Hầu hết mọi người đều không nhận là mình suy nghĩ tiêu cực, trừ khi có ý thức trong việc tự kiểm tra suy nghĩ, hành động và phản ứng của bản thân. Quá trình tự phân tích này khá đơn giản. Bạn chỉ cần tự hỏi: “Ý nghĩ này là tích cực hay tiêu cực?”. Khi bạn không thể kiểm soát được tâm trí mình hay không thể chuyên tâm vào điều mong muốn đạt được thông qua sức mạnh của trí tưởng tượng, thì những phản ứng của bạn có nguy cơ rơi vào tiêu cực, thay vì tích cực.
Hãy chú ý đến hiệu quả thiết thực của quy tắc vàng - công cụ giúp bạn suy nghĩ tích cực. Rõ ràng, nếu quan tâm đến việc sống tốt với mọi người và tránh xa những điều xấu thì tâm trí bạn sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực.
Khi bạn bắt đầu việc thực hiện tinh thần vui sống lạc quan, những thói quen cũ thỉnh thoảng vẫn sẽ chen vào. Bạn sẽ thấy những tư tưởng tiêu cực của mình ẩn nấp đâu đó, sẵn sàng “tràn ra” khi bạn hé cánh cửa về hướng ấy. Bốn lý do sau có thể bao quát những điều bạn thường gặp khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện:
- Bạn cảm thấy thương cho bản thân và không thể thoát ra khỏi nỗi day dứt ấy.
- Bạn đang xét đoán hoặc đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh hay môi trường sống của bạn.
Ví dụ: Những người nghiện rượu thường dùng cụm từ “uống cho vơi đi nỗi buồn”, nghĩa là họ đang bào chữa cho sự nghiện ngập của mình bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh.
- Cái tôi của bạn bị tổn thương hoặc bị hạ thấp, niềm kiêu hãnh của bạn bị hủy hoại.
- Trong nhiều trường hợp, điều rõ ràng nhất nhưng lại khó nhận ra nhất là bạn trở nên ích kỷ hơn với bản thân và với người khác.
Càng luyện tập để có tinh thần sống tích cực, bạn càng có khả năng nhận ra những tư tưởng tiêu cực khi chúng vừa mới manh nha. Nhưng khi bắt đầu quá trình áp dụng thái độ sống tích cực vào cuộc sống, bạn sẽ phụ thuộc vào những phân tích của ý thức hơn. Trong hầu hết các trường hợp, những tư tưởng tiêu cực thường dễ bị phát hiện, vì chúng đi lệch với quy tắc vàng, hoặc khiến cho bạn tự chê trách bản thân khi lúc nào cũng chuẩn bị những suy nghĩ không mấy tốt đẹp về những đánh giá, nhận xét của người khác về mình.
Nếu trong tư tưởng của bạn có suy nghĩ rằng bạn không làm chuyện gì ra hồn cả, hãy tự hỏi xem, bạn sẽ phản ứng ra sao nếu có một người lạ trên đường bước đến và nói với bạn những lời y như vậy. Hãy đối xử với những tư tưởng đó như với một người xa lạ. Hãy bảo nó: “Mi không biết gì về năng lực của ta đâu. Mi hoàn toàn sai lầm khi nói những lời như thế”.
Những tư tưởng tiêu cực xuất hiện trong tâm trí bạn chính là “sản phẩm của quá khứ” mà bạn đã từ bỏ, chúng không liên quan gì đến việc bạn là ai và muốn trở thành người như thế nào. Bạn hãy giải quyết chúng bằng một liều thuốc giải độc có hiệu quả mạnh mẽ tức thì qua những suy nghĩ tích cực về bản thân, về người khác và về hoàn cảnh xung quanh.
Tiến sĩ Bertice Berry là một nghệ sĩ hài và là một ca sĩ danh tiếng. Bà từng xuất hiện rất nhiều trong các chương trình trò chuyện với khán giả truyền hình, bên cạnh đó, bà cũng là người viết diễn văn.
Trước khi đạt được những thành công như vậy, bà cũng đã từng suy nghĩ như một kẻ ích kỷ và điều đó đã cảnh tỉnh bà như một bài học quý giá. Trong gia đình, Berry là người đầu tiên được đi học đại học, vì vậy, vào ngày lễ tốt nghiệp, bà muốn tất cả người thân cùng đến tham dự và chia vui.
