K
hông như một số thành viên trong Nghị viện, cha tôi quyết định chuyển cả gia đình đến Washington khi ông trúng cử. Cha tôi trước hết là người đàn ông của gia đình, và ông muốn ở bên chúng tôi càng nhiều càng tốt, nhất là khi các em trai của tôi, Neil và Marvin, và em gái tôi, Dorothy, đang còn nhỏ. ( Jeb và tôi không sống cùng cha mẹ ở Washington, tôi đang hoàn thành khóa học ở trường đại học, và em trai tôi đang học phổ thông ở Andover ). Cha mẹ tôi đã bán căn nhà ở Houston, sau đó mua một căn nhà khác để làm nơi nghỉ lại cho cha tôi khi ông quay lại đây, và chuyển tới một ngôi nhà trong Thung lũng Mùa xuân (Spring Valley) ở Washington. Họ mua một ngôi nhà khuất khỏi tầm nhìn từ ngôi nhà của Thượng nghị sĩ bang Wyoming, ông Milward Simpton, con trai của ông, Alan, sau này đã tiếp bước cha vào Thượng viện, và trở thành một trong những người bạn tri kỷ của cha mẹ tôi.
Tôi không gặp cha mẹ nhiều vào cuối thập niên 1960. Vào thời gian này, tôi phải dành thời gian cho việc học, và muốn tự tìm ra con đường mình muốn đi trong cuộc đời - đây là thời gian trong con người tôi có nhiều sự thay đổi như một lần tôi đã từng mô tả, “Khi còn trẻ và vô lo, tôi không cảm thấy có trách nhiệm với điều gì”. Chỉ có một điều mà tôi dám chắc rằng tôi đã thử thách lòng kiên nhẫn của cha mình trong những năm tháng này. Có lần, tôi và một người bạn của cha tôi, Jimmy Allison, đã cùng nhau chơi quần vợt, sau đó chúng tôi đi uống rượu tới mức cả hai đều say xỉn. Tôi đã lái xe đưa ông ấy và cậu em trai tôi, Marvin, trở về nhà. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi tôi đâm phải cái thùng rác của nhà hàng xóm được đặt bên lề đường. Tôi coi đấy là điều bình thường và lao thẳng xe vào nhà. Nhưng mẹ tôi đã trông thấy cảnh tượng ấy và rất tức giận.
Mẹ tôi nói với vẻ mặt đầy giận dữ, “Cách cư xử của con thật đáng hổ thẹn”. Tôi cũng nhìn chằm chằm bà mà không thèm chớp mắt. “Lên trên gác và gặp cha ngay”, mẹ nói.
Tôi ngang ngược lên trên gác, và chắp tay ra sau, làm như chẳng có chuyện gì xảy ra cả: “Con biết cha muốn gặp con”.
Cha tôi lúc ấy đang đọc một cuốn sách. Ông nhẹ nhàng đặt cuốn sách xuống, rồi bỏ cái kính đang đeo ra và nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, ông lại đeo kính vào và tiếp tục đọc sách.
Tôi cảm thấy mình như một kẻ khờ dại vậy, tôi lén lút ra khỏi phòng, cảm thấy não nề với suy nghĩ rằng mình đã khiến cha thất vọng đến nỗi ông chẳng thèm nói với tôi một lời.
Tôi nghĩ sẽ nổ ra một cuộc tranh cãi, thế nhưng điều đó không xảy ra. Cha tôi không phải loại người thích cãi vã hay lao vào ẩu đả bằng lời nói. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra với anh em chúng tôi, ông luôn để chúng tôi tự kiểm điểm bản thân, và mong muốn chúng tôi có thể tự sửa những lỗi lầm mình gây ra. Và quả thực, chúng tôi đã làm được điều ấy.
