Không như mọi người vẫn nghĩ, sự thức tỉnh không ập đến trong khoảnh khắc, qua một ánh chớp như trong truyền thuyết (và trong phim ảnh). Cuộc sống thực tế không như vậy. Tuy đôi khi chúng ta cũng gặp những khoảnh khắc A ha! bất ngờ lóe lên, nhưng thực tế là sự thức tỉnh đó đến từ sự cóp nhặt từng chút sáng suốt qua thời gian dài.
Nhà tâm lý học, giáo sư Steve Taylor đã nghiên cứu hiện tượng “khoảnh khắc thức tỉnh”77, hay còn gọi là ánh chớp sáng suốt, khoảnh khắc nhận thức,... Sau khi chính mình trải nghiệm sự thức tỉnh về tâm linh khơi nguồn cho hứng thú nghiên cứu, giáo sư đã tìm ra được rằng những trải nghiệm này thường có chung ba yếu tố: chúng bắt nguồn từ trạng thái rối loạn nội tâm; chúng thường xảy ra trong bối cảnh tự nhiên; và chúng liên kết chúng ta với một hoạt động tâm linh nào đó (theo nghĩa rộng nhất của từ này). Sự thức tỉnh cho chúng ta hiểu được một thực tế rằng ta không chỉ là một sinh vật có máu thịt đơn giản, mà ta còn có tâm hồn, linh hồn, và ta khao khát được kết nối. Sự thức tỉnh cho chúng ta thấy cách ta nghĩ ta là ai chưa hẳn là đầy đủ con người ta.
Thông thường, những khoảnh khắc thức tỉnh này đến sau khi chúng ta trải qua đau khổ, hoang mang và phiền muộn trên chặng đường khai mở ý thức. Sự thức tỉnh là sự tái sinh của Bản ngã, là lột đi những phần cũ khi chúng ta còn sống trong vô thức, tồn tại một cách tự động. Dù chúng ta có chuẩn bị thế nào về thể xác đi nữa, thì cú điếng người khiến chúng ta mở mắt nhìn thấy một thế giới hoàn toàn mới vẫn sẽ rất đau. Hơn nữa, sẽ không hề thoải mái để sống một cách có ý thức trong một thế giới vô thức. Nhiều bản phim chụp cắt lớp não đã cho thấy những đường dẫn truyền thần kinh được kích hoạt trong và sau khi một người thức tỉnh về tâm linh rất giống với khi trầm cảm. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng “hai mặt của một đồng xu”78. Khác biệt cốt yếu ở chỗ: Những người thực hành tâm linh thường xuyên kích hoạt và thậm chí phát triển kích thước của vùng vỏ não trước trán, chính là phần kiểm soát ý thức, trong khi ở những người gặp khó khăn với trầm cảm và suy nghĩ tiêu cực thì phần não này lại teo nhỏ
Sự thức tỉnh của tôi đến theo từng phần. Nó bắt đầu khi tôi đang vô cùng căng thẳng về thể xác và cảm xúc, tôi có bệnh về cả thân thể, đầu óc và tâm hồn. Bản ngã tôi đang gặp khủng hoảng. Tôi không chịu nổi cuộc sống, và điều đó cứ ép chặt dần lấy tôi, để rồi tôi không còn cách nào khác ngoài đối mặt với những vấn đề đang trở nên trầm trọng đến mức hóa thành “trạng thái bình thường” của tôi. Chắc hẳn nếu lúc đó tôi tìm kiếm sự giúp đỡ, tôi sẽ bị chẩn đoán trầm cảm hay rối loạn lo âu, cũng như ngày trước. Nhưng thay vào đó, trực giác lại đưa tôi quay ngược vào bên trong, làm việc với chính bản thân mình, để thấy tôi đã mất kết nối đến mức nào. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã coi những dấu hiệu này như thông tin thay vì những điều cần đè nén và trốn tránh.
Tôi còn nhớ thời chưa tới 30 tuổi, rất nhiều năm trước khi tôi bước vào chặng đường SelfHeal, tôi từng than thở với bạn rằng tôi như bị kéo đi theo hai hướng khi phải chọn cách nghỉ lễ: một bên là vợ tôi, một bên là gia đình. Bạn tôi nhìn tôi và hỏi rất ngây ngô: “Ồ, vậy cậu muốn gì?”.
Suýt thì tôi bật ngửa. Tôi không hề biết mình muốn gì.
Nhiều năm sau đó, tôi có quãng thời gian tự cô lập mình sau khi đã cắt đứt quan hệ với gia đình. Tôi tách khỏi những người và những nơi không có ích cho mình, dần dần không còn lúc nào cũng sẵn sàng vì người khác nữa. Lúc này, cảm giác mất kết nối lại bắt đầu trở lại ám ảnh tôi, tuy lần này không phải từ thói quen tách mình ra khi xưa nữa. Tôi cảm thấy như mình đã bỏ rơi gần như mọi người mình từng biết trong quá khứ, và tôi nghĩ một số có thể rất ghét mình. Tôi cảm thấy cô đơn, cô đơn cùng cực. Tôi tự hỏi: Liệu có bao giờ mình tìm thấy những người dành cho mình?
Lúc đó tôi không nhận ra rằng mình đang trải qua sự chuyển hóa về tâm linh. Một sự chuyển hóa về tâm linh! Một chuyên gia tâm lý phát cuồng với dữ liệu và tự coi mình là người theo thuyết bất khả tri(*) mà lại nghĩ tới những lời lẽ này. Khi đó, “Chúa” của tôi là khoa học. Tôi tránh xa những điều tâm linh. Lúc đó chúng không nằm trong vùng nhận thức của tôi.
