Đ
iều khiển bằng tay
Tôi và An Đóa đang ngồi trên ghế sô pha xem tivi. Con bé muốn chuyển kênh khác nên đi tìm điều khiển khắp nơi.
“Mẹ ơi, điều khiển tivi đâu ạ?”
Thực ra, điều khiển đang nằm dưới tay trái của tôi nhưng đột nhiên tôi muốn chọc An Đóa một chút nên ra vẻ đắc ý nói: “Cần gì phải dùng đến điều khiển, mẹ chỉ cần dùng ngón tay cũng có thể chuyển kênh được”.
“Không thể nào!” An Đóa đứng bên phải nhìn tôi cười hì hì, ra vẻ không tin.
Tôi giơ tay phải lên, chĩa ngón trỏ về phía màn hình ti vi nhấn một cái, vậy là ti vi chuyển sang kênh khác. Nhấn một cái nữa, lại chuyển kênh khác. An Đóa há hốc miệng ngạc nhiên nhìn tôi hỏi: “Mẹ, sao mẹ làm được như thế vậy?”.
Tôi ra vẻ huyền bí nói: “Bởi vì mẹ có năng lực siêu nhiên. Mẹ chỉ cần vận công, tivi sẽ cảm nhận được năng lượng của mẹ nên có thể chuyển kênh. Mà năng lực siêu nhiên này có tính di truyền đấy, hay là con cũng thử xem sao”.
An Đóa thử làm theo tôi, đưa tay lên rồi chỉ ngón trỏ về phía màn hình tivi, quả nhiên tivi lại chuyển kênh! Chỉ lần nữa, tivi lại chuyển kênh. Lúc này, con bé không thể nào không tin, hết nhìn ngón tay lại nhìn tivi như để tìm hiểu xem nguyên nhân vì đâu. Tôi cố kiềm chế để không bật cười. Con bé hoàn toàn không ngờ rằng, chính tay trái của tôi đã phối hợp rất nhịp nhàng với cử động của con bé để điều khiển chiếc tivi.
Buổi tối, An Đóa cầm chiếc điều khiển chạy lại phía tôi, bĩu môi nói: “Mẹ, con biết lúc chiều là mẹ lừa con rồi. Bây giờ con không thể dùng tay chuyển kênh được nữa rồi. Mẹ rõ ràng chẳng có năng lực siêu nhiên gì cả”.
Tôi bật cười rất to, sau đó giải thích cho con bé biết tôi đã làm thế nào và nói: “Cũng tại con không chịu quan sát nữa. Nhiều khi nhìn sự việc không những chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài mà còn phải chú ý quan sát xung quanh để thấy được chân tướng sự việc bên trong nữa đấy con ạ”.
Người lớn thường dạy trẻ con không được nói dối,
Nhưng kì thực,
Người hay nói dối nhất lại chính là người lớn.
Khi ta còn bé
Con của chim
Đóa Đóa: “Mẹ ơi, con đố mẹ một câu hỏi rất hóc búa nhé. Tự con phát minh ra đấy”.
Mẹ: “Được”.
Đóa Đóa: “Con của con chim tên là gì?”.
Mẹ: “Con của chim thì chắc gọi là chim non thôi”.
Đóa Đóa: Sai!”.
Mẹ: “Vậy thì gọi là gì?”.
Đóa Đóa: “Con của chim gọi là ‘Điểu nhi1’”.
Mẹ: “...”
1 “Tên con + nhi” là cách gọi con thân thiết của bố mẹ, nên An Đóa mới nhầm gọi con của chim là “Điểu nhi”.