Hãy đầu tư cho bài diễn văn tranh cử, xác định những điểm thay đổi bạn sẽ diễn thuyết, kiên định ở thế tấn công.
Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến nhiều buổi diễn thuyết tranh cử, chúng ta có thể hình dung được ngay hình ảnh đó trong tâm trí. Ứng viên trong trang phục chỉnh tề như chú rể đứng tại bục diễn thuyết, mỉm cười, vẫy chào và chỉ tay vào một người trong đám đông mà ông ấy không biết. Đằng sau bục diễn thuyết là hình ảnh thể hiện sự đoàn kết sắc tộc của quần chúng đang tung hô vui vẻ, phù hợp hoàn hảo với mục tiêu nhân chủng học của chiến dịch tranh cử. Đỏ, trắng và xanh là màu chủ đạo của nơi diễn thuyết, và các quả bóng cũng màu đỏ, trắng và xanh được phủ đầy bục diễn. Một bên cánh gà, vợ/chồng và con của ứng viên hiện diện đầy tính hình thức và rất không thoải mái. Logo mới với khẩu hiệu “ĐIỀN TÊN BẠN VÀO ĐÂY để bầu cho Tổng thống” đều được trang trí trên phông nền sân khấu ngay phía sau ứng viên.
Và đây. Lễ tuyên bố – một sự kiện không có gì thu hút và là một phần của sâu khấu chính trị xưa cũ không khác gì Đảng Cộng hòa.
Miễn là máy hiển thị phóng đại bài diễn thuyết hoạt động tốt thì mọi thứ sẽ diễn ra như kế hoạch.
“Hôm nay, tôi xin tuyên bố tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ!”
Ra hiệu thả bóng.
Buổi lễ tuyên bố tranh cử chính trị là sự kiện mang tính nghi thức. Tuy nhiên trong thế giới kinh doanh, các sự kiện sẽ ít mang tính nghi lễ hơn. Hiện nay, trên thực tế, nó giống như cuộc tranh luận giành lấy chức vụ.
A. “Đó là vị trí của tôi. Tôi đã làm phó tổng giám đốc sáu năm rồi!”
B. “Dave đã hứa là tôi sẽ giữ chức CEO.”
C. “Tôi đã làm việc với ban lãnh đạo hai năm rồi. Tôi là một ứng viên.”
D. “Tôi là người có thể tiếp nối các chiến lược và tầm nhìn của Dave vạch ra cho công ty.”
E. “Đến lượt tôi.”
Hoặc có thể là – F. “Chẳng gì cả.”
Như vậy việc chọn người kế vị theo thâm niên là chuyện quá khứ trong thế giới kinh doanh – và bạn biết đấy điều đó cũng đang xảy ra trong thế giới chính trị. Nhìn ở góc độ tích cực, chúng tôi kì vọng mỗi một thế hệ kế vị sẽ mang tính đổi mới và không theo trật tự có sẵn.
Vì sao chúng tôi lại nói vậy?
Hãy nhìn vào các chiến dịch chính trị tranh cử tổng thống. Hoặc là bạn phải phá vỡ triết lí lãnh đạo của mình hoặc đối thủ sẽ làm điều đó giúp bạn. Khi họ đã làm điều đó thì khó mà có lợi cho bạn, bởi lúc ấy bạn bị bỏ cách xa cả Đại Tây Dương khi chiếc thuyền đầu tiên đã cập bến. Các thành viên ban giám đốc bắt đầu hiểu rõ thực tế đơn giản này. Vì thế, mỗi thời kỳ chuyển giao lại là một ẩn số.
Chúng tôi ví nó như là “Các nguyên tử không ngừng chuyển động.” Và điều đó có nghĩa là thay đổi (Change) – trong đó chữ “C” viết hoa được đi liền với chữ “T” viết tắt của cụm từ “Tums Extra Strength” – một loại thuốc giảm đau dạ dày. Sự thay đổi luôn đi kèm với sự khó chịu đối với tất cả ban giám đốc trên toàn thế giới. Ngày nay, ngay cả những CEO thành công nhất cũng không bỏ qua chiến lược “kiểm soát du thuyền” – một ẩn dụ trong quá khứ thay cho một câu đơn: “Đừng thay đổi bất cứ thứ gì.”
Cách này không còn hiệu quả nữa.
Những vị CEO tương lai của công ty, giống như các đời tổng thống của Hoa Kỳ, phải đại diện cho sự thay đổi và tạo ra sự thay đổi – hoặc là khi bầu cử lần thứ hai, phải đại diện cho “sự thay đổi dang dở”. Bởi chúng ta đang sống trong một môi trường không ngừng thay đổi, ở đó luôn có một lực lượng gây rối tác động đến tất cả các thị trường, ngành nghề, cộng đồng và quốc gia. Môi trường ngập trong truyền thông thông tin là động cơ của sự thay đổi, và nếu bạn không chủ động làm vậy thì bạn sẽ bị thay đổi một cách bị động.
