Chánh niệm liên quan đến việc đạt đến sự cân bằng và tìm cách để cuộc sống của chúng ta gọn gàng hơn, bao gồm cả việc giải phóng bếp và bàn ăn. Từ máy xay và bát trộn công nghệ cao đến muỗng gỗ và thìa vét bột silicon, và đĩa sứ tràn ra khỏi tủ bếp, và các lọ hoa và máy xay hạt tiêu điện đang thống trị bàn ăn tối của chúng ta; có một mối nguy hiểm nghiêm trọng rằng “đồ vật” bắt đầu xâm chiếm cuộc sống của chúng ta. Rất lâu trước khi bề mặt để làm việc biến mất dưới bộ sưu tập đồ dùng và trước khi chúng ta vẫn có thể di chuyển một thứ đồ này mà không động chạm đến những thứ đồ khác, chúng ta cần phải tự hỏi bản thân, có bao nhiêu trong số đồ này là thực sự cần thiết và có bao nhiêu thứ là thừa.
XÁC ĐỊNH NHỮNG THỨ CƠ BẢN
Trong một thế giới khi mà quảng cáo không ngừng cám dỗ chúng ta mua thứ tiện ích này hay đồ tiện lợi kia, rất khó khăn để chống lại việc mua những thứ mới để thử nghiệm. Chúng còn có thể đến với chúng ta dưới hình thức các món quà. Đồ tiện ích hơi giống siêu thực phẩm của thế giới chế tạo. Chúng đề nghị được làm hộ những việc chúng ta tưởng tượng ra, việc chúng ta khó có thể tự mình làm được. Thực vậy, quảng cáo thường gieo cái ý tưởng rằng, có những việc làm là bất khả thi bởi con người chưa có kỹ năng hay thời gian để làm; nhưng thật sự thì chúng ta làm được, và có đủ rảnh rỗi.
Khi quay trở lại với sự giản đơn, một niềm hân hoan được nhen lên; bởi chúng ta trở nên tự do, sáng tạo bằng chính đôi tay của mình, và vì chúng ta nhìn nhận rõ ràng, trân trọng những gì là quan trọng và chắc chắn về những ưu tiên. Nếu những ưu tiên được xác định rõ ràng trong bếp, những thứ còn lại trong cuộc đời của chúng ta cũng sẽ rành mạch. Trong thực tế, có rất ít thứ chúng ta thực sự cần. Một cảm giác thực sự về thành công sẽ đến từ việc cắt giảm những thứ ta sở hữu để tìm ra những thứ gì thực sự cần thiết.
Đối với tôi, các thiết bị nấu ăn chất lượng tốt và bền nằm ở vị trí cao trong danh sách các thứ tối cần thiết. Tôi có ba cái chảo (chống dính) với ba cỡ khác nhau, một cái chảo rán, một máy xay cầm tay, vài cái thìa gỗ, một cái vét bột silicon, một cái đập tỏi và vài con dao sắc. Nhưng không có máy vắt chanh, không có lò vi sóng, không có nồi hấp điện. Danh sách của bạn có thể khác với của tôi, tùy thuộc vào các món bạn nấu và quy mô gia đình bạn; nhưng đối với chúng ta, cứ tích đồ mỗi ngày một nhiều là một nguy cơ nghiêm trọng, vì thế chúng ta cần phải suy nghĩ với mỗi thứ đồ mới mua là nó sẽ nằm ở đâu và liệu có thứ gì đó có thể được loại bỏ để dọn đường cho nó. Chúng ta cũng cần theo dõi việc chúng ta sử dụng đồ vật mới này để chứng minh cho sự hữu dụng của nó.
Khi sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn, không chỉ có những vấn đề còn để ngỏ xung quanh chuyện an toàn thực phẩm, mà hâm nóng các bữa ăn nấu sẵn có vẻ như không cần thiết khi nhìn từ quan điểm về tốc độ. Những bữa ăn đơn giản và ngon lành có thể được chuẩn bị và nấu nướng hết sức nhanh chóng trên một cái bếp thông thường, và đối với tôi thì luôn có một niềm vui lớn lao hơn nhiều trong việc cắt nhỏ và chiên một củ hành tây hơn là bóc giấy bóng kính ra khỏi một cái khay nhựa đựng một bữa ăn nấu sẵn và hâm nóng nó trong hai phút. Ôi, tôi sẽ nhớ âm thanh và mùi của củ hành xèo xèo và lấy làm tiếc phải bỏ thêm nhựa vào cái thùng rác đã đầy ứ của hành tinh này. Chuẩn bị thức ăn có thể giải phóng tâm trí của chúng ta khỏi những ý nghĩ lo âu, để đôi bàn tay xử lý công đoạn, được hạnh phúc làm những việc bận rộn mà chỉ đôi bàn tay hiểu rõ nhất. Đó là khoảng thời gian quý giá để say sưa với một tác vụ mang tính thiền định và đem đến một liều thuốc giải cho phần còn lại trong một ngày bận rộn của bạn.
Nếu có thể giới hạn lại những thứ trói buộc chúng ta với tinh thần xây dựng, chúng ta sẽ cảm thấy ít bị mắc kẹt hơn vì chúng. Những trở ngại sẽ hạn chế sự tự do di chuyển và hành động của chúng ta, ngay cả ở trong một căn bếp. Và khi nói đến bàn ăn, chúng ta không cần đến những phụ kiện cho một bữa tiệc mỗi ngày: Chỉ một cái ly cho mỗi người là đủ (và một cốc đựng nước). Đối với hoa, chúng ta nên luôn luôn ưu tiên những bó hoa ở địa phương hơn là những bó hoa phải đến bằng đường hàng không, và thậm chí sau đó nên xem xét việc lưu lại vẻ đẹp sống động của chúng cho những dịp đặc biệt khi chúng ta có thời gian để chú ý và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự thân và sự phô diễn có mục đích của chúng.
Tương tự như vậy, trong lãnh địa chánh niệm, một mớ những suy nghĩ có thể giống như các đồ vật lộn xộn đang chiếm giữ không gian chưa được khai phá. Cũng như một số suy nghĩ kích hoạt các cảm giác tiêu cực, đồ vật thu hút bụi bẩn và chặn con đường cho các cơ hội mới và cảnh quan mới mà từ đó niềm vui có thể nảy nở. Trong cả hai trường hợp, hành lí cồng kềnh về tinh thần hay vật chất có lẽ đã trở thành một sự lãng phí không gian. Sau khi đã nhẹ nhàng thừa nhận về sự hiện diện của chúng, ta có thể giúp cả hai lên đường đến địa hạt tái chế.