(*) Thuyết bất khả tri là quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định – đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Đức Chúa Trời hay các vị thần – là chưa biết và không thể biết được. (ND)
Trước khi có thể kết nối toàn diện với người khác, tôi phải hiểu nhu cầu cảm xúc, thể xác và tâm linh của mình và nỗ lực thỏa mãn chúng đã – lần đầu tiên trong đời tôi làm như thế. Quá trình đó rất gian khổ, cứ như lột bỏ lớp da cũ và trở thành một phiên bản của chính mình mà bạn chưa từng thấy trước đây. Bạn phải thấy mình thì mới có thể yêu mình, và bạn phải yêu mình thì mới có thể cho mình những điều mà người khác không thể cho bạn.
GIỚI THIỆU VỀ VIỆC NUÔI DẠY LẠI ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em phụ thuộc nhiều vào việc những nhu cầu nội tại của chúng có được đáp ứng hay không. Khi chưa thể sống độc lập, chúng ta trông cậy vào những người chăm sóc và gia đình mình nói chung để được cung cấp “dưỡng chất” về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Chúng ta phải được nhìn thấy, được lắng nghe và được thể hiện bản thân một cách chân thật. Khi chúng ta thấy cha mẹ mình có những hành vi khích lệ, chúng ta sẽ học được rằng việc nói ra nhu cầu của mình và nhờ cậy người khác là an toàn. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều chưa từng học cách đáp ứng nhu cầu của bản thân chứ chưa nói tới nhu cầu của người khác. Vì vậy, họ truyền lại cho chúng ta những sang chấn chưa được giải quyết, những cơ chế đối phó của họ. Không phải họ “xấu xa” hay hành hạ chúng ta. Thậm chí những bậc cha mẹ có ý tốt cũng không thể luôn cho chúng ta đúng những gì có ích. Lúc nào cũng đáp ứng được đủ mọi loại nhu cầu đa dạng của một ai đó là điều không thể.
Về cơ bản là vậy, nhưng nếu chúng ta chung sống với một người cha, người mẹ chưa trưởng thành về cảm xúc, những nhu cầu của chúng ta sẽ thường xuyên bị họ bỏ qua hoặc gạt đi. Sự thiếu trưởng thành về cảm xúc của một người bắt nguồn từ việc họ không có khả năng hồi phục cảm xúc – tức là thiếu khả năng xử lý cảm xúc, thiết lập ranh giới cá nhân và quay về trạng thái cơ bản của hệ thần kinh. Một người cha, người mẹ thiếu trưởng thành về cảm xúc có thể sẽ hay tức giận, có hành động ích kỷ, bắt cả gia đình phải làm mọi thứ tùy theo tâm trạng của mình. Họ có thể luôn tỏ ra phòng vệ và thậm chí là tàn nhẫn. Theo những gì chuyên gia tâm lý trị liệu Lindsay Gibson viết trong cuốn sách Adult Children of Emotionally Immature Parents: How to Heal from Distant, Rejecting, or Self-involved Parents (Đứa con trưởng thành của cha mẹ chưa trưởng thành: Cách chữa lành bản thân khi có cha mẹ xa cách, bài xích, ích kỷ), khi chúng ta hiểu được mức độ trưởng thành (hoặc thiếu trưởng thành) về cảm xúc của cha mẹ mình, chúng ta sẽ được “giải phóng khỏi sự cô đơn về cảm xúc, vì chúng ta nhận ra sự tiêu cực của họ không phải nhằm vào ta, mà là vào chính bản thân họ”.
Tôi đã quan sát rất nhiều kết quả từ những người sống với cha mẹ thiếu trưởng thành về cảm xúc. Họ là những người bảo hộ thậm chí không thể xác định được nhu cầu của bản thân; họ phản bội bản thân để được yêu, được công nhận; họ sống trong sự oán giận vì họ tin rằng người khác “phải tự biết” họ cần gì. Những đứa con của họ khi trưởng thành thường sẽ chịu ảnh hưởng bởi cái không gian quen thuộc được bảo bọc bởi cái tôi của họ (cùng tất cả những câu chuyện chủ quan của nó), và chúng thường có nhu cầu được “đúng” rất cao – chúng phản đối ý kiến của người khác và làm cho người khác thấy nhỏ bé, tầm thường như chúng đã từng thấy. Một số khác lại tạo ra nhân dạng khác cho mình, luôn “đeo mặt nạ” và lo rằng nếu mình thể hiện con người thật thì người khác sẽ sợ và rời đi. Lại có những người tránh né mọi sự thân thiết, và cũng có những người luôn cố bám víu lấy điều đó. Ảnh hưởng của những bậc cha mẹ thiếu trưởng thành về cảm xúc bộc lộ theo đủ hướng, và cách để chữa lành những tổn thương đó là ta cần trao cho chính mình những điều khi còn nhỏ ta không được nhận. Để tiến về phía trước, ta cần nhận thức được rằng ta có thể trở thành người cha, người mẹ thông thái của chính mình – điều mà tuổi thơ ta không có. Việc trở thành cha mẹ của chính mình sẽ cho phép ta học lại cách đáp ứng những nhu cầu không được đáp ứng của đứa trẻ bên trong bằng những hành động tận tụy đều đặn mỗi ngày.
Trong lĩnh vực tâm động học đã có nhiều khái niệm tương tự từ hàng chục năm nay, bắt nguồn từ mô hình trị liệu chính thống rằng một mối quan hệ an toàn và chắc chắn với nhà trị liệu có thể cho bạn nền tảng tốt để xây dựng những mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống. Phân tâm học cũng được xây dựng trên cái khung sườn này. Khái niệm “chuyển di” (transfer) chính là “chuyển” cảm xúc tuổi thơ của chúng ta sang cho nhà trị liệu (và đây cũng là một mục tiêu trong quá trình trị liệu). Nếu có phương tiện, điều kiện và được cho phép làm vậy thì phương pháp hỗ trợ đó có thể rất có ích, nhưng chúng ta không nhất thiết phải có một đối tượng ngoại vi (mà trong trường hợp này là một nhà tâm lý có chuyên môn) để có thể được chữa lành. Hơn nữa, nếu nói về làm việc nội tại, không ai có thể tìm hiểu và biết được các nhu cầu và mong muốn của bạn hay biết cách đề cập đến chúng tốt hơn bạn. Chưa kể, sẽ không ai ngoài bạn có thể – và cần phải – xử lý những nhu cầu luôn thay đổi đó mỗi ngày. Những nỗ lực này phải đến từ bạn, và trong quá trình phát triển năng lực của chính mình, bạn sẽ tạo được kết nối sâu sắc hơn, chân thật hơn với Bản ngã của mình.
