Trưởng thành về cảm xúc không liên quan đến tuổi tác. Nhiều người trong chúng ta từ trước tuổi dậy thì đã trưởng thành hơn cả cha mẹ mình, và nhiều người vừa sinh ra đã trưởng thành hơn cha mẹ rồi ấy chứ. (Tôi đùa thôi, nhưng cũng có chút thật đấy).
Ở hướng ngược lại, sự thiếu trưởng thành về cảm xúc lại phổ biến hơn, và nó liên quan đến việc thiếu khả năng chịu đựng. Những người thiếu trưởng thành về cảm xúc sẽ thấy khó mà chịu được cảm xúc của chính mình. Khi giận dữ, họ sẽ đóng sập cửa, hoặc khi thất vọng, họ sẽ bắt đầu “chiến tranh lạnh” với người khác. Những người thiếu trưởng thành về cảm xúc cảm thấy khó chịu với cảm xúc của mình đến mức ngay khi có chút cảm xúc nào đó, họ liền nổi cơn tam bành và tỏ ra phòng thủ hoặc hoàn toàn “sập nguồn” chính mình.
Một số ví dụ có thể kể đến như một người cha gào lên “Đừng có vẽ chuyện ra nữa!” khi con ông có những nhu cầu không phù hợp với niềm tin và nhu cầu của chính ông, hoặc như một người bạn sau khi bất đồng quan điểm liền ngắt mọi giao tiếp và chiến tranh lạnh với bạn. Hành vi kiểu này bắt nguồn từ việc họ không chịu được sự khó chịu của người khác, và không thể chấp nhận được sự tồn tại của các cảm xúc khác nhau. Khi đó, quan điểm của người khác trở thành mối đe dọa, và họ không chịu được chúng vì họ sợ chúng.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Lindsay Gibson đã miêu tả sự thiếu trưởng thành về cảm xúc (thuộc phạm vi chủ đề làm cha mẹ) là “sự thiếu khả năng phản ứng cảm xúc cần thiết cho nhu cầu cảm xúc của đứa trẻ”81. Con cái của các bậc phụ huynh thiếu trưởng thành về cảm xúc sẽ cảm thấy cô đơn, hay cụ thể là “một trải nghiệm mơ hồ và cá nhân... một cảm giác trống rỗng, cô độc trên đời”82.
Tôi rất đồng cảm với cái cảm giác trống rỗng này, vì tôi chưa từng trân trọng nổi trải nghiệm của mình chứ chưa nói tới tận hưởng nó. Viết những điều này ra khiến tôi thấy thật lạ lẫm: Tôi gặp khó khăn với việc trải nghiệm “tiếng cười từ tâm hồn” – việc tận hưởng cuộc sống một cách thuần khiết – vì tôi có một kịch bản tiêu cực bắt tôi lặp đi lặp lại những hành động hủy hoại và phản bội bản thân. Làm sao tôi biết được điều gì khiến tôi hạnh phúc, khi tôi còn không biết mình cần gì?
Tôi cho rằng cảm giác trống rỗng đó bắt nguồn từ sự mất kết nối kéo dài với Bản ngã đích thực. Nhiều năm sống trong môi trường lệch lạc và không thể đáp ứng được những nhu cầu về thể chất, cảm xúc và tinh thần thường đi kèm với nỗi sợ bị hiểu sai. Những người lớn lên trong những gia đình không khuyến khích việc thể hiện bản thân thường sẽ trở nên tập trung thái quá vào cách người khác nghĩ và cảm nhận về mình. Nhiều người trong chúng ta đều có trải nghiệm này, và tôi tin rằng đó là một trong những lý do khiến hội chứng sợ xã hội trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Hội chứng sợ xã hội và sự chú trọng quá mức về ngoại hình được bộc lộ trên một diễn đàn mới: mạng xã hội – nơi chúng ta sinh hoạt hằng ngày. Nỗi ám ảnh của chúng ta với “lượt xem” và “lượt thích” bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi cái nhu cầu được nhìn thấy, được lắng nghe – những nhu cầu mà ta không được đáp ứng khi còn nhỏ. Phần lớn các thân chủ của tôi đều dành rất nhiều năng lượng tâm trí để cố được thấu hiểu. Nỗi sợ bị hiểu sai điều khiển phản ứng sinh lý của cơ thể, khiến chúng ta có những phản ứng căng thẳng và hành vi bị điều khiển bởi những khuôn mẫu suy nghĩ và những câu chuyện từ cái tôi của mình. Nỗi sợ đó trói ý thức về căn tính của mỗi người vào sự chấp thuận hoặc không chấp thuận của người khác (mà họ tự cho là người khác có nghĩ như thế). Nên nhớ rằng chúng ta là những sinh vật mang tính cộng đồng, và quá trình tiến hóa của chúng ta bắt nguồn từ cộng đồng và sự chấp thuận. Nếu bầy đàn không chấp nhận ta, kết quả sẽ rất tồi tệ, có thể dẫn tới mất mạng. Nỗi sợ bị cô lập vẫn tồn tại đến tận ngày nay, dù rủi ro không còn cao như ngày xưa. Mục tiêu được cộng đồng chấp nhận khiến chúng ta không thể kết nối được với những người xung quanh khi đang ở trong trạng thái sợ hãi. Nó khiến chúng ta trở nên nhạy cảm và phi lý, khiến chúng ta sợ làm những điều ngốc nghếch như nhảy múa theo bài hát yêu thích của mình ở nơi công cộng.
