“Đối với tôi, chạy bộ chính là thiền định. Nó đưa tôi vào trạng thái của một nhịp điệu đẹp đẽ, thoát khỏi bất kỳ suy nghĩ, mong muốn, thúc đẩy hoặc tác động nào. Mỗi buổi chạy là một cơ hội để tôi nhìn nhận chính mình. Nếu bạn bắt đầu các buổi tập và tham gia các giải chạy với niềm hân hoan nhẹ nhàng và lòng biết ơn, thì bạn không những có được tinh thần khỏe mạnh mà còn giúp cơ thể tạo ra các phản ứng hóa học giúp buổi chạy đó đạt được hiệu quả cao nhất.”
Cách tư duy này đã kéo Deena Kastor ra khỏi bất kỳ trạng thái tiêu cực nào trong các khoảnh khắc thử thách của các giải chạy. Một ví dụ điển hình chính là ở dặm thứ 21(1) của giải Chicago Marathon 2015, cô đã trải qua cảm giác đau đớn tột độ của việc “đụng tường”. Đây là giới hạn thể chất kinh hoàng mà các runner đều e sợ. Rào cản vô hình này sẽ khiến bạn cảm thấy không thể nhấc nổi một bước chân nào nữa. Điều này đã xảy ra với Kastor vào thời điểm đó, năng lượng trong người cô đột ngột tụt dốc thảm hại, phần hông cứng đờ và nhóm cơ đùi sau đau đớn quằn quại. Thậm chí, cô có thể nghe được tiếng chát chúa vang lên từ đế giày của mình trong mỗi cú tiếp đất – và trạng thái “sập nguồn” này khiến cô hoàn toàn quên mất chuyện mình từng là vận động viên điền kinh ba lần tham dự Olympic với những bước chạy nhẹ nhàng thanh thoát.
(1) Ki-lô-mét thứ 33.
Ngay sau đó, một giọng nói nhỏ vang lên trong đầu Kastor và bắt đầu công kích cô dữ dội: “Chính mình còn chẳng muốn ở đây cơ mà! Mình đang làm gì thế này?”. Kastor nhớ lại suy nghĩ đó khi trò chuyện với tôi gần đây. “Đau quá đi mất! Những ngày chạy nhanh như chớp đã qua rồi. Mình đang ở đây để cố gắng chứng minh điều gì vậy?”.
Người phụ nữ từng đoạt huy chương Đồng tại Olympic 2004, đồng thời giữ kỷ lục cả hai cự ly marathon và bán marathon của nước Mỹ này không trông đợi cải thiện được thành tích cá nhân tốt nhất trước đây là 2 tiếng 19 phút 36 giây. Khả năng chạy với tốc độ 5 phút 19 giây mỗi dặm(1) suốt cự ly marathon 26,2 dặm (42km) năm nào đã trở thành quá khứ với bà mẹ 42 tuổi, là diễn giả truyền cảm hứng và phát thanh viên thể thao của hiện tại. Cô cũng không mong muốn thi đấu để giành chiến thắng như một thập kỷ trước trên những con phố lộng gió của Chicago, nơi cô đoạt giải marathon lớn đầu tiên của đời mình. Thậm chí, cô còn chẳng hy vọng mình sẽ lọt được vào nhóm năm người về đích đầu tiên nữa kìa.
(1) Tương đương 3 phút 22 giây/km.
Vậy thì giọng nói kia không hề điên rồ chút nào. Cô đang làm gì trên con đường đó vậy chứ?
Bỗng dưng, một giọng nói khác cắt ngang: “Gượm đã. Đây là phần mình thích mà!”. Cô tự nhủ, “Đây là lý do vì sao mình đẩy bản thân tới tận cùng các giới hạn để có thể đi được tới vị trí hiện tại, để tìm ra một phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình. Phải nghĩ cách để vượt qua khoảnh khắc này chứ!”.
Chính suy nghĩ ấy đã đánh bật Kastor thoát khỏi sự lo âu và các ý nghĩ tự trách để quay về khoảnh khắc hiện tại. Đây không phải là lần đầu tiên Kastor hoài nghi bản thân, mặc dù sau đó, cô vẫn luôn tiến về phía trước.
