Chúng ta không bao giờ có thể “hoàn thành” việc học về sự trưởng thành cảm xúc. Trau dồi sự trưởng thành cảm xúc là một quá trình nhận thức bản thân và học cách chấp nhận mỗi ngày. Sẽ có những lúc bạn tiến bộ, cũng sẽ có những trở ngại để kiểm tra quá trình của bạn. Đây, ngay lúc đang viết chương này cũng là lúc tôi đang trải qua một “bài kiểm tra” như vậy.
Tuần vừa rồi tôi khá vất vả. Mệt mỏi, làm việc quá sức, và rồi có một người lạ chỉ trích tôi trên mạng một cách gay gắt khiến tôi cảm thấy như bị rút cạn năng lượng. Tôi thấy mất tinh thần đến mức dường như chỉ đọc thêm một bình luận xa lạ nữa thôi là tôi sẽ khóc ngay được. Khi đó tôi chỉ muốn gom hết đồ để trốn chạy khỏi cuộc sống mà tôi đã gầy dựng này, vì tôi ghét việc mình bị hiểu lầm tai hại đến vậy.
Ấy thế mà tôi lại chọn xoáy vào việc đó hơn nữa, bằng cách ngồi trên ghế bành và lướt Instagram để tìm thêm những lời lẽ quá đáng khác, khiến tôi tức lên và xé nát ruột gan tôi, làm tôi càng đau hơn.
“Đứng lên nào, đi thôi”, Lolly giục tôi. “Chúng mình ra bãi biển thôi.”
Bãi biển không chỉ là một cái cớ để kéo tôi ra khỏi nhà, khỏi việc đắm chìm trong đau khổ và thương hại bản thân. Bãi biển Venice hôm đó vốn sẽ là một ngày đặc biệt, một cơ hội hiếm có để ngắm hiện tượng tảo nở hoa buổi tối tạo ra phát quang sinh học thắp sáng từng ngọn sóng như ánh đèn neon. Nhưng tôi từ chối.
Thế là Lolly ra biển một mình và để tôi ở nhà gặm nhấm nỗi đau. Càng xoáy vào sự thương xót cho bản thân, tôi càng tức hơn, tức hơn nữa, rồi cái tôi tức giận của tôi tự tạo ra một câu chuyện: Sao cô ấy dám bỏ mình lại như thế? Lúc nào có chuyện khó khăn cô ấy cũng làm vậy! Đúng là sỉ nhục mình mà! Dù chính tôi đã bảo Lolly đi một mình, nhưng trí óc tôi lại dựng nên câu chuyện như thể cô ấy là kẻ phản bội, và tôi là người bị phản bội. Tôi đủ hiểu mình để biết rằng câu chuyện do cái tôi vẽ nên này chính là sự phóng chiếu nỗi đau của đứa trẻ bên trong mà tôi vẫn luôn gặp khó khăn khi đối mặt: niềm tin cốt lõi rằng Mình không được quan tâm. Ý nghĩ đó dẫn đến một ý nghĩ tăm tối hơn: Mình thật thất bại. Lolly thậm chí không thể chịu nổi việc ở cạnh mình. Thế rồi tâm trí tôi bắt đầu xoay quanh một ý nghĩ duy nhất: Mình cô độc. Mình cô độc. Mình cô độc.
Tuy thấy được hết những lời độc thoại nội tâm đó nhưng tôi lại không thể gom đủ sức để kéo mình ra khỏi vòng xoáy suy nghĩ ấy. Thay vào đó, tôi để đứa trẻ bên trong mình dỗi thêm vài phút, rồi tôi ngẩng đầu lên và bắt đầu vận dụng những công cụ mà bấy lâu nay tôi luôn rèn giũa (và đã chia sẻ với bạn). Bắt đầu từ hơi thở, tôi tập trung cảm nhận dần dần không khí tràn vào và thoát ra khỏi phổi mình. Tôi quan sát. Tôi gọi tên những phản ứng sinh lý trong cơ thể: sự giật nảy vì kích động, cảm giác quặn ruột vì thất vọng, luồng điện tức giận đến từ những tiêu cực trên mạng xã hội. Tôi dần gọi tên được những cảm xúc liên quan đến những cảm giác đó: tức, sợ, buồn. Việc gọi rõ tên chúng ra khiến những câu chuyện hợp lý hóa chúng bắt đầu xuất hiện và xâm chiếm ý thức tôi, nhưng khi cái tôi của tôi bắt đầu đưa ra từng ví dụ để chứng minh tôi là kẻ vô giá trị thế nào, thì tôi càng neo mình vào ý thức của mình và quan sát mà không phán xét, để cho cảm xúc đến rồi đi.
Khi tâm trí có ý thức đã nắm quyền kiểm soát, tôi tự hỏi: Mình có thể làm gì cho mình ngay lúc này? Làm sao để đối phó với những “cảm giác mình tồi tệ” này? Tôi bước tới bồn rửa bát để dọn dẹp, rửa bát đĩa và bắt đầu tự kể cho mình một câu chuyện ngược lại: Mình có giá trị. Mình được yêu thương. Mình không cô độc, ngay cả khi chỉ có một mình trong một không gian như hiện giờ. Ngâm tay dưới làn nước ấm đầy bọt xà phòng, tôi tập trung những “cơ bắp” chú ý của mình vào hành động tôi đang làm, rồi năng lượng cảm xúc của tôi tan ra xung quanh, khiến đầu óc tôi có chỗ để nhìn thấy được đúng tình trạng cảm xúc hiện tại của mình: Mình đang mệt, mình làm việc quá sức, và mình để lời người khác chỉ trích thành tựu của mình khiến cả cơ thể mình phải trải qua sự sụp đổ về cảm xúc. Mình không hề muốn đứng đây mà hờn dỗi mãi như thế. Mình muốn ở bên người bạn đời của mình, cùng nhau ngắm cảnh đẹp.
