Người ta nói rằng chúng ta sống bằng cách tự kể cho bản thân những câu chuyện. Chúng thường dựa trên trải nghiệm thực tế của chúng ta – có lẽ lúc trẻ chúng ta đã được nhiều người theo đuổi, vậy nên ta tin là mình thật hấp dẫn – nhưng đôi khi những câu chuyện cũ ấy không bao giờ được cập nhật và không phản ánh thực tế hiện tại của chúng ta. Những người khá nhút nhát khi còn nhỏ giống như tôi, có thể tiếp tục coi mình là “người nhút nhát”, dù chúng ta không còn cảm nhận hay hành động theo kiểu đó.
Chúng ta thường kể những câu chuyện về bản thân như một hành động tự bảo vệ mình. Về tinh thần hay cảm xúc, chúng ta không thể hiểu rằng cha mẹ mình còn có một cuộc đời khác ngoài cuộc đời mà chúng ta đã biết. Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ có thể hiểu những thứ về mặt nhận thức và cảm xúc theo độ tuổi phát triển của mình. Vì sự hạn chế đó, chúng ta có thể tin rằng mình thật tệ hại khi bị cha mẹ đánh đòn, thay vì biết rằng cha mẹ chúng ta, những người mà ta phải phụ thuộc để tồn tại, đang gặp khó khăn trong việc kiềm chế cơn giận của họ. Đôi khi thực tế của chúng ta đau đớn đến mức ta không thể hiểu hay xử lý nổi, thế nên ta dựng lên một câu chuyện khác để dẫn đưa mình ra khỏi bóng tối. Ví dụ, một đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi có thể tạo ra một câu chuyện rằng cha mẹ chúng có “công việc quan trọng”, rồi lấy đó làm cớ cho sự vắng mặt của cha mẹ để trẻ không phải đào sâu vào sự thật khắc nghiệt hơn.
Giống như mọi người, tôi cũng được tạo thành từ nhiều câu chuyện như vậy (còn được gọi là “những niềm tin cốt lõi”): Mình là Chúa hài đồng. Mình vô cảm. Mình lo lắng. Niềm tin cốt lõi là nhiều câu chuyện về bản thân, về các mối quan hệ, về quá khứ, về tương lai của chúng ta và vô số chủ đề khác mà chúng ta xây dựng dựa trên kinh nghiệm sống của mình. Một trong những câu chuyện sâu sắc nhất của tôi, câu chuyện đã được phô bày suốt nhiều năm mà tôi không hề hay biết, đã hiển hiện rõ ràng khi tôi bắt đầu hành trình chữa lành để trở nên có ý thức và chứng kiến thế giới bên trong mình. Câu chuyện đó là: Tôi không được quan tâm.
Đây là một vấn đề trong hầu hết các mối quan hệ tình cảm của tôi. Nó khiến tôi trở nên dè dặt và tự phụ một cách bệnh hoạn trong cuộc sống với bạn bè và nghề nghiệp của mình; nó thậm chí có thể trỗi dậy khi ai đó chen ngang lúc tôi đang xếp hàng, giọng nói trong đầu nói với tôi rằng: Mày chẳng là ai cả. Tại sao? Ngay khoảnh khắc đó, tôi thực sự tin rằng một người hoàn toàn xa lạ không quan tâm gì đến tôi, giống như mẹ tôi vậy. Tôi là một hồn ma mà họ có thể đi xuyên qua.
Tôi hiểu ra điều này trong một buổi thực hành thiền định. Đầu tôi chợt nảy ra một ký ức về mẹ trong căn bếp nhà chúng tôi ở Philadelphia. Lúc đó tôi khoảng bốn tuổi.
Cha tôi ngày nào cũng đi làm về đúng giờ. Một tiếng đồng hồ trước khi ông về nhà, mẹ tôi bắt đầu nấu bữa tối, dọn bàn, đảm bảo thức ăn nóng sốt chờ đón ông. Khi chuẩn bị xong, bà sẽ đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, chờ cha tôi đi bộ từ bến xe buýt về nhà. Cha tôi đi bộ ít nhất năm phút thì về đến nhà vào một giờ chính xác mỗi tối. Lịch trình quen thuộc mỗi ngày có thể dự đoán được như thế giúp mẹ tôi thấy an toàn trước những sang chấn thời thơ ấu về sự bất ổn và thiếu thốn – không chỉ vì nỗi sợ không biết bữa sau ăn gì hay có được bao nhiêu tiền, mà còn vì sự thiếu thốn tình cảm từ ông bà ngoại lạnh lùng và không thể hiện cảm xúc của tôi. Tôi chắc chắn sự ổn định mà cha tôi tạo ra bằng cách luôn tuân theo một lịch trình cố định và không ngừng khẳng định về sự “ở bên nhau”, hay việc hiếm khi họ dành thời gian cho riêng bản thân đã làm mẹ tôi nguôi ngoai rất nhiều.
