Giảm cân, cụ thể là giảm lượng yếu tố nào trong cơ thể chúng ta?
Giảm cân, số cân giảm bao nhiêu trong thời gian như thế nào là hợp lý?
Béo phì là sát thủ thầm lặng, vậy nếu tôi giảm cân tôi sẽ khỏe hơn?
Bạn hôm qua là một người mập mạp hay hôm nay cơ thể bạn vẫn còn thừa cân cũng không quan trọng bằng việc bạn tiếp nhận điều đó như thế nào. Việc tiếp nhận này đôi khi không chân thật như bạn nghĩ. Bạn có thể đứng trước gương hàng giờ đồng hồ, quay trái quay phải tìm kiếm một đáp án. Có thể là sao đùi mình to thế, ước gì mông của mình được săn chắc hơn, hay cũng có thể là ba vòng của mình thật tuyệt,...
Khi bạn không hài lòng và nhìn chằm chằm vào gương bạn sẽ càng nhận ra nhiều hơn các khuyết điểm. Cho dù bạn đã xinh đẹp cân đối thì cũng có thể trở thành một người thừa mỡ ở hông hoặc có nọng ở cổ. Còn nếu bạn luôn cảm thấy mình đã ổn rồi thì việc bạn có bụng một chút hay khuôn mặt tròn trịa cũng chẳng thể tạo sự chú ý quá hai phút.
Nếu vẫn không biết rằng mình đang trong một trạng thái nào bạn thường sẽ có khuynh hướng lắng nghe hoặc có thể nói là bạn chờ đợi một ý kiến từ người khác. Thường thì ý kiến làm bạn thỏa mãn chính là những ý kiến giống với việc bạn muốn mình như thế nào. Việc này hơi nghịch lý nhưng con người vốn dĩ rất khôn ngoan trong việc tìm kiếm sự thỏa mãn từ việc đồng tư tưởng. Với những ý kiến tương đồng hoặc có chút gần giống, chúng ta nhanh chóng sát nhập vào tư tưởng và hợp nhất để đưa ra nhận định. Nhưng với những ý kiến trái chiều, bạn sẽ cần nhiều thời gian để phân tích tất cả các góc cạnh và vượt qua hết tất cả những điều đó mới có thể trở thành một phần tư tưởng khi bạn đưa ra nhận định.
Bạn vẫn thường xuyên nghe các bà vợ cằn nhằn chồng của họ chẳng đưa ra được một câu trả lời hay ho nào khi họ hỏi về việc mặc bộ quần áo này trông như thế nào! Hay cũng có thể, một nhóm các cô nàng đang tám chuyện thì phần lớn câu chuyện của họ sẽ là không hiểu sao cô ta có thể diện một chiếc áo kém duyên khi nhìn thấy vòng hai rõ to; tội nghiệp đôi giày của cô ấy quá – nhìn xem, gót giày có thể sẽ gãy bất cứ lúc nào vì gánh một trọng lượng quá cỡ như vậy;...
Nếu bạn là phái nam, tôi nghĩ rằng bạn sẽ không ít lần toát mồ hôi trước câu hỏi hình như (em) mập lên (gầy đi) phải không của người yêu, bạn đời hay thậm chí là mẹ, em gái mình. Bạn chẳng nhận ra điều gì cả. Buổi sáng họ hỏi, buổi tối họ có thể hỏi lại, hỏi hằng ngày. Mặc đồng phục, trang phục dự lễ hội, đồ ở nhà,... bất cứ khi nào bạn cũng có thể nhận được một vấn đề khó nhằn là họ có mập hay ốm hơn không và phải xoắn não khi tìm kiếm một đáp án thích hợp. Mà hiếm khi câu trả lời có thể thỏa mãn được các quý bà của mình.
Với một số người việc giảm cân là một nỗi lo nhưng với một số người khác thì việc tăng cân cũng áp lực không kém. Một số khác nữa thì lại chẳng bao giờ quan tâm đến trọng lượng là bao nhiêu bởi vì họ luôn cảm thấy cơ thể mình không có vấn đề gì. Tất cả mọi thứ nếu bạn đặt ở thang hình như thì bạn không thể có đáp án chính xác được. Thuộc về cảm giác có thể là đúng, có thể là chưa đúng. Và một khi bạn vẫn còn hình dung liệu mình có mập hay không, hoặc vẫn ổn thì không thể trông chờ vào việc người khác giúp mình xác định.