Với nhiều thành viên SelfHealers, điều mang lại đau khổ không phải là sự hiểu lầm bản thân, mà chính là việc ngày càng hiểu người khác. Chúng ta càng ý thức được tình trạng sống bị lập trình sẵn của mình, chúng ta sẽ đồng thời càng nhận thức được điều đó ở những người xung quanh. Đây là lý do vì sao nhiều người cảm thấy khó về thăm nhà đến vậy. Việc về thăm nhà khiến chúng ta có dịp nhìn lại những hành vi và thói quen của mình, nhìn thấy những tổn thương sâu bên trong mình và kích hoạt một vài trong số chúng. Chưa kể, có thể chúng ta còn phải chịu một phản ứng về cảm xúc hay được văn học gọi là “cảm giác tội lỗi của kẻ sống sót”, hay cảm giác của “người đã trốn thoát thành công”. Những cảm xúc này có thể khiến ta e ngại việc chia sẻ những tiến bộ và thành tựu của mình với những người “bị ta bỏ lại”, hoặc ta cảm thấy tồi tệ vì đã lột xác vượt khỏi con người cũ của mình, và ta muốn những người ta yêu thương cũng theo bước ta và thay đổi để mối quan hệ của ta và họ vẫn tồn tại. Tất nhiên là ta thật sự yêu quý những người đó, và ta muốn họ cũng được chữa lành. Vì vậy, ta có thể sẽ cố khiến họ “nhận ra thay đổi là cần thiết”, như nhiều người đã đặt cùng một mẫu câu hỏi với tôi: “Làm sao để khiến họ...?”. Đây là một nguyện vọng tuyệt vời, nhưng thực tế là không phải ai cũng có thể đi cùng với bạn trên một con đường. Đến đây chắc bạn đã hiểu, chữa lành là một việc cần sự kiên trì cam kết hằng ngày, và bạn phải chọn nó. Khi người thân yêu của bạn không cùng đi trên một con đường với bạn, trách nhiệm của bạn chỉ là ngừng chối bỏ thực tế, và chấp nhận mọi cảm xúc của bản thân về thực tế đó.
Một trong những cột mốc quan trọng nhất của sự trưởng thành về cảm xúc là khi bạn học được cách hòa hợp với những hiểu lầm, hoặc với việc bị hiểu lầm. Làm được vậy, bạn sẽ có thể sống đúng như Bản ngã đích thực nhất dù hậu quả có ra sao, bởi vì ý kiến, niềm tin và thực tại của bạn đều có giá trị chỉ vì bạn có chúng chứ không cần phải liên quan đến ai cả. Có thể ta không thích mọi phần của chính ta, nhưng mọi phần đó đều tồn tại và chúng cần được công nhận. Khi ý thức cốt lõi về bản thân ta quá đa dạng và phụ thuộc vào sự tác động bên ngoài thì ngay cả cách ta nghĩ người khác nghĩ gì về mình cũng có thể ảnh hưởng đến cách ta tự nhìn mình. Không có ranh giới, sự trưởng thành không thể tồn tại.
Hầu hết chúng ta đều chưa từng được học cách định hướng bản thân trong thế giới cảm xúc, và chúng ta cũng có rất ít sức bền cảm xúc: khi việc không theo ý mình, chúng ta không thể hồi lại như cũ. Khi bạn là chính mình một cách chân thật thì bạn sẽ phải đối mặt với sự đánh giá và phán xét. Bạn cũng sẽ khiến người khác thấy thất vọng. Đó là sự thật về cuộc sống, là một phần của việc làm một người năng động, độc lập. Không có nghĩa là vốn dĩ bạn sai, hay bạn đúng. Càng trưởng thành về cảm xúc, bạn sẽ càng dành được nhiều không gian hơn cho những người có vẻ ngoài, cách nói chuyện, cách hành xử hay suy nghĩ không giống bạn. Chịu được những khác biệt hoặc thậm chí là sự đối lập chính là một đặc điểm lớn của sự trưởng thành về cảm xúc.
QUY TẮC 90 GIÂY
Sự trưởng thành về cảm xúc cho chúng ta khả năng chấp nhận mọi cảm xúc, ngay cả những cảm xúc xấu xí mà chúng ta không muốn công nhận rằng mình có. Khả năng nhận thức và điều hòa cảm xúc của mình để người khác có thể bộc lộ cảm xúc của họ là một khía cạnh nền tảng của sự trưởng thành về cảm xúc, hay có thể nói là khả năng chịu được mọi loại cảm xúc của bản thân mà không để mình mất kiểm soát – một điều kiện cốt lõi cho mọi hoạt động xây dựng ý thức và năng lực mà chúng ta đang thực hiện.
Bạn tin không? Có cả quy tắc “90 giây” dành cho cảm xúc83 đấy: Nếu coi cảm xúc là những sự kiện sinh lý thì chúng chỉ kéo dài đúng một phút rưỡi, rồi chúng kết thúc. Cơ thể chúng ta muốn được trở về trạng thái cân bằng nội môi. Khi căng thẳng, cortisol trong cơ thể sẽ tăng cao, kích hoạt chu trình thần kinh gây lo âu, nhưng khi chúng ta cảm thấy căng thẳng có thể được kiểm soát thì một hệ thống đối lập sẽ đưa cơ thể về lại trạng thái cân bằng. Tuy vậy, điều này chỉ có thể xảy ra nếu tâm trí chúng ta không ngăn cản nó.
Không nhiều người trong chúng ta có khả năng xem cảm xúc của mình chỉ là sự kiện sinh lý. Hầu hết chúng ta đều kéo cảm xúc vào thế giới tâm lý của mình rồi bắt đầu vẽ ra những câu chuyện, suy nghĩ thái quá và lòng vòng, khiến bản thân rơi vào vòng lặp nghiện cảm xúc. Để rồi một sự khó chịu vốn chỉ tồn tại 90 giây phát triển thành sự khó chịu kéo dài nhiều ngày liền, thành sự giận dữ, hay thậm chí là hàng năm trời ghi thù. Với những ai luôn tránh né cảm xúc và không cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc mình có, cảm xúc sẽ không thể trôi qua đúng cách vì chúng ta cố giữ khoảng cách an toàn với chúng.
