V
ào tháng 1 năm 1981, Laura và tôi cùng bay tới Washington để tham dự lễ nhậm chức của Reagan - Bush. Cha tôi đã mời tất cả những thành viên trong gia đình tôi, từ những đứa cháu nhỏ, anh chị em, cô dì, chú bác, anh em họ hàng hai bên nội ngoại, và tất nhiên trong đó có cả bà tôi. Trước buổi lễ nhậm chức, một vài người trong chúng tôi đã cùng nhau tham dự một buổi tiệc trưa vui vẻ được tổ chức bởi “Những nhân vật nội các trong phòng bếp” của Ron- ald Reagan - những người bạn thân thiết lâu năm và là tri kỷ của ông, như Holmes Tuttle và Justin Dart. Ở đó tôi gặp những người con trai của Tuttle và Dart, Robert Tuttle và Steve Dart, cùng với một người cháu trai của Tuttle, Jim Click. Cả ba người trong số họ đến nay vẫn là những người bạn tốt của tôi, đặc biệt là Robert Tuttle, sau này trở thành đại sứ của tôi tại Vương quốc Anh.
Tất nhiên, sự việc nổi bật nhất ngày hôm đó là chào đón vị Tổng thống mới của nước Mỹ. Ronald Reagan tỏ ra rất thoải mái, và điều đó làm cho mỗi người trong chúng tôi cũng có cảm giác này. Nói cách khác, ông ấy giống cha tôi: lôi cuốn, gần gũi, và nồng hậu. Thậm chí chúng tôi chỉ gặp nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi cũng cảm nhận phần nào được rằng, vị Tổng thống mới và vị Phó Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ có mối quan hệ tốt đẹp trong công việc chung.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đến chỗ ngồi đã được sắp đặt trước của mình ở quảng trường nơi sẽ diễn ra buổi lễ nhậm chức. Lần đầu tiên, buổi lễ nhậm chức được tổ chức tại khu vực phía đông của Điện Capitol. Ngày hôm đó, thời tiết nắng ấm, nhiệt độ 35 độ C ở Washington - ấm hơn rất nhiều so với nhiệt độ nơi đây vào mùa đông - và từ đây nhìn ra, cảnh quan trước tòa nhà National Mall thật tuyệt vời. Riêng phần tôi, tôi thực sự thấy thích thú và ngạc nhiên khi chứng kiến một lượng người rất đông có mặt tại đó, dòng người trải dài tới tận tượng đài Washington, đài tưởng niệm Lincoln, và nghĩa trang quốc gia Arlington.
Tôi không biết rằng buổi lễ nhậm chức năm 1981 hôm đó là lần đầu tiên trong sáu lễ nhậm chức tổng thống mà tôi tham dự (Những lần khác là vào các năm 1985, 1989, 2001, 2005 và năm 2009).
Lúc đó, cảm giác rõ nhất trong tôi là vui sướng và hạnh phúc vì cha. Tôi hãnh diện khi nhìn mẹ nâng cuốn Kinh Thánh khi cha đọc lời tuyên thệ cùng thẩm phán Potter Stewart, một người bạn lâu năm của gia đình tôi, cũng là một người hàng xóm khi xưa ở đường Palisade phía đông bắc Washington, DC. Khi Tổng thống Reagan tuyên thệ nhậm chức, tôi thấy rất hưng phấn vì sự lạc quan và quyết tâm của ông ấy sẽ đưa nước Mỹ phát triển. Ông nói trong bài diễn văn: “Người Mỹ hiện nay có khả năng, giống như chúng ta đã từng có trước kia, làm mọi việc có thể nhằm duy trì thành quả cuối cùng của tự do”.
Sau buổi lễ nhậm chức, cha tôi và tổng thống mới cùng nhau tham dự tiệc trưa tại đồi Capitol. Tổng thống Reagan khiến quan khách ngạc nhiên với bản thông báo đặc biệt: sau 444 ngày bị giam giữ, những con tin người Mỹ tại Iran đã được thả. Điều này làm tôi băn khoăn không biết người Iran chọn thời điểm này bởi họ e ngại Tổng thống Reagan hay muốn lăng mạ Jimmy Carter. Dù thế nào đi nữa, nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan cũng có một khởi đầu tốt đẹp. Và một tuần sau đó, những con tin bị bắt giữ này đã đặt chân lên căn cứ Không quân Andrews, Phó Tổng thống Bush đã có mặt tại đó để chào đón họ trở về.
Sau khi tham dự lễ diễu hành và tiệc khiêu vũ sau lễ nhậm chức, tối hôm đó, anh em chúng tôi về ở dinh thự của phó tổng thống tại trung tâm đài thiên văn Naval Observatory. Tọa lạc trên một thảm cỏ rộng 30 hecta, dinh thự khang trang, lộng lẫy, hoàn hảo dành riêng cho mẹ và cha tôi. Nó có nhiều phòng ngủ còn để trống rất thích hợp với việc tụ họp gia đình, ngoài ra còn có một khu đất rộng lớn bao gồm một sân tennis và một đường chạy bộ, cha mẹ tôi có thể tập thể thao thường xuyên. Ngôi nhà này là nơi chào đón tất cả các thành viên gia đình chúng tôi trong khoảng tám năm tới. Mẹ tôi nói rằng đây là căn nhà gia đình chúng tôi ở lâu nhất từ khi cha mẹ kết hôn.
Trong khi John Nance Garner, người giữ chức phó tổng thống dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt (ông là người Texan đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống), thường phàn nàn rằng chức vụ này “chẳng làm ra trò trống gì cả” và “công việc này là sai lầm ngớ ngẩn và tồi tệ nhất mà ông đã từng làm”.
Thật may mắn, Phó Tổng thống Bush có những trải nghiệm tích cực hơn hẳn.