Món quà tuyệt vời nhất mà George Bush dành tặng nhiều nhất cho những đứa con của mình là tình yêu thương vô bờ. Cho dù chúng tôi chỉ biết đến bản thân mình hay nhiều khi chúng tôi xử sự kém cỏi, ông vẫn yêu chúng tôi. Theo thời gian, tự bản thân tình yêu đó đã là nguồn sức mạnh hình thành nên tính độc lập trong con người chúng tôi. Và tôi nhận ra rằng, thật vô ích khi bỏ thời gian ra cãi cọ với cha tôi về một điều gì đó, chống đối lại ông cũng không ích lợi gì, bởi vì cha tôi luôn yêu thương chúng tôi cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa. Tôi luôn khắc ghi trong tim bài học này khi tôi cũng trở thành một người cha. Khi hai đứa con của tôi, Barbara và Jenna, bước vào độ tuổi thiếu niên, các con cũng có dòng máu độc lập chảy trong huyết quản, điều này gợi cho tôi nhớ lại thời trẻ dại đã qua. Tôi thường nói với các con, “Cha yêu các con. Các con có làm gì đi nữa cũng không thể ngăn được tình yêu của cha dành cho các con. Vì thế đừng có thử làm điều gì dại dột”.
Cha tôi rất thích được làm việc trong Quốc hội. Trong Điện Capitol, ông tạo dựng uy tín bởi là một người luôn làm việc chăm chỉ. Ông cũng hay bay về Houston, nơi đây cha tôi vẫn còn giữ liên lạc với những người bạn thân và các khu vực bầu cử trong quận ông làm đại diện. Như ông nội tôi, cha tôi cũng làm việc sáu ngày mỗi tuần và dành những buổi sáng thứ Bảy để biên thư lẫn ghi chép những việc quan trọng. Sáng Chủ nhật, chúng tôi đến nhà thờ, và cùng ăn bánh kẹp cho bữa trưa ở sân sau nhà. Bữa ăn này đã trở thành truyền thống với đặc trưng là có sự góp mặt của rất nhiều người, những thành viên trong gia đình, những nhân viên và đồng nghiệp của ông trong Nghị viện, những người bạn láng giềng của gia đình tôi, những đại diện cử tri, những người làm trong chính quyền Washington như nhà báo Charlie Bartlett. Cha cũng mời những người bạn thời thơ ấu của ông.
Một trong những phẩm chất đáng tự hào nhất của cha tôi là khả năng kết giao với những người bạn mới trong khi vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người bạn cũ. Dù ông có thăng tiến như thế nào đi nữa trong công việc chính trị, hay trong kinh doanh, George Bush chưa bao giờ xa rời bạn bè. Những bữa ăn trưa với bánh kẹp là minh chứng cho sự đa dạng trong những nhóm bạn của cha. Các vị khách ở những địa vị khác nhau, đi lại bình thản trên bãi cỏ, trò chuyện và uống bia, trong khi Nghị sĩ Quốc hội Bush nướng bánh kẹp.
Mẹ tôi là một bà chủ nhà đầy thiện chí. Bà chuyển nhà đến Washington rất nhanh, sắp đặt mọi thứ cho căn nhà mới và giúp các em tôi ổn định việc học ở những ngôi trường mới. Mẹ tôi dễ dàng tìm ra nhóm bạn thân của mình, và bà thường tổ chức những chuyến dã ngoại quanh Điện Capitol cũng như những danh thắng khác ở Washington cho bạn bè cùng người thân tới thăm. Mỗi khi các em tôi có thời gian rảnh rỗi, mẹ lại tận dụng cơ hội đó để các em khám phá lịch sử và văn hóa của thủ đô, của đất nước.
Một trong những ký ức mà đến bây giờ tôi vẫn còn lưu luyến, đó là chuyến đi đến Washington trong thời gian cha tôi làm việc trong Quốc hội, cha tôi đã đưa tôi tới phòng tập thể hình ở đây. Ông biết tên của tất cả nhân viên lẫn những người giúp việc ở phòng tập. Ông rất thích chơi bóng ném, môn thể thao đòi hỏi người chơi phải di chuyển nhanh và kết hợp nhạy bén giữa tay với mắt. Cha tôi chơi rất ăn ý cùng Nghị sĩ Sonny Montgomery, một đảng viên của Đảng Dân chủ đại diện bang Mississippi. Họ chơi để giành chiến thắng, họ hò hét, chọc tức nhau và cùng làm nhau cười. Điều đó cũng cho thấy rằng, mặc dầu những nghị sĩ này đến từ những đảng phái khác nhau, thường xuyên phải đối đầu với nhau, nhưng cũng có lúc họ đặt công việc sang một bên và vui với tình bằng hữu.