Khi bạn nghĩ xoáy vào những suy nghĩ tiêu cực, hệ thần kinh của bạn kích hoạt phản ứng như thể bạn đang trải nghiệm đi trải nghiệm lại chuyện tiêu cực đó. Cơ thể bạn không thể phân biệt được chuyện gì nằm ở quá khứ, chuyện gì đang xảy ra ở hiện tại – với nó, tất cả đều mang tính đe dọa. Chúng ta thường cảm giác như những cảm xúc đau khổ kéo dài hơn và mạnh mẽ hơn những cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trải qua cảm xúc cường độ mạnh, ý thức về thời gian của chúng ta bị bóp méo – đôi khi chúng ta thấy chuyện trôi nhanh hơn, đôi khi lại chậm như sên.
Mặt tích cực của điều này là chúng ta có thể tận dụng năng lực của ý thức để tạo ra một “thực tại” khác tích cực hơn. Trong quá trình kết nối lại với cơ thể mình và học về sự đa dạng của cảm xúc, tôi nhận ra sự khác biệt giữa căng thẳng và hào hứng. Cứ khi nào bị kích hoạt là tôi lại nghĩ mình đang căng thẳng, rồi tôi tắt nguồn bản thân hoặc mất kiểm soát. Tuy nhiên, càng quan sát chính mình, tôi càng nhận ra mình rất hay nhầm hào hứng với căng thẳng. Giờ đây, mỗi khi cảm thấy thôi thúc gọi tên điều mình đang cảm thấy là lo âu, tôi lại dành ra một giây và quan sát nó từ góc độ khác rồi nếu phù hợp thì cắt nghĩa nó theo cách hữu ích hơn, như là hào hứng chẳng hạn. Sự chộn rộn trong bụng ngay khi tôi sắp sửa đăng một bài lên Instagram về một chủ đề tôi đam mê chưa chắc đã là vì căng thẳng, mà nó đến từ sự hào hứng hay nhiệt tình. Khi chúng ta lùi một bước khỏi việc phản ứng theo bản năng, chúng ta sẽ có thể ngắt nguồn kích hoạt tâm trí – cơ thể, và đơn giản là cùng tồn tại với những cảm giác của cơ thể mình. Nếu cưỡng lại được thói quen vẽ ra một câu chuyện về nguồn gốc cảm xúc của mình, chúng ta sẽ rút ngắn được phản ứng sinh lý thường bị kéo dài của cơ thể. Nhờ vậy, chúng ta sẽ hiểu được rằng rồi chúng cũng sẽ qua.
Khi kết nối được với những cảm giác luôn thay đổi từ cảm xúc, chúng ta sẽ học được cách phân biệt chúng để từ đó hiểu hơn về những tín hiệu khác nhau mà cơ thể gửi cho ta. Thông qua việc ý thức và luyện tập quan sát cơ thể một cách khách quan, cụ thể như khi cơ bắp căng thẳng, khi hormone giảm, khi hệ thần kinh thả lỏng, khi thần kinh phế vị bị kích hoạt, chúng ta sẽ thấu hiểu được cơ thể mình. Từ đó, chúng ta có thể bắt đầu dùng những thông tin này để giao tiếp với người khác từ sự nhận thức nội tại cao hơn.
ĐỐI PHÓ VỚI SỰ MẤT CÂN BẰNG DO CẢM XÚC GÂY RA
Mục tiêu không chỉ là gọi tên được cảm xúc mà là trở về trạng thái cân bằng nội môi nhanh nhất có thể. Căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta trưởng thành về cảm xúc khi ta có thể chọn cách phản ứng với thế giới bên ngoài, từ đó leo ngược lên bậc thang đa phế vị và trở về đường cân bằng an toàn của trạng thái gắn kết xã hội, nơi khiến ta thấy thoải mái với bản thân và với những kết nối cùng người khác. Cách để trở về trạng thái cân bằng chính là ứng phó với cảm xúc, tuy giờ đây ta đã biết một số cơ chế đối phó ta học từ tuổi thơ không phải lúc nào cũng có ích cho Bản ngã đích thực của ta. Vậy, làm thế nào để chúng ta khám phá và đáp ứng những nhu cầu của mình một cách trưởng thành về cảm xúc?
Xoa dịu là cách tốt để đối phó với cảm giác khó chịu. Những phương pháp xoa dịu chúng ta xây dựng từ thuở nhỏ tồn tại để phù hợp với môi trường quanh ta. Giờ khi đã lớn, chúng ta cần cập nhật lại những cách ta chăm sóc nhu cầu cảm xúc của mình bằng những thông tin mới về cuộc sống hiện tại. Thay vì cứ quay về những cách xoa dịu từ tuổi thơ theo bản năng, sự xoa dịu chủ động sẽ cần những lựa chọn có ý thức. Xoa dịu là khi chúng ta đối diện trực tiếp với vấn đề một cách có mục đích và chủ động – điều này thường mang lại cảm giác rất thỏa mãn. Sau khi đã gọi tên và phân loại cảm xúc một cách không phán xét, bạn sẽ muốn tìm cách trung hòa phản ứng của chính mình.
Không phải lúc nào xoa dịu cũng bắt nguồn từ bản năng, nhất là khi bạn chưa từng có hình mẫu nào biết cách đối diện với khó khăn một cách phù hợp và linh hoạt để noi theo. Ở những giai đoạn đầu chặng đường phát triển sự trưởng thành về cảm xúc của mình, tôi hoàn toàn không biết phải làm thế nào để mình cảm thấy khá hơn khi đang tức giận hoặc chối bỏ cảm xúc. Lưu ý, ví dụ duy nhất về cách đối phó với khó khăn tôi từng có chỉ là chiến tranh lạnh hoặc lớn tiếng với nhau. Khi quan sát thấy những thói quen không được hoan nghênh đó hiện diện trong cuộc sống trưởng thành của mình, tôi đã thử những phương án mới. Một số cách cũng hiệu quả, một số lại khiến tôi thấy còn tệ hơn. Rồi tôi nhận ra rằng khi mình giận hoặc khó chịu (một cảm xúc khác tôi từng hay nhầm với lo âu), điều tôi cần là vận động thân thể. Sự trì trệ sẽ chỉ phản tác dụng. Thế là mỗi khi tôi cảm thấy bực bội, tôi lại đi dạo, rửa bát, vận động thân thể bằng mọi cách có thể để xả cái năng lượng sinh lý đi kèm với những cảm xúc của mình ra. Những hoạt động mang tính thư giãn như đọc sách (vốn là sở thích của tôi) hay tắm bồn lại khiến tôi cảm thấy bất an hơn. Có thể với bạn là ngược lại. Bạn phải tự thử nghiệm thì mới biết bạn cần gì khi bản thân đang bị kích hoạt năng lượng.