Nơi làm việc của cha tôi ở tầng đầu tiên của cánh phía tây trong Nhà Trắng, đi xuống đại sảnh từ Phòng Bầu dục và bên cạnh phòng của Thư ký trưởng của tổng thống, James A. Baker. Tổng thống Reagan đã có một quyết định sáng suốt bởi vì Baker là một người hoàn toàn thích hợp cho công việc này. Là một luật sư tài giỏi, một cựu chiến binh, một cựu quan chức trong Bộ thương mại dưới thời Tổng thống Gerald Ford, ông ấy đã thể hiện khả năng quản lý tầm cỡ chuyên gia trong các vấn đề chính sách, chính trị, và nhân sự. Và điều này cũng rất quan trọng, ông ấy là người điềm đạm, có khả năng phán đoán và xử lý tình huống hợp lý, điều này giúp Nhà Trắng vượt qua nhiều khủng hoảng. Tất nhiên, cha tôi cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với ông ấy, và cũng vì ông ấy là một trong những cố vấn cấp cao của tổng thống. Điều này nói lên rất nhiều về tính cách của Ronald Reagan, ông ta đã rất tự tin khi thuê người quản lý chiến dịch tranh cử của đối thủ về làm thư ký cho mình tại Nhà Trắng.
Tiếp nối truyền thống bắt đầu từ Jimmy Carter và Walter Modale, Phó Tổng thống Bush và Tổng thống Ronald Reagan ăn trưa cùng nhau tuần một lần trong phòng ăn riêng gần Phòng Bầu dục. Thực đơn ưa thích của họ là đồ ăn Mexico. Ăn trưa cùng nhau giúp cha tôi và tổng thống hiểu nhau hơn, đó cũng là cơ hội để cha đưa ra những lời góp ý chân thành trong nhiều lĩnh vực cho tổng thống. Cha tôi đã cam kết với tổng thống rằng những cuộc nói chuyện của họ là những bí mật không tiết lộ ra ngoài. Cho nên đến ngày nay, bản thân tôi cũng không biết họ đã nói với nhau những gì và liệu họ có bất đồng quan điểm hay không.
Những gì tôi biết là cha tôi là một con người trung thành với Tổng thống Ronald Reagan và với chương trình nghị sự của ông ấy. Cha tôi nhận ra rằng tổng thống là người thiết lập những chính sách chính phủ; công việc của phó tổng thống là trợ giúp và ủng hộ những quyết định của tổng thống. Theo quan điểm của cha tôi, thì đỉnh điểm của việc bội ước chính là phó tổng thống để lộ ra những bất đồng hay cố gắng tạo ra sự chia rẽ với tổng thống. Tổng thống Reagan gây ấn tượng mạnh đối với các thành viên chính phủ khi ông ấy hoàn toàn không phải lo nghĩ về chuyện sẽ bị phó tổng thống gây rối (các thành viên khác trong chính phủ cũng suy nghĩ như vậy). Tôi dám chắc rằng các nhân viên trong Nhà Trắng cũng biết và đánh giá cao cách làm việc của cha tôi. Chẳng bao lâu sau, cha bày tỏ lòng trung thành theo cách không ai ngờ tới.
Ngày 30 tháng 3 năm 1981, George H.W. Bush bay từ Washington tới Fort Worth, nơi ông tham dự một sự kiện thường niên tại khách sạn Texas - một địa điểm đáng nhớ của địa phương, chính nơi đây, Tổng thống John F. Kennedy đã có đêm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông năm 1963. Sau đó, cha tôi lái xe tới căn cứ Quân sự Không quân Carswell và lên chiếc Không lực số 2 để bay tới Austin, nơi cha tôi được mời đến tham dự một buổi họp của cơ quan lập pháp của bang này.
Lúc đó tại Washington, một kẻ gây rối tên là John Hinckley đã bắn Tổng thống Reagan khi ông ấy đang đi bộ ra phía cổng phụ của khách sạn Washington Hilton. Phát súng đã làm vị Thư ký báo chí của Nhà Trắng James Brady, đặc vụ Sở Mật vụ Timothy McCarthy, nhân viên cảnh sát D.C. Thomas Delahanty, bị thương. Tổng thống được đưa ngay vào bệnh viện Đại học George Washington, các bác sĩ ở đây đã phát hiện ra ông bị thương rất nặng, máu chảy nhiều bên trong vì viên đạn đã xuyên vào gần phổi. Họ chèn một cái ống vào trong ngực ông, và đẩy xe lăn đưa ông vào phòng mổ để bắt đầu phẫu thuật (Đằng sau mặt nạ dưỡng khí, tổng thống nói đùa: “Tôi hy vọng tất cả các bạn đều theo Đảng Cộng hòa”).
Cha tôi nghe về vụ xả súng sau khi chiếc Không lực số 2 cất cánh ở Fort Worth. Đặc vụ bảo vệ, Ed Pollard, ban đầu chỉ thông báo tổng thống không bị thiệt hại gì. Nhưng ít phút sau, anh ta chạy ào vào khoang máy bay để báo: Tổng thống đã bị bắn. Hiện giờ vẫn chưa thể biết chính xác tình trạng của ông ấy và cha tôi cần quay lại Washington ngay lập tức. Cũng vào khoảng thời gian đó, điện thoại an ninh trên máy bay reo, Thư ký chính phủ Alexander Haig gọi điện để báo cho cha tôi về sự việc này. Cha tôi đã cố gắng nói chuyện với ông ấy, nhưng chỉ nghe thấy tiếng lẹt xẹt qua điện thoại. Liên lạc không thành công càng làm tăng tính mơ hồ về tình trạng của tổng thống.
