Điều đầu tiên mà ai cũng để ý đến ở Anthony chính là chất giọng New York đặc sệt của anh. Chất giọng này gợi tôi nhớ đến quãng thời gian tôi sống và đi tàu điện ngầm ở quận Brooklyn.
Anthony là “con cừu đen” trong đại gia đình người Ý cực kỳ sùng đạo Công giáo, mặc dù anh đã cố hết sức để tuân theo tất cả những quy tắc mộ đạo của gia đình. Như nhiều người khác, Anthony và gia đình tin rằng các “tội” như quan hệ tình dục trước hôn nhân, đồng tính, phá thai sẽ đưa ta thẳng xuống địa ngục.
Từ khi còn nhỏ Anthony đã cảm thấy mình khác biệt, hay có thể nói là hư theo kiểu mà không anh em trai nào của anh hư giống thế. Cái hư này bắt đầu tồn tại trong Anthony từ trước cả tuổi đi học, khi anh bị một người hàng xóm lạm dụng tình dục – đó cũng chỉ là một đứa trẻ học theo sự lạm dụng và bạo hành mà bản thân nó phải chịu ở nhà mình. Anthony coi chuyện bị lạm dụng đó như một thông điệp từ Chúa rằng anh là một người xấu xa, đặc biệt vì kẻ lạm dụng anh là nam giới. Rồi khi cha anh bắt đầu có những hành vi bạo hành về cả thể xác, ngôn từ và cảm xúc mỗi khi rượu vào, Anthony dần tin hẳn rằng số mệnh của mình là một kẻ hư hỏng. Lý do cho những chuyện bạo hành này thường là vì Anthony có tính cách nhẹ nhàng và giàu cảm xúc – những đặc điểm khác hẳn với các anh em trai của anh. Để trốn khỏi sự khó chịu càng lúc càng nặng nề trong gia đình, ở tuổi dậy thì Anthony thường dành nhiều thời gian bên những bạn nam lớn hơn anh trong khu phố. Đến một lúc, một trong số đó bắt đầu lạm dụng tình dục Anthony, hắn khiến Anthony tin rằng anh “chủ động trước” và rằng anh cũng thích những lần làm chuyện đó với hắn.
Trực giác Anthony biết rằng việc lạm dụng đó là sai trái, là điều anh không hề muốn, cũng như biết rằng anh đang chịu đựng đau khổ. Nhưng khi anh gom đủ dũng khí để kể cho một thành viên thân thiết trong nhà, người đó đã gạt phắt đi và bảo rằng anh là đứa trẻ hay gây rối. Cũng trong thời gian đó, sự bạo hành thể xác và thói nghiện rượu của cha anh đã trở nên tồi tệ đến mức Anthony bị buộc phải rời nhà và được gửi đến sống cùng một người họ hàng. Sau khi bị đuổi khỏi nhà, Anthony rơi vào trầm cảm nặng và anh cũng bắt đầu uống rượu.
Không lâu sau đó, Anthony bắt đầu nổi loạn về tình dục. Anh nghiện sưu tập phim và tạp chí khiêu dâm. Anh bắt đầu xa lánh mọi người và chỉ sống với những tưởng tượng tình dục của riêng mình. Cùng lúc, anh đều đặn dự lễ nhà thờ hằng tuần với gia đình người họ hàng kia và đều đặn phải nghe những thông điệp rằng tình dục và bản năng giới tính là tội lỗi và trái ý Chúa. Điều đó khiến anh càng thấy nhục nhã hơn về những suy nghĩ và hành vi nhục dục của mình. Anh dường như không thể thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân và những cơn khát tình dục cũng như những sở thích nhục dục của anh càng lúc càng lớn dần. Anh không cảm thấy đủ an toàn để nói về những thôi thúc ngày càng tăng này với bất kỳ ai, mà cứ thế tiếp tục tin rằng chúng là minh chứng cho cái hư của mình. Anh tin rằng sự chữa lành chỉ có thể đến từ việc cầu nguyện, sám hối và tự trừng phạt. Tuy nhiên, đến thời điểm đó thì anh đã coi mình là “hết thuốc chữa” rồi. Anh quyết định cách duy nhất để cắt được nỗi đau đớn không dứt của mình là phải đi học đại học thật xa, cho khuất ánh mắt phán xét của nhà thờ và gia đình. Anh coi việc chuyển đi đó là một cơ hội để trốn thoát khỏi sự tồn tại và những trải nghiệm cũ. Anthony không hề nhận thức được rằng điều đó chỉ đơn thuần là mang đứa trẻ bị bạo hành và bị lăng nhục bên trong anh sang một chỗ ở mới mà thôi.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, Anthony trông hoàn hảo. Anh là một người đàn ông cuốn hút với cơ thể khỏe mạnh săn chắc, vô cùng thành đạt trong nghề môi giới chứng khoán tại Phố Wall. Nhờ vậy, anh có thể có một cuộc sống xa xỉ. Mặt khác, anh cũng sống như một cái bóng trong cuộc đời mình, tách biệt khỏi bạn bè thân thiết. Để giải tỏa căng thẳng từ công việc đầy áp lực, anh bắt đầu uống rượu nhiều hơn nhưng không công khai, không muốn ai thấy được một thói quen “hư” nữa của anh. Trong thời gian rượu chè bí mật và cô độc đó, Anthony bắt đầu mở rộng phạm vi sưu tầm nội dung tình dục với mong muốn tìm được các trải nghiệm tình dục đủ để thỏa mãn cơn khát sâu thẳm bên trong mình. Anh thường vào các diễn đàn trên mạng chuyên về các nội dung tưởng tượng tình dục để tìm phụ nữ và làm tình với họ một cách vô nghĩa và đôi khi còn bạo lực (có đồng thuận). Ngay sau khi lên đỉnh, anh sẽ thấy căm ghét bản thân vô cùng. Anh cảm thấy như sự nhục nhã từ những cuộc hẹn đó nuốt chửng anh, và anh sẽ nằm nhìn chằm chằm lên trần nhà, cầu xin sự tha thứ và bình an. Một trong những niềm tin cốt lõi của Anthony chính là Mình là một kẻ suy đồi luôn ham muốn tình dục và anh càng ngày càng tự củng cố lời kết tội này.