Một cách đối phó với cảm xúc ít thỏa mãn nhưng lại quan trọng hơn chính là chịu đựng sự khó chịu. Chẳng ai muốn cảm thấy mình phải phụ thuộc vào một điều gì đó để được xoa dịu (nghe cứ như một cái núm vú giả cho người lớn vậy). Cái chúng ta muốn là luyện cho mình thật linh hoạt để có thể uyển chuyển phản ứng lại với nghịch cảnh. Sẽ có những lúc chúng ta không thể đi bộ hay xả bồn tắm khi gặp tình huống kích hoạt cảm xúc, và ta chỉ có thể chịu đựng cho qua cái tình huống đó. Đây là trọng điểm của cách đối phó thụ động – một bước quan trọng trong quá trình trưởng thành. Trong những năm đầu đời, chúng ta trông chờ người khác xoa dịu mình, thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Nay đã trưởng thành, sự ổn định nội tại của chúng ta không còn phụ thuộc vào người khác nữa. Chúng ta cần học cách chịu đựng, cách chung sống với cảm giác khó chịu và tự đưa mình về trạng thái cân bằng.
Nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc tôn trọng những cảm xúc khi chúng xuất hiện. Điều chúng ta cần làm là quan sát câu chuyện diễn ra trong đầu: Chú ý là chúng đang xảy ra, giữ sự hiện diện của mình và cố không phán xét. Khác biệt giữa xoa dịu và chịu đựng là sự chịu đựng đòi hỏi một niềm tin nội tại: Chúng ta phải tin rằng mình sẽ vượt qua chuyện đó, từ đó sinh ra sự tự tin cho phép chúng ta đối mặt với những thử thách trong đời mà không cần sự an ủi từ điều gì ngoài bản thân.
Khi rèn luyện khả năng chịu đựng cảm xúc, bạn cần nhớ rằng tài nguyên trong bạn không phải là vô tận. Nếu bạn thật sự đã kiệt sức mà vẫn cố đẩy mình đi tiếp thì khả năng cao là bạn sẽ trượt lại vào những cách đối phó cũ quen thuộc hơn (như nóng giận, tránh né, lướt mạng xã hội). Muốn thành công, bạn cần công nhận những giới hạn của mình. Khi bạn đang bị quá tải, hãy tránh khỏi những tình huống nhạy cảm trước khi cảm xúc bị kích hoạt. Khi đang căng thẳng và mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi ở nhà thay vì cố thử thách giới hạn của mình. Hãy cho mình được phép nói “không” nếu điều đó có ích. Trưởng thành về cảm xúc là hiểu rõ những ranh giới về cảm xúc của chính mình và trao đổi chúng với người khác mà không sợ sệt hay xấu hổ.
Kỹ năng ứng phó (bao gồm cả xoa dịu, nhưng đặc biệt là chịu đựng) dạy ta rằng ta có thể chịu được sự khó chịu. Lý do ta cố tập trung vào những điều khiến ta phân tâm là vì ở một mức độ nào đó, ta tin rằng ta không thể chịu được những tình huống khó khăn. Càng tăng khả năng chịu đựng của mình lên là bạn càng dạy cho bản thân mình hiểu được rằng mình có thể vượt qua chuyện này. Người ta thường nói một cách cực đoan rằng ta nên đẩy bản thân tới tận cùng cảm xúc, nếu không chìm thì sẽ biết bơi, nhưng ý tưởng này không có ích cho hệ thần kinh. Thay vào đó, tôi khuyên bạn nên tăng kỹ năng đối phó của mình lên từng chút một cho đến khi nó vững hẳn, và khi đó bạn sẽ có một nguồn khả năng chịu đựng đủ dùng cho cả thế giới nội tâm lẫn thế giới bên ngoài.
LƯU Ý DÀNH CHO CHA MẸ
Có nhiều cách để phát triển sự trưởng thành về cảm xúc cho con cái bạn, nó cũng giống hệt như bạn làm cho bản thân vậy. Là cha mẹ, điều tốt nhất bạn có thể làm cho con là dành thời gian và năng lượng để chăm sóc chính mình. Khi bạn tôn trọng thân thể mình, biết cách vận dụng sức mạnh từ những phản hồi của hệ thần kinh, kết nối được với Bản ngã đích thực của mình và làm tấm gương về khả năng kiểm soát bản thân cũng như sự linh hoạt cho con, con bạn sẽ học theo những điều đó thông qua quá trình cùng điều chỉnh. Khi bạn là nền tảng an toàn để con bạn có thể dựa vào, chúng sẽ giữ được trạng thái cân bằng và biết cách biểu lộ cảm xúc của bản thân, nhờ vậy chúng có thể đối mặt với những khoảnh khắc rối loạn của riêng chúng.
Khi đã bắt đầu có sự trưởng thành về cảm xúc, bạn có thể dành ra một phần tài nguyên nội tại để giúp đỡ con mình đối mặt với cảm xúc của chúng. Giúp chúng học chăm sóc bản thân và thiết lập kỷ luật lành mạnh bằng cách dạy chúng vận động, dành thời gian ở một mình, ngủ đủ giấc,... Và khi chúng căng thẳng, bạn có thể giúp chúng hiểu về cảm xúc ấy theo cách chính bạn đã làm: nhận biết cảm giác từ cơ thể. Hỏi xem cơ thể chúng thể hiện ra sao. Khi Samantha chế giễu con, mặt con cảm thấy nóng. Khi bị bắt chia sẻ đồ chơi với Timmy, tim con đập nhanh hơn. Hãy giúp con bạn gọi tên những cảm xúc có thể có liên quan tới những cảm giác từ cơ thể đó (như xấu hổ, tức giận, ghen tị), và cho chúng thử vài cách khác nhau để xoa dịu những cảm giác ấy. Nhớ là cách tốt nhất đối với bạn chưa chắc đã là tốt nhất với con. Hãy coi đây là cơ hội để bạn học hỏi thêm về con cái mình với tư cách những con người riêng biệt.