20 năm sau đó, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, đến lượt tôi rơi vào hoàn cảnh này, tôi cũng trải qua cảm giác tức giận tương tự với những trang thiết bị liên lạc trên chiếc Không lực số 1.
Cha tôi cần một khoảng thời gian để xử lý những thông tin ông vừa ghi nhận được. Cha tôi đã cẩn thận ghi chép lại những phản ứng của ông lên một chiếc thẻ lên máy bay của chiếc Không lực số 2 (Chiếc thẻ này hiện nay được trưng bày ở thư viện của Tổng thống George Bush tại Texas A&M). Đầu tiên, cha tôi nghĩ về tổng thống như một người bạn - “đứng đắn, niềm nở, tốt bụng”, cha tôi viết lên thẻ. Sau đó cha tôi viết về trách nhiệm của mình. Ông viết vội một lời nhắc nhở tránh bị hoảng loạn. Cha tôi đã viết từ “bất an”, đây là cảm giác ông biết chắc chắn người dân Mỹ đang trải qua. Cha tôi biết rằng cần giúp mọi người giữ ổn định và giúp cho quốc gia đang rối loạn trở về trạng thái bình tĩnh.
Khi chiếc Không lực số 2 hạ cánh xuống căn cứ Không quân Andrews, Cơ quan Mật vụ muốn máy bay chờ cha tôi đáp xuống bãi cỏ phía nam - nơi tổng thống thường hạ cánh ở Marine One. Nhưng ông đã từ chối. Cha tôi không muốn gửi đi một tín hiệu cho thấy tổng thống đã mất quyền chỉ huy. Cha tôi ra hiệu cho chiếc máy bay lên thẳng này đưa ông về nơi hạ cánh quen thuộc tại trung tâm đài thiên văn Naval Observatory, và từ đó cha tôi đi xe hơi tới Nhà Trắng.
“Chỉ có Tổng thống mới được hạ cánh ở bãi cỏ phía nam”, ông nói.
Khi cha tôi đến Phòng Tình huống, ông nhận tin tổng thống đã được phẫu thuật xong và được dự đoán sẽ sớm hồi phục. Cha tôi đi xuống phòng họp báo, ông đã công bố ngắn gọn và lạc quan về tình trạng của tổng thống - một sự tương phản hoàn toàn với những gì báo chí đã viết. Hôm sau, cha tôi đến thăm tổng thống trong bệnh viện và chủ trì một cuộc họp nội các. Các nhà báo để ý thấy Phó Tổng thống Bush vẫn ngồi chiếc ghế quen thuộc chứ không ngồi vào ghế dành cho Tổng thống Reagan. Tôi dám chắc rằng chẳng bao giờ cha tôi để ý tới việc ngồi vào chiếc ghế của tổng thống. Cha tôi hiểu rằng công việc của ông là giúp đỡ tổng thống chứ không phải là loại bỏ ông ấy. Hai tuần sau, tổng thống quay trở lại Nhà Trắng. Một tháng sau, tổng thống chủ trì cuộc họp lưỡng viện Quốc hội.
Qua khủng hoảng mới hiểu lòng nhau. Tổng thống - và đất nước - đã nhận rõ Phó Tổng thống George Bush là con người mà họ có thể hoàn toàn tin tưởng.
Niềm tin của Tổng thống đối với cha tôi tăng lên, vì thế vai trò của ông trong chính quyền cũng tăng. Tổng thống Reagan đã xin ý kiến của cha tôi khi đề xuất một loạt các chính sách quan trọng. Cha tôi đã đi đầu trong việc bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của liên bang. Từng là một doanh nhân nhiều kinh nghiệm, cha tôi rất thấu hiểu vấn nạn thủ tục hành chính quan liêu gây ra gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp, và ông đề nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi những luật lệ không cần thiết hoặc tốn kém. Cha tôi cũng lãnh đạo một đội đặc nhiệm ngăn chặn việc buôn bán ma túy ở Nam Florida, một trong các vấn đề phức tạp vào những năm 1980. Chính quyền đã theo đuổi một chiến lược ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy từ khu vực Nam Mỹ lên bờ biển phía đông.
Trách nhiệm khác nữa của cha tôi là đại diện cho tổng thổng và nước Mỹ tại nước ngoài. Trong vòng tám năm, cha tôi đã đến tổng cộng hơn 60 quốc gia. Những sứ mệnh ngoại giao này được trao cho cha tôi vì kinh nghiệm tuyệt vời của ông khi làm đại sứ tại Trung Quốc và Liên Hợp Quốc. Cha tôi đã gây dựng lòng tin với những nhà lãnh đạo ở nhiều nơi quan trọng trên thế giới như Trung Đông và châu Á. Ông giữ mối quan hệ tốt đẹp với Bộ trưởng Ngoại giao Margaret Thatcher của Vương quốc Anh. Cha tôi cũng đi tới khu vực Trung Mỹ, sự hiện diện của ông tại khu vực này chứng minh cho cam kết của Mỹ với các quốc gia dân chủ. Ông đến châu Phi giúp giám sát phân phát lương thực và thuốc men cho những nạn nhân hạn hán và những người tị nạn. Và ông dành thời gian tới Bức màn sắt ở châu Âu, nơi cha tôi gặp gỡ các nhân vật chủ chốt như Lech Walesa, thủ lĩnh phong trào Đoàn kết tại Ba Lan.