Sau nhiều năm sống một cuộc đời bí mật, Anthony sụp đổ và cắt hết những kết nối còn sót lại với gia đình và bạn bè. Anh tự nhốt mình trong nhà nhiều tháng liền, đóng kín rèm, cách ly bản thân khỏi một thế giới mà anh chưa từng được trang bị đủ hành trang để đối mặt. Anh chìm vào màn sương trầm cảm dày đặc không thể tan, chẳng còn chút hy vọng nào rằng mình sẽ có lúc được “bình thường”. Mất rất nhiều thời gian anh mới thoát được khỏi nhà, thoát khỏi “bụng mẹ”, nhưng lại bắt đầu đối mặt với những xung đột sâu thẳm bên trong mình.
Anthony chưa từng nói ra sự thật về những thôi thúc tình dục và những khúc mắc về chứng nghiện tình dục của mình với ai cả. Trước khi sụp đổ và cách ly bản thân, chỉ cái ý nghĩ nói ra thôi cũng khiến anh cảm thấy kiệt quệ. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của một nhà trị liệu sang chấn, lần đầu tiên Anthony bắt đầu nói được về những thôi thúc tình dục thầm kín của mình và về nỗi lo rằng mình nghiện tình dục. Khoảnh khắc đó như thể con đê trong anh vỡ toác. Giờ thì anh hiểu được rằng mình đã bị “chăn dắt tình dục” và là nạn nhân của những kẻ từng lạm dụng và bạo hành anh, và rằng anh không hề tự chuốc lấy bạo hành. Dù đã nói ra bí mật của mình, nhưng Anthony vẫn vô cùng đau khổ.
Đó là lúc anh quyết định đã đến lúc gặp gỡ đứa trẻ bên trong mình.
THUYẾT GẮN BÓ
Trước khi bắt đầu nói về khái niệm đứa trẻ bên trong, chúng ta cần phải nói qua về mức độ quan trọng của những liên kết đầu đời của con người. Mối quan hệ của chúng ta với người chăm sóc chính sẽ là nền tảng động lực cho mọi mối quan hệ về sau của ta ở tuổi trưởng thành. Những mối quan hệ đầu đời này được gọi là “sự gắn bó”. Vào năm 1952, nhà phân tâm học John Bowlby đã công bố thuyết gắn bó67 sau khi nghiên cứu trẻ em và mối quan hệ của chúng với mẹ tại một phòng khám ở London68. Những đứa trẻ này thể hiện một số tín hiệu giao tiếp như khóc hoặc cười để thu hút sự chú ý của mẹ. Bowlby đã kết luận rằng những phản ứng mạnh của chúng bắt nguồn từ bản năng sinh tồn. Sự gắn bó giữa mẹ và con – mà ông mô tả là “một sự kết nối tâm lý kéo dài giữa người với người” – đem lại “ích lợi về mặt tiến hóa” cho cả hai, nhưng đặc biệt là cho đứa trẻ, người vô cùng lệ thuộc vào mẹ để tồn tại. Theo ông, gắn bó là điều cần thiết cho sự phát triển về giao tiếp, cảm xúc và nhận thức của trẻ sơ sinh. Chuyên gia tâm lý phát triển Mary Ainsworth tiếp tục nghiên cứu theo hướng của John Bowlby và tạo nên Thang Đánh giá Tình huống Bất thường (Strange Situation Classification). Đây là phương pháp đánh giá các dạng thức gắn bó khác nhau qua việc quan sát cách một đứa trẻ phản ứng khi bị mẹ bỏ lại một mình trong phòng một lúc (đôi khi là cùng người lạ) rồi quay lại sau. Trong trường hợp lý tưởng, cha hoặc mẹ sẽ là nền tảng an toàn cho đứa trẻ, và khi trẻ thấy ổn định được rồi thì trẻ sẽ tự do thoải mái thăm thú vòng quanh, chơi đùa và khám phá. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng được vậy. Ainsworth và cộng sự đã quan sát và đúc kết được 4 dạng thức gắn bó thể hiện trong 18 năm đầu đời:
1. Gắn bó an toàn. Một em bé gắn bó an toàn có thể sẽ khó chịu chút đỉnh khi mẹ rời căn phòng, nhưng nó sẽ hồi phục lại nhanh chóng. Khi mẹ trở lại, đứa trẻ sẽ cởi mở và sẵn sàng đón nhận sự tái hợp. Có thể thấy người mẹ đã tạo được cho đứa trẻ một môi trường tích cực, ổn định để có nền tảng an toàn cho bé khám phá và tương tác. (Dùng những khái niệm chúng ta đã học ở phần trước, có thể nói sự gắn bó an toàn cho phép trẻ thoải mái bước vào chế độ gắn kết xã hội của hệ thần kinh).
2. Gắn bó lo âu – né tránh. Một đứa trẻ gắn bó lo âu – né tránh có thể sẽ căng thẳng và lo lắng vì sự vắng mặt của mẹ đến mức trẻ luôn khó chịu trong suốt thời gian không có mẹ ở bên cạnh. Khi mẹ quay lại, đứa trẻ cũng không dễ dàng cảm thấy thoải mái, chúng vẫn tiếp tục đeo bám mẹ và thậm chí có biểu hiện trừng phạt mẹ vì đã bỏ đi. Thường thì điều này bắt nguồn từ sự bất cân xứng giữa nhu cầu của trẻ và mức độ chú ý của người chăm sóc, điều đó thể hiện qua việc ngay cả khi mẹ đã trở lại, trẻ cũng không thể nguôi ngoai hoặc trở về trạng thái an tâm.
3. Gắn bó né tránh. Những đứa trẻ ở nhóm này gần như không hề thể hiện phản ứng căng thẳng khi mẹ đi khỏi phòng và cả khi mẹ trở lại. Những đứa trẻ này không tìm đến mẹ để được vỗ về. Nhiều em chủ động né tránh mẹ. Đây thường là hệ quả của việc người chăm sóc không kết nối với trẻ (mất kết nối ở nhiều cấp độ khác nhau trên phổ), bỏ mặc đứa trẻ tự mày mò hiểu cảm xúc của mình. Những em này sẽ không tìm sự giúp đỡ từ mẹ về tình trạng cảm xúc của chúng vì mẹ chúng vốn không cho chúng sự giúp đỡ đó.