Rồi tôi quyết định rằng mình có thể cứ mắc kẹt ở đây, cố gắng thải hết cảm xúc ra, hoặc mình có thể tránh khỏi cái lực hút bản năng vào những điều quen thuộc và làm điều tôi đã hứa với chính mình sẽ làm vào hôm đó: đi ngắm những ngọn sóng xanh tuyệt vời kia. Thế là tôi quyết định rời khỏi cái tổ “căm ghét bản thân”.
Tới bãi biển, tôi nhìn thấy Lolly đang ngắm nhìn đại dương xanh ngắt, kẹp giữa hàng lớp người cũng đang tận hưởng món quà tuyệt diệu từ Mẹ Thiên nhiên. Tôi đến chỗ Lolly và chúng tôi cùng nhau phóng tầm mắt về phía đại dương rực rỡ đến khó tin, không ai nói lời nào.
Tôi của hiện tại vẫn là một đứa trẻ bị tổn thương, vẫn đang đau, vẫn cảm thấy bị hiểu sai, nhưng tôi không hề cô độc hay bị giam cầm bởi những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Nếu tôi để cách nghĩ đó kiểm soát mình thì tôi đã không thể đến bãi biển, và đã không thể tận hưởng vẻ đẹp đó.
Khoảnh khắc ở bãi biển đó không chỉ có ý nghĩa với sự trưởng thành về cảm xúc của tôi, mà nó còn là một bước đánh dấu sự thay đổi về trạng thái cảm xúc của tôi khi cảm xúc ấy có liên quan đến người khác, đặc biệt là những người tôi yêu nhất. Và đây chính là mục tiêu cao nhất của hành trình chữa lành. Từ thiết lập ranh giới cho đến làm quen với đứa trẻ bên trong mình, rồi đến nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong – tất cả những việc đó dẫn chúng ta đến trạng thái cùng tồn tại với đứa trẻ bên trong một cách chân thành.
Việc thay đổi tâm trí và não bộ, phát triển bản thân đến mức cao nhất sẽ giúp chúng ta tạo ra niềm vui, sự sáng tạo, sự thấu cảm, sự chấp nhận, sự cộng tác và cuối cùng là sự đồng nhất với cộng đồng lớn quanh ta. Giáo sư Steve Taylor, người tôi đã nhắc tới trong Chương 11, đã nhận thấy những sự phát triển tương tự nhau về tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu sâu sắc và sự bình yên nội tại trong tất cả những trường hợp thức tỉnh mà ông từng nghiên cứu. Những yếu tố này là cốt lõi của cái gọi là “tương hỗ”: một trạng thái chân thực, kết nối lẫn nhau, là bằng chứng cao nhất cho quyền năng của sự chữa lành toàn diện. Hành trình chữa lành từ đầu đến giờ đã dẫn chúng ta đến khoảnh khắc này, đến khả năng đạt được sự hòa hợp. Nó đưa chúng ta về lại trạng thái nhận thức và kết nối tinh khiết trọn vẹn nhất. Chúng ta thực sự đang thay đổi tâm trí và cơ thể mình, và quay về sự biểu đạt tâm hồn nguyên thủy nhất. Chúng ta tìm thấy sự siêu phàm trong chính mình và mở rộng ra thế giới quanh mình.
TÌM THẤY CỘNG ĐỒNG SELFHEALERS
Tôi vẫn chưa chia sẻ về một mảnh ghép mấu chốt của hành trình chữa lành của tôi, đó là việc tìm thấy cộng đồng của mình. Đây chính là mục tiêu của sự tồn tại tương hỗ. Cộng đồng là một khái niệm có nhiều cách hiểu: Có người tìm thấy cộng đồng của mình trên mạng xã hội, có người lại thấy hàng xóm quanh mình chính là cộng đồng mình thuộc về, có người tìm qua sở thích, từ nhà thờ, từ trường lớp. Tôi tìm thấy cộng đồng của mình trong khoảng thời gian khám phá bản thân cô độc của tôi, khi quanh tôi chẳng còn mấy người khiến tôi cảm thấy họ có thể hiểu được nhận thức mới của tôi. Khi đó tôi cảm thấy rất cô đơn, như thể trong cả cái thế giới ngủ vùi này chỉ có mình tôi và Lolly là thức. Những ranh giới cá nhân tôi thiết lập trong quá trình học nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong đã chấm dứt những mối quan hệ không có ích với tôi, và điều đó nghĩa là cắt đứt với những người tôi từng coi là cộng đồng cốt lõi của mình. Tôi dần đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn, đi ngược lại quy tắc xã giao: không đi uống rượu vào buổi chiều, không làm bản thân mệt mỏi vì phải xếp lịch làm việc, không hoạt động đến khuya khiến chất lượng giấc ngủ và lịch trình buổi sáng bị xáo trộn.