Một trong những chuyến đi mà cha tôi gặp nhiều khó khăn nhất là tới Lebanon năm 1983. Cha tôi đã bay tới Beirut chỉ ba ngày sau khi những kẻ khủng bố Hezbollah đánh bom vào doanh trại quân đội Marine của Mỹ, cướp đi sinh mạng của 241 người Mỹ. Cha tôi đã làm mọi cách để an ủi các gia đình mất người thân trong cuộc tấn công. Như một động thái thận trọng và an toàn hơn cho dân Mỹ thoát khỏi Hezbollah và các nhóm khủng bố khác, Tổng thống Reagan rút quân đội Mỹ khỏi Lebanon. Không may là al Qaeda hiểu động thái rút quân của Mỹ như một dấu hiệu thể hiện sự suy yếu của quân đội. Osama bin Laden loan tin Mỹ phải rút khỏi Lebanon vì Mỹ là “con hổ giấy” và “mới bị đánh đã tháo chạy”.
Cha tôi còn an ủi những gia đình người Mỹ sau một số thảm kịch khác. Năm 1985, những kẻ khủng bố Hezbollah đã cướp chiếc máy bay TWA 847 bay từ Athens tới Roma. Chúng hướng máy bay tới Lebanon, tại đây chúng sát hại một lính thủy Mỹ và bắt giữ nhiều hành khách khác trên máy bay làm con tin, trong đó có một số người Mỹ. Khi những con tin này được thả, Tổng thống Reagan cử cha tôi tới gặp những người này tại Đức trước khi họ trở về nhà. Năm 1986, sau khi tàu con thoi Challenger phát nổ, Tổng thống Reagan lại cử cha tôi đến Floria để thăm viếng gia đình của những phi hành gia đã tử nạn. Đến nay, cha tôi vẫn còn giữ mối liên lạc với June Scobee Rodgers, bà quả phụ của sĩ quan chỉ huy Dick Scobee đã thiệt mạng trên con tàu Challenger. Bản chất của cha là người tốt bụng, lịch sự, có khả năng kết nối với trái tim con người, vì thế cha rất thích hợp cho công việc này.
Nhìn lại quá khứ, chuyến đi quan trọng nhất của cha tôi trong vai trò phó tổng thống là những chuyến bay tới Liên Xô.
Trong vòng ba năm, ba nhà lãnh đạo Liên Xô qua đời, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko. Tổng thống Reagan đã yêu cầu cha tôi tham dự đủ từng đám tang của họ, điều này khiến Jim Baker mô tả vai trò phó tổng thống của cha tôi là “anh chết, tôi bay”.
Những chuyến đi này mang lại cho cha tôi sự thấu hiểu sâu sắc về hệ thống Liên bang Xô viết. Cha tôi rất ấn tượng với những biểu hiện quyền lực được phô trương trong lễ tang: những đoàn quân tề chỉnh diễu hành, bình đựng tro được kéo bằng xe tăng. Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, Liên Xô dường như là một đế chế hùng mạnh không thể ngăn cản. Nhưng ẩn dưới vẻ bề ngoài diễu võ dương oai, có cảm giác như nền tảng thực sự của đất nước này đang sụp đổ. Những nhà lãnh đạo đang già hóa và chết dần, điều này như hồi chuông cảnh báo sự chấm dứt của hệ thống Liên Xô. Một lần nói chuyện với giáo đoàn ở nhà thờ Martin’s Episcopal sau khi viếng đám tang của Brezhnev năm 1982, cha tôi nói, “Họ còn thiếu một cái gì đó. Họ không nhắc đến Chúa. Không có niềm vui, không có hy vọng... Không có gì khuyến khích họ vươn lên...”.
Chuyến đi quan trọng nhất của cha tôi là dự lễ tang Chernenco năm 1985 tại Moscow. Sau lễ an táng trang trọng đã trở nên nhàm chán tại Quảng trường Đỏ, cha tôi gặp gỡ nhà lãnh đạo Xô viết mới, Mikhail Gorbachev. Cha tôi không mất quá nhiều thời gian để nhận ra sự khác biệt giữa Gorbachev và những nhà lãnh đạo trước của Xô viết. Trẻ hơn các bậc tiền bối, Gorbachev là một con người niềm nở và lôi cuốn. Ông ấy nói chuyện mà không cần giấy tờ ghi chép. Thay vì lặp lại những lời nói vô vị sáo rỗng, ông ta bộc bạch muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nước Mỹ.
George Bush là một người biết lắng nghe và rất giỏi đọc suy nghĩ của người khác. Khi cha tôi nghe thấy nhà lãnh đạo Gorbachev nói rằng ông ấy muốn bắt đầu “mối quan hệ kiểu mới”, ông ấy tin rằng có cơ hội thực sự cho cả Mỹ và Liên Xô kiến tạo mối quan hệ tốt đẹp trong một giai đoạn mới. Cha tôi báo cáo với tổng thống rằng ông cảm thấy có thể sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với Gorbachev. Reagan và Gorbachev gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva cùng năm đó. Và một năm sau, họ đã cùng nhau tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Reykjavik, Ireland. Những cuộc gặp là khởi đầu cho những mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của thế kỷ XX
- đó là một điều mà cả Tổng thống Reagan và cha tôi đều ấp ủ, cho tới khi Chiến tranh Lạnh kết thúc trong hòa bình.
* * *
Quãng thời gian làm phó tổng thống là một trong những trải nghiệm tuyệt vời của cha tôi. Không giống như những phó tổng thống tiền nhiệm, cha tôi chưa bao giờ cảm thấy bị loại ra khỏi tổ chức, hay như ở Washington, người ta hay nói là bị cho ra rìa. Cha tôi ngưỡng mộ những quyết định khó khăn mà Tổng thống Reagan đã đưa ra. Dần dần, cha tôi và Tổng thống Reagan đã có một mối quan hệ vượt lên trên giới hạn công việc, họ trở thành những người bạn tốt.
