Để có thể sống vui, hãy thực hiện những hành động đem lại niềm vui! Vì bạn có thể nhờ suy nghĩ mà đổi mới cách hành động nên cũng có thể nhờ hành động mà tạo cho mình suy nghĩ mới. Hãy biết thông cảm với người khác. Để có thể trở thành người biết cảm thông, hãy biểu lộ sự thông cảm trong hành động. Hãy mỉm cười với bản thân và với thế giới.
Cuối cùng, bạn sẽ cảm nhận được sự hòa đồng và niềm vui bên trong một cách tự nhiên mà không cần phải cố gắng chú tâm vào nó nữa. Mọi người đều dễ nhận ra những con người tươi vui (và họ luôn muốn gần gũi những người ấy). Bản chất cuộc sống sẽ thay đổi khi bạn xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực và hướng tâm trí vào những ý nghĩ, ký ức, trải nghiệm tốt đẹp, lành mạnh.
Nếu phải lo lắng thì hãy lo lắng một cách tích cực. Trong cuốn Psycho - Cybernetics, tác phẩm thuộc hàng best-seller, Tiến sĩ Maxwell Maltz nói với độc giả rằng hãy có những “lo lắng cầu thị”, ông cho rằng tâm hồn âu lo là do phải suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra. Vì thế, cách tốt nhất để giải tỏa âu lo là tìm ra những điều tốt đẹp có thể đến.
Dưới đây là hai nguyên tắc cơ bản để tập “lo lắng cầu thị”. Bạn hãy viết chúng vào một mảnh giấy nhỏ và mang theo trong túi:
- Điều tốt nhất có thể xảy ra trong hoàn cảnh này là
- Điều này có thể xảy ra. Và cuối cùng thì khả năng thật sự xảy ra việc là rất cao.
Theo định kỳ, bạn hãy dùng một “liều thuốc lạc quan” theo hướng dẫn sau: Tưởng tượng ra những kết quả bạn mong đợi đối với vấn đề của mình. Sau đó, tái hiện những ý tưởng này trong tâm trí để dần hình thành từ nội tâm sự tự tin và can đảm.
Maltz tin rằng tiềm thức chúng ta không phân biệt được kinh nghiệm từ trải nghiệm có thật với kinh nghiệm do chúng ta tưởng tượng ra. Để nhấn mạnh điều này, ông đưa ra bài tập sau: Mỗi ngày, hãy dành ra một khoảng thời gian để nhắm mắt lại và nghĩ về kế hoạch đang hướng đến. Hãy hình dung chính bạn khi đã đạt được những mục tiêu đó. Tưởng tượng ra hình ảnh và hương vị của những điều bạn đạt được. Khi thấy tâm trí chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, hãy lập tức ra lệnh cho mình dừng lại. Sau đó, thay thế những hình ảnh ảm đạm đó bằng bức tranh về những điều bạn thật sự mong muốn đạt được. Hãy thử và bạn sẽ thấy tác dụng của nó!
Cảm giác tuyệt vời mà bạn có được chính là thái độ sống vui tươi tích cực.
Thực hành: Ghi nhận những thành quả
Nghiên cứu sự thành công là việc làm cần thiết. Hãy ghi lại những chi tiết cụ thể bạn đã trải nghiệm và đi đến thành công, rồi tóm tắt chúng thành công thức chung. Việc nghiên cứu để đúc rút kinh nghiệm trong những lần thất bại cũng là việc đáng làm.
Tổng hợp những kinh nghiệm làm bạn hài lòng thành công thức. Chúng sẽ tạo thành những phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật giúp bạn tái thiết lập thành công đó sau này, khi đã áp dụng chúng vào cuộc sống cá nhân, đời sống tâm linh, gia đình, xã hội, kinh doanh, chuyên môn hoặc đời sống cộng đồng. Bạn có thể phát triển những phương pháp này vào bất cứ điều gì bạn quan tâm để đạt được kết quả tốt nhất.