4. Gắn bó hỗn độn. Những đứa trẻ ở nhóm này không có khuôn mẫu phản ứng có thể dự đoán được. Đôi khi chúng cực kỳ căng thẳng và lo lắng, đôi khi chúng lại không phản ứng gì. Đây là dạng thức gắn bó hiếm gặp nhất trong 4 kiểu và thường được coi là có liên quan tới những sang chấn thuộc nhóm ACEs như bị bạo hành nghiêm trọng hoặc bị bỏ mặc. Thế giới của đứa trẻ này rất bất định, nên cơ thể chúng không biết làm thế nào để phản ứng hay tìm sự an toàn.
Liên kết giữa trẻ và người chăm sóc gần nhất càng an toàn và bảo đảm, đứa trẻ sẽ càng cảm thấy an toàn trước thế giới rộng lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều lần, những người từ khi sinh ra đã có gắn bó an toàn thường sẽ có những gắn bó an toàn khi trưởng thành – bằng chứng cho thấy liên kết của con cái với cha mẹ có ảnh hưởng lớn và lâu dài đến thế nào. Nhiều kết quả chụp cắt lớp não cũng củng cố kết luận này vì những đứa trẻ 15 tuần tuổi có những gắn bó an toàn sẽ có thể tích chất xám (phần não chứa tế bào và sợi thần kinh) lớn hơn những bé không có69, và não của những trẻ ấy cũng hoạt động khỏe mạnh hơn. Hơn nữa, việc trẻ thiếu khả năng tạo ra gắn bó an toàn khi còn nhỏ được thấy là có liên quan đến chứng sợ giao tiếp xã hội, rối loạn cư xử và nhiều chứng tâm lý khác.
Trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng đã mở rộng ý tưởng thuyết gắn bó từ phạm vi giữa cá nhân với người chăm sóc chính ra giữa cá nhân với đại gia đình, điển hình như thuyết hệ thống gia đình do Tiến sĩ Murray Bowen phát triển. Thuyết này mở rộng thuyết gắn bó ra phạm vi đại gia đình bao gồm anh chị em và họ hàng gần. Phát triển này rất quan trọng vì nó đặt cá nhân vào một hệ sinh thái lớn hơn, họ không chỉ có liên kết với người chăm sóc chính mà còn là một con người kết nối đa chiều – một góc nhìn thực tế hơn về cách thế giới vận hành.
Tôi không phải người phụ thuộc vào nhãn mác, nhưng tôi nghĩ việc biết được mình giống với dạng thức gắn bó nào cũng là việc có ích. Các nhà trị liệu chuyên về hôn nhân và tình yêu khắp thế giới đều sẽ nói rằng những gắn bó của chúng ta sống mãi trong chúng ta, nhất là qua những mối quan hệ yêu đương. Chúng cũng sẽ là nền tảng thực nghiệm để chúng ta đi sâu hơn vào hành trình chữa lành, bởi thường thì những tổn thương bị đứa trẻ bên trong bạn mang theo đến tuổi trưởng thành đều bắt nguồn từ sự gắn bó.
GIỚI THIỆU VỀ ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Khi còn nhỏ, không bao giờ nhìn tôi có vẻ bị quá tải cả. Trông tôi luôn có vẻ như không gì có thể làm tôi thấy phiền. Ánh mắt tôi luôn xa xăm như thể tôi không còn ở trong phòng nữa, như thể không có sự tồn tại ở đó. Thực tế là tôi có những cảm xúc mạnh đến mức túa cả ra từng lỗ chân lông được ấy chứ. Vì không biết phải đối diện với chúng ra sao, tôi học cách giữ khoảng cách với chúng, như một cơ chế sinh tồn vậy.
Càng tập tách rời bản thân khỏi thực tại, tôi càng giỏi phủ nhận thế giới nội tâm của mình. Tôi tự tách biệt với bản ngã – bao gồm cơ thể, cảm giác, cảm xúc của mình. Tôi rút vào “phi thuyền” của mình để bảo vệ bản thân khỏi những trải nghiệm khiến tôi liên tục bị choáng ngợp. Người khác miêu tả tôi là người độc lập và tách biệt, và tôi tiếp nhận cách nói đó. Tôi thật sự tin rằng mình là người không có cảm xúc, rằng việc không gì tác động được đến tôi là một phần cốt lõi của con người tôi. Tuy vậy, sâu bên trong tôi vẫn ẩn giấu một ngọn lửa, dù tôi không thể chạm tới hay thậm chí nhận dạng nó. Tôi chỉ cảm thấy tách biệt, cô lập và không thể cảm thấy sung sướng hay hạnh phúc trong bất cứ việc gì. Sau lần đầu tiên hít cần sa và nốc cạn một ly rượu mạnh thì tôi lại tiếp tục dùng chất kích thích như một công cụ để tạo thêm sự tách biệt của tôi với thực tại.
Dù tin mình dễ tiếp thu cảm xúc đến đâu, tôi vẫn không cảm thấy kết nối được với người khác. Tuy tôi cũng biết nổi nóng với những đối tượng yêu đương của mình (vì tôi sợ họ rồi cũng sẽ bỏ tôi, như cái cách mẹ tôi đứng bên cửa sổ và sợ rằng cha tôi sẽ không bao giờ về nhà nữa), nhưng hầu hết thời gian tâm trí tôi không hiện diện; tôi né tránh và không phản ứng khi phải đối mặt với tranh cãi. Cứ như thể tôi đã học cách không yêu một thứ gì đó quá nhiều, bởi nếu tôi thực sự yêu điều gì thì điều đó sẽ có thể bị tước khỏi tay tôi. Không chỉ có cảm giác mất mát và bị bỏ rơi, mà đó còn là nỗi sợ rằng nếu không có một ai đó bên cạnh, tôi sẽ không thể sống được. Vậy nên tôi tạo cho mình một cái vỏ dày mà không ai có thể xâm nhập vào. Tôi biến mình thành một người không những không biết nhu cầu của bản thân là gì, mà thậm chí còn không hề có nhu cầu.