Việc dạy cho bản thân cách sử dụng những công cụ để đáp ứng nhu cầu của chính mình là trách nhiệm của mỗi người. Khi ta tự làm cha mẹ cho chính mình, ta phải học cách xác định những nhu cầu thể xác, cảm xúc và tinh thần của mình, cũng như tìm xem ta đã được dạy những cách đáp ứng sai lệch nào. Có thể bạn sẽ nhận thấy, khi đã trưởng thành, bạn thường nhập vai một phụ huynh hay phán xét ở bên trong: không chấp nhận hiện thực, gạt đi những nhu cầu của bản thân, và ưu tiên cho nhu cầu của người khác. Giọng nói trực giác của bạn bị thế chỗ bởi cảm giác tội lỗi và xấu hổ.
Quá trình nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong của mỗi người sẽ mỗi khác. Nhìn chung, mục tiêu của chúng ta là hạn chế sự phán xét nội tại, đồng thời trau dồi sự tôn trọng và lòng trắc ẩn dành cho chính mình. Khi có vị phụ huynh thông thái bên trong, bạn sẽ học được cách công nhận thực tại và cảm xúc của mình bằng cách quan sát chúng thay vì phán xét và phớt lờ chúng theo bản năng. Phụ huynh thông thái bên trong của bạn sẽ chấp nhận và tôn trọng nhu cầu của đứa trẻ bên trong: nhu cầu được nhìn thấy, được lắng nghe, được trân trọng vì những khía cạnh chân thật của mình. Bạn là ưu tiên hàng đầu.
Để vị phụ huynh thông thái bên trong phát triển, bạn cần học cách tin tưởng bản thân – có thể là lần đầu tiên trong đời. Bạn có thể xây dựng lại lòng tin đã mất này qua việc tự hứa sẽ thực hiện những hoạt động chăm sóc bản thân mỗi ngày, và thực sự làm theo lời hứa đó. Bạn có thể bắt đầu tạo thói quen mới như nói chuyện với bản thân một cách bao dung hơn, như thể bạn đang nói chuyện với một đứa trẻ đang đau khổ vậy. Mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu hỏi mình rằng Trong trường hợp này mình có thể làm gì cho chính mình? Càng thực hành, bạn sẽ càng có phản xạ tốt hơn, và nó sẽ trở thành câu thần chú kết nối bạn lại với trực giác của mình.
4 TRỤ CỘT NUÔI DẠY LẠI ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Tiếp theo, tôi sẽ miêu tả các trụ cột để xây dựng nền tảng cho việc này. Tuy nhiên, cần nhớ rằng quá trình này tùy thuộc vào mỗi người và không hề có công thức hay danh sách để đánh dấu từng mục. Chúng ta là những sinh vật luôn thay đổi. Nhu cầu của chúng ta cũng thay đổi và phát triển mỗi ngày, nên cách ta tiếp cận chúng cũng cần phải phát triển.
Trụ cột thứ nhất của việc tự nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong là điều hòa cảm xúc. Điều hòa cảm xúc là kỹ năng đối mặt với căng thẳng một cách linh hoạt, khoan dung và biết thích nghi. Suốt cuốn sách này, đặc biệt trong phần vai trò của hệ thần kinh, chúng ta vẫn luôn làm việc với bước này. Cách điều hòa cảm xúc đều nằm ở những phương pháp mà giờ này có lẽ bạn đã thuộc làu: hít sâu vào bụng để điều hòa phản ứng căng thẳng; quan sát các thay đổi về cảm giác của cơ thể mà không phán xét; để ý những đặc điểm lặp lại liên quan đến những kích hoạt cảm xúc đó. Mọi hoạt động trước đây đều là để chuẩn bị cho giờ phút này. Tôi có nhiều thân chủ khi đã đến bước tự nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong mới nhận ra họ vẫn cần thực hiện lại các bước trước một cách sâu hơn nữa. Nếu bạn thấy mình cũng vậy, bạn có thể đặt cuốn sách xuống, lùi lại một chút về những bước cũ trước khi tiến tới.
Trụ cột thứ hai là kỷ luật lành mạnh, yêu thương. Ở phần này, chúng ta sẽ thiết lập ranh giới với chính mình và duy trì chúng lâu dài bằng cách hứa và giữ lời hứa, đồng thời tạo những thói quen hằng ngày. Kỷ luật là một phần quan trọng trong quá trình chữa lành. Phải có kỷ luật chúng ta mới giúp bản thân được. Đáng tiếc là nhiều người trong chúng ta đã lớn lên với cách hiểu về kỷ luật bắt nguồn từ sự hổ thẹn: Khi ta “không tốt”, ta sẽ bị phạt, và ta có thể cảm thấy bị phán xét hoặc bị từ chối. Kỷ luật lành mạnh là một công cụ nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong giúp bạn tách sự trừng phạt ra khỏi khái niệm kỷ luật. Nó là một công cụ rất hiệu quả: Bạn càng giữ lời hứa – dù lời hứa nhỏ bé hay bình thường đến đâu – thì niềm tin của bạn vào bản thân càng lớn lên. Nó ngược lại với sự phản bội bản thân. Khi chúng ta chọn một thói quen mới và chứng minh cho bản thân thấy mình xứng đáng với thói quen đó, chúng ta sẽ xây dựng được sự tin cậy và khả năng phục hồi nội tại. Điều này sẽ sinh ra sự tự tin sâu sắc, tác động đến cả những khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta. Kỷ luật lành mạnh sẽ tạo ra những thói quen được vun đắp bằng tình yêu và sự linh hoạt.