Tôi đã đi một chặng đường dài. Và tôi vô cùng tự hào. Tiếng nói trực giác của tôi thúc giục tôi kết nối với những người khác, với thế giới rộng lớn quanh tôi. Việc giữ khoảng cách với tất cả mọi người không mang lại cho tôi cảm giác trọn vẹn. Tôi cần tìm được những người dành cho mình, cần chia sẻ hiểu biết của mình và học hỏi từ người khác. Ngay khi đó, Lolly đã gợi ý tôi chia sẻ về trải nghiệm của mình trên mạng. Lúc đó tôi vẫn còn ở Philadelphia, vẫn làm công việc trị liệu của một nhà tâm lý đi theo con đường truyền thống, và tôi cần giữ công việc toàn thời gian của mình. Tôi sợ những niềm tin của mình sẽ không chỉ khiến nhiều đồng nghiệp xa lánh mình mà còn làm tôi mất những khách hàng có tâm lý truyền thống. Tôi vẫn cần kiếm sống chứ, nhưng bên trong tôi như có một lỗ hổng. Khao khát được kết nối của tôi chính là động lực chính khiến tôi bắt đầu viết về hành trình của mình trên Instagram, và qua đó tôi tìm kiếm những người có thể hiểu được ngôn ngữ SelfHeal, đồng cảm được với cái thế giới sức khỏe toàn diện mới này. Tôi mở trang web The Holistic Psychologist vào năm 2018, và nhận được phản hồi gần như ngay lập tức. Có vô số người khác cũng khát khao được kết nối như tôi, cũng có những trải nghiệm và hiểu biết giống tôi. Hàng đoàn người sẵn sàng tham gia vào hành trình chữa lành sâu sắc này. Tiếng lành đồn xa, và tôi bắt đầu có một mục đích nữa: xây dựng một cộng đồng an toàn giúp tạo ra không gian chữa lành rộng lớn nhất có thể. Những con số ngày một tăng. Mỗi một người bước vào hàng ngũ thành viên SelfHealers lại càng củng cố niềm tin của tôi vào thông điệp của mình hơn, và điều đó cho tôi sự tự tin dành trọn sức lực của bản thân vào việc khẳng định khái niệm Tâm lý học Toàn diện.
Càng tận tâm với vai trò người dạy và chia sẻ thông tin theo nhịp độ tôi vận dụng chúng vào chính cuộc sống của mình, cộng đồng càng phát triển và không ngừng trao đi giá trị. Tất cả cùng tạo ra một cộng đồng mới dành cho những tâm hồn đồng điệu có cùng hành trình tìm về lại cội nguồn chân chính nhất của mình. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ về các công cụ và phương pháp luyện tập của họ. Tôi càng chia sẻ, càng nhiều người tham gia cùng tôi và chia sẻ về trải nghiệm chữa lành của chính họ. Tôi càng thích nghi và phát triển, cộng đồng càng phản chiếu sự phát triển đó – như một sự cùng điều chỉnh ở quy mô lớn. Những trao đổi tương hỗ trên mạng xã hội này chính là những tương tác có giá trị nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã tìm thấy cộng đồng của mình, và từ đó, tôi tạo được sức mạnh từ lời nói của mình, sứ mệnh của mình, mục đích cao cả của mình, và sự tồn tại tương hỗ của mình.
SỨC MẠNH CỦA CỘNG ĐỒNG
Nghiên cứu đã cho thấy, cứ 5 người Mỹ thì có 3 người cảm thấy cô đơn84. Theo tôi, con số này thực tế phải cao hơn vì người ta ngại thừa nhận mình cô đơn. Việc thừa nhận mình cô đơn khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn và như lột trần sự thiếu hụt nào đó về cốt lõi của chúng ta: Không ai yêu tôi vì tôi không đáng được yêu. Tôi nghe câu này mà thấm đến tận xương tủy, và chắc hẳn nhiều người cũng cảm thấy vậy.
Chúng ta đều bắt nguồn từ lối sống bộ lạc. Tổ tiên chúng ta dù đến từ đâu thì cũng đã sống theo nhóm để an toàn hơn, để phân chia trách nhiệm lao động, giảm căng thẳng và để có sự hỗ trợ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Dù chúng ta nghĩ mình là người theo chủ nghĩa cá nhân hay cộng đồng thì mỗi người đều cần có người khác bên cạnh để có thể phát triển. Cơ thể và não bộ chúng ta được tạo ra để kết nối.
Kết nối là một phần tất yếu của cuộc sống con người. Không có nó, chúng ta không thể tồn tại. Đó là lý do rất nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng “dịch bệnh” cô đơn ngày nay chính là một vấn đề sức khỏe cộng đồng rất cấp thiết. Cô đơn – cũng như sang chấn – làm tăng tỷ lệ sinh bệnh tự miễn và những bệnh nan y khác. Bác sĩ Vivek Murthy, cựu Tổng y sĩ Hoa Kỳ, đã viết trong cuốn Together: The Healing Power of Human Connection in a Sometimes Lonely World (Cùng nhau: Năng lực chữa lành của sự kết nối giữa con người với nhau trong một thế giới đôi khi rất cô đơn) của mình rằng sự cô đơn “liên quan đến việc tăng rủi ro bị bệnh tim, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ và thậm chí là chết sớm”85. Chúng ta có thể thấy rõ rằng sự thiếu kết nối không chỉ mang lại tổn thương về tâm lý.
