Các nhà thơ và nhà huyền học dường như luôn lãnh ngộ được sự thức tỉnh siêu việt ở một nơi thiêng liêng nào đó – trên một đỉnh núi, khi đang chú mục ra biển khơi, bên một dòng suối chảy róc rách, cạnh một bụi cây đang bốc cháy. Câu chuyện của tôi xảy ra trong một túp lều gỗ giữa rừng, khi tôi không kiềm chế được mà khóc nức nở, nước mắt rơi lã chã vào một bát yến mạch.
Lúc đó, tôi đang ở ngoại ô New York cùng với người bạn đời Lolly của mình. Chúng tôi đang thực hiện một chuyến đi tựa như kỳ nghỉ, để trốn cuộc sống thành thị căng thẳng ở Philadelphia.
Trong khi ăn bữa sáng lành mạnh nhưng nhạt nhẽo, tôi nhẩn nha đọc một cuốn sách tâm lý học, thể loại sách đọc “thư giãn” của tôi đấy. Chủ đề ư? Những người mẹ xa cách về tình cảm với con cái. Khi tôi đọc nó – để nâng cao chuyên môn, hoặc tôi tin như vậy – những từ ngữ ấy đã kích hoạt một phản ứng cảm xúc bất ngờ và khó hiểu.
“Cưng đang kiệt sức”, Lolly nói. “Cưng phải nghỉ ngơi một chút. Cố thư giãn đi”.
Tôi gạt cô ấy ra. Tôi không đời nào tin rằng tôi cũng có những cảm giác và trải nghiệm chung ấy như những người khác. Tôi đã nhận ra các triệu chứng tương tự ở rất nhiều thân chủ và bạn bè của mình. Ai không dậy nổi vào buổi sáng vì sợ hãi cả ngày dài trước mắt? Ai lại không bị phân tâm khi làm việc? Ai lại không cảm thấy xa cách với những người mà họ yêu thương? Ai trên thế giới này có thể thành thật nói rằng họ không lê lết qua mỗi ngày chỉ để chờ kỳ nghỉ sắp tới? Chẳng phải những điều này chỉ xảy ra khi bạn già đi thôi sao?
Gần đây tôi “ăn mừng” sinh nhật tuổi 30 của mình và tự nghĩ: Đến lúc rồi chăng? Mặc dù tôi đã thực hiện được rất nhiều ước mơ lúc nhỏ – sống ở một thành phố tôi thích, có phòng trị liệu riêng, tìm được người bạn đời yêu thương – thế nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó thuộc về bản chất trong con người mình đã bị mất, bị thiếu hoặc ngay từ đầu đã không có. Sau nhiều năm sống cùng những người chỉ để lại cho tôi cảm giác cô độc, cuối cùng tôi đã gặp được đúng người, vì cô ấy quá khác biệt so với tôi. Trong khi tôi hay do dự và thường dễ buông thả, thì Lolly lại đầy đam mê và bướng bỉnh. Cô ấy thường thử thách tôi theo những cách thú vị. Lẽ ra tôi phải hạnh phúc hoặc ít nhất cũng thấy hài lòng. Nhưng thay vào đó, tôi cảm thấy không hiểu nổi mình, cách biệt, vô cảm. Tôi chẳng cảm thấy gì cả.
Trên hết, tôi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về thể chất đến mức tôi không thể phớt lờ được nữa. Có một màn sương mù trong não làm đầu óc tôi đôi khi tê liệt đến mức không chỉ quên mất từ ngữ mà còn rơi vào trạng thái hoàn toàn trống rỗng, cực kỳ khó chịu, đặc biệt là trong vài lần hiếm hoi khi tôi đang làm việc với thân chủ. Các vấn đề về đường ruột dai dẳng đã quấy rầy tôi suốt nhiều năm, giờ đang khiến tôi cảm thấy nặng nề và liên tục mệt mỏi. Rồi một ngày nọ, tôi bất ngờ ngất xỉu – bất tỉnh không còn biết gì tại nhà một người bạn, khiến mọi người kinh hãi.