Bạn có thể tạo ra những lời hứa nho nhỏ, như Ally – thành viên SelfHealers tự hứa sẽ đều đặn uống nước, hay to lớn như học cách nói “không” với những điều không có ích cho bản thân. Trong cộng đồng SelfHealers có rất nhiều ví dụ hữu ích như: dùng chỉ nha khoa mỗi tối, rửa mặt mỗi chiều, giải một ô đố chữ mỗi ngày. Mấu chốt ở đây là mỗi ngày – cứ thực hành đều đặn và xây dựng niềm tin rằng bạn sẽ đều đặn giữ lời hứa với chính mình.
Rất nhiều bậc cha mẹ mà tôi từng nói chuyện đều kể rằng họ luôn đặt chuông báo thức sớm một tiếng so với các con để họ có thêm thời gian buổi sáng. Họ chuyển điện thoại sang chế độ trên máy bay và dành thời gian cho bản thân trước khi chuyển sự tập trung sang các nhu cầu của con cái, ví dụ như làm bữa sáng, đi dạo, đọc sách, tập thể dục, hoặc đơn giản là thư giãn một chút. Một thành viên SelfHealers từng viết: “Không ai có thể lấy đi một tiếng đồng hồ này của bạn”.
Cần nhấn mạnh rằng sự kỷ luật hằng ngày này phải bắt nguồn từ tình yêu thương. Nhiều người vạch ra những ranh giới quá cứng nhắc với bản thân, mà ranh giới kiểu “quân đội” như vậy không có sự linh hoạt, cũng không cho phép sai sót – vốn là điều tất yếu, nên có thể sẽ tạo ra những hành động mang tính hủy hoại, không thể hiện đúng nhu cầu và mong muốn của Bản ngã đích thực. Sẽ có những ngày ta chỉ muốn nằm dài cả ngày, nhâm nhi ly rượu, ăn miếng bánh ngọt, hoặc chỉ là không rửa mặt một hôm. Điều đó không sao cả. Một khi đã xây dựng được sự tự tin qua thời gian dài, ta sẽ biết rằng mình được phép nghỉ xả hơi mà sau đó vẫn quay lại được với những thói quen kia. Một ngày nghỉ sẽ không khiến mọi thứ sụp đổ.
Trụ cột thứ ba đi kèm theo kỷ luật lành mạnh, đó là chăm sóc bản thân. Gần đây cụm từ này hay bị hiểu xấu vì nó bị thương mại hóa theo nghĩa “buông thả bản thân”. Thực chất, chăm sóc bản thân nghĩa là quan tâm tới nhu cầu của chính mình và trân trọng giá trị của mình, và đó hoàn toàn không phải sự buông thả bản thân, mà là một phần cốt lõi của sức khỏe toàn diện. Chăm sóc bản thân là học cách xác định và chăm sóc cho những mong muốn và nhu cầu về thể xác và cảm xúc của chính mình, nhất là những mong muốn và nhu cầu mà thời còn nhỏ ta từng không được đáp ứng.
Có rất nhiều cách để chăm sóc bản thân trong một ngày: thiền trong 5 phút (hoặc hơn), tập thể dục, viết nhật ký, tận hưởng thiên nhiên, dành thời gian một mình, tắm nắng, kết nối thân mật với một người mà ta yêu quý. Tôi tin rằng một trong những phần cốt yếu nhất của việc chăm sóc bản thân chính là tạo thói quen ngủ tốt, vì giấc ngủ chất lượng sẽ khiến ta hạnh phúc hơn, giúp phát triển nhận thức và thậm chí kéo dài tuổi thọ. Mỗi ngày hãy đi ngủ sớm hơn nửa tiếng. Hãy tắt điện thoại trước khi đi ngủ hai tiếng. Đừng uống những thứ có chứa caffeine sau một giờ chiều. Hãy thử một hoặc tất cả các điều trên và để ý xem cơ thể và tâm trí bạn cảm thấy tốt hơn đến thế nào.
Trụ cột thứ tư là một trong những mục tiêu cao nhất của hành trình chữa lành: tìm lại tuổi thơ diệu kỳ. Sự kỳ diệu này là tổ hợp của sự sáng tạo, trí tưởng tượng, niềm vui, tính tự phát, và tất nhiên là cả sự nghịch ngợm nữa.
Chuyên gia tâm thần Stuart Brown, tác giả cuốn Play: How It Shapes the Brain, Opens the Imagination, and Invigorates the Soul (Vui chơi: Cách vui chơi định hướng trí não, khai mở óc tưởng tượng và tiếp sinh lực cho tâm hồn), đã gọi vui chơi là “một nhu cầu thiết yếu chung” sau nghiên cứu của ông về ảnh hưởng của việc thiếu vui chơi thuở nhỏ lên những thanh niên có hành vi sát nhân. Từ đó, ông đã nghiên cứu về vai trò của vui chơi trong cuộc sống của hàng ngàn người, và kết luận rằng cuộc sống mà không có vui chơi sẽ dễ sinh ra trầm cảm, những bệnh nan y liên quan đến căng thẳng, và thậm chí là kích thích các hành vi phạm tội. Ông viết: “Cần coi việc thiếu vui chơi giống như thiếu dinh dưỡng. Nó gây ra tác hại về sức khỏe thể xác và tinh thần”.
