Chúng ta nhất định từng nghe qua câu nói “ta kính người thì người kính lại ta”, hay như câu “có qua có lại mới toại lòng nhau”, chỉ cần chúng ta tôn trọng, ca ngợi, khẳng định tha nhân thì đối phương cũng sẽ tôn trọng, ca ngợi và khẳng định lại ta. Hay nói ngược lại, nếu bạn là kẻ vô cùng ngạo mạn và có hành động thô bạo thì người khác cũng sẽ đáp lại bạn bằng thái độ ngạo mạn và hành vi thô bạo, và chính cái xã hội, cái gia đình và môi trường sống quanh ta đang bị chính ta làm “ô nhiễm”. Giống như ta là kẻ đang mắc bệnh truyền nhiễm, đang lây truyền vi rút cho xã hội xung quanh, kết quả là truyền từ một người sang mười người, mười người sang trăm người, và nhanh chóng trở thành bệnh dịch truyền nhiễm; nhưng ngược lại, cũng trong môi trường đó nếu những người xung quanh đều nhiễm bệnh, còn bạn đã tiêm thuốc dự phòng chống lây nhiễm trước và khuyên họ điều trị bệnh như thế nào cho khỏi, cho tốt hơn, thì những vấn đề nảy sinh trong môi trường đó sẽ phát huy công năng tịnh hóa – công năng thanh lọc, tinh chế chất thải độc hại, hay những cặn bã bẩn thỉu.
Những đạo lí này ai ai trong chúng ta cũng hiểu, chúng ta có thể tự tha thứ cho bản thân mình mỗi khi làm sai mà không thể tha thứ cho người khác, yêu cầu người khác quá khắt khe còn dễ dãi với bản thân, thường soi mói bới móc nhược điểm cũng như điểm yếu của họ trong khi cố ý bỏ qua nhược điểm của bản mình. Bởi con người ta ai cũng có đọa tính – tức tính ỳ, sự trì trệ, không chỉ vậy mà còn có tính tự tư ích kỷ, luôn mong muốn người khác đem lại lợi ích cho mình và không tình nguyện đầu tư công sức cống hiến phục vụ.
Có rất nhiều người tuy muốn đầu tư công sức, muốn cống hiến, có lòng từ bi, khoan dung độ lượng để nâng cao nhân phẩm hơn nữa, nhưng chỉ có điều là thiếu đi tính thực tiễn. Khi gặp khó khăn không giải quyết được bèn tự an ủi và nghĩ rằng ta là kẻ phàm phu tục tử, cứ làm từ từ dần dần là tốt rồi! Họ luôn tự tìm cho mình một lối thoát, che giấu khuyết điểm, bao che cho bản thân, nhưng không ngừng yêu cầu cao một cách khắt khe với người khác, như vậy sẽ chỉ tạo thêm vết rạn cho tình cảm hai bên, không thể đi đến sự bao dung, thông cảm cho nhau, càng không thể đề bạt nhau được.
Thông cảm cho nhau cần xuất phát từ ba phương diện cơ bản, đó là từ thân, từ miệng và từ tâm. Cái gọi là thân tức chỉ những quy củ phép tắc trong cuộc sống thường nhật, bao gồm sự uy nghi về cách ăn uống, đi lại. Còn miệng, tức là chỉ lời nói tán tụng ca ngợi, khuyên răn tha nhân, nếu mở miệng là nói những lời thô tục thì ắt đó không phải là người giữ khẩu nghiệp thanh tịnh. Việc tu thân và tu khẩu tốt cần dựa vào tâm làm gốc rễ, cái gọi là tâm ở đây chỉ việc làm cho tâm mình có quy phạm ở mọi lúc mọi nơi, trong lòng luôn giữ được sự bình tĩnh, vui vẻ, dù có gặp phải việc vô cùng xấu thì vẫn cam tâm chấp nhận khó khăn. Thực tế, “tâm” chỉ sự tu luyện tâm tính, sự quan tâm, khiến cho nội tâm không chịu bất cứ ảnh hưởng và quấy nhiễu nào từ môi trường bên ngoài, không phải suy nghĩ nhiều về những điều sai trái. Tôi cũng thường nói “có lí do tất nhiên là có lí do, còn không có lí do cũng chính là có lí do”. V ì vậy mà nếu một ai đó có thái độ không tốt đối với bạn thì cũng không nên vì thế mà sinh ra lòng căm thù chán ghét họ, bởi họ làm như thế nhất định có lí do riêng của mình, chúng ta có thể tìm chút thời gian rảnh rỗi nói chuyện tâm sự và chủ động quan tâm đến họ. Bạn có thể nói: “Mấy ngày hôm nay nghe có vẻ tâm trạng anh không được tốt lắm, tôi nghĩ nhất định là có nguyên nhân gì đó, anh có thể cho tôi biết rốt cục đã xảy ra chuyện gì không ? Anh có nói ra thì mới tìm được cách giải quyết nhanh chóng.” Và cứ như vậy, vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa, rất có thể anh ta không có vấn đề gì, hoặc anh ta đã nghe ai đó nói một vài điều không vui, hoặc là bạn đã làm việc gì đó khiến anh ta cảm thấy khó chịu.
Nếu thực sự là bản thân mình làm sai chuyện nào đó thì nhất thiết phải nhận lỗi và xin lỗi đối phương : “Xin lỗi anh, tôi không biết làm như vậy là không đúng, tôi không cố ý, sau này tôi sẽ sửa sai và không tái phạm nữa”. Như vậy mâu thuẫn giữa hai người sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và không ai còn cảm thấy khó chịu nữa. Còn nếu vấn đề không phải do bạn gây ra, mà do anh ta gặp một người nào đó cảm thấy không thoải mái, bạn có thể an ủi khuyên nhủ anh ta, đồng thời trong lòng mình không được có khái niệm làm như vậy là tự rước phiền hà. Còn nếu bạn có ý nghĩ lần sau anh ta sẽ tìm cách đối đầu với mình, thì đó cũng có nghĩa là bạn đang tự rước họa vào thân, đang tự mua phiền toái cho mình. Chúng ta cần phải thường xuyên thức tỉnh bản thân rằng, người khác gặp rắc rối hay xảy ra chuyện không hay, nhất định là có nguyên nhân, tuyệt đối không nên phiền lòng về những cử chỉ hành động bề ngoài của họ. Do vậy mà ta cần có cách đối đãi khoan dung rộng lượng, hòa nhã với những người xung quanh, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào đều nên khiến cho bản thân và những người sống quanh ta cảm thấy vui vẻ, gắn kết với nhau bằng những mối lương duyên mà không hề hối tiếc. Nếu có thể duy trì thái độ này mãi thì dù bạn có nơi đâu, nhất định bạn sẽ có một cuộc sống vui vẻ tràn đầy hạnh phúc và đầy ắp tiếng cười.