Có một lý do giải thích tại sao cha tôi và Tổng thống Reagan có mối quan hệ tốt đẹp như vậy, đó là cả hai đều có khiếu hài hước. Trong một lá thư gửi cho Tổng thống Reagan báo cáo về chuyến đi tới Phần Lan, cha tôi tả lại việc tắm trong nhà tắm hơi kiểu Phần Lan như sau: “Lúc đầu, tôi cảm thấy rất ngại ngồi với bốn ông Phần Lan trong nhà tắm hơi trong khi tất cả phải khỏa thân, trước đó tôi còn chưa biết những ông kia”. Ông viết tiếp: “Chúng tôi đã tắm hết tất cả quy trình, cả nhảy lên nước băng tan”. Tổng thống Reagan cũng thường kể chuyện cười. Khi cha tôi hỏi tổng thống cuộc gặp gỡ của ông ấy với Đức Hồng y Desmond Tutu thế nào, tổng thống trả lời “thường thôi”.
Năm 1985, các bác sĩ Nhà Trắng chẩn đoán Reagan bị u ruột, tổng thống vào bệnh viện Bethesda Naval để phẫu thuật. Trước khi lên bàn mổ, Tổng thống Reagan đã trao quyền hành tổng thống cho cha tôi, trở thành Tổng thống đầu tiên sử dụng đến Tu chính án 25 trong Hiến pháp (quy định phó tổng thống là người kế nhiệm trực tiếp trong trường hợp xấu xảy ra với tổng thống). (Sau này khi làm tổng thống, tôi cũng cần dùng đến Tu chính án thứ 25 khi phải trải qua một cuộc tiểu phẫu). Cha tôi giữ vai trò tổng thống trong khoảng tám tiếng đồng hồ. Lúc đó, ông đang ở bang Maine, chơi quần vợt và ít xuất hiện trước công chúng. Một người bạn của ông ấy kể lại rằng cha tôi đã trượt chân trong khi cố gắng thực hiện cú đánh tầm thấp, nó khiến ông ấy ngã lộn nhào ra sân, có vẻ rất đau. Thật may mắn, ông ấy nhanh chóng hồi phục và không ai phải thông báo cho Tip O’Neill, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, về chuyện công bố tên của người tạm thay thế cho cả tổng thống và phó tổng thống.
Sau khi tổng thống quay trở lại Nhà Trắng, cha tôi đã đến thăm hỏi và bày tỏ hy vọng ông ấy nhanh hồi phục. Cha tôi thấy Tổng thống Reagan đang nằm trên chiếc ghế dài, khoác một cái áo choàng đỏ và miệng ngậm một bông hoa, như thể người ta đang chuẩn bị tổ chức đám tang cho ông ấy. Trong khi cha tôi vẫn còn ngỡ ngàng với những gì nhìn thấy trước mắt, tổng thống liền đứng bật dậy và cả hai cùng cười vang sảng khoái.
Mẹ tôi cũng có những năm tháng tuyệt vời trong nhiệm kỳ làm phó tổng thống của cha tôi. Với vai trò Đệ nhị phu nhân, mẹ tham gia vào những vấn đề quan trọng, đặc biệt là phổ cập giáo dục và làm tình nguyện. Thế nhưng, mẹ tôi không có mối quan hệ gần gũi với Phu nhân Nancy Reagan như cha tôi với tổng thống. Bà Reagan rất thân thiện, nhưng lại chẳng bao giờ thể hiện điều đó ra bên ngoài để mẹ tôi cảm thấy tự nhiên. Khi cha tôi được bầu làm tổng thống sau tám năm làm phó tổng thống, tôi vô cùng ngạc nhiên khi mẹ nói bà chưa từng vào khu dinh thự bên trong Nhà Trắng. Sau này, khi tôi trở thành tổng thống, Laura và tôi đã mời Dick Cheney, Lynne Cheney cùng các thành viên khác trong gia đình họ tới thăm nơi ở của chúng tôi trong Nhà Trắng và tham gia các sự kiện tổ chức ở đây.
Tuy phải đi công tác và làm việc chính trị trong vai trò phó tổng thống, cha tôi vẫn đặt gia đình lên trên hết. Cha thường xuyên về thăm nhà ở Walker’s Point vào dịp nghỉ hè. Ông muốn được nghỉ ngơi thư giãn ở quê nhà. Khi hiệp hội các thống đốc bang tổ chức cuộc họp mặt toàn quốc năm 1983 ở Portland, bang Maine, cha tôi đã mời tất cả các nhà lãnh đạo và gia đình của họ tới một bữa tiệc trên bãi biển. Tối hôm đó không có băng rôn, khẩu hiệu của bất cứ đảng phái nào được trưng bày. Các vị khách xuất thân từ các đảng phái khác nhau, trong đó có hai vị thống đốc mà cha tôi sẽ gặp nhiều trong tương lai: Michael Dukakis và Bill Clinton.
Bill Clinton kể, ông ấy và Hillary cùng cô con gái ba tuổi, Chelsea, đến bữa tiệc. Họ đứng xếp hàng chờ đến lượt được phục vụ, họ đã dạy cô bé cách chào hỏi Phó Tổng thống. Nhưng khi Phó Tổng thống bước vào căn phòng, cô bé lại lớn tiếng hỏi, “Phòng vệ sinh ở đâu ạ?”. Thống đốc Clinton rất ngạc nhiên khi phó tổng thống đích thân dẫn cô bé Chelsea vào nhà và nhờ mẹ của ông đưa bé đến nhà vệ sinh. Cử chỉ thân thiện này đã gây ấn tượng mạnh với cô bé và cả Bill Clinton nữa.
