Hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho mình, và đừng bao giờ làm điều ngược lại.
Điều tưởng như quen thuộc và đơn giản này lại có những ích lợi lớn lao mà không mấy ai nhìn thấy. Đôi khi, sống theo quy tắc vàng đồng nghĩa với việc bênh vực, ủng hộ người khác, trở thành người bảo vệ, che chở và biện hộ cho người khác. Martin Niemoller[ii], một nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi chống lại nền chuyên chế Đức quốc xã biết rõ chân lý ấy. Trong một buổi gặp gỡ với các tín đồ sau cuộc chiến, ông đã nói:
[ii] Martin Niemoller (Martin Luther King: 15/1/1929 - 4/4/1968) là mục sư nhà thờ Baptist ở Montgomery, Alabama, nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi và là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964. Là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động, ông được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hòa bình và thánh tử đạo. 14 năm sau khi bị ám sát, chính phủ Mỹ ban hành đạo luật thiết lập Ngày Lễ Martin Luther King.
“Khi bọn Đức quốc xã đàn áp những người Cộng sản, tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải là một người Cộng sản.
Khi chúng đàn áp người Do Thái, tôi cũng không lên tiếng vì tôi không phải là người Do Thái.
Khi chúng đàn áp những thành viên của công đoàn, tôi cũng không lên tiếng, vì tôi không phải là thành viên công đoàn.
Cuối cùng, chúng đến chỗ tôi, lúc đó không còn ai để bênh vực cho tôi.”
Vâng, hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Mọi người và mọi hoàn cảnh xung quanh bạn đều ẩn chứa rất nhiều điều tốt đẹp, do đó, hãy trở thành nhà thám hiểm để kiếm tìm những giá trị tinh anh chứ đừng trở thành kẻ đi moi móc lỗi lầm. Hãy trao sự nâng đỡ, lời khen ngợi và động viên tinh thần thay cho những lời chê trách, đổ lỗi, hận thù. Hãy sánh bước cùng người khác thêm một đoạn đường nữa để giúp đỡ họ, nếu có thể.
Thái độ sống tích cực cho thấy một điều dù bé nhỏ cũng có thể làm nên khác biệt lớn lao. Người ta vui sống hay đau khổ muộn phiền đều do thái độ tích cực hay tiêu cực mà họ tác động tới bản thân và tới mọi người.
Trong tác phẩm “The Magniíicent Obsession” (Nỗi ám ảnh), Lloyd C. Douglas đã viết rằng, khi bạn đem niềm vui đến cho người khác thì niềm vui ấy sẽ trở lại với bạn gấp trăm, nhưng với điều kiện là bạn làm điều ấy một cách chân thành mà không khoe khoang, khoác lác hay tư lợi.
Daniell, còn được gọi là “chàng Jim khổng lồ”, biết rất rõ sức mạnh của niềm vui. Trước khi ông đến RMI, một hãng sản xuất titan vào năm 1976, công ty này đang chìm trong khó khăn không lối thoát. Kể từ đó, với tư cách là chủ tịch mới của công ty, Ngài Daniell đã thay đổi được cục diện. Ông đã làm điều ấy như thế nào? Không phải với những phương tiện kỹ thuật tối tân, không phải với những tư vấn viên xuất chúng, và cũng không nhờ bằng cấp cao, mà chính là nhờ vào tinh thần sống lạc quan, tích cực.
“Chàng Jim khổng lồ” đã ghi nhớ tên của 700 công nhân trong công ty. Ông cho viết lên một trong những tấm bảng treo tường câu này: “Khi bạn gặp một người thiếu vắng nụ cười trên môi, bạn hãy trao cho anh ta nụ cười của bạn”. Với chiếc xe đẩy điện trong tay, ông luôn tươi cười mỗi khi đi thăm các tầng làm việc, tiếp xúc với anh em công nhân, và kể họ nghe những mẩu chuyện vui. Daniell luôn sống với triết lý: “Hãy làm cho người khác điều mà các bạn muốn mọi người làm cho mình”.
Và triết lý sống của Daniell đã thật sự mang lại hiệu quả. Lượng hàng bán ra của công ty RMI tăng cao, năng suất tăng, uy tín tăng và Ngài Daniell ngập tràn trong hạnh phúc, giàu có và sự kính trọng của mọi người.
Hãy chia sẻ với người khác một phần những gì bạn đang có. Trong khi chia sẻ như vậy, bạn đã trao đi một phần chính con người bạn - phần còn lại của bạn sẽ được nhân lên gấp bội.
Thực hành: sống theo quy tắc vàng
Hãy nghĩ về ba điều bạn muốn người khác làm cho bạn và viết chúng ra một tờ giấy.
1......................................................................
2......................................................................
3......................................................................
Sau đó, hãy cất tờ giấy đi. Bây giờ, bạn thử nghĩ xem mình sẽ làm cách nào để thực hiện cho người khác cũng từng ấy điều? Hãy sử dụng Bước 2 như công cụ để giúp bạn thực hiện: hình dung về những điều bạn thật sự mong muốn. Nếu được, hãy tìm một hình ảnh mang tính biểu tượng giúp bạn hình dung rõ hơn những điều sắp thực hiện. Đừng chần chờ gì nữa, hãy tiến lên và thực hiện điều đó!
