Một đám đông náo nhiệt gồm 50.869 runner(1) đang có mặt bên bờ biển đảo Staten trong cơn gió giật dữ dội. Tất cả đang xếp hàng theo từng dãy riêng tại vạch xuất phát của giải Marathon Thành phố New York lần thứ 44 vào ngày 2 tháng Mười Một năm 2014. Số lượng vận động viên đổ về từ 130 quốc gia và 50 tiểu bang của Mỹ đã biến giải chạy này trở thành giải marathon quy mô nhất trong lịch sử. Có mười ngàn tình nguyện viên và hai triệu người hâm mộ đang hào hứng chen chúc ken đặc những con phố và ga điện ngầm của thành phố được mệnh danh là Quả táo lớn (Big Apple) này.
(1) Từ thường dùng để chỉ người chạy bộ. Trong suốt cuốn sách, chúng tôi sẽ giữ nguyên một số thuật ngữ tiếng Anh thường dùng trong cộng đồng những người chạy bộ. (Chú thích của BTV Saigon Books – BTV)
Buổi sáng tưởng chừng đã đủ phấn khích lại càng trở nên thử thách hơn khi luồng khí lạnh khắc nghiệt từ Bắc Cực tràn xuống đã khiến hai thành phố Chicago và Detroit chìm ngập trong tuyết trắng chỉ vài ngày trước đó, rồi nó quét sang hướng Đông, đến thăm vùng New England vừa đúng thời điểm tổ chức giải chạy. Đồng hành cùng luồng khí này là những cơn gió lạnh buốt thấu xương làm nhiệt độ giảm xuống còn 4°C và sức gió lên đến 72km/h.
Ban tổ chức buộc phải tháo dỡ các biển hiệu và lều trại quanh khu vực xuất phát để đề phòng các vật nhọn bị thổi bay khắp nơi, trong lúc các nhóm tình nguyện viên kéo nhau tìm chỗ tránh những cơn gió mạnh liên tục thốc vào người. Các bảng số báo danh và nón chạy bộ chuyên dụng bị hất văng khỏi người các vận động viên, rồi bị thổi tung lên trời bởi những cơn gió giật không ngừng. Tất cả những vật dụng liên quan đến giải chạy đều bị gió thổi bay lơ lửng trong không trung.
Lo lắng những vận động viên đua xe lăn có thể bị ảnh hưởng bởi cơn gió dữ, các viên chức thành phố quyết định dịch chuyển vạch xuất phát của đường chạy dành cho vận động viên xe lăn thường và xe lăn kéo tay lùi về phía Brooklyn, gần cây cầu Verrazano-Narrows, để rút ngắn cự ly xuống còn 23,2 dặm (37km). Chiếc cầu treo hai tầng nối liền đảo Staten và khu dân cư Brooklyn có độ dài khoảng 2 dặm (3km) trên tổng cự ly thi đấu, và trông nó khá mong manh trước những cơn gió lớn vì kích thước và khoảng cách gần mặt nước biển của nó. Trong lúc đó, đội ngũ phụ trách truyền hình của giải chạy trên khắp thành phố đang phải vật lộn để giữ cho việc phát sóng video trên phạm vi toàn cầu được ổn định vì thiết bị của họ liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi.
Để phần nào hiểu được tình hình căng thẳng lúc đó, bạn hãy hình dung ra cảm giác khi cơn gió lạnh buốt thổi xuyên qua từng lớp quần áo, thấu vào tận xương tủy, làm cho máu như đông lại, mặt bạn tê rần và mắt thì khô khốc. Buổi sáng hôm đó thực sự là một trải nghiệm khủng khiếp với tất cả mọi người, từ runner, khán giả, giới truyền thông, ban tổ chức cho tới các nhóm tình nguyện viên.
Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, đã có mặt để động viên tinh thần và gửi lời chúc may mắn đến tất cả runner đang đứng chờ ở vạch xuất phát. “Hỡi tất cả các runner đã nỗ lực hết mình để có mặt tại giải chạy ngày hôm nay, các bạn hãy giữ vững tâm lý như cư dân New York chúng tôi. Đừng cho phép cái lạnh hoặc cơn gió nào cản bước chân bạn”.
