Bây giờ, khi đã kiểm soát được tâm trí thì bạn hãy bắt đầu điều khiển nó. Cách tốt nhất để thực hiện được điều này là buộc tâm trí phải liên tục tập trung vào những điều bạn mong muốn và loại trừ những ý nghĩ về điều ngược lại.
“Trăm nghe không bằng một thấy”.
Thật vậy, hầu hết những suy nghĩ của bạn đều được biểu đạt qua ngôn ngữ, nhưng ý nghĩ về những gì xảy ra lại diễn ra qua hình ảnh, chứ không qua ngôn từ. Khi một ý tưởng xuất hiện, bạn nhìn thấy hình ảnh về điều sẽ xảy ra hơn là nghe được những câu nói văng vẳng trong đầu. Hình ảnh là phương tiện diễn đạt mau chóng và hiệu quả của ý nghĩ.
Trong tâm trí con người, khả năng tạo ra hình ảnh có trước và nằm ở tầng sâu hơn so với khả năng tạo ra ngôn ngữ. Hình ảnh có sức hấp dẫn mạnh mẽ và trực tiếp đối với cảm xúc và các giác quan, trong khi đó, từ ngữ chỉ có sức hấp dẫn gián tiếp. Từ ngữ phải được chuyển dịch thành hình ảnh trước khi tâm trí bạn chấp nhận và thay đổi theo chúng.
Bạn phải học cách đưa suy nghĩ vào kỷ luật và “vẽ được” trong tâm trí những hình ảnh về điều bạn mong đợi hoặc tính cách mà bạn mong muốn.
Chẳng hạn, bạn cảm thấy mình cần phải mạnh mẽ lên thì đừng chỉ bằng lòng với việc tự nhủ “Mình phải mạnh mẽ lên”, mà thay vào đó, hãy tưởng tượng xem khi đã trở nên mạnh mẽ hơn, trông bạn sẽ như thế nào? Các trạng thái cảm xúc biểu lộ trên gương mặt bạn lúc đó ra sao? Ngôn ngữ, cử chỉ của bạn có thay đổi?
Bạn có thể rèn luyện cho mình cách cư xử hòa nhã và chân thành nhờ hình dung ra những hoàn cảnh, con người và tình thế mình sẽ gặp. Ngoài ra, khi có dịp quan sát nghệ thuật ứng xử của người khác, bạn càng có thêm cơ sở để tin rằng, chắc chắn bạn sẽ làm được như vậy. Hình dung những điều tốt đẹp về một hoàn cảnh cụ thể, bạn sẽ biến được điều tốt đẹp đó thành hiện thực.
Bạn hãy nhận thức điều này: Nghịch cảnh, thất bại, nỗi buồn hay những điều trái ý bạn gặp hàng ngày (có thể từ chính bản thân bạn hoặc từ hoàn cảnh bên ngoài)… chính là cơ hội để bạn tập suy nghĩ và sống tích cực. Hãy để ý mà xem, luôn có những hạt mầm tốt lành tương xứng hoặc lớn lao hơn cả sự khó khăn, và chúng sẽ phát triển thành hoa thơm quả ngọt cho đời bạn, nếu bạn chịu khó bỏ công chú tâm vào những điều tốt lành ấy.
Một trong những cách để có thái độ sống tích cực khi phải đối diện với khó khăn là biết chấp nhận buông bỏ những chuyện đã qua. Bạn không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể tác động đến những điều xảy ra trong hiện tại và tương lai. Hãy tự nhủ: “Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là để đạt đến điều tốt nhất. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp!”. Bạn hãy bắt tay vào công cuộc tìm kiếm những giá trị tốt đẹp nhất cho mình ngay từ bây giờ.