“Ngay cả khi khoảng cách một dặm cũng làm cho đôi chân cảm thấy thật rệu rã, tôi liền nhắc nhở bản thân rằng quãng đường còn lại của giải chạy không hẳn sẽ tồi tệ như thế”, Kastor chia sẻ với tôi như vậy khi chúng tôi gặp nhau tại nhà cô ở Mammoth Lakes, California. “Trên đường chạy, có những cây số tốt, nhưng cũng có những cây số thật tồi tệ. Do đó, trong những khoảnh khắc như vậy, tôi tự nhủ rằng hãy chỉ tập trung vào cây số trước mặt mình mà thôi”.
Là một người theo đuổi các nguyên tắc về chánh niệm để áp dụng vào chạy bộ và cuộc sống, đây chính là lối tư duy mà cô thường hướng trở lại trong những thời điểm khắc nghiệt nhất: Thay vì chống lại sự khó chịu của cơ thể và tâm trí như cách mà giọng nói đầu tiên thúc giục, khi chúng ta cho phép bản thân tiếp nhận toàn bộ trải nghiệm của buổi chạy và chấp nhận chung sống với sự đau đớn, giải pháp tốt hơn sẽ xuất hiện.
“Thực tập chánh niệm giúp ích cho tôi trong cả những thời khắc tốt đẹp lẫn chán chường”, cô nói. “Khi tâm trí bạn bị nỗi sợ hãi xâm chiếm, ở khoảnh khắc bạn vượt qua được nỗi sợ đó, bạn càng trở nên mạnh mẽ và can đảm hơn, thay vì chỉ biết lo sợ”.
Khi sống trong chánh niệm, cô nhận thấy việc cho phép bản thân đón nhận những trải nghiệm diễn ra trong buổi chạy đã hỗ trợ cô chạy tốt hơn. “Thực hành chánh niệm và tập trung vào những điều như dáng chạy, hơi thở, cũng như mục đích của mỗi buổi chạy không chỉ giúp gia tăng giá trị và cảm giác thỏa mãn đến từ quá trình luyện tập mà còn mang lại hiệu quả cao hơn nữa”.
Kastor cho biết, điểm mấu chốt trong cách tập luyện của cô chính là thực hành chánh niệm vào những giờ phút tập luyện nhẹ nhàng để cô có thể dễ dàng chuyển sang trạng thái chú tâm trong những thời khắc thử thách hơn. “Nếu bạn thực hành việc tập trung chú ý vào những điều bạn làm hằng ngày, nó sẽ dần trở thành thói quen và sau đó thì chánh niệm sẽ tự khắc xuất hiện trong những tình huống căng thẳng để bạn có thể linh hoạt ứng phó khi cuộc sống ném cho bạn những trở ngại cản đường”.
Vào ngày diễn ra giải chạy hôm đó, khi đang tự kéo mình ra khỏi cơn đau vật vã trên đường chạy, Kastor nhủ thầm: “Nào, chỉ còn 5 dặm (8km) thôi. Mình đã chịu đau suốt 5 dặm trước rồi còn gì. Mình sẽ vượt qua được”. Cô thúc mình tiến tới phía trước và về đích trong 2 tiếng 27 phút 47 giây, với thành tích đủ tốt để được xếp hạng bảy. Dù đó không phải là kết quả cá nhân tốt nhất của cô nhưng nó cũng đủ để phá vỡ kỷ lục của các chân chạy marathon kỳ cựu tại Mỹ.
Lối tư duy tích cực đậm chất Kastor đã nhận được sự tán dương khắp nơi, khi cô nhấn mạnh vào mối liên kết giữa tinh thần lạc quan và chánh niệm. “Chánh niệm không phải là cứ ngây ngô hành động theo bản năng và mặc kệ sự thật là ngoài kia trời đang mưa đâu nhé”, cô nói. “Thay vào đó, hãy dành thời gian để thấu hiểu những cảm xúc cụ thể ở hiện tại, rồi diễn giải chúng theo cách có lợi cho bạn và tạo điều kiện cho sự phát triển bản thân”.
