Quản gia Miêu lái chiếc Land Cruise đưa cậu Tử Pín xuống thành phố Mã Sơn. Xe chạy lướt qua Khách sạn Tang Bồng - khách sạn lớn nhất thành phố, cao 13 tầng, thuộc Tổng công ty A&E bị bỏ hoang nhiều năm do làm ăn thua lỗ, đã bán lại cho cậu Tử Pín với giá hàng chục tỷ đồng, cậu Tử Pín mua rồi nhưng vẫn chưa tiếp tục hoàn thiện. Còn kia, Siêu thị Acalon là siêu thị ô tô và xe máy, siêu thị được biến tướng từ một cơ quan dân sự nhà nước, do khéo đấu thầu, thực ra là “thông thầu”, mà cậu Tử Pín mua đứt để sửa chữa thành nơi kinh doanh, đấy, ô tô, xe điện, xe máy đủ loại… thỏa chí các thượng đế chọn. Lướt qua tí cho cậu chủ đỡ nhớ nơi cất tiền, nơi đẻ tiền, rồi quanh lại Khách sạn Hoa Ban Tím. Cậu chủ xuống xe, cái dáng to đậm, quần bò, áo sơ mi kẻ ka-rô, với kính mát màu hồng, tóc cắt gọn, bước đi nhanh nhẹn, khiến cậu trẻ trung và đáng yêu lắm. Cậu chủ bước vào khách sạn, qua lễ tân, trẻ xinh, chân dài, mắt xanh, mỏ đỏ, áo ngắn hở rốn nún nún tròn, váy ngắn khoe đùi lẳn lẳn trắng, tất thảy cúi đầu chào cậu chủ đáng kính. Vào phòng khách, cậu Tử Pín ngồi bệ vệ salon mút đỏ, em chân dài bưng cốc cà phê mời cậu chủ. Cô Huyền em họ cậu chủ, cô đã trung tuổi nhưng cũng mắt xanh, mỏ đỏ, áo sơ mi tím hoa cà, quần lĩnh đen nuột nà, tóc sấy quăn, gương mặt tròn tươi, mắt to tròn, miệng mím mím, có duyên, là quản lý khách sạn, ra báo cáo nhanh tình hình kinh doanh, chẳng biết cậu chủ có nghe không mà mắt nhìn lơ đãng lên cái đèn chùm lung linh, đầu thì cứ gật gật đều. Cô Huyền giọng ngọt ngào, báo cáo cậu chủ, các em trẻ xinh, ngoan, tươi tắn, niềm nở, phục vụ tốt, lương nhận đủ - được; khách nghỉ luôn tăng - được; ăn búp phê thoải mái - được; nhiều hội nghị và đám cưới được phục vụ ăn uống tốt - được; doanh thu..., bất ngờ cậu Tử Pín phảy tay.
- Thôi được rồi, tôi bận nhiều việc lắm, có gì thì cô báo cáo với quản gia Miêu, tôi nghe sau nhé - Cậu chủ uể oải đứng dậy. Cô Huyền cúi đầu, giọng ngọt ngào:
- Thưa cậu chủ, mời cậu chủ lên lầu nghỉ, cho các em hầu hạ tí!
Nghe cô Huyền mời, cái nốt ruồi lông trên mi mắt cậu chủ cứ giật giật. Ngần ngừ một lúc, cậu chủ phảy tay:
- Cảm ơn, tôi phải đi, có việc.
Cậu chủ sang Siêu thị Thời trang Hoàn Mỹ. Cậu đi lướt từ tầng dưới lên, la liệt thời trang thể thao, thời trang phụ nữ, trẻ em, thanh niên, đủ loại giày dép, mũ, ví, dây lưng... Tầng hai miên man mỹ phẩm của các hãng nổi tiếng thế giới. Tầng ba lấp lánh thời trang vàng, bạc, đá quý... Ngó một lúc, cậu chủ xuống tầng, bước nhanh ra xe. Quản gia Miêu nhấn ga, đưa cậu chủ về trụ sở Khau Sưa. Chiếc xe đỗ xịch ven đường khiến cho một đám bụi đỏ cuộn mù lên. Một lúc, gió cuốn bụi bay hết, không gian trở lại trong lành. Tử Pín mở cửa xe, nhẹ nhàng bước xuống. Mọi người xúm lại đón. Bí thư Sò cùng với chủ tịch Lỉn gạt mọi người, vào bắt tay Tử Pín. Bí thư Sò cười hỉ hả, thưa:
- Báo cáo cậu Tử Pín! Đường từ đây vào trụ sở của chúng em chưa làm được tốt. Mong ông cậu thông cảm!