Việc bạn suy nghĩ mình trông như thế nào ảnh hưởng khá lớn đến quyết định bạn có giảm cân hay thực hiện một chế độ nào đó để cơ thể tuyệt vời hơn nữa. Bạn có thể không tự tin khi diện trang phục bó sát vì sẽ lộ khuyết điểm vùng bụng ngấn mỡ nhưng không thể vì lời nói nhìn xem, thật đẹp của người thân yêu mà không nhìn nhận thực tế mình có trong trạng thái báo động béo phì hay không.
Mọi việc chúng ta nghĩ như thế nào phần lớn chúng sẽ có trạng thái như vậy trong tương lai. Nhưng hiện tại cơ thể bạn như thế nào lại phụ thuộc khá nhiều về những gì bạn ăn, những thói quen sinh hoạt hằng ngày của bạn từ trước đó. Hãy thường xuyên lắng nghe cơ thể để có câu trả lời cho chính mình ngay khi có thể.
Sự kỳ diệu của việc lắng nghe cơ thể không chỉ là để nhận biết được những dấu hiệu báo trước của việc lên cân, giảm cân hay một bệnh tình nào mà còn là cách chúng ta hiểu cơ thể mình. Chữa lành cơ thể từ đó thì lựa chọn bất cứ phương pháp nào cũng sẽ đạt được sự hài hòa giữa cả bên trong và bên ngoài cơ thể.
Khi cơ thể tôi cảnh báo
Căng thẳng kéo dài
Một trong những lý do gây tăng cân khá bất ngờ đến từ stress. Khi cơ thể bị áp lực, căng thẳng, lo âu sẽ khiến ta tìm cách giải tỏa bằng cách ăn uống. Cô bạn Miranda của tôi những khi có chuyện buồn thường sẽ mời tôi đi ăn và nói một câu nói quen thuộc: “Ăn trước đã, mọi chuyện tính sau.” Con người chúng ta thường tìm thấy niềm vui từ việc ăn uống và xem đó như một cách chữa lành vết thương hiệu quả. Thế nhưng, dẫu biết rằng ăn uống là một cách giúp giải phóng năng lượng tiêu cực nhưng cũng chính vì thế khiến bạn tăng cân nhanh chóng. Tâm trạng căng thẳng trực tiếp làm chậm sự trao đổi chất và góp phần tích tụ chất béo, nhất là chất béo ở vùng bụng. Chưa kể có những trường hợp căng thẳng quá lại muốn ăn nhiều, có cảm giác thèm ăn cực độ,... Vì vậy bạn hãy nên biết cách kiểm soát tâm trạng của mình, cân bằng cảm xúc để không sa đà vào những hành động vô thức vô cùng có hại cho bản thân.
Biểu hiện thường thấy của stress tạo nên những căng thẳng về mặt tâm lý, cảm giác khó chịu, mệt mỏi kéo dài hay sự ảnh hưởng đến rối loạn giấc ngủ. Stress có liên quan đến các bệnh như bệnh tim, tiểu đường và cả ung thư và còn liên quan mật thiết đến bệnh thừa cân béo phì.
Khi tâm trạng không ổn định và căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ khiến cho cơ thể tiết ra cortisol. Đây là một hormone có ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể với nhiệm vụ chính là chống căng thẳng và giảm viêm, tăng đường huyết khi lượng đường trong máu thấp. Khi bạn càng căng thẳng, cortisol càng tăng cao và nếu liên tục tăng lên không giảm xuống tạo ra nhiều nguy hiểm như phá vỡ các liên kết protein, tăng lượng đường trong máu khiến mỡ tích tụ lại và lôi kéo chất béo từ các nơi trong cơ thể về tích tụ ở phần bụng. Đó là lý do bạn thường nghe nói vòng bụng tỉ lệ nghịch với vòng đời.