Các vận động viên tranh thủ khởi động và làm nóng cơ thể trước giờ xuất phát. Tất cả đều đội mũ len, mặc áo nỉ chống lạnh và cầm sẵn chiếc túi nhựa vì các món phụ kiện này sẽ được cởi ra và cất đi khi giải chạy bắt đầu.
Tiếng súng xuất phát nổ vang. Các vận động viên ở hàng đầu lao đi như tên bắn và nhanh chóng ổn định tốc độ chạy chỉ kém vài giây so với tốc độ kỷ lục cũ, bất chấp tình trạng thời tiết khắc nghiệt hiện tại. Nhóm giữa và cuối bị mắc kẹt trong biển người, chạy từng bước chậm chạp, tạo thành sức ép thúc hàng chục ngàn runner phía trước chạy nhanh hơn.
Trên các cây cầu, những cơn gió xoáy như muốn nhấc bổng các vận động viên lên và thổi họ văng ra hai bên đường.Trên các con phố, những cơn gió ngược chiều luồn qua khoảng không giữa các tòa nhà chọc trời, tạo ra lực cản lớn khiến cho các vận động viên gặp khó khăn khi tiến về phía trước. Trước khi về đích tại công viên trung tâm Manhattan trứ danh, các runner phải vượt qua những cơn gió mạnh quật vào người để chạy từ đảo Staten, rồi sau đó lướt qua các quận nổi tiếng như Brooklyn, Queens và Bronx.
Vào lúc đó, Mary Wittenberg, Giám đốc Giải chạy đồng thời là Chủ tịch và Tổng giám đốc Hội chạy bộ Đường phố New York (New York Road Runners – NYRR), đã chờ sẵn ở vạch đích trong nhiều giờ liền và đang cố giữ ấm cơ thể. Cô đã có vô số lần đứng tại vị trí này và chứng kiến nhiều sự kiện xảy ra từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ tại NYRR vào năm 1998. Tuy nhiên, chỉ khi đứng ở vạch đích của giải chạy năm 2014 thì cô mới tận mắt nhìn thấy một điều kỳ diệu đáng kinh ngạc. Thử thách kinh khủng mà thời tiết đem lại dường như càng làm rõ sự khác biệt giữa các runner đang thi đấu; nó chia họ thành hai tốp. Một tốp gồm các runner trông thật căng thẳng và khổ sở. Họ nhăn nhó khi bước qua vạch đích và tỏ ra vô cùng bất mãn với trải nghiệm này. Tốp còn lại là các runner có trạng thái hoàn toàn đối lập – trông họ rất thư giãn, hào hứng và có vẻ chẳng bị thời tiết ảnh hưởng chút nào. Khi vừa băng qua vạch đích, họ giơ cao hai tay về phía đám đông với nụ cười tươi rói trên gương mặt ửng đỏ vì gió lạnh.
“Lúc đó, tôi thầm nghĩ: ‘Úi chà! Một sự đối lập thật ấn tượng. Sao lại có thể có hai trải nghiệm trái ngược nhau trong cùng một giải chạy thế này nhỉ?’”. Wittenberg cười và nói với tôi trong văn phòng của cô, nơi cô đang giữ vị trí Tổng giám đốc công ty Virgin Sport của tỷ phú Richard Branson. Cô chia sẻ thêm:
“Tôi tin rằng các runner quá chú tâm về thời gian và lo lắng về thời tiết đã bị cứng đờ trong cơn gió và tìm cách chống lại nó suốt cả quãng đường, trong lúc các runner khác, kể cả những người chạy rất nhanh, chỉ tập trung làm sao để thư giãn và tận hưởng buổi chạy tuyệt vời trong lòng thành phố New York mà thôi. Khi đã chạy với tâm thái thảnh thơi như vậy thì cơn gió ác nghiệt kia chẳng thể suy suyển được tinh thần của họ là bao”.