Ngồi trên chiếc ghế bập bênh với bát yến mạch trong khung cảnh thanh bình, tôi đột nhiên cảm thấy cuộc sống của mình đã trở nên trống rỗng đến nhường nào. Trong nanh vuốt của nỗi tuyệt vọng đang có, tôi thấy cạn kiệt sinh lực, nản lòng vì thân chủ không có khả năng tiến triển, tức giận với những hạn chế của bản thân trong khi cố gắng chăm sóc thân chủ và cả bản thân, cảm thấy vô cùng thui chột vì sự uể oải lờ đờ và nỗi bất mãn khiến tôi hồ nghi về mọi thứ. Trở về nhà trong nhịp sống hối hả và nhộn nhịp của thành thị, tôi có thể che đậy cảm giác phiền muộn bằng cách chuyển tất cả những nguồn năng lượng này vào hành động: dọn dẹp bếp, dắt chó đi dạo, lên những kế hoạch bất tận. Cứ làm, làm, làm không ngừng nghỉ. Nếu chỉ nhìn vào bên ngoài, bạn có thể ngưỡng mộ năng suất làm việc xuất sắc của tôi. Nhưng chỉ cần tìm hiểu kỹ một chút, bạn sẽ nhận ra rằng tôi làm việc không ngừng là để đánh lạc hướng bản thân khỏi một số cảm giác có căn nguyên sâu xa chưa giải quyết được. Còn lúc này, ở giữa rừng, không có gì để làm ngoài việc đọc cuốn sách về những ảnh hưởng lâu dài của sang chấn thời thơ ấu, tôi không thể trốn tránh bản thân mình được nữa. Cuốn sách đã gợi lại rất nhiều cảm xúc về mẹ tôi và gia đình mà tôi đã cố đè nén từ lâu. Nó giống như tôi nhìn vào một tấm gương, thấy mình trần trụi, không có gì để xao lãng, và tôi không thích những gì tôi nhìn thấy.
Khi trung thực nhìn lại bản thân về tổng thể, thật khó bỏ qua việc nhiều vấn đề tôi đang gặp phải là sự phản chiếu y như đúc những gì tôi đã chứng kiến trong cuộc đấu tranh của mẹ tôi, cụ thể là mối quan hệ của mẹ với cơ thể và cảm xúc của bà. Tôi đã chứng kiến bà vật lộn với những “con quỷ” dưới nhiều hình thức: những đau đớn về thể chất như đau đầu gối và lưng, các vấn đề tâm lý như lo âu và phiền muộn, lắm khi khiến bà dường như chìm đắm trong suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình và không còn năng lượng cho những việc khác. Từ nhỏ, tôi đã không muốn trở nên giống như mẹ. Tôi cố gắng chăm sóc bản thân bằng cách vận động và tập thể dục (một cách miễn cưỡng). Tôi thậm chí còn chuyển sang ăn chay sau khi kết bạn với một con bò tại khu bảo tồn động vật, việc đó khiến tôi không dám tưởng tượng mình sẽ ăn bất kỳ con vật nào nữa. Chắc chắn, phần lớn chế độ ăn uống của tôi xoay quanh đồ chay giả mặn và đồ ăn vặt thuần chay (bít tết chay Philly là món tôi đặc biệt thích), nhưng ít nhất tôi quan tâm đến những gì tôi nạp vào cơ thể. Ngoại trừ rượu, thứ mà tôi vẫn quá ham mê, đôi khi tôi kiểm soát việc ăn uống đến mức cực đoan.
Tôi luôn nghĩ rằng mình chẳng có gì giống mẹ, nhưng khi các vấn đề về cảm xúc và thể chất bùng phát, tràn vào mọi khía cạnh cuộc sống, tôi mới nhận ra đã đến lúc tôi cần bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ. Và nhận thức đó đã khiến tôi khóc nức nở, nước mắt rơi xuống bát yến mạch sền sệt nóng hổi ấy. Hình ảnh buồn bã, có phần thảm hại này ẩn chứa một thông điệp. Sự tuôn trào cảm xúc ấy quá bất thường, quá xa ngưỡng tính cách điển hình của tôi, đến mức tôi không thể phớt lờ tín hiệu từ linh hồn này. Cơ thể tôi đang kêu gào để tôi chú ý, và giữa khu rừng này không có chỗ nào để tôi trốn tránh nữa. Đã đến lúc phải đối mặt với nỗi khổ của tôi, nỗi đau của tôi, sự tổn thương của tôi và cuối cùng là Con người thật của tôi.
Tôi gọi sự kiện đó là đêm tối của linh hồn, vực sâu của tôi. Chạm đến vực sâu ấy giống như chết đi, và đối với một số người trong chúng ta, nó có thể dẫn chúng ta đến gần cái chết theo nghĩa đen. Tuy nhiên, cái chết sẽ dẫn đến tái sinh, và tôi quyết tâm tìm ra điều gì bất ổn. Khoảnh khắc suy sụp đó đã mang lại ánh sáng, để lộ ra rất nhiều điều về bản thân mà tôi đã chôn vùi. Đột nhiên, mọi chuyện trở nên rõ ràng: Tôi cần tìm cách thay đổi. Tôi không biết rằng khoảnh khắc thấu suốt này sẽ dẫn đến sự thức tỉnh về thể chất, tâm lý và tâm linh, cuối cùng trở thành một phong trào quốc tế.