Nếu như tình trạng stress cứ kéo dài thường xuyên sẽ khiến cho cơ thể giải phóng hormone này nhiều hơn nữa. Kết quả là làm cho cơ thể tăng cân nhanh chóng. Khi bị stress, cơ thể sẽ tiết adrenaline làm mất cảm giác đói. Sau đó nếu tiếp tục lo lắng, cơ thể sẽ tiết cortisol làm cơ thể phát sinh nhu cầu ăn uống, khiến bạn muốn ăn những thứ trong tầm mắt. Khi stress trôi qua, nồng độ cortisol giảm xuống, nhịp độ ăn uống sẽ trở lại bình thường. Người stress hay ăn suốt ngày, khuynh hướng ăn ngọt.
Một lý do khác nữa là khi cơ thể căng thẳng sẽ tìm cách để giải tỏa nó. Thức ăn chính là một trong những cách đó. Việc ăn uống sẽ khiến cho cơ thể con người trở nên thoải mái hơn. Thực phẩm lúc này giống như một liều thuốc làm thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp nhất thời vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc nạp quá nhiều thức ăn, tăng lượng calo vào cơ thể và rất dễ làm tăng cân. Trong một nghiên cứu cho biết, ngoài rượu bia và các chất kích thích thì có hơn 40% người ta chọn cách giảm stress bằng việc ăn uống. Vì thế, chúng ta thấy rằng tinh thần là một điều vô cùng quan trọng đối với việc giảm cân. Khi tâm trạng thoải mái sẽ góp phần thúc đẩy bạn có ý chí và quyết tâm hơn, đồng thời cũng hạn chế tối đa việc ăn thêm, tránh tình trạng dư thừa calo cho cơ thể.
Ăn sai thực phẩm và không cân đối bữa ăn
Có rất nhiều người thường lầm tưởng cứ ăn ít đi thì sẽ giảm cân. Điều này sẽ đúng nếu như bạn ăn đúng các loại thực phẩm cần thiết. Ví dụ như bạn quyết định sẽ cắt giảm bớt khẩu phần bằng cách ăn đồ ăn vặt thay cho bữa chính. Đó là một sai lầm vô cùng tai hại. Cùng một lượng thức ăn nhưng mỗi loại thực phẩm có giá trị calo và lượng đường khác nhau. Những người có thói quen ăn nhiều tinh bột, thực phẩm chứa nhiều đường, chất tạo ngọt nhân tạo như cơm, bánh mì, bánh kẹo sẽ thường dễ tăng cân hơn những người sử dụng trái cây và rau củ. Nếu muốn giảm cân thành công, bạn phải vạch ra một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học nhất. Một vấn đề nữa là không cân đối bữa ăn. Có rất nhiều người nhịn ăn sáng và trưa nhưng lại ăn rất nhiều vào buổi tối. Sau một ngày nhịn ăn sẽ làm bạn thèm ăn một cách khủng khiếp và khiến bạn ăn lượng thức ăn nhiều hơn.
Mặc dù vào ban đêm, khi ngủ con người cũng tiêu hao năng lượng nhưng ở mức độ vô cùng hạn chế. Khả năng đốt năng lượng giảm nên nguy cơ dư thừa calo sẽ cao hơn so với việc cân bằng những bữa ăn khác trong ngày. Theo nhiều nghiên cứu, đa số người ăn đêm thích chọn những thực phẩm giàu chất béo, nhiều calo khiến cho cơ thể bị thừa năng lượng, gây tích tụ mỡ trong cơ thể.
Phân biệt giữa ép cân, giảm cân và thải độc để giảm cân
Có một điều không thể phủ nhận là trạng thái của người đang lên kế hoạch giảm cân nghiêm túc, nghiêm khắc dù có chuẩn bị chu đáo về tinh thần cũng như về phương pháp thì, phần lớn, sẽ khá là quan tâm đến cân nặng. Khi cân nặng có chiều hướng tăng lên việc đầu tiên là xem lại calo nạp vào. Quá trình tâm lý đó diễn ra rất nhanh đến nỗi bạn bị nhầm lẫn giữa việc giảm cân của mình liên quan trực tiếp cân nặng và calo. Vì thế, mọi vấn đề khác trở thành thứ yếu. Nếu giảm cân không trở thành một áp lực thì bạn sẽ không bị ảnh hưởng đến bảng calo, con số hiển hiện khi mình bước lên bàn cân.
