Khi tôi bắt đầu nghĩ về việc viết cuốn sách này và tổng kết lại mọi khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc đời làm việc cũng như trong cuộc sống cá nhân mà tôi muốn chia sẻ, có rất nhiều việc tôi không nhớ nổi. Não tôi khi đó vẫn đang phải xử lý những hậu quả từ sang chấn tuổi thơ, và tôi vẫn đang vật lộn với những kiểu phản ứng của hệ thần kinh khiến tôi bị tách rời và mất kết nối với quá khứ. Quỹ ký ức của tôi có rất nhiều khoảng trống, nhưng điều khiến tôi khó chịu nhất là việc tôi không thể nhớ chính xác được một câu nói tôi từng thấy khi đi ngang Bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở thành phố New York. Câu nói đó đã khai mở tâm trí tôi về khái niệm của sự ý thức và đưa tôi vào một trạng thái sống mới, nhưng dù tôi có cố gắng đến đâu, có tìm kiếm đến đâu, và có cố gom bao nhiêu cuốn catalog về các buổi triển lãm đi nữa thì tôi vẫn không tìm được nó.
Và công cuộc thích nghi với cuộc sống mới ở California vẫn tiếp diễn. Khi bắt đầu phát triển một kế hoạch sinh hoạt hằng ngày, tôi nhận thấy khi mất cân bằng, tôi thường phản ứng bằng cách quay lại những khuôn mẫu cũ. Tôi bắt đầu nuối tiếc cuộc sống cũ. Dù tôi hoàn toàn biết cuộc sống đó không hề có ích cho con người tối ưu của tôi, Nicole cũ vẫn cảm thấy đó là một cuộc sống an toàn và quen thuộc.
Trong lúc những rối loạn cá nhân này đang xảy ra thì về công việc, thông điệp của Nhà Tâm lý học Toàn diện lại lan truyền đến chóng mặt khắp thế giới – hơn hai triệu người theo dõi những bài đăng của tôi trên mạng xã hội và tích cực thực hiện hành trình chữa lành ở những mức độ mà tâm trí tôi thậm chí không nắm bắt nổi. Tôi cảm thấy rất phấn khởi, thấy được đền đáp – thật đấy, nhưng mặt khác cũng thấy quá tải. Đứa trẻ bên trong của tôi rất khao khát được nhìn thấy, được yêu thương, nhưng lại bắt đầu run sợ trước áp lực của quá nhiều cặp mắt nhìn vào mình. Tôi sợ bị hiểu sai, và khi bất khả kháng điều đó xảy ra, tôi thấy mình là một kẻ thất bại.
Rồi đại dịch Covid toàn cầu nổ ra, và chúng ta bị buộc phải nhìn thật rõ mọi việc. Đâu đâu cũng đau khổ và chịu đựng. Tất cả chúng ta đều cùng chịu cảnh bị giam hãm, phải chật vật về cả năng lượng lẫn cơ thể trong một thế giới mới vô lý. Mức độ căng thẳng tăng vọt. Cũng như nhiều người khác, lần đầu tiên trong nhiều năm qua tôi cảm thấy không muốn tận tâm với con đường của mình nữa. Sự thiếu tận tâm đó thể hiện qua nhiều việc nhỏ, như tôi không tự nấu ăn nữa dù đó vốn là một hành động chăm sóc bản thân hằng ngày mà tôi từng rất thích. Tôi vẫn luôn tận hưởng việc chăm sóc về dinh dưỡng cho bản thân và những người tôi yêu, nhưng trong kỳ giãn cách, tôi chẳng có nổi năng lượng để nấu một bữa cơm. Một buổi tối nọ, Lolly, Jenna và tôi lướt điện thoại và quyết định gọi pizza. Chúng tôi tìm thấy một quán có đế bánh không gluten. Tôi chưa từng thử quán này bao giờ, cũng chưa từng nghe về nó, nên chúng tôi chỉ quyết định dựa trên các đánh giá trên mạng.
Hộp pizza được đặt ở cửa nhà tôi, và khi cầm nó lên ngang tầm mắt, tôi thấy ở cạnh hộp có mấy chữ xinh xinh. Tôi đọc nó, và suýt đánh rơi luôn cái hộp. Thông điệp này đã được “giao” tới ngay cửa nhà tôi: “Thứ ta nhớ không phải là ngày tháng, mà là những khoảnh khắc – Cesare Pavese”.