Bất cứ ai đã một lần thử và còn tiếp tục nỗ lực sống tích cực sẽ tìm thấy sức khỏe, hạnh phúc, sự giàu có và thành công mà mình mong muốn.
Hãy tự hào vì những thành quả bạn đạt được, vì gia đình, tôn giáo, đất nước của bạn, và vì tất cả những gì tốt đẹp đang hiện hữu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết khiêm tốn và tự kiểm soát cảm xúc cá nhân. Người ta có quyền tự hào chính đáng về những thành quả có ý nghĩa tích cực mình đạt được, nhưng khoe khoang, khoác lác về những thành quả ấy lại là điều tiêu cực.
Trong tiếng Anh, một từ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau, có cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực, và chữ “Proud” (tự hào - ngạo mạn) là một ví dụ điển hình. Tự hào là một cảm xúc chính đáng về cái tôi cá nhân, về giá trị, danh dự và lòng tự trọng bản thân; nhưng lại mang nghĩa tiêu cực trong câu châm ngôn: “Kiêu căng dễ vấp ngã, ngạo mạn sẽ sẩy chân”.
Kiêu ngạo là một cảm xúc thái quá về sự hơn người, tự trọng quá mức dẫn đến tự cao tự đại. Trong thực tế, những từ đồng nghĩa với nó là “kiêu căng”, “ngạo mạn”, “bất kính”, “hống hách”, “hợm hĩnh” và “khinh khi”. Còn từ trái nghĩa là “khiêm nhường”.
Trắc nghiệm bản thân
Xét những tình huống sau:
1. Bạn đã nộp đơn đưa ra ý kiến về việc cơ cấu lại tổ chức nơi bạn làm việc. Bạn sắp gặp người có quyền ra quyết định cuối cùng. Vậy bạn sẽ tập trung vào điều gì trước buổi gặp gỡ này?
a. Những thói quen bạn vẫn làm hàng ngày, để nhờ đó, sư lo lắng hồi hộp không thể xâm chiếm tâm hồn bạn được.
b. Tất cả những câu hỏi hóc búa mà bạn có khả năng bị phản biện và những lời phản đối mà sếp của bạn sẽ đưa ra.
c. Những ích lợi mà tổ chức sẽ có được từ đề nghị của bạn và tự nhủ rằng, không khó khăn gì khi giải thích cho sếp về những điều ấy.
2. Chồng (vợ) của bạn vừa được cất nhắc lên một vị trí quan trọng, đồng nghĩa với việc được tăng lương và có cơ hội thăng tiến. Nhưng điều này cũng có nghĩa là anh ấy/cô ấy phải đảm nhận một khối lượng công việc lớn hơn. Bạn sẽ chuẩn bị ý tưởng gì để động viên chồng (vợ) bạn?
a. Anh yêu, anh hãy làm làm những gì mà anh thấy là tốt nhất.
b. Anh đừng quên chuyện đã xảy ra với người tiền nhiệm. Anh ta đã không chịu nổi áp lực công việc và đã bị sa thải.
c. Đây là cơ hội tuyệt vời cho anh, và em tin chắc anh sẽ làm tốt nó. Nếu anh đảm nhiệm vị trí này, em sẽ luôn ủng hộ anh.
3. Là chủ tịch hội phụ huynh học sinh, bạn rất ngạc nhiên khi hay tin Hiệu trưởng của trường sắp thôi chức. Ban giám hiệu yêu cầu bạn chủ tọa buổi họp hội đồng để bầu ra người thay thế. Bạn sẽ xuất hiện tại buổi họp ấy với thái độ ra sao?
a. Tán đồng theo số đông.
b. Nói rõ rằng bạn tin sẽ tìm được một người thay thế có năng lực tương dương, nhưng đồng thời cũng nhắc nhớ mọi người nên chuẩn bị tinh thần để đối phó với những phàn nàn, chỉ trích từ dư luận.
c. Bạn nhận thức được rằng có thể tìm được người hiệu trường tài giỏi. Nhưng mỗi ứng viên đều có những điểm mạnh riêng và điều quan trọng nhất là tìm được người phù hợp nhất với nhu cầu của trường.