Trong những năm làm phó tổng thống, Cha tôi luôn quan tâm đến bà tôi. Bà thường tới thăm cha ở Washington, và thậm chí khi không gặp, bà vẫn dõi theo cuộc sống của ông. Một lần, sau khi Tổng thống Reagan đọc diễn văn trước cử tri cả nước, bà gọi điện cho cha tôi và nói bà trông thấy cha tôi nhìn xuống khi Tổng thống Reagan diễn thuyết. “Khi tổng thống nói thì con nên chú ý lắng nghe”, bà đã khiển trách cha tôi về điều này. Cha tôi giải thích rằng, lúc đó ông đang chú tâm đọc bản ghi chép bài diễn văn. Câu trả lời đó không làm bà hài lòng. Cha tôi là phó tổng thống của nước Mỹ, nhưng ông vẫn là con trai của Dorothy Walker Bush.
Cho dù có chuyện gì xảy ra, cha tôi cũng không quên gọi điện thoại và gửi thư cho anh em chúng tôi. Trong một bức thư gửi cho chúng tôi năm 1983, cha viết, “Cha đang già đi. Cha không biết chắc tương lai sẽ ra sao. Cha không lo lắng về điều đó. Được hay mất, già đi hay trẻ lại, chúng ta vẫn luôn có gia đình”.
Cha tôi luôn hết mình với gia đình. Một lần, em trai tôi, Marvin nằm viện vì bị viêm ruột kết cấp, hằng ngày cha tôi vào viện thăm chú ấy. Vào những ngày Marvin đau đớn nhiều nhất, cha tôi xếp lại lịch trình các cuộc họp và chuyển văn phòng tạm thời tới bệnh viện để có thể ở bên giường bệnh chăm sóc cho con trai. Marvin đã sút khoảng 25kg khi bệnh nặng nhất. Tôi biết rằng cha mẹ tôi lại nghĩ về Robin, và cầu nguyện để không bị mất đi người con nào khác.
Thật may mắn, em trai tôi, Marvin, đã nhanh chóng hồi phục. Để giúp em trai tôi lấy lại tinh thần sau ca phẫu thuật đầy khó khăn, cha tôi nhờ một người bạn tên là Arthur Richman làm việc trong đội bóng New York Mets, giúp em tôi. Sau khi được cha tôi nhờ, các cầu thủ và người hâm mộ đội bóng đã gọi điện cho Marvin để chúc chú ấy sớm hồi phục. Chú ấy hồi phục hoàn toàn ngay sau đó và chúng tôi nhanh chóng có lý do để ăn mừng khi chú ấy và vợ, Margaret, nhận một bé gái làm con nuôi, đó là đứa con đầu tiên của gia đình chú ấy, được đón về từ nhà tình thương Gladney ở Fort Worth, Texas. Sau đó, họ lại nhận nuôi thêm một cậu con trai, Walker, cũng từ nhà tình thương này. Cha tôi biết ơn đội bóng đá Mets vì sự nhiệt tình của họ - cho tới khi họ đánh bại đội Houston Astros trong Giải vô địch quốc gia năm 1986. Về phần mình, Marvin tri ân những người đã gọi điện giúp chú ấy có nghị lực thoát khỏi căn bệnh. Khi phát ngôn viên Nhà Trắng, Tip O’Neil, cũng phải trải qua một ca phẫu thuật tương tự, Marvin đã gọi điện để động viên tinh thần ông ấy. Sau đó ông ấy đã nói với cha tôi rằng, “Bậc sinh thành nào đã nuôi dạy Marvin chắc hẳn phải là người tốt”.
Marshall và Walker không phải là những thành viên mới duy nhất của gia đình chúng tôi trong những năm tháng đó. Anh em tôi và tôi đã cho ra đời tám đứa trẻ nữa - trong đó tôi và Laura sinh đôi hai con gái Barbara và Jenna vào ngày 25 tháng 11 năm 1981. Cha tôi đã viết lại cảm nghĩ của ông về gia đình trong một bức thư gửi cho Jeb và Colu sau khi đứa con thứ ba của họ, John Ellis Bush Jr, chào đời năm 1983: “Cuộc gọi tối hôm qua mang lại niềm vui mừng khôn xiết”, ông viết tiếp, “Chẳng có gì quan trọng hơn việc chúng ta đón thêm một thành viên JB mới trong gia đình”.
Hai mươi tám năm sau đó, vào tháng 8 năm 2011, Jeb Jr. và vợ của mình, Sandra, lại nhận được một lá thư khác từ George Bush. Theo sự phát triển của thời gian, thay vì gửi qua đường bưu điện, nó được gửi bằng email: “Cụ chưa được gặp cháu và cụ rất yêu cháu”. Bức thư được ký “Gampy” và gửi đến đứa chắt đầu tiên của ông, Georgia Helena Walker Bush.
Giống như hầu hết các vị Phó tổng thống có phong cách hiện đại khác, cha tôi dành nhiều thời gian cho những đảng cấp cơ sở. Điều này đến với cha một cách tự nhiên vì từ khi làm Chủ tịch đảng, Cha luôn dành tình cảm cho mọi người. Khi cuộc bầu cử năm 1984 đang tới gần, cha tôi đến tất cả năm mươi bang để khởi động các chiến dịch tranh cử do những người tình nguyện tổ chức. Ông đã tham gia vào dòng người gây quỹ và những bữa ăn tối mệt mỏi để kêu gọi ủng hộ tranh cử. Tôi nghĩ sự kiện mà ông thích nhất là trận bóng chày của các cựu cầu thủ ngôi sao ở sân vận động Mile High. Khi đó, ông đang vận động ở Colorado và ngỏ lời sẽ ghé qua xem những trận đấu. Các nhà tổ chức sự kiện thể thao này đã khiến cha tôi bất ngờ khi ông được mời vào sân thi đấu trong vị trí cũ: tiền đạo.