Chia sẻ những điều nhận được
Từ xưa đến nay, những người thành công đều luôn chia sẻ với mọi người thành tựu của họ. Đổi lại, họ nhận được lòng kính trọng, sự hợp tác và niềm vui mãn nguyện trong cuộc sống.
Terry Evenson rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh, và để sẻ chia với mọi người, ông đã thành lập một chương trình học bổng dành cho những sinh viên nghèo hiếu học. Nhờ đó, những sinh viên ấy có cơ hội để tiếp tục học tập và đóng góp công sức cho xã hội. Và đến khi thành công, họ lại tiếp tục chung tay xây dựng, mở rộng hơn quỹ học bổng này; cứ thế, họ tạo nên một quá trình phát triển không ngừng cho chính họ cũng như cho những người thật sự cần sự giúp đỡ… Bởi vì, tất cả đều có niềm tin rằng, tạo cho người khác cơ hội để thành công là điều cần thiết và quan trọng trong cuộc sống.
Bill Cosby là một trong những danh hài, người dẫn chương trình da đen nổi tiếng nước Mỹ. Ông đã bỏ phần lớn thời gian của mình để gặp gỡ những người có lòng đam mê công việc, có ước mơ, hoài bão… cho họ lời khuyên cùng sự khích lệ, vì ông biết rằng, khi bắt đầu lập nghiệp, họ sẽ rất cần đến những lời khuyên ấy.
Trắc nghiệm bản thân
Hãy đặt mình vào những trường hợp sau và thành thật trả lời các câu hỏi:
1. Cách đây ba ngày, bạn đưa cho trợ lý của bạn toàn bộ những dữ liệu đã được thu thập và phân tích để anh ta chuẩn bị cho buổi họp báo quan trọng vào ngày mai. Nhưng hôm nay, bạn phát hiện ra anh ta chưa chuẩn bị được bao nhiêu. Bạn sẽ có phản ứng gì?
a. Không nói năng gì cả, để tránh tạo thêm áp lực cho anh ta.
b. Soạn một văn bản gửi cho sếp của bạn, trong đó chỉ rõ rằng bạn đã hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, nên nếu có sai sót gì trong việc chuẩn bị bản báo cáo thì chuyện đó hoàn toàn không liên quan đến bạn.
c. Đề nghị giúp đỡ anh ta hoàn tất bản báo cáo.
2. Bố mẹ chồng (hoặc vợ) của bạn đã cao tuổi và không thể tự tay làm được hết mọi việc như trước đây. Bạn sẽ có thái độ gì?
a. Mặc kệ họ, vì đó không phải là chuyện của bạn.
b. Nói với họ rằng, đã đến lúc họ dọn vào nhà dưỡng lão nghỉ ngơi rồi, nếu không muốn trở thành gánh nặng cho con cái.
c. Đề nghị được giúp đỡ họ trong những việc có thể, đồng thời vận động, nhắc nhở những thành viên khác trong gia đình quan tâm đến họ hơn.
3. Bạn đang lái xe rất nhanh trên xa lộ đông người, bỗng có một chiếc xe khác chạy bám theo bạn. Bạn phản ứng thế nào?
a. Vẫn tiếp tục lái xe bình thường.
b. Đạp thắng và giảm tốc độ để dạy cho tên tài xế kia một bài học về phép lịch sự trên xa lộ.
c. Lái tránh sang một bên, nhường cho xe kia vượt lên trước.
4. Tại một tiệm sửa xe mà bạn là khách quen nhiều năm nay, một nhân viên mới vào làm cư xử bất nhã với bạn. Bạn sẽ phản ứng thế nào?
a. Kiên nhẫn chịu đựng và nghĩ rằng sớm muộn gì anh ta cùng bị đuổi việc.
b. Bỏ đi nơi khác.
c. Nói chuyện riêng với người quản lý
Những câu trả lời “a” thể hiện thái độ sống bị động, không phù hợp với tinh thần sống tích cực. Thái độ sống tích cực sẽ xác định vấn đề và hành động để thực hiện những điều đó. Nếu làm ngơ trước những hoàn cảnh khó khăn này, bạn sẽ làm cho các vấn đề thêm nghiêm trọng, khi đó, mọi chuyện càng trở nên phức tạp. Đôi khi, việc không dính dáng vào những cuộc cãi vã hay tranh luận có vẻ là giải pháp ôn hòa hơn cả, nhưng thái độ đó cũng dễ làm cho chúng ta không thể kiểm soát được những vấn đề đang diễn ra. Có thể mọi người sẽ thắc mắc tại sao bạn lại tỏ ra thụ động như vậy trong khi bạn có thể đứng ra giải quyết vấn đề theo khả năng của mình.