Rất tiếc, thực tế là phần đông chúng ta đều lớn lên trong những gia đình không coi trọng hoặc thậm chí không cho phép tuổi thơ diệu kỳ được tồn tại, vì thế nên óc sáng tạo của chúng ta cũng không được nuôi dưỡng. Bao nhiêu người trong số các bạn từng bị bắt dẹp hết màu vẽ đi vì “vẽ vời không kiếm ra tiền”? Bao nhiêu người có cha mẹ luôn phớt lờ hoặc chê bai những nỗ lực sáng tạo của chúng ta và ưu tiên những việc thiết thực hơn? Bao nhiêu người từng bị phạt vì vui vẻ trong khi đáng lẽ đang phải “làm việc”? Tôi không hề có bất cứ ký ức nào về việc mẹ từng chơi với mình khi còn nhỏ. Không một ký ức nào. Điều này thật đáng buồn, cho tôi – tất nhiên rồi, nhưng cũng cho cả mẹ nữa.
Khi đã trưởng thành, chúng ta rất cần ưu tiên những điều đem lại niềm vui cho mình trong cuộc sống, không phải vì chúng đem lại lợi ích gì cho ta như tiền bạc, thành công hay sự yêu mến. Bạn có thể kết nối lại với tuổi thơ diệu kỳ bằng cách bật những bài nhạc yêu thích và nhảy theo hoặc hát theo một cách thoải mái. Bạn có thể làm một điều “không giống mình”, tỏ ra bốc đồng một chút, nghe theo đam mê của mình. Bạn có thể thử một điều mới mẻ bạn vẫn luôn muốn thử, chỉ vì muốn thôi, không cần phải giỏi, ví dụ như: tập may vá, học một ngôn ngữ mới, học lướt sóng. Bạn có thể trồng cây trong vườn, khen quần áo của một người qua đường, hoặc kết nối lại với bạn bè cũ. Tất cả những ví dụ trên đều có một điểm chung là làm vì niềm vui chứ không vì lợi ích bên ngoài nào cả.
ĐỐI MẶT VỚI NỖI CÔ ĐƠN, THẤT VỌNG VÀ TỨC GIẬN
Nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong là việc khó khăn. Nó là một trong những tác nhân thay đổi sâu nhất, và nó cần rất nhiều thời gian cũng như sự điều chỉnh, vì mỗi ngày – thậm chí mỗi giây phút – nhu cầu của chúng ta đều thay đổi. Nó là một quá trình luyện tập mang tính cá nhân cao, đòi hỏi chúng ta liên tục nhận diện những nhu cầu và cơ chế đối phó luôn thay đổi của mình. Tôi phải cảnh báo rằng có thể nó sẽ mang lại sự chia ly. Tôi đã từng nhận rất nhiều email từ các thành viên SelfHealers chia sẻ những khó khăn của họ khi cha mẹ, họ hàng và bạn bè họ cật lực phản đối việc họ bắt đầu nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong. Một trong những email đáng nhớ nhất đến từ một người mẹ trách tôi “tẩy não” con gái bà, khiến cho cô ấy sau khi bắt đầu tự nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong thì cắt đứt liên lạc với bà. Sao tôi có thể trách bà ấy vì cố tìm mục tiêu trút giận bên ngoài gia đình chứ? Bà ấy đã sống cả đời trong những khuôn mẫu mà con gái bà hiện đang chủ động thay đổi. Việc bà đổ lỗi cho người ngoài thay vì nhìn lại những khuôn mẫu chuyển giao liên thế hệ tác động tới quyết định của con gái mình là điều không chỉ bình thường mà có lẽ còn khiến bà cảm thấy an toàn hơn.
Chúng ta không chỉ phải đối mặt với sự phán xét của người khác, mà còn có cả sự phán xét từ chính bản thân. Cô đơn là một từ khóa xuất hiện thường xuyên trong quá trình chữa lành, và đặc biệt là trong quá trình tự nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong. Quá trình này buộc chúng ta phải đến gần Bản ngã đích thực của mình, và nếu không có kết nối vững mạnh thì chúng ta có thể sẽ cảm thấy điều đó rất đáng sợ. Bạn có thể sẽ cảm thấy bất an và cô đơn hơn cả khi bắt đầu. Bạn có thể cảm thấy việc kết nối với bản thân một cách cởi mở đến thế khiến bạn khó chịu hoặc thấy phản tác dụng. Nhưng, chỉ khi bạn thực sự nhận thức được bản thân, bạn mới có thể bắt đầu làm cha mẹ của chính mình.
Rất nhiều thành viên SelfHealers trong quá trình làm cha mẹ của chính mình đã nhận ra rằng bấy lâu nay họ vẫn chung sống với những giận dữ bị kìm nén. Khi chúng ta thấy được mình từng bị thất vọng thế nào, từng bị phản đối hay bị làm hại thế nào trong quá khứ, những cảm xúc tức giận tiềm tàng có thể bị đánh thức. Một số người có thể muốn trách cha mẹ vì những nỗi khổ của mình. Một số lại mong cha mẹ đến cứu giúp và xoa dịu mình, như mong muốn từ tuổi thơ của họ. Về cơ bản, nhiều người trong chúng ta muốn nỗi đau của mình được công nhận. Những người hay giải quyết vấn đề sẽ muốn có một phương án rõ ràng. Rất nhiều thành viên SelfHealers đã quay lại đòi hỏi sự lắng nghe hoặc một lời xin lỗi từ cha mẹ mình.