- Vâng, mong ông cậu thông cảm! - Chủ tịch Lỉn nói theo - Miền Khau Sưa chúng em cũng chưa giúp được gì cho dân, khổ thế.
- Các ông cứ yên tâm! - Tử Pín ngước nhìn lên ngọn núi Chúa cao vời, nói dõng dạc - Các ông cứ bảo vệ rừng, trồng rừng cho tốt. Tôi sẽ bảo với bên giao thông có kế hoạch làm đường cho Khau Sưa, vào mùa khô tới, có thể mở đường lên tận bản Tà Lưa của người Mông kia nữa.
- Cảm ơn ông cậu nhiều lắm! - Bí thư Sò mềm giọng.
- Vâng, chúng em cảm ơn ông cậu nhiều lắm! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
Tử Pín khẽ ừ hừ, sải dài bước chân, ái ngại nhìn một loạt cờ đỏ đuôi nheo cắm hai bên đường cùng với mấy băng khẩu hiệu treo suốt từ ngoài đường vào tận trụ sở.
- Ồi, anh em với nhau! - Tử Pín xưng hô thân mật - Anh em với nhau mà các ông làm rùm beng thế này, nhân dân người ta kêu chết! Hơn nữa thân mật quá mức cần thiết thế kia nhỡ báo chí thấy thì phiền toái lắm.
- Ông cậu ngại gì chứ? - Bí thư Sò vừa bước sát Tử Pín vừa nói tâng tâng - Nếu không thế thì báo chí, truyền hình không thể hiện được chuyến công du của ông cậu, cũng có nghĩa là dân không biết được tinh thần làm việc và tình cảm của ông cậu đối với vùng Khau Sơn này.
- Ông chỉ được cái khéo nói! - Tử Pín khen bí thư Sò.
Sắp đến trụ sở, bí thư Sò và chủ tịch Lỉn tiến lên trước, vẫy tay. Tức thì hai hàng người xuất hiện liền giơ hoa vẫy vẫy, rồi vỗ tay bôm bốp, làm náo nức cả một vùng. Tử Pín nghĩ, không ngờ chủ tịch Lỉn trông xỉn xỉn thế mà chu đáo ra phết, lại có vẻ rất văn hoá chứ, chắc lại được bí thư Sò chỉ đạo đây. Vào phòng đón tiếp, Tử Pín lại bất ngờ bởi những khẩu hiệu trên tường: Rừng là vàng; Mỗi người dân phải là một chiến sĩ dũng cảm giữ rừng; Hy sinh vì rừng cũng là hy sinh cho trái đất tươi xanh; Hãy giữ rừng núi Chúa như giữ ngôi nhà của mình.
Sau khi nghe bản báo cáo khoe bao nhiêu thành tích về Khau Sưa, về việc bảo vệ và phát triển rừng núi Chúa dài lê thê do chính bí thư Sò đọc, Tử Pín được mời phát biểu ngay. Tử Pín đứng thoải mái, mái tóc cắt khéo, chiếc áo sơ mi kẻ ka-rô với chiếc kính mát màu hồng khiến anh ta như trẻ ra đến mấy tuổi. Giọng Tử Pín rõ rành, nói khá dài. Đại ý, Tử Pín nói về ý nghĩa to lớn của rừng đối với cuộc sống con người. Rằng, không có rừng thì không có ôxy để thở, con người sẽ chết, không có rừng thì không có nơi trữ nước cho các dòng suối dòng sông, sẽ không có nước cho những cánh đồng tươi tốt, sẽ không có nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng các công trình. Nguy hiểm nhất là không có rừng thì sự sống sẽ biến mất. Nói chung như vậy. Còn rừng núi Chúa không chỉ có ý nghĩa như thế đối với một vùng sinh thái của miền Khau Sưa, của Nà Lai, của cả thành phố Mã Sơn, mà đây còn là nơi lưu giữ cho quốc gia nguồn gen của các loài động vật quý hiếm, nguồn gen của các loài gỗ quý, các loài thực vật quý hiếm, các loài cây thuốc quý hiếm. Bao nhiêu ý nghĩa to lớn về rừng, bao nhiêu chuyện hay về rừng, bao nhiêu điều cần dặn dò mọi người về việc bảo vệ rừng, giữ rừng, trồng rừng, Tử Pín đều nói với một thái độ đầy nhiệt huyết khiến mọi người tin tưởng, cảm động lắm. Tử Pín còn hứa, nếu bản Nà Lai bán lại cho Tử Pín núi Chúa thì Tử Pín sẽ biến nơi này thành khu du lịch sinh thái đẹp và mơ mộng bậc nhất vùng này, rồi mấy ngàn dân Nà Lai và Cò Nòi sẽ giàu to, sẽ sung sướng vô cùng… Cuộc nói chuyện của Tử Pín ở hội trường được kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt. Ngay đấy, lãnh đạo Khau Sưa mời cơm thân mật. Các lãnh đạo ngồi riêng phòng nhỏ. Bí thư Sò và chủ tịch Lỉn luôn tay gắp cho Tử Pín. Đang vui, Tử Pín cởi mở chuyện trò. Tử Pín chỉ đĩa thịt, hỏi:
- Các ông bắn cầy trên rừng hay mua của dân?