Và nó chính là câu nói ở Bảo tàng Nghệ thuật Rubin mà tôi vẫn luôn tìm kiếm, cái câu đẩy tôi vào vòng xoáy khám phá bản thân. Trong hàng triệu hay hàng tỷ câu nói truyền cảm hứng trên thế giới, chính nó đã về lại với tôi như một tiếng vọng, một lời nhắc nhở rằng tôi đã trưởng thành đến thế nào. Từng khoảnh khắc quá khứ hiện lên trong con mắt tâm trí tôi: khi nước mắt tôi rơi xuống bát yến mạch, cái hồ bơi ở chung cư nơi tôi ngất lần đầu tiên, cảnh tôi đẩy chiếc xe trượt dưới bàn ăn trong ngôi nhà tuổi thơ của mình. Tất cả đều ở đó với tôi, mọi phần tạo nên con người tôi hiện giờ, con người tôi trong quá khứ, và con người tôi sẽ trở thành. Tôi để từng con chữ thấm vào người, và hít thở từ từ. Lòng biết ơn lan tràn khắp mọi tế bào cơ thể tôi.
Cũng không thể nói là chiếc hộp pizza đã đưa tôi thẳng đến bước tiếp theo trong hành trình phát triển cá nhân và tâm linh của mình, nhưng quả là nó đã giúp củng cố niềm tin vào bản thân và nhận thức của tôi. Tôi đã từng không ổn, bị thương và không có ý thức. Giờ đây, tuy vẫn có những vấp ngã, nhưng tôi đang sống đúng theo câu nói đó. Tôi nghĩ, tôi hoàn toàn có thể nói rằng chiếc hộp pizza đã cho tôi tự tin để đưa ra một quyết định có ý thức khác: Tôi quyết định đã đến lúc thích hợp để liên lạc lại với gia đình.
Khi đặt ra giới hạn nghiêm khắc rằng sẽ cắt đứt hoàn toàn liên lạc với họ, đó là điều tôi cần phải làm để biết được mình là ai khi không có sự hiện diện lấn át của gia đình mình. Lần đầu tiên tôi được tự do, tôi đã có thể thấy mình, thấy những điểm mạnh của mình, những điểm yếu đuối, đã gặp được đứa trẻ bên trong và đã biết chấp nhận những tổn thương của mình. Tôi tuyệt đối không liên lạc với gia đình vì tôi không tin mình. Tôi biết khi đó rất dễ để tôi trượt lại vào sự thỏa hiệp cũ. Những ranh giới nghiêm khắc đó đã giúp tôi giữ kết nối với Bản ngã đích thực của mình, từ đó cho phép tôi kết nối một cách chân thành hơn với người khác, và cuối cùng là với các bạn. Đó là nền tảng hoàn hảo để thử liên lạc lại với gia đình. Dường như phải là bây giờ, nếu không sẽ không còn cơ hội nào khác.
Bắt đầu từ một lá thư, chỉ ngắn gọn đơn giản thôi, nói rằng Con đã sẵn sàng để kết nối lại ở mức độ giới hạn nếu cả nhà cũng sẵn sàng và muốn cùng hợp tác để tạo một mối quan hệ mới. Đó như là một sự công nhận rằng tôi đã sẵn sàng mở lại liên lạc. Gia đình tôi đã hồi âm rằng họ hơi do dự, nhưng họ cũng sẵn sàng kết nối lại vì họ cũng đã tận dụng thời gian xa cách để bắt đầu tự chữa lành bản thân.
Tôi không biết mối quan hệ mới này sẽ thế nào. Tôi cho bản thân mình quyền linh hoạt lựa chọn. Tôi tặng mình món quà của sự cởi mở và sự tò mò muốn khám phá những khả năng khả thi về một mối quan hệ bắt nguồn từ sự tin tưởng và yêu thương bản thân, và tôi rất hào hứng được biết nó sẽ đem lại điều gì, không đem lại điều gì cho mình.