Một số phụ huynh chấp nhận điều này. Có nhiều thành viên SelfHealers sau những cuộc trò chuyện chân thành nhưng cũng đau đớn với người chăm sóc đã xây dựng được mối quan hệ tốt hơn, sâu sắc hơn. Nếu bạn nghĩ việc để bản thân được lắng nghe là một bước bạn buộc phải làm trên hành trình nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong thì bạn cứ làm. Nhưng hãy nhớ, mục đích chính của việc này không phải là thay đổi đối phương, mà là để nói ra thực tại của bạn. Việc thể hiện cảm nghĩ và cách chúng ta nhìn quá khứ của mình có một ý nghĩa nội tại rất sâu sắc. Nếu bạn tìm được giá trị này, và chịu được bất cứ phản ứng nào có thể xảy đến, thì bạn đã sẵn sàng để nói chuyện với họ. Nhưng nếu bạn kỳ vọng cha mẹ bạn sẽ xin lỗi, công nhận cảm xúc của bạn hay trải nghiệm của bạn, thì tôi khuyên là bạn nên chờ đến khi bạn chấp nhận được việc bạn không thể biết được kết quả cuộc nói chuyện sẽ ra sao. Sự chữa lành nội tâm của bạn mới là ưu tiên. Trái với hy vọng của chúng ta, thường các bậc cha mẹ sẽ không thoải mái với những cuộc trò chuyện như thế này, và điều đó cũng dễ hiểu vì họ đã sống cả đời trong tình trạng đó rồi. Một lần vạch trần của bạn không thể đánh tan những hành vi đã lặp lại hàng thập kỷ. Chắc chắn sẽ có sự hoang mang, và đôi khi những cuộc nói chuyện thế này hại nhiều hơn lợi. Thậm chí, họ có thể sẽ giận lại bạn.
Việc thể hiện sự tức giận là bình thường, và rất dễ để cơn giận đó chiếm lấy ta. Đúng là ta nên để cơn giận được phát tiết, ta nên trải nghiệm nó và cho đối phương biết nếu ta muốn, nhưng đừng nên trông chờ người khác công nhận thực tại hay trải nghiệm của bản thân. Người duy nhất có thể làm điều đó cho bạn là chính bạn. Thực tại của bạn là thật vì bạn đã trải qua nó chứ không phải vì ai đó hay điều gì đó công nhận nó là thật.
Tôi muốn nhắc những độc giả có con cái hãy hít một hơi thật sâu và thở ra. Những người đã trở thành cha mẹ thường bắt đầu quá trình tự làm cha mẹ của chính mình với nỗi sợ và cảm giác tội lỗi rất lớn. Họ không thể không nghĩ tới việc mình sẽ (hoặc đã) hại con mình thế nào.
“Làm sao bảo đảm là tôi không làm vậy với chính con tôi?”. Đây là một câu hỏi tôi được nghe gần như là mỗi ngày.
Trả lời luôn cho gọn nhé: Bạn không thể bảo đảm.
Làm cha mẹ là việc rất khó và kích hoạt cảm xúc rất mạnh. Làm sao để luôn có ý thức và lắng nghe bản thân đủ để có ý thức và lắng nghe được con cái, để từ đó nhận diện và đáp ứng nhu cầu của con – đây là một yêu cầu rất cao. Sự thật là bạn chắc chắn sẽ mắc lỗi. Bạn sẽ có lúc không đáp ứng được nhu cầu của con cái. Bạn sẽ làm sai chỗ này chỗ kia. Và điều đó ổn – không những ổn mà còn có ích cho tương lai. Căng thẳng ở một mức nào đó sẽ giúp trẻ em phát triển sự dẻo dai về tâm lý – một yếu tố quan trọng giúp chúng trưởng thành về mặt cảm xúc. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về phần này sau.
NGHE THEO TIẾNG GỌI TỪ PHÍA TÂY NƯỚC MỸ
Tuy sự thức tỉnh của tôi bắt nguồn từ sự khắc nghiệt nhưng nó đã cho tôi cơ hội thay đổi toàn bộ sự tồn tại của mình. Chỉ sau khi tôi giữ khoảng cách với gia đình và cho bản thân không gian tồn tại độc lập, chứ không phải là một phần của gia đình nữa, tôi mới bắt đầu thực sự hiểu được những nhu cầu khác nhau mà tôi từng phớt lờ hoặc kìm nén. Vì là người sống lệ thuộc, nên các nhu cầu của tôi luôn phụ thuộc vào người khác (và nhiều lúc tôi còn tin rằng mình chẳng có nhu cầu gì). Tôi phải tạo không gian để bản thân có thể bước vào không gian tồn tại riêng, để tôi nhìn thấy được mình là một người độc lập, không lệ thuộc gia đình mình. Trong nỗi sợ và tàn tích, tôi đã gặp được chính mình. Và lần đầu tiên, tôi biết được mình thật sự cần gì.
Trong suốt cuộc đời mình, chỉ có ba lần tôi ưu tiên nhu cầu của mình dù người khác có thể sẽ chịu thiệt từ quyết định đó của tôi. Lần thứ nhất là khi tôi học đại học. Tôi quyết định từ bỏ môn bóng mềm(*) vì môn thể thao này không còn làm tôi thấy hạnh phúc nữa. Tôi biết cha mẹ tôi – đặc biệt là mẹ tôi – sẽ thất vọng, và có thể đội bóng của tôi sẽ thất vọng, nhưng tôi vẫn quyết định như vậy, vì chính mình. Lần thứ hai là khi tôi chấm dứt cuộc hôn nhân của mình sau hàng năm ròng mất kết nối. Một phần trong tôi vẫn có thể cầm cự tiếp đến mãi mãi, nhưng một phần khác đã quyết rằng: Điều này không giúp ích gì cho mình. Mình cần phải thay đổi.
(*) Bóng mềm (softball) là một biến thể của bóng chày được chơi với bóng to hơn trên sân nhỏ hơn. Được phát minh năm 1887 ở Chicago, bóng mềm còn được gọi là bóng chày trong nhà hay bóng chày nữ. (BTV)
Lần thứ ba là khi tôi và Lolly quyết định chuyển đến bang California. Tôi vẫn luôn muốn chuyển tới sống ở vùng phía Tây, nhưng tôi biết chắc gia đình tôi sẽ không vui nên tôi chưa từng coi đó là việc khả thi. Sau khi cắt liên lạc với gia đình, không còn cái gông vô hình nào trói tôi lại vùng bờ Đông – một nơi mà trực giác tôi biết không còn mang lại ích lợi gì cho tôi. Chỉ tầm chục năm trước thôi, nếu bạn nói với tôi rằng sau này tôi sẽ sống cách xa Philadelphia và thành phố New York hàng ngàn dặm, tôi hẳn đã cười to. Khi đó tôi như bị nghiện sự kích hoạt cảm xúc đến từ môi trường thành phố: sự hỗn loạn, tiếng ồn, ánh đèn và đám đông với những gương mặt trống rỗng phản ánh thế giới nội tâm của tôi. Bạn bè cũ coi sự chuyển biến của tôi như bằng chứng của cuộc khủng hoảng tuổi trung niên: Tôi từ bỏ hết cuộc sống cũ – công việc tự chủ, đại gia đình, bạn bè, quá khứ – và chuyển sang tận đầu kia của đất nước để bắt đầu cuộc sống mới. Khi tôi chia sẻ với một vài người thân thiết nhất về hiện trạng mới của mình, đôi khi tôi sẽ nhận được những cái nhướng mày, những câu hỏi sỗ sàng và thậm chí là thái độ thù địch.