Nghiên cứu đã cho thấy những mối quan hệ “nước đôi” (tạo ra những kết nối không hoàn toàn có ích cho chúng ta) cũng gây ra những hậu quả tai hại cho sức khỏe tâm thần và cơ thể ta hệt như sự cô đơn. Cuốn Friendship: The Evolution, Biology, and Extraordinary Power of Life’s Fundamental Bond (Tình bạn: Quá trình phát triển, tính chất sinh học và sức mạnh phi thường của kết nối căn bản nhất của cuộc sống) của nhà báo Lydia Denworth đã nói rằng hơn nửa số cặp vợ chồng có cảm giác nước đôi vừa yêu vừa ghét người bạn đời của mình. Tôi cho rằng những mối quan hệ kiểu này chính là liên kết sang chấn, và không sinh ra từ sự chân thật. Chẳng phải vậy sao? Nếu bạn là một người hiểu rõ và trân trọng mong muốn và nhu cầu của mình, liệu bạn có chọn sống cả đời với một người mà bạn không thực sự yêu thích họ hay không? Rất nhiều mối quan hệ của chúng ta – kể cả những mối quan hệ thân cận nhất – không mang lại ích lợi cho Bản ngã đích thực của ta, vì không có kết nối với trực giác.
Những người có bạn đời, bạn bè và cộng đồng ủng hộ thì họ lại được trải nghiệm hiệu ứng ngược lại: Họ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn. Những mối quan hệ thế này không cần chờ ăn may, mà bạn hoàn toàn có thể đầu tư nỗ lực để tìm ra cộng đồng dành cho mình, ngay cả khi phải đi xa chứ không chỉ bước ngay ra cửa là tìm thấy. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng những kết nối trên mạng cũng có thể có ý nghĩa nhiều như kết nối ngoài đời thực86. Hãy bắt đầu bước ra ngoài để tìm thấy cộng đồng bạn thuộc về. Tin tôi đi, chắc chắn có.
TÌNH BẠN ĐÍCH THỰC
Tương hỗ là trạng thái song phương của một kết nối đích thực, là cùng nhau tồn tại riêng biệt. Chỉ khi ta là một thể trọn vẹn của chính mình, ta mới có thể kết nối một cách đích thực với người khác theo cách có ích cho những nhu cầu của cả hai bên về tâm hồn, cảm xúc và vật chất. Tất nhiên không phải mọi mối quan hệ đều có ích cho chúng ta theo cùng một cách, và không phải mối quan hệ nào cũng có đi có lại ngang nhau. Một khi đã truyền đạt được nhu cầu và ranh giới cá nhân, chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy an toàn. Khi chúng ta tin vào thế giới nội tại của mình và biết chắc rằng mình có công cụ để đối mặt với đủ loại khó khăn mà cuộc sống sẽ mang lại, chúng ta sẽ truyền được niềm tin và cảm giác an toàn đó cho cộng đồng của mình. Cách chúng ta nhìn bản thân định hướng cách người khác nhìn ta, và ngược lại. Tất cả đều liên kết với nhau.
Muốn có những mối quan hệ chân thật, chúng ta cần tập hòa nhập với sự chân thật của chính mình, có vậy ta mới cảm thấy được tín hiệu ping từ trực giác cho biết Đây là người mình nên kết nối và phản ứng với tín hiệu đó. Chắc hẳn bạn đã từng trải nghiệm điều này rồi. Đôi khi chỉ cần một cái liếc mắt là đủ để bạn biết Đây là một người phải hiện diện trong cuộc đời mình, như thể có sự rung động nơi tâm hồn bạn, cho bạn biết rằng bạn và con người này được định sẵn phải đi qua đời nhau.
Điều này đã xảy ra với tôi sau rất nhiều năm nỗ lực kết nối lại với chính mình – có lẽ là cũng vài năm tôi bắt đầu hành trình chữa lành. Khi đó tôi cảm thấy hòa hợp với bản thân nhiều hơn, và việc lan tỏa những thông điệp chữa lành đã giúp tôi trở nên đủ tự tin với những tài nguyên nội tại của mình để biết rằng dù có thể không phải ai cũng đồng cảm với thông điệp của tôi, thì nó vẫn sẽ đến được với đúng người thích hợp.
Đó là lúc tôi gặp Jenna, một trong những thành viên đầu tiên của cộng đồng SelfHealers. Dù là qua mạng nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự kết nối giữa chúng tôi, và tôi luôn đặc biệt chú ý đến những bình luận của cô ấy. Tín hiệu ping từ trực giác đã reo vang qua cả thế giới kỹ thuật số.
Trong phần mở đầu của cuốn sách, tôi có viết về buổi thiền cộng đồng miễn phí khai mở “đứa trẻ bên trong” lần đầu tiên tại bãi biển Venice – sự kiện đầu tiên của tôi với tư cách Nhà Tâm lý học Toàn diện. Sau buổi thiền đó, mọi người đã tụ tập quanh tôi. Tôi chào hỏi tất cả và cảm thấy choáng ngợp bởi sự biết ơn tràn đầy đó. Sau vài tiếng, khi hàng người đã vơi đến cuối, tôi thấy một người phụ nữ ở cuối hàng cười với tôi, hai tay chắp lại trước ngực như cầu nguyện. Dù đã nhìn thấy vô số gương mặt trong ngày hôm đó, nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi lại nghe thấy tiếng ping, ping, ping. Ngay cả trước khi cô ấy lên tiếng, cảm giác quen thuộc gần gũi đã ùa về với tôi như thể tôi vẫn luôn quen biết cô ấy từ lâu, như thể linh hồn chúng tôi vốn đã kết nối sâu đậm từ lâu.