Giống như những thành viên mới khác trong Quốc hội, Nghị sĩ Bush được giao công việc trong các Ủy ban Lập pháp. Cha tôi mong muốn làm việc trong Ủy ban Chính sách và Tài chính hoặc Ủy ban Phân bổ Ngân sách. Những ủy ban đầy quyền lực này hiếm khi nhận các nghị sĩ mới được bầu vào Quốc hội, nhưng cha tôi có mối quan hệ tốt với Lãnh đạo đảng thiểu số Gerald Ford ngay từ khi ông vận động tranh cử và cha của ông ấy đã giúp đỡ cha tôi rất nhiều, ông đã gọi cho người bạn già của mình là Wilbur Mills, đại biểu bang Arkansas, Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Tài chính của Hạ viện. Ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đặt lòng tin vào cha tôi, chính vì thế mà trong suốt sáu mươi ba năm, lần đầu tiên có một đại biểu Quốc hội mới được bầu đã được vào Ủy ban Chính sách và Tài chính, đó chính là cha tôi.
Cha tôi được hưởng lợi rất nhiều từ những mối quan hệ của ông tôi, bên cạnh đó, ông còn học được vô vàn những bài học quý giá từ bà tôi. Ông làm việc không mệt mỏi, luôn giữ lời hứa, và luôn tránh tranh giành công sức với người khác. Những phẩm chất này thật hiếm thấy trong Nghị viện, và điều đó đã làm cho rất nhiều người yêu mến George Bush. Đặc biệt, cha tôi rất gần gũi với những thành viên trẻ trong Nghị viện, trong đó có Bill Steiger, đại biểu bang Wisconsin, Jerry Pettis bang California, John Paul Hammerschmidt bang Arkansas, và Bob Price bang Texas. Những người trong Đảng Cộng hòa đã bầu cha là Chủ tịch của nhóm những nghị sĩ mới vào Quốc hội.
Vào cuối những năm 1960, có hai vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra và chi phối cuộc sống tại Washington: đó là cuộc chiến tranh ở Việt Nam và quyền công dân. Ngay từ đầu, cha tôi đã ủng hộ những nỗ lực của người Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ở thời điểm đó, nước Mỹ cam kết bảo vệ chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, và ông cũng tin chắc rằng, người Mỹ sẽ giữ lời.
Vào ngày sau lễ Giáng sinh năm 1967, Nghị sĩ George Bush đã bắt đầu chuyến công tác kéo dài mười sáu ngày của mình tới các quốc gia Việt Nam, Lào, và Thái Lan. Ông đã gặp các quan chức cấp cao của Mỹ ở những nước này. Ông cũng gặp gỡ các sĩ quan trẻ tuổi, những binh nhì, những phi công lái máy bay ném bom đang đóng quân trên một con tàu sân bay trong Vịnh Bắc Bộ và hỏi ý kiến của họ về cuộc chiến tranh này. Phần lớn trong đó nói rằng họ đang làm nhiều thứ tốt hơn là những gì báo chí đồn thổi.
Cha tôi rời đi với ấn tượng sâu sắc về những người lính này, và cảm thấy nước Mỹ đang “có những tiến bộ rõ ràng trong lĩnh vực quân sự”. Ông cũng chứng kiến sự kháng cự của quân du kích Việt cộng. Trong một bức thư gửi về đơn vị bầu cử của mình, ông mô tả những địa đạo xuyên qua các khu rừng nhiệt đới là bằng chứng cho thấy ý chí không chịu khuất phục của Việt cộng. “Tôi thấy mục tiêu của chúng ta hết sức thực tế”, ông nói với một phóng viên. “Chúng ta có thể thành công nếu chúng ta có ý chí và kiên nhẫn”.
Tại nước Mỹ, thì cuộc chiến này bắt đầu gây chia rẽ. Cha tôi nhận ra những nhà hoạt động chống chiến tranh có quyền bày tỏ quan điểm của họ, nhưng sự quyết liệt của họ đã làm mất nhuệ khí của quân đội. Cha tôi đã bảo vệ LBJ trước các cuộc công kích cá nhân gay gắt từ phía những người phản đối chiến tranh. Nhiều tháng trôi qua, chính quyền của Johnson đã thất bại trong việc đưa ra một lý do thuyết phục trong việc leo thang quân sự của Mỹ. Hàng nghìn thanh niên phải tòng quân và tham gia vào những cuộc chiến tranh mà bản thân họ cũng không hiểu vì sao họ phải tham chiến. Đối với George H.W. Bush, ông rút ra bài học từ cuộc chiến ở Việt Nam là bất cứ khi nào người Mỹ điều quân đến đâu thì cần phải giải thích rõ căn nguyên của sứ mệnh đó. Nhiều thập kỷ sau, khi đưa quân đội Mỹ tới Kuwait để tiêu diệt Saddam Hussein, ông đã áp dụng bài học đó.