Nhưng tối hôm đó, cha tôi không xuất hiện như ngày thường. Mười phút trôi qua, ông vẫn không có mặt. Mười lăm, hai mươi, rồi ba mươi phút – ông về nhà muộn. Từ vị trí ưa thích của tôi phía dưới bàn bếp, tôi thấy mẹ ngày càng căng thẳng. Tôi đã dành hàng giờ dưới chiếc bàn đó, ngồi trên chiếc xe ba bánh trẻ em và đạp đi lòng vòng. Tôi coi đó là một nơi an toàn để trú ẩn khỏi những hỗn loạn xung quanh (dù cho bề ngoài gia đình tôi có vẻ rất hòa hợp), và trò đạp xe như một cách để phóng thích năng lượng, giúp tôi giải tỏa tình trạng rối loạn nội tâm gần như thường xuyên của mình.
Thời gian tích tắc trôi qua. Bây giờ mẹ tôi thậm chí còn không buồn giả vờ rằng bà không bối rối nữa. Bà nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, tay siết chặt. Bà không nói bất cứ điều gì, nhưng tôi có thể cảm thấy sự lo lắng của bà. Đôi chân nhỏ bé của tôi đạp xe càng lúc càng nhanh, một biểu hiện hữu hình trước sự lo lắng của mẹ. Khi sự lo lắng không nói thành lời của mẹ tăng lên, bà hoàn toàn không để ý gì đến sinh vật nhỏ bé đang cố gắng gỡ rối tình cảnh đó dưới chân mình. Bà không hòa hợp về mặt cảm xúc với tôi trong thời điểm đó và không hiện diện theo bất kỳ cách nào để đáp ứng nhu cầu hoặc những nỗi sợ hãi của tôi. Tôi trở thành một kẻ không tồn tại, không được nhận thấy, mỗi khi mẹ tôi bị nỗi lo lắng nhấn chìm. Chính trong những khoảnh khắc nho nhỏ như vậy, tôi bắt đầu tạo ra và cài đặt niềm tin cốt lõi cho mình rằng: Tôi không được quan tâm.
Rồi đột nhiên, cha tôi xuất hiện, đi bộ xuống phố. Ngay lập tức, năng lượng của căn phòng thay đổi, và mẹ tôi quay lại chuẩn bị bữa tối.
Vào thời điểm đó và nhiều thời điểm sau này, tôi học được rằng cách duy nhất để giải tỏa nỗi kích động bên trong sẽ đến từ bên ngoài. Giống như mẹ, tôi dường như luôn chờ đợi một điều gì đó giống như sự xuất hiện của cha để khiến tôi cảm thấy an toàn. Tôi nhìn thấy nó trong nỗi bất an điên cuồng tràn ngập nếu tin nhắn cho người bạn đời không được trả lời, hoặc nỗi sợ (cực kỳ kích động) chạy qua hệ thống của tôi nếu ai đó vượt ra khỏi tầm với của tôi về mặt cảm xúc. Mỗi khi cảm thấy tuyệt vọng, không thể suy nghĩ bằng lý trí hoặc không được yêu thương, tôi lại cảm thấy như đang ở nhà với mẹ tôi đứng bên cửa sổ: Người này không quan tâm đến mình, nhưng mình cần người này để sống sót.
NGUỒN GỐC CỦA NIỀM TIN
Tôi chia sẻ câu chuyện kể trên với bạn như một ví dụ về việc một điều gì đó tưởng như rất đỗi bình thường – chẳng có gì to tát nếu cha tôi đi làm về muộn – lại có thể chứa đựng thông điệp giúp chúng ta giải mã niềm tin hình thành nên chúng ta.
Chính xác thì niềm tin là gì?
Niềm tin là một suy nghĩ nhờ luyện tập mà có, dựa trên kinh nghiệm sống. Niềm tin được xây dựng qua nhiều năm định hình suy nghĩ và đòi hỏi được công nhận cả từ bên trong lẫn bên ngoài để phát triển mạnh mẽ. Niềm tin về bản thân chúng ta (tính cách, điểm yếu, quá khứ, tương lai) là những bộ lọc được đặt trên lăng kính mà chúng ta dùng để nhìn thế giới. Chúng ta thực hành một số suy nghĩ nhất định càng nhiều lần thì bộ não chúng ta càng tự buộc mình phải mặc định tuân theo những kiểu suy nghĩ ấy. Điều này đặc biệt đúng với các suy nghĩ kích hoạt phản ứng với stress và thần kinh phế vị của chúng ta. Nó tạo ra một sự rối loạn bên trong có xu hướng thúc bách theo thời gian, đó là định nghĩa về phản ứng với sang chấn có điều kiện mà chúng ta gọi là nghiện cảm xúc. Thói quen lặp đi lặp lại một ý nghĩ cụ thể sẽ thay đổi não bộ, hệ thần kinh và tính chất hóa học tế bào của toàn bộ cơ thể chúng ta, khiến chúng ta dễ dàng suy nghĩ mặc định theo những kiểu như vậy trong tương lai. Nói cách khác: Càng nghĩ nhiều về điều gì, chúng ta càng có khả năng tin vào điều đó. Những suy nghĩ được thực hành nhiều sẽ trở thành chân lý. Hãy nhớ rằng, với hầu hết những ai mắc phải các khuôn mẫu rối loạn sinh lý có điều kiện này, việc thực hành quá trình chữa lành để cân bằng lại hệ thần kinh là rất cần thiết nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi những niềm tin thâm căn cố đế của mình.
