giữ chính sách mở để tiếp tục theo đuổi tham vọng chính trị. Ông đã được cân nhắc vào chức vụ Phó Tổng thống năm 1974, và Đảng Cộng hòa ở Texas đã tính tới chuyện để ông ra tranh cử chức thống đốc bang này vào năm 1978. Những kế hoạch sẽ bị phá hỏng nếu ông làm việc cho CIA. Ông viết trong một bức thư gửi anh chị em của mình, CIA là “một nghĩa trang cho chính trị”.
Nhưng một lần nữa, cha ý thức được bổn phận của mình. Ông đã từng làm việc với CIA trong thời gian tại LHQ và Trung Quốc, và ông biết tầm quan trọng trong công việc của cơ quan này. Một vài giờ sau khi nhận được bức điện, cha đánh một bức điện tín về Washington để nhận công việc. Ông giải thích với tổng thống và Kissinger, “Cha tôi luôn nhắc nhở con trai rèn luyện những giá trị giúp cho tôi phục vụ tốt trong nhiệm kỳ ngắn của mình. Một trong những giá trị này đơn giản là phụng sự đất nước và tổng thống. Vì vậy, nếu Tổng thống muốn tôi làm việc này thì câu trả lời của tôi là CÓ”.
Vị trí tại CIA đòi hỏi phải có sự phê chuẩn từ Thượng Nghị viện. Sự đề cử gây tranh cãi khi một số thượng nghị sĩ lớn tiếng tuyên bố rằng George Bush quá thiên về chính trị và không thích hợp cho vị trí này. Cha giải thích ông đã giữ những vị trí phi chính trị tại LHQ và Trung Quốc, và bảo đảm với các thượng nghị sĩ rằng khuynh hướng chính trị của ông sẽ không can thiệp vào vị trí công tác mới. Tuy nhiên, họ yêu cầu nhiều hơn nữa. Trong một bức thư đặc biệt trong lịch sử, Tổng thống Ford cam kết bằng văn bản rằng ông sẽ không đề cử George Bush cho vị trí phó tổng thống khi ông tái tranh cử năm 1976. Tổng thống sẵn sàng làm những gì cần thiết để ứng viên ông đề cử được chấp thuận, và cha tôi đã cam kết mạnh mẽ đến mức ông từ bỏ cả quyền lợi hợp pháp của mình trong tranh cử để làm việc cho Văn phòng CIA. Thượng viện chấp thuận cha vào vị trí công việc mới bằng hình thức bỏ phiếu, trong đó 64 phiếu thuận và 27 phiếu chống.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Bush bắt đầu công việc mới bằng cách phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ và tin tưởng với đồng nghiệp mới của mình. Nhiệm vụ đó đặc biệt quan trọng tại CIA, nơi mà tinh thần làm việc đang sa sút nghiêm trọng sau những chỉ trích của Quốc hội và báo chí. Hình ảnh của cơ quan bị mất uy tín một cách tồi tệ.
Ngay từ đầu, cha làm rõ rằng ông tin tưởng vào nhiệm vụ của cơ quan và sẽ đứng về phe nhân viên của tổ chức này. Khi xuất hiện trước Quốc hội và các phương tiện truyền thông, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực tình báo. Trong khi thừa nhận trong quá khứ năng lực này bị lạm dụng, ông đồng thời đề xuất các biện pháp sẽ thực hiện để sửa chữa lỗi do tổ chức này gây ra. Quan trọng nhất, ông gọi đây là các cán bộ tình báo “yêu nước”, một thuật ngữ ít người sẵn sàng sử dụng khi giao tiếp với công chúng khi các dòng tít báo hằng ngày vẫn rầm rộ đăng tin về vi phạm trong quá khứ của CIA.
Ông đã ủng hộ CIA theo những cách khác. Tổng thống Ford giao cho ông văn phòng trong tòa nhà Văn phòng Điều hành cổ xưa, ngay cạnh Nhà Trắng. Chấp nhận văn phòng mới với vị trí quan trọng đáng chú ý ở Washington, nơi gần với tổng thống là một tín hiệu cho thấy quyền lực của cha tôi ở Washington. Thế nhưng ông từ chối nhận văn phòng mà tổng thống giao cho. Ông thấy rằng văn phòng của mình nên đặt trụ sở tại Langley, bang Virginia. Ở đó, ông được đi chung thang máy với nhân viên, chứ không phải đi lối dành riêng cho giám đốc. Giáng sinh năm 1976, ông mời nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng Lionel Hampton đến biểu diễn cho nhân viên trong “phòng bong bóng”, phòng họp lớn nhất của cơ quan CIA. (Không giống như bữa tiệc Giáng sinh tại Tây Texas, lần này cha đã không thuê quầy rượu đến văn phòng.)
Giám đốc Bush đến trụ sở CIA ở nước ngoài để cảm ơn các nhà phân tích và nhân viên. Một số trong các trụ sở bí mật chưa bao giờ gặp người đứng đầu CIA. Ông cũng đã thực hiện một số quyết định khó khăn về nhân sự nhưng đó là việc cần thiết để cải thiện cơ quan - lý do tại sao ông rất coi trọng xây dựng lòng tin ngay từ đầu. Ông nhẹ nhàng loại bớt những điệp viên ở vị trí quản lý đã cao tuổi, điều này cho phép ông bổ nhiệm những người trẻ tuổi hơn và giải quyết vấn đề tuyển dụng nhân viên mới. Và ông thẳng tay loại những người làm rò rỉ thông tin, trong đó có cả đặc vụ cũ của CIA, Philip Agee, người vừa phát hành cuốn hồi ký kể ra nhiều bí mật. Cha tôi có thể tha thứ cho rất nhiều sai lầm, nhưng ông tin rằng việc vi phạm lời tuyên thệ và tiết lộ bí mật nhà nước là đáng hổ thẹn, đặc biệt là khi điều đó có thể dẫn đến nhiều người Mỹ vô tội thiệt mạng.