- Biết ông cậu lên, mừng lắm, chúng em sai bọn đàn em phải tự tay săn bắn chiêu đãi ông cậu mới quý chứ! - Bí thư Sò giọng tự hào.
- Vâng, đúng là anh em Khau Sưa tự đi săn bắn thú trên rừng núi Chúa về để chiêu đãi ông cậu đấy ạ! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Cả thịt gà rừng này chứ? - Tử Pín chỉ đũa vào đĩa thịt gà.
- Vâng! - Bí thư Sò rót thêm rượu vào chén của Tử Pín, giọng hỉ hả - Chỉ rắn hổ mang phải mua của dân bản Cò Nòi, còn cá chiên thì mua của dân bản Cà Lồ cạnh hồ Thác Bay thôi. Ông cậu thấy ngon miệng không ạ?
- Ngon lắm! - Tử Pín gật gù, hơi nghiêng đầu về bên Sò, giọng nhỏ - Rừng núi Chúa bao nhiêu gỗ, bao nhiêu chim thú, còn rất giàu tiềm năng đá trắng, đá màu nữa, quý hiếm lắm đấy. Nhưng các ông phải biết bảo vệ và khai thác thế nào cho thật khoa học, thật hợp lý, thật cẩn trọng, đừng để dân kêu ca phàn nàn, sẽ rất phiền toái. Mai đây tôi sẽ có dự án...
- Em hiểu ý ông cậu ạ! - Bí thư Sò nháy nháy đôi mắt vằn đỏ vì rượu, nhìn Lỉn, cười mỉm, ra điều cùng đồng tình, rồi ra giọng bề trên sai bảo - Sau đây, đồng chí Lỉn chủ tịch đưa ông cậu vào nhà ông Sa Thổ bàn chuyện quan trọng nhé.
- Các ông nhớ là phải biết bảo vệ và khai thác rừng một cách khoa học, hợp lý, cẩn trọng nhé! - Tử Pín nhấn mạnh.
- Vâng ạ! Em hiểu ý ông cậu rồi ạ!
Chủ tịch Lỉn mau mồm “vâng ạ”, hiểu ý bí thư Sò “nháy mắt, mỉm cười” lúc nãy nên cứ cúi sát vào Tử Pín như để tỏ ý thu nhận đầy đủ thông tin cần thiết. Tỏ ra thế thôi chứ chủ tịch Lỉn quá hiểu ý tứ của Tử Pín. Mấy năm qua có năm nào mà mấy đại gia ở vùng này cùng với các trạm kiểm lâm ở Đá Chồng, bản Tà Lưa, Cò Nòi không phải cung cấp hàng mấy chục khối gỗ pơ mu, gỗ chò chỉ, gỗ sến, gỗ táu, gỗ nghiến cho thành phố, gọi là cung cấp cho các công trình xây dựng cơ bản quan trọng, nhưng số gỗ ấy đều đem về nhà riêng để làm khung cửa, ốp trần, ốp tường, ốp cầu thang, đóng giường, đóng sập. Nhà các đại gia cứ gọi là tuyệt vời, chẳng kém nhà các đại gia ở thành phố, còn gấp trăm vạn lần nhà của các thổ ty, thống lý thời thuộc Pháp nhá. Rừng núi Chúa còn đầy gỗ quý, chẳng khai thác thì trăm năm nó cũng già nục, gãy đổ, phí cả đi. Mà khai thác một cách có khoa học, hợp lý, thật cẩn trọng, như thế không thể gọi là phá rừng được. Chủ tịch Lỉn thấy khoái cái ý nghĩ của mình, rồi hỉ hả mang theo cả ý nghĩ ấy suốt dọc đường cùng quản gia Miêu đưa Tử Pín vào thăm gia đình ông Sa Thổ ở bản Nà Lai.