Bản thân con số thể hiện cân nặng chỉ là một yếu tố giúp bạn theo dõi, kiểm soát quá trình tiến hành kế hoạch giảm cân của mình. Với tất cả thể trạng (mập, ốm hay cân đối) thì chỉ số cân nặng không thể phản ánh rõ ràng tình trạng sức khỏe hay thể hiện sự thay đổi thật sự của bản thân. Vì thế, dù bạn đang có kế hoạch giảm cân chu toàn nhất có thể, thậm chí luyện tập bài bản thể chất qua các môn thể thao thì cân nặng cũng không thể hiện được sự thay đổi cơ thể theo chiều hướng mong muốn hay không.
Giảm cân, cụ thể là giảm lượng yếu tố nào trong cơ thể chúng ta?
Giảm cân, số cân giảm bao nhiêu trong thời gian như thế nào là hợp lý?
Béo phì là sát thủ thầm lặng, vậy nếu tôi giảm cân tôi sẽ khỏe hơn?
Thành phần quan trọng của cơ thể có thể xác định trọng lượng là nước, cơ, mỡ và xương. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể xác định được những chỉ số sau đây:
• Lượng mỡ cơ thể thường được tính dưới dạng phần trăm mỡ cơ thể (Body Fat Percentage) thể hiện phần trăm khối lượng mỡ so với khối lượng toàn bộ cơ thể
• Tổng lượng nước của cơ thể (Total Body Water Percentage) là chỉ số phần trăm tổng lượng chất lỏng so với khối lượng cơ thể
• Khối lượng cơ (Muscle Mass) bao gồm khối lượng các cơ xương, cơ trơn, cơ hệ tiêu hóa và nước chứa trong tế bào cơ
• Khối lượng xương (Bone Mass) là chỉ số thể hiện khối lượng xương trong cơ thể như xương khoáng, canxi, và một số khoáng chất có trong cơ thể. Cấu trúc xương gần như sẽ không thay đổi trong thời gian ngắn. Khối lượng xương sẽ tỷ lệ thuận với khối lượng của cơ thể. Trong quá trình giảm cân bạn không thể tác động lên khối lượng xương nhưng cần có chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện để có khung xương chắc khỏe.
Mỗi một chỉ số sẽ có giá trị cụ thể. Bạn cần có chiến lược và kế hoạch riêng cho mình trong việc tiến hành giảm cân một các bài bản mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Việc giảm được số cân (5 kilogram, 10 kilogram) trong một thời gian quá ngắn (một tuần, hai tuần) đôi khi không tốt như bạn vẫn nghĩ vì đi theo chu kỳ ép cân, nghĩa là bắt buộc bạn phải giảm được cân trong một thời gian ngắn. Việc này sẽ tạo áp lực lớn lên các thành phần cơ bản của cơ thể vì mỗi chỉ số cơ bản của cơ thể đều có một mức đóng góp trên tương quan tổng thể khối lượng cơ thể. Ép cân dẫn đến sự chênh lệch không đồng bộ, có thể làm rối loạn các chức năng dẫn đến nguy hại cho sức khỏe.
Bản chất của việc giảm cân là giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể theo một tiến độ xác định. Nếu như số cân nặng của bạn được sụt giảm là do giảm khối lượng mỡ thừa trong cơ thể là tốt nhưng nếu khối lượng giảm lại là cơ hay nước thì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả liên lụy đến các thành phần hoạt động khác của cơ thể.