Sẽ có những lúc con bạn gặp chuyện căng thẳng ở bên ngoài, và bạn không ở đó để giúp chúng đối mặt. Vì vậy, một bài học quan trọng cha mẹ cần làm gương cho con chính là học cách chịu đựng. Bạn không thể biết tương lai của con sẽ thế nào, và dù không ai muốn tưởng tượng ra những điều tồi tệ có thể xảy đến với người thân của mình, thì chúng ta cũng không thể ngăn chúng xảy ra. Nếu được dạy về cách chịu đựng căng thẳng – hay có thể nói là cách chịu đựng những cảm giác khó chịu và cho chúng trôi qua, con cái bạn sẽ phát triển được nội lực giúp chúng đương đầu với thế giới tuổi thơ và sau này là thế giới người lớn tốt hơn.
Tới đây, hẳn bạn đã hiểu được rằng mấu chốt quan trọng của việc làm cha mẹ chính là chấp nhận sự không hoàn hảo. Tôi nhận thấy nhiều người trong chúng ta thấy không dễ để chấp nhận sự không hoàn hảo, nhất là những người từng có nỗi đau tuổi thơ tạo nên thói quen làm hài lòng người khác hay thói quen đặt ra yêu cầu cao cho bản thân. Ngay chính tôi cũng khó mà chịu nổi mỗi khi tôi làm Lolly thất vọng. Tôi ghét cái cảm giác bị người khác nhìn thấy những khoảnh khắc không hoàn hảo của mình, hay thậm chí chỉ là những lúc tôi không thể giúp cô ấy về bất cứ chuyện gì, vì bất cứ lý do gì. Thất vọng là một phần tất yếu của việc làm người. Vì vậy, nếu cha mẹ có thể tạo nên một không gian từ tình yêu thương chân thật và con cái họ có thể tiếp thu điều đó, cha mẹ sẽ không còn phải lo lắng rằng con cái mình sẽ chịu tác động xấu từ những trải nghiệm sang chấn ở tuổi thơ. Khi cha mẹ có khả năng lắng nghe và chấp nhận những hiện thực khác của con, con cái họ sẽ cảm thấy được phép thắc mắc, được phép nói với thế giới về góc nhìn và trải nghiệm từ Bản ngã đích thực của chúng. Có nền tảng an toàn đó, những đứa con sẽ phản chiếu sự chân thành và an toàn này lại với cha mẹ, tạo nên mối quan hệ từ Bản ngã đích thực mà cả cha mẹ và con cái cùng xây dựng và cùng trải nghiệm. Sự biểu lộ chân thật mang tính tương hỗ như vậy chính là cốt lõi của dạng thức gắn bó an toàn mà chúng ta đã đề cập ở phần trước. Một nền tảng an toàn sẽ giúp bạn tự do khám phá thế giới quanh mình hơn, tự do mắc lỗi và đứng lên khi vấp ngã. Điều đó xây dựng tài nguyên nội tại của bạn, củng cố sức bền để bạn vượt qua được những khó khăn hiển nhiên sẽ xảy ra trong cuộc sống.
Bạn càng biết trân trọng và chấp nhận những sự không hoàn hảo của bản thân, sẽ đến một lúc bạn cũng bao dung được như thế với cha mẹ mình (dù với một số người thì điều này có khó khăn), với những người mình yêu quý. Tất nhiên, việc chấp nhận được rằng họ là những người có khả năng phạm sai lầm có thể khiến bạn thấy mệt mỏi hay thậm chí tức giận. Tuy nhiên theo thời gian, bạn càng đào sâu tìm hiểu về hoàn cảnh tạo nên họ và những điều họ trải qua, bạn sẽ càng có thể thông cảm cho họ mà không cần phải diễn giải vấn đề ra. Chúng ta hoàn toàn có thể đồng cảm với nỗi đau và thương cảm cho cái khổ của người khác mà vẫn giữ vững những ranh giới cá nhân cần thiết cho sức khỏe tinh thần, thể xác và cảm xúc của chính mình. Trưởng thành về cảm xúc là khi bạn dung hòa được “mềm” và “cứng” không chỉ với những người xung quanh bạn (như cha mẹ, con cái, bạn bè) mà với cả bản thân bạn.
THIỀN ĐỊNH VÀ SỰ TRƯỞNG THÀNH
John là một trong những thành viên SelfHealers ít trưởng thành về cảm xúc nhất mà tôi từng gặp (và không phải tôi đang nói xấu John đâu nhé, vì anh ấy hoàn toàn đồng tình với sự đánh giá này!), và cách miêu tả John chuẩn nhất chính là “khoa trương”. John mà bước vào một căn phòng thì sẽ làm cho căn phòng đó trở nên ngột ngạt, anh là kiểu người dù trong cuộc họp đông người cũng phải nắm quyền điều khiển cuộc trò chuyện, là kiểu người gia trưởng sẽ nổi nóng khi cảm thấy quyền lực của mình bị thách thức – nhất là bởi nữ giới. Tôi dám tả anh là một người “kém phát triển về cảm xúc” vì mọi việc đều phải xoay quanh anh – cách anh nhìn thế giới rất ái kỷ, hệt cách nhìn thế giới của một em bé tuổi sơ sinh hay mẫu giáo. Khi việc không như ý muốn, John sẽ gào thét, hoặc khi rất tức giận, anh sẽ im lặng một cách đáng sợ và xấu tính. Anh là một nhân viên kinh doanh. Tuy rất ghét công việc của mình, nhưng John lại lấy việc đạt doanh số, hay cao hơn là vượt doanh số cũ, làm tiền đề cho mọi khía cạnh của căn tính cá nhân. John rất giỏi trong công việc nhưng lại gặp khó khăn với sự gần gũi. Anh chưa bao giờ cảm thấy đủ thoải mái để thả lỏng và chỉ tồn tại là chính mình với bất kỳ ai, đặc biệt là với những đối tượng yêu đương.