Khi một niềm tin được xác nhận nhiều lần, nó có thể trở thành niềm tin cốt lõi. Niềm tin cốt lõi là nhận thức sâu sắc nhất của chúng ta về căn tính của mình; chúng thường được thiết lập trong tiềm thức chúng ta từ trước 7 tuổi. Đây là những câu chuyện về con người ta – ta thông minh, ta duyên dáng, ta hướng ngoại, ta sống nội tâm, ta không giỏi toán, ta là một con cú đêm, ta là một người cô độc – cung cấp cái khung về “tính cách” của chúng ta. Mặc dù có vẻ như niềm tin cốt lõi là của riêng chúng ta vì chúng ta đã tin và làm theo chúng mà không hề thắc mắc, nhưng thực sự thì chúng đến với chúng ta chủ yếu từ những người chăm sóc ta và những trải nghiệm đầu đời. Và thật không may, nhiều niềm tin cốt lõi của chúng ta lại hình thành từ những sang chấn.
Khi đã có niềm tin cốt lõi, bạn sẽ có thiên kiến xác nhận, nghĩa là bạn loại bỏ hoặc lờ đi bất kỳ thông tin nào không phù hợp với niềm tin của bạn và chỉ giữ lại những thông tin phù hợp. Nếu tin rằng mình không xứng đáng, bạn sẽ thấy việc bạn được thăng chức chỉ là một điều gì đó xảy ra do nhầm lẫn, vì bạn nghĩ mình thực sự là kẻ bất tài và sớm muộn gì sếp của bạn cũng phát hiện ra điều đó. Khi bạn mắc sai lầm trong công việc, dù bất khả kháng hay sai sót thật, nó sẽ được lọc qua lăng kính “một chuyện chắc chắn sẽ xảy ra”: Tất nhiên là mình phải sai lầm. Mình không xứng đáng. Chúng ta thường thiên về một thứ gọi là thiên kiến tiêu cực, trong đó chúng ta có xu hướng ưu tiên (và vì thế chúng ta coi trọng) thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực. Đây là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy một bản đánh giá thành tích chói lọi của bản thân và quên nó ngay lập tức, nhưng bạn sẽ không bao giờ quên được một lời chỉ trích của đồng nghiệp.
Thiên kiến này bắt nguồn từ quá trình tiến hóa. Thuở ban đầu của loài người, chúng ta sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn nếu tập trung chú ý đến những thứ có thể giết chết chúng ta hơn là những thứ khiến chúng ta hạnh phúc. Cũng giống như phản ứng chiến hay biến của hệ thần kinh thực vật, thiên kiến này được tích hợp vào hệ điều hành của chúng ta ở cấp độ sinh lý và phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát có ý thức của chúng ta. Nếu chúng ta không thể lọc và sắp xếp thứ tự ưu tiên thông tin đầu vào của các giác quan, chúng ta sẽ thường xuyên bị choáng ngợp bởi lượng thông tin dồn dập ập đến. Luôn luôn có rất nhiều thứ đang diễn ra trong thế giới của chúng ta. Cứ thử nhận biết toàn bộ thế giới xung quanh bạn ngay bây giờ xem. Nếu não bạn tiếp nhận tất cả các kích thích đó cùng một lúc, nó sẽ không thể hoạt động nổi.
Quá trình lọc tiềm thức này là hoạt động của hệ lưới hoạt hóa thần kinh (reticular activating system – RAS), một bó dây thần kinh nằm trên thân não giúp chúng ta phân loại môi trường, cho phép chúng ta tập trung vào những thứ cần thiết xung quanh. RAS hoạt động như người gác cổng của não, sử dụng niềm tin được hình thành trong giai đoạn đầu đời của chúng ta để sàng lọc thông tin mà chúng ta tiếp nhận và ưu tiên những bằng chứng hỗ trợ cho niềm tin này. Bằng cách này, RAS tích cực thu thập thông tin củng cố những gì chúng ta đã tin là đúng.
Dưới đây là một ví dụ phổ biến về cách RAS hoạt động: Giả sử bạn sắp mua một chiếc xe hơi mới. Bạn đến đại lý để tìm một mẫu xe mà bạn khá chắc chắn muốn mua và đã dành thời gian nghiên cứu mọi thứ về chiếc xe đó trên mạng. Đột nhiên bạn nhận thấy ai ai cũng đều đang chạy mẫu xe đó, mặc dù bạn có thể thề rằng trước đây bạn chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc nào trên đường. RAS có thể khiến bạn cảm thấy như thể vũ trụ đang gửi cho bạn một thông điệp. Có thể đúng vậy thật – nhưng đó là vũ trụ của riêng bạn, do bộ não phi thường của chính bạn nghĩ ra.