Chuyến đi của cha tôi đến Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm của ông về một câu hỏi lớn khác đang bùng nổ ở Mỹ: quyền công dân. Những nhà lãnh đạo như Martin Luther King hay Thurgood Marshall đang đẩy vấn đề này lên thành trung tâm trong chính trường Mỹ. Khắp cả khu vực miền Nam nước Mỹ, những nhà hoạt động ủng hộ quyền công dân đều phản đối các chính sách phân biệt chủng tộc bằng các hình thức như: biểu tình ngồi, tuần hành vì quyền tự do, hay diễu hành. Màn hình ti vi ở đất nước này phủ đầy những cảnh máu me bạo lực, trong đó có các cuộc đàn áp không nương tay xuống những người biểu tình do Cảnh sát trưởng Bull Cornor chỉ đạo, và do nhóm chuyên ném bom vào những nhà thờ ở Birmingham, Alabama gây ra, cướp đi sinh mạng của bốn nữ sinh trẻ tuổi người Mỹ gốc Phi. Về sau, tôi tìm hiểu được rằng một người trong số họ chính là bạn thân của Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Năm 1963, Tổng thống Kennedy ban hành luật cấm phân biệt chủng tộc ở những khu vực công cộng, như khách sạn, xe buýt, và nhà hàng. Một trong những đạo luật gây ấn tượng nhất trong giai đoạn Johnson làm tổng thống là đạo luật quyền công dân do Quốc hội ban hành năm 1964.
Cha tôi luôn ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập quyền bình đẳng giữa người với người. Giống như cha của mình, ông tích cực tham gia vào các quỹ hoạt động từ thiện, ông đã kêu gọi quyên góp tiền cho Quỹ bảo trợ sinh viên Mỹ gốc Phi. Là Bí thư quận và đại biểu Quốc hội, ông thường xuyên đến thăm những người Mỹ gốc Phi ở Houston. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1964, cha tôi phản đối đưa luật nhân quyền lên cấp liên bang. Ông tin rằng, các bang, chứ không phải chính phủ liên bang, mới là các cơ quan có trách nhiệm về việc kiểm soát những luật lệ ở những khu vực công cộng.
Chiến tranh ở Việt Nam đã làm thay đổi quan điểm này của cha tôi. Trong chuyến đi đến các vùng chiến sự, cha tôi đã chứng kiến những cảnh người da đen và người da trắng cùng phải liều mạng nơi chiến trường. Tháng 4 năm 1968, Hạ Nghị viện dân biểu đã cho thi hành đạo luật Nhà ở công bằng, nghiêm cấm sự phân biệt chủng tộc trong việc mua bán, thuê nhà, hay đơn giản là quảng cáo bất động sản. Cha tôi hiểu được vấn đề này sẽ gây tranh cãi vì chính phủ liên bang chẳng thể nào can thiệp vào các điều kiện cho thuê nhà đất cá nhân. Nhưng bản chất George Bush là một người tốt. Ông không thể hình dung việc một cựu chiến binh gốc Mỹ bị cấm mua nhà cho cả gia đình chỉ bởi một lý do anh ta là người da đen.
Quận, nơi đã bầu cha tôi làm đại biểu Quốc hội, có gần 90% dân số là người da trắng và họ phản đối kịch liệt dự thảo luật nhà đất cởi mở. Cha tôi ước tính trong những bức thư gửi đến văn phòng của ông thì tỷ lệ phản đối gấp ba mươi lần tỷ lệ ủng hộ dự luật này. Thế nhưng, vào ngày mùng 10 tháng 4 năm 1968, Nghị sĩ Bush bỏ phiếu ủng hộ đạo luật công bằng nhà ở. Ông là người duy nhất trong chín đại biểu bang Texas bỏ phiếu thuận cho luật này (14 người khác trong đoàn đại biểu từ Nghị viện cấp bang Texas, gồm 13 đảng viên Đảng Dân chủ, và một đảng viên Đảng Cộng hòa, tất cả đều bỏ phiếu chống). Tổng thống Johnson đã ký ban hành đạo luật này ngay ngày hôm sau.