Đây không chỉ là tình trạng chung của các công ty đã rơi vào khủng hoảng. Mà thậm chí để duy trì một tổ chức thành công thì người lãnh đạo phải chủ động thay đổi để tránh những thách thức cản trở và khai thác cơ hội từ chính những thách thức đó. Đó là lí do tại sao chính phủ vận hành không hiệu quả và để xảy ra tham nhũng. Chính phủ vốn được lập ra bởi các Nhà sáng lập với những mục đích rất tốt đẹp, họ muốn chính phủ có sự thay đổi liên tục, điều mà Jefferson20 thẳng thắn hi vọng sẽ là Cuộc cách mạng Mỹ diễn ra liên tục. Nhưng từ thế hệ chính quyền đầu tiên điều hành từ hơn 240 năm trước đến nay, họ vẫn không muốn rời chiếc ghế. Vì thế họ nỗ lực thiết lập hệ thống miễn nhiễm với sự thay đổi. Thay đổi hoặc bị thay đổi! Không thể là cả hai!
20 Tức Thomas Jefferson, Tổng thống thứ ba của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Vậy ít nhất chúng ta biết rằng chủ đề cho chiến dịch lãnh đạo của bạn phải là: sự thay đổi. Đó là những gì cần phải làm. Nhưng nếu công ty của bạn không hứng thú với việc thay đổi trong thời đại không ngừng thay đổi này thì sao? Hãy bắt đầu tìm công ty khác để lãnh đạo.
Trong Thời đại Thừa kế Tự do, bạn không thể đợi đến lượt mình. Cứ kì vọng vào nguyên tắc thừa kế cũ thì nó tất yếu không xảy ra. Bạn phải nỗ lực để có được, thậm chí bạn phải thay đổi công việc để có được vị trí đó.
Vậy “sự kiện tuyên bố” như vậy diễn ra như thế nào?
Nó giống như sự nghiệp của bạn, ít nhất từ khoảnh khắc bạn bắt đầu thể hiện những phẩm chất hoặc tố chất lãnh đạo, và cụ thể hơn là khi hiệu quả làm việc của bạn thể hiện được rằng bạn biết cách lãnh đạo người khác và biết cách hoàn thành mục tiêu. Vì thế, “sự kiện” này thực sự là một quá trình. Trong kinh doanh, nó giống như việc bạn chấp nhận thử thách khi thông báo rằng mình quyết định khởi động một chiến dịch hoặc sẽ thực hiện toàn bộ chiến dịch.
Như chúng tôi đã nói trước đây, không phải ai cũng muốn trở thành lãnh đạo. Sự thật là vậy. Vì còn có nhiều vị trí bổ ích khác trong kinh doanh, mức lương cao và sáng tạo, và vì thế chính phủ không kêu gọi sự ứng cử. Nhưng nếu bạn muốn trở thành nhà lãnh đạo, bạn không thể đợi được đề bạt. Quyền lãnh đạo sẽ không đến tay bạn. Đó là vị trí cho những người nỗ lực. Nếu bạn muốn làm lãnh đạo, hãy bắt đầu rèn luyện từ ngay bây giờ.
CÔNG TY NÀO CŨNG CẦN NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO MÀ HỌ MUỐN
Chúng tôi không biết công ty của bạn. Nhưng chúng tôi biết chắc rằng công ty bạn cần lãnh đạo. Kinh nghiệm làm việc cho chúng tôi thấy rằng chỉ khoảng 5% công ty ở mọi quy mô và lĩnh vực sở hữu những lãnh đạo giỏi có tầm nhìn. Nếu bạn đọc tin tức thì bạn có thể không tin nhưng thực tế thế giới đang thiếu những nhà lãnh đạo thực thụ. Đây là vấn đề nghiêm trọng và tồn tại ở mọi cấp độ doanh nghiệp và cả chính phủ chứ không chỉ ở vị trí cao nhất. Mặc dù vậy, cũng có những lãnh đạo rất tốt:
Tim Cook đã rất sẵn sàng tiếp quản vị trí CEO khi Steven Jobs bị bệnh nặng. Nhưng ông ấy không thể chỉ duy trì áp dụng những những chiến lược của Jobs. Bởi thế giới công nghệ thay đổi rất nhanh.
William Clay Ford đủ kinh nghiệm để hiểu rằng ông ấy cần một người có thể cứu công ty gia đình của mình khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Người đó là cựu CEO của Boeing, Alan Mullay.