Nhưng RAS không chỉ tạo ra bằng chứng thiên kiến khi chúng ta mua xe hơi. Một giả thuyết về trầm cảm, mặc dù đã được đơn giản hóa quá mức, nói rằng những người bị trầm cảm lọc thế giới qua lăng kính tiêu cực. Hãy nghĩ về ngày thật sự tồi tệ gần đây nhất của bạn, hết chuyện này đến chuyện nọ xảy ra và dường như không có gì được như ý muốn. Có thể bạn cảm thấy dường như bạn thật sự xui rủi – nhưng ngay lúc đó RAS cũng đang hoạt động, xóa mờ đi những phần tích cực hoặc thậm chí trung tính trong ngày. Đây là lý do tại sao đôi khi bạn cảm thấy như không thể nhấc mình ra khỏi màn sương sợ hãi; RAS không cho bạn làm vậy.
Bộ não cũng sử dụng bộ lọc RAS như một cơ chế bảo vệ. Tôi đã gặp nhiều người khẳng định rằng tuổi thơ của họ thật tươi đẹp, hoàn hảo và từ chối thừa nhận bất cứ điều tiêu cực hay khó khăn nào, dù bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Cách nhìn thời thơ ấu quá lý tưởng là niềm tin cốt lõi nảy sinh từ bản năng tự bảo toàn. Trong đời thật, chẳng ai có tuổi thơ hoàn hảo cả. Cho phép bản thân nhìn nhận trung thực toàn bộ các trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại là nền tảng để chúng ta chữa lành.
Giống như chúng ta đã biết được rằng chúng ta không phải là suy nghĩ của mình, thì chúng ta cũng không phải là niềm tin cốt lõi của mình. Điều này thường khó chấp nhận hơn, vì niềm tin cốt lõi của chúng ta đã ăn quá sâu, trở thành một phần căn tính của chúng ta, đến mức khó có thể tách rời. Nhưng càng tìm hiểu nhiều về bộ não thời thơ ấu và cách hình thành những niềm tin cốt lõi này, theo thời gian bạn sẽ càng có khả năng nhìn thấy và nhận biết chúng tốt hơn – và cuối cùng là chủ động chọn cái nào bạn muốn giữ lại và cái nào cần cho vào dĩ vãng.
RÀNG BUỘC ĐỂ SỐNG SÓT
Có thể khó mà nhớ được điều này khi bạn ngồi cạnh một em bé đang khóc lóc trên máy bay hoặc nài nỉ một đứa trẻ đang nổi cơn ăn vạ, nhưng tuổi thơ là một khoảnh khắc tồn tại tinh thần thuần khiết. Sự kinh ngạc, sự thích thú, thích chơi đùa, chỉ nói sự thật – đó là những biểu hiện của Bản ngã đích thực, hay cái mà tôi coi là tâm hồn. Tuổi thơ là giai đoạn chúng ta vẫn chưa bị ngắt kết nối khỏi Bản ngã đích thực này, vì khi ấy chúng ta chưa tích lũy những trải nghiệm sống. Chúng ta chưa hình thành niềm tin cốt lõi của mình.
Bạn có thể xem não bộ của trẻ giống như hệ điều hành của một chiếc điện thoại thông minh – trẻ có thể “tải xuống” mọi thứ, từ cách đi đứng, điều nào cần tin tưởng, đến khóc bao lâu để được cho ăn. Không có gì lạ khi trẻ sơ sinh nhìn thế giới với đôi mắt mở to đầy kinh ngạc theo đúng nghĩa đen, chúng gần như ở trong trạng thái thôi miên xuất thần. Chúng đang sống trong trạng thái không ngừng lĩnh hội và học hỏi.
Sơ sinh là thời kỳ của những khám phá vô tận. Chúng ta học ngôn ngữ, cách cử động, tương tác xã hội và quan hệ nhân quả – tất cả đều nhằm phục vụ cho sự tồn tại của chúng ta. Tế bào thần kinh, những viên gạch xây nên bộ não của chúng ta, đang giao tiếp với nhau thông qua các xung điện được đồng bộ gọi là sóng não. Những sóng não này là nguồn gốc của mọi thứ tạo nên con người chúng ta – hành vi, cảm xúc, suy nghĩ và kể cả cơ chế hoạt động của cơ thể chúng ta. Đó là một bản giao hưởng tuyệt đẹp, một bản nhạc độc đáo chưa bao giờ được tấu lên, tất cả đều diễn ra trong tâm trí trẻ sơ sinh.