Nhận định đó đúng trong mọi hoàn cảnh, cả chạy bộ lẫn trong cuộc sống. Khi chúng ta càng cố gắng hoàn thành một điều gì đó bằng sức mạnh ý chí đơn thuần, thì chặng đường lại càng trở nên khó khăn hơn. Thay vì nuôi dưỡng nhận thức và trực giác nhạy bén để làm chủ chuỗi tương tác phức tạp giữa cơ thể, não bộ và môi trường trong những tình huống tréo ngoe, thì chúng ta lại mù quáng dựa vào sự kiên định, cứng rắn và chăm chăm sử dụng sức mạnh thể chất thông thường. Dù những kỹ năng đó không hẳn là vô ích, nhưng rốt cuộc, chúng ta lại lạm dụng chúng, dẫn đến sự tách rời giữa Tâm, Thân và Trí, khiến cho sự hòa hợp giữa ba yếu tố này biến mất.
Tôi nhận ra ngay hình bóng của mình trong đám đông các runner đang rã rời qua câu chuyện của Wittenber, vì tôi đã từng là một runner lúc nào cũng chỉ chăm chú vào đích đến mà quên bẵng đi những gì đang xảy ra trong cơ thể và tâm trí mình trên chặng đường đạt được mục tiêu đó. Điều này không chỉ góp phần gây ra chấn thương khi luyện tập quá sức mà còn ảnh hưởng tới sự minh mẫn của tâm trí. Khi tôi chạy trong trạng thái bất ổn đó, tâm trí tôi như một chiếc bánh xe không kiểm soát đang quay cuồng với tốc độ chóng mặt, cuốn lấy những lo lắng và suy nghĩ không cần thiết. Tuy ánh mắt tôi luôn gắn chặt về phía đích đến, nhưng các bài luyện tập hằng ngày làm cho tôi cảm thấy mình giống như các hình bóng bị nhòe trong tấm ảnh chụp nhòe vì chuyển động (motion blur), lúc nào cũng hối hả điên cuồng, đôi lúc còn bị nhòe ra cả đường viền của tấm hình.
***
Ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn in đậm những ngày hò reo cùng đám đông khi theo dõi giải Twin Cities Marathon tại quê nhà Minneapolis, Minnesota vào mỗi mùa thu cùng với bố. Vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng Mười, hai bố con tôi thường quấn nhiều lớp áo ấm, lái xe đến cây xăng gần nhà để mua một cốc sôcôla nóng hổi và nhâm nhi chiếc bánh donut phủ kem ngọt ngào trước khi di chuyển tới địa điểm quen thuộc để cổ vũ cho các vận động viên. Đó là khu vực nằm dọc theo dòng Minnehaha Creek chảy qua phía nam thành phố và nhập vào con sông Mississippi ở cuối dòng. Hằng năm, chúng tôi chọn điểm dừng chân ở gần một ngôi nhà, nơi các cư dân địa phương háo hức kéo các dàn loa cỡ lớn ra trước sân và mở âm lượng to hết cỡ để phát các bản nhạc sôi động cổ vũ cho các vận động viên. Chúng tôi ngồi đó trò chuyện, ăn uống và đập tay cổ vũ với các runner chạy ngang qua. Đứa bé là tôi lúc đó nôn nao đếm từng ngày để có thể tham gia giải chạy. Có lẽ, máu chạy bộ đã “ngấm” vào tôi từ những ngày thơ ấu êm đềm ngồi bên con đường năm đó.
Thoạt đầu, tôi chạy bộ đơn giản chỉ vì thích. Không khí trong lành và tư thế chuyển động một cách tự do cuốn hút tôi vào bộ môn này, nhưng sau đó, cảm giác muốn thúc đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn lại khiến tôi thấy thích thú hơn. Chạy bộ dẫn dắt cuộc sống của tôi theo hướng mà chưa điều nào khác có thể làm được. Sau này, do nhân duyên đưa đẩy, tôi lại trở thành phóng viên chuyên tường thuật các môn thể thao sức bền. Lúc đó tôi không chỉ đơn thuần muốn chạy để tổng kết số dặm nữa, mà còn muốn tìm hiểu thêm việc chạy bộ đã cuốn hút các runner khác như thế nào để chia sẻ với các độc giả của tôi về hình thức vận động đơn giản mà hấp dẫn này.
