Khiêm tốn, từ bi, chân thực được coi là phẩm cách quan trọng nhất của một người, giống như Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài thật khiêm tốn, tràn đầy lòng từ bi và thành thực, xứng đáng là tấm gương để chúng ta học hỏi theo. Ví như xét về lòng khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp lại vị Lạt Ma dạy dỗ mình ngày trước đều hành lễ một cách rất cung kính, dù ngài có ngồi trên ngôi vị pháp vương cao vời vợi nhưng ngài luôn giữ vẻ khiêm tốn như vậy.
Đối tượng của từ bi là lấy con người làm chính, đương nhiên cũng cần có lòng từ bi đối với loài vật nhỏ bẻ như dế, kiến, hay các loài động vật khác. Tuy nhiên, lòng từ bi không nguyên tắc cũng đem lại không ít phiền hà cho ta. Từ bi là phải đem lại lợi ích cho tha nhân, ví như việc con trẻ không muốn học hành thì không nên đánh mắng chúng bởi không giải quyết được vấn đề gì cả, mà cần phải khuyến khích, làm bạn và tìm hiểu có chuyện gì xảy ra với chúng, cần dẫn dắt chúng một cách từ từ, có thể chúng sẽ thay đổi tính cách theo chiều hướng tốt dần lên. Có đứa trẻ chưa đến 15 tuổi đã đòi cha mẹ mua xe máy, nếu cha mẹ chiều lòng mua cho chúng thì có được coi là từ bi không ? Nếu vì đi xe máy mà gây ra tai nạn giao thông, tất nhiên không được gọi là từ bi rồi! Từ bi là nhất thiết phải nghĩ cho con trẻ để chúng trưởng thành khỏe mạnh và an toàn; về mặt hình thức, có thể đó là sự thao túng không cho chúng tung hoành ngang ngược, và như vậy được coi là từ bi!
Còn về sự thành thực, đó chính là việc không được dùng bất cứ thủ đoạn lừa bịp nào ăn hiếp người khác, thay vào đó là cần thái độ thành khẩn với tha nhân. Dù là để thuận miệng mà phát ngôn ra lời nói quàng xiên xằng bậy hay nói dối, thì sau đó cần tìm thời điểm thích hợp giải thích cho đối phương, thỉnh cầu họ lượng thứ. Trong trường hợp bất đắc dĩ thì cần phải nói vòng vo một hồi rồi mới vào chủ đề chính, hoặc phải bày tỏ ý kiến, quan điểm một cách thành khẩn, tuyệt đối không được dùng lời lẽ ba hoa khoác lác lừa bịp gạt kẻ khác.
Thành thực tức là ta phải dùng ngôn từ thận trọng hơn khi giao tiếp, không được coi nhẹ lời hứa, không được tung tin đồn nhảm, hoặc bản thân không được nói khoác khoe khoang quá độ, nếu không sẽ gây tổn thương cho người khác, đồng thời cũng tự làm hại mình, do vậy mà cần phải có tinh thần thực sự cầu thị, không được khuếch đại phô trương.
Ta không nên lập tức nói ra, tiết lộ những việc chưa hoàn thành hoặc đang trong quá trình hoàn thành, bằng không sẽ khiến người khác nghĩ rằng ta là kẻ nói thì nhiều mà làm thì ít, lời nói không đi đôi với việc làm, hoặc chỉ nói mà không làm, là kẻ ba hoa khoác lác. Mặt khác, có thể quá trình suy nghĩ vẫn chưa hoàn thiện hoặc việc hoàn thành rồi không đúng như mong đợi, thì lúc đó đối phương có thể tự thấy ta là kẻ nói một đằng, làm một nẻo, không đáng tin cậy, do vậy mà sự thành thật và cẩn ngôn vô cùng quan trọng trong giao tế với xã hội. Thái độ thành khẩn tức là không được nói dối, nói khoác, không lừa gạt người khác, không khuếch trương, không ăn nói ba hoa, không nói sai sự thật, đây cũng chính là những phẩm cách lương thiện mà chúng ta cần có và cần duy trì.