Qua lăng kính chánh niệm, Kastor chiêm nghiệm những thăng trầm trong quãng thời gian chạy bộ của mình theo góc nhìn khá độc đáo. Đó cũng chính là một trong những lý do chính khiến cô tiếp tục thi đấu ở độ tuổi 40: “Tôi vẫn còn yêu thích tính thử thách của việc tìm hiểu xem mình nên làm gì trong bất kỳ thời điểm nào của giải chạy, đặc biệt là những thời điểm khó khăn, vì nó giúp tôi phát triển cả về mặt trí tuệ lẫn cảm xúc. Có thể đó là lý do vì sao tôi chưa muốn dừng chân đấy”.
Chính tâm trí không ràng buộc này đã giúp cô có khả năng ứng phó ngay tức thì để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và nản chí tại dặm thứ 21(1) của giải Chicago Marathon 2015. Kastor đã học được rằng, bằng việc tập trung kết nối toàn diện với trải nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại, thì dù có cảm thấy thoải mái hay không, cô cũng có thể tìm được cách dẫn dắt bản thân bước qua những thời khắc thăng trầm trong giải chạy cũng như trong cuộc sống cá nhân.
(1) Ki-lô-mét thứ 33.
***
Nhà lãnh đạo tư tưởng hàng đầu trong lĩnh vực khoa học về làm chủ bản thân và chánh niệm, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa tâm thần Judson Brewer từng nói: “Bạn tuyệt vời lắm rồi. Đừng tự ngáng chân mình nữa!”. Ông hàm ý rằng tất cả chúng ta đều có tiềm năng tuyệt vời để sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa, nhưng rất nhiều người lại tự hủy hoại ý chí và đánh giá thấp bản thân mình. Ngoài ra, nhà triết học William James, “cha đẻ ngành tâm lý học của nước Mỹ”, đã chia sẻ trong một buổi giảng dạy tại trường Đại học Edinburgh vào năm 1901: “Phần lớn nhân loại đang sống với chiếc vòng kim cô siết chặt tiềm năng to lớn bên trong. Nhìn chung, họ chỉ sử dụng một phần rất nhỏ ý thức và khả năng nội tại của tâm hồn, giống như một người có cả một cơ thể toàn vẹn nhưng lại chỉ quen sử dụng mỗi ngón út bé xíu vậy”.
Tệ nhất là chúng ta lại không nhận ra mình đang sống như thế. Nhà văn Maria Popova định nghĩa văn hóa của thời hiện đại là “đại dịch của sự hối hả và sự sùng bái hiệu suất”. Ta từ chối không lắng nghe tiếng nói của cơ thể, rồi cứ thế mà bắt cơ thể làm việc quá sức cho tới khi nó rã rời và kiệt sức hoàn toàn. Tương tự như vậy với tâm trí, ta để mặc cho nó vận hành theo ý thích rồi tự vận vào đầu mình những lo âu và căng thẳng không đáng có. Ta tự nghiêm trọng hóa vấn đề làm cho dặm thứ 21 khó hơn hẳn thực tế, khiến cho ta không đạt được tới tiềm năng thực sự của mình. Chỉ có bản thân ta mới có thể tự điều chỉnh và nhận ra rằng kẻ thù nguy hiểm nhất là chính mình. May mắn thay, chúng ta đã có cách để vượt qua điều đó.
Không giống như việc tập luyện thể chất đòi hỏi sự tinh chỉnh bài tập cho phù hợp với thể lực và kinh nghiệm của một runner, chạy trong chánh niệm là một phương pháp mà bất kỳ runner nào cũng có thể thu được lợi ích từ nó. Dù tốc độ bạn chạy nhanh hay chậm, mới xỏ giày tập chạy hay giày đã mòn đế, thích thưởng thức đường mòn xuyên rừng yên bình hay đường phố đô thị sôi động, thì chúng ta đều cần phải luyện tập cho tâm trí từng chút một.