Satya Nadella đã đưa về vị lãnh đạo có tầm nhìn sản phẩm mà Microsoft thiếu dưới thời Steve Ballmer. Đây là một sự thay đổi cần thiết, và có lẽ cũng đúng lúc.
Vị lãnh đạo xuất chúng của eBay, Meg Whiteman dù là người ngoại đạo nhưng đã cứu sống công ty Hewlett-Packard. Nhưng sau đó ban giám đốc HP dường như đã để trống vị trí lãnh đạo.
Công ty của bạn cần có lãnh đạo. Cộng đồng của bạn cần có lãnh đạo. Đất nước chúng ta, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, đều cần những con người có thể đương đầu với thách thức thay vì lảng tránh nó. Chúng ta cần những cá nhân có khả năng kêu gọi những người khác đoàn kết vì mục đích chung. Chúng ta cần những người có tầm nhìn vì một tương lai tốt hơn. Không may là phần lớn các công ty, cộng đồng và các quốc gia hiện nay không có những lãnh đạo thực thụ mà họ cần. Điều đó khiến cho các nhà lãnh đạo chân chính nổi bật hơn hẳn.
HÃY XEM, CUỘC ĐUA ĐÃ BẮT ĐẦU!
Ngay lúc bạn quyết định theo đuổi sự nghiệp lãnh đạo, thậm chí với dự án đầu tiên bạn được giao quản lí, bạn đã được trao chiếc mũ của CEO trong tương lai. Bạn có thể nhận ra hoặc không, nhưng đồng nghiệp, người hướng dẫn và cả đối thủ của bạn nhận thức rõ điều đó. Họ luôn để mắt đến vị trí đó. Họ nhìn thấy chiếc mũ của bạn ở đó. Vậy thì sao?
Trong suốt nhiều năm, chúng tôi từng nghe các giám đốc công ty, các diễn giả truyền cảm hứng và các huấn luyện viên hô hào mọi người hãy “Hành động như một nhà lãnh đạo!”
Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo, hãy hành động như một nhà lãnh đạo. Nghe có vẻ hợp lí. Albert Einstein, nhà bác học mang đến tương lai cho ngành khoa học vật lí, từng châm biếm, “Trí khôn, thường thức là tổng hợp định kiến của giới trẻ tuổi mười tám.” Vấn đề của việc “hành động như một nhà lãnh đạo” cuối cùng chỉ là lời khuyên hãy làm theo những hành vi của những người diễn lại hành động mà các nhà lãnh đạo thường làm.
Vấn đề nằm ở đây: Nhà lãnh đạo không diễn
Chúng tôi từng giải quyết vấn đề chủ sở hữu/nhà điều hành thừa kế cho McDonald’s. Và chúng tôi bắt đầu bằng câu, “Trong suốt cuộc đời làm kinh doanh, người ta bảo bạn hãy hành động như một nhà lãnh đạo.”
Sau cùng thì McDonald’s là một nhà lãnh đạo. Anh sở hữu những nhà lãnh đạo tài ba đi ngược lại với chính nhà sáng lập, Ray Kroc21. Nhưng, làm ơn đi, vì lợi ích của chính khách hàng, nhân viên, và của chính công ty anh, ĐỪNG HÀNH ĐỘNG NHƯ MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO!
21 Ray A. Kroc (1902-1984) là nhân vật có ảnh hưởng thế giới do Tạp chí Time của Mỹ bầu chọn. Ông đã thuyết phục Dick và Mac, những người chủ đầu tiên của McDonald’s, nhượng quyền kinh doanh cho ông và rồi sau đó đã mua lại thương hiệu này. Kroc đã xây dựng, phát triển McDonald’s trở thành thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng nhất thế giới và ông được đặt cho cái tên Vua Hamburger.
Lãnh đạo hành động theo kiểu họ không lắng nghe lời khuyên từ người khác. Lãnh đạo hành động theo kiểu họ sinh ra để giữ vị trí lãnh đạo. Lãnh đạo nghĩ rằng họ phải ăn mặc, nói chuyện, đi đứng, và chỉ đạo theo cách mà tất cả các nhà lãnh đạo trước đây trong công ty và trong lĩnh vực đã làm.
Xin đừng hành động như vậy. Đó không phải là cách mà Ray Kroc trở thành lãnh đạo.