Nhưng vì nhiều lý do, không một thành viên nào của gia đình có thể đến được trong giờ khắc quan trọng này. Khi biết được điều đó, Berry đã rất giận và định bỏ buổi lễ. May thay, một vị giáo sư biết được ý định của bà đã nói thẳng với bà rằng bà đang sống quá ích kỷ, không chỉ đối với những người thân trong gia đình mà còn đối với chính bản thân. Nghe xong những lời của vị giáo sư, bà bắt đầu suy nghĩ lại và từ bỏ ý định ban đầu. Và trong buổi lễ tốt nghiệp đó, bà đã vô cùng kinh ngạc khi được nhận giải sinh viên xuất sắc nhất trường, đồng thời còn được một vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng có thể mơ đến, đó là được một nhân vật đã hai lần đoạt giải Nobel trao thưởng.
Suýt chút nữa bà đã bỏ lỡ một vinh dự lớn lao chỉ vì lòng tự ái. Nhờ bài học này, bà đã vượt qua được những hoàn cảnh tương tự trong đời và vững bước tiến lên.
Thực hành: Tự kiểm để loại bỏ tư tưởng tiêu cực
Hãy lập một danh sách “Những bữa tiệc mà tôi sẽ không tham dự” để sẵn trong túi hoặc ví:
- Bữa tiệc tự thương thân - Bạn cảm thấy bản thân mình thật đáng thương và tội nghiệp.
- Bữa tiệc chối bỏ trách nhiệm - Bạn tìm kiếm ai đó để đổ mọi lỗi lầm lên đầu họ.
- Bữa tiệc tự kiêu - Bạn phải chịu đựng cái tôi bị tổn thương.
- Bữa tiệc tham lam - Bạn trở thành người ích kỷ.
Hãy nhẩm lại danh sách này mỗi khi bắt đầu một ngày mới. Mỗi khi có một ý tưởng tiêu cực trỗi dậy, bạn hãy dành cho mình một phút và tự hỏi rằng; “Chuyện gì đang diễn ra?”. Hãy xem lại những bữa tiệc mà bạn dứt khoát không tham dự. Có phải một trong những bữa tiệc ấy đang xuất hiện trong thái độ sống của bạn không? Khi đã xác định đúng đối tượng, bạn hãy trục xuất nó ra khỏi tâm trí.
Trắc nghiệm bản thân
Bạn hãy thành thật trả lời những câu hỏi sau:
1. Bạn nỗ lực làm việc cho một đối tác có uy tín và lợi nhuận cao, nhưng công việc đang tiến hành thì thất bại và kế hoạch đó rơi vào tay đối thủ cạnh tranh của bạn. Trong đầu bạn sẽ có ý nghĩ nào?
a. Đây là sư việc xảy ra ngoài ý muốn của tôi.
b. Tôi đã có thể giành được chiến thắng nếu đối thủ kia không nhúng tay vào. Đối tác bỏ hợp đồng với tôi chẳng qua vì bị công ty kia lôi kéo mà thôi.
c. Tôi phải tìm cho ra lý do lại sao đối tác của tôi lại thay đổi hợp đồng. Đây là lúc tôi cần nhanh chóng xác định vấn đề và xử lý chúng.
2. Con gái bạn bỏ ngang đại học để đi làm đầu bếp cho một nhà hàng. Bạn sẽ nghĩ gì?
a. Vi nó không được coi sóc và giáo dục tốt nên mới ra nông nỗi này.
b. Nó đang muốn nổi loạn và chọc tức tôi đấy, trong khi tôi đã tốn biết bao nhiêu tiền của cho nó đi học đại học.
c. Tôi cần phải tìm hiểu lý do trước đã để có phương hướng giải quyết.
3. Bạn thất bại trong cuộc ứng cử vào vị trí chủ tịch Hội đồng nhân dân địa phương. Bạn sẽ nghĩ gì?
a. Cũng nhờ vậy mà mình học thêm được một bài học. Chắc mình không nên chen chân vào những cuộc bầu cử như thế này nữa.
b. Nếu mọi người không thấy được khả năng của mình thì mình cũng không cần phải mất tâm sức cho họ.
c. Đối thủ cúa mình biết cách lấy lòng dân trong khi minh chưa có được khả năng này.
Đây chính là người mà minh có thể học hỏi đây. Chắc chắn mình và ông ta có thể trở thành cộng sự tốt và hợp tác hiệu quả.
4. Bạn muốn giảm cân, nhưng dù đã cố gắng hết sức, bạn vẫn không thành công. Bạn sẽ có thái độ như thế nào?
a. Không sao. đáng lẽ trông tôi còn tệ hơn thế này nữa cơ, cũng may là tôi không bị tăng cân thêm.
b. Tôi đang quá chú trong đến ngoại hình của mình. ‘Thật vớ vẩn.’ Tôi sẽ không bao giờ giảm cân nữa đâu và phải ngưng ngay cái việc hành hạ bản thân mình lại.
c. Tôi cần phải tìm một phương pháp mới để có hứng thú tập luyện hơn, từ đó cái thiện vóc dáng, sức khỏe.