Khi tới thăm bang California, cả Lolly và tôi đều biết ngay rằng đây là nơi chúng tôi muốn sống. Lúc này thế giới nội tại của tôi đã cân bằng hơn, thế nên tôi cũng bị thu hút bởi những điều đem lại sự cân bằng cho cơ thể: ánh mặt trời, thiên nhiên, một nơi tôi có thể hít thở tự do và vận động thân thể. Quyết định hành động của chúng tôi là một sự nối dài mang tính biểu tượng của quá trình nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong. Tôi công nhận những nhu cầu của bản thân. Tôi lắng nghe khao khát của mình. Và tôi hành động vì chúng. Tôi nghe tiếng gọi, và tôi đáp lời.
Quá trình chuyển đổi đó không dễ dàng. Mọi sự chuyển đổi đều khó khăn. Dù tình hình có khả quan đến đâu thì việc bạn làm vẫn phá vỡ thế cân bằng nội môi và ít nhất thì bạn cũng không thấy thoải mái. Chúng ta là những sinh vật phụ thuộc vào thói quen, và khi không được làm theo các thói quen bình thường, ta sẽ thấy mất cân bằng, mất an toàn và thậm chí là bài xích sự thay đổi. Bất cứ lúc nào chúng ta phải đối mặt với một sự kiện mang tính chất thay đổi để cân bằng như thay đổi công việc, chuyển nhà, người thân qua đời, sinh con, ly hôn,... chúng ta đều buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn để đến với sự bất định khủng khiếp – một nơi đem lại cảm giác bất an.
Quyết định rằng định mệnh của mình là sống ở California đồng nghĩa với việc tôi phải bỏ công việc mà tôi đã cố gắng gầy dựng và tạm biệt rất nhiều thân chủ mà tôi đã gắn bó. Tôi phải từ bỏ một số mối quan hệ tôi trân trọng. Thế cũng có nghĩa là quyết định chấm dứt liên lạc với gia đình giờ đây thật hơn bao giờ hết. Tôi tách bản thân ra khỏi những kết nối sang chấn của mình theo nghĩa đen, và điều đó vừa giải phóng tôi vừa khiến tôi sợ hãi. Lúc này, tôi đã có kỹ năng và phương pháp đối mặt với sự khó chịu và không chắc chắn. Tôi đã có thể kết nối với niềm tin từ trực giác của mình vào bản thân, và điều đó rất tuyệt vời. Dù vẫn gặp khó khăn với cảm giác cô đơn và hoang mang về tương lai, nhưng giờ đây tôi thấy mình đang đi đúng đường hơn bao giờ hết. Chất lượng giấc ngủ của tôi tốt lên, tôi tiêu hóa được nhanh hơn và nội tạng tôi bớt trì trệ, phổi tôi dường như phát triển thêm để hít thở không khí trong lành. Tôi thấy linh hồn mình nhẹ nhàng hơn, tâm trạng mình tốt hơn. Tâm hồn tôi càng thể hiện chính mình qua cơ thể tôi, tôi càng nhận ra mình thèm niềm vui đến thế nào. Và tôi cũng nhận ra rằng mình xứng đáng có nó.
Có một hôm trong quá trình viết cuốn sách này, tôi quyết định đi dạo một chút cho thư giãn đầu óc. Bước dọc bờ biển ở khu nhà mới của mình, tôi tận hưởng những cảm giác đến từ thế giới xung quanh và bắt đầu tập thực hành những thông điệp khuyến khích, yêu thương: Mình có thể làm gì cho bản thân ngay giây phút này? Ngay lúc câu hỏi đó hiện lên trong đầu, bài hát “There Will Be Time” (Rồi sẽ có thời gian) của Mumford & Sons cũng vang lên trong tai nghe của tôi. Tôi vặn to âm lượng, để mình chìm vào nhịp phách, vào sự đẩy đưa của từng phím đàn và sự hòa quyện của giọng hát.
Hãy để tôi nhìn thấy một luồng ánh sáng mới
Và rồi chắc chắn sẽ có thời gian
Những lời này như tiên tri vậy. Tôi đứng đó, cuối cùng đã nhìn rõ được bằng nhận thức và học được cách kết nối với những nhu cầu và mong muốn sâu kín nhất của mình. Và lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự tin rằng ở mọi thời điểm, chúng ta đều có vô số khả năng lựa chọn.
Tôi lại tăng âm lượng bản nhạc lên, bắt đầu gật gù và lắc lư theo nhạc.
Hình ảnh đó hoàn toàn không “giống” tôi. Từ lâu tôi vẫn không thích nhảy, nhưng tôi nhận ra rằng sự tránh né đó bắt nguồn từ một lớp múa ballet thuở nhỏ, khi tôi nhác thấy bóng mình trong gương và để ý rằng bụng tôi bự hơn các bạn nữ khác trong lớp. Từ khoảnh khắc đó, tôi càng ngày càng thấy không thoải mái và bị gò bó trong cơ thể mình hơn. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, tôi không còn nhảy múa ở nơi công cộng nữa, và khi nhìn người khác làm điều đó một cách tự do, tôi có cảm giác chán ghét. Vậy mà giờ sau hơn ba thập niên, tôi đứng đây, giữa chốn công cộng ở một thế giới mới lạ lẫm, lắc lư theo điệu nhạc. Rồi tôi giơ tay lên trời và nhảy nhót vòng quanh. Tôi nhảy múa. Tôi nhảy múa hết mình. Cho bất cứ ai, cho tất cả mọi người cùng thấy.