Hãy hành động theo cách mà Ray Kroc đã làm để trở thành một nhà lãnh đạo. Hãy cho khách hàng thấy rằng bạn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của họ mỗi khi họ bắt đầu có cảm giác khó chịu vì cơn đói. Hãy hành động cho khách hàng thấy rằng bạn xứng đáng có được công việc kinh doanh với họ – những người có rất nhiều sự lựa chọn khác. Hãy hành động thể hiện rằng bạn cần những nhân viên giỏi nhất và bạn cần hiệu quả công việc tốt nhất từ họ. Hãy hành động cho mọi người thấy bạn làm việc chăm chỉ hơn bất kì ai trong công ty. Hãy hành động như bạn đang làm công việc thú vị nhất và tốt nhất trên hành tinh này.
Khi hành động được như vậy, mọi người sẽ muốn đi theo bạn. Và bạn sẽ không phải hành động theo kiểu của một nhà lãnh đạo. Mà bạn sẽ là người đó… như Ray Kroc.
Nói cách khác, hãy hành động như nhà lãnh đạo mà bạn muốn trở thành. Đây là lời khuyên tốt nhất chúng tôi có thể nói cho bất kì ai đang muốn trở thành nhà lãnh đạo thực thụ. Và chúng tôi muốn nói “hành động” ở đây nghĩa là động từ hành động. Hãy thực hiện nó:
• Hành động như người mà khách hàng có thể tin tưởng.
• Hành động như người mà nhân viên và đối tác có thể tin tưởng.
• Hành động như người được tin tưởng có khả năng dẫn dắt đội nhóm vượt qua được mọi thách thức và sẵn sàng nhận chỉ trích chứ không chỉ khen thưởng.
Nếu bạn hành động theo cách này, bạn sẽ không bị gọi là bắt chước.
HÃY YÊU CẦU ĐƯỢC LÀM LÃNH ĐẠO
Xin nhắc lại: Thế giới cần những nhà lãnh đạo. Nếu điều này có vẻ hiển nhiên – quá hiển nhiên và tất yếu để nói ra và chắc chắn là càng hiển nhiên để nhắc lại – đó là vì dường như cả thế giới đã nhận thức rõ về nhu cầu tất yếu này. Tin tốt là phần lớn những người cần có cơ hội làm lãnh đạo đã có được cơ hội đó. Tin xấu là rất nhiều người không cần cơ hội này ở bất kì hoàn cảnh nào nhưng cũng giành lấy nó. Và cuối cùng – chúng tôi xin nhắc lại – là chỉ 5% công ty thực sự có được những CEO có tầm nhìn của một nhà lãnh đạo đổi mới vĩ đại. Còn lại thì sao? Họ có. Hoặc không. Đến nay rất nhiều công ty có quá ít lãnh đạo mà họ cần.
Bạn có muốn làm lãnh đạo không? Nếu có thì hãy thực hiện ngay đi!
Vậy thực hiện như thế nào?
Trên thực tế, dù rất ít người có cơ hội lên tiếng yêu cầu được làm việc ở vị trí cấp cao nhưng không vì vậy mà họ từ bỏ cơ hội được đề bạt cho vị trí đó. Thường nhà tuyển dụng các vị trí lãnh đạo có thể gọi điện hỏi liệu bạn có muốn làm lãnh đạo cho công ty khác không. Câu hỏi đó chí ít cũng mang lại cho bạn cảm giác được đề cao, và bạn bắt đầu tham gia hàng loạt các buổi phỏng vấn với sự sắp xếp của nhà tuyển dụng. Đâu đó trong chu trình này, bạn cảm thấy được thúc đẩy để bày tỏ rằng bạn muốn làm công việc đó. Vậy bạn cứ đặt yêu cầu đi.
Chỉ cần bạn hiểu rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu họ đặt vấn đề với bạn – mặc dù điều này không có nghĩa là họ sẽ trao cho bạn vị trí lãnh đạo. Như chúng tôi vừa nói, điều này không xảy ra.
Tuy nhiên, bạn sẽ được hỏi liệu chiếc mũ của bạn đã được đặt đúng vị trí của nó, liệu bạn đã tuyên bố ứng cử – tuyên bố ngay từ dự án đầu tiên bạn thực hiện hoặc đội ngũ bạn dẫn dắt. Hãy dành sự nghiệp cho việc lãnh đạo – không phải là truyền cảm hứng trở thành lãnh đạo. Hãy chứng minh bằng sự thành công của bạn trong từng quá trình và bạn sẽ không phải đòi hỏi được làm lãnh đạo nữa.
Bạn muốn làm lãnh đạo? Hãy yêu cầu được thực hiện dự án, yêu cầu được lãnh đạo một nhóm, yêu cầu có thách thức, và luôn yêu cầu có thách thức lớn hơn. Đó là cách bạn đề nghị được làm công việc của một người lãnh đạo vĩ đại nhất. Đó là cách mà bạn yêu cầu được trở thành một CEO – không phải bằng một câu hỏi hoặc cụm từ hoặc một buổi phỏng vấn, mà bằng chính những việc bạn làm. Và bạn sẽ mất nhiều năm để thực hiện việc này.