John đã từng như vậy đấy, trước khi khởi hành trên chặng đường chữa lành bản thân. Khi lột xuống những lớp vỏ phản ứng bản năng, John mới chạm được đến cái lõi mềm yếu, tổn thương mang sang chấn tuổi thơ. Sự ái kỷ của John là tấm khiên chắn cho nỗi đau sâu bên trong của anh. Rồi John bắt đầu chia sẻ nhiều câu chuyện về cha mình: Ông rất hay nổi nóng, đặc biệt khi rượu vào, nhưng khi không uống rượu ông cũng có thể phát điên lên bất cứ lúc nào. Đôi khi ông sẽ đánh John bằng thắt lưng. Mẹ John – người cũng luôn có mặt trong những tình huống đó – thường sẽ tránh mặt đi rồi sau đó biện minh cho hành vi của chồng. Điều đáng nói là John còn cảm thấy tức giận về việc mẹ không bảo vệ mình còn hơn cả việc cha bạo hành mình.
Con người ta có xu hướng tìm đến những người có cùng mức độ trưởng thành cảm xúc với mình, và John cũng vậy. Anh bị thu hút (và thu hút) toàn những người phụ nữ có vẻ bị động và nghe lời. Họ để cho John than vãn, cho phép anh mất kiểm soát và hiếm khi can thiệp hay chất vấn anh về điều đó, cứ thế cho tới khi mối quan hệ tan vỡ vì một khoảnh khắc bùng nổ nào đó, rồi John lại lần nữa cảm thấy cô độc và không được thấu hiểu. Phải đến lần chia tay gần đây nhất – một mối quan hệ chấm dứt sau khi John thô bạo ném hơn chục chiếc đĩa thủy tinh xuống sàn vỡ tan tành – John mới thấy thôi thúc bắt đầu chữa lành bản thân.
Lần đầu nghe về khái niệm sự trưởng thành cảm xúc, John đã cảm thấy rất xấu hổ. Anh ghét việc mình thấy thấm thía những từ đó thế nào. Anh bị tác động mạnh đến mức ngưng hẳn việc tiếp xúc với những thông tin đó trong một thời gian. Nhận thức đôi khi có thể khiến chúng ta có cảm giác đột ngột, khó chịu. Rồi dần dần, John cũng bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về những phương pháp thiền định, mỗi ngày lại thiền nhiều hơn một chút, từ 5 phút lên 10 phút rồi cuối cùng là mỗi ngày 20 phút. Ranh giới cá nhân, một khía cạnh cuộc sống John chưa từng nhận thức được rằng nó được xác định tệ thế nào trong đời mình, đã trở thành điều anh đam mê khám phá. Anh lập danh sách những người hiện diện trong cuộc sống của anh, và những nhu cầu anh có về mối quan hệ với họ, rồi anh bắt đầu nỗ lực thay đổi kỳ vọng của bản thân về cách người khác thể hiện trong mối quan hệ với mình. Khi có những cảm xúc khó khăn, anh sẽ luyện chịu đựng sự đau đớn, khó chịu thay vì đẩy nó ra ngoài và trút lên người khác.
Giờ đây, tuy không dám tự nhận mình đã “trưởng thành” (và điều này tôi cho rằng cũng là một dấu hiệu của sự trưởng thành), nhưng John đã có những tiến bộ vô cùng tuyệt vời. Anh vẫn còn chút khó khăn với xu hướng phản ứng bản năng, nhất là trong những tình huống kích hoạt sang chấn tuổi thơ của anh – những khi anh cảm thấy bị phán xét hay hiểu lầm, anh đã có những công cụ giúp anh kiểm soát điều đó. Khi một cảm giác khó khăn xuất hiện, ví dụ như tức giận, John sẽ coi đó là một phản ứng sinh lý chứ không phản ánh con người thật sự của anh, và anh cũng giỏi để bản thân trải nghiệm cảm giác đó rồi cho nó trôi đi mà không bị nó chi phối hơn trước. John vẫn làm nhân viên kinh doanh, nhưng giờ anh còn là chuyên viên dạy thiền có chứng chỉ, và anh chia sẻ rằng đó là đam mê của mình (trụ cột thứ tư trong hành trình nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong). John nói mỗi ngày anh đều tập cải thiện xu hướng phản ứng bản năng của mình – đó là một phần của việc tồn tại hằng ngày.
SỰ TRƯỞNG THÀNH CẢM XÚC BÊN TRONG SẼ PHẢN CHIẾU RA BÊN NGOÀI
Việc đối mặt với những tình huống gây căng thẳng khiến chúng ta tiêu hao tài nguyên sẽ giúp kiểm định mức độ trưởng thành cảm xúc. John chia sẻ, anh vẫn đều đặn đánh giá cách mình phản ứng trước các tình huống. Anh chú ý tới những dấu hiệu cho thấy sau những tiến bộ về cơ chế đối phó với cảm xúc và nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong, vẫn còn những phần thiếu trưởng thành nào tồn tại và chực chờ tái xuất. Dù anh đã nỗ lực hết mức có thể, đôi khi chúng vẫn xuất hiện. Đều đặn kiểm định lại cách ta chịu trách nhiệm với bản thân giúp ta nắm được giới hạn chịu căng thẳng của mình và những điều có thể khiến ta cảm thấy quá tải. Khi cuộc sống trở nên căng thẳng, hoặc khi nhận thấy mình trở nên nhạy cảm, dễ kích hoạt sự căng thẳng, bạn nên ngẫm lại về những sự kiện đã tác động đến trải nghiệm của mình. Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn hiểu được sự nhạy cảm do căng thẳng của mình trước khi bị nó kiểm soát:
• Mình có thể học được gì từ chuyện vừa xảy ra?