Giờ đây, chúng ta biết rằng đó cũng là thời điểm mà niềm tin cốt lõi về bản thân và vị trí của chúng ta trên thế giới được hình thành. Điều này bắt đầu ngay khoảnh khắc chúng ta ra khỏi bụng mẹ. Một khi chúng ta đã bước vào thế giới, các đường dẫn truyền thần kinh trong não chúng ta được kích thích hết mức, hình thành và củng cố khi chúng ta cố gắng hiểu thế giới mới lạ và vị trí của chúng ta trong đó. Đây có thể là một khoảng thời gian đáng sợ bởi vì chúng ta đang ở trong tình trạng hoàn toàn phụ thuộc nên những điều chưa biết thật khủng khiếp. Thực tế này không khác gì đối với trẻ em. Dù bộ não của trẻ chưa đủ trưởng thành để nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của sự phụ thuộc này, nhưng chúng vẫn có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi vốn có trong tình trạng dễ tổn thương ấy. Điều này càng tăng thêm do môi trường – theo cả nghĩa tức thời (những gì có sẵn hoặc không có sẵn cho nhu cầu cơ bản, chẳng hạn như thức ăn, nơi ở và tình yêu) và nghĩa vĩ mô (chẳng hạn như sống ở một nước đang phát triển, sống dưới một hệ thống áp bức hoặc trong một đại dịch). Trong thời gian có nhiều nhu cầu ấy, tất cả những yếu tố này định hình cảm giác an toàn, thoải mái (hoặc bất an, khó chịu) của chúng ta, để lại những dấu ấn lâu dài trên cơ thể, tâm trí và linh hồn của chúng ta.
Dấu ấn quan trọng nhất đến từ những người mà chúng ta gắn bó nhất: người chăm sóc. Ngành khoa học thần kinh mới nổi ủng hộ sự tác động mạnh mẽ của người chăm sóc lên não bộ của con trẻ. Một nghiên cứu cho thấy khi người lớn và trẻ sơ sinh nhìn vào mắt nhau, sóng não của hai bên thật sự được đồng bộ, tạo ra “trạng thái nối mạng chung”66 kết nối hai người bằng một ngôn ngữ giao tiếp im lặng.
Nếu không có người chăm sóc, chúng ta sẽ bị bỏ đói – không chỉ về thể chất mà còn về tình cảm. Mục tiêu chính của chúng ta là nhận được tình yêu. Nếu được yêu thương, chúng ta có khả năng sẽ được an toàn, được cho ăn và được chăm sóc nói chung. Trạng thái này là chế độ có lợi nhất cho sự phát triển của não bộ trong thời thơ ấu; đó là chế độ gắn kết xã hội mà chúng ta đã tìm hiểu ở Chương 5. Đó là trạng thái bình yên cho chúng ta cảm giác an toàn và yên tâm để chơi đùa, nắm bắt cơ hội và học hỏi. Trạng thái an toàn này rất cần thiết để đạt được các cột mốc phát triển thần kinh và hành vi. “Bộ não học hỏi” này cho phép chúng ta cảm thấy đủ an toàn để nắm bắt các cơ hội, có nhiều khả năng vực dậy khi bị vấp ngã hơn.
Quá trình chúng ta nhìn vào cha mẹ mình để tìm manh mối về cách kết nối, cách kiểm soát thế giới và xử lý căng thẳng được gọi là đồng điều hòa (bạn đã thấy điều này trong câu chuyện về mẹ tôi bên cửa sổ nhà bếp). Đồng điều hòa không chỉ là một trải nghiệm học tập cho tâm trí, mà còn là một trải nghiệm học tập cho cơ thể. Đây là lúc những người chăm sóc dạy chúng ta cách tiết chế phản ứng cảm xúc và trở về trạng thái cơ bản của chế độ sẵn sàng hành động xã hội. Khi chúng ta không hiểu sự điều hòa này hoặc không cảm thấy đủ an toàn để cố gắng tìm hiểu nó, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái kích hoạt chiến/biến/bất động, trong đó hệ thần kinh của chúng ta quét qua môi trường và thấy đâu đâu cũng có các mối đe dọa.
Khi chúng ta bị mắc kẹt trong chế độ sẵn sàng hành động, chúng ta dành hết nguồn lực của mình để kiểm soát căng thẳng. Nói một cách đơn giản, bộ não của trẻ em sẽ phải chịu đựng. Tuổi thơ là khoảng thời gian dễ bị tổn thương. Vì không thể tự sinh tồn, nên mỗi khi người chăm sóc ngăn chặn một việc gì đó được coi là cản trở sự sống còn, tín hiệu căng thẳng sẽ tràn ngập cơ thể trẻ. Kết quả là “bộ não sinh tồn”, như cách tôi gọi, tập trung cao độ vào các mối đe dọa mà nó nhận thức được, nhìn thế giới bằng hai màu đen-trắng, và thường bị ám ảnh, hoảng sợ và dễ có xu hướng suy luận lòng vòng. Chúng ta sẽ sụp đổ hoặc đóng chặt bản thân khi đối mặt với xung đột.
Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn từ lúc thụ thai đến khi 2 tuổi, khi não trẻ sơ sinh hoạt động theo chu kỳ sóng não chậm nhất với biên độ cao nhất, gọi là trạng thái delta. Ngược lại, khi trưởng thành, chúng ta chỉ bước vào trạng thái delta khi đang ngủ sâu. Trạng thái delta là một chế độ học tập và mã hóa. Ở trạng thái này, não không có khả năng tư duy phản biện, vì não trẻ sơ sinh giống như miếng bọt biển, hoàn toàn dành để hấp thụ.
Bộ não phát triển hơn nữa từ khoảng 2 đến 4 tuổi, khi sóng não chuyển sang trạng thái theta, trạng thái này chỉ được ghi nhận ở người trưởng thành đang bị thôi miên. Ở trạng thái theta, trẻ tập trung vào bên trong. Chúng kết nối với trí tưởng tượng của mình ở mức độ sâu nhất và thường gặp khó khăn trong việc phân biệt mơ với thực. Dù trẻ vào độ tuổi chập chững biết đi đã phát triển được các kỹ năng tư duy phản biện, nhưng chúng vẫn đang trong giai đoạn hấp thụ. Chúng tồn tại trong trạng thái vị kỷ, một giai đoạn phát triển mà chúng không thể nhìn sự việc ở bất kỳ góc nhìn nào khác ngoài góc nhìn của chính mình.
Đây không phải là định nghĩa “vị kỷ” gắn liền với những người ở độ tuổi trưởng thành luôn tự cho mình là trung tâm. Vị kỷ thời thơ ấu là một giai đoạn phát triển mà con người không có khả năng hiểu được sự khác biệt giữa bản thân với người khác. Trong đó, con người tin rằng mọi thứ xảy ra với chúng ta là vì chúng ta. Do sự phát triển trí não, chúng ta thật sự không thể nhìn thế giới từ góc độ của người khác, ngay cả khi “người đó” là cha mẹ, anh chị em ruột hoặc một người thân nào khác của chúng ta. Khi còn nhỏ, nếu có bất kỳ nhu cầu nào về thể chất, tình cảm hoặc tinh thần của chúng ta thường xuyên không được đáp ứng, chúng ta sẽ quy trách nhiệm của sự bỏ bê này cho nhầm người, chúng ta nuôi dưỡng những niềm tin sai lầm (Không ai giúp mình vì mình xấu xa) rồi sau đó khái quát chúng một cách rộng rãi hơn (Thế giới này là một nơi tồi tệ). Suy nghĩ vị kỷ này thể hiện qua việc chúng ta cố gắng hiểu những trải nghiệm cảm xúc đau đớn mà cha mẹ gây nên cho chúng ta. Ví dụ, khi người cha vừa trải qua một ngày tồi tệ và thất vọng, đứa con sẽ chưa đủ độ sáng suốt để có thể lùi lại một bước và nói: “Ôi, cha vừa có một ngày làm việc tồi tệ hoặc ngủ không đủ giấc, đó là lý do tại sao cha tức giận”. Ngược lại, khi thấy cha nổi giận, đứa trẻ gần như luôn tin rằng nó chính là nguyên nhân.
Phải đến giai đoạn phát triển nhận thức và cảm xúc tiếp theo, khoảng 5 tuổi, óc phân tích của chúng ta mới nắm quyền tiếp quản. Dù vẫn có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là thật và đâu là tưởng tượng, nhưng đây là lúc trẻ bắt đầu sử dụng suy nghĩ lý tính và hiểu được quy luật nhân quả (Nếu mình không nghe lời, mình sẽ bị cấm túc). Tiếp theo giai đoạn này là trạng thái beta, các sóng nhanh nhất và có biên độ thấp nhất, bắt đầu khi chúng ta lên 7 tuổi. Đây là lúc tư duy phản biện, logic, liên kết hiện diện ngày càng nhiều hơn – trí óc của một người trưởng thành đang dần hình thành. Đến thời điểm đó, chúng ta đã tích lũy được những niềm tin cốt lõi và quá trình lập trình tiềm thức nhất định để sau này chúng sẽ tiếp tục khi chúng ta vào tuổi trưởng thành.
TUỔI THƠ ĐỨT ĐOẠN
Khi não phát triển, nhu cầu của chúng ta không còn gói gọn trong những điều cơ bản như nơi ở, thức ăn và tình yêu mà mở rộng thành những đòi hỏi rộng hơn, phức tạp và nhiều sắc thái hơn về mọi mặt liên quan đến thể chất, cảm xúc và tinh thần:
1. Được nhìn thấy
2. Được lắng nghe
3. Thể hiện Bản ngã chân thật nhất của chúng ta một cách độc đáo
Chẳng mấy ai có đủ công cụ để đáp ứng tất cả những nhu cầu này mọi lúc mọi nơi, chứ chưa nói đến những bậc phụ huynh đầy căng thẳng. Ngay cả những gia đình có đầy đủ điều kiện nhất thì vẫn có giới hạn. Khi nhu cầu cảm xúc của trẻ không được đáp ứng đầy đủ hoặc nhất quán, tiềm thức của chúng thường sẽ hình thành niềm tin cốt lõi rằng chúng không xứng đáng được đáp ứng những nhu cầu này. Khi bị từ chối về mặt cảm xúc, chúng sẽ cố gắng bù đắp quá mức – phóng đại một số phần của bản thân và phủ nhận những phần khác, dựa trên những gì chúng hiểu là người chăm sóc đã xác nhận hoặc coi là xứng đáng.