Trong mọi nghịch cảnh…
Cuộc sống như một cái túi bí ẩn chứa trong nó muôn vàn điều kỳ diệu. Khi chiếc túi ấy được mở ra thì bao nhiêu điều ẩn chứa bên trong mới dần được phơi bày. Bạn có tin không khi đằng sau những buồn đau là hạt giống của hạnh phúc? Trong mọi nghịch cảnh cuộc đời, chính niềm tin ấy là chìa khóa đưa bao người đến đỉnh cao thành công.
Trong Thế chiến thứ II, Chuck Yeager là phi công chiến đấu của quân đội Mỹ. Một lần tham chiến, máy bay của ông bị bắn rơi trong khu vực của kẻ thù, ông trốn thoát, sau đó tìm đường qua Pyrenees tới Tây Ban Nha - nước trung lập. Mặc dù theo quy định của quân đội, ông bị cấm không được quay trở về chiến đấu và phải trở lại quê nhà, nhưng ông vẫn quyết tâm đích thân đến gặp và khẩn khoản xin cấp trên cho ông ở lại. Cuối cùng, cấp trên cũng chấp nhận để ông tiếp tục tham gia cuộc chiến tới cùng. Ông tâm sự: “Lúc đó, mặc dù ý thức về mọi chuyện chưa rõ ràng, nhưng tôi nhận thấy mình cần phải gánh vác mọi trách nhiệm của cuộc đời mình. Nếu đồng ý trở về quê nhà, nghĩa là tôi cũng sẽ không thể được tiếp tục phục vụ đất nước sau khi chiến tranh kết thúc”. Ông đã đúng, khi chiến tranh thế giới kết thúc, Yeager vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội và ngày 14/10/1947, ông đã đi vào lịch sử khi trở thành phi công đầu tiên lái máy bay vượt qua tốc độ âm thanh.
Terrie Williams là nhà công tác xã hội, phục vụ trong một bệnh viện ở Hoa Kỳ. Dù hết lòng say mê và nhiệt tình với công việc, nhưng đôi lúc, cô cũng cảm thấy bị quá tải trước quá nhiều vấn đề phát sinh từ những bệnh nhân, thậm chí có lúc đã muốn bỏ cuộc. Nhưng cô cũng nhận ra rằng, điều làm cô thích thú với công việc này là luôn được sẻ chia tin vui với mọi người, chứ không phải những tin buồn. Sau đó, cô thành lập một tổ chức từ thiện và chẳng bao lâu đã thu hút được đông đảo các thành viên danh tiếng như Miles Davis, Eddie Murphy, Jackie Joyner-Kersee… Nếu không dám đối mặt với nỗi thất vọng khi ước mơ đầu tiên sụp đổ, cô sẽ không bao giờ trở thành một trong những nhà công tác xã hội giỏi nhất quốc gia.
Hãy đóng lại cánh cửa của những hoàn cảnh không mong muốn, hay những thất bại đã qua. Cứ đắm chìm trong thất bại, suy sụp tinh thần hay giữ những ý nghĩ tiêu cực về người khác chỉ làm cho mọi việc càng thêm xấu đi mà thôi. Thay vì vậy, hãy để sự bất mãn làm tăng thêm cảm hứng và nghị lực trong chính bản thân mình.
Nghị lực sinh ra từ sự bất mãn có sức mạnh siêu phàm; nó xuất phát từ thái độ không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại. Theo dòng lịch sử, chính sức mạnh này đã tạo ra những cuộc cách mạng vĩ đại và đem đến những tiến bộ vượt bậc cho nhân loại.
Vươn lên từ thất bại là cho phép bản thân nhận nguồn cảm hứng để hành động, giúp bạn thêm nghị lực để học hỏi từ lỗi lầm và vấp ngã, biến điều bất lợi thành lợi thế và làm việc tận tụy hơn để đạt đến mục đích của mình, bất chấp những khó khăn gặp phải trên đường đời.
Hãy luôn giữ tâm trí hướng về điều bạn mong muốn, và hãy nuôi dưỡng những suy nghĩ tươi sáng của người biết làm chủ. Đừng để cho hoàn cảnh hay người khác “cài đặt” cho bạn những viễn cảnh không như ý muốn.