• Những khuôn mẫu nào khiến chuyện trở nên như vậy?
• Làm sao để mình trân trọng cảm giác khó chịu và nhờ nó mà trưởng thành hơn?
• Làm sao để chấp nhận sự chỉ trích nhưng không coi chúng là chân lý tuyệt đối?
• Làm sao để tha thứ cho bản thân và cho người khác?
Càng học cách chịu trách nhiệm về bản thân, bạn sẽ càng có niềm tin vào Bản ngã của mình, từ đó biết cho phép mình thất bại. Chắc chắn đôi lúc bạn sẽ đi chệch hướng, nhưng bạn sẽ biết linh hoạt và tha thứ cho bản thân. Khi có niềm tin vào chính mình, bạn biết rằng dù sao đi nữa con đường vẫn ở đó đợi bạn đi tiếp. Đây chính là cốt lõi của việc chịu trách nhiệm về bản thân, từ đó khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Ai cũng có lúc vấp ngã, bạn cũng thế. Sẽ có những tuần bạn mệt mỏi đến mức chẳng làm được gì. Sẽ có những lúc bạn gặp thử thách, rồi bạn phản ứng theo những cách mà chính bạn còn thấy xấu hổ. Sẽ có những chuyện căng thẳng mới luôn xuất hiện trong cuộc sống của bạn theo nhiều cách, dù đó là chăm sóc người thân bị ốm hay bạn vừa có em bé, hay vừa mới chia tay người yêu, và có thể những lúc đó bạn chẳng sử dụng được công cụ ứng phó nào. Ai trong chúng ta cũng đều có những khoảnh khắc thiếu trưởng thành về cảm xúc. Con người là vậy. Chúng ta luôn thay đổi và mức độ trưởng thành cảm xúc trong từng khoảnh khắc của chúng ta cũng thay đổi theo, tùy thuộc vào môi trường, tình trạng hormone hay tùy lúc đang đói, đang mệt mỏi.
Sự trưởng thành cảm xúc không phải một mục tiêu để đánh dấu “hoàn thành” hay một màn trong trò chơi cần chinh phục. (Vì giờ bạn đã là một người hoàn toàn có nhận thức rồi nên bạn chiến thắng rồi nhé!). Trưởng thành về cảm xúc không phải một trạng thái mầu nhiệm gì cả. Thông điệp bên trong nó cũng không phải là về sự tồn tại sau giác ngộ, mà là về việc trau dồi bản thân, biết tha thứ cho bản thân – những điều cuối cùng sẽ đưa bạn đến một sự trọn vẹn cao hơn.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: CÁCH PHÁT TRIỂN SỰ TRƯỞNG THÀNH VỀ CẢM XÚC VÀ KHẢ NĂNG HỒI PHỤC
Bước 1. Tái kết nối với cảm xúc, khám phá lại cảm xúc của mình. Cảm xúc là những sự kiện xảy ra trong cơ thể của bạn, kèm theo đó là những thay đổi của hormone, chất dẫn truyền thần kinh, các giác quan và các luồng năng lượng trong cơ thể. Cơ thể mỗi người có những cách phản ứng khác nhau với những cảm xúc khác nhau. Để phát triển khả năng nhận biết (và sau đó là xoa dịu) cảm xúc của mình, đầu tiên bạn cần tập hiểu về cách cơ thể bạn phản ứng với những sự kiện cảm xúc.
Để làm được vậy, tôi khuyên bạn nên coi việc kết nối với cơ thể đặc biệt và độc nhất của mình như một thói quen mới hằng ngày. Dưới đây là một bài thiền mẫu để giúp bạn thực hiện điều đó. (Nếu muốn nghe bài thiền, hãy vào trang web của tôi: theholisticpsychologist.com)
THIỀN KẾT NỐI VỚI CƠ THỂ
Hãy thực hiện bài thiền này vài lần trong ngày để giúp bản thân giữ kết nối với trạng thái cảm xúc luôn thay đổi của cơ thể.
Đầu tiên, tìm một nơi yên tĩnh, chọn một tư thế ngồi hoặc nằm đủ thoải mái trong vài phút. Bạn có thể dùng bài hướng dẫn thiền dưới đây:
Để mình chìm vào khoảnh khắc hiện tại. Hãy bắt đầu hướng sự chú ý vào chính mình và những gì bên trong mình. Nếu thấy thoải mái, hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại, hoặc chọn một điểm và nhìn vào đó, thả lỏng ánh nhìn.
Hít một hơi sâu, đưa không khí vào đầy phổi... cảm nhận bụng căng ra... chậm rãi thở hết ra... lặp lại... cảm nhận phổi căng ra ngập tràn không khí... thở ra nhẹ nhàng chậm rãi. [Bạn cứ lặp lại bài tập thở này bao lâu tùy thích, trong lúc đó để ý rằng cơ thể bạn sẽ càng lúc càng chìm sâu hơn vào trạng thái thiền.]
Khi đã sẵn sàng, hãy chuyển sự chú ý vào cơ thể vật chất của bạn, và vào mọi giác quan đang hoạt động. Bắt đầu từ đỉnh đầu, hãy rà soát cơ thể mình, để ý xem chỗ nào cảm thấy căng thẳng, đang gồng, đang cảm thấy nóng, thấy tê, hoặc thấy nhẹ nhàng. Nán lại một hai khắc khi rà qua vùng đầu, vùng cổ, vùng vai, rồi xuống dần. Để ý bất kỳ cảm giác nào đang hiện hữu ở cánh tay và bàn tay. Xuống nữa, rà qua vùng ngực và vùng bụng. Xuống nữa tới đùi, tới bắp đùi, bàn chân, ngón chân, và kết thúc. [Hãy dành bao lâu tùy thích, tùy mức độ thoải mái của bạn cho phần rà soát cơ thể này.]
Dành bao lâu tùy thích để kết nối với bất cứ phần nào bạn cảm thấy cần, và khi đã sẵn sàng, hãy chuyển sự chú ý về lại hơi thở. Từ từ mở rộng sự chú ý ra môi trường xung quanh. Giờ hãy quay lại với những gì bạn đang nhìn thấy, nghe thấy và ngửi thấy ở giây phút hiện tại.
