Có khi nào bạn có những suy nghĩ:
Tự chỉ trích: “Mình quá béo để trở thành một runner”, “Mình chẳng giống người tập thể thao chút nào”, “Vóc dáng của mình đang tệ quá”;
Tự hoài nghi: “Mình không bao giờ chạy được ở tốc độ đó đâu”, “Mình sẽ không thể chạy xa như thế được”, “Vóc dáng của mình không đủ chuẩn để trở thành một runner chạy tốt”;
Tự thương hại: “Lúc nào mình cũng bị kẹt lại trong nhóm cuối của giải chạy hết”, “Mình luôn kém may mắn vì cứ mỗi lần chạy giải là thời tiết lại xấu đau đớn!”.
Tôi đã từng có những suy nghĩ này cách đây hơn 10 năm khi bước chân vào lĩnh vực chạy bộ. Khi người ta bắt đầu chạy bộ, mọi người thường có những lý do mang tính phương tiện. Sức khỏe thường là một lý do phổ biến. Lúc đó tôi mới bước qua tuổi tứ tuần, cân nặng 80kg với chiều cao 1m72. Khi khám sức khỏe tổng quát năm đấy, thì tất cả các chỉ số như đường huyết, mỡ trong máu, huyết áp,... đều cao. Xỏ giày ra công viên thì chỉ chạy được 200m rồi thở không ra hơi. Thế rồi bằng sự kiên trì, tôi đã có thể chạy được 10km, 21km và đến bây giờ là hàng chục cuộc marathon ở cự ly 42km.
Thế nhưng, từ lý do mang tính nội tại, tôi đã có một niềm vui với chạy bộ hầu như độc lập với những lợi ích sức khỏe mà nó đem lại, hay tác động của nó đến vòng eo, lên sáu múi, kể cả cái cách nó mang lại niềm vui cho bạn khi chạy. Cuối cùng, nếu bạn chạy đủ lâu, đủ khó khăn vất vả, bạn sẽ khám phá ra một giá trị của việc chạy: một giá trị mà việc chạy là cho chính nó (chạy bộ “vị” chạy bộ). Đó chính là giá trị nội tại của việc chạy.
Mặc dù vậy, trong đầu tôi vẫn luôn có những ý nghĩ tiêu cực. Cho đến khi lần đầu tiên đọc cuốn Mindful Running bằng tiếng Anh, tôi mới ngộ ra cách chạy của mình chưa đúng. Chạy không nhất định là khổ đau hay nói cách khác “Đau đớn là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tự nguyện” khi bạn chạy với chánh niệm. Chánh niệm là chú ý tới các suy nghĩ một cách không phán xét, nhận diện từng suy nghĩ khi chúng xuất hiện trong đầu và để chúng qua đi mà không bị ám ảnh, không cố gắng xua đuổi hay đeo bám những suy nghĩ này.
Chạy trong chánh niệm sẽ giúp bạn:
• Học cách tìm thêm niềm vui trong chạy bộ và cuộc sống hằng ngày.
• Khám phá cách cân bằng cảm xúc hiệu quả hơn.
• Thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của bản thân một cách sâu sắc hơn.
• Biết cách lắng nghe và chăm sóc cơ thể của mình tốt hơn.
• Tập trung và bình tĩnh.
• Trở nên thoải mái, tự tin hơn với chính bản thân mình.
Hôm nay, trên tay là bản dịch tiếng Việt, tôi đọc lại lần nữa, vẫn nguyên vẹn cảm xúc khi lần đầu tìm ra phương cách chạy cho chính mình. Thông điệp của cuốn sách:
“Rèn luyện chánh niệm (trong khi chạy) có thể chuyển hóa bạn trở thành một người vui vẻ, hạnh phúc hơn.”
Nếu bạn đang loay hoay đi tìm ý nghĩa của việc chạy, hay cách thức chạy để mang lại vui vẻ và hạnh phúc thì cuốn sách này thực sự dành cho bạn.
– Đào Trung Thành
Thành viên sáng lập và Quản trị viên CLB Sunday Running Club