“Tôi là Jenna”, cô ấy nói.
Tôi không tin nổi – trực giác của tôi đã nhận ra cô ấy trong hàng ngàn người. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau, cả hai đều vui mừng vì được kết nối trực tiếp với nhau. Cô ấy bất ngờ đưa tôi bộ bài tarot của cô, trên đó có những hình vẽ rất đẹp. Sự hào phóng của món quà đó – không chỉ là bộ bài mà còn là một phần riêng tư nhất của cô ấy – có ý nghĩa rất lớn với tôi. Tôi luôn giữ nó bên mình trên chặng đường đi qua mỗi thay đổi trong cuộc sống sau này, và nó cũng là một trong số những món đồ ít ỏi tôi mang theo khi chuyển nhà từ Philadelphia đến California một năm sau đó.
Vài tháng sau sự kiện thiền, Lolly và tôi khởi động SelfHealers – một cộng đồng trực tuyến cung cấp các khuôn mẫu và công cụ dùng cho hoạt động chữa lành tự định hướng. Ngày ra mắt đầu tiên đã rất tốt đẹp: Chỉ trong một tiếng đồng hồ đã có 6.000 người đăng ký, làm sập luôn hệ thống. Sau hai ngày, tôi bắt đầu bị khủng hoảng lo âu vì tôi nhận ra tôi đã dấn thân vào một việc quá sức mình. Nhu cầu của mọi người quá lớn, và một mình chúng tôi không đáp ứng nổi.
Ngay khi tôi đang chuẩn bị giơ cờ trắng đầu hàng, tự dưng Jenna nhắn tin cho tôi. Cô nói cô liên lạc với tôi vì từ trong nội tâm có tiếng kêu gọi rất mạnh mẽ. Cô nói: “Tôi rất tâm huyết với chiến dịch này. Chúng ta biết mình có thể tạo ra một thế giới mới, và chúng ta đang thực hiện điều đó đây. Linh hồn tôi được thôi thúc làm điều này. Tôi ở đây để ủng hộ cô và ủng hộ tương lai của chiến dịch này. Chúng ta nói chuyện đi”. Cứ như thể vũ trụ đang nháy mắt với cả ba chúng tôi và gật gù: Phải, khi các bạn chịu mở lòng, ta sẽ đưa các bạn gặp những người phù hợp.
Vậy là một ngày sau, Jenna trở thành thành viên đầu tiên của đội chúng tôi. Từ hôm ấy, Jenna đã luôn là một phần cốt lõi của mọi hoạt động trong chiến dịch toàn diện. Tôi dám khẳng định rằng cuộc gặp gỡ “tình cờ” của chúng tôi xảy ra được chính là nhờ cả hai biết cách lắng nghe giọng nói trực giác của mình. Khi bạn hòa hợp với chính mình, bạn sẽ thu hút những người cũng hòa hợp với chính họ.
CÁI “CHÚNG TA” TẬP THỂ
Như giờ đây chúng ta đã hiểu, chúng ta sinh ra ở trạng thái sẵn sàng thẩm thấu. Sau quá trình học cách tồn tại và tìm đường trong chốn vô định, chúng ta dần xây dựng ý thức tồn tại riêng biệt dựa trên bản ngã của mình và học cách định nghĩa mình qua việc so sánh với người khác. Mình là thế này, không phải thế kia. Mình thích những thứ này, không thích những thứ kia. Sự phân tách này tạo ra một câu chuyện khắc họa “chúng ta” khác với “họ”, “bên ngoài” khác với “bên trong”. Với những người lớn lên trong những gia đình bị lệ thuộc (như tôi), sự khắc họa mang tính so sánh giữa chúng ta an toàn ở bên trong với họ ở bên ngoài là một phần ăn sâu vào căn tính cốt lõi của họ.
Quá trình chữa lành đưa chúng ta quay về kết nối với Bản ngã đích thực của mình – điều định hình chúng ta khi mới chào đời. Nhiều người thậm chí không dám nghĩ tới chuyện quay về trạng thái dễ tổn thương đó, vì cái tôi của chúng ta quá nhạy cảm và quá tập trung vào chuyện giữ an toàn cho ta. Đó là lý do chuyện “ta là ai” bị ràng buộc vào sự đối nghịch với “họ”. Khi ở trạng thái này, ta không thể kết nối với cái “chúng ta” tập thể, hay với các mối liên kết giữa con người với nhau. Lột dần từng lớp tâm hồn, học về cách ta từng bị điều kiện hóa, tách bản thân khỏi những niềm tin của mình, quan sát các trạng thái của cơ thể mình – đây là những điều giúp chúng ta biết trân trọng những điểm giống nhau không chỉ với những người ta yêu thương mà còn với cộng đồng của chúng ta và với thế giới rộng lớn.
Khi tất cả cùng ở trong trạng thái tập thể như vậy thì đó là lúc chúng ta bắt đầu tiến hóa để trở thành một xã hội vị tha và tương hỗ. Khái niệm vị tha nghe có vẻ trái ngược với động cơ tiến hóa “kẻ mạnh nhất mới có thể sinh tồn”, nhưng thực tế thì nó vốn đã là một phần tất yếu với sự tồn tại bền bỉ của loài người.