Và hãy nhớ: Ngày hôm qua đã vĩnh viễn trôi qua. Ngày mai cũng có thể chẳng bao giờ tới. Chỉ có ngày hôm nay để bạn sống trọn vẹn thôi!
Thực hành: Luôn hướng về điều bạn yêu thích
Đôi khi, hình thành tư tưởng thông qua hình ảnh khó hơn qua từ ngữ rất nhiều. Bài tập này sẽ giúp bạn làm quen dần với việc hình thành và giữ gìn hình ảnh cho tâm trí.
Hãy liệt kê ba điều bạn thích. Một điều liên quan đến một tính cách tốt đẹp mà bạn ao ước, một điều giúp tăng thêm tình thân thiết với một người gần gũi bạn, và một điều về tài sản vật chất nào đó bạn muốn có.
Hãy thật cụ thể!
Tính cách: ………………………………………………………
Mối quan hệ: ……………………………………………………
Tài sản: ……………………………………………………………
Hãy nghĩ kỹ về mỗi điều trên, và đưa ra những hình ảnh để diễn đạt chúng. Bạn cũng có thể tham khảo thông qua sách báo để tìm những hình ảnh tượng trưng cho điều bạn mong muốn.
Hãy sử dụng trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo của mình để hoàn tất bài tập này. Những gợi ý sau chỉ có tác dụng phụ giúp bạn bước đầu. Giả sử như “lòng bao dung” là một tính cách mà bạn muốn có thì bạn nên tìm kiếm hình ảnh về một người có đôi tay rộng mở và vươn dài. Nếu muốn gia tăng tình thân bằng cách “có nhiều thời gian bên nhau hơn”, bạn nên tìm hình ảnh về chiếc đồng hồ. Nếu tài sản mà bạn muốn là chiếc Mercedes Benz, hãy tìm mẫu quảng cáo có hình chiếc xe đó và cắt ra.
Hãy dán những hình ảnh này vào những nơi bạn có thể nhìn thấy hàng ngày. Hãy dùng chúng như những gợi ý hữu hình, giúp tâm trí bạn phác họa hình ảnh ban đầu về tính cách, các mối quan hệ và tài sản bạn đang cố đạt được. Bạn phải có niềm tin mãnh liệt rằng, không điều gì là bạn không thể.
Trắc nghiệm bản thân
Bạn hãy thành thật trả lời các câu hỏi sau:
1. Bạn là một nhân viên bán hàng lưu động, phải đến làm việc ở nơi mà người dân bản địa không mấy ấn tượng về những người làm công việc này trước đó, vì vậy, họ nghi ngờ và không hợp tác với công ty của bạn. Bạn sẽ có thái độ thế nào?
a. Cứ hành động như không có chuyện gì xấu xảy ra trước đây.
b. Tìm xem cụ thể đã có chuyện gì không hay xảy ra với từng khách hàng, sau đó viết một báo cáo chi tiết cho sếp của bạn, kể về tất cả những vấn đề bạn gặp phải để minh chứng rằng, bạn đang bị đặt vào thế bị động.
c. Tìm hiểu những chuyện không hay xảy ra với từng khách hàng, đồng thời giúp khách hàng tin rằng, bạn luôn bận tâm và giữ lời hứa.
2. Con trai bạn lái xe gây tai nạn. Để sửa xe, cần phải có khoảng vài ngàn đô-la. Bạn phản ứng ra sao?
a. Thở dài: “Trẻ con mà. Tạ ơn trời vì đã mua bảo hiểm“.
b. La mắng và cấm con không được đụng đến xe hơi trong sáu tháng tới.
c. Nói với con rằng, con có trách nhiệm kiếm việc làm để chi trả cho số tiền sửa xe, và nếu đồng ý cách này, con vẫn được sử dụng xe.