Chẳng thể ngờ Tử Pín, cái người bị chính ông Sa Thổ bắn dọa rơi xuống lựng suối Be hôm nào, nay lại đến thăm nhà. Ông Sa Thổ cầm ấm nước co mác hủ5 rót ra bát, mời khách. Tử Pín thản nhiên đỡ bát nước từ tay ông Sa Thổ, giọng thân mật:
5. Co mác hủ: Cây quả đùm đũm.
- Tôi là Vũ Tử Pín, ông biết rồi, dạo trước cũng đã qua nhà ông. Hôm nay trên đường đi làm việc với Khau Sưa và mấy xã ven sông Chảy để chuẩn bị duyệt cấp đất cho dự án trồng rừng bồ đề, trồng keo, trồng bạch đàn, nghe nói ông là cựu chiến binh, trưởng bản Nà Lai nhưng có uy tín với cả vùng này, tôi ghé thăm gia đình.
- Vâng, tôi nhớ ra rồi! Ông đã qua nhà tôi. Quý lắm! - Ông Sa Thổ cũng ra giọng xã giao - Ông là người có tiền mà quan tâm đến dân thế thì dân chúng tôi được nhờ.
- Cũng là công việc cả thôi! Xin hỏi, gia đình ông ổn chứ?
Tử Pín hỏi, rồi nâng bát nước màu vàng nhạt lên uống một hơi, vẻ mặt dãn ra, dễ chịu. Ông Sa Thổ không trả lời ngay. Ông với cái điếu ục, vê vê sợi thuốc lào, nhét vào nõ điếu. Ông cầm chiếc đóm lửa nhứ nhứ vào nõ điếu, hít hít đến ba bốn lần, nhả từng làn khói mỏng, rồi bất thần dí hẳn đóm lửa vào nõ điếu, rít một hơi thật dài, cái điếu ục rung lên, kêu ục ục. Ông Sa Thổ buông điếu ngả vào ngực, ngửa mặt nhả khói thuốc cuộn lên như một đám mây nhỏ, vừa đẹp vừa thơm nồng. Ông lim dim, thở khoan khoái, đã cơn thèm, đưa tay xoa xoa cằm râu láp ráp, thấy sướng. Một lúc, ông kể cho Tử Pín nghe gia cảnh. Vợ ốm nằm trạm xá quanh năm, mới mất vừa rồi. Con Sương dở lớp mười một đang xin thôi học để ở nhà bếp núc, vườn tược, chăm lo cho hai em học hành. Thằng Neo đang cuối cấp hai. Con Nương đang đầu cấp hai. Được cái, nhà ông khá giả từ thời ông bà, cha mẹ. Ngôi nhà sàn năm gian, cột to cả ôm, bằng gỗ chò chỉ, to đẹp vào loại nhất vùng, đã soi bóng bên suối Be, bên cánh đồng Nà Lai này gần trăm năm rồi. Nương, ruộng nhà ông rộng khắp. Rừng ngút ngàn núi Chúa kia. Ao to nhiều cá. Vườn thênh thênh, sum suê bóng cây chanh, cam, bưởi, mít, ổi. Trâu cả đàn hơn hai chục con. Gà thả hàng trăm mái ăn ngủ khắp ven rừng, bờ suối. Người Nà Lai bảo ông giàu nhất, sướng nhất vùng núi Chúa này. Ừ thì giàu! Ừ thì sướng! Nhưng ông tâm sự, nhà chẳng có đứa con nào đi thoát ly, chẳng có đứa nào làm nên công cán gì thì cũng chưa phải là giàu, chưa phải là sướng. Thế là khổ chứ lị! Bởi vì như thế, chúng nó sẽ bám cả đời vào bố mẹ, bám mãi vào cái mường bản toàn gỗ tre vầu nứa lan man nghèo khó này, thua chị kém em, chẳng bao giờ mở mày mở mặt lên được. Tử Pín nghe chuyện nhà ông Sa Thổ, tỏ vẻ cảm thông lắm. Tử Pín ngó ra vườn cây xanh um phía cửa sổ, một lúc, quay vào gợi chuyện:
- Ông thấy những cánh rừng ở đây thế nào?