LÃNH ĐẠO ĐỐI ĐẦU: BỘ HƯỚNG DẪN CHƯA HOÀN THIỆN
Trong Bước 4 chúng tôi đã nói về việc lãnh đạo toàn diện công ty, về việc tạo dựng một nền văn hóa cách mạng khi bạn dẫn dắt mọi người trong các dự án cụ thể hoặc đội ngũ cụ thể. Khi bạn dẫn dắt một nhóm có thiên hướng đổi mới, là bạn đang chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo tương lai mà bạn sẽ đảm nhận.
Như đã nói trong Bước 3, các cuộc cách mạng không được viết trong các cuốn sổ tay hướng dẫn người dùng, nhưng chúng tôi nhận thấy một sự thật lặp đi lặp lại rằng những nhà lãnh đạo của các cuộc cách mạng thành công xây dựng nên các nguyên tắc cơ bản giống nhau đảm bảo cho sự chiến thắng. Và điều tốt nhất tiếp theo có thể bổ sung thêm vào cuốn sổ tay dành cho nhà cách mạng đó là danh sách các nguyên tắc đổi mới. Bởi vì khi xây dựng nền tảng cho sự thành công trong một môi trường thay đổi, bạn không thể thực hiện sai các nguyên tắc này.
1. Thiết lập cấu trúc cho mọi dự án và mọi thách thức như một chiến dịch chính trị
Chúng tôi nói về vấn đề này xuyên suốt cuốn sách nhưng điều quan trọng hơn cả là đặc trưng cốt lõi của một chiến dịch chính trị:
• Lập công thức chiến lược để giành được phiếu ủng hộ trước một thời hạn cụ thể.
• Thực hiện chiến dịch với tốc độ khẩn trương nhằm thu về được 50,1% phiếu bầu để giành chiến thắng.
Đây là những nguyên tắc đổi mới hiệu quả và cần thiết để tạo ra một chiến lược thành công, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chiến lược của bạn phải được định hình bởi khung hành động dành riêng cho một thách thức cụ thể:
Phát triển chiến lược này với nhóm của bạn.
Bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng đích đến của dự án và những tiêu chí thành công cần đạt được để đến đích. Một lần nữa, chúng tôi gọi đó là bước định nghĩa chiến thắng.
Xây dựng một khái niệm với mục đích tận dụng các nguồn lực một cách cẩn thận. Như đã trình bày, chúng tôi gọi đó là làm những việc khả thi.
Để làm những việc khả thi, trước hết bạn sẽ cần xác định mục tiêu bạn cần phải đạt được để thành công. Chúng tôi gọi đó là tiến những bước khả thi.
Bây giờ, hãy xây dựng một thông điệp hấp dẫn và hợp lý để có nhiều người tham gia và khiến chiến lược của bạn thành chiến lược của họ. Chúng tôi gọi việc này là xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện.
Nghiêm khắc và liên tục đấu tranh giành quyền kiểm soát tình thế. Đây chính là chơi ở thế tấn công, đừng bao giờ đứng phòng thủ.
2. Định nghĩa về sự thay đổi bạn sẽ thực hiện
Ngày nay, lãnh đạo chính là truyền đạt thông tin. Mỗi dự án bạn quản lí và mỗi thách thức bạn đối mặt đều thể hiện phong cách và đặc trưng lãnh đạo của bạn. Chính vì vậy bạn phải khéo léo trong việc xây dựng thông điệp truyền thông cùng một chiến lược hấp dẫn.
Chúng tôi giả định rằng bạn chấp thuận việc bạn lãnh đạo vì sự đổi mới. Mọi dự án bạn quản lí là một phần trong chiến dịch lãnh đạo của bạn, giống như cách mà mọi cuộc tranh luận, thăm dò cử tri và vận động sơ bộ đều là một phần của chiến dịch tranh cử tổng thống lâu dài. Điều quan trọng nhất bạn cần truyền đạt trong mọi dự án đó là bạn đại diện cho loại thay đổi nào.
Về thương hiệu cá nhân mà chúng tôi đã nói, từ nhưng và từ và thường mang lại những ý nghĩa quan trọng nhất: “Cô ấy là một nhà lãnh đạo năng động” – “nhưng cô ấy cần phải cải thiện vấn đề giao tiếp cá nhân.” Hoặc “và cô còn là chuyên gia xây dựng đội nhóm.”