Những ý kiến thu thập được từ các phòng nghiên cứu và các cuộc thi chạy toàn cầu cho thấy: Khi đang chạy, chỉ cần quay về với khoảnh khắc hiện tại bằng cách hòa mình vào toàn bộ trải nghiệm, bạn có thể có được sức khỏe và hạnh phúc nhiều hơn trong cả việc luyện tập lẫn đời tư. Tương đồng với cách mà chạy bộ tăng cường sức mạnh cho cơ thể, chánh niệm hỗ trợ ta rèn luyện tâm trí. Tuy thiền định chủ yếu được biết đến như một phương pháp phổ biến để duy trì trạng thái chánh niệm, từ trải nghiệm cá nhân, tôi biết rằng chạy bộ cũng là một dạng hành thiền, và từ đó tôi tiến sâu hơn vào phương pháp chạy trong chánh niệm.
Là một phóng viên, tôi thường hăng say lao vào tìm hiểu mỗi khi bắt gặp một đề tài đặc biệt. Tôi đọc ngấu nghiến mọi thứ có thể tìm được và say sưa tìm đường trong mê cung nghiên cứu khoa học. Nhờ chức danh phóng viên, tôi thường có cơ hội ngồi xuống trò chuyện cùng những nhân vật xuất chúng có chuyên môn vượt xa mình.
Khi tìm hiểu về phương pháp chạy trong chánh niệm, tôi thắc mắc về những điều sau: Khi các runner bàn tán về buổi luyện tập của họ có hơi hướng “tâm linh” hay là “thiền định”, có phải đó là do trạng thái tỉnh thức mà họ đạt được vào lúc đó? Hàng loạt câu hỏi bật ra trong đầu tôi như một chuỗi dữ liệu đang chờ được xử lý. Một vận động viên có nhất thiết phải “có mặt trong hiện tại” thì mới chạy tốt? Nếu ta thả lỏng và lờ đi để tâm trí tự vận hành thì có sai không? Liệu nhận thức tốt hơn về thể chất, tinh thần và trải nghiệm cảm xúc có thực sự làm tăng sự hài lòng đối với quy trình tập luyện? Phải chăng chánh niệm trái ngược hoàn toàn với thành tựu? Có sợi dây vô hình nào gắn kết niềm vui trong chạy bộ với năng lực tối ưu? Làm thế nào để ta vận dụng được tâm trí thư thái trong lúc chạy vào cả những việc khác trong đời sống hằng ngày? Có phải tôi đang vi phạm nguyên tắc cơ bản của thiền định khi hành thiền trong lúc chạy bộ, thay vì ngồi yên một chỗ trong tĩnh tại?
Trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều runner dày dạn kinh nghiệm trong cả hai giải Olympic và Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật), các nhà vô địch quốc gia, các “chiến binh” chạy bộ vào cuối tuần, và cả các huấn luyện viên danh tiếng. Không chỉ đơn thuần tìm kiếm các giai thoại hấp dẫn để minh chứng cho phương pháp chạy trong chánh niệm, tôi muốn tìm bằng được những bằng chứng thực nghiệm. Vì thế, tôi lần mò tới các nghiên cứu hàn lâm, cố gắng tách biệt thực tế ra khỏi đức tin và trò chuyện với những nhà khoa học hiện đang là các nghiên cứu gia thế hệ mới – những người tiên phong trong các chủ đề đương đại như Y học Tích hợp, Tâm lý học, Thần kinh học Chiêm nghiệm và Khoa học về Sự tự chủ. Những công trình nghiên cứu thú vị của họ chú trọng tới việc làm sáng tỏ mối liên kết giữa Thân, Trí và Tâm, cũng như những cách mà chánh niệm thực sự tác động tới cấu trúc não bộ và chất lượng của trải nghiệm.
Vì vậy, tôi viết quyển sách này để chia sẻ những gì mình đã học được, đồng thời vẽ nên một lộ trình dẫn bạn đi tới phương pháp tập luyện dễ dàng hơn, cùng nhận thức, sự tập trung và niềm vui đạt được khi chạy trong chánh niệm. Dù phương pháp này không phải thần dược chữa được bách bệnh cũng như không thể thay thế được các lời khuyên hay trị liệu y khoa, tôi vẫn hy vọng có thể thuyết phục được bạn rằng: Chánh niệm là một trong những kim chỉ nam dẫn đường hữu hiệu nhất cho bạn trên cả đường chạy lẫn đường đời.