Tôi nhận thức được sự mất kết nối này từ khi bắt đầu để ý suy nghĩ của mình và tập tự quan sát bản thân. Trong quá trình đó, tôi liên tục gặp phải những cách kể chuyện cũ theo chủ đề quen thuộc: không ai quan tâm đến mình, điều tôi từng cảm thấy suốt tuổi thơ khi trốn dưới gầm bàn ăn trong bếp. Niềm tin đó rất nhất quán, nó thể hiện qua cách tôi trải nghiệm hầu hết mọi việc, qua những phản ứng cảm xúc của tôi, qua việc tôi tức giận và ngắt kết nối với những điều gì. Phía sau tất cả những điều đó là một câu chuyện được kể về tôi, mà khi đó tôi chưa sẵn sàng để đón nhận thông điệp.
Rồi tôi được tiếp cận với tài liệu của nhà tâm lý học John Bradshaw70, người dành cả sự nghiệp cho đứa trẻ bên trong của những người có vấn đề nghiện ngập. Động lực của Bradshaw đến từ chính tuổi thơ của ông, khi ông phải lớn lên với một người cha nghiện rượu. Như mọi đứa trẻ có cha mẹ nghiện ngập khác, Bradshaw cũng từng sa vào rượu chè. Càng tìm hiểu về lịch sử gia đình mình cũng như gia đình của thân chủ, ông càng nhận thấy tất cả bọn họ đều có vấn đề với một đứa trẻ bên trong mang tổn thương sâu sắc. Trong cuốn Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child (Về nhà: Hồi sinh đứa trẻ bên trong bạn), ông đề cập một ý rất thuyết phục rằng nhiều người trong chúng ta rơi vào những mối quan hệ “độc hại” (từ ông dùng) vì chúng ta chưa bao giờ đối mặt với những tổn thương trong tuổi thơ của mình. Ông viết: “Tôi tin rằng đứa trẻ bên trong bị bỏ bê và tổn thương của quá khứ này chính là căn nguyên lớn cho nhiều khổ đau của nhân loại”71.
Trong quá trình đào tạo và làm nghề lâu năm của mình, tôi đã thấy được những khuôn mẫu giống như Bradshaw mô tả, và từ đó hiểu rằng ai trong chúng ta cũng có một phần trẻ con. Phần trẻ con này rất tự do, nó biết kinh ngạc và trầm trồ trước thế giới, nó kết nối với sự minh triết nội tại của Bản ngã đích thực. Nó chỉ xuất hiện khi ta an toàn trong vùng kết nối xã hội của hệ thần kinh. Khi đó ta mới có thể cảm thấy ngẫu hứng và cởi mở. Khi đó đứa trẻ ấy sẽ thể hiện sự nghịch ngợm, sự tự do, nó hoàn toàn sống cho hiện tại đến mức thời gian dường như không tồn tại. Tuy nhiên, nếu không được công nhận, cũng chính phần trẻ con này thường sẽ phản ứng bốc đồng và ích kỷ, gây rối cho cuộc sống trưởng thành của chúng ta.
Những phản ứng đó đến từ một tổn thương cốt lõi do sang chấn tuổi thơ gây ra và đứa trẻ bên trong phải gánh chịu. Những tổn thương của đứa trẻ bên trong chính là những nhu cầu cảm xúc, vật chất và tinh thần không được đáp ứng khi ta còn nhỏ, thể hiện qua tiềm thức và tiếp tục ảnh hưởng đến hiện tại của chúng ta. Đáng tiếc, việc thỏa mãn được hết mọi nhu cầu của đối phương trong một mối quan hệ gần như là không thể, nhất là khi cả hai đều có những tổn thương riêng chưa giải quyết. Phần lớn chúng ta đều cảm thấy không được công nhận, không được lắng nghe, không được yêu thương, và chúng ta mang nỗi đau này theo đến suốt đời. Ngay cả những người mà ta gọi là ái kỷ cũng không thực sự sống trong trạng thái yêu thương bản thân cực độ, mà thực chất họ chính là đứa trẻ to xác đang phản ứng lại một tổn thương vô cùng đau đớn của đứa trẻ bên trong họ.
Người yêu thường là đối tượng kích hoạt tổn thương của chúng ta ở mức độ mạnh nhất, nhưng bất kỳ ai khác đụng đến nó cũng có thể kích hoạt nó. Ta có thể cãi nhau lớn tiếng với người yêu hoặc bạn bè, đóng sập cửa, giậm chân đùng đùng (thực chất là ăn vạ). Hoặc ta có thể giật “đồ chơi” của mình lại và rời khỏi “sân chơi” (ví dụ: từ chối chia sẻ bí quyết thành công trong công việc, tức tối vì mình ăn ít hơn mà phải chia đều tiền bữa ăn). Đứa trẻ bên trong chính là một phần cứng đầu trong tâm hồn ta, sinh ra từ lúc khả năng đối phó với cảm xúc của ta bị giới hạn. Đây là lý do vì sao nhiều người hành xử như trẻ con khi bị đe dọa hoặc khi bực tức. Thực tế là, nhiều người trong chúng ta vẫn đang mắc kẹt trong trạng thái trẻ con này. Ta xử lý cảm xúc kém vì ta chính là những đứa trẻ trong cơ thể người lớn.
Trạng thái của đứa trẻ bên trong có thể được mô tả qua nhiều khuôn mẫu tính cách phổ biến. Nhiều người trong chúng ta sẽ thấy đồng cảm với hơn một khuôn mẫu, nhưng nhìn chung chúng là công cụ có ích để hiểu những biến động trong phản ứng của đứa trẻ bên trong ta. Tôi nhận thấy có 7 khuôn mẫu phổ biến nhất bao quát từ kiểu “người chăm sóc” – đặt giá trị của bản thân ở việc chăm sóc người khác, đến kiểu “người đầy năng lượng” – tuy luôn tỏ ra tự tin và hạnh phúc nhưng lại cần sự công nhận liên tục từ bên ngoài để có thể cảm thấy trọn vẹn. Điểm chung của những khuôn mẫu này là chúng đều bắt nguồn từ nhu cầu được nhìn thấy, được lắng nghe, được yêu thương của đứa trẻ bên trong. Những nhu cầu không được đáp ứng đó tạo ra những khuôn mẫu như thế.