Thời kỳ bộ lạc, việc cho phép mỗi cá nhân thể hiện sự độc đáo của mình giúp các nhu cầu của tập thể lớn được thỏa mãn. Mỗi mảnh ghép đều có chức năng riêng. Là một phần của cái “chúng ta” tập thể, nhu cầu của một người chính là nhu cầu của mọi người.
Chúng ta chỉ có thể đạt được sự thống nhất tập thể này khi hệ thần kinh của chúng ta ở trạng thái rộng mở và đón nhận các kết nối. Vậy nghĩa là chúng ta cần phải vào trạng thái bình tĩnh, cân bằng để có thể kết nối với người khác và quan tâm chăm sóc người khác. Khi đã ở trong trạng thái kết nối xã hội và cảm nhận hạnh phúc từ điều đó, cũng như khi ở trong môi trường ổn định và thoải mái, mức độ căng thẳng sẽ giảm xuống, thần kinh phế vị sẽ đưa chúng ta vào trạng thái thư giãn ta khao khát, và ta sẽ vào được trạng thái thể hiện bản thân thật hạnh phúc, tự nhiên, chữa lành và kết nối một cách tốt nhất. Để có được cảm giác hợp nhất chân thật, cơ thể chúng ta phải cảm thấy tuyệt đối an toàn.
Thông qua quá trình đồng điều hòa, tình trạng sinh lý của chúng ta sẽ báo mức độ an toàn đó cho người khác biết. Tình trạng nội tại của chúng ta thường được phản chiếu qua những người quanh ta. Có thể nói thế giới nội tâm của mỗi người đều mang tính “truyền nhiễm”: Khi chúng ta cảm thấy an toàn, người khác cũng cảm thấy an toàn; và chiều ngược lại cũng đúng. Đây là lý do chính vì sao nhiều người cảm thấy không thể kết nối: Vì một phần rất lớn chúng ta đều đang sống với hệ thần kinh không được điều hòa tốt, vậy nên chúng ta thật sự không cảm thấy đủ an toàn để kết nối với người khác. Từ đó, chúng ta càng lúc càng thấy cô đơn hơn, bệnh tật hơn, và ít khả năng đối mặt với căng thẳng trong cuộc sống hơn. Theo thời gian, vòng lặp tai ác này cứ xoay mãi, đẩy chúng ta xuống cái vòng xoáy của sự mất kết nối và đủ loại bệnh tật – tình trạng tiến thoái lưỡng nan tồi tệ nhất. Chúng ta bị mắc kẹt trong các lựa chọn phản ứng: chiến, biến, đóng băng một cách bị động, và điều đó khiến ta không thể nào tạo ra được các kết nối chân thật về mặt sinh lý. Tình trạng này sẽ nhiễm sang những người xung quanh ta, và họ sẽ buộc phải tiếp thu nó rồi góp phần khiến dịch bệnh cô đơn và mất kết nối toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng mất khả năng kết nối với người khác này không chỉ xảy ra giữa những người thân cận như gia đình hay bạn bè mà còn với cái “chúng ta” tập thể lớn hơn. Chúng ta đều không chỉ đang vật lộn một mình. Bạn không chỉ là một bánh răng đơn lẻ. Tình trạng nội tại của bạn định hình những người quanh bạn, dù là theo hướng tốt hay xấu.
Khi cảm thấy an toàn, chúng ta sẽ đủ thoải mái để biểu đạt tình trạng nội tại của mình, dù nó có đang bị điều hòa kém hay đang tiêu cực, vì ta biết với sự giúp đỡ của cộng đồng thì ta sẽ có thể trở lại trạng thái ban đầu. Chính những người không bao giờ gây hấn hay bất đồng ý kiến lại đang bị giam trong một hệ thống rối loạn điều hòa, gây cản trở ảo cho những phản ứng căng thẳng của họ. Nhà tâm lý hôn nhân gia đình Vienna Pharaon87 giải thích: “Việc giữ hòa khí cho qua chuyện dù bất đồng ý kiến chính là một dạng ‘hợp đồng’ giữa các cặp đôi, tuy giúp họ giữ được hòa khí nhưng lại cản trở sự thân mật”. Muốn có được sự thân mật, chúng ta phải bộc lộ được Bản ngã đích thực (dù có những lúc nó tối tăm đến đâu) mà không sợ bị hiểu sai hay sợ đối mặt với chỉ trích, trừng phạt. Trong không gian an toàn của sự tôn trọng lẫn nhau, chúng ta sẽ có thể bộc lộ những khác biệt của mình mà không cần phải lo sợ, và rồi vẫn trở về được trạng thái cân bằng nội môi. Chúng ta có một trạng thái nghỉ ngơi cốt lõi hoàn toàn trong tầm với, và việc hiểu được điều đó sẽ cho ta khả năng linh hoạt để chịu được sự khó chịu. Cứ qua những khoảnh khắc rối loạn điều tiết dẫn đến những khoảnh khắc cùng điều chỉnh – việc trải nghiệm các vòng lặp đó sẽ giúp tất cả chúng ta xây dựng một niềm tin cốt lõi và sự tin tưởng vào những tài nguyên nội tại này.
Một điều quan trọng cần lưu ý là những hệ thống đang “bệnh” hoặc đang rối loạn – ví dụ như ở những người thuộc cộng đồng da đen, bản địa và da màu – sẽ khiến việc trở về trạng thái cân bằng cốt lõi trở nên bất khả thi, bởi vì từ đầu trạng thái đó vốn không tồn tại. Những người này không ngừng bị mắc kẹt trong một hệ thống mà từ khi sinh ra đã không khỏe mạnh và không cân bằng. Trong một môi trường phân biệt chủng tộc, những thay đổi mang tính hệ thống tuyệt đối cần thiết cho cộng đồng và những cá nhân trong cộng đồng đó, để họ có sự an toàn cơ bản tạo điều kiện cho việc chữa lành.