Với một chính trị gia sáu mươi tuổi, đó là một cuộc chơi mạo hiểm. Trận đấu này có thể đặt người đại diện quốc gia vào những tình huống rắc rối. Nhưng cựu đội trưởng của đội bóng chày Yale vẫn còn giữ nhiều nét phong độ như thời trai trẻ. Ông mặc bộ đồng phục của đội Denver Bears, một đội thuộc câu lạc bộ hiệp hội nhà nghề Mỹ. Khi cha tôi phải đánh cú bóng ném ra từ cầu thủ giao bóng Milt Pappas, cựu cầu thủ của đội Baltimore Orioles và đội Chicago Cubs, một người từng ba lần giành giải ngôi sao của mọi trận đấu, cha tôi đã đánh lệch bóng về phía cánh phải sân đấu. Rõ ràng Milt đã có một cú giao bóng nhanh và mạnh mà không hề sợ hãi, dù người đánh bóng là phó tổng thống. Pappas và cha tôi còn giữ liên lạc với nhau nhiều năm sau trận đấu.
Cha tôi cũng có vị thế đặc biệt ở môn thể thao này. Một lần, khi Orlando Cepeda, từng là một vận động viên được vinh danh trên Đại lộ Danh vọng, đã nhiều năm chơi cho đội bóng San Francisco Giants, đánh bóng rất mạnh như tên lửa vào vạch kẻ điểm đánh bóng đầu tiên. Cha tôi đã đỡ trái bóng và có một pha xử lý hết sức khéo léo, cha tôi nhắm đánh một cách tinh tế và tung trái bóng về phía người bắt bóng đứng phía sân bên kia, ông đã thành công và ghi điểm trước đối phương. Tôi vẫn còn nhớ vẻ mặt vui mừng của ông khi chạy vào khu vực ghế ngồi nghỉ của các cầu thủ.
Những chuyến vận động tranh cử của cha tôi càng được thực hiện nhiều hơn khi Đảng Dân chủ chọn được ứng cử viên của họ để cạnh tranh chiếc ghế tổng thống năm 1984: Walker Modale, người từng là phó tổng thống dưới quyền Tổng thống Jimmy Carter. Mondale đã giành chiến thắng một cách chật vật trong hội nghị chọn ứng cử viên khi ông đánh bại Thượng nghị sĩ Gary Hart của Colorado. Đó là một đặc trưng cho thời kỳ chính trị nước Mỹ được quyết định chỉ bằng những câu từ đơn giản nhưng đắt giá. Trong một cuộc tranh luận của Đảng Dân chủ, Mondale đã lên tiếng chỉ trích Hart về việc thiếu tính căn bản khi gặng hỏi rằng: “Thịt bò ở đâu?” - một câu nói mượn trong quảng cáo thương mại món bánh kẹp Wendy. Giống như câu hỏi tàn khốc của Ronald Reagan đặt ra trong một cuộc tranh luận năm 1980 với Jimmy Carter: “Bây giờ anh có thấy tốt hơn chính mình bốn năm về trước không”. Câu hỏi đầy ẩn ý hiệu quả của Mondale đã mang hàm ý phê phán Hart nặng nề.
Tổng thống Reagan đã dẫn đầu một cách dễ dàng trong cuộc trưng cầu ý kiến suốt mùa hè, tuy nhiên ngay sau hội nghị của Đảng Dân chủ, Modale đã gây sốc cho cuộc tranh cử bằng việc ghi danh nữ Nghị sĩ Geraldine Ferraro là người đồng hành với ông ta, tranh cử chức vị phó tổng thống. Người phụ nữ đầu tiên đã từng xuất hiện trong việc cạnh tranh chức vụ tổng thống của nước Mỹ, Ferraro, là một chính trị gia hiểu biết sâu rộng và là một công tố viên đến từ Queens, New York. Bà không có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu chính trị quốc gia, nhưng việc ứng cử viên lựa chọn bà đã làm cho đám đông hứng thú và phấn khích. Cha tôi đã gửi một lá thư cho nữ nghị sĩ này trong ngày bà được đề cử, “Gernaldine thân mến, cô đã làm tốt lắm, chúc mừng cô đã được lựa chọn, chúc cô may mắn trong một số lĩnh vực”.
Một tháng trước ngày bầu cử, cha tôi đã trải qua một việc không như ý muốn, đó là phải tranh luận công khai với Ferraro, đây vẫn còn là cuộc tranh luận được mong đợi nhiều nhất giữa các ứng cử viên phó tổng thống trong lịch sử chính trị Mỹ. Với kiến thức và kinh nghiệm, cha tôi đã khiến bà ấy được mở mang tầm mắt, thế nhưng ông cũng thận trọng hạ mình. Ông biết rằng giới báo chí sẵn sàng lao vào gán cho ông tội danh phân biệt đối xử với phụ nữ. Cha tôi đã chuẩn bị cho cuộc tranh luận bằng việc tập dượt tranh luận với nữ Nghị sĩ Lynn Martin của bang Illinois (khi đó ông đã có ấn tượng mạnh đến mức sau này, ông lấy tên bà ấy để đặt tên cho Nội các của mình). Tất cả mọi thứ đều được cân nhắc. Buổi tối hôm đó ở Philadelphia diễn ra khá tốt đẹp với cha. Ông cư xử với đối thủ một cách đầy tôn trọng, thế nhưng, ông chẳng hề do dự chỉ ra những sự bất đồng, hay những điểm sai trái của bà ấy, ví dụ như khi bà ấy mô tả sai quan điểm của chính quyền trong hiệp ước START và tên lửa ở châu Âu. Nhiều năm sau đó, khi tôi tranh luận với Ann Richard trong cuộc tranh cử vào vị trí Thống đốc bang Texas, tôi lấy tấm gương của cha tôi như là một bài học làm thế nào để làm rõ một vấn đề chứ không phải lăng mạ đối thủ.