Phản ứng từ những người không ưng thuận đến ngay sau đó. Ngay ngày hôm sau, văn phòng của cha tôi nhận được một cuộc điện thoại từ giọng nói đầy tức giận, ít nhất một người trong số họ đe dọa tới tính mạng ông. Văn phòng thư tín của Quốc hội sau đó đã tường thuật lại, cha tôi đã nhận được nhiều thư hơn bất kỳ thành viên nào khác của Nghị viện trong năm đó, đa số thư phản đối việc cha tôi bỏ phiếu thuận cho ban hành đạo luật Nhà ở công bằng.
Khi quay trở về Houston để nghỉ cuối tuần sau khi vừa bỏ phiếu, cha chủ động xử lý vấn đề này. Ông tổ chức cuộc họp hội đồng thành phố, gồm hàng trăm đại diện cử tri. Cử tri chào đón người đại diện cho họ trong Quốc hội bằng những tiếng huýt sáo, la hét phản đối, giống như phản ứng của đám đông khi Prescott Bush công kích McCarthy.
Luật đó nói lên điều gì, ông ấy nói: “Đó chính là hứa hẹn một hy vọng - là hiện thực hóa giấc mơ Mỹ”. Ông kể lại chi tiết cuộc nói chuyện của mình với những người lính gốc Phi đang tham chiến ở Việt Nam, một vài người trong số họ đã kể về những mơ ước của họ, họ muốn quay trở về, kết hôn và mua một ngôi nhà. “Đó là những nhu cầu cơ bản”, ông nói, “một người, nếu có tiền và có phẩm hạnh tốt, không đáng bị chặn mọi lối đi chỉ vì anh ta là người Mỹ đen hay nói âm sắc Mỹ Latin” (Thời đó người ta vẫn dùng từ “người Mỹ đen” để gọi người Mỹ gốc Phi).
Ông ghi nhận những quan điểm khác nhau. “Tôi bỏ phiếu vì quan điểm đúng đắn”, ông nói. “Tôi biết quan điểm này chưa được nhiều người ủng hộ. Tôi biết nó có thể làm cho nhiều người tức giận, nhưng tôi cũng biết rằng nó hoàn toàn đúng đắn. Tôi có thể nói gì hơn nữa không!”
Ngạc nhiên thay, đám đông bên dưới cùng đứng lên vỗ tay ủng hộ ông. Họ hầu như không thay đổi ý nghĩ về luật nhà đất, thế nhưng, họ lại thực sự thay đổi ý nghĩ về người đại biểu Quốc hội của mình. Họ nhận ra rằng, ông ấy là một con người can đảm và thật thà. Vào mùa thu năm 1968, bảy tháng sau ngày bỏ phiếu cho luật nhà đất, cha tôi lại chạy đua để vận động tái cử mà không vấp phải một sự phản đối nào.
Tôi đã theo dõi buổi tranh luận hôm đó, và tôi thấy rất tự hào về cha mình. Tôi ngưỡng mộ cách ông bảo vệ quan điểm của mình trước những sức ép chính trị mà vẫn giữ được phẩm giá. Bài học từ việc cha tôi bỏ phiếu thuận cho ra đời luật nhà đất là cho dù người dân có thể không đồng tình với quyết định của người lãnh đạo nhưng họ vẫn biết ơn người sẵn sàng vì họ mà đưa ra những quyết định khó khăn. George Bush đã là người như thế trong suốt cuộc đời. Tôi lưu giữ bài học này trong tâm trí khi phải đối mặt với những thử thách trong cuộc đời, như việc đưa quân tới Iraq hay ủng hộ việc chính phủ can thiệp nhằm ngăn chặn chuỗi phá sản trong suốt thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính.