7 KHUÔN MẪU ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
1. Người chăm sóc (caretaker). Thường bắt nguồn từ những mối quan hệ lệ thuộc. Kiểu người này tìm kiếm nhân dạng và giá trị của bản thân từ việc phớt lờ nhu cầu của chính mình. Họ tin cách duy nhất để nhận được tình yêu là chiều theo người khác và phớt lờ nhu cầu của bản thân.
2. Người nghiện thành công (overachiever). Kiểu người này chỉ cảm thấy được công nhận, được lắng nghe và được đánh giá cao khi họ thành đạt và có nhiều thành tựu. Bởi vì họ tự đánh giá thấp giá trị của bản thân nên họ đối phó bằng cách tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài. Họ tin cách duy nhất để nhận được tình yêu thương là đạt được nhiều thành công.
3. Người sợ thành công (underachiever). Kiểu người này giữ bản thân luôn nhỏ bé, vô hình và không làm việc hết tiềm năng vì họ sợ bị chỉ trích hoặc bị nhục mạ khi thất bại. Họ tránh hết những rủi ro về cảm xúc trước cả khi chúng xảy ra. Kiểu người này tin cách duy nhất để nhận được tình yêu thương là sống vô hình.
4. Người cứu rỗi/người bảo hộ (rescuer/protector). Họ luôn năng nổ cố cứu rỗi những người xung quanh để qua đó mong chữa lành sự dễ tổn thương của mình, nhất là từ tuổi thơ. Trong mắt họ, những người xung quanh đều bơ vơ, bất lực, lệ thuộc; họ tìm tình yêu và giá trị bản thân từ việc có quyền hành. Kiểu người này tin cách duy nhất để nhận được tình yêu thương là giúp đỡ mọi người bằng cách tập trung vào nhu cầu và mong muốn của mọi người, và giúp người khác giải quyết vấn đề của họ.
5. Người đầy năng lượng (life of the party). Kiểu người này luôn hạnh phúc, vui vẻ, hài hước, không bao giờ thể hiện mình đau đớn, mềm yếu hay dễ bị tổn thương. Họ như được phủ một lớp chống dính vậy. Khả năng cao là đứa trẻ bên trong họ đã từng bị kết tội vì cảm xúc của mình. Kiểu người này tin cách duy nhất để cảm thấy ổn và nhận được tình yêu thương là khiến tất cả mọi người xung quanh đều hạnh phúc.
6. Người không biết từ chối (yes-person). Kiểu người này luôn sẵn sàng bỏ mọi việc đang làm và mọi nhu cầu của mình để phục vụ người khác. Khả năng cao là khi còn nhỏ, họ đã chứng kiến sự hy sinh như thế ở người chăm sóc của mình, đồng thời họ có xu hướng đồng lệ thuộc nặng giống như người chăm sóc. Kiểu người này tin cách duy nhất để nhận được tình yêu thương là phải vừa tốt bụng vừa hy sinh hết mình.
7. Người tôn sùng anh hùng (hero worshipper). Kiểu người này luôn cần một “vị thầy” nào đó để theo đuôi. Khả năng cao là khuôn mẫu này đến từ việc đứa trẻ bên trong họ bị tổn thương bởi một người chăm sóc được những người khác coi là “siêu nhân”, không bao giờ mắc lỗi. Kiểu người này tin cách duy nhất để nhận được tình yêu thương là chối bỏ nhu cầu và khao khát cá nhân, và luôn coi người khác như tấm gương để sống theo.
NHỮNG MỘNG TƯỞNG TUỔI THƠ
Cách đối phó phổ biến nhất của chúng ta với những nhu cầu tuổi thơ không được đáp ứng chính là lý tưởng hóa: Chúng ta nhìn mọi thứ qua một lăng kính màu hồng, chặn hết mọi chi tiết tiêu cực và đi đến một kết luận lạc quan đến khó tin: Mình có một gia đình hoàn hảo! Tuổi thơ của mình toàn là hạnh phúc! Tuy nhiên, khi không thể kết luận một cách hợp lý rằng gia đình mình hoàn hảo, chúng ta sẽ bắt đầu tìm những cách đối phó khác giàu trí tưởng tượng hơn. Một trong những cách như vậy chính là những mộng tưởng về anh hùng, hay những ước mơ rằng chỉ cần một người hay một điều gì đó ập đến cứu rỗi thì cuộc sống của chúng ta sẽ có thể thay đổi.
Nancy, một thành viên của cộng đồng SelfHealers trực tuyến của tôi, đã chia sẻ rằng khi còn nhỏ, cô thường mộng mơ rằng ban nhạc Duran Duran sẽ lái xe limousine đến và mang cô đi khỏi gia đình không hạnh phúc của mình. Cô thường dành hàng giờ liền nghĩ về chi tiết cuộc gặp đó, về việc cô sẽ hạnh phúc ra sao, và cuộc tẩu thoát đó sẽ thay đổi cuộc đời cô thế nào, sẽ biến cô thành người mà cô hằng ao ước: một người được yêu thương.
Về sau, nhóm Duran Duran không còn là nhân vật chính, nhưng Nancy vẫn không ngừng mơ mộng về một người hùng. Lớn dần, cô chuyển trách nhiệm cứu rỗi đó sang những người cô thầm mến và sau đó là những người mà cô hẹn hò, và họ luôn không thể gánh vác nổi áp lực từ cái tiêu chuẩn bất khả thi của Nancy. Hiển nhiên, họ luôn làm cô thất vọng, và cô sẽ chuyển sang mơ mộng về một người khác. Điều này khiến cô thường xuyên ngoại tình về cả tư tưởng lẫn thể xác, nhưng những lần này cũng chỉ kéo dài cho đến lúc cô lại rơi vào tình trạng cũ: không hạnh phúc, không thỏa mãn, và khát khao một cuộc giải cứu.