- Là thế nào cơ? - Ông Sa Thổ chưa hiểu ý Tử Pín nên hỏi lại.
- Là tôi hỏi, rừng ở đây có giúp dân làm giàu được không?
- Rừng giúp dân làm giàu? - Ông Sa Thổ ngập ngừng một lúc, muốn nghĩ kỹ mới trả lời Tử Pín - Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng từ xa xưa người Tày, người Dao, người Mông, người Nùng chúng tôi đã sống trong rừng, ngủ cùng rừng, ăn của rừng, chơi với rừng. Sống nhờ rừng mà chết cũng nhờ rừng cả. Có người đã giàu có sung sướng là nhờ rừng. Còn người nghèo khó thì không biết có phải tại rừng không?
- Nếu chúng tôi muốn dân làm giàu nhờ rừng thì ông có ủng hộ không? - Tử Pín nhìn sâu vào mắt ông Sa Thổ, thăm dò.
- Tôi ủng hộ ngay chứ! - Ông Sa Thổ nói to.
- Thế thì hôm nào họp dân, ông động viên các gia đình hãy ủng hộ lâm trường phá hết những cánh rừng hoang, rừng cây ven sông Chảy, đốt hết, để trồng rừng cây bồ đề, trồng keo, trồng bạch đàn.
- Ấy chết! - Ông Sa Thổ giật thót - Phá hết rừng thì dân sống bằng gì?
- Ông không biết đấy thôi! - Tử Pín nói như trình bày cho ông Sa Thổ hiểu - Cây bồ đề dùng sản xuất giấy, vải ninon, làm cột chống lò, làm ván nhân tạo, có giá trị cao lắm, cao hơn nhiều những thứ cây khác. Mà cây bồ đề cứ dăm bảy năm lại khai thác, cho thu hoạch bán nhiều tiền, xong lại trồng mới, vẫn có rừng xanh tươi quanh năm. Chứ những cánh rừng bây giờ cả trăm năm cũng chỉ để um tùm, chẳng cho dân tiền, sao làm giàu được!
- Khó rồi! - Ông Sa Thổ giọng ngại ngần - Mấy năm trước các ông trên thành phố bảo dân phá rừng già để trồng cây sở, cây nai, cây trẩu, những tưởng giàu to, rồi bỏ hết, mất bao nhiêu là rừng già, dân khổ lắm!
- Xưa khác, bây giờ khác! Dầu sở, nai, trẩu không ai mua. Gỗ bồ đề, gỗ keo, gỗ bạch đàn thì bao nhiêu cũng thiếu. Nước mình đang phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông| nghiệp và nông thôn, nhà máy sẽ mọc lên ngay trên mảnh đất giàu tiềm năng thế mạnh này. Nếu nông dân chúng ta không chớp lấy cơ hội làm giàu thì bao giờ mới giàu được.
- Đúng rồi, nếu chúng ta không chớp lấy cơ hội thì đến bao giờ mới làm giàu được! - Quản gia Miêu nói theo.
- Phải chớp lấy cơ hội thì mới làm giàu được! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Thật thế hả các ông? - Ông Sa Thổ vẫn chưa thật tin.
- Thật chứ! - Tử Pín khẳng định.
- Thế bao giờ thì phá hết rừng ven sông Chảy? - Ông Sa Thổ băn khoăn.
- Phá càng nhanh thì dân càng nhanh giàu thôi! - Tử Pín nói.
- Phá càng nhanh càng tốt! - Quản gia Miêu nói theo.
- Phải, phá rừng ngay! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Thế hử?