Một cộng đồng tương hỗ lý tưởng sẽ là nơi mà mọi thành viên đều có cơ hội phát triển sự mềm dẻo của mình để có thể chuyển hóa những căng thẳng của cuộc sống và quay về được căn nhà an toàn của mình. Khi các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài hiện diện, mạng lưới tương hỗ sẽ có thể phản ứng bằng cách tái cân bằng. Bằng cách xây dựng các kết nối mang tính hỗ trợ, đồng thời giữ liên lạc với thế giới nội tại một cách có chủ đích, tất cả mọi người đều được lợi. Đó chính là cốt lõi của sự tương hỗ, cái cốt lõi kết nối toàn nhân loại. Không có “phe ta”, cũng không có “phe họ”.
Việc đồng nhất mình với cái “chúng ta” tập thể sẽ tạo tiền đề để kết nối với tập thể lớn hơn vượt tầm hiểu biết của con người. Đó có thể là việc tâm sự với một vị thần thánh, Đấng tối cao mà bạn chọn, hay với tổ tiên của bạn. Đó có thể là việc chứng kiến con mình chào đời, dành thời gian tận hưởng thiên nhiên, hay đắm mình vào một loại hình nghệ thuật khiến bạn thực sự rung động. Đó là trải nghiệm hợp nhất quy mô lớn, nhưng đồng thời cũng có giá trị trong từng khoảnh khắc nhỏ nhất, tạo cảm giác choáng ngợp tuyệt vời khó mà miêu tả được88. Theo nhiều nhà nghiên cứu, quá trình tiến hóa đã tạo ra cách phản ứng trước sự bất định là gốc của cảm giác này. Quá trình trải nghiệm và thử nghiệm nhiều cách để hiểu những điều chưa biết, những bí ẩn của cuộc sống thúc đẩy tổ tiên của chúng ta kết nối với nhau. Ví dụ, khi xem nhật thực, cảm giác choáng ngợp chung sẽ kết nối chúng ta lại để cùng trân trọng cái đẹp và sự đáng kinh sợ của cuộc sống, từ đó giúp chúng ta cảm thấy an toàn hơn.
Cách duy nhất để giúp bản thân đón nhận cảm giác choáng ngợp chính là mở con mắt tâm trí mình ra và nhìn con người, nhìn thế giới rộng lớn quanh ta. Sự thật về sự tồn tại của chúng ta nằm trong linh hồn riêng, mà linh hồn ấy đặc biệt nằm ở phần cốt lõi của mỗi người. Tù trưởng Nai Đen của bộ lạc Oglala Sioux từng nói: “Sự bình an đầu tiên là sự bình an quan trọng nhất. Nó bắt nguồn từ linh hồn của mỗi người vào khoảnh khắc họ nhận ra mối quan hệ của họ với vũ trụ, nhận ra sự Hợp nhất đó cùng mọi quyền năng của nó, và nhận ra Linh hồn Vĩ đại ở trung tâm vũ trụ, và rằng cái trung tâm này thực chất tồn tại ở mọi nơi và ở bên trong mỗi chúng ta”.
Tôi đã nói ở đầu cuốn sách rằng những trải nghiệm thay đổi cuộc đời rất hiếm khi xảy ra trong cái bối cảnh điển hình của sự huyền diệu: trên một đỉnh núi hay ở một dòng suối chảy róc rách. Sự tiến hóa của linh hồn có thể là một quá trình rất lộn xộn, nhưng một khi bạn đã bỏ công sức để chữa lành cơ thể, tâm trí và linh hồn mình, để rồi có khả năng kết nối với vũ trụ rộng lớn hơn, khi đó bạn sẽ thấy sự siêu nghiệm với vô vàn hình thái của nó là điều hoàn toàn có thể chạm tới. Khi bạn gỡ được lớp màn che của cái tôi và kết nối với phần thuần khiết nhất, chân thật nhất của bản thân, khi bạn liên lạc với cộng đồng của mình bằng tinh thần lĩnh hội rộng mở nhất, sự thức tỉnh sẽ tới. Và trong những khoảnh khắc đó, sự khai sáng chân chính nhất và sự chữa lành hoàn toàn là những điều có thể đạt được.
Thông qua việc chữa lành bản thân, bạn sẽ chữa lành cả thế giới quanh mình.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: ĐÁNH GIÁ CÁC MỐI QUAN HỆ TƯƠNG HỖ CỦA BẠN
Với nhiều người, nhất là những người giống tôi, từng chịu sự điều kiện hóa một cách lệ thuộc trong quá khứ, các bạn sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng các mối quan hệ tương hỗ. Để bắt đầu, các bạn có thể tham khảo những bước sau:
Bước 1. Đánh giá mức độ tương hỗ (hoặc không tương hỗ) của chính mình hiện giờ. Để phát triển nhận thức, hãy dành thời gian quan sát mức độ tương hỗ của chính mình bằng cách đánh giá các khía cạnh sau.