“Uốn mình theo dòng chảy” là một cách để hòa nhập cuộc sống. Nghe thật hấp dẫn vì nó có tác dụng xóa tan mọi lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, nó lại là lớp vỏ để chuyển hóa vào nội tâm bạn hàng loạt những suy nghĩ tiêu cực: Bạn là ai? Bạn có thể làm được điều gì?… Những câu trả lời “a” phản ánh điều này. Chúng kết hợp cảm giác “tự thương hại” thật tinh vi, thể hiện qua những cách nói: “Chỉ vì tôi không được sinh ra để trở thành nhà lãnh đạo hay vận động viên thể thao” hoặc “Cuộc đời đã chất chồng lên tôi quá nhiều gánh nặng, và điều tốt nhất tôi có thể làm là cam chịu những điều ấy”…
Thái độ sống tích cực sẽ không để bạn đi vào những suy nghĩ như thế. Ý nghĩ ấy có thể xuất hiện trong đầu bạn, nhưng khi cân nhắc, bạn sẽ nhận ra đó là cách trốn tránh hành động và trách nhiệm. Khi điều này xảy ra, bạn có thể xua đuổi những ý nghĩ ấy đi và tấn công lại chúng bằng những gợi ý tích cực. Bạn càng ý thức điều này, nó càng xảy ra thường xuyên một cách tự nhiên, cho đến khi những ý nghĩ tiêu cực không còn xuất hiện nữa.
Đổ thừa hoàn cảnh hay đổ lỗi cho người khác đều là những phản ứng rất dễ xảy ra, vì nó thường đem đến cho bạn cảm giác thờ ơ trước mọi việc. Những đáp án “b” minh chứng rõ điều này. Tất nhiên, phương pháp ấy không bao giờ giải quyết được khó khăn, mà còn làm cho vấn đề thêm tồi tệ. Bạn phải xác định chính xác nguyên nhân của trở ngại để tìm ra những ích lợi tiềm ẩn. Nếu bạn bỏ qua việc này, những khó khăn sẽ tiếp tục chồng chất thêm.
Những câu trả lời “c” minh chứng cho cách nhìn tích cực và đúng đắn nhất. Bạn nhận thức rõ khó khăn và tin rằng mình sẽ giải quyết được. Quá trình khám phá này đòi hỏi bạn phải lấy tinh thần tích cực làm điểm tựa. Bạn sẽ học thêm được nhiều điều về bản thân và hoàn cảnh mà trước kia bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Nếu xem những điều gợi mở này là cần thiết và tin vào khả năng ứng phó của mình với các tình huống phát sinh, bạn sẽ đạt được giá trị cao quý nhất của tinh thần sống tích cực: Gia tăng sự tự tin và hiểu biết chính mình.
Gợi ý:
Xóa bỏ ý tưởng tiêu cực không khó như bạn vẫn nghĩ. Bạn còn nhớ phần Gợi ý ở Bước 2 không? Bạn đã có chìa khóa trong tay. Hãy nhốt những tư tưởng tiêu cực trong căn phòng riêng và quên nó đi! Thái độ sống tích cực truyền cho tâm trí và đôi tay bạn sức mạnh để làm được điều này.
“Tôi được tạo nên như một công trình tuyệt diệu của tạo hóa.”
- Thánh ca
“Niềm tin vào bản thân là bí quyết đầu tiên của thành công.”
- Ralph Waldo Emerson
“Hãy nhủ thầm trong những ước mơ của bạn rằng: Tôi được sinh ra để làm chủ mọi hoàn cảnh.”
- Andrew Carnegie
“Thù oán là sự phun trào của cảm giác mặc cảm vì thua kém.”
- José Ortegay Gasset
“Nản chí chẳng qua là nỗi thất vọng khi lòng tự ái bị tổn thương.”
- Francois de Fénelon
“Đừng bao giờ tạo ra hoàn cảnh để chống lại chính mình.”
- Robert Rowbottom
“Giận mất khôn, và điều đó là không đáng.”
- Louis L’ Amour
“Bạn có được sức mạnh, lòng can đảm và sự tự tin qua kinh nghiệm sống là do bạn đã dừng lại để đối diện với nỗi sợ hãi. Khi ấy, bạn dám nói với chính mình: Tôi đã sống được qua nỗi sợ này nên tôi dám đón nhận điều xảy ra tiếp theo’. Bạn phải làm được điều mà bạn nghĩ rằng mình không thể.”
- Eleanor Roosevelt