Ông Sa Thổ nghe Tử Pín nói phá hết những cánh rừng ven sông Chảy càng nhanh thì dân càng nhanh giàu, đã thấy mừng, nhưng ông vẫn chưa tin hẳn. Ông ngồi im lặng, nghĩ mông lung. Xa lắm thì không biết nhưng từ đời ông cha của ông đã ở đất này, núi này, rừng này. Muốn có lúa ngô khoai sắn để ăn thì núi cho đất trồng cấy. Muốn làm ngôi nhà sàn để ở thì rừng cho cây gỗ quý. Sông suối ruộng đồng và con người muốn sống phải có nước thì núi rừng cho nước. Rừng núi còn cho bao sản vật quý hiếm như chim muông, dã thú, thuốc chữa bệnh. Biết bao nhiêu cây thuốc quý trên rừng núi Chúa kia. Bao nhiêu dân bản quanh vùng nhờ có cây thuốc quý trên rừng núi Chúa mà khỏi bệnh, thoát chết. Bây giờ chặt phá hết, liệu có phải không? Muốn dân làm giàu mà chặt phá hết rừng già thì có phải không? Chặt phá hết rừng già thì suối Be làm gì còn nước chảy. Sông Chảy cũng sẽ cạn thôi. Hồ Thác Bay cũng sẽ cạn thôi. Chả có thuỷ điện nữa à? Cánh đồng Nà Lai này cũng không có nước cho cây lúa, cây rau, cây ổi, cây mít, cây na, cây cam ra hoa ra quả nữa! Ông Tử Pín có hiểu như thế không? Nghĩ làm giàu cho dân thì mừng rồi. Còn bảo chặt phá hết rừng già của dân, cũng là rừng của Chính phủ đấy, thì khó quá, khó quá! Phải bàn với dân đã. Dân có thông hiểu, có đồng ý thì mới làm được. Ông Sa Thổ đang dở nghĩ chuyện trong rừng trong bản thì Sương về. Sương vén váy, cầm gáo giội nước rửa chân rào rào. Sương có một nét tính cách khác nhiều cô gái bản là rất hồn nhiên, hay hát, hay cười. Dân bản nói rằng, ông Sa Thổ có cô Sương như có con chim sơn ca trong nhà, quý lắm. Sương mới hơn mười sáu tuổi mà đã phổng phao ra dáng thiếu nữ. Cặp chân dài như chân hươu. Eo thon như eo con ong vàng. Mái tóc xanh mượt như dòng suối Be, xoả dài xuống tận cạp váy. Đôi mắt đen vẻ hoang dã, nhìn hút hồn. Môi trái đào hồng tươi. Sương như nàng tiên bay từ núi Chúa vào trong nhà. Tử Pín từng đi khắp các bản xa bản gần nhưng chưa thấy cô gái nào xinh đẹp như Sương. Trái tim trẻ trung của Tử Pín bỗng đập rộn lên. Tử Pín nhìn ông Sa Thổ, giọng nhỏ nhẹ:
- Ông không được để cô Sương thôi học!
- Đúng, ông không được để cô Sương thôi học! - Quản gia Miêu nói theo.
- Tôi cũng chẳng muốn thế nhưng cháu nó nhất quyết rồi. - Ông Sa Thổ có vẻ buồn.
- Thế này - Tử Pín vẫn nhỏ nhẹ - Khó khăn gì ông cứ nói, chúng tôi sẽ giúp.
- Phải, chúng tôi sẽ giúp đỡ! - Quản gia Miêu nói theo.
- Đúng, chúng tôi sẽ giúp đỡ! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Dù sao ông cũng không được để cô Sương thôi học! - Quản gia Miêu vênh ria, gừ gừ mắt kính cận nhìn ông Sa Thổ, lên giọng - Vì cô Sương là nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, hiếm lắm. Cô ấy còn trẻ. Cô ấy chắc chắn có năng lực. Phải đào tạo cô ấy thành cán bộ. Phải giúp đỡ cô ấy học tập. Khó khăn thì cậu Tử Pín giúp!
Quản gia Miêu nói một thôi một hồi như nhà tuyên giáo. Nói xong, quản gia Miêu bỏ ra ngoài ăn thích6 nói chuyện với Sương. Quản gia Miêu è è, vào chuyện:
6. Ăn thích: Cái hiên sàn vào nhà.
- Cô Sương xinh đẹp nhất miền Khau Sưa đấy!
- Chú cứ khen! - Sương ngoảnh nhìn quản gia Miêu đầu thưa tóc lại chải mượt, cái mặt quắt với hai cụm râu hai bên mép giống con cáo rừng, mắt kính cận thì dày cộp như đít chai, cô phì cười.
- Ối giời! Ông Sa Thổ có cô con gái xinh đẹp nhất vùng này. Hách phải biết nhá!
- Chú cứ khen!