Về sự thay đổi liên quan đến thương hiệu lãnh đạo của bạn, những từ khóa ở đây không phải là và và nhưng, mà là từ… và thành... Từ liên quan đến các vấn đề đang tồn tại trong triết lí kinh doanh của bạn, cho dù đó là một chế độ quan liêu hay là một thất bại khi đối mặt với một thị trường biến động. Thành là đích đến của bạn, là kiểu công ty mà bạn muốn phát triển.
Hãy sử dụng cuốn nhật kí của bạn và viết ra danh sách những thay đổi từ/thành trong dự án mà bạn đang thực hiện. Ví dụ:
“Từ những phàn nàn của khách hàng về X...”
“... thành chiến lược quản lí quan hệ khách hàng linh hoạt và chủ động.”
Bạn đã hiểu rồi chứ. Đây là điểm cơ bản của sự thay đổi. Sự thay đổi phải là một trạng thái tốt hơn. Đây là nơi mà chúng ta muốn đến và kia là nơi mà chúng ta sẽ đến.
Từ/thành là một cách hiệu quả để tuyên bố về mục tiêu của chiến dịch lãnh đạo của bạn, và cùng với mô hình vấn đề/giải pháp, nó cũng là một cách hiệu quả để tuyên bố về mục tiêu của bất kì dự án nào. Bạn tự nhắc mình về mục tiêu truyền đạt thông tin về vấn đề hiện tại (từ) và kết quả đạt được trong chiến dịch nhờ sự thay đổi tích cực của bạn (thành) – những gì các chiến lược của bạn sẽ mang lại.
3. Xây dựng nguyên tắc tấm thiệp 8x12
Cụm từ từ/thành là cấu trúc lí tưởng cho hoạt động truyền thông lãnh đạo cốt yếu của bạn. Mô hình này cũng sẽ giúp bạn sử dụng hiệu quả nguyên tắc thông điệp trên tấm thiệp 8x12 và giúp bạn phát triển bài thuyết trình tranh cử cơ bản. Cả hai đều là yếu tố truyền đạt thông tin căn bản cho chiến dịch tranh cử của bất kì nhà lãnh đạo nào.
Bạn thấy nó thường xuyên đến nỗi bạn không thể không để ý. Khi vừa bước đến trước bục diễn thuyết, vị tổng thống vừa thò tay lấy ra một, hai tấm thiệp từ túi áo khoác. Những hình ảnh này xuất hiện tương tự ở mọi quốc gia và mọi bục sân khấu. Tấm thiệp 8x12 là vật dụng thiết yếu cho thành công của hầu hết các chiến dịch vì dễ dàng truyền đạt được chiến lược của một chiến dịch tới đại đa số công chúng với sự hỗ trợ của ban tổ chức. Đây là vật dụng có tính thực tế và dễ áp dụng cho phong cách truyền đạt thông tin cá nhân đến mọi người trong chiến dịch.
Tấm thiệp 8x12 bao gồm:
Một dòng tiêu đề nêu ra rõ mục tiêu cơ bản của chiến dịch.
Bốn hoặc năm gạch đầu dòng xác định sự hỗ trợ cần thiết cho mục tiêu chiến lược: Làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra.
Nêu rõ những lợi ích của các bên liên quan trong chiến dịch.
Nêu rõ cách thức bạn tạo ra sự khác biệt nhờ vào chiến dịch.
Nêu rõ một tương lai tốt hơn từ kết quả thành công của chiến dịch.
Nguyên tắc cho thông điệp trên tấm thiệp rất đơn giản:
Tấm thiệp 8x12 là công cụ truyền đạt thông tin chiến lược cơ bản.
Nó phản ánh chiến lược cốt lõi của chiến dịch.
Tất cả nội dung chính của tấm thiệp 8x12 sẽ được truyền đạt truyền đạt một cách nhất quán cho tất cả mọi người bao gồm cả những người tham gia chiến dịch nhắm đảm bảo hiệu quả.
Để sử dụng cho một nhóm cụ thể, trong một tình huống cụ thể, một thành viên có thể đào sâu hơn vào một hoặc một vài nội dung. Tuy nhiên, mỗi thành viên sẽ luôn luôn truyền đi đầy đủ mọi nội dung tấm thiệp 8x12 trong mọi tình huống.
Nếu ý tưởng của chiến dịch được trình bày trên tấm thiệp 8x12 có sức thuyết phục – nếu thông tin từ/thành lột tả được tương lai như hình ảnh thành phố tỏa sáng trên ngọn đồi – thì nó sẽ được lan truyền mạnh mẽ như dịch cúm vậy. Thông tin đó sẽ đi từ đội ngũ của bạn sang đội ngũ khác trong tổ chức, tới đối tác, tới nhà cung cấp, tới khách hàng trung thành và rất nhiều đối tượng khác.