Ban đầu, tôi tập trung vào nơi mà tôi cảm thấy bức bách nhất: cơ thể. Tôi tự đánh giá về thể chất mình: Tôi cảm thấy ốm yếu thế nào, và chứng bệnh này đang biểu lộ ở đâu? Trực giác cho tôi biết rằng con đường tìm lại bản thể sẽ khởi đầu từ chế độ dinh dưỡng và vận động, thế nên tôi đã tranh thủ nhờ Lolly thúc đẩy tôi cải thiện bản thân, để giúp tôi tiếp tục đối mặt một cách trung thực với việc tôi đã ngược đãi mạch máu của mình thế nào. Mỗi sáng, cô ấy đá tôi ra khỏi giường, nhét tạ vào tay tôi và buộc cả hai chúng tôi phải vận động nhiều lần trong ngày. Chúng tôi đã đào bới các nghiên cứu về dinh dưỡng và nhận thấy rằng nhiều ý tưởng của tôi về những thứ “lành mạnh” chẳng căn cứ vào đâu cả. Chúng tôi cũng tiến hành một nghi lễ vào mỗi buổi sáng kết hợp giữa tập thở và thiền định. Mặc dù lúc đầu tôi tham gia có phần miễn cưỡng và có những ngày lười nhác, có lúc rơi nước mắt, cơ bắp đau nhức, tâm can đau đớn, và nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng sau nhiều tháng, chúng tôi đã duy trì được thói quen tập luyện ấy. Tôi bắt đầu thèm khát thói quen mới này, và chưa bao giờ cảm thấy mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần đến vậy trong suốt cuộc đời mình.
Khi cơ thể đã hồi phục, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về rất nhiều sự thật khác mà tôi từng cảm thấy là hiển nhiên. Tôi đã học được những cách nghĩ mới về sức khỏe tinh thần. Tôi nhận ra rằng sự mất kết nối giữa trí óc, cơ thể và linh hồn có thể biểu hiện thành bệnh tật và rối loạn. Tôi phát hiện ra rằng gene không quyết định số phận của chúng ta. Để thay đổi, chúng ta phải nhận thức về những thói quen và khuôn mẫu tư duy của mình, vốn do những người mà chúng ta quan tâm nhất định hình nên. Tôi đã khám phá ra một định nghĩa mới mẻ và rộng hơn về sang chấn, một định nghĩa có tính đến những tác động sâu sắc về mặt tinh thần mà sự căng thẳng và những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu đã gây ra cho hệ thần kinh của cơ thể. Tôi nhận ra rằng những sang chấn chưa được giải quyết từ thời thơ ấu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tôi mỗi ngày.
Càng tìm hiểu, tôi càng tích hợp những điều mình biết vào những lựa chọn mới hằng ngày mà tôi đang kiên trì thực hiện. Theo thời gian, tôi đã thích nghi với những thay đổi đó và bắt đầu chuyển hóa. Sau khi đã được chữa lành về thể lý, tôi đi sâu hơn, khai thác một số hiểu biết tôi đã học được trong quá trình làm việc lâm sàng của mình và áp dụng chúng vào kiến thức mà tôi đã xây dựng về sự hợp nhất toàn bộ con người – những Bản ngã thể chất, tâm lý và tâm linh của chúng ta. Tôi đã gặp được đứa trẻ bên trong mình, học cách nuôi dạy nó, xem xét những xiềng xích sang chấn đang giữ tôi làm con tin, học cách đặt ra những ranh giới và bắt đầu dấn thân vào thế giới với một sự trưởng thành về mặt cảm xúc mà trước đây tôi chưa bao giờ biết là có thể, vì đối với tôi nó là một trạng thái hoàn toàn xa lạ. Tôi nhận ra rằng công trình nội tại này không chỉ dừng lại bên trong mà còn mở rộng ra bên ngoài bản thân tôi thành mọi mối quan hệ và thành cộng đồng lớn nói chung. Việc khám phá hiểu biết về sức khỏe trí óc – thể chất – tâm linh này sẽ được gói gọn trong các trang tiếp theo, trong đó nêu ra các nguyên lý cơ bản của Tâm lý học Toàn diện (Holistic Psychology).
Tôi đang viết những dòng này trong quá trình bản thân vẫn đang chữa lành. Những triệu chứng lo âu và hoảng sợ của tôi hầu như đã biến mất. Tôi không còn đối kháng với thế giới, và tôi có được nhận thức và lòng trắc ẩn sâu sắc hơn. Tôi cảm thấy được kết nối và hiện diện với những người tôi yêu – và tôi có thể thiết lập ranh giới với những người không tích cực trên hành trình của mình. Lần đầu tiên tôi có ý thức về điều này trong cuộc đời trưởng thành của mình. Tôi đã không nhìn thấy điều đó khi tôi chạm đáy. Tôi đã không thấy điều đó suốt một năm sau. Nhưng hôm nay tôi biết rằng mình sẽ không ngồi đây để viết cuốn sách này nếu không đi đến vực sâu của nỗi tuyệt vọng.