Trong cuộc đua tranh ngôi vị tổng thống năm 1968, Richard Nixon đã đánh bại Phó Tổng thống Hubert Humphrey, người tiếp tục tranh cử sau khi LBJ gây sốc toàn nước Mỹ bằng việc từ chối theo đuổi vận động tái tranh cử. Nixon được sự ủng hộ của 32 bang ở Mỹ và nhận được hơn 3.000 lá phiếu đại cử tri. Ông tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 1969. Một giờ sau đó, LBJ rời khỏi thủ đô nơi ông ấy đã tham quyền cố vị từ khi được bầu vào Quốc hội năm 1937. Ông ấy có rất ít bạn bè khi rời khỏi nơi này.
Với sự tôn trọng và lòng cảm thông, cha tôi đã đến căn cứ không quân Andrews để tiễn cựu tổng thống. Giữa những người đến tiễn, xuất hiện một vài những nghị sĩ khác, trong đó có người bạn lâu năm của LBJ, JaKe Pickle, thế nhưng cha tôi lại là đảng viên Đảng Cộng hòa duy nhất ở đó. Khi Liz Carpenter, Thư ký báo chí của Lady Bird Johnson (con bọ dừa Johnson, viết tắt giống tên của Lyndon B. Johnson), nhận ra cha tôi cũng trong đám đông, bà ấy đã làm hiệu cho cha tôi tiến lên phía trước để chào vị cựu tổng thống đang đi ra. LBJ đã tiến lại, bắt tay cha tôi và nói, “George, tôi thực sự rất vui vì anh có mặt ở đây. Một ngày nào đó hãy đến thăm tôi và Lady Bird ở nông trang nhé”.
Vài tháng sau đó, cha tôi đã nhận lời mời này. LBJ lái xe đưa ông đi trên những con đường đất ngoằn ngoèo ở nông trang trong thành phố Johnson, bang Texas. Trong bữa trưa hôm đó, cha tôi đã hỏi ông ấy: Liệu tôi có nên từ bỏ chỗ ngồi vững chắc trong Hạ viện để chạy đua vào vị trí trong Thượng viện, cạnh tranh với Ralph Yarborough vào năm 1970 hay không? Cựu Tổng thống, người đã từng làm việc cả trong Hạ viện và Thượng viện, trả lời theo đúng phong cách LBJ:
“George này”, ông nói, “So Thượng viện với Hạ viện khác gì so món nộm thịt gà với phân gà”.
Trong khi đó, tổng thống đương nhiệm khi ấy, Nixon, không nói lời hoa mỹ nhưng vẫn ủng hộ cha tôi chạy đua tranh cử. Ông ấy còn hứa sẽ giúp đỡ cha tôi vận động tranh cử và đảm bảo cho cha tôi hạ cánh an toàn ở một chức vụ tốt nếu như ông thất bại.
Chẳng có ai nghĩ rằng cha tôi lại ra tranh cử. Những người trong quận nơi chúng tôi sinh sống khuyên ông ấy nên tại vị ở vị trí trong Ủy ban Chính sách và Tài chính. Tuy nhiên một lần nữa, ông quyết định mạo hiểm. Vào tháng 1 năm 1970, cha tôi tuyên bố rằng ông sẽ từ bỏ chức vụ hiện thời đang rất yên ổn của mình ở Hạ viện để tranh cử vào Thượng viện. Trong khi có rất nhiều yếu tố khiến cha tôi quyết định điều này, cá nhân tôi cho rằng một phần của lý do này là bởi ông ấy muốn được làm việc trong cùng một hệ thống giống như cha của ông, Thượng nghị sĩ Prescott Bush, đã từng làm.
Và thời điểm cha tôi bắt đầu chiến dịch tranh cử chức thượng nghị sĩ, tôi đã hoàn thành khóa đào tạo phi công và đang bay trong đội Bảo vệ Vùng trời Quốc gia ở Houston. Tôi dành khoảng thời gian giữa những đợt huấn luyện bay để giúp đỡ cha tôi trong chiến dịch này. Tôi đi cùng cha tới khắp bang trong chuyến công du vận động tranh cử đầu tiên. Lần này tôi rất lạc quan, và cha cũng vậy. Tình hình dư luận bang này đang thay đổi theo hướng có lợi cho cha tôi, uy tín của ông đang lên, ngược lại Thượng nghị sĩ Yarborough lại ngày càng không đáp ứng được kỳ vọng của người dân Texas.