Mơ mộng vốn dĩ không có gì xấu. Tôi cho rằng việc mường tượng ra một cuộc sống khác cũng là một cách hữu ích để luyện tập suy nghĩ. Tuy nhiên, những ảo vọng của Nancy không thực sự hữu ích, mà chúng khiến cô đặt nhầm mọi hy vọng thay đổi của mình vào một người ngoài. Nancy coi những cuộc tình của mình là lối thoát, và nguyên lý này cũng áp dụng với những điều khác, ví dụ như nhiều người nghĩ rằng họ sẽ được “cứu rỗi” hoặc sẽ cảm thấy viên mãn sau khi tìm được một công việc tốt, mua nhà hay có con. Họ hoàn thành hết danh sách của mình, chỉ để nhận ra bản thân vẫn không hạnh phúc, nếu không muốn nói là bất hạnh. Đây chính là tiền đề cho tình trạng khủng hoảng tuổi trung niên phổ biến.
Đứa trẻ bên trong bị tổn thương sẽ mang theo tất cả những trải nghiệm cưỡng chế đó tới tuổi trưởng thành. Chúng ta mang theo mình cảm giác bất lực đó và mong có người khác sẽ thay đổi hoàn cảnh cho ta, khiến ta hạnh phúc. Ta phụ thuộc vào những giải pháp nhất thời bên ngoài và mơ mộng về những thực tại khác. Ta tìm kiếm sự công nhận từ người khác để cảm thấy ổn về bản thân. Ta chọn những giải pháp tức thời như chất cấm, rượu bia, tình dục để cảm nhận khoái cảm trong chốc lát, giúp ta quên đi nỗi đau. Nhưng mục tiêu đường dài thực sự của ta chính là tìm được cảm giác an toàn đó từ bên trong mình. Mục tiêu của ta là tạo được bên trong chính mình cảm giác rằng mình đã đủ đầy, đã trọn vẹn, và tạo được trạng thái “ổn” mà không phụ thuộc vào người khác. Làm sao để bắt đầu làm điều này? Đây chính là câu hỏi ở cốt lõi quá trình chữa lành đứa trẻ bên trong.
GẶP GỠ ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Bước đầu của quá trình chữa lành đứa trẻ bên trong là chấp nhận rằng nó tồn tại và sẽ mãi tồn tại trong cuộc sống trưởng thành của bạn. Nên nhớ, ngay cả khi bạn (giống như tôi) không thể nhớ được phần lớn tuổi thơ của mình, thì bạn vẫn có thể kết nối được với đứa trẻ bên trong. Khả năng rất cao là mọi điều bạn làm, bạn cảm nhận, bạn suy nghĩ mỗi ngày đều mô phỏng theo chính sự quy định trong quá khứ đó, và thông qua những điều này, tất cả chúng ta đều có thể gặp được đứa trẻ bên trong mình.
Bước tiếp theo là công nhận rằng đứa trẻ bên trong bạn bị tổn thương. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra khá khó. Như đã biết trong Chương 3, dù bạn không chỉ ra được một khoảnh khắc mang tính cột mốc của sự thay đổi, điều đó không có nghĩa là bạn đã không trải qua sang chấn, hay sang chấn đó không gây ra những tổn thương đang tồn tại trong bạn. Có thể bạn nói: “Tuổi thơ của tôi không quá tệ. Tôi không nên phàn nàn”. Tôi nghe điều này rất nhiều rồi, và tôi mong bạn lưu ý rằng: Bạn đang nhìn tuổi thơ từ góc độ của một người lớn với nhận thức và sự trưởng thành giúp bạn hiểu được tình huống và xâu chuỗi được các tình tiết. Bộ não trẻ em thì không có khả năng đó. Khi còn nhỏ, mọi thứ đều to lớn hơn, nghiêm trọng hơn, cực đoan hơn so với những gì bạn có thể tưởng tượng hiện giờ. Vì thế, hãy cho đứa trẻ bên trong mình món quà của sự công nhận, hãy công nhận tổn thương của nó.
Việc chấp nhận rằng mình có một đứa trẻ bên trong mang tổn thương sẽ giúp bạn xóa được nỗi hổ thẹn và thất vọng về việc mình không có khả năng thay đổi, về cảm giác “mắc kẹt” mà chúng ta đã nói tới. Việc bạn không có khả năng đi tiếp hay không thể thay đổi không phải là lỗi của bạn mà nó là hệ quả của những khuôn mẫu bị điều kiện hóa, của những niềm tin cốt lõi mà bạn tạo ra khi còn nhỏ. Đứa trẻ đau khổ bên trong bạn vẫn đang đau khổ. Đó là sự thật, như việc tim bạn đang đập vậy thôi. Bạn không cần thấy hổ thẹn về điều đó.
Quan trọng là phải thừa nhận rằng dù đứa trẻ bên trong bạn có tồn tại, nhưng nó cũng chỉ là một phần chứ không phải là toàn bộ Bản ngã trực giác cốt lõi của bạn. Mỗi khi phản ứng theo tác động của tổn thương, hãy quan sát bản thân bằng sự tò mò với mục tiêu thu thập thông tin. Khi mẹ bạn chỉ trích kiểu tóc mới của bạn và bạn im bặt, đứa trẻ bên trong đang nhấn mạnh câu chuyện gì về bạn? Khi có người tạt ngang đầu xe bạn trên đường đi làm và bạn phát điên lên, đứa trẻ bên trong đang muốn nói gì với bạn? Hãy trân trọng những điều đứa trẻ bên trong cố gắng nói với bạn, trân trọng trải nghiệm của nó.
Bạn không cần phải có câu trả lời mà chỉ cần lắng nghe câu hỏi. Càng tập lắng nghe, bạn sẽ càng chủ động tồn tại và có nhận thức. Và càng như vậy, bạn sẽ càng có khả năng phân biệt các phản ứng của đứa trẻ bên trong với phản ứng của Bản ngã đích thực. Và càng như vậy, bạn sẽ càng có khả năng lựa chọn cách hành xử của mình. Khoảng không gian này sẽ cho phép bạn lựa chọn cách phản ứng.