Nếu một người cha hoặc mẹ đang cảm thấy bị choáng ngợp và không thoải mái với cảm xúc của chính mình, thì khi thấy con mình buồn bã, họ có thể nói: “Con quá nhạy cảm rồi”. Và để đạt mục tiêu chính là nhận được tình yêu thương của cha mẹ, đứa con sẽ kìm hãm hoặc che giấu những điều nhạy cảm mà chúng nhận thức được. Nếu khuôn mẫu này tiếp diễn, đứa trẻ có thể “cứng rắn hơn” hoặc bỏ qua Bản ngã đích thực và thể hiện một Bản ngã giả tạo; điều này xuất phát từ niềm tin cốt lõi rằng có những phần trong căn tính của chúng là không thể chấp nhận được. Tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần ở các thân chủ và bạn bè là nam giới. Một số người lớn lên với người chăm sóc là hình mẫu đàn ông độc hại hoặc nam tính quá mức đến nỗi không thể chấp nhận được việc họ cũng có thế giới tình cảm. Trong những trường hợp như thế, chúng ta không chỉ chống lại sự áp đặt của những người chăm sóc và khuôn khổ gia đình mà còn của xã hội nói chung.
Thông thường, những thông điệp nhất quán nho nhỏ này sẽ được nội tại hóa thành niềm tin cốt lõi. Có thể khi bạn giúp mẹ chăm sóc các em, mẹ bạn sẽ nói: “Con giỏi quá. Một ngày nào đó con sẽ trở thành một người mẹ tuyệt vời”. Khi liên tục nghe điều đó, niềm tin cốt lõi của bạn có thể sẽ trở thành: “Mình cần quan tâm người khác để được yêu thương”. Theo thời gian, bạn có thể thấy mình ích kỷ khi quan tâm người khác vì lợi ích bản thân hay thậm chí chỉ thừa nhận nhu cầu của bản thân mà không đếm xỉa đến nhu cầu của người khác. Ngoài ra, bạn có thể đã liên tục được nhắc nhở: “Ước gì con giống như anh con”. Niềm tin cốt lõi đó – rằng bạn không giỏi bằng anh bạn – có thể chuyển thành cảm giác bản thân mình thua kém. Nó có thể khiến bạn dễ so sánh mình với người khác, không bao giờ tin rằng con người hiện tại của bạn đã đủ tốt. Hoặc giống như tôi, bạn có thể nhận được phần thưởng và sự công nhận mà không cần phải làm việc quá tích cực, điều này khiến bạn hình thành niềm tin bên trong rằng mình chỉ thích những thứ mà mình vốn giỏi và sẽ bỏ qua bất kỳ thứ gì gây khó khăn hoặc không dễ dàng ngay từ đầu. Điều này từng là một phần trung tâm trong Bản ngã cốt lõi của tôi: Tôi chỉ muốn chơi nếu tôi có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Cần phải nói rõ rằng mặc dù những người chăm sóc tạo ra phần lớn hệ thống niềm tin cốt lõi của chúng ta, nhưng niềm tin của chúng ta còn chịu ảnh hưởng bởi môi trường rộng lớn bên ngoài. Hệ thống giáo dục của chúng ta, vốn không có khả năng điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với từng đứa trẻ, thực hiện mô hình giảng dạy “một chiều” buộc trẻ phải thích nghi với thể chế lớn hơn để đạt được thành tích và được công nhận. Áp lực càng thêm nặng nề bởi bạn bè đồng trang lứa còn đưa ra nhận định về một số hành vi, phong cách hoặc một số phần điểm về vẻ ngoài của chúng ta. Chúng ta thường được xếp vào các kiểu người như “mọt sách”, “lẳng lơ” hay “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, từ đó tạo nên những câu chuyện xung quanh căn tính mà chúng ta đã hình thành bên trong mình một cách vô thức. Trong một nền văn hóa tin rằng nữ giới không thể học giỏi các môn khoa học như nam giới, một cô gái trẻ gặp khó khăn với môn Toán sẽ hình thành niềm tin rằng đó là sự thật về bản thân mình. Một khi đã nội tại hóa niềm tin rằng chúng ta không đủ xinh hoặc đủ gầy, hệ lưới hoạt hóa thần kinh của chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn thông tin trong xã hội để xác nhận điều này.
Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng ta vẫn có xu hướng nhìn thế giới qua bộ lọc của các niềm tin cốt lõi – thường là tiêu cực – mà chúng ta đã phát triển trong những năm tháng tuổi thơ. Cái giá phải trả của việc tiếp tục củng cố những niềm tin cốt lõi là chúng ta càng thêm mất kết nối với Bản ngã đích thực của mình. Đây là lý do tại sao gần như mọi người trưởng thành đều khao khát được nhìn thấy, được nghe thấy và được người khác công nhận. Nhu cầu được công nhận của chúng ta có thể tự biểu hiện thành sự phụ thuộc lẫn nhau, luôn phải làm hài lòng người khác và chịu đày đọa; hoặc ở thái cực còn lại, nó có thể biểu hiện thành sự lo lắng, thịnh nộ và thù địch. Càng mất kết nối với bản thân, chúng ta càng cảm thấy chán nản, mất mát, bối rối, bế tắc và tuyệt vọng. Càng bế tắc và tuyệt vọng, chúng ta lại càng phóng chiếu cảm xúc của mình lên những người xung quanh.
Niềm tin của chúng ta vô cùng mạnh mẽ và tiếp tục định hình nên trải nghiệm hằng ngày của chúng ta thông qua tiềm thức. Những niềm tin này, đặc biệt là niềm tin cốt lõi, không hình thành trong một sớm một chiều. Và chúng cũng sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng với sự tận tâm và bền bỉ, chúng ta có thể thay đổi được. Để thực sự thay đổi, bạn phải tìm hiểu bạn thật ra là ai – và một phần của điều này là gặp gỡ đứa trẻ bên trong bạn.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: ĐÁNH GIÁ NHỮNG NIỀM TIN CỐT LÕI
Hãy dành thời gian suy ngẫm và viết nhật ký về những niềm tin cốt lõi của bạn. Nếu bạn cảm thấy từ niềm tin quá mạnh mẽ hoặc không biết chắc niềm tin của bạn là gì thì cũng không sao cả. Hãy nhớ, niềm tin chỉ đơn giản là một suy nghĩ được thực hành. Bạn có niềm tin cốt lõi về bản thân, người khác, thế giới xung quanh, tương lai và nhiều chủ đề khác nữa. Hãy bắt đầu để tâm và chú ý đến các chủ đề, câu chuyện chạy qua suy nghĩ của bạn trong suốt cả ngày. Chú ý và ghi lại bất kỳ chủ đề nào nảy ra. Để giúp bạn suy ngẫm, hãy sử dụng các gợi ý sau đây và thêm vào bất kỳ lĩnh vực hoặc chủ đề nào khác mà bạn nhận thấy.
Khi quan sát suy nghĩ của mình suốt cả ngày, tôi nhận thấy các chủ đề sau:
Về bản thân:______________________________
Về những người khác hoặc các mối quan hệ của tôi:______________________________
Về quá khứ của tôi:______________________________
Về hiện tại của tôi:______________________________
Về tương lai của tôi:______________________________
NHẬT KÝ TÔI TƯƠNG LAI: TẠO RA MỘT NIỀM TIN MỚI
Giờ đây, khi đã hiểu rằng niềm tin chỉ là những suy nghĩ được thực hành, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi biết rằng để tạo ra một niềm tin mới, bạn sẽ phải bắt đầu thực hành một suy nghĩ mới. Từ các chủ đề và câu chuyện mà bạn đã ghi ra ở trên, hãy chọn một chủ đề để bắt đầu thay đổi. Bạn không chắc nên chọn cái nào? Hãy chọn điều đầu tiên theo bản năng. Nếu vẫn không chắc chắn, hãy nghĩ xem điều nào sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn nhiều nhất nếu bạn thay đổi niềm tin đó.
Một khi đã xác định được niềm tin mình muốn thay đổi, hãy nghĩ về điều bạn muốn nghĩ. Đơn giản là hãy viết ra điều ngược lại với điều bạn đang tin. Ví dụ: Nếu bạn tìm thấy chủ đề “Tôi không đủ tốt” trong suy nghĩ của mình, như nhiều người khác, bạn sẽ muốn tin rằng “Tôi đủ tốt”.
Niềm tin cũ:______________________________
Niềm tin mới:______________________________
Đây sẽ là lời khẳng định hay câu thần chú mới mà bạn niệm mỗi ngày. Bây giờ bạn cần thực hành suy nghĩ mới này thật nhiều. Một số người có thể muốn viết ra câu khẳng định hay thần chú mới này ở khắp mọi nơi. Mỗi khi nó đập vào mắt bạn, hãy tự nhẩm lại suy nghĩ mới ấy. Một số người có thể cộng hưởng nhiều hơn nếu thực hành suy nghĩ mới này vào một thời điểm cụ thể trong ngày, chẳng hạn biến nó thành một thói quen vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy khó chấp nhận suy nghĩ mới này là đúng. Bạn sẽ không nghĩ vậy, ít nhất là trong một thời gian dài nữa. Nhưng cứ thực hành đi. Theo thời gian, bạn sẽ huấn luyện lại bộ não của mình để bắt đầu xem xét khả năng rất nhỏ rằng niềm tin này là sự thật.