4. Quãng đường đi làm hàng ngày của bạn mất 45 phút cho mỗi chuyến đi và về. Bạn sử dụng thời gian này như thế nào?
a. Nghe nhạc.
b. Mở ra-di-o để nghe tin tức hoặc các chương trình giải trí.
c. Tưởng tượng ra những điều bạn sẽ thực hiện trong ngày và ngẫm xem những chén ấy sẽ giúp bạn tiến đến những mục tiêu lớn trong đời như thể nào.
Napoleon Hill từng nói: “Điều duy nhất bạn chắc chắn có thể kiểm soát được là phản ứng của bạn trước những hoàn cảnh”. Nếu bạn có thói quen khoác lên mọi hoàn cảnh chiếc áo lạc quan vui tươi, bạn sẽ thấy bạn thật sự tạo ra những điều đó qua lời nói và hành động của mình.
Ai trong chúng ta cũng nghe được âm thanh thi thoảng vẫn cất lên bên tai nói về những điều bi quan: “Điều đó sẽ không xảy ra đâu” hay “Rồi sẽ thất bại mau chóng thôi”. Những tiếng nói ấy vẫn cứ tiếp tục vang lên không ngớt làm tâm trí bạn không thể phớt lờ chúng. Lúc này, bạn có thể nghĩ rằng, mình sẽ thay đổi những suy nghĩ về bản thân thì sớm hay muộn những âm thanh ấy cũng chấm dứt mà thôi. Nhưng có vẻ điều bạn định thực hiện ấy lại không mang lại kết quả khả quan. Điều cần thiết và hữu hiệu nhất cho trường hợp này là bạn điều khiển tâm trí tập trung vào những ý tưởng tốt đẹp. Tương tự, khi bạn giúp ai đó củng cố tiếng nói tích cực trong họ thì đồng thời bạn đã giúp họ một việc có ý nghĩa lớn lao. Đó là lý do vì sao những câu trả lời “a” không phản ánh thái độ sống tích cực.
Phản ứng tinh thần của con người rất dễ lây lan. Vì thế, bạn sẽ chẳng giúp được gì cho ai - ngay cả cho bản thân - nếu cứ nói mãi về những vướng mắc tiềm tàng của vấn đề nào đó. Những câu trả lời “b” cho thấy, thái độ tiêu cực dễ ảnh hưởng đến những người xung quanh, phá hủy nỗ lực của họ cũng như làm lệch phản ứng của họ đối với nỗ lực của bạn.
Những ý nghĩ tiêu cực thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong đầu bạn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều bạn nên làm là kiểm tra xem liệu chúng có phải là “vấn đề” thật không, và thường thì trong 9/10 trường hợp, bạn nên thay thế nó bằng một ý nghĩ khác tích cực hơn.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn đang tự khoác cho hoàn cảnh một chiếc áo hào nhoáng để tự an ủi hay giấu đi trạng thái tinh thần thật sự. Biết bao nhân vật kiệt xuất của thời đại đã đi vào lịch sử khi biết vượt qua những thất bại ban đầu để tiếp tục theo đuổi mục đích đến cùng, như Robert Fulton, Thomas Edison, anh em nhà Wright… Nếu bạn từng nghĩ “mặt trời đã lặn” thì có lẽ bạn đã sai. Mặt trời không bao giờ lặn. Nơi bạn đang đứng là bóng đêm, nhưng những nơi khác, mặt trời vẫn đang chiếu sáng.
Susan Jeffers, tác giả quyển Feel the Fear and Dolt Anyway, khi đang dùng bữa tối với một người bạn và cố tìm lời góp ý để giúp đỡ anh ta vượt qua tình cảnh khó khăn thì người bạn ấy nhận xét: “Cậu đang bắt đầu giống Pollyanna[iii] rồi đó”.
