Thức ăn là thứ quá quan trọng để vội vàng nên hãy đưa ra một quyết định có ý thức để dành thời gian cho các bữa ăn để thực sự thưởng thức và trân trọng nó. Sau đó, chúng ta có thể được nuôi dưỡng một cách sâu sắc hơn bởi nó và được bao bọc trong một cảm giác thăng hoa về lòng biết ơn trước những gì mà nó thể hiện.
Mỗi bữa ăn đều là một cơ hội để trân trọng và cảm nhận năng lượng được hồi phục. Ngay cả trước khi bắt đầu bữa ăn, rất nhiều công việc và ý tưởng đã phải trải qua để tạo ra món ăn, từ trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, mua sắm đến nấu nướng một cách cẩn thận. Chúng ta có thể suy ngẫm tới cả những khía cạnh này của bữa ăn, khi chọn cách ăn trong chánh niệm.
Một bữa ăn hầu như luôn là suối nguồn của niềm vui thường trực và tự nhiên. Nếu đồ ăn mà không mang lại niềm vui thì hoặc là nó phải rất dở, hoặc là người ăn không khỏe mạnh khiến cho niềm vui bản năng rất bình thường của họ bị giảm sút. Tình yêu của chúng ta đối với đồ ăn và tần suất thường xuyên của những bữa ăn khiến cho bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối trở thành những khoảnh khắc hoàn hảo để thực hành chánh niệm. Ăn uống chánh niệm có thể trở thành một việc thường xuyên, hoặc điều mà bạn làm mỗi ngày một lần, hoặc có khi thỉnh thoảng chỉ trong mười phút.
Để bắt đầu, hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm ra một nơi yên tĩnh, không bị làm phiền để thưởng thức bữa ăn. Nếu bạn chia sẻ trải nghiệm đó với những người khác, hãy đảm bảo rằng có một sự đồng thuận giúp bạn chú tâm đến món ăn của mình, và rằng các bạn tuân theo những nguyên tắc hướng dẫn giống nhau, thường bao gồm cả việc quan sát sự im lặng.
Khi bạn ngồi xuống để ăn, hãy đặt tất cả các thiết bị điện tử sang một bên. Không có tai nghe để nghe nhạc hay tin tức. Tắt điện thoại. Tắt tivi trong bếp. Tắt những cảm giác quá tải. Thiết bị duy nhất mà bạn cần cho bài thực hành này là cái đĩa đựng thức ăn và một số dụng cụ ăn uống, có thể là dao, dĩa, thìa, đũa, hay là mấy ngón tay sạch đẹp của bạn.
Nếu bạn ăn một mình, hãy lưu tâm đến các phần ăn mà bạn lấy. Hãy suy nghĩ không chỉ về sự cân bằng tốt về mặt dinh dưỡng khi bạn chất đống hết món này đến món khác lên đĩa, mà còn là sự sắp đặt về mặt hình ảnh nữa. Hãy chú ý cái cách món ăn này bổ sung cho món ăn khác. Hãy tận hưởng màu sắc, đôi khi hòa hợp và thầm lặng, đôi khi lại nổi bật với sự tương phản màu sắc mạnh mẽ: đỏ, trắng, xanh lá, hay vàng nghệ. Rất nhiều sự sáng tạo trong tự nhiên và trong nấu nướng mang điều này đến với chúng ta. Khi bạn dừng lại trong một khoảnh khắc trước khi bắt đầu ăn, hãy hít hà mùi thơm của đồ ăn khi chúng bay đến mũi. Loại thảo mộc, gia vị, hương vị nào đang lên tiếng? Hãy để cho tâm trí của bạn nghĩ đến cội nguồn của đồ ăn, nghĩ tới và cảm ơn những người làm vườn và đầu bếp đã tạo ra các món ăn này. Bạn cũng có thể muốn cảm ơn và nghĩ tới các lực lượng tự nhiên đã hiện diện trong quá trình tiến hóa của những loại thức ăn này qua hàng nghìn năm: mặt trời, đất, mưa. Hãy nghĩ đến những cuộc hành trình thức ăn đã trải qua để xuất hiện trên đĩa của bạn.
Khi bạn đưa miếng thức ăn đầu tiên lên miệng, hãy cho phép nó ở trong miệng bạn lâu hơn một chút. Nhai kĩ – đôi khi có khuyến nghị là nhai 20-30 lần cho mỗi miếng. Điều này cho phép hương vị thẩm thấu trong miệng, được nếm và đánh giá sâu sắc hơn. Nó cũng cho phép dịch tiêu hóa trong nước bọt của bạn bao phủ lấy thức ăn một cách tinh tế, rồi bắt đầu nghiền nhỏ nó và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Thói quen nhai kĩ là thứ mà chúng ta thường không hay để ý đến khi chúng ta đang vội vã ăn thức ăn nhanh ở trạm xe buýt, nhưng nó là một trợ thủ đắc lực cho sức khỏe, và là điều chúng ta có thể thực hành mà không tốn chút chi phí nào. Hãy làm cho miếng đầu tiên trở thành hình mẫu để ăn nốt phần thức ăn còn lại. Ăn chậm rãi, thưởng thức và cảm kích món ăn. Điều chỉnh hương vị, kết cấu và cái cách mà mỗi miếng thức ăn thay đổi trong miệng. Khi bạn nuốt, hãy cảm nhận nó đi vào cơ thể và trở thành một phần sức mạnh của bạn, không còn là một thực thể riêng biệt nữa mà là một phần bản thể của bạn.
Giữa những miếng thức ăn, hãy đặt dao dĩa xuống và cho phép đôi bàn tay được thư giãn để bạn có thể tập trung vào những cảm giác trong miệng. Đừng vội cắn một miếng khác trước khi hết miếng đang ăn. Bằng cách này, chúng ta tránh bị ăn quá nhiều, thứ thường đến từ việc ăn uống vội vàng, từ chối thời gian và sự tôn trọng mà cơ thể – tâm trí chúng ta cần để có cảm giác no.
Ăn uống chánh niệm là một bài thực hành không chỉ giúp tái khẳng định sự hài lòng giản dị về bữa ăn, mà nó còn đem đến một cơ hội để thể hiện lòng biết ơn, đó là một thái độ đối với cuộc sống đã được chứng minh là để thúc đẩy niềm hạnh phúc lớn hơn. Thay vì tập trung vào những gì chúng ta không có, chúng ta nên biết ơn vì những gì mình đang có. Thực hành về lòng biết ơn đối với những gì bản thân ăn có thể được mở rộng ra ngoài giờ ăn – chẳng hạn, khi đi dạo trong tự nhiên chúng ta nên ngồi xuống trong chốc lát để nghỉ ngơi và thưởng thức một vài quả mọng tươi ngon, từ từ tận hưởng thứ nước trái cây tươi trên lưỡi mình.