NHẬT KÝ TÔI TƯƠNG LAI:
KIỂM TRA TÌNH TRẠNG CẢM XÚC CƠ THỂ
Bạn có thể dùng ví dụ sau đây để kiểm tra (hoặc tự lập danh sách):
• Hôm nay mình sẽ luyện tập ý thức thay đổi về tình trạng cảm xúc trong cơ thể mình.
• Mình thấy biết ơn vì có cơ hội luyện tập trở thành người trưởng thành hơn về cảm xúc.
• Hôm nay mình sẽ có thể kết nối với cơ thể để hiểu hơn về cảm xúc của mình.
• Những thay đổi ở khía cạnh này sẽ giúp mình cảm thấy được kết nối hơn với thế giới cảm xúc của mình.
• Hôm nay mình sẽ nhớ thường xuyên để ý đến cảm nhận của cơ thể.
Bước 2. Đưa cơ thể về trạng thái cân bằng. Khi đã bắt đầu nhận thức được những thay đổi trong cơ thể do tác động của cảm xúc, giờ bạn có thể dần lập ra những cách luyện tập giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng ban đầu. Hãy nhớ rằng mỗi người đều là một cá thể khác nhau và sẽ có cách phản ứng khác nhau với những hoạt động sắp được nhắc đến ở dưới. Hãy dành thời gian khám phá những cách xoa dịu cảm xúc khác nhau. Có thể bạn phải thử qua nhiều hoạt động mới biết được cái nào hiệu quả nhất với bạn.
Chúng ta cần rèn giũa hai nhóm công cụ ứng phó: xoa dịu và chịu đựng.
• Các hoạt động rèn luyện khả năng xoa dịu:
■ Tắm bồn. Ngâm mình trong nước ấm có thể giúp cơ thể bình tĩnh lại. (Bạn có thể pha thêm muối Epsom vào nước để cơ bắp thư giãn hơn.)
■ Tự mát-xa. Có thể chỉ đơn giản như xoa bóp bàn chân, bắp chân. Trên YouTube có nhiều video hướng dẫn mát-xa các huyệt giúp giảm căng thẳng.
■ Đọc. Đọc tiếp cuốn sách hay bài báo mà thời gian qua bạn vẫn định đọc.
■ Nghe, chơi, viết nhạc. Bạn thích gì làm nấy!
■ Ôm ấp, âu yếm với bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn, như thú cưng của bạn, con cái bạn, bạn bè, người yêu, vợ/chồng, hoặc một cái gối êm ái.
■ Vận động (nếu điều kiện cho phép). Vận động kiểu gì cũng có ích cả!
■ Thể hiện cảm xúc. Hãy thử hét to vào một cái gối, hét trong phòng tắm, hoặc vào khoảng không rộng lớn ở một nơi vắng người (để đừng khiến hàng xóm hết hồn!).
■ Viết một lá thư, một trang nhật ký, hay một bài thơ về cảm xúc của bạn. (Lúc này cố gắng tránh viết về những sự kiện gây kích hoạt cảm xúc. Làm vậy sẽ khiến các phản ứng sinh lý của cơ thể tiếp tục bị kích hoạt.)
• Các hoạt động rèn luyện khả năng chịu đựng:
■ Nghỉ ngơi. Đúng vậy đấy, kể cả khi bạn cần hủy một cuộc hẹn hay kế hoạch.
■ Cảm nhận bản thân ở hiện tại. Hãy sử dụng các giác quan để chú tâm vào những gì bạn có thể nhìn, ngửi, chạm, nếm và nghe từ môi trường quanh mình. Làm vậy sẽ giúp bạn có cảm giác hiện hữu ở hiện tại một cách an toàn hơn.
■ Tập thở. Có thể chỉ đơn giản là đặt một tay lên bụng và hít thở sâu 2-3 lần, cảm nhận phổi căng ra và xẹp xuống, để ý từng thay đổi về năng lượng trong cơ thể. Trên YouTube hay Spotify có rất nhiều bài hướng dẫn tập thở.
■ Dành thời gian cảm nhận thiên nhiên. Hãy dành sự chú ý của bạn để trải nghiệm môi trường xung quanh trọn vẹn nhất, và cảm nhận những nguồn năng lượng bình yên nào đang hiện hữu.
■ Thiền hoặc cầu nguyện, bao gồm mọi hoạt động liên quan đến tâm linh hay tôn giáo mang tính cộng hưởng.
■ Lặp đi lặp lại những câu khẳng định cho tương lai hoặc phương châm của bạn. Hãy thầm lặp đi lặp lại với chính mình những câu xác định mục đích hành động của bạn, ví dụ như “Tôi đang an toàn”, “Tôi đang kiểm soát được tình hình”, “Bình yên tồn tại bên trong tôi”.
■ Dời sự chú ý của bản thân khỏi mọi thứ trừ cảm xúc của bạn. Đúng, ý tôi chính là bạn hoàn toàn có thể quyết định mình sẽ để ý bao nhiêu đến cảm xúc của mình – miễn là bạn không phải lúc nào cũng cố không chú ý đến chúng!
■ Tìm sự giúp đỡ. Hãy liên lạc với người cho bạn cảm giác an toàn. Sẽ rất có ích nếu bên cạnh bạn có một người có khả năng tập trung lắng nghe suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Khi bạn nhận thức được rằng mình đang muốn được lắng nghe (thay vì được cho lời khuyên – điều mà nhiều người bạn có ý tốt hay làm), bạn rất nên cho họ biết điều đó trước khi bắt đầu chia sẻ. Nhớ rằng việc này khác với than thở hay xả rác cảm xúc, bởi khi làm hai điều đó, bạn chỉ đơn thuần là trải nghiệm đi trải nghiệm lại cái sự kiện kích thích cảm xúc rồi bị mắc kẹt trong cái vòng lặp đó mà thôi.