***
Khởi nguồn từ Phật giáo, chánh niệm đã du hành từ Đông sang Tây vào những năm 1970, công lớn nhất là nhờ Jon Kabat Zinn. Bằng cách tách rời phương pháp thực tập này ra khỏi cội rễ tâm linh của nó, ông đã sáng lập ra khóa học Giải tỏa Căng thẳng bằng Chánh niệm (MBSR), qua đó giới thiệu cách ứng dụng chánh niệm vào đời thường cho một nhóm đối tượng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, hình thức mang đầy màu sắc tâm linh của thiền định thông thường và những chiêu trò quảng cáo trục lợi đã khiến công chúng quay lưng với phương pháp này. Từ đó, tôi nhận thấy ý tưởng áp dụng chánh niệm vào những điều quen thuộc mà chúng ta đã và đang làm, chẳng hạn như chạy bộ, thì nghe có vẻ dễ tiếp nhận hơn.
Tôi không phải là người đầu tiên ứng dụng chánh niệm vào chạy bộ. Có rất nhiều giai thoại về những Phật tử chạy marathon đường dài (ultrarunner) ở xứ Tây Tạng thời trước, những người mà theo truyền thuyết kể lại thì họ có thể dành ra ba năm hành thiền trong hang động, tụng kinh và tập thở, trước khi thực hiện chuyến du hành tâm linh – chạy lên núi với quãng đường dài 200 dặm (khoảng 320km).
Alexandra David-Neel, nữ thám hiểm và nhà văn người Pháp chuyên viết về Phật giáo, đã ghi chép lại ba cuộc hạnh ngộ với một nhóm “Lung-Gom-Pa runner”(1) huyền thoại trong suốt 14 năm sinh sống tại Tây Tạng vào đầu những năm 1900. Trong quyển sách Magic and Mystery in Tibet (Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng),bà miêu tả về cuộc gặp gỡ với vị “lữ khách kỳ lạ”, một nhà sư mặc áo cà sa và áo choàng toga, nhẹ nhàng lướt qua cánh đồng cỏ dại vùng cao nguyên phía bắc Tây Tạng với ánh mắt an lạc hướng về phía chân trời.
(1) Ở Tây Tạng, có môn khinh công được gọi là “lung gom”. Hành giả tu luyện môn này gọi là “lung gom pa”, có khả năng di chuyển rất nhanh. (BTV)
Bên cạnh đó, còn có những “vị sư marathon” hiện đại ở Nhật Bản có thể vừa đi vừa chạy với quãng đường dài hơn cả cự ly marathon thông thường trong một ngày, kéo dài 1000 ngày liên tiếp, với 9 ngày liền sau đó không ăn uống ngủ nghỉ. Thông qua nghi lễ này, họ tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh khi họ trầm tư mặc tưởng và khấn nguyện tại các đền chùa rải rác dọc hành trình.
Khi tôi bắt đầu dò hỏi xung quanh thì mới biết, hóa ra có rất nhiều runner phương Tây, những người có nhiều điểm chung với tôi hơn bất kỳ vị runner tu sĩ nào, cũng đang thực tập chánh niệm.
Thú vị ở chỗ, hầu như các nhà khoa học và nghiên cứu trong ngành Thần kinh học Chiêm nghiệm mà tôi từng trò chuyện đều là runner. Tất cả đều ứng dụng nguyên lý chánh niệm trong buổi tập của họ. Tôi nghe mà sướng rơn vì biết mình đang đi đúng hướng.
Những cuộc nói chuyện này đã giải tỏa trăn trở của tôi khi lo ngại rằng “thiền động” sẽ bị xem là “mất gốc” đối với những hành giả thực tập chánh niệm thuần túy. Pearson, giảng viên khóa học MBSR nói với tôi: “Quan trọng là bạn phải rèn luyện cho cả cơ thể lẫn tâm trí. Chạy bộ và thiền định dạy cho chúng ta sự bền chí và tính kỷ luật cần thiết. Chẳng hạn như đang chạy marathon mà “đụng tường” thì bạn phải tìm cách đi vòng qua nó ngay tại thời điểm đó. Những trở ngại khác trong cuộc sống cũng như vậy thôi”.