Những câu trả lời “b” thể hiện sự năng động, nhưng hầu như chúng đều làm tăng thêm sự căng thẳng và khiến người khác nghĩ về bạn như kẻ hiếu chiến hoặc chuyên gây rắc rối. Khi vấn đề xuất hiện, mọi người muốn tìm một người biết dàn xếp ổn thỏa chứ không phải người “đổ thêm dầu vào lửa”. Làm sao người khác có thể tin tưởng bạn khi thái độ của bạn lúc nào cũng muốn đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm? Nếu bạn gặp một người cũng có tính cách giống mình thì những hành động của bạn rất dễ bị hiểu lầm - như là một sự khiêu chiến ngầm. Thay vì tự tạo ra những thách thức, bạn hãy tỏ ra hiểu biết. Cách bạn hành động nói lên điều bạn mong chờ ở cách cư xử của người khác.
Câu trả lời “c” giúp người khác dễ có thiện cảm với bạn; họ sẽ nghĩ về bạn như một người luôn sẵn lòng hợp tác, giúp đỡ và hành động để thúc đẩy sự việc tiến triển theo hướng ngày một tốt hơn. Có khi, nhờ thái độ tích cực như vậy mà mối quan hệ giữa bạn với những người quen biết ngày một gắn bó hơn. Và biết đâu, một lúc nào đó, có thể bạn sẽ bất ngờ cần đến sự giúp đỡ của họ, như đồng nghiệp, bố mẹ chồng (hoặc vợ) hay người chủ tiệm sửa xe…
Thái độ sống tích cực của bạn thể hiện qua việc sống theo quy tắc vàng, có thể hướng đến bất cứ ai bạn gặp trong cuộc sống, thậm chí cả một người mà bạn chưa từng gặp bao giờ hoặc chỉ lướt qua một lần mà không có cơ hội gặp lại trong tương lai. Có thể bạn nghĩ mình sẽ không được ích lợi trực tiếp gì từ những hành động này, nhưng những người khác - những người được đón nhận thái độ tích cực từ bạn - thì có đấy. Bạn không những trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ, mà có khi, còn là một giá trị để truyền cảm hứng cho mọi người noi theo.
Khi sống tích cực, bạn đã làm cho kho tàng những điều tốt đẹp của vũ trụ ngày một vun đầy. Những người sống quanh bạn luôn cảm thấy tự tin khi bạn xuất hiện bên cạnh họ. Nếu bạn đã từng ngạc nhiên về sự giúp đỡ bất ngờ của một ai đó khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thì chắc chắn bạn sẽ hiểu ra giá trị lớn lao của thái độ sống tích cực, đúng như điều người ta thường nói “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”.
Gợi ý:
Hãy nghĩ đến ba điều bạn không muốn người khác làm với mình và viết chúng ra một tờ giấy.
1.......................................................................
2.......................................................................
3.......................................................................
Giờ bạn hãy cất chúng đi. Cách bạn thực hiện sẽ là: Hãy rộng lượng. Khi bạn chia sẻ với người khác một phần của những gì bạn có, thì những phần còn lại sẽ được nhân lên gấp bội.
Cụ thể là:
- Trao tặng nụ cười cho mỗi người bạn gặp, và gửi niềm vui trong ánh mắt. Bạn sẽ nhận lại được thật nhiều những yêu thương.
- Nói những lời tốt lành và sẻ chia với người khác. Bạn sẽ ngày một trưởng thành và nhận được những lời hay, ý đẹp.
- Trân trọng người khác thật chân thành. Bạn sẽ được người khác tôn trọng.
- Trao tặng người khác danh dự, niềm tin, lời khen ngợi và vinh quang chiến thắng. Bạn sẽ được sự kính trọng, tin tưởng và ngợi ca.
- Dành thời gian quan tâm đến khó khăn mọi người đang gặp phải. Bạn sẽ tạo nên giá trị cho mình và được hậu đãi.
- Trao tặng niềm hy vọng - con đường của thành công. Bạn sẽ có hạnh phúc và sống tin tưởng, lạc quan.
- Trao tặng niềm vui - quà tặng quý giá nhất của tinh thần. Bạn sẽ có thêm lòng can đảm và luôn nhận được sự khích lệ.
- Trao tặng sự thân thiện thể hiện qua nụ cười rạng rỡ. Bạn sẽ luôn được sống với những niềm vui bất ngờ.
- Gửi lại một câu trả lời đầy ý vị và chân thành. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái với chính mình và nhận được sự hài lòng từ người khác.
“Ghét ghen sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm.”
- Châm ngôn
“Điều mình không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác.”
- Khổng Tử
“Chúng ta tìm được bạn không phải nhờ nhận ơn, mà nhờ ra tay giúp đỡ.”
- Thucydides
“Gương sáng không phải là yếu tố chính gây ảnh hưởng đến người khác, mà đó là yếu tố duy nhất.”
- Albert Schweitzer
“Nhiều người có thái độ bàng quan với những gì đang xảy ra, vì họ cho rằng chúng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ.”
- William Howard Taft