- Anh Dã Miêu chứ! - Quản gia Miêu đưa tay sờ sờ mép váy của Sương, bật cười hê hê - Anh thôi. Anh Dã Miêu nà-ày!
- Chú cứ đùa! - Sương gạt tay quản gia Miêu ra, vẻ mặt khó chịu.
- Sướng nhá! Sếp của anh đã “chấm” em rồi đấy. Chuột sa chĩnh vàng chĩnh bạc nhá.
Nghe thế, Sương khó chịu, vùng vằng bỏ xuống cầu thang. Quản gia Miêu vào nhà, cười hỉ hả, rồi mềm giọng:
- Ông Sa Thổ có cô con gái xinh đẹp nhất vùng.
- Cô ấy xinh đẹp nhất vùng thật đấy! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Ông không được để cô ấy thất học! - Quản gia Miêu nói.
- Phải, ông không được để cô ấy thất học! - Chủ tịch Lỉn nói to.
- Khó khăn thì cậu Tử Pín của chúng tôi sẽ giúp! - Quản gia Miêu nói.
- Đúng, cậu Tử Pín sẽ giúp! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Cảm ơn các ông! - Ông Sa Thổ nói chậm rãi, vẻ như vừa nói vừa ngẫm nghĩ sao cho phải nhẽ - Tôi cũng muốn thế nhưng việc này do cháu nó đã quyết.
- Hừ! - Quản gia Miêu gừ gừ nhìn ông Sa Thổ, lên giọng - Con phải nghe lời cha. Ông cứ quyết là cô ấy phải nghe theo.
- Phải, ông cứ quyết là cô ấy phải nghe theo thôi mà! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Thôi, chuyện này để cha con ông Sa Thổ quyết định! - Tử Pín im lặng một lúc, lên giọng - Bây giờ tôi muốn bàn với ông về chuyện làm du lịch núi Chúa.
- Ông định làm du lịch núi Chúa? - Ông Sa Thổ hỏi thành thật.
- Vâng! - Tử Pín lại im lặng, chuẩn bị lý lẽ thuyết phục ông Sa Thổ - Hôm tôi bị ông bắn dọa ở núi Chúa ấy, chính là hôm tôi nhờ cậu Lỳ dẫn đi xem núi Chúa của Nà Lai, tôi nhận thấy núi Chúa nhiều tiềm năng làm du lịch sinh thái. Tương lai nhân dân bản Nà Lai sẽ giàu có, sung sướng là nhờ núi Chúa đấy. Tôi phiền ông thuyết phục nhân dân bản Nà Lai bán núi Chúa cho tôi, rồi cùng nhân dân làm du lịch sinh thái, tuyệt lắm!
- Thật thế chứ? - Ông Sa Thổ im lặng lúc lâu, muốn suy nghĩ kỹ điều hệ trọng, rồi nói như tãi ra từng lời - Ông Tử Pín ơi! Khó đấy! Dân thì ai chẳng muốn giàu có, sung sướng, nhưng tôi biết dân Nà Lai đây có thể bán trâu, bò, lợn, gà, lúa, ngô, khoai, sắn..., chứ bảo bán núi Chúa thì không đời nào. Núi Chúa là quê cha đất tổ của dân Nà Lai, chẳng ai bán quê cha đất tổ của mình đâu!
- Thế tôi mới phiền ông thuyết phục họ!
- Ông phải thuyết phục họ chứ lỵ! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Ời, tôi đây đầu óc đổi mới mà còn không bao giờ nghĩ đến chuyện bán núi Chúa, cũng như dân Nà Lai thôi.
- Thì bây giờ ông đổi mới đi! Ông và nhân dân Nà Lai phải nghĩ đến tương lai giàu có, sung sướng chứ, mà muốn thế thì phải tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn mới được. Đấy, ông xem tôi làm cái thủy lợi - thủy điện Hoang Thủy, rồi nay mai sẽ có lợi biết bao nhiêu cho nhân dân Cò Nòi, cả Nà Lai nữa, cả cái miền Khau Sưa nữa. Nước đủ, điện sẵn, tiền góp ngân sách nhiều. Ông thấy thế nào?