Nhiều năm sau, tôi theo học bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học Thể thao và Vận động, tập trung chuyên sâu vào nghiên cứu lý do vì sao các vận động viên lại kiệt sức khi cảm thấy một hoạt động họ đang tham gia bị mất đi ý nghĩa và tách rời khỏi mục đích nội tại của họ. Tôi phát hiện ra rằng, khi chúng ta quá chú ý vào các mục tiêu cuối cùng và không còn “cháy” hết mình trong toàn bộ quá trình nữa, ngọn lửa của niềm vui sẽ tắt dần còn năng lực thì suy giảm. Bản thân tôi cũng từng trải qua tình trạng này.
Khi tập trung dồn toàn lực vào những thành tựu nhất định – chẳng hạn như bảo vệ luận án thạc sĩ và tập luyện cho giải Boston Marathon, hai mục tiêu cao nhất của tôi vào thời điểm đó – tôi hầu như chẳng nhận ra được mức độ căng thẳng của mình ngày càng tăng, mà tôi cứ liên tục thúc ép bản thân lao vào, vươn tới phía trước với rất ít thời gian nghỉ giữa chừng. Lẽ ra chạy bộ phải là liệu pháp giúp giải tỏa căng thẳng, vì ở thời điểm đó, tôi không đặt mục tiêu thi đấu với bất kỳ ai ngoài chính bản thân mình, nhưng rốt cuộc, nó lại khiến tôi căng thẳng nhiều hơn.
Trong thâm tâm, tôi biết mình sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn nhiều nếu xác định rằng chạy bộ chỉ đơn thuần là chạy bộ mà thôi. Và hành trình đến với chánh niệm trong chạy bộ của tôi đã bắt đầu như thế, dù ban đầu tôi chưa có ý định gán cho nó một cái tên nào cả. Về mặt định nghĩa, “chánh niệm” là cách chúng ta duy trì trạng thái nhận thức hiện tại về cơ thể, tâm trí và môi trường xung quanh với tư duy không phán xét. Chạy trong chánh niệm là một hình thức hành thiền khi đang chuyển động – một phương pháp nhắc nhở bạn hãy nhận thức và có mặt trong hiện tại khi đang chạy. Nó hướng dẫn bạn cách dấn thân vào các trải nghiệm với sự chú tâm cao độ và cảm nhận được tín hiệu của cơ thể khi nào cần phải điều chỉnh.
Tôi cũng khám phá thêm vài lợi ích tức thì khi áp dụng các nguyên tắc của chánh niệm vào chạy bộ. Việc tập trung vào mạch suy nghĩ và cảm xúc trong dòng chảy ý thức sẽ tạo ra trạng thái thư giãn tự nhiên cho cơ thể và não bộ. Tâm trí tôi cũng phản hồi nhanh hơn với các dấu hiệu của cơ thể như nhận biết được khi nào thì đôi chân trở nên rệu rã từ buổi tập, hoặc cơ thể đã quá mệt mỏi sau một tuần bận rộn. Phương pháp thực tập này giúp tôi ít bị chấn thương hơn vì đã biết cách tập luyện thông minh, thay vì tập luyện căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng bắt đầu chú ý và biết trân trọng khoảnh khắc mặt trời mọc trên mặt hồ đẹp đến ngỡ ngàng vào mỗi buổi sáng chạy bộ gần nhà. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi, sao mình có thể thờ ơ trước khung cảnh bình minh tuyệt diệu đến thế nhỉ?