Tôi đã ra mắt trang web The Holistic Psychologist (Nhà Tâm lý học Toàn diện) vào năm 2018 sau khi quyết định chia sẻ cho mọi người những công cụ mà tôi đã khám phá được. Tôi phải chia sẻ. Ngay sau khi tôi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình trên Instagram, nhiều email về sang chấn, chữa lành và khả năng phục hồi cảm xúc bắt đầu đổ vào hộp thư của tôi. Các thông điệp về chữa lành toàn diện của tôi đã cộng hưởng trong tâm trí tập thể, vượt qua thời đại và ranh giới văn hóa. Hiện tại, có hơn ba triệu người theo dõi tài khoản Instagram của tôi và đã trở thành #SelfHealers (Người chữa lành bản thân) – những nhân tố tham gia tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe trí óc, thể chất và tâm linh của họ.
Hỗ trợ cộng đồng này đã trở thành sự nghiệp của đời tôi.
Tôi đã kỷ niệm một năm thành lập The Holistic Psychologist bằng cách tổ chức một buổi thiền định chữa lành đứa trẻ bên trong tại Bờ Tây nước Mỹ để cảm ơn cộng đồng của tôi vì sự hỗ trợ của họ và tạo cơ hội kết nối trong đời thực để kỷ niệm hành trình chung của chúng tôi. Vài ngày trước đó, tôi đã tìm trên Google “các địa điểm ở bãi biển Venice” và chọn bừa một địa điểm để gặp mặt. Tôi đã cung cấp vé miễn phí trên Instagram và hứa rằng mọi người sẽ thấy thích. Chỉ trong vài giờ đã có 3.000 người đăng ký. Thật không thể tin được.
Khi tôi ngồi dưới ánh mặt trời nóng bỏng giữa bãi biển Venice rộng lớn, những người chạy bộ và nhiều người khác ở miền Nam California đang đi lại xung quanh. Tôi ngắm nhìn những con sóng vỗ vào bờ. Lớp cát thô ráp dưới chân và cái lạnh từ mái tóc ướt đẫm nước biển khiến tôi nhận thức sâu sắc về cơ thể mình trong không gian và thời gian. Tôi cảm thấy thật sự hiện diện, thật sự sống động khi đưa tay lên cầu nguyện, hình dung ra những đường đời khác nhau của từng người một trong số những con người đặc biệt đến bãi biển ngồi quanh tôi vào sáng hôm đó. Tôi lướt qua đám đông và bỗng nhiên cảm thấy choáng ngợp trước vô số ánh mắt đổ dồn về phía tôi – một con người luôn ghét trở thành trung tâm của sự chú ý. Rồi tôi mở đầu:
Một điều gì đó đã đưa bạn đến đây. Một điều gì đó bên trong bạn đã đến đây với khao khát được chữa lành sâu sắc. Khao khát đạt tới trạng thái tối thượng của con người bạn. Đó là điều đáng để tôn vinh. Tất cả chúng ta đều có một tuổi thơ tạo nên thực tại ngày nay, và lúc này đây chúng ta đã chọn cách chữa lành quá khứ của mình để tạo nên một tương lai mới.
Phần nào trong bạn biết điều này là sự thật thì chính là trực giác của bạn. Nó luôn luôn ở đó. Chỉ đơn giản là chúng ta đã hình thành thói quen không nghe hoặc không tin những gì nó nói. Có mặt ở đây hôm nay là một bước tiến trong hành trình hàn gắn niềm tin tan vỡ đó trong con người chúng ta.
Trong khi nói những lời đó, tôi nhìn chằm chằm vào một người lạ trong đám đông. Cô ấy mỉm cười với tôi và đặt tay lên ngực trái của mình, như thể muốn nói “Cảm ơn”.
Bất chợt, nước mắt dâng tràn mi. Tôi đã khóc – và đó không phải là những giọt nước mắt đã nhỏ xuống bát yến mạch của tôi những năm trước, mà là những giọt nước mắt của yêu thương, của sự chấp nhận, của niềm vui. Đó là những giọt nước mắt của sự chữa lành.
Tôi là minh chứng sống động cho chân lý này: Thức tỉnh không phải là trải nghiệm thần bí chỉ dành riêng cho các nhà sư, nhà huyền học, nhà thơ. Nó không chỉ dành cho những con người “tâm linh”. Thức tỉnh là dành cho mỗi người trong chúng ta, những người muốn thay đổi – những người chịu đau đớn để chữa lành, để phát triển, để tỏa sáng.
Một khi nhận thức của bạn đã thức tỉnh thì mọi việc đều khả thi.