3. Bạn là thành viên một tổ chức từ thiện. Bạn đang tích cực hoạt động nhằm kêu gọi tài trợ cho một hội chợ từ thiện. Hai tuần trước sự kiện ấy, bạn thu được kết quả không như mong đợi. Bạn sẽ làm gì?
a. Tiếp tục chờ đợi và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
b. Gọi cho ban điều hành tổ chức từ thiện và nói họ đừng mong đợi nhiều quá để họ không bất ngờ.
c. Gọi cho những nhà hảo tâm uy tín và gợi ý với họ rằng, sự giúp đỡ của họ có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng. Thử đề nghị đến tận nơi để quyên đồ và khi thuận tiện, bạn sẽ thực hiện việc đó.
4. Bác sĩ cho biết huyết áp của bạn cao, bạn cần điều trị hoặc thay đổi một vài thói quen trong cuộc sống để đảm bảo sức khỏe. Bạn sẽ làm gì?
a. Phớt lờ lời khuyên ấy.
b. Bạn sẽ điều trị bằng thuốc. Bạn không thích phải theo một chế độ kiêng khem hay tập luyện đặc biệt nào vì không đủ kiên nhẫn.
c. Bắt đầu tập luyện, ăn uống lành mạnh và hợp dinh dưỡng hơn, kết hợp dùng thuốc và nghĩ đến những viễn cảnh tươi sáng để giảm stress; đồng thời gần gũi hơn với những người lạc quan vui vẻ, tránh bị cuốn vào những âu lo căng thẳng của người khác.
Đáp án “a” thể hiện những động cơ không lành mạnh. Chúng biểu hiện sự thờ ơ và bàng quan của bạn với những vấn đề đang xảy ra. Bạn có thể tự nói với mình rằng, chẳng có vấn đề gì ghê gớm đến nỗi phải bận tâm, nhưng thực tế không phải vậy. Và khi sự việc trở nên trầm trọng theo thời gian thì bạn hoàn toàn không sẵn sàng đối diện và xử lý chúng. Thái độ sống tích cực không cho phép bạn làm ngơ trước mọi vấn đề. Khi có thái độ sống tích cực, bạn tập trung vào những điều tốt đẹp mà bạn biết là có thể đạt được, vì chính niềm tin của bạn sẽ thúc đẩy để tạo ra chúng.
Câu trả lời “b” cho thấy những cách hành động ngược lại. Bạn tự nói với mình và mọi người rằng, có một kết quả xấu chắc chắn sẽ đến, và bạn sẵn sàng chấp nhận chuyện đó. Bạn không hành động gì cả, vì vẫn nghĩ rằng có làm cũng chỉ vô ích thôi, chẳng thể thay đổi được điều gì. Thái độ sống tích cực luôn đòi hỏi bạn phải năng động trong mọi hoàn cảnh, và môi trường để bạn luyện tập sự năng động chính là trong thái độ của mình.
Nếu hành động với một thái độ thích hợp, bạn sẽ có những câu trả lời “c”. Tập trung vào việc cải tạo hoàn cảnh xấu không có nghĩa là tránh né và không dám thừa nhận những bất ổn đang tồn tại. Trong mỗi tình huống trên, bạn phải hiểu rõ vấn đề để bắt tay vào việc sửa chữa chúng. Nhưng mấu chốt ở chỗ, bạn biểu lộ niềm tin của mình vào sự biến chuyển tốt đẹp của những khả năng xấu đối với chính mình và với những người xung quanh. Thông thường, giải pháp mà bạn tìm ra sẽ mở được những cánh cửa mới, vượt lên cả những khó khăn ban đầu bạn gặp phải.
Chẳng hạn như trong tình huống đầu tiên, bằng cách cho khách hàng thấy sự tận tâm phục vụ của bạn, bạn không những thay đổi được thành kiến của họ mà còn làm họ thêm quý mến bạn, từ đó quý mến cả công ty bạn nữa. Trong tình huống thứ hai, bằng cách cho con bạn cơ hội chuộc lỗi, bạn đã dạy con hiểu về trách nhiệm gánh vác những điều mình gây ra, đồng thời cho con thấy rằng, khi phạm lỗi, người ta có thể sửa chữa và vượt lên trên lỗi lầm. Đây là một bài học thiết thực mà thái độ sống tích cực trao tặng bạn cũng như những người xung quanh.