Điều tuyệt vời nhất từ việc thực hành chánh niệm trong chạy bộ với tôi có lẽ là sự tĩnh lặng và khả năng tập trung – hai yếu tố đã hòa quyện hoàn toàn vào những khía cạnh khác trong cuộc sống của tôi. Nhờ đó, tôi đã biết cách tập trung vào công việc và vượt qua những chông gai trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
***
Mặc dù đôi lúc tôi vẫn còn chút hoài nghi với những khái niệm của Thời đại Mới(1), chẳng hạn như vòng xoáy năng lượng, dự đoán số mệnh, viên đá tâm linh và những thứ tương tự, nhưng giờ đây tôi lại thêm thiền tọa vào danh mục tập luyện của mình. Ở thời điểm đó, chồng tôi Jason và tôi đều bận rộn với công việc và cô con gái nhỏ ở nhà, nên tôi không còn có thể chạy bộ liên tục như trước. Vì thế, tôi tìm đến hoạt động khác có thể giúp giải tỏa căng thẳng và nuôi dưỡng trạng thái chánh niệm.
(1) Thời đại Mới (New Age) đề cập đến một loạt niềm tin và thực hành tâm linh hoặc tôn giáo phát triển nhanh chóng ở thế giới phương Tây trong những năm 1970. (BTV)
Chánh niệm giúp cơ thể và não bộ vận hành ở mức tối ưu nhất cho buổi chạy của bạn.
Hàng rào tâm lý cản trở tôi đến với chánh niệm chính là định kiến của bản thân về thiền định. Khó khăn lắm tôi mới có thể gạt bỏ được những hình ảnh ngốc nghếch ở phân cảnh mở đầu phim Ace Ventura: When Nature Calls (Ace Ventura: Khi thiên nhiên vẫy gọi), khi nhân vật chính Ace Ventura do diễn viên hài Jim Carrey thủ vai ngồi thiền trong một nơi tĩnh tu ở Himalaya, ngoài rìa cao nguyên Tây Tạng. Xung quanh anh ta là đàn khỉ, lạc đà, hổ và chim ưng. Anh ta khoác lên người chiếc áo choàng của nhà tu hành, đầu đội chiếc mũ màu vàng đồng có hình dáng tựa như mái tóc của người Mohican (mà sau này tôi mới biết là một phần trong trang phục tu hành truyền thống của một tông phái Phật giáo), và lảm nhảm về những cụm từ kỳ quặc như “xuất thần nhập hóa hợp nhất” hay “huy hiệu thành tựu tâm linh”. Tôi không nhớ liệu mình đã xem hết phim chưa, nhưng không hiểu vì sao, cảnh quay từ bộ phim hài hước năm 1995 đáng ghét đó cứ ám ảnh trong đầu tôi mãi.
Bỏ qua những hình ảnh trong phim, tôi bắt đầu thực tập thiền tọa bằng cách tải một vài ứng dụng hướng dẫn thiền trên điện thoại, và cứ cách ngày lại thử hành thiền vài phút xem sao. Dần dà, tôi nghiệm thấy việc hành thiền thực sự giống một bài tập luyện trí óc hơn là một hoạt động tâm linh bí truyền, nên cuối cùng, tôi quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nó. Vào những ngày không chạy bộ được, tôi dành ra khoảng 10 phút để ngồi yên, hít vài hơi thật sâu, và thực hành theo các bài hướng dẫn tập thiền.