ĐỨA TRẺ BÊN TRONG CỦA ANTHONY
Hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong không khiến đứa trẻ ấy biến mất, cũng không thể hoàn toàn chữa lành mọi tổn thương của bạn trong quá khứ. Khi đến với cộng đồng SelfHealers, Anthony đã nghiên cứu kha khá về tài liệu chữa lành đứa trẻ bên trong từ nhà tâm lý John Bradshaw, và anh thấy một số đóng góp của tôi về chủ đề này có ích. Anh dần xâu chuỗi lại những cách mà đứa trẻ bên trong tác động đến những niềm tin cốt lõi của anh về bản thân. Từ đó, anh rũ dần những phán xét mang tính hổ thẹn của bản thân về hành vi tình dục của anh và về việc rượu chè thời gian gần đây. Tôi cùng anh tháo gỡ các niềm tin rằng anh đã từng góp phần gây ra việc mình bị lạm dụng tình dục thuở nhỏ – một điều từ rất lâu anh vẫn cho là sự thật vì anh chỉ quan sát nó từ góc độ của một đứa trẻ. Đến khi anh áp dụng được lý lẽ từ bậc phụ huynh thông thái bên trong mình, anh đã thấy được sự thật về trải nghiệm đó từ góc nhìn của một người lớn: Anh đã bị xâm hại bởi một kẻ lạm dụng trẻ em.
Khi đã bắt đầu chấp nhận được rằng đứa trẻ bên trong (và mọi trải nghiệm đau đớn mà anh từng trải qua) có tồn tại trong mình và vô cùng tổn thương, Anthony dần hiểu được cách mà nỗi đau khiến anh hành động theo hướng làm những chuyện không có ích với mình. Anh cũng xác định được khuôn mẫu đứa trẻ bên trong mình là người nghiện thành công, và nhận ra mình đã dùng thành công để định nghĩa tình yêu thương. Cuối cùng, anh nghỉ công việc quyền cao chức trọng đang làm. Anh nhận ra rằng thói nghiện thành công đã giúp anh tránh đối mặt với thế giới nội tâm, giúp anh ngắt kết nối hệt như những gì anh đã làm khi còn nhỏ.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Chẳng có gì đơn giản như thế cả, Anthony không đơn giản là gói ghém đứa trẻ bên trong thật đẹp đẽ rồi cất nó đi. Chúng ta sẽ luôn thèm được gập sách lại và tự nhủ: “Mình gặp đứa trẻ bên trong xong rồi. Giờ mình ổn cả rồi. Đã đến lúc đi tiếp”. Thực tế, hành trình chữa lành không bao giờ kết thúc.
Bước chuyển mấu chốt của Anthony xảy đến sau khi anh đã chữa lành đứa trẻ bên trong mình, khi anh đã chấp nhận được rằng nó sẽ luôn tồn tại và mục tiêu của anh phải là duy trì giao tiếp giữa con người hiện tại của anh và đứa trẻ bên trong. Khi đã cởi mở hơn về những thôi thúc tình dục và sự nghiện ngập của bản thân, Anthony nhận thức được vòng lặp nhục nhã và những hành vi đối phó (như mượn chất gây nghiện để khiến mình tê liệt, hay phát tiết qua tình dục) mà đứa trẻ bên trong anh đã lặp lại nhiều năm qua.
Anthony nhớ lại khi còn rất nhỏ, có một ngày anh đi học về, cha hỏi sao trông anh không vui, và anh kể với cha về chuyện bị bắt nạt ở trường. Cha anh nói “chuyện chẳng có gì to tát mà cứ làm quá lên”, và ông cũng tỏ vẻ khó chịu khi Anthony kể lại chuyện mình khóc lóc trước mặt các bạn. Từ sự việc đó, Anthony nhận ra cha cảm thấy nhục nhã về anh và cảm xúc của anh. Đó là trải nghiệm đau đớn đầu tiên của anh về sự hổ thẹn – như một cú thoi vào bụng.
Ký ức này nhiều lần xuất hiện khi Anthony tiếp nhận trị liệu, nhưng anh không biết làm cách nào để vượt qua nó. Chỉ tới khi anh bắt đầu tiếp cận được đứa trẻ bên trong mình, Anthony mới nhận ra rằng sự việc kia đã tạo thành một vết thương trong lòng anh, và vết thương đó ngày càng bị khoét sâu bởi những bạo hành mà anh phải chịu sau đó. Khoảnh khắc giao tiếp đó giữa hai cha con đã dạy Anthony rằng anh không bao giờ nên cởi mở, thành thật hay thể hiện sự yếu đuối ra ngoài nếu không muốn bị những người mà anh yêu thương nhất coi là nhục nhã. Khi gia đình phủ nhận và xem nhẹ việc anh bị lạm dụng tình dục, anh càng giấu đi nhiều phần của bản thân hơn. Để đối phó với sự hổ thẹn cắm rễ sâu trong mình, anh bắt đầu bí mật làm tê liệt những nỗi đau ngày càng chồng chất của mình bằng cách tìm đến bất cứ thứ gì có thể xoa dịu sự khó chịu trong chốc lát.
Tận cốt lõi, Anthony cảm thấy mình không xứng đáng – một kẻ hư hỏng – và anh đối phó với điều đó bằng cách duy nhất mà anh biết, nhưng làm vậy chỉ khiến anh càng có nhiều hành động mà anh cho là đáng hổ thẹn hơn. Và rồi, anh quyết định rằng cách duy nhất để vượt qua điều đó là tiếp cận và kết nối với những tổn thương cốt lõi của đứa trẻ bên trong. Anh nhận ra rằng khi sự hổ thẹn bị kích hoạt, cách tốt nhất là tạo không gian an toàn cho những phần muốn được lên tiếng của bản thân có thể lên tiếng, từ đó ngắt mạch biểu hiện hổ thẹn và những phương pháp đối phó có hại.