[iii] Pollyanna - một nhân vật trong quyển truyện cùng tên của tác giả Eleanor Hodgman Porter (1868 - 1920), tiểu thuyết gia Mỹ. Pollyanna là cô bé 11 tuổi luôn sống lạc quan, vui tươi, do đó, không chỉ gia đình mà mọi người ở khu phố nơi em sống đều rất yêu mến em. Để luôn yêu đời, em đã tạo cho mình một trò chơi mang tên “niềm vui”. Pollyanna là biểu tượng của tinh thần sống lạc quan.
Jeffers nhớ lại: “Khi ấy, tôi thốt lên: ‘Mà nếu có giống Pollyanna đi nữa thì đã sao? Cảm thấy cuộc sống là tươi đẹp, bất chấp những khó khăn gặp phải trên đường đời thì có gì là sai trái? Hướng về mặt trời thay vì ngồi ủ rũ trong màn đêm u tối có gì là không đúng? Cố gắng tìm ra điều tốt đẹp trong tất cả mọi chuyện không được ư?’. Tôi quả quyết: ‘Tất cả những việc đó chẳng có gì xấu xa cả! Tại sao người ta không chịu sống tích cực lên nhỉ?’”.
Bạn là người duy nhất có quyền quyết định thái độ của mình trước bất kỳ hoàn cảnh cụ thể nào trong cuộc sống. Nếu bạn đắm mình trong vũng lầy của những suy nghĩ tiêu cực thì đám bùn dơ đó sẽ bám đầy người bạn và mọi người xung quanh sẽ nhanh chóng nhận ra. Thay vào đó, bạn hãy chọn cách hướng tâm trí mình vào những điều bạn mong muốn và tin rằng mình sẽ nhận được chúng. Vì vậy, nếu bạn có phải lo lắng thì hãy lo lắng theo hướng tích cực.
Gợi ý:
Hãy tự nhắc nhở mình về sức lan truyền lớn lao của niềm vui bằng cách đứng trước gương và mỉm cười. Nếu ban đầu bạn cảm thấy hơi lúng túng thì cũng không sao, thậm chí có thể còn tốt hơn nữa nếu bạn không nhịn được cười, vì sau đó, bạn sẽ cười thật sự với chính mình. Nhưng chỉ nhìn thấy bản thân mình mỉm cười thôi thì chắc chắn bạn sẽ nghi ngờ về hạnh phúc mà những điều giản dị nhất mang lại. Vì thế bây giờ, hãy tưởng tưởng xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chia sẻ nụ cười ấy với người khác.
“Tâm trí hân hoan làm thể chất lành mạnh. Tinh thần suy sụp khiến xương cốt rã rời.”
- Châm ngôn
“Sự tươi vui gìn giữ ánh sáng cho tâm hồn và thanh bình, bất diệt sẽ ngự lại trong nó.”
- Joseph Addison
“Hãy gìn giữ những thói quen tốt, nếu như bạn chưa sử dụng được nó.”
- William Shakespeare
“Hãy cho tôi một con người luôn hát ca khi làm việc.”
- Thomas Carlyle
“Nếu bạn muốn mình có những phẩm chất tốt đẹp, hãy sống như thể bạn đã sở hữu nó rồi. Đó là một kỹ thuật trong nghệ thuật sống.”
- William James
“Nếu thật sự muốn sống, chúng ta nên cố gắng ngay từ bây giờ.”
- W.H.Auden
“Biết sử dụng điểm yếu của mình,và luôn khao khát sức mạnh.”
- Laurence Olivier
“Hãy dũng cảm - và sức mạnh tiềm tàng sẽ trợ giúp mục tiêu của bạn.”
- Basil King
“Những người thành công là những người biết biến chuyển mọi tình huống họ gặp phải theo hướng họ muốn. Và họ không chỉ làm được việc đó một lần, mà là luôn luôn.”
- Charles Gaifiel