Buông bỏ nỗi sợ về việc người khác sẽ nghĩ gì, buông bỏ trạng thái phán xét bị điều kiện hóa và những nỗi đau của đứa trẻ bên trong bị tổn thương – đó là những điều mang lại hạnh phúc từ quá trình nuôi dạy lại chính mình. Nhảy múa trên bãi biển là hành động thể hiện sự chấp nhận bản thân của tôi – một bước tiến trong nội tâm tôi trên hành trình chữa lành.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: TIẾN TRÌNH NUÔI DẠY LẠI ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Hãy dành chút thời gian để chọn xem bạn muốn bắt đầu với trụ cột nào trong 4 trụ cột của việc nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong. Bạn có thể tự hỏi: “Điều mình cần nhất ngay lúc này là gì?”.
• Điều tiết cảm xúc. Thuở nhỏ, nhiều người trong chúng ta không được dạy giá trị của việc nhận thức cảm xúc của mình, hay cách để thực hành điều đó. Giờ khi đã trưởng thành, đây là một bước quan trọng trong quá trình chữa lành của chúng ta. Bạn có thể bắt đầu tập điều tiết cảm xúc bằng cách:
■ Tập hít thở sâu bằng bụng
■ Để ý xem các cảm xúc khác nhau sẽ kích hoạt cảm giác gì trong cơ thể bạn
■ Để ý xem điều gì kích hoạt cảm xúc của bạn
■ Cho phép cảm xúc tồn tại mà không phán xét: cứ để cảm xúc xuất hiện và trôi đi, và bạn chỉ quan sát chúng thôi
Hãy vận dụng những ví dụ trên (nếu cần) rồi viết ra những điều bạn có thể trao cho (hoặc tạo ra cho) bản thân ngay lúc này để điều tiết cảm xúc. (Sau này có thể bạn sẽ khám phá thêm được những cách mới để thực hiện thói quen hằng ngày này.)___________________________________________
• Kỷ luật lành mạnh. Thuở nhỏ, nhiều người trong chúng ta không được dạy những thói quen và kỷ luật đơn giản, có ích. Giờ khi đã trưởng thành, bạn có thể bắt đầu rèn luyện kỷ luật bằng cách:
■ Giữ những lời hứa nho nhỏ với bản thân mỗi ngày
■ Xây dựng những thói quen và kỷ luật hằng ngày
■ Nói “không” với những điều không có ích cho mình
■ Giữ ranh giới cá nhân kể cả khi điều đó khiến bạn thấy không thoải mái
■ Ngắt kết nối với bên ngoài và dành thời gian tự vấn bản thân
■ Nói rõ nhu cầu của mình bằng ngôn ngữ khách quan (và không phán xét)
Hãy vận dụng những ví dụ trên (nếu cần) rồi viết ra những điều bạn có thể trao cho (hoặc tạo ra cho) bản thân ngay lúc này để rèn luyện kỷ luật lành mạnh. (Sau này có thể bạn sẽ khám phá thêm được những cách mới để thực hiện thói quen hằng ngày này.)___________________________________________
• Chăm sóc bản thân. Thuở nhỏ, nhiều người trong chúng ta không được dạy về giá trị của những điều như giấc ngủ chất lượng, vận động, dinh dưỡng, kết nối với thiên nhiên. Giờ khi đã trưởng thành, bạn có thể bắt đầu tập chăm sóc bản thân bằng cách:
■ Đi ngủ sớm hơn một chút
■ Nấu và ăn cơm nhà
■ Thiền trong 5 phút (hoặc hơn)
■ Vận động trong 5 phút (hoặc hơn)
■ Viết lách, viết nhật ký
■ Dành thời gian tận hưởng và kết nối với thiên nhiên
■ Phơi nắng, cảm nhận nắng trên da mình
■ Kết nối với người mình yêu quý
Hãy vận dụng những ví dụ trên (nếu cần) rồi viết ra những điều bạn có thể trao cho (hoặc tạo ra cho) bản thân ngay lúc này để chăm sóc bản thân. (Sau này có thể bạn sẽ khám phá thêm được những cách mới để thực hiện thói quen hằng ngày này.)___________________________________________
• Tuổi thơ diệu kỳ: sự sáng tạo, óc tưởng tượng, niềm vui, tính tự phát và sự nghịch ngợm. Thuở nhỏ, nhiều người trong chúng ta không được dạy về giá trị của việc tìm niềm vui từ sự ngẫu hứng, sáng tạo, chơi đùa và chỉ đơn giản là tồn tại. Giờ khi đã trưởng thành, bạn cần nhớ để bản thân được chơi đùa, được kết nối và phát triển các sở thích của mình. Bạn có thể xây dựng sự vui thích này bằng cách:
■ Nhảy hoặc hát thoải mái
■ Làm một điều gì đó không lên kế hoạch trước
■ Thử một sở thích hay một thú vui mới
■ Nghe những bài nhạc yêu thích
■ Khen một người lạ
■ Làm một điều khi còn nhỏ bạn thích làm
■ Kết nối với bạn bè và những người mà bạn yêu quý
Hãy vận dụng những ví dụ trên (nếu cần) rồi viết ra những điều bạn có thể trao cho (hoặc tạo ra cho) bản thân ngay lúc này để nuôi dưỡng tuổi thơ diệu kỳ. (Sau này có thể bạn sẽ khám phá thêm được những cách mới để thực hiện thói quen hằng ngày này.)___________________________________________