Quá nhiều mỡ không hề tốt. Chúng làm bạn phản ứng chậm chạp, vóc dáng thiếu săn chắc khỏe mạnh, tăng các triệu chứng bệnh nguy hiểm (huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường,...). Tuy nhiên, mỡ cũng có một chức năng quan trọng không thể thiếu được như giúp cơ thể điều tiết nhiệt độ với môi trường bên ngoài, lưu trữ vitamin, làm lớp đệm tại các khớp,... Mỗi người đều cần một lượng mỡ thích hợp với cơ thể mình để có thể khỏe mạnh. Một điều quan trọng khác, khi bạn càng ngày càng lớn tuổi (hoặc làm việc trong một môi trường tác động nhanh chóng đến sự lão hóa của cơ thể) thì dù cân nặng và phần trăm lượng mỡ của cơ thể không thay đổi nhưng mỡ có xu hướng chuyển sự tích tụ về phía vùng ổ bụng. Phần mỡ này rất khó để loại bỏ bằng việc chỉ áp dụng chế độ ăn uống mà phải kết hợp với chế độ luyện tập.
Nước chiếm khối lượng không nhỏ trong trọng lượng cơ thể. Giảm cân theo bất kỳ một phương pháp nào cũng cần đảm bảo tỷ lệ lượng nước hợp lý để giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Một cơ thể khỏe mạnh, ở nam giới cần 50% đến 65% và nữ giới cần 45% đến 60% lượng nước. Vì vậy, trong toàn bộ quá trình tiến hành giảm cân, bạn phải xác định xem cơ thể của mình có dư thừa nước hay không. Nếu dư thừa thì giảm nước như thế nào, lượng bao nhiêu.
Cơ bắp cũng là một thành tố quan trọng trong khối lượng của cơ thể. Việc bạn giảm cân mà không chú ý đến tăng giảm khối lượng cơ sẽ ảnh hưởng đến sự cân đối vóc dáng và phản ánh không đúng với tình trạng giảm cân của mình. Cơ thể chúng ta dành phần lớn năng lượng để nuôi cơ. Khi sử dụng những thực phẩm tốt cho cơ, luyện tập thể dục thể thao sẽ tăng khối lượng cơ, từ đó kéo theo mức tiêu tốn năng lượng dành cho cơ cũng tăng. Đó là lý do bạn cần biết được nên tăng cường cơ như thế nào để có thể đạt được tỷ lệ trao đổi chất cơ bản BMR phù hợp nhất, giảm mỡ một cách khoa học.
Hiểu rõ được vai trò, tỷ lệ của các thành phần cơ bản tạo nên khối lượng của cơ thể sẽ giúp bạn hình thành kế hoạch giảm cân phù hợp cho mình.
Nếu ép cân thiên về việc tập trung loại bỏ hết nước, muối, chất béo dự trữ trong cơ thể giúp cho cơ thể nhanh chóng sụt cân thì giảm cân đơn giản hơn chỉ là tiêu mỡ, các cơ săn chắc, thon gọn hơn. Thông thường, việc nào nghe có vẻ đơn giản thì thường là thực hiện sẽ không hề đơn giản và cần nhiều thời gian để có kết quả mong đợi hơn. Ép cân có thể nhanh chóng giúp bạn trong một tháng giảm từ 7 đến 10 kilogram. Thời gian đó, cơ thể bạn có thể vẫn còn trong guồng sinh hoạt cũ chưa kịp thích nghi với cơ chế giảm cân đột ngột nên sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp. Khi cơ thể đủ nước trở lại thì tốc độ tăng cân lại còn nhanh hơn giai đoạn trước. Hoặc như, sụt cân sau thời gian nhịn ăn có khả năng khối lượng cơ mất đi nhiều hơn là lượng mỡ thừa. Vậy nên, cơ thể bạn kém sức sống, kém săn chắc. Một số người áp dụng ép cân để giảm nhanh chóng khối lượng cơ thể, sau đó tiến hành chế độ giảm cân khoa học lành mạnh, phù hợp với cơ thể vẫn đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng đa số thì lại đối mặt với cảm giác thèm ăn, với việc tăng cân – giảm cân, rồi lại tăng cân – giảm cân,... cứ thế không đạt được kết quả ổn định.