Không lâu sau, George Bush đã hiểu biết sâu sắc về địa bàn Langley, nhiệm vụ của CIA và mọi nhân viên ở đây. Ông thấy đây là công việc hấp dẫn; bản chất tò mò và ham tìm hiểu của ông thật thích hợp cho công việc chuyên gia phân tích. Đáng chú ý, chỉ trong một năm, ông phát triển mối quan hệ tốt đẹp với những nhân viên CIA - những người làm việc tận tuỵ nhưng không được đánh giá cao như họ xứng đáng được như vậy. Một sử gia gọi ông là Giám đốc CIA được nhiều người ngưỡng mộ nhất sau thời Allen Dulles những năm 1950.
Tình cảm của cha dành cho CIA được gây dựng theo thời gian ở Langley. Giống như tổng thống, ông yêu cầu họp giao ban hằng ngày. Khi tôi được bầu làm tổng thống, ông khuyên tôi làm như vậy. Tôi thực hiện lời khuyên của ông và nhận thấy nhân viên CIA thường đưa ra những chỉ dẫn thông minh và có khả năng phân tích, đây chính là một trong những khía cạnh thú vị nhất trong công việc của tôi. Giống như cha, tôi đã đạt được sự tôn trọng từ nhân viên và không hề e ngại các nhiệm vụ tuyệt mật.
Đúng như lời cam kết, ông không tham gia chính trị trong suốt thời gian tại CIA. Cuộc thăm dò ý dân đối với Tổng thống Ford đưa ra kết quả không mấy khả quan sau khi ông tha thứ cho Nixon, và nền kinh tế đang chật vật. Tháng 11 năm 1976, Tổng thống Jimmy Carter thua trong cuộc bầu cử. Cha đã gặp Carter trong chiến dịch tranh sử khi Thống đốc bang Georgia yêu cầu điệp viên phải cung cấp thông tin phân tích xem liệu ông có thể thắng cử. Sau chiến thắng của Carter, cha tôi muốn tiếp tục ở lại CIA. Ông mới làm cho CIA được một năm, và ông cảm thấy rằng mình có thể ở lại để tạo ra sự ổn định trong khi tổng thống bận thành lập đội an ninh quốc gia.
Jimmy Carter đã quyết định để cha đi, một động thái mà tôi nghĩ là sai lầm. Khi trở thành tổng thống mười hai năm sau, cha giữ lại Giám đốc CIA William Webster, người được chỉ định bởi Ronald Reagan. Khi tôi nhậm chức, tôi giữ lại giám đốc George Tenet, người được chỉ định bởi Bill Clinton. Tôi nghĩ rằng quyết định của tôi sẽ phát đi một dấu hiệu biểu hiện tính kế thừa và không phân biệt đảng phái trong một nhiệm vụ an ninh quốc gia quan trọng. Tôi đã thất vọng khi Tổng thống Obama chọn không giữ lại Michael Hayden, một nhà quản lý lâu năm do tôi đã bổ nhiệm lãnh đạo CIA từ năm 2007. Không ai biết công việc tình báo tốt hơn Mike, một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, và kiến thức của ông sẽ rất có giá trị cho tổng thống.
Cuối cùng, một Tổng thống Đảng Dân chủ đã ghi nhận đóng góp của cha tôi cho CIA. Năm 1998, Bill Clinton đã ký quyết định do văn phòng Nghị sĩ Rob Portman bang Ohio đề xuất, đổi tên thành trụ sở của CIA. Khi tôi thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Langley, Giám đốc George Tenet đã nói, “Thưa tổng thống, chào mừng ngài đến Trung tâm Tình báo George Bush”.
Trong một thập kỷ, George Bush đã làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, chủ tịch Đảng Cộng hòa, trưởng văn phòng đại diện tại Trung Quốc và Giám đốc CIA. Ông đã nhìn thấy sự sụp đổ của một nhiệm kỳ tổng thống và một quyền lực thế giới mới bắt đầu nổi lên. Ông đã thành công trong mối quan hệ với các nhà ngoại giao, cộng sản, và cả điệp viên. Ông đã lãnh đạo các tổ chức vượt qua khủng hoảng và vực dậy tổ chức cùng với danh tiếng của ông. Tuy nhiên, khi George Bush lên chuyến bay thương mại về Houston sau lễ nhậm chức của Jimmy Carter, hầu hết các nhà quan sát tin rằng sự nghiệp chính trị của ông kết thúc tại đây. Thông thường, không một công việc nào trong số các công việc ông đã đảm nhận trong thập niên 1970 được xem như một bước đệm để có được sự nghiệp chính trị thành công.
Tất nhiên, George Bush không bao giờ đầu tư quá nhiều vốn vào con đường bình thường. Ông tin rằng các công việc ngoại giao của mình là sự chuẩn bị tốt cho quá trình phụng sự nhân dân. Và hóa ra những điều ông tính toán lại đúng. Cha không chỉ là tổng thống duy nhất nắm giữ tất cả bốn trong số nhiều vị trí, ông còn là tổng thống duy nhất nắm giữ bốn vị trí đó. Sau này nhìn lại, kinh nghiệm và những quyết định của ông có được trong thập niên này đã khiến ông trở thành một trong các tổng thống có sự chuẩn bị tốt nhất của thời hiện đại.