Muốn thành công trong mọi việc, trước hết ta cần phải dựa vào nghị lực của chính mình, nhưng nghị lực của con người ta không phải ngẫu nhiên có được, nó được bồi dưỡng từ kinh nghiệm và sự lĩnh hội kiến thức từng ngày từng tháng một.
Như tôi vậy, ra đời trong thời chiến tranh Trung - Nhật, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn và nghèo đói, nghèo đến nỗi mà lương thực ngày hôm nay ăn hết, ngày mai không biết trông cậy vào đâu. Nhưng cha mẹ tôi chưa từng có một lời oán thiên trách địa, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, rất nhiều bà con họ hàng giàu có đều đến nhà tôi tránh nạn, mọi thứ ăn ở sinh hoạt đều diễn ra tại ngôi nhà nhỏ đó, nhưng đến khi họ chuyển đi thì ngay lập tức oán trách chúng tôi, mà tôi có thể nói họ không biết đến hai chữ “cảm ơn” là gì. Bởi những người giàu có như họ không quen với cách “chiêu đãi” của những người nghèo như chúng tôi, ví như chúng tôi nhường cho họ tấm chăn ga tốt nhất mình có, nhưng dù sao chất lượng cũng không thể tốt như của gia đình họ được. Khi mới đến thì rất khách sáo, rất biết ơn gia đình tôi, nhưng khi ra về thì lại mang lòng oán trách.
Khi gặp phải trường hợp này, cha mẹ tôi nói với các con rằng : “Người nghèo như gia đình ta mà có thể làm được điều tốt đẹp như thế, thì thật là may mắn, và có nhiều phúc báo nữa! Họ oán trách chúng ta bởi họ chưa từng trải qua cuộc sống vất vả, họ không thể biết được chúng ta lại có nhiều “tài sản” như thế, thôi thì bỏ qua cho họ đi các con, giàu có thế mà phải sống khổ cực mấy tháng liền cũng không phải dễ dàng rồi!”
Cha mẹ tôi dùng thái độ đó để tha thứ và bao dung người khác, dùng lòng cảm ơn để hồi đáp lại những việc oán trách đó. V ì vậy mà ngay từ khi còn nhỏ tôi đã nhận thức được rằng, bao dung và tha thứ cho người khác khiến tôi vui vẻ chan hòa hơn với mọi người. Tôi biết mình ngốc nghếch từ khi còn trẻ thơ, và cũng biết mình là kẻ không có phúc báo bởi tôi trải qua cả cuộc đời này trong cảnh khó khăn, vì vậy tôi cũng quen với việc người ta khinh thường mình, nhưng bản thân tôi luôn rất cố gắng làm việc, cố gắng học hành. Tôi thường tự nhủ rằng, bị người khác coi khinh là chuyện bình thường bởi tôi không có phúc báo, không thông minh sáng suốt!
V ì vậy mà sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo thành tích học tập của tôi rất tốt, không phải là vì tôi thông minh, mà chính là sự nỗ lực học hỏi đã không phụ lòng tôi. Người khác có thể mất một tiếng để học bài, nhưng tôi tình nguyện mất ba hay bốn tiếng để học. V ì thế mà tự học tự biết, chính sự không thông minh và không có phúc báo đó lại trở thành ưu điểm của tôi. Hơn nữa, những gì không hiểu tôi thường tìm đến sự giúp đỡ và trợ giúp của người khác, không hề sợ người khác coi thường mình và luôn duy trì “tinh thần” này cho đến ngày hôm nay.
Sư phụ Đông Sơ của tôi biết tôi có khả năng viết văn nên thường nói rằng : “Trí tuệ của con có thể ứng phó thiên biến vạn hóa, chỉ có điều là hơi thiếu chút phúc báo, cần làm nhiều việc tốt, và tích góp phúc trạch”. Thiết nghĩ lời sư phụ dạy thật đúng đắn, tôi không những không có phúc báo mà cũng chẳng thông minh. Khi không có trí tuệ thì niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát”, không có phúc báo thì kết nhiều nhân duyên!
Sau đó tôi đi du học ở Nhật Bản, vốn việc học ở đó đã rất khó rồi, đặc biệt là khi đó tôi 39 tuổi, việc học lại càng khó hơn. Biết mình không thông minh, học không giỏi cho nên tôi quyết định thực hiện chính sách “cần cù bù thông minh”; thêm nữa, tôi cũng không sợ mất mặt, một khi cần đến sự giúp đỡ thì dù đó là ai tôi cũng thỉnh cầu họ trợ giúp mình. Tôi thấy không có gì là mất mặt, bởi năng lực thực sự của họ giỏi hơn tôi nhiều, thậm chí là luận văn tiến sỹ, trong phần mở đầu tôi có chú thích rõ: “Nội dung luận văn là của tôi, nhưng bài văn không phải là của tôi”! Bài văn có thể viết hay như thế không phải do khả năng sử dụng tiếng Nhật của tôi tốt, mà đó là kết quả của sự giúp đỡ từ thầy cô giáo, các bạn học cùng và các bằng hữu Nhật Bản nữa, nhưng nếu tôi không có nghị lực, không biết “hiểu rõ bản thân” thì bài luận văn này không thể hoàn thành được. Tôi làm bất cứ việc gì đều dựa vào nghị lực, sự tự tin và biết mình không thông minh, không có phúc báo cho nên cố gắng hết sức giúp đỡ mọi người, đồng tình với họ, bao dung họ, không tranh cãi hơn thiệt, không oán trách họ. Khi gặp phải khúc mắc hay thất bại, trước tiên tôi có thể tự thức tỉnh mình, không cho rằng đó là việc mà người khác đang tìm cách chống đối, đày đọa mình; đồng thời tôi cũng biết ơn đối phương đã tạo điều kiện và cơ hội cho tôi trưởng thành hơn và luôn coi họ là Bồ-tát cứu khổ của mình.