Một số người chọn việc sử dụng các thực phẩm ăn uống loại bỏ tối đa các chất hóa học, chất bảo quản gây hại cho cơ thể. Đồng thời, tăng cường thêm khoáng chất, các vitamin và nước để cơ thể hoạt động bình thường. Bạn thường nghĩ đó chính là Detox để giảm cân. Không sai, Detox (thải độc) là một phương pháp giảm cân hiệu quả nhưng mục đích chính của Detox là giúp cơ thể thanh lọc, loại bỏ những chất độc tố được tích tụ trong cơ thể trong một thời gian. Như vậy, Detox trước hết là nhằm mang lại trạng thái cân bằng giúp cơ thể của bạn khỏe mạnh hơn. Sau đó bạn cần có những phương pháp để duy trì và phát triển những lợi ích đã đạt được trong quá trình Detox.
Hiểu đúng như vậy giúp bạn lên kế hoạch giảm cân hiệu quả bằng Detox là hoàn toàn khả thi. Hiệu quả của việc thải độc để giảm cân rất rõ ràng, điều này dẫn đến suy nghĩ lầm tưởng Detox là để giảm cân. Bản chất của Detox là thải độc. Cơ thể chúng ta trong một thời gian dài ăn uống, sinh hoạt đều có thể tích trữ độc hại như amoniac, axit lactic, homocysteine, một số hóa chất tiếp xúc trong môi trường sống, cả thực phẩm và nước uống. Loại bỏ chúng giúp bạn không chỉ có một vóc dáng cân đối mà cơ thể còn khỏe mạnh. Và đó cũng là một phương pháp Chữa lành cơ thể đơn giản nhất mà bản thân chúng ta đều có thể tự thực hiện được.
Tôi đặt Detox trước Giảm cân vì quan điểm cá nhân và cả vì đã rơi vào tình cảnh thiếu chuẩn bị cho cơ thể nên giảm cân thất bại của mình. Dù bất cứ lý do gì khiến bạn muốn giảm cân thì bạn cần cho cơ thể mình một tín hiệu chuẩn bị. Đó là lúc bạn chữa lành cơ thể. Việc thanh lọc này giúp cơ thể bạn đào thải chất độc ra vì thế giảm cân sẽ có hiệu quả hơn. Mặt khác, việc bạn tiến hành chữa lành cũng là một phương án hỗ trợ thêm cho việc cơ thể bạn có thể giảm được số cân mong muốn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày.
Tuy nhiên, câu chuyện này tôi và bạn sẽ cùng trao đổi tiếp ở phần sau của cuốn sách. Bởi sự trải nghiệm nào cũng cần có quá trình và cả những sai phạm. Tôi không phải là một chuyên viên về dinh dưỡng, cũng không phải là một người nghiên cứu sức khỏe – làm đẹp. Tôi chỉ là một người phụ nữ, đã từng rất tự tin vào vóc dáng của mình, vì những trở ngại của cuộc sống mà quên chăm sóc bản thân và bước vào thế giới của người quá cân. Vì bất kỳ một lý do khách quan hay chủ quan nào đi chăng nữa: tuổi tác, sinh con, công việc quá căng thẳng, định hướng nghề nghiệp cần một cơ thể cân đối, sự mất thăng bằng tâm lý, thất tình,... hay có thể một điều gì khác nữa vẫn có thể trở thành một nguyên nhân để bạn xác định thời điểm để mình cần có một chiến lược và thực hiện kế hoạch Chữa lành cơ thể qua Detox – Giảm cân.
Bạn sẽ có một hành trình riêng biệt dù chẳng phải là chuyên gia, nghiên cứu. Hãy làm bất cứ điều gì: học nấu một món ăn nhưng trông chúng phải thật ngon lành, bỏ bớt mớ bánh snack trong học tủ, bước ra ngoài và chủ động hỏi thăm người hàng xóm, chọn lấy một hình mẫu cơ thể mà mình ưng ý nhìn ngắm mỗi ngày, mở nhạc to và nhún nhảy theo, dậy sớm hơn mọi ngày 30 phút đi vòng quanh công viên, thay đổi lộ trình từ nhà đến công ty, chọn món salad cá ngừ thay vì beefsteak,... để bắt đầu trải nghiệm việc Chữa lành cơ thể cơ thể mình Khỏe – Đẹp hơn từng ngày. Làm điều mình cảm thấy thích và lợi ích không thể vội vàng. Dù chỉ mới bắt đầu nhưng hãy kiên trì với chức vụ Người chăm sóc sức khỏe cho chính mình!