Vào ngày cha tôi đang trên con đường tiến tới chiến thắng trong hội nghị chọn lựa ứng viên Đảng Cộng hòa, cuộc đua tranh có những thay đổi kịch tính đến nghẹt thở. Tôi nhớ mình đang cùng với cha mẹ và những người thực hiện chiến dịch tranh cử đang đi trên ô tô cùng nhau thì đài phát thanh thông báo Lloyd Bentsen đã đánh bại Ralph Yarborough trong hội nghị chọn ứng viên của Đảng Dân chủ. Đây là một tin tức chẳng hề tốt chút nào. Bentsen là một cựu phi công vụt sáng từ thời Thế chiến thứ hai, một cựu thành viên của Hạ viện ở Nam Texas, đồng thời là một doanh nhân thành công ở Houston. Giống như cha tôi, Bentsen trẻ tuổi là một ứng cử đầy mãnh lực, người đã xuất sắc giành vị trí bên phải Yarborough. Sự khác biệt giữa hai ứng cử viên bỗng nhiên không còn nữa, và Bentsen có lợi thế rất lớn vì danh sách cử tri đăng ký đi bầu cử ở địa phương ông ta đông hơn. Và đột nhiên, cha tôi lại phải đối mặt với một trận chiến khó khăn. Cả ô tô im lặng mấy giây. Sau đó, cha giúp chúng tôi bình tĩnh lại: “Không sao”, ông nói, “Chúng ta vẫn có thể thắng”.
Có hai yếu tố có thể khiến cha tôi thất bại trong cuộc đua. Thứ nhất, Bentsen có khả năng thu hút những người Texas có quan điểm chính trị thừa hưởng từ nhiều đời cha ông của họ, với khẩu hiệu: “Texas cần một Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ”. Thứ hai, luật Texas cho phép mỗi địa hạt được tự quy định có bán rượu theo số ly rượu hay không. Việc hạn chế bán rượu bị phản đối dữ dội nhất là trong những khu vực khô hạn của Texas và nhiều người gọi luật này là “luật quán rượu”. Kết quả là rất nhiều người ở vùng nông thôn Texas đi bỏ phiếu với hy vọng sẽ can thiệp được vào luật bán rượu, những người này từ lâu đã ủng hộ Đảng Dân chủ.
Tôi còn nhớ chuyến về vùng nông thôn Kaufman để thay cha tôi kêu gọi sự ủng hộ năm 1970, khi đến nơi, tôi không thấy một bóng người. Tôi hỏi mọi người đã đi đâu hết, một trong số những người còn ở lại nói rằng: “Nghe nói có người của Đảng Cộng hòa đến nên họ về cả rồi” (Tôi đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu của người dân hạt Kaufman khi tôi tới làm việc tại tòa án của họ với tư cách là đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử chức thống đốc bang năm 1994. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi quan điểm chính trị của người dân Texas. Trong ngày bầu cử năm đó, tôi đã giành chiến thắng tại hạt này).
Nhờ những điểm mạnh của cá nhân và tỷ lệ cử tri vùng nông thôn bầu cho Đảng Dân chủ nên Bentsen đã giành chiến thắng trước cha tôi với tỷ lệ phiếu bầu là 53% - 47%. Thất bại này đau đớn hơn thất bại năm 1964 nhiều. Thất bại năm 1964 do ảnh hưởng quá mạnh của Johnson. Thất bại lần này như một hồi chuông báo tử cho tiền đồ chính trị của cha tôi.
Mặc dù thất bại trong cuộc tranh cử, cha tôi vẫn hết sức lịch sự. Ông quay trở lại thủ đô Washington để kết thúc nhiệm kỳ trong Quốc hội, tưởng chừng như đây là những ngày tháng cuối cùng của ông trong vị trí dân biểu. Ông không hận thù hay oán trách gì cả. Ông chấp nhận quyết định của cử tri và đã sẵn sàng cho cuộc sống phía trước. Một hôm, cha tôi nhận được một cuộc điện thoại từ chính Tổng thống Richard Nixon, ông ấy muốn gặp cha tôi ở Nhà Trắng. Từ đống tro tàn của hai lần tranh cử thất bại, cơ hội đổi đời lại đến với cha tôi.