Trong tình huống thứ ba, bạn tập trung vào những lợi ích thu được từ kế hoạch của mình, và lôi cuốn người khác cùng tạo ra những lợi ích đó. Bạn sẽ được kính trọng vì họ biết bạn là một con người hành động, không bao giờ chấp nhận từ bỏ khi gặp phải khó khăn.
Trong tình huống thứ tư, khi bạn chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình, nghĩa là bạn dám đối diện với nguyên nhân của bệnh tật, chứ không lấp liếm che đậy sự thật ấy. Ngay cả khi những nỗ lực rèn luyện của bạn không đủ để tránh khỏi bệnh tật thì bạn cũng đã làm cho hoàn cảnh của mình khá lên rất nhiều.
Khi có thái độ sống tích cực, bạn tập trung tâm trí vào những giải pháp khả thi, và nếu luôn biết cách tìm ra những điều tốt nhất, bạn sẽ có được thói quen vô giá.
Gợi ý:
Không có chút khó khăn nào trong việc sử dụng năng lực của trí tưởng tượng để giữ cho tâm trí bạn tránh khỏi những điều xảy ra ngoài ý muốn. Hãy đóng lại căn phòng chứa đựng thất bại và khó khăn đã qua. Hãy xem đó như một hệ điều hành tạo cho mình những hình ảnh tốt đẹp trong tâm hồn. Bạn có thể tưởng tượng mình đang bước đi trong một hành lang dài, giữa bộ não của bạn. Có rất nhiều cánh cửa mở ra hai bên, một trong số đó dán dòng chữ: “Thất bại và khó khăn”. Hãy tiến về phía cánh cửa ấy, tay cầm chiếc chìa khóa và khóa nó lại. Mỗi khi cảm thấy cái bóng của những suy nghĩ bi quan, hãy tự nhủ: “Ta đang giữ chìa khóa trong túi đây. Ta đã khóa chặt suy nghĩ đó rồi”.
Hãy mỉm cười, vì biết đó là sự thật.
“Các bậc quân vương đều từ tình yêu thương, quảng đại mà khởi sự, do đó họ đều thành công.”
- Sử biên niên
“Hãy ca hát trên những dặm đường xa, để hành trình bạn đang đi bớt buồn bã tẻ nhạt.”
- Virgil
“Tôi chỉ nghĩ đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.”
- Philippians
“Sự nghi ngờ chính là kẻ phản bội. Nó khiến chúng ta để tuột khỏi tay những điều tốt đẹp có thể đạt được bằng cách làm cho chúng ta sợ hãi và không dám cố gắng.”
- William Shakespeare
“Đừng bao giờ tuyệt vọng, nhưng nếu bạn rơi vào tình trạng đó, thì hãy tiếp tục cố gắng trong sự tuyệt vọng ấy.”
- Edmund Burke
“Bạn tin vào điều gì thì chính niềm tin ấy làm điều đó xảy ra.”
- Frank Lloyd Wright
“Để có thể sống tươi vui, bạn hãy xóa bỏ chữ ‘giá như’ và thay vào đó bằng chữ ‘lần sau’.”
- Smiley Blanton
“Một khi đã quyết định chuyện gì, tôi không bao giờ lo lắng về nó sau đó nữa.”
- Harry S.Truman
“Hãy hành động như thể bạn không thể nào thất bại.”
- Dorothea Brande
“Kẻ thất bại là người đã tưởng tượng ra kết quả bi thảm của vấn đề. Còn người chiến thắng nhìn thấy trước phần thưởng sẽ dành cho họ.”
- RobGilbert