Nhờ gặt hái được nhiều điều từ các buổi tự tập thiền tọa ngắn ngủi này, tôi mày mò học thêm và quyết tâm đăng ký hẳn một khóa Giải tỏa Căng thẳng bằng Chánh niệm (Mindfulness-Based Stress Reduction – MBSR), một chương trình đào tạo được sáng lập bởi Jon Kabat-Zinn, Giám đốc Điều hành sáng lập Trung tâm Chánh niệm thuộc Đại học Y khoa Massachusetts, nằm ngay bên ngoài thành phố Boston. Khóa học này nhận được rất nhiều lời khen ngợi của những nhân vật nổi tiếng, từ Anderson Cooper cho đến Oprah Winfrey, nên tôi nghĩ mình cứ thử xem sao. Tuy nhiên, định kiến lâu nay về thiền làm tôi thoáng lo ngại, liệu có phải mình vừa mới đăng ký một khóa học 8 tuần nhàm chán, chỉ có tư thế ngồi kiết già suốt cả ngày với một nhóm các nhà khổ hạnh trong không gian chìm ngập giai điệu êm dịu của tiếng sáo hay không? Ngạc nhiên thay, lớp học lại không có thứ âm nhạc nhàm chán, nhang khói nhức mắt, hay tiếng tụng kinh đều đều nào. Thầy của chúng tôi lúc đó là Terry Pearson, chuyên gia về thiền chánh niệm, người từng học với Kabat-Zinn, đồng thời là dược sĩ với hàng chục năm kinh nghiệm lâm sàng và có bằng thạc sĩ kinh doanh. Cô bắt đầu thiền từ hơn 20 năm trước khi còn đang hoạt động trong Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) tại Zimbabwe, và đã từng tham gia vài dự án nghiên cứu lâm sàng được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia để đo lường tác động của phương pháp MBSR. Sau đó, tôi phát hiện cô cũng là một người yêu thích chạy bộ và đã áp dụng chánh niệm vào các buổi tập chạy của mình. Lớp học mười hai người chúng tôi có thành phần học viên khá đa dạng, từ giáo viên, giảng viên đại học, huấn luyện viên bóng bầu dục, luật sư, quản lý hành chính trường đại học cho đến nhân viên mua hàng và những người từ các ngành nghề khác.
Ngày đầu tiên, Pearson cho chúng tôi xem một quả cầu tuyết và dốc ngược nó xuống. Các bông tuyết bay loạn xạ khắp nơi, che phủ bức tượng chú chuột Minnie Mouse nằm giữa quả cầu. Cô giải thích rằng các bông tuyết tượng trưng cho suy nghĩ và cảm xúc, thường kết hợp để tạo thành một cơn bão hỗn loạn trong tâm trí chúng ta. Tôi hoàn toàn đồng cảm với nhận định đó, đặc biệt là vào những ngày ức chế kinh khủng vì không thể ra ngoài chạy bộ.
“Các bạn nhìn xem. Khi bông tuyết đã chìm xuống dưới, đó chính là lúc tâm trí trở nên tĩnh lặng để bạn có thể nhìn nhận sự việc thật rõ ràng, điềm tĩnh và đưa ra các quyết định tốt hơn”, cô nói.
Khóa học trong 8 tuần liên tục này nâng cao khả năng nhận thức về hiện tại và cải thiện sự tập trung của tôi hơn. Tôi nhận ra mình không còn dễ bị mắc sai lầm do những suy nghĩ rối bời, không còn trầm tư về quá khứ hoặc quá ám ảnh về tương lai nữa. Trong đa số các buổi chạy, tôi có thể hoàn toàn tập trung vào hơi thở và nhịp điệu của từng bước chạy, đồng thời chấp nhận sự thật rằng những khoảnh khắc khó chịu và khổ sở sẽ luôn hiện diện. Điều này không những làm tôi hạnh phúc và khỏe mạnh hơn khi chạy bộ mà còn khiến tôi “thức tỉnh” hơn trong đời thường.
Dù cho bạn là một runner mới tập tành hay runner kỳ cựu chăng nữa, điều kỳ diệu khi áp dụng chánh niệm trong chạy bộ là bạn có thể nhận ra lúc nào cơ thể đang vận hành theo chế độ tự động hóa và tâm trí đang bị nhiễu loạn bởi những suy nghĩ và cảm xúc hỗn độn. Chánh niệm sẽ chuyển hóa bạn từ một runner với đôi vai gồng cứng, cơ hàm cắn chặt với từng sải chân ngắn, gắng gượng chống lại từng cơn gió trong mỗi bước chạy trở thành một người luôn sẵn sàng đón nhận từng cơn gió giật, bất chấp thời tiết, phát huy hết khả năng của mình để tiếp tục tiến bước về phía trước với niềm hân hoan và sự dễ dàng chưa từng có.
Chuyển động trong chánh niệm hướng dẫn bạn cách hiện diện trong từng khoảnh khắc và hoàn toàn tập trung vào hiện tại.