Quan trọng là đảm bảo cho thông tin trọng tâm được truyền đạt đến những người sẽ có ảnh hưởng lớn nhất cho thành công của chiến dịch. Sự lặp lại chủ đề và thông điệp cơ bản sẽ giúp tiếp thêm năng lượng và sức thuyết phục. Vì vậy hãy liên tục truyền đạt thông điệp cơ bản trên tấm thiệp 8x12 trước khi nghĩ đến việc thay đổi nó.
4. Xây dựng bài diễn thuyết tranh cử
Cũng giống như việc truyền thông thông tin về chiến dịch, bài diễn thuyết cũng phải được phát triển trên cơ sở tấm thiệp 8x12. Như chúng tôi đã thuật lại chi tiết về trường hợp tấm thiệp 8x12 và bài diễn thuyết của Bob Iger vào năm 2005, tất cả phải được thực hiện một cách đơn giản, rõ ràng và trực tiếp. Nếu bạn muốn bổ sung điều gì đó hấp dẫn, thú vị thì cũng đừng bao giờ quên sự tối giản, rõ ràng và trực tiếp.
Bạn đặt ra câu hỏi: “Tôi có thể bắt đầu bằng điều gì đó hài hước không?” (không, bạn không hỏi đúng không?) Với chúng tôi, một câu pha trò hay ho là cách mở đầu một bài diễn thuyết khác với câu nói đùa trích ra từ quyển truyện cười. Nó giống như là bạn nói, “Chào buổi sáng!” rồi khum tay vào tai chờ đợi phản hồi của khán giả đang cau mày bối rối.
Từ cổ chí kim chưa từng có đúc kết nào về diễn thuyết đúng đắn hơn ba lời khuyên của Aristotle:
A. Hãy nói cho họ biết những gì bạn sẽ thuyết trình.
B. Hãy thuyết trình.
C. Hãy nói cho họ biết những gì bạn vừa thuyết trình.
Những người bạn muốn tiếp cận và thuyết phục bằng bài diễn thuyết của bạn không cần sự giải trí. Đây là sự kiện nghiêm túc đối với họ. Hãy vứt quyển truyện cười về chỗ cũ và bám sát lời khuyên của Aristotle.
• Gửi đi các thông điệp từ tấm thiệp 8x12.
• Bổ sung các chi tiết, ví dụ liên quan, các sự kiện thú vị và thậm chí có thể viết theo lối dí dỏm và hấp dẫn.
• Hãy làm đơn giản và đúng kế hoạch.
Nơi trình bày bài diễn thuyết không cố định. Đó có thể là một bài phát biểu tốt nghiệp, bài thuyết trình với cổ đông, lời tạm biệt tại bữa tiệc nghỉ hưu, bài nói chuyện truyền cảm hứng, báo cáo khen thưởng, bài kêu gọi. Bất kì dịp gì. Bằng mọi giá phải làm cho bài diễn thuyết phù hợp với mọi hoàn cảnh và khán giả, nhưng đừng bao giờ cố gắng thay đổi chiến lược để làm cho nó phù hợp với một dịp cụ thể.
Chiến lược bài diễn thuyết tranh cử được duy trì nhất quán cho đến khi bạn và đội ngũ của bạn cùng quyết định cần phải thay đổi. Cho đến khi bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải trình bày cùng một bài diễn thuyết trong một thời gian dài thì đó là lúc nó phát huy tác dụng đối với nhóm khán giả đích.
Các khách hàng là ứng viên chính trị của chúng tôi thường phàn nàn rằng “Người ta mệt mỏi khi nghe đi nghe lại một bài diễn thuyết cũ rích.” Nhưng thứ họ quên là những mục tiêu di động mà chúng ta cần thúc đẩy. Khách hàng sẽ không bao giờ thấy chán khi nghe những thông điệp có liên quan đến nhu cầu và mong muốn của họ. Ý tôi là bạn có thấy mệt mỏi khi nghe tiếng xì xì của máy tạo bọt ở Starbucks khi bạn đang chờ mua cốc cà phê buổi sáng không? Hãy ghi nhớ những điều sau:
• Sự lặp lại tạo tính nhất quán.
• Sự nhất quán tạo tính thuyết phục.
• Sự thuyết phục tạo sự tin cậy.
• Sự tin cậy tạo ra hành động.
Bạn đặt câu hỏi, “Tôi thực sự không cần một huấn luyện viên thuyết trình đúng không?” Và đây là một câu hỏi rất hay, đặc biệt vì câu trả lời tất yếu là: “Vâng, có chứ.”