Như Anthony, hay chính tôi, tôi rất mong bạn có thể bắt đầu xây dựng lại kết nối với đứa trẻ bên trong mình. Dưới đây là một số mẫu câu bạn có thể dùng để bắt đầu trò chuyện với khuôn mẫu nào bạn thấy giống mình nhất.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: VIẾT THƯ CHO ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN
Dành thời gian suy ngẫm và quan sát đứa trẻ bên trong bạn suốt một ngày và để ý xem khuôn mẫu nào bị kích hoạt thường xuyên nhất. Nhớ là bạn có thể đồng cảm với nhiều hơn một khuôn mẫu, nhưng ban đầu hãy xác định một cái trước đã. Hãy nghe theo bản năng xem khuôn mẫu nào phù hợp nhất với bạn, hoặc chọn ra khuôn mẫu bị kích hoạt thường xuyên nhất ở hiện tại. Về sau, bạn có thể suy ngẫm về từng khuôn mẫu đứa trẻ bên trong và dành thời gian để công nhận từng phần tổn thương của tuổi thơ mình.
1. Người chăm sóc
Gửi Nicole Nhỏ luôn chăm sóc người khác,
Chị biết em từng cảm thấy em cần phải chăm sóc mọi người xung quanh mình, cần khiến họ cảm thấy khá hơn, cần bảo đảm rằng mọi người đều cảm thấy vui về em. Chị biết điều đó khiến em rất mệt mỏi và không phải lúc nào em cũng có thể làm cho mọi người hài lòng. Em không cần phải làm vậy nữa đâu. Giờ em được phép tự chăm sóc cho bản thân em rồi. Chị bảo đảm rằng mọi người vẫn sẽ yêu em.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
2. Người nghiện thành công
Gửi Nicole Nhỏ ám ảnh với thành công,
Chị biết em từng cảm thấy em cần phải làm mọi việc thật hoàn hảo để người khác và bản thân em thấy hạnh phúc, tự hào và được yêu thương. Chị biết điều đó khiến em cảm thấy sự tồn tại của mình không đủ tốt. Em không cần phải làm vậy nữa. Giờ em được phép ngừng ép bản thân mình phải làm mọi thứ thật hoàn hảo. Chị bảo đảm rằng em chỉ là chính em thôi đã quá đủ rồi.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
3. Người sợ thành công
Gửi Nicole Nhỏ sợ thành công,
Chị biết em từng cảm thấy em phải giấu đi một số điều em giỏi, giấu những thành tựu và những phần tốt đẹp của mình đi để không làm người khác thấy tổn thương. Chị biết điều này khiến những điều tốt đẹp về em không được khen ngợi và thậm chí còn khiến em thấy tội lỗi vì có chúng. Em không cần phải làm vậy nữa. Giờ em được phép để người khác thấy em giỏi giang và tốt đẹp đến thế nào. Chị bảo đảm rằng khi em thể hiện những điều tốt đẹp ở mình, em vẫn sẽ được yêu thương.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
4. Người cứu rỗi/người bảo hộ
Gửi người cứu rỗi/người bảo hộ Nicole Nhỏ,
Chị biết em từng cảm thấy em phải xông pha cứu giúp mọi người xung quanh khi họ có vấn đề, khi họ cần giúp đỡ, hay khi họ buồn. Chị biết điều đó khiến em mệt mỏi và thất vọng về người khác, và không phải lúc nào em cũng có thể khiến họ thấy khá hơn. Em không cần phải làm vậy nữa. Giờ em được phép ngừng giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của họ. Chị bảo đảm rằng khi em tập trung ưu tiên bản thân, em vẫn sẽ được yêu thương.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
5. Người đầy năng lượng
Gửi Nicole Nhỏ – linh hồn của mọi bữa tiệc,
Chị biết em từng cảm thấy em luôn phải hạnh phúc vui vẻ, cổ vũ cho người khác, tỏ ra “mạnh mẽ”. Chị biết điều đó khiến em sợ để người khác thấy em buồn, tức giận hay sợ hãi, và em cảm thấy tồi tệ khi có những cảm xúc đó. Em không cần phải làm vậy nữa. Giờ em được phép cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào em có. Chị bảo đảm rằng em có thể an toàn cảm nhận mọi cảm xúc của mình, và vẫn được yêu thương.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
6. Người không biết từ chối
Gửi Nicole Nhỏ không biết từ chối,
Chị biết em từng cảm thấy bất cứ khi nào người khác yêu cầu gì ở em: rủ đi chơi, mượn chiếc áo em thích, nhờ em giúp một việc, thì em luôn phải gật đầu. Chị biết việc cảm thấy muốn nói “không” khiến em thấy mình là người tồi tệ. Em không cần phải làm vậy nữa. Em được phép đồng ý hoặc từ chối tùy theo cảm xúc của mình, tùy theo em có muốn làm hay không. Chị bảo đảm rằng em có thể nói “không” và vẫn luôn được yêu thương.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
7. Người tôn sùng anh hùng
Gửi Nicole Nhỏ luôn tôn sùng hình tượng anh hùng,
Chị biết em từng cảm thấy người khác hiểu biết hơn mình, và em luôn tìm sự giúp đỡ từ người khác khi cần đưa ra một quyết định nào đó. Chị biết điều đó khiến em cảm thấy mình không đủ thông minh, và em không tin tưởng rằng bản thân đủ sức đưa ra các lựa chọn riêng. Em không cần phải làm vậy nữa. Em được phép nghĩ những điều em muốn nghĩ, đưa ra những lựa chọn em muốn mà không cần phải xin đáp án từ người khác. Chị bảo đảm rằng em có thể tin tưởng vào bản thân và vẫn sẽ được yêu thương.
Chị nhìn thấy em, chị lắng nghe em, và chị luôn yêu em,
Ký tên: Nicole Lớn Thông thái
THIỀN DẪN VỀ ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Bạn đọc có hứng thú tham gia thiền dẫn(*) về đứa trẻ bên trong thì có thể truy cập trang web của tôi:
https:// theholisticpsychologist.com
(*) Thiền dẫn là một cách thực hành thiền mà trong đó bạn được dẫn dắt bằng lời nói bởi một người dẫn thiền (thường là người đã có thực hành thiền và có những trải nghiệm nhất định với thiền). Thiền dẫn có thể thực hành trực tiếp hoặc online. (BTV)