Trong từng khoảnh khắc chúng ta đều đang lựa chọn: sống trong quá khứ hay nhìn về phía trước và mường tượng ra một tương lai khác biệt. Khi quay về một hệ thống cố hữu, chúng ta thường có xu hướng lặp lại những khuôn mẫu cũ, dù chúng ta đã làm việc bao nhiêu với bản thân thì vẫn có cái cám dỗ quay lại với những điều kiện quen thuộc nơi tiềm thức. Nhưng chúng ta có thể quyết định mở một cánh cửa mới lạ, không chắc chắn. Giờ đây, tôi biết chắc rằng nếu một hướng đi không có ích cho mình, tôi có thể quay lại, đóng cửa và chọn một cánh cửa mới.
Ngay lúc này chúng tôi đã có thêm nhiều tiến triển. Chị tôi đã bắt đầu hành trình SelfHeal của bản thân, và tôi đã thay đổi từ một người từng phải tham gia trị liệu gia đình thành người góp phần xây dựng lại mối quan hệ của cả nhà từng ngày. Hôm trước khi cha tôi đi vắng, tôi đã gọi cho mẹ để giúp mẹ xoa dịu cảm giác cô đơn mà tôi biết mẹ đang có. Tôi không cảm thấy đó là nghĩa vụ phải giúp mẹ cảm thấy khá hơn, mà tôi làm vậy vì tôi muốn. Và cảm giác rất tuyệt.
Tôi vẫn đang cố giữ thăng bằng trên cây cầu chưa vững tượng trưng cho việc mong muốn sự hỗ trợ từ gia đình này, nhưng tôi làm điều đó theo cách có hiệu quả với mình. Tôi vẫn đang trải qua từng khoảnh khắc một, vẫn luôn nhờ cậy vào sự dẫn đường của trực giác trong mọi lần giao tiếp, nhưng tôi có niềm tin rằng cuối cùng tôi sẽ luôn đưa ra được lựa chọn tốt cho chính mình.
Đó chính là ý nghĩa của hành trình chữa lành: trao quyền lựa chọn cho bản thân. Ta có thể chọn cách ta đối xử với cơ thể mình, cách ta tham gia vào một mối quan hệ, cách ta tạo ra các hiện thực của chính mình và cách ta mường tượng ra tương lai của mình. Dù chọn con đường nào, miễn là bạn chọn nó một cách có ý thức và tin tưởng vào bản thân mình thì bạn sẽ luôn sẵn sàng với bất cứ kết quả nào nó mang lại. Không có bản đồ, hướng dẫn nào cả, không có người dẫn đường nào hay danh sách việc cần làm nào, viên thuốc mầu nhiệm nào có thể chữa lành bạn cả.
Tôi là người tạo nên thế giới của mình, năng lượng và suy nghĩ của tôi định hình thế giới quanh tôi. Đúng là có những thứ nằm ngoài phạm vi kiểm soát của tôi, nhưng chúng ta có quyền quyết định cách mình trải nghiệm cuộc sống. Chúng ta có thể thay đổi cách thể hiện bản thân, cách ta cắt nghĩa môi trường xung quanh và đồng cảm với những người mà ta yêu quý. Chúng ta có thể thay đổi cách ta kết nối với bản thân, và từ đó thay đổi cách ta kết nối với vũ trụ. Luôn có cơ hội để phát triển, tiến hóa và truyền cảm hứng, và những điều này sẽ dần lan tỏa ra cộng đồng. Mục tiêu của cuốn sách này là đưa chúng ta về với bản chất chân thực của mình, về với nhận thức tinh khiết nhất và về với hiện thân của chúng ta trước khi ta bị điều kiện hóa. Chúng ta muốn kết nối lại với cái “chúng ta” tập thể và từ đó chạm được tới khả năng tự trao quyền cho Bản thân sâu thẳm trong mỗi chúng ta.
Không ai trong chúng ta có thể thấy trước được tương lai. Nhưng chúng ta có trực giác, có niềm tin vào bản thân và có những cảm xúc – đây đều là những dữ liệu để ta đưa ra những lựa chọn tốt nhất có thể. Và đó là mấu chốt của việc chữa lành: xây dựng khả năng lựa chọn và tin tưởng vào những công cụ ta dùng để sống trong cuộc đời hữu hạn này, bất kể có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.