Bạn cần có một huấn luyện viên thuyết trình tốt nhất có thể. Huấn luyện viên giỏi nhất sẽ không nói cho bạn hàng loạt các bí kíp và mẹo hay để bạn học cách trình bày giống như các khách mời của chương trình TED Talk mới nhất. Người giỏi nhất sẽ dạy cho bạn cách làm thế nào để trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn khi đứng trước khán giả. Trở thành lãnh đạo cần một quá trình. Chúng ta cần được đào tạo để trở thành lãnh đạo. Vì thế, hãy tìm cho mình những huấn luyện viên tốt nhất để giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc nhất có thể. Lời khuyên này cũng áp dụng cho những cố vấn cá nhân là thành viên trong Nội các Nhà bếp của bạn, và lãnh đạo hiện tại của công ty bạn.
5. Những nhà lãnh đạo đối đầu phù hợp làm lãnh đạo
Người ta nói rằng bạn không thể đánh giá một quyển sách qua trang bìa của nó. Vậy tại sao những quyển sách lại có trang bìa? Chà, tất cả chúng ta đều đánh giá quyển sách bằng trang bìa. Chức năng của chúng là định hướng người đọc nhận xét về quyển sách đó.
Khi định nghĩa thương hiệu cá nhân, bạn muốn có hình ảnh của một thành viên thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Phòng không: sẵn sàng lăn xả mọi lúc, mọi nơi trong bất kì hoàn cảnh khó khăn nào. Người bạn của chúng tôi, Trưởng đoàn/Đội trưởng/Đại úy Stu Gallagher có một câu triết lí được viết ở mọi nơi: “Si vis pacem, para bellum.” Có nghĩa là: “Nếu bạn muốn có hòa bình, hãy luôn chuẩn bị cho chiến tranh.”
Sau cùng, cách mà bạn đương đầu với thách thức sẽ hình thành trong tâm trí người khác về mẫu hình lãnh đạo mà bạn sẽ trở thành. Hãy xây dựng hình ảnh cá nhân dồi dào năng lượng về thể chất – với trọng tâm đặt vào năng lượng, khả năng và sự phù hợp với công việc lãnh đạo.
Đó không nên là hình ảnh của một nhà lãnh đạo tạm thời. Ngày nay, sự lãnh đạo được miêu tả như một cuộc thi chạy maraton chứ không phải chạy nước rút. Thực tế, nó giống như cuộc thi 3 môn hoặc 10 môn phối hợp hơn, đòi hỏi nhiều kĩ năng cùng lúc, bao gồm thể lực, sức chịu đựng và quyết tâm. Hãy đảm bảo bản thân đáp ứng đủ những yêu cầu cần thiết để có thể làm lãnh đạo.
Thậm chí chúng tôi biết Green Berets từ đầu không hoàn toàn phù hợp với công ty Johnson & Johnson mà CEO Alex Gorsky đang nắm giữ. Ở tuổi 54, ông ấy đến phòng tập thể hình với vợ của mình, bà Pat; vào 5 giờ 30 phút mỗi sáng, ông ấy cũng tập thể dục 90 phút tại nhà, điều này thực sự là một thách thức kể cả với các vận động viên chuyên nghiệp. Ông ấy duy trì được tốc độ như vậy cả trên đường đua cho chiếc ghế CEO. Viện nghiên cứu Hiệu suất con người của J&J vừa xây dựng chương trình Vận động viên Chuyên nghiệp dựa trên nguyên tắc rằng đối với nhà lãnh đạo cấp cao, quản lí năng lượng quan trọng hơn quản lí thời gian. Alex tiên phong đi đầu trong việc thực hiện chương trình này tại J&J và ông xác định rằng sức khỏe toàn diện và biện pháp dự phòng là điều kiện quan trọng và tiên phong nhất trong việc chăm sóc y tế. Sau cùng, phương thức chữa trị tốt nhất đó là phòng ngừa bệnh tật.
Năng lượng ảnh hưởng đến thái độ và năng lực – vì bạn cần năng lượng cho cả ngày làm việc và cho cả sự nghiệp. Việc duy trì sức khỏe thể chất giúp bạn khỏe mạnh cả về tinh thần và cảm xúc. Kỉ luật sức khỏe thể chất là một trong nhiều nguyên tắc mà bạn phải làm chủ trong chiến dịch lãnh đạo. Hãy xem nó như nền tảng cơ sở cho những nguyên tắc kỉ luật khác, và bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo có thể làm chủ tất cả những nguyên tắc đó.
Thực hiện chiến dịch đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Bạn cần có đủ sức khỏe để bắt đầu và duy trì nỗ lực đó. Do có tầm quan trọng như nhau, nên không gì có thể đại diện cho sức mạnh và kỉ luật của một nhà lãnh đạo một cách rõ ràng và hùng hồn hơn là chính hình ảnh kỉ luật và khoẻ mạnh truyền tải từ chính người đó.