Chủ đề gây tranh cãi nhất trong cuộc tranh luận đến vào buổi sáng hôm sau. Cha tôi đã gặp vài người khuân vác ở một bến cảng sôi động ở New Jersey, và kể lại những diễn biến của tối hôm trước bằng ngôn ngữ tràn trề năng lượng cũng như phù hợp với bối cảnh bến cảng. Cha tôi nói rằng: “Tối qua, chúng ta đã đá bay một số cái mông khỏi chiếc ghế”. Có lẽ cha tôi không biết có một chiếc micro của truyền hình đã ghi lại lời nói này. Báo chí đã có một ngày sôi sục, họ thổi phồng khoảnh khắc đó, họ đã buộc cha tôi tội phân biệt giới tính. May mắn là những chiến dịch phản đối này mau chóng qua đi, và hầu hết cử tri cũng nhanh chóng quên sự kiện hôm đó.
Biến cố ngày hôm ấy chỉ là một trong những căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha tôi và giới truyền thông trong suốt chiến dịch năm 1984. Trong những ngày cuối của chiến dịch khi tôi cùng tham gia tranh cử cho cha, tôi có thể nói rằng cha tôi và đoàn báo chí đi cùng chiến dịch có mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp nếu không muốn nói là thù địch. Họ đánh hội đồng ông bằng việc lặp đi lặp lại những câu hỏi về quan điểm của ông trong vấn đề nạo phá thai, và những đặc ân ông được hưởng từ dòng dõi gia tộc. Tôi có ấn tượng với việc nhiều thành viên trong nhóm báo chí, đặc biệt là những nữ phóng viên, tích cực ủng hộ cho nữ Nghị sĩ Geraldine Ferraro.
Mẹ tôi vô cùng tức giận vì những bài báo tiêu cực, cuối cùng bà đã phát cáu. Sau khi một nhà báo lặp lại một trong những cái cớ phê phán cha xuất thân trong gia đình giàu có, quyền quý, mẹ tôi đã phản công rằng chồng của nữ Nghị sĩ Ferraro có một khối tài sản khổng lồ hơn nhiều.
“Bốn triệu đô la - Tôi không biết gọi nó là gì nhưng nó lại ăn vần với từ ‘giàu’ có thể dùng tiền này mà mua George Bush ngày nào cũng được”, mẹ tôi nói. Đó là lời nói bộc trực điển hình của Barbara Bush và không có ý xúc phạm ai cả. Mẹ tôi đã rất hối tiếc ngay khi trót lỡ miệng nói ra câu này. Mẹ tôi gọi điện và xin lỗi Geraldine Ferraro, người đã ngay sau đó bỏ qua cho mẹ tôi. Anh em chúng tôi không quá rộng lượng như vậy. Chúng tôi vô cùng phấn khích gọi mẹ là “Nhà thơ biết gieo vần” của gia đình.
Nhiều năm sau đó, cha tôi vẫn tiếp tục tình bạn chân thật của ông với Geraldine Ferraro. Khi bà ấy sắp qua đời, cha tôi đã gửi cho bà một email: “Tôi thường nghĩ về mối quan hệ lạ lùng nhưng kỳ diệu giữa hai chúng ta, tôi hy vọng bà hiểu rằng, tôi luôn xem bà là một người bạn thực sự. Thật ra, tôi muốn nói là tôi yêu bà”.
Nhìn về quá khứ, những vụ việc xảy ra với giới truyền thông năm 1984 là một bài học kinh nghiệm tuyệt vời. Chiến dịch tranh cử tổng thống vô cùng mệt mỏi và căng thẳng. Ngay cả với một người đầy kinh nghiệm tranh cử như cha tôi cũng bị chọc giận và cư xử thiếu bình tĩnh, và bạn chẳng thể nào đoán trước được những chiếc micro ẩn nấp ở đâu đó có thể ghi lại lời nói của bạn bất cứ lúc nào. Tôi đã có trải nghiệm tương tự vào năm 2000, một micro của nhà báo tờ New York Times ở Naperville, Illinois yêu cầu tôi nhận xét chân thật về Dick Cheney. Bài học ở đây là hãy giữ kỷ luật, giữ bình tĩnh và kiên trì nói ra thông điệp của bạn. Và nếu phu nhân của bạn có nói sơ hở câu nào, hãy đi ba phần tư quãng đường để tha thứ cho cô ấy.
Với tất cả những điều kịch tính diễn ra trong suốt thời gian tranh cử, cuộc bầu cử này được đánh giá là lôi cuốn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thống Reagan giành chiến thắng ở tất cả các bang ngoại trừ Minnensota (cộng với quận Columbia). Ngay từ những ngày đầu trong nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống đã rất hào phóng cho cha tôi thời gian một tuần để đi nghỉ ngơi cắm trại. Cha tôi đã cùng với anh em và những người cháu của mình gặp gỡ những người ủng hộ mà ông đã tập hợp được cho cuộc tranh cử lần tới vào năm 1988. Một trong những chiến lược gia mà chúng tôi đã gặp trong ngày hôm đó là Lee Atwater, một người Nam Carolinian lỗi lạc, ông ấy từng là một trong những cố vấn tài ba của Tổng thống Reagan. Jeb và tôi đã hỏi ông ấy rằng liệu có phải ông ấy luôn trung thành với cha tôi không. Giống như Jeb nói: “Nếu có ai đó ném một quả lựu đạn vào cha chúng tôi, tôi hy vọng ông cũng sẽ giẫm lên nó”. Ông ấy khẳng định với chúng tôi rằng ông ấy tuyệt đối trung thành với Phó Tổng thống George Bush.
Thế rồi ông ấy đã nảy ra một ý tưởng rất tuyệt vời. “Có phải các cháu có lo lắng về lòng trung thành của tôi, thế tại sao các cháu không đến Washington một chuyến để cùng làm việc trong chiến dịch này và trông chừng tôi?”