Bạn có thấy thoải mái với việc thiết lập và giữ những ranh giới cá nhân thật rõ ràng trong mọi mối quan hệ không? Hay bạn cần thời gian để xác định và thiết lập một số ranh giới mới?______________________
Bạn có dành không gian để giao tiếp cởi mở và không gian để xử lý cảm xúc cho cả bản thân lẫn người khác không? Hay bạn cần thời gian trước khi giao tiếp để xác định cảm xúc của mình và nhận thức khi nào mình cần tạm nghỉ?______________________
Bạn có thấy được tự do nói ra sự thật và nói về hiện thực của mình không, ngay cả khi chúng không tương thích với những sự thật và hiện thực của người khác? Hay bạn vẫn cảm thấy sợ, xấu hổ và tội lỗi vì bạn tưởng tượng người khác sẽ phản ứng ra sao?______________________
Khi hành động, bạn có nắm rõ ý định của mình không? Bạn có biết điều gì thúc đẩy các lựa chọn của mình không? Bạn có nhận biết được điều bạn tìm kiếm từ các trải nghiệm và các mối quan hệ của mình là gì không? Hay bạn cần nhiều thời gian luyện tập việc tự quan sát chính mình hơn?______________________
Bạn có thể quan sát cái tôi (và phần tối) của mình mà không cảm thấy phải phản ứng trước từng ý nghĩ một không? Hay bạn cần thêm thời gian luyện tập khám phá các khía cạnh này qua những trải nghiệm hằng ngày?______________________
Bước 2. Xây dựng sự tương hỗ. Hãy dựa vào danh sách trên để xác định những khía cạnh bạn muốn trau dồi thêm và bắt đầu đưa ra những lựa chọn có ích cho mục tiêu đạt được sự tương hỗ của bạn. Bạn nên bắt đầu từ một khía cạnh trước, mỗi ngày hãy luyện tập đề ra mục đích tạo nên thay đổi – theo các ví dụ dưới đây.
NHẬT KÝ TÔI TƯƠNG LAI: TẠO NÊN SỰ TƯƠNG HỖ
• Hôm nay mình sẽ tập tạo nên sự tương hỗ trong các mối quan hệ của mình.
• Mình thấy biết ơn vì có cơ hội được tạo ra những mối quan hệ chất lượng hơn.
• Hôm nay mình sẽ có thể thể hiện chính mình một cách chân thật nhất mà vẫn cảm thấy không mất kết nối với người khác.
• Những thay đổi ở khía cạnh này sẽ giúp mình cảm thấy được kết nối với Bản ngã đích thực của mình hơn, với những nhu cầu của mình trong mọi mối quan hệ hơn.
• Hôm nay mình sẽ để ý khi mình chia sẻ thật lòng với bạn đời về cảm giác của mình trong lần cãi nhau gần đây.
Cảm ơn bạn vì đã dũng cảm, đã giữ ý thức cởi mở và niềm tin cần thiết để đi cùng tôi trên hành trình này. Hãy nhớ rằng hành trình này luôn luôn tiếp diễn, nó tiến hóa và thay đổi theo sự phát triển và thay đổi của bạn. Mục tiêu của tôi là giúp bạn thấm nhuần được sự thật rằng chữa lành là điều hoàn toàn khả thi. Một khi bạn bắt đầu hành trình chữa lành, cuộc sống của bạn sẽ là minh chứng mạnh mẽ cho điều đó. Xin gửi bạn phần “Một ngày thực hiện hành trình chữa lành trong đời”. Tôi mong bạn hãy coi nó như một bản hướng dẫn cơ bản và thiết kế hành trình chữa lành theo cách riêng của bạn. Điều gì bạn cộng hưởng được thì hãy tiếp thu, điều gì không thì cứ bỏ qua. Chính bạn là người chữa lành tuyệt vời nhất của bạn.
MỘT NGÀY THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH TRONG ĐỜI
CÂN BẰNG CƠ THỂ:
• Khám phá những nhu cầu thể chất của cơ thể bằng cách trả lời những câu hỏi sau:
■ Những loại thức ăn nào khiến cơ thể bạn cảm thấy lành mạnh, và những loại nào khiến cơ thể thấy không ổn?
■ Bạn cần bao nhiêu thời gian ngủ (và giờ giấc thế nào) để cơ thể bạn cảm thấy được phục hồi?
■ Vận động bao nhiêu (và vào lúc nào) giúp cơ thể bạn xả được những uất ức đã tích tụ lại?
• Cân bằng hệ thần kinh bằng các hoạt động tác động lên thần kinh phế vị như tập thở, thiền, yoga mỗi ngày.
CÂN BẰNG TÂM TRÍ:
• Mỗi ngày hãy có nhiều khoảnh khắc tỉnh thức và quan sát chính mình hơn.
• Hãy xác định đâu là câu chuyện từ cái tôi, đâu là phần tối của mình, và hãy để ý cách những câu chuyện chủ quan của bạn kích thích những phản ứng cảm xúc và hành vi đối phó ra sao.
• Xây dựng mối quan hệ hằng ngày với đứa trẻ bên trong mình và hãy bắt đầu nuôi dạy lại chính mình – nuôi dưỡng người cha, người mẹ thông thái bên trong để giúp bạn nhận biết và đáp ứng những nhu cầu về thân thể, cảm xúc và tâm linh đặc thù của bản thân bạn.
TÁI KẾT NỐI VỚI LINH HỒN MÌNH:
• Hãy khám phá và tái kết nối với những mong muốn và khát khao sâu kín nhất của mình. Hãy tập thể hiện Bản ngã đích thực trong mọi khía cạnh của cuộc sống.