Trong quá trình tập luyện thể chất và thi đấu, chúng ta rất dễ bị dẫn đi xa khỏi khoảnh khắc hiện tại.
Đúng thế. Thể thao tương tác với tâm trí theo một cách khá sâu sắc và không kém phần bí ẩn. “Chạy bộ đem đến cho runner những mảnh đất màu mỡ để học thêm các khái niệm về chánh niệm”, vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên và đồng tác giả quyển Peak Performance: Elevate Your Game, Avoid Burnout, and Thrive with the New Science of Success(1), Steve Magness, chia sẻ. “Tôi nghĩ chánh niệm mang lại nhiều lợi ích tương tự như thiền định truyền thống vậy. Với nhiều người, bắt đầu buổi chạy với việc lắng nghe hơi thở và tập trung vào một điều gì đó sẽ dễ dàng hơn là ngồi một chỗ rồi ép buộc bản thân phải thực hiện được nó”.
(1) Tựa tiếng Việt: Phong độ cực đỉnh – Những biện pháp giúp bạn xuất sắc trong công việc lẫn sàn đấu, Saigon Books, NXB Hồng Đức, 2019.
Ứng dụng chánh niệm vào chạy bộ giúp tạo ra mối dây liên kết giữa cơ thể và não bộ. Đây là điều tối quan trọng với các runner mới bắt đầu, hoặc những người có tiếng là chuyên mặc kệ dấu hiệu của cơ thể và gắng gượng chạy tiếp dù đã bị chấn thương. “Không có gì quá cao siêu cả. Chỉ đơn giản là buông lỏng và nhận diện tất cả những gì đang xảy ra trong buổi chạy đó, chúng ta sẽ hiểu thêm về sự thông thái của cơ thể mình. Biết cách chú ý thì chúng ta sẽ học được nhiều đấy”, Brewer, một runner khác cho biết.
Quan trọng không kém, thực tập chánh niệm có thể giúp bạn khám phá hoặc tái khám phá trạng thái thỏa mãn cao hơn trong chạy bộ. Nhà khoa học thần kinh Leslie Sherlin, người đã chạy hơn 20 giải marathon và đồng sáng lập một trung tâm nghiên cứu về não bộ tại San Francisco, nói với tôi: “Ứng dụng chánh niệm vào chạy bộ có giá trị ở chỗ, chúng ta có thể học cách để tận hưởng niềm vui từ việc tập luyện nhiều hơn. Nếu quá trình tập luyện mà vui vẻ thì trải nghiệm đó sẽ ý nghĩa và phong phú hơn. Thực tập chánh niệm cho phép tôi hiện diện trong từng khoảnh khắc để có thể thực sự trải nghiệm các buổi chạy của mình”.
Chú tâm vào cảm xúc, suy nghĩ, cảm nhận thể chất và các trải nghiệm – dù tốt, xấu, hay tồi tệ – là một phương thức khá hiệu quả. Chạy trong chánh niệm không có nghĩa rằng bạn sẽ không bị đau, khó chịu hay thất vọng, mà là bạn sẽ tiếp nhận những cảm xúc đó theo một góc độ khác. Thay vì cứ thả lỏng để cơ thể hoàn toàn trượt dài trước tình huống khó khăn, chánh niệm rèn luyện cho ta một tinh thần bền bỉ và năng động. Hơn thế nữa, trong những giây phút ly kỳ nhất khi bạn chạy trên đường phố hoặc đường mòn, vào những thời khắc mà mọi thứ hợp nhất và cơ thể vận hành đồng bộ một cách hoàn hảo, chánh niệm giúp bạn thấm nhuần buổi chạy đó với ý nghĩa to lớn hơn.
***
Cố bác sĩ tim mạch và tác giả George Sheehan được biết đến như một nhà tư tưởng hàng đầu về chạy bộ. Quyển sách ông viết năm 1978, Running and Being: The Total Experience (Chạy và hiện hữu: Kinh nghiệm tổng hợp), đã nằm trên danh sách bán chạy nhất của nhật báo New York Times trong hơn 14 tuần, và góp phần truyền cảm hứng cho sự bùng nổ của phong trào chạy bộ vào thập niên 1970 và 1980. Trong sách, ông kể về từng buổi chạy của mình với tâm trí tươi mới và sự hân hoan của một đứa trẻ: “Mỗi ngày, tôi mong chờ được nhìn ngắm khung cảnh từ một góc độ khác, có thêm góc nhìn mới về thế giới nội tâm, học thêm vài điều hay ho về cuộc sống, như một cách phản hồi với sự tồn tại của vũ trụ và chính tôi”.
Hòa mình vào khoảnh khắc hiện tại giúp bạn nhìn ra nhiều góc độ mới mẻ khác của con đường đã quá quen thuộc. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ là lộ trình đưa bạn đến với trải nghiệm chạy bộ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và thành công hơn với phương thức tiếp cận việc tập luyện rất khác. Nếu duyên may cho phép, phương pháp chánh niệm mà bạn học được từ chạy bộ cũng có thể tác động tích cực đến cuộc sống của bạn theo một cách ý nghĩa hơn.
Bất kể bạn đang ở cấp độ nào trên chặng đường tập luyện, quy trình chạy trong chánh niệm đều như nhau: Ta tập trung (focus) vào cơ thể, tâm trí, môi trường xung quanh, và nhận diện được những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác đang hiện diện; ta thấu hiểu (fathom) thông tin đó bằng cách cân nhắc làm sao kết nối chúng với nhau từ góc nhìn toàn diện và quyết định liệu có cần hành động gì nữa không; và khi làm theo các bước này, ta đã nắm trong tay những điều kiện cần để tiến tới bước tiếp theo – dòng chảy (flow), trạng thái dung hòa các yếu tố về nhận thức, tập trung, tự tin và vui vẻ với khoảnh khắc hiện tại.
Trong Chương 1, chúng ta sẽ nghiền ngẫm về các nghiên cứu khoa học mới đang tán dương những lợi ích của bài tập hiếu khí(1) và thiền chánh niệm. Chính nhờ kỹ thuật quét não bộ và các kỹ thuật tân tiến khác, ta mới có minh chứng rằng chánh niệm có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chức năng miễn dịch, tình trạng viêm cho tới mạng lưới liên kết trong não bộ.
(1) Bài tập hiếu khí là các bài tập thể dục về sức bền, trong đó cơ bắp phối hợp và vận động một cách nhịp nhàng trong một thời gian dài. Nó được gọi là “hiếu khí” vì cần oxy để tạo ra năng lượng. Các bài tập này làm tăng nhịp tim và nhịp thở để cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ bắp. (BTV)
Hướng tới trạng thái chánh niệm có thể tăng cường chất lượng buổi tập, cho dù bạn chạy đi đâu chăng nữa.
Khi tích hợp phương pháp này với bài tập hiếu khí đã quá nổi tiếng về các lợi ích thể chất, chúng ta sẽ nhận được một “liều thuốc bổ” cực mạnh có tác động tốt tới sức khỏe toàn diện. Nếu bạn quan tâm đến việc “như thế nào” để chạy trong chánh niệm hơn là “tại sao”, hãy giở ngay sang Chương 2 để tìm hiểu.
Để đạt được lợi ích tối đa từ việc chạy trong chánh niệm, trước hết, bạn phải biến nó thành bài tập thường xuyên. Trong Chương 2, chúng ta sẽ tìm hiểu một trong những trở ngại lớn nhất của bất kỳ chương trình tập luyện nào: tạo động lực. Tôi sẽ minh họa cách thiết lập mục tiêu đúng chủ đích để giúp bạn khởi động, đồng thời vẫn giúp bạn tiếp tục duy trì về lâu về dài.
Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu bước đầu tiên của phương pháp chạy trong chánh niệm ở Chương 3: tập trung. Bạn sẽ được học cách quay về nhận diện giây phút hiện tại khi đang chạy, trở nên hòa hợp hơn với cơ thể, tâm trí và toàn bộ thế giới xung quanh.
Chương 4 giúp bạn đưa ra các quyết định có chủ ý về cách phản hồi với những điều quan sát được từ Bước Một ở Chương 3, và trả lời câu hỏi liệu bạn có nên phản hồi chúng hay không. Để thấu hiểu sự việc “như nó chính là” ở hiện tại, bạn cần phải chắc chắn việc làm thế nào để đưa ra lựa chọn kiên quyết hơn. Bước Hai này sẽ giúp bạn khám phá một góc nhìn mới về cách mà cơ thể, tâm trí và môi trường xung quanh tương tác và kết hợp với nhau như thế nào.
Nếu ngừng tại đó và không đọc nữa, thì bạn cũng đã có đủ lượng kiến thức cần thiết để trở thành runner có chánh niệm hơn rồi; nhưng nếu bạn đọc tiếp đến Bước Ba trong Chương 5, bạn sẽ biết được cách mà chạy trong chánh niệm giúp bạn duy trì trạng thái tuyệt vời của dòng chảy. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu nhiều phương thức chánh niệm khác nhau để phát triển năng lực tối ưu của mình.
Với những người yêu thích thi đấu cạnh tranh, Chương 6 cung cấp những cách áp dụng trải nghiệm từ những buổi tập chạy chánh niệm vào thi đấu. Trái ngược với những gì chúng ta biết, chánh niệm không hề thiêu rụi mong muốn đạt được thành tựu của bạn. Dù bạn là một runner chạy marathon dày dạn kinh nghiệm hay mới chập chững bắt đầu với bài tập cự ly 5K(1) đầu tiên đi chăng nữa, những lời khuyên này đều phù hợp với bạn.
(1) K ở đây là viết tắt của ki-lô-mét. Lối viết này thường được sử dụng cho các cự ly chạy phổ biến trong giới runner như cự ly 5K, 10K, 21K và 42K. (BTV)
Chương 7 đúc kết những bài học mà chạy trong chánh niệm có thể chỉ dạy cho bạn không chỉ trong chạy bộ mà còn trong cả cuộc sống. Là một bộ sưu tập tổng hợp cảm xúc từ các runner và nhà khoa học mà tôi đã phỏng vấn, Chương 7 hé mở những suy nghĩ của họ về sức mạnh to lớn của chạy trong chánh niệm.
Cuối cùng, Chương 8 bao gồm phần khởi động nhanh khi thực hành chạy trong chánh niệm – chiếc “bùa hộ mệnh” cho việc thực tập hiệu quả. Chương này còn nhắc đến thói quen tập yoga trong chánh niệm, kiến thức cơ bản về thiền tọa và thiền hành, cộng thêm một vài bí kíp thực hành chánh niệm khác mà bạn có thể sử dụng như “kim chỉ nam” trong cuộc sống hằng ngày.
Năm 1977, David Shainberg, chuyên gia phân tích tâm lý nổi tiếng, tác giả và cũng là người yêu thích chạy bộ, đã viết một bài báo trong tạp chí Annals of the New York Academy of Sciences. Ông chia sẻ:
“Chạy bộ đường dài như một phương pháp thiền định đã có ảnh hưởng nhất định trong thế giới hôm nay. Nó mang đến cơ hội đặc biệt để chúng ta hiểu cách thời gian vận hành cũng như mối tương quan của chúng ta với không gian và chuyển động... Khi tôi xỏ chân vào giày chạy, tôi cảm thấy như đôi chân mình đang hòa vào làm một với cơ thể trong một trạng thái dễ chịu và êm ái... Và tôi ngừng mong muốn mọi thứ phải dễ dàng trong mọi thời điểm, vì tôi chấp nhận rằng mình cần phải bỏ công sức để luyện tập”.
Quan điểm trên của Shainberg thực sự đã chạm tới giá trị cốt lõi của chạy trong chánh niệm – một phương pháp chỉ dẫn bạn cách đón nhận toàn bộ trải nghiệm của buổi chạy và quan sát mọi thứ từ góc độ mới mẻ hơn. Cá nhân tôi luôn tâm niệm rằng chạy trong chánh niệm có thể đưa bạn từ trạng thái xáo động trở về tĩnh tại, và tĩnh tại là môi trường hoàn hảo để phát triển sự thoải mái, tính linh hoạt, sự tập trung, sự cân bằng và con người chân thực của bạn. Hãy thắt chặt dây giày và bắt đầu chạy nhé!