- Tôi hiểu mà! - Ông Sa Thổ ngập ngừng - Tôi thường nghĩ, cái thủy lợi thủy điện Hoang Thủy của ông có khác gì “quả bom nước” khổng lồ treo trên đầu dân Cò Nòi và dân Nà Lai chúng tôi chứ. Tôi sợ nếu nay mai có cái du lịch sinh thái núi Chúa của ông thì rồi núi Chúa một ngày nào đó sẽ bị giẫm nát, xé nát, sẽ tan hoang như mấy cánh rừng quanh hồ Hoang Thủy đấy.
- Ông nghĩ thiển cận quá! - Tử Pín tỏ vẻ bực.
- Ông Sa Thổ thiển cận quá đấy! - Chủ tịch Lỉn nói theo.
- Ông Tử Pín ơi! - Ông Sa Thổ nhìn thẳng mặt Tử Pín, nói rành rọt - Theo tôi, ông nên bỏ qua chuyện mua núi Chúa đi!
- Hừ, rồi ông và nhân dân Nà Lai sẽ phải bán núi Chúa cho tôi, chờ đấy!
Tử Pín nói nhỏ nhẹ, rồi ngồi im lặng, một lúc cứ ngó đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Chủ tịch Lỉn nghe cậu Tử Pín nói thế, khoanh gối ngồi im lặng. Quản gia Miêu cũng im lặng. Quản gia Miêu im lặng nhưng đầu lại nghĩ miên man. Quản gia Miêu nghĩ: “Cậu Tử Pín cứ vờ vịt. Đấy, cậu gặng mua núi Chúa, vẻ nóng lắm nhưng kìa, cậu cứ nghển cổ nhìn theo bóng con bé Sương đang thấp thoáng trong vườn ổi. Lạ gì! Cậu Tử Pín có tiếng là đã muốn thứ gì, thích cái gì là đoạt cho bằng được. Tôi sẽ giúp cậu mua bằng được núi Chúa của cái lão cựu chiến binh gàn dở này. Còn cái khoản “gấm gải” thì cậu hơn hẳn lũ đàn ông quê kiểng nhá. Ừ, cậu thích thì tôi chiều. Tôi sẽ dụ bằng được cái con mái tơ rừng hoang ấy cho cậu. Mười sáu hay mười bảy mới sướng. Cậu sướng như vua nhá. Tôi làm được vụ này - Quản gia Miêu cười thầm. Cậu sẽ trọng thưởng đây. Tất cả trong bàn tay Miêu, tha hồ mà sướng nhá... Quản gia Miêu đang nghĩ lung mung thì nghe có tiếng đàn bà choe choé chửi độc bên kia suối Be. Quản gia Miêu nhìn Lỉn như thăm dò điều gì. Chủ tịch Lỉn cũng nhăn mặt. Ai mà chửi độc thế chứ? Giọng nghe như giọng cô Sao? Ô, mà câu chửi cứ như nhằm vào mặt Lỉn chủ tịch đây. Câu chửi lẫn gió rừng cứ thổi đi ào ào: “Cha mẹ đứa ăn không ăn hỏng của dân nhá! Mày cưa trộm mất mấy cây gỗ nghiến trăm năm của dân Nà Lai nhá. Mày ăn trộm như con cáo rừng ăn trộm trứng gà trong chuồng của dân thế à. Mày cướp đêm cướp ngày thì Thần núi Chúa sẽ vặn gãy tay mày như gió vặn cành cây ấy. Đời mày sẽ như cái cây bị cắt tận gốc, không còn mọc ngọn được nữa. Mày ăn không ăn hỏng của dân thì sẽ rụng hết răng cho gió lùa, như gió lùa vào hang đá lạnh buốt tim gan mà chết khô chết khổ! Ối giời! Pì noọng xâư kin hua vầy. Pì noọng dú quây kin vựa cáy!7 Thật là một lũ cáo rừng thôi!”.
Chủ tịch Lỉn chạy bổ xuống cầu thang, nhìn sang bên kia suối Be, thấy một đám đông, ai cũng lăm lăm con dao quắm, xăm xăm đi về phía Trạm bảo vệ rừng Đá Chồng. Chết cha! Chắc có chuyện chẳng lành rồi! Chủ tịch Lỉn gọi quản gia Miêu xuống, nói nhỏ vào tai Miêu mấy câu gì đó, rồi hớt hải chạy tắt đường núi, nghĩ may ra kịp ngăn cái mồm chửi độc của ai đó, khỏi ngượng với ông cậu Tử Pín.
7. Anh em gần cho ăn đầu b... Anh em ở xa